T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Nguyễn Minh Phúc: CÓ THẬT VẬY KHÔNG

Cái bóng – Tranh: Thanh Châu

Tôi không xem những giòng tôi viết sau đây là một truyện ngắn vì phần lớn mang tính tự sự. Không có hơi hướng nào của văn chương, mở gút, của tình tiết, bố cục… Nó chỉ giản đơn là một câu chuyện riêng tư, đúng hơn là câu chuyện chỉ hai người: mẹ con tôi. Nhưng có điều gì đó cứ xui tôi viết lên. Chỉ viết lên được mới dịu trong tôi nỗi đau, chua xót như muối xát trong lòng. Và tôi viết. Xin bạn đọc lượng thứ cho nếu câu chuyện làm bạn nhàm chán. Còn nếu bạn muốn đọc, thì đây, xin bạn đừng phiền…

… Ngày tôi còn nhỏ, trong trí óc non nớt của mình, câu mà tôi nhớ nhất từ cửa miệng mẹ tôi là: “Có thật vậy không con?”. Bất cứ là chuyện gì, khi tôi kể cho mẹ nghe, bà đều hỏi đúng một câu như vậy. Từ chuyện học hành, bè bạn, thầy cô ở trường ở lớp cho đến những lần đánh lộn u đầu sứt trán với đám bạn nghèo trong xóm. Sau khi xuýt xoa bôi dầu vào những chỗ đau và ôm tôi vào lòng rưng rức khóc, câu nói mẹ tôi thốt ra vẫn là: Có thật như vậy không con…? Riết rồi tôi quen dần với câu nói ấy. Hình như đó là câu nói an ủi tôi, cảm thông chia sẻ với tôi hơn là một câu hỏi, bởi sự việc có gì đâu mà thật hay không thật.

Nhiều khi tôi thấy mẹ tôi lẩm cẩm. Quả là tuổi sáu mươi có làm mẹ già thật nhưng trí óc bà không hẳn như vậy. Bằng cớ là mẹ tôi nhớ rất rõ cả ngày giỗ của ông cố, ông sơ, đến hầu hết mọi người trong họ hàng đã khuất từ bên nội lẫn bên ngoại mà thú thật, có ghi chép, tôi vẫn không nhớ nổi. Mẹ tôi vẫn còn đọc sách báo được và tuy mắt mũi kèm nhèm nhưng bà vẫn kể lại cho tôi nghe một cách rành mạch những câu chuyện cuộc đời trong mục  “nghệ thuật sống” mà bà rất thích. Tóm lại, mẹ không lẩm cẩm như tôi nghĩ mà trái lại là đằng khác. Có điều câu hỏi:  Có thật vậy không con của mẹ như cứ ray rứt như điều gì mà tôi không lý giải được, luôn là một dấu hỏi lớn trong tôi…

*

…Có lần, đâu vào khoảng mười lăm tuổi, tôi nhớ trong một buổi chiều chỉ có hai mẹ con, nhân lúc thấy mẹ đang vui, tôi bỗng buột miệng hỏi:

– Tại sao mẹ cứ hỏi con câu hỏi mà chính mẹ đã biết mười mươi: Có thật vậy không con – là thế nào, hở mẹ?

Mẹ âu yếm nhìn tôi mà không trả lời, đôi mắt mờ đục nhăn nheo, lâu lắm bà mới buông được câu:

–         Khi nào con lớn lên, con sẽ hiểu. Nhất là khi con đã có con… Đó là câu phát ra từ tấm lòng… Mẹ cũng không giải thích được vì sao … Đã là tấm lòng thì không ai giải thích được con ạ !

Và bà chỉ nói vậy rồi lảng sang chuyện khác. Tôi vẫn mong ngày tôi lớn lên, như mẹ nói, chắc chắn tôi sẽ hiểu được câu hỏi cứ vương vất mãi trong đầu: Có thật vậy không con, có thật vậy không con …

*

… Chỉ bốn năm sau đó, khi mười chín tuổi, tôi đã không còn là tôi nữa. Không biết bằng cách nào và vì sao, tôi nghiện hút. Bắt đầu là thử hút chơi với chúng bạn và sau đó không lâu, tôi nghiện lúc nào không hay. Tôi, từ một chàng trai yêu đời, khỏe mạnh bỗng như biến thành một thanh niên bạc nhược, yếu ớt, vàng vọt xanh xao và khi cơn nghiện kéo đến thì  chẳng khác nào một bóng ma quặt quẹo. Tôi sống như con gián ngày, sợ ánh sáng, sợ tiếng động, sợ cả những người thân. Tôi đã lừa mẹ không biết bao nhiêu lần kể cả ăn cắp chút tài sản dưỡng già cuối cùng của mẹ để lao vào thỏa mãn cơn nghiện. Đến khi không còn giấu được mẹ, khi cơn nghiện hành hạ, nước miếng, nước mũi chảy ròng ròng, thì vẫn câu hỏi ngày nào, mẹ ôm vào lòng đau đớn hỏi tôi: Có thật vậy không con, thật vậy không con…

Lúc ấy, tôi như người lên cơn điên, bực bội xô mẹ ra khỏi tôi và tức tối phun ra câu nói tàn nhẫn nhất: Thật đấy mẹ à! Là con nghiện hút thật đấy…Mẹ có nghe con nói không mà cứ phải hỏi hoài câu hỏi vớ vẩn thế…

Tôi vừa cười vừa khóc. Cơn nghiện hành hạ tôi như một con quỷ. Tôi lồng lộn cào xé, tôi la lối thều thào. Nói tóm lại, tôi nhìn mẹ tôi vừa thương vừa giận… Mà tôi giận gì mẹ mình cơ chứ? Giận một người suốt đời lo lắng, nuôi nấng, dạy dỗ tôi ư? Làm sao tôi hiểu được câu hỏi của mẹ tôi: Có thật vậy không con… khi những cơn nghiện càng ngày càng kéo dài, càng ngày càng trầm trọng xé nát cuộc đời tôi …

*

… Điều gì đến cũng đến. Cái kết thúc của những con nghiện cùng giống nhau ở một điều: bi thảm- người thì chết đầu đường, kẻ lên cơn điên, người bệnh nan y, kẻ lâm vào tù tội. Mẹ tôi đã chạy hết mọi đường, bán hết mọi thứ, làm hết mọi chuyện nhưng cũng không cứu được tôi. Sức mạnh của nàng tiên nâu mãnh liệt hơn nhiều lần tấm lòng của mẹ và bởi thế, tôi phải vào tù sau một lần đi ăn cắp. Mà con đường dẫn đến trại giam với tôi cũng không phải một lần. Lần nào mẹ cũng lặn lội tìm đường vào nhà tù thăm tôi. Đứng bên nầy song sắt ngăn cách với người thân, tôi thấy mắt mẹ nhòa lệ. Tôi chỉ biết lặng người hai tay ôm chấn song sắt, lắc lắc đầu nhìn mẹ mà lòng đau như cắt. Mẹ cũng xót xa nhìn tôi, mấp máy đôi môi và tuy không nghe nhưng tôi hiểu đó là câu mình đã thuộc lòng từ bé: Có thật vậy không con…

… Rồi tôi cũng ra tù. Người mà tôi nhìn thấy đầu tiên khi ra cổng trại giam vẫn là mẹ, một mình mẹ. Nhìn cái dáng lom khom, yếu ớt của mẹ, tôi không cầm được nước mắt. Tôi nhủ lòng sẽ cương quyết cai nghiện, sẽ bằng mọi cách không sa vào con đường quỷ ma nầy lần nữa. Tôi sẽ làm tất cả để mẹ vui và bao nhiêu dự định tốt đẹp trong đầu hiện ra từ những ngày đầu tiên về với mẹ. Những ngày vui nhất đời mẹ như mẹ nói là lúc nầy. Như người mộng du, mẹ cứ cầm tay tôi và thì thầm câu hỏi muôn thưở: Có thật vậy không con…

Lúc bấy giờ, trong niềm vui mênh mông và hạnh phúc vô bờ, tôi muốn thốt lên với mẹ rằng: Thật vậy mẹ ạ! Mẹ con ta đã có nhau và chẳng bao giờ con lại dại khờ đánh mất mẹ lần nữa… Hay là mẹ tôi đã lẩm cẩm thật rồi, có đôi khi tôi nghĩ. Tại sao khi có hai mẹ con bên cạnh rõ ràng thế nầy, hạnh phúc tưởng đã mất đi lại tìm được, mẹ cứ phải hỏi câu hỏi vớ vẩn ấy… Bà giờ đã bảy mươi rồi còn gì. Bảy mươi tuổi hình như người ta bắt đầu không còn minh mẫn nữa…

Nhưng rồi những ngày hạnh phúc tuyệt vời bên cạnh mẹ không lâu. Khốn nạn cho tôi là cuối cùng, tôi đã gục ngã dưới bùa phép của những cơn nghiện nghiệt ngã. Không một điều gì kể cả lý trí, tình cảm có thể điều khiển tôi, làm tôi chùn lòng khi lên cơn nghiện. Nó hơn là một sự quyến rũ, hơn cả sự hiện diện của bản thân tôi. Và chính vậy tôi lại sa vào tù tội. Lần nầy không còn là ăn cắp mà là ăn cướp. Tôi đã cướp giật không xót thương những nạn nhân mà tôi không cần biết đó là ai: người bán hàng rong, em bán vé số, bà chủ tiệm vàng giàu có, anh đạp xích lô nghèo hèn… miễn chỉ để thỏa mãn cơn nghiện. Cho đến khi bị bắt, tôi vẫn không hiểu sao mình lại nhẫn tâm, táo tợn như vậy. Ma quỷ trong lòng tôi đã xui tôi làm những việc bỉ ổi và tội ác nhất trên đời. Cái giá tôi phải trả thật không tương xứng với những gì tôi đã gây ra: mười lăm năm tù. Kể cũng đáng đời tôi… Đó là lời tôi nói với ông chánh án. Mẹ tôi ngất xuống trên băng ghế dành cho thân nhân. Người ta còng tay đưa tôi ra xe về trại giam…

Câu cuối cùng mà tôi nghe mẹ tôi nói trong đời, khi cầm tay tôi hồi lâu như không muốn dứt ra lần nào nữa vẫn là: Có thật vậy không con, thật vậy không con…

*

Trong truyện Lỗ Tấn cũng có một bà mẹ, vì một phút lơ đểnh vô tình để đứa con đi chơi trong rừng bị chó sói ăn thịt. Vậy là nhiều năm sau đó, như người tâm thần, bà cứ lảm nhảm đúng một câu: mùa đông năm ấy, thằng nhỏ nhà tôi đi chơi, trời lạnh lắm, tôi lại không coi chừng nên cháu mới bị chó sói ăn thịt…Bà cứ nói câu ấy từ ngày nầy sang ngày khác, phân bua với hết người nầy đến người nọ cũng với bấy nhiêu chuyện, bấy nhiêu tình tiết, không thêm không bớt một lời… Lúc đầu người ta thương hại, thông cảm, an ủi, cho bà quà tặng nhằm làm dịu vết thương quá sâu trong lòng bà. Nhưng dần dần, người ta nghe riết rồi cũng quen tai, xem bà như một kẻ tâm thần, không còn xúc động nữa. Bà cứ kể duy nhất câu chuyện ấy mỗi lần gặp mọi người nhưng không còn ai nghe, không còn ai thương cảm…

… Còn câu nói của mẹ tôi: Có thật vậy không con… lạ thay, cứ theo tôi đi suốt mười lăm năm trời trong trại giam. Khi ăn, khi ngủ, khi lao động cải tạo, khi ngồi nghỉ vào những giờ khắc hiếm hoi trong tù, câu hỏi mẹ lại khắc khoải trong tôi, không thể nào dứt ra được. Mười lăm năm, với tất cả ý chí còn lại, tôi dần dần cai được thuốc. Không phải kỷ luật nhà tù, lại càng không phải lời khuyên răn của ai đó khiến tôi tỉnh ngộ. Mà có lạ không, chính là câu hỏi day dứt ngày nào của mẹ tôi… Tôi đếm từng ngày, từng ngày chờ tự do. Tôi sẽ quỳ xuống bên mẹ tôi và chỉ nói rằng: Cái câu hỏi của mẹ, cuối cùng rồi con cũng hiểu…

Ngày tôi ra tù, mặt trời như bừng sáng hơn, tương lai rộng mở trước mắt tôi. Tôi như lột xác trở lại thành con người khác. Cỏ cây, làng xóm chung quanh như cũng reo vui đón tôi về.

Có điều, niềm hạnh phúc của tôi không còn khi hay tin mẹ tôi đã mất. Tôi lặng người trước căn nhà dột nát của hai mẹ con, nhìn thật lâu vào bàn thờ lạnh tanh từ lâu rồi không ai hương khói. Còn lại tấm hình mẹ tôi đã úa vàng vì thời gian, đôi mắt vẫn như ánh lên nhìn tôi và bật lên câu hỏi: Có thật vậy không con…

*

Tôi ngồi trước mộ mẹ mà rưng trào nước mắt. Mẹ tôi bây giờ không còn trên đời để nghe tôi lập lại chính câu hỏi ngày nào khi hai tay tôi ôm choàng lấy đám cỏ xanh rì  gom lấy hình hài của mẹ mà thốt lên đau đớn:

–         Có thật như vậy không, mẹ ơi…?

Nguyễn Minh Phúc

(Di cảo)

 

 

 

 

 

 

 

Bài Mới Nhất
Search