T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Nguyễn Minh Phúc: Người đàn bà trong bệnh viện

Gió – Tranh: Mai Tâm

Cô y tá gõ cửa phòng trực tìm tôi, gương mặt hốt hoảng:

–    Thưa bác sĩ  …Có một người nhà bệnh nhân đang la hét  dữ lắm ở phòng hồi sức nhi … Không ai can bà ta được.

–       Vì chuyện gì ? Tôi hỏi .

Cô trả lời, giọng còn run:

– Bà ta có đứa con trai bị sốt nặng. Bà làm ầm ỷ khi bác sĩ trực không cho con bà vào cấp cứu trước các ca khác. Tệ hơn, bà còn lăn lộn, chửi bới loạn xị cả lên … Tôi phải làm gì bây giờ …

Tôi đang bực bội tìm mấy tập bệnh án của khoa nhi nên không nhìn lên, sẳng giọng:

– Thế bảo vệ đâu! Mời bà ta ra ngoài phòng cấp cứu. Bảo với bà nơi đây không phải là cái chợ …

Thấy tôi chuẩn bị nổi nóng, cô y tá không dám nói gì thêm, lật đật bước ra khỏi phòng, mặt còn tái xanh … ….Lại thêm chuyện rắc rối … Ôi ! Cũng là đàn bà … 

Vâng! Làm việc ở bệnh viện nầy chục năm có hơn, không phải vơ đũa cả nắm nhưng tôi toàn thấy những việc rối rắm, phức tạp, khó giải quyết phần lớn là do phụ nữ gây ra. Nhất là những người đàn bà nóng ruột vì chồng,  con phải nhập viện. Thân nhân đau một chút, sốt một chút hay có triệu chứng gì  hơi bất thường chút đỉnh, thế là đủ cho họ bù lu bù loa, kiếm hết bác sĩ  nầy đến y tá nọ phân bua, cầu cứu, giống như trời sắp sập không bằng! Trực đêm, nhiều khi tôi không thể chợp mắt bởi những chuyện đại loại như: sao cháu đi cầu nhiều quá, cháu đái ít quá hay sao bỗng nhiên cháu khóc dữ  quá hoặc sao thấy cháu nằm im, không khóc lóc gì cả  …Thú thật, là bác sĩ , tôi rất thông cảm và sẵn lòng chia sẻ, giúp đỡ trước nỗi lo lắng của người nuôi bệnh. Nhưng riết rồi tôi không chịu nổi cái cảnh mà hở một chút là lên phòng tôi đập cửa dù nửa đêm hay gần sáng vì những chuyện không có gì. Lại có những phụ nữ không dám gõ cửa, cứ đứng hết giờ nầy đến giờ khác trước hành lang, mặt bàng hoàng , thất sắc, dáo dác nhìn vào phòng tôi qua khung cửa kiếng … Thế thì có là trái tim bằng sắt mới thản nhiên mà nằm yên được …

Rắc rối nữa là ở chỗ khoa tôi phụ trách đang có nhiều vấn đề mà mới đây, trong cuộc họp toàn bệnh viện, ông giám đốc đã lưu ý. Có dư luận cho rằng một vài bác sĩ và y tá trong khoa nhi thông đồng, móc ngoặc với các thân nhân người bệnh để ưu tiên về các thủ tục cũng như thuốc men điều trị cho họ. Tôi là bác sĩ  trưởng khoa không thể nói không có trách nhiệm trong vụ nầy.Trong lúc tôi đang tìm cách làm cho sự việc dịu đi thì lại có chuyện …

     Tôi xếp tập bệnh án, chuẩn bị đến phòng cấp cứu xem sự việc thế nào thì một người đàn bà, mái tóc rối tung, gương mặt giận dữ với đôi mắt tức giận đỏ sòng sọ, chạy lao vào phòng tôi mà không cần gõ cửa:

–       Ông …Ông là bác sĩ trưởng khoa … Tôi cần gặp ông … Tôi kiện …Tôi thưa …

Không kìm được cơn giận, tôi lớn tiếng:

–       Nầy .. nầy … Bà biết bà đang ở đâu không? Đây là phòng trực của bác sĩ … Nếu là việc thưa gửi, xin bà đến công an hoặc viện kiểm sát … Ở đó, người ta sẽ nghe bà …

Người đàn bà sưng mặt lên nhìn tôi như để kiếm chuyện:

– Không!  Người tôi thưa là các bác sĩ, y tá của ông chậm cấp cứu con tôi mặc dù tôi mang con đến trước … Tại sao … Tại sao lại không cho con tôi vào cấp cứu trước trong khi tôi đã làm đủ các thủ tục, đã đóng tiền  … Lỡ cháu có chuyện gì, ai sẽ chịu trách nhiệm …Bác sĩ mà không giải quyết, tôi thưa tới. . .

Đến nước nầy, tôi biết, càng nổi nóng sẽ sinh thêm chuyện rắc rối nên tìm cách làm cho bà ta bình tĩnh:

–       Khoa nhi có bộ phận bác sĩ trực suốt ở phòng cấp cứu. Chị phải biết cháu nào nhập viện cần vào trước, cháu nào vào sau tuỳ theo mức độ nguy hiểm của từng bệnh chứ! Chị la lối để được gì nào … Thôi được! Tôi sẽ xuống dưới đó ngay bây giờ … Chị bình tĩnh để tôi giải quyết.

Người đàn bà nghe tôi giải thích như vậy vẫn không hài lòng. Bà tru tréo lên:

–    Trời đất ơi, ngó xuống mà coi! Con tôi vô trước thì không được chăm sóc còn người ta có tiền thì được ưu tiên … Chỉ tại tôi nghèo … Lỗi tại mẹ nghèo, con ơi …

Đến đây thì tôi không còn chịu được nữa! Cơn nóng giận từ đâu bất thần ập đến làm tôi run lên:    

–    Chị … gì … Tôi nói cho chị biết: chị không được xúc phạm đến chúng tôi.  Đây là bệnh viện nhà nước, không phải chị muốn nói gì  cũng được. Và bác sĩ, y tá chúng tôi không phải ai cũng tiêu cực như chị nghĩ.  Nhưng thôi, tôi không muốn nói chuyện với chị … Mời chị ra khỏi phòng tôi …

 Lúc tôi hiểu được thế nào là sự dại dột của mình khi làm người phụ nữ điên lên thì đã muộn! Người đàn bà  như lao bổ vào tôi, cứ việc nắm lấy cái áo blouse trắng tôi đang mặc mà lôi kéo, miệng thì la hét ỏm tỏi đến nổi tôi không thể dứt ra được nữa. Trong đời làm nghề chưa bao giờ tôi phải lâm vào tình cảnh dở khóc dở cười nầy … Không thể chạy đâu cho thoát  trong căn phòng chưa đầy mười mét vuông, tôi co rúm người chịu trận cho đến khi các bác sĩ  ở phòng trực gần đó kéo người đàn bà  ra ngoài …

*

… Cuối cùng, chỉ còn cách xoa dịu chị ta:

-Thôi! Chuyện đâu còn có đó, tôi hứa sẽ giải quyết cho chị! Chị nên bình tĩnh, con bệnh ai chẳng nóng ruột … Tôi sẽ xuống xem bệnh rồi cho con chị vào phòng cấp cứu ngay … Chị đồng ý chưa …

 Đến giờ mới thấy người đàn bà làm thinh. Vuốt cho ngay ngắn chỗ vết nhăn  áo choàng vừa bị níu kéo khi nãy, tôi lắc đầu ngao ngán bước theo người đàn bà xuống phòng bệnh. Chưa từng thấy ai như chị nầy, tôi vừa đi vừa nghĩ! Đàn bà thì cũng có năm bảy loại, người đâu mà hung dữ, nanh nọc đến thế! Đồng ý chị nóng ruột vì bệnh tình của con mình  nhưng dù sao tôi cũng là bác sĩ, lại làm ầm ỹ, chửi bới, níu kéo ngay tại phòng trực của tôi. Thật ra, tôi không sợ gì chị ta đến nỗi phải năn nỉ để chị nín miệng nhưng quả là tôi lo cho khoa tôi. Không biết có gì tiêu cực xảy ra trong ca trực nầy không nhưng tôi nghiệm thấy chị có lý. Con chị nhập viện trước, làm thủ tục xong, đóng tiền rồi, thế mà sao lại không cho điều trị trước.Cũng phải nói thêm rằng lúc nầy khoa nhi chật cứng, hai ba cháu phải nằm một giường vì dịch sốt. Nhưng lý ra, bệnh nhân càng nhiều thì càng phải tuân thủ các chế độ công bằng mới đúng chứ, nhất là với những đứa trẻ! Nghĩa là cháu nào vào trước, điều trị trước … Hay là …

 Nhưng quả là tôi không ưa gì chị ta! Tính tình gì mà nóng nảy, cộc cằn  thậm chí nói là hung dữ cũng được. Người như thế chỉ chuốc lấy thất bại trong mọi chuyện … Nếu tôi trực trong ca ấy, chưa chắc tôi đã cho con chị cấp cứu trước …

Tôi hỏi cô y tá khi bước vào phòng bệnh:

–    Cháu ấy đâu? Con của chị la hét om sòm nãy giờ đó!

Cô y tá chỉ vào chiếc giường sát tường:

–  Đó! Thằng bé mặc áo hồng đó, thưa bác sĩ! Mới cặp nhiệt độ xong. Cháu sốt cao đến 38, 39 độ. Lại ói mửa …

–  Thế sao không cho vào phòng cấp cứu! Tôi gắt .

Cô ấp úng :

–    Nhưng … thưa bác sĩ … Phòng cấp cứu cũng chật chỗ hết rồi …

Người đàn bà nãy giờ nghe chúng tôi nói chuyện, lớn tiếng chen vào:

– Không phải đâu, bác sĩ! Hồi nãy tôi thấy phòng trong còn trống … Con tôi sốt cao đưa vào trước thì còn nằm đây còn con của mấy người vào sau được ưu tiên cấp cứu nên tôi mới giận dữ vậy … Tôi nóng ruột quá, mong bác sĩ  thông cảm … Chị bỗng nhiên hạ giọng ở câu sau cùng.

 Đến giờ tôi mới nhìn kỹ chị ta. Gương mặt chị không đến nổi nào hung dữ, thậm chí còn có nét phúc hậu. Cặp má đầy, chiếc mũi cao thanh tú và đôi mắt khi không giận dữ nhìn vào thấy hiền lành là đằng khác.

–    Thôi được, tôi nói với cô y tá. Chăm sóc cho cậu bé ấy và sắp xếp vào ngay phòng cấp cứu. Tôi sẽ xin thêm giường bây giờ.

 Tôi đọc thấy vẻ hài lòng trên gương mặt chị ta. Không đợi về phòng, người đàn bà kéo tôi lại nói nhỏ, tỏ vẻ mắc cở :

–       Tôi … Tôi xin lỗi bác sĩ … Tôi nóng quá  … Tôi có lỗi … Bác sĩ đừng giận tôi về chuyện khi nãy …

Nhưng rồi chị lại đổi giọng nanh nọc  ngay như có vẻ uất ức lắm:  

– Còn mấy  người phụ tá của bác sĩ  thì chưa yên với tôi đâu… Ở đây, nhất định tôi sẽ tìm bằng cớ để mà thưa bác sĩ về những việc làm tiêu cực của họ .

 Bỗng nhiên, tôi thấy quý người đàn bà nầy … Chuyện nào chuyện nấy rạch ròi, sòng phẳng. Có lỗi nhận lỗi, thích hay không thích cứ nói, ai sai cũng không bỏ qua … Lại còn doạ tìm bằng chứng tiêu cực của các bác sĩ ở khoa tôi phụ trách … Thú thật, tôi cũng đang cần có nó để xử lý rốt ráo dư luận bất lợi của mình …

*

…Bẵng đi mấy hôm, đến ca trực của mình, tôi đang khám bệnh thì người đàn bà xuất hiện. Mới trông thấy tôi, chị đã oang oang:

–       Con tôi đỡ rồi, bác sĩ ơi! Cháu nó hạ sốt, đái ỉa được … Đó đó! Nó nằm kìa … Chào bác sĩ đi con …

Chị như kéo tôi đi giữa hai hàng giường bệnh khiến tôi cảm thấy chột dạ vì những cặp mắt hiếu kỳ nhìn theo. Tôi đã nói, không có người đàn bà nào lạ lùng như người nầy nên thôi, tốt hơn hết là nhịn, cứ đi theo sau chị như con rối …Mà hình như tôi cũng đã có một bài học đắt giá từ người đàn bà nầy rồi còn gì …

 Đứa bé hôm nay đã tỉnh, hết sốt. Tôi cặp nhiệt độ, xem mạch  rồi đưa tay vỗ vào bụng cháu. Bất chợt , tôi thấy lạ ở phần gan. Nó cứng, dấu hiệu của một cơn biến chứng nặng! Kinh nghiệm của một bác sĩ nhi khiến tôi không nghi ngờ gì về trường hợp  nầy. Tôi đâm hoang mang, liệu có cứu đứa bé kịp không …

Không hay gì về tình trạng nguy kịch của con mình, người đàn bà vẫn cười toe toét, huyên thuyên:

– Cháu nó đòi ăn hoài … Tội nghiệp … Sáng nay tôi mua cháo cho nó … Cháu ăn cả tô … À! Mà nầỳ bác sĩ! Sẵn mua đồ ăn cho cháu, tôi mua luôn mấy phần nữa cho các cháu bệnh nghèo nằm gần bên…Ôi!Con nhà ai mà nghèo quá, bác sĩ  ơi … Chẳng có tiền ăn sáng, mua thuốc …  Nếu mà tôi giàu, mấy người nầy tôi lo hết …

Người đàn bà cứ nói nhưng hình như tôi không nghe gì nữa. Lòng tôi đang lo âu về căn bệnh của con chị. Tôi chỉ ậm ừ và vào phòng gặp riêng bác sĩ  trực để bàn biện pháp tìm cách cứu cháu. Dĩ nhiên là tôi giấu, không cho chị biết về tình trạng nguy hiểm mà cháu đang gặp phải.

 Nhưng mới vừa ra khỏi phòng, chị lại tè tè bước theo. Làm ra vẻ nghiêm trang, bí mật, chị nói thầm vào tai tôi:

–      Bác sĩ biết không? Mấy ngày ở đây, tôi đã có bằng chứng hết trơn trọi! Ai cho tiền, bác sĩ, y tá nào lấy tiền, nhận quà của người bệnh, tôi biết ráo  … Chỉ có hai người thôi! Còn phần lớn các bác sĩ ở đây đều tốt … Tôi sẽ cung cấp bằng chứng cho bác sĩ … Đừng để con sâu làm rầu nồi canh, một người làm xấu nhiều người mang tiếng, nghen bác sĩ!… Tin bác sĩ nên tôi mới nói …

 Tôi cảm thấy ái ngại cho chị! Trong lúc con chị đang bệnh nặng thế nầy, nếu chị nói ra những việc tiêu cực của bác sĩ  đang điều trị cho con mình, liệu có nên không …Nhưng khoan đã, trước hết, phải tìm cách cứu cháu bé, tôi nghĩ vậy và hẹn:

–       Thôi được! Tôi sẽ gặp chị sau … Giờ tôi phải đi, khi nào rảnh mời chị lên phòng tôi nói chuyện …

Không hiểu sao, chị cám ơn tôi rối rít và nắm tay tôi lắc lắc thật lâu. Đang lo sốt ruột, tôi cũng chợt buồn cười vì thái độ của chị …

*

Tôi đã không lầm! Ngay chiều hôm đó, đứa con của người đàn bà  lại sốt mê man, biến chứng bệnh cháu đã bộc phát. Suốt đêm, chúng tôi tìm mọi cách để cứu cháu nhưng không thể. Cháu đi đột ngột và tức tưởi vì di chứng của một căn bệnh nan y, không phát hiện được nguyên nhân. Khi bước ra khỏi phòng cấp cứu với đôi mắt thâm quầng vì cả đêm túc trực bên giường cháu, tôi tưởng sẽ gặp phải điều khủng khiếp mà tôi nghĩ đến khi cháu bé vừa tắt thở … Đó là những tiếng la hét, nguyền rủa của chị, người đàn bà đã làm cho cả khoa tôi phải lo sợ vì tính nóng nảy, hung dữ. Đó là những lời xỉ vả thậm tệ kể cả làm tình làm tội chúng tôi vì không cứu được cháu bé …Tôi đã chuẩn bị cách an ủi kể cả xuống nước năn nỉ chị, nếu cần, để làm dịu bớt  nỗi đau quá lớn  của người đàn bà bất hạnh kia …

Nhưng không! Tuyệt nhiên không, thật lạ lùng, tôi không thấy điều gì xảy ra với người đàn bà khi hay tin con mình mất.  Duy chỉ có đôi mắt chị là nói lên tất cả! Đôi mắt ánh lên một tia nhìn đau đớn khôn tả, nỗi tức tưởi hằn sâu khó diễn thành lời …Đôi mắt xót xa, ân hận kể cả nỗi bi thương nín nhịn  của người mẹ mất con mà thật sự, tôi cứ lảng tránh không dám nhìn. Chị không khóc nhưng tôi biết những giọt nước mắt đã chảy ngược vào trong. Có điều gì như một trời tuyệt vọng sụp đổ trong mắt chị mà đến giờ, tôi vẫn như còn bàng hoàng khi nghĩ đến.

 Ngay sáng hôm ấy, khoa nhi tôi lại nhận được yêu cầu từ bệnh viện là phải tìm cách làm thế nào phát hiện nguyên nhân cái chết của cháu bé để rút kinh nghiệm cho những ca bệnh tiếp theo – vì tỷ lệ tử vong của căn bệnh là rất lớn .

 Như vậy có nghĩa là phải mổ tử thi cháu bé! Điều nầy thật ngoài sức tưởng tượng của tôi! Ít lắm hoặc có thể là không có người mẹ nào lại cho mổ xác con mình, dù cháu đã chết …Đâu có vài lần, trong một số ca bệnh hiểm nghèo, tôi đã động viên, thuyết phục các bà mẹ nhưng hoài công. Họ đều có câu trả lời giống nhau nếu như không chửi thẳng vào mặt tôi là đồ bác sĩ ác độc: Cháu đã đau đớn nhiều trước khi mất, giờ không ai được phép làm nó đau thêm nữa. Người mẹ, ai cũng muốn xác con mình dù đã chết nhưng phải còn nguyên vẹn – không được mổ ra – tội nghiệp cháu ….Âu đó cũng là chuyện bình thường của bất cứ một tình mẫu tử nào trên đời. Lực bất tòng tâm, tôi nghĩ  vậy nên thôi, không muốn tìm gặp người đàn bà ấy nữa …

 Buổi trưa, khi tôi chuẩn bị thay ca trực cho người khác ra về thì người đàn bà đến tìm. Nỗi đau hằn sâu trên gương mặt chị trông đến nao lòng. Chỉ trong vòng một buổi mà tôi không còn nhận ra chị. Gương mặt sạm xuống, cặp mắt đờ đẫn, nước da tái xanh, chị như già hơn chục tuổi. Chị nhìn tôi rồi bỗng bật khóc nức nở trên vai tôi, khóc như thể chị đã kìm giữ những giọt nước mắt từ lâu lắm. Những tiếng khóc cào xé ruột gan mà một bác sĩ ngày nào cũng nghe, cũng gặp như tôi, bất giác phải chạnh lòng …

 Tôi cứ để yên cho chị khóc vì biết rằng chỉ có những giọt nước mắt mới vơi đi niềm đau thương quá lớn trong lòng chị. Và như một người thân thiết, tôi vỗ nhẹ vào vai chị với thầm ý sẻ chia nỗi bất hạnh ấy. Một hồi lâu lắm, người đàn bà mới ngước lên nhìn tôi tỏ vẻ biết ơn trong đôi mắt còn nhoà lệ …

Rồi như không tin vào tai mình, tôi nghe chị nói rành rọt:

–       Bác sĩ … Tôi có nghe nói trường hợp tử vong của con tôi. Đó là đứa con trai duy nhất mà tôi có sau khi biết mình vô sinh. Tôi thương yêu nó như tất cả các bà mẹ yêu thương con mình trên đời nầy. Tôi sẽ không thể sống mà thiếu nó! Nhưng tôi biết bệnh con tôi là không thể chữa khỏi vì nguyên nhân còn chưa tìm ra được. Tôi cũng biết còn bao nhiêu bà mẹ trên đời có thể có con giống bệnh con tôi. Và chắc họ cũng gặp bất hạnh như tôi khi không thể cứu con mình … Tôi đã suy nghĩ rất kỹ trước khi đến đây và nói với bác sĩ câu nầy: Tôi đồng ý cho bệnh viện mổ xác con tôi để tìm nguyên nhân gây bệnh … Đó cũng là cách mà tôi còn giúp được cho những đứa trẻ khác …Giờ tôi thanh thản lắm … Dưới suối vàng, chắc con tôi cũng nghĩ giống tôi …

 Tôi đỡ người đàn bà ngồi xuống khi chị nói xong câu cuối cùng vì hình như chị ngất đi. Trong lòng bàn tay chị nắm chặt cứng, tôi còn thấy một mảnh giấy rất nhỏ ghi đầy đủ họ tên và số tiền mà các bác sĩ  trong khoa tôi đã nhận từ các người bệnh để vụ lợi cho riêng mình … … Cho mãi đến tận lúc nầy, tôi vẫn còn chưa biết được tên của chị …

Nguyễn Minh Phúc

(Di Cảo)

Bài Mới Nhất
Search