T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Nguyễn Quang Thiều: Ba vấn đề lớn từ một chiếc thẻ lên tàu… rất nhỏ

FB Nguyễn Quang Thiều

Cách đây mấy ngày, tôi nhìn thấy trên FB của thầy giáo tôi, thầy Nguyễn Tích Lăng, những tấm biển chỉ dẫn các nhà ga của tuyến đường sắt trên cao Hà Đông – Cát Linh. Tôi sững sờ. Trên các tấm biển chỉ dẫn đó ghi 2 thứ tiếng: Trung và Việt. Tiếng Trung ở trên và tiếng Việt ở dưới.

Tôi mò vào tìm đọc thông tin này thấy một tờ báo online chính thống nói thông tin từ Ban quản lý (phía Việt Nam) giải thích đó là lỗi của nhà thầu (phía Trung Quốc) chứ không phải của Ban quản lý và lý do họ đề tiếng Trung Quốc vì để cho các chuyên gia Trung Quốc đang giúp vận hành thử tàu. Tờ báo cũng nói những biển chỉ dẫn đã được tháo bỏ. Vì thế tôi không định bàn về việc đó nữa.

Nhưng tối qua tôi thấy trên một số FB đưa chiếc “thẻ lên tàu” cũng in 2 thứ tiếng Trung và Viêt. Và tiếng Trung vẫn in trên phần tiếng Việt. Đến lúc này, câu chuyện ngôn ngữ đã cho thấy ba vấn đề quan trọng.

VẤN ĐỀ THỨ NHẤT: Đó là nguyên tắc sử dụng song ngữ trong các văn bản, biển hiệu, tên các công trình, các khu du lịch, địa điểm văn hóa… Khi sử dụng song ngữ hay nhiều ngữ trong một văn bản thì tiếng của nước sở tại (ở đây là Việt Nam) phải được đưa lên đầu tiên. Đấy là văn hóa, là chủ quyền quốc gia. Mọi sự là khác đi là vô tình (có thể hữu ý) xúc phạm đến chủ quyền của nước sở tại cho dù chỉ là vấn đề ngôn ngữ. Sau này khi nhà ga chính thức họat động thì hai thứ tiếng được sử dụng đầu tiên là Việt và Anh. Nếu thêm các tiếng khác thì phải tính đến các nhu cầu cần thiết và hợp lý của ngôn ngữ đó cho sinh hoạt và kinh doanh.

VẤN ĐỀ THỨ HAI: Đường sắt trên cao Hà Đông – Cát Linh được làm bằng tiền vay của Trung Quốc và do nhà thầu Trung Quốc thi công. Nhưng Việt Nam vay tiền thì Việt Nam phải trả nợ. Có những món nợ bằng tiền mà người ta đôi khi phải trả bằng cả vận mệnh của cả quốc gia. Và nhà thầu Trung Quốc chỉ là một người làm thuê không hơn không kém cho dù bởi bất cứ lý do nào. Vì thế, Trung Quốc không được quyền quyết định tùy tiện các văn bản đang sử dụng trong lãnh thổ Việt Nam nếu không được luật pháp của Việt Nam cho phép. Đặc biệt đơn vị quản lý dự án này phải hiểu và yêu cầu nhà thầu (người làm thuê) chấp hành các qui định của nước sở tại.

Câu chuyện về biển chỉ dẫn các nhà ga và chiếc thẻ lên tàu diễn ra cách nhau có mấy ngày. Như vậy không hề có sự “rút kinh nghiệm” của Ban quản lý và nhà thầu. Chính điều đó làm cho người dân thấy một điều gì đó không bình thường ẩn sau những biển chỉ dẫn nhỏ và cái thẻ lên tàu còn nhỏ hơn.

VẤN ĐỀ THỨ BA: Cho dù tuyến đường sắt trên cao đang trong thời gian vận hành thử và tiền xây dựng tuyến đường này là vay của Trung Quốc thì các nguyên tắc, qui định… vẫn phải được chấp hành nghiêm túc như treo một cái biển nhà ga. Nếu không thì với một ít tiền thôi chúng ta sẽ có nguy cơ đánh mất lòng tự trọng hay nói rộng hơn là đánh mất chủ quyền của một quốc gia trong một việc làm tưởng như nhỏ nhặt.

Vấn đề Trung Quốc từng bước lấn chiếm chủ quyền một số biển đảo của chúng ta lâu nay không cho phép người Việt Nam nhìn nhận mọi hành vi của Trung Quốc với con mắt bình thường được nữa. Người Việt có câu “một sự bất tín, vạn sự bất tin”. Trong khi đó, chính quyền Trung Quốc từ thời phong kiến đến nay đã có hàng ngàn sự bất tín với Việt Nam. Việc lấy lại lòng tin của người dân Việt Nam đối với Trung Quốc quả là một thách thức giống như tát cạn biển đông vậy.

LỜI CUỐI: Việc vận hành thử, cho dù do các chuyên gia Trung Quốc tiến hành nhưng họ đang thực hiện việc đó trên lãnh thổ Việt Nam, có sự tham gia của các chuyên gia GTVT Việt Nam và dưới sự giám sát của Ban quản lý. Vậy mà khi các biển chỉ dẫn của hầu hết các nhà ga từ Hà Đông đến Cát Linh được treo lên mà Ban quản lý không hay biết cho đến khi báo chí có ý kiến.

Rồi tiếp đến các “thẻ lên tàu” lại tiếp tục sử dụng ngôn ngữ như các biển chỉ dẫn nhà ga. Tuyến đường sắt trên cao là quá xấu, quá đắt, thi công quá chậm như báo chí và dư luận công chúng đã từng lên tiếng. Một tuyến đường xấu có thể đập đi làm lại, nhưng khi lòng tự trọng dân tộc, chủ quyền của dân tộc bị đánh mất thì hàng trăm năm chưa chắc đã giành lại được.

Nguyễn Quang Thiều

(Nguồn: Tiếng Dân)

Chiếc vé lên tàu

FB Đỗ Duy Ngọc

13-8-2018

Cầm chiếc vé của tuyến đường sắt trên cao Hà Đông – Cát Linh, người Việt Nam nào còn ưu tư với vận nước đều cảm thấy căm phẫn và bị sỉ nhục. Một tuyến đường vừa giá quá cao phi thực tế, vừa thiếu thẫm mỹ, công nghệ lạc hậu, kéo dài thời gian xây dựng và lại đã có lúc phô ra cái lối trịch thượng, coi thường Việt Nam thông qua các bảng hiệu chỉ dẫn toàn chữ Tàu với chữ Việt nhỏ hơn ở dưới. Sự việc lùm xùm này rồi cũng rơi vào im lặng.

Bây giờ, tàu bắt dầu vận hành chạy thử lại lòi ra cái vé lên tàu. Tuyến đường xây trên đất Việt, để phục vụ người Việt, dù anh có cho vay tiền, thực hiện theo công nghệ của anh thì anh cũng chỉ là kẻ làm thuê cho đất Việt. Người Việt là chủ của công trình này, dù phải chấp nhận những thua thiệt bởi thói gian manh ngàn đời trở thành bản chất của Trung Hoa. Người Việt vẫn là chủ nhân của công trình, đó là sự thật không thể chối cãi.

Cái vé lên tàu bé tí toàn chữ Tàu trên và chữ Việt dưới, chữ nhỏ hơn. Cầm cái vé lên tàu, ta có cảm tưởng đang di chuyển trên đất Trung Hoa và ta là du khách.

Người Trung quốc đã thể hiện tư tưởng đại Hán ngay trong chiếc vé cỏn con này. Họ xem thường chúng ta và những người Việt có lương tri cảm thấy bị sỉ nhục khi cầm trên tay chiếc vé này. Họ làm chủ đất nước này bao giờ thế? Kiếm được khối tiền từ dự án này rồi lại trở thành chủ nhân của công trình này sao? Việt Nam là chủ công trình, có lãnh đạo là người Việt. Nhưng họ đang ở đâu? Họ lãnh lương, chia chác bổng lộc từ dự án, nhưng nhắm mắt làm ngơ, ngậm miệng ăn tiền, trở thành tay sai của những nhà thầu Trung Quốc. Khi xảy ra sự việc đều trả lời rất tiếc, sẽ khắc phục… Đều là lời nguỵ biện. Kẻ làm chủ trở thành tay sai đắc lực cho kẻ làm thuê, chuyện tréo ngoe chỉ có trong hàng ngũ quan chức Việt. Bất cứ tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài nào hoạt động, làm ăn trên đất Việt cũng phải chấp hành luật pháp Việt Nam.

Cái vé tàu bé xíu ấy nhưng nó thể hiện chủ quyền của một quốc gia. Chúng chiếm biến đảo, chúng ung dung ra vào đất nước này với thái độ nghênh ngang và ngạo ngược, chúng xem đất nước này như một tỉnh tự trị của chúng, chúng đổ bao thứ độc hại vào mâm cơm của người Việt, chúng lèo lái, nhúng tay vào đường lối chính trị của quốc gia, chúng lũng đoạn kinh tế …Đó là những việc lớn, ai cũng thấy, nhưng chúng cũng không từ những việc nhỏ để chứng tỏ âm mưu của chúng. Chiếc vé này là một minh chứng. Là người Việt, chúng ta phải có thái độ rõ ràng với việc này. Phải biết lòng tự trọng bị xúc phạm, phải thấy chủ quyền của đất nước đang bị xâm phạm để có cách hành xử với lũ bá quyền này. Không thể chấp nhận những cách thức ngạo ngược, coi thường dân Việt như thế này.

Hỡi những tên đang nhắm mắt nhận tiền để trở thành công cụ trong tay chúng, các người phải học để biết nhục, phải biết xấu hổ khi đứng trước cháu con, phải biết ngẩng đầu vì mình đang là chủ kia mà. Sao lại để chúng lộng quyền đến thế?

Từ chiếc vé lên tàu, ta thấy rõ một đám người có quyền lực nhưng hèn hạ và cam tâm làm con rối như thế nào. Ai đang là chủ của mảnh đất này? Âm mưu của lũ bá quyền thì thâm hiểm và chẳng lúc nào ngừng. Nhưng những người Việt liên quan thì thờ ơ, vô cảm, tắc trách trong công việc được giao phó.

Từ đó trong suy nghĩ lại có lo âu. Đất nước này sẽ đi về đâu? Không lẽ trong tương lai, mỗi người dân Việt phải trang bị cho mình thêm một ngôn ngữ là tiếng Tàu?

Buồn và căm phẫn.

(Nguồn: Tiếng Dân)

Bài Mới Nhất
Search