T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Nguyễn Thiên Nga: ƯỚC MƠ

Tranh: họa sĩ Nguyễn Thành Trung (Bảo Lộc)

Ước mơ trở thành cô giáo dạy văn đã nhen nhóm trong tôi từ thuở nhỏ, ngay những năm tiểu học. Hàng ngày, buổi sáng tôi đến trường, buổi chiều lại vùi đầu vào những trang sách ở thư viện. Cái góc nhỏ trong phòng đọc dành cho thiếu nhi của Thư viện Đà Lạt đã trở nên quá quen thuộc, gần gũi với tôi. Ở đó, tôi được sống trong thế giới cổ tích ngập tràn màu hồng; tôi được ướm chân vào đôi hài đính đầy hạt cườm lấp lánh của cô Tấm; tôi được chắp đôi cánh thiên thần bay lên cùng tà áo thiên thanh và tiếng hát trong ngần…

          Những buổi chiều chủ nhật, sau khi đi sinh hoạt đoàn “Hùng Tâm Dũng Chí” trong khuôn viên Nhà thờ Chánh Toà về, tôi và lũ trẻ cùng xóm thường chơi trò dạy học. Trong trò chơi này, tôi luôn được làm cô giáo và mặc áo dài hẳn hoi – chiếc áo dài buổi sáng đã cùng tôi đi lễ, màu trắng hoặc màu xanh nhạt, xúng xính dễ thương…Tôi thích đọc cho “học trò” của mình nghe những bài thơ in trong tạp chí “Thông Xanh”, có lúc là những áng văn trong sách của chị Hằng đang học đệ tứ (ráng đọc cho thật hay mà chẳng hiểu gì). Mấy đứa nhóc học trò cùng tuổi hoặc hơn tuổi cô giáo cứ nghiêng đầu lắng nghe chăm chú, cô thì yểu điệu thướt tha…

Nhà tôi nghèo, ba lại mất sớm nên mẹ và anh chị luôn tìm mọi cách để bù đắp cho bé út tội nghiệp.

Tôi cứ hồn nhiên say sưa với mơ ước của mình trong sự hy sinh thầm lặng của mẹ, trong vòng tay yêu thương của anh chị… Đó là những tháng ngày đẹp nhất.

Đà Lạt sau ngày 30/4/1975.

Nhiều người vui niềm vui đoàn tụ, gia đình tôi – mẹ goá con côi – khăn gói đi vùng Kinh tế mới. Suốt một thời gian dài, tôi ám ảnh tiếng chuông nhà thờ vang xa trong rừng già đầy rẫy loài hoa nắp ấm chuyên ăn thịt côn trùng; cồn cào nỗi nhớ về phố núi thân yêu…

Rồi cũng có một ngôi trường cho lũ trẻ chúng tôi. Dưới mái trường lợp tranh, xung quanh thưng bằng vách nứa, tôi tiếp tục ươm giấc mơ hồng. Suốt bốn năm học cấp hai, tôi đi bộ đến trường qua con đường rừng heo hút đến hơn bảy cây số. Bạn học rơi rớt dần vì không theo nổi, tôi bền chí theo đuổi đến năm học cuối cùng và có mặt trong đội tuyển học sinh giỏi văn năm ấy. Hơn lúc nào hết, tôi càng khát khao biết bao đượchọc tiếp, được thực hiện ước mơ cháy bỏng từ thuở nhỏ của mình. Tôi nhớ, suốt mùa hè ấy tôi đã khóc sướt mướt vì thất vọng như thế nào. Tôi buồn bã trách mẹ tại sao lại rời xa Đà Lạt, trong khi đi Kinh tế mới đời sống cũng chẳng khá hơn và nhất là bây giờ tôi gần như không còn cơ hội thực hiện mơ ước của mình (tôi đã quá sai, khi tưởng rằng chuyện đi hay ở là quá dễ dàng).

Cuối cùng, tôi cũng được trở về Đà Lạt đi học.

Giấc mơ tôi không còn bay lên cùng đôi cánh thiên thần và tà áo thiên thanh. Tôi đi trên mặt đất bằng đôi chân trần để bám lấy ước mơ của mình và không được phép vấp ngã. Tuổi mười sáu, mộng mơ khép lại. Tuổi mười sáu, tôi xa mẹ và gia đình – xa đến bây giờ, đã bốn mươi năm.

Tuổi mười sáu, thôi tung tăng chân sáo, thôi dệt vội những vần thơ vụng dại bằng xác lá rừng chiều…Tôi lao vào học tập miệt mài. Thời gian qua nhanh như một cơn gió thoảng, tôi bước ra khỏi cổng trường với một niềm tiếc nhớ mênh mông. Tuổi học trò áo trắng ngắn ngủi là vậy, tôi cứ muốn kéo dài hơn, có lẽ là do sức hấp dẫn của sự học mà suốt đời tôi khát khao.

Nhớ những ngày dài gắn bó với thành phố Huế thơ mộng để cầm được tấm bằng đại học trong tay, tôi gần như bị vắt kiệt sức. Hành trang vào đời vẫn nhẹ tênh nhưng niềm vui thì tận cùng.

Song song với việc dạy học, rồi lên làm Quản lý, tôi tiếp tục “học như điên” để bù lại những khát khao cháy bỏng thời thơ bé. Những buổi tối mưa gió lạnh căm, tôi không ngại ngần vượt những con dốc dài để theo học thêm các lớp Anh Văn, Tin học và không bỏ buổi nào.

Tôi thấy tự tin, ấm áp khi mình được tiếp nối ước mơ ngày nhỏ. Ngay bây giờ, tôi vẫn thèm được học, được làm những gì tôi chưa kịp làm “khi người ta còn trẻ” dẫu tuổi đã về chiều này.

*

Tôi vẫn đang đi trên mặt đất, những bước chân chậm hơn nhưng chắc chắn, để tiếp tục thực hiện những ước mơ.

Thỉnh thoảng, tôi vẫn đi lạc vào những khu vườn cổ tích – và ở đó bây giờ tôi không chỉ nhìn thấy nắng hồng, hoa thơm, cỏ lạ… Khung trời mộng ảo đã vương thêm chút mây xám buồn; tôi thấy mình đang ngồi dệt áo thơ bằng sợi tầm gai, đầu ngón tay bật máu; tôi thấy mình đang cố níu vài sợi tơ trời, để giữ chặt một niềm tin và một thoáng mộng mơ thời thơ ấu…

Và, dù giản dị hay cao sang, ước mơ của tôi đã không hề đợi tuổi…

Nguyễn Thiên Nga

©T.Vấn 2022

Bài Mới Nhất
Search