T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Như Hoa : Con Titan Nhà Tôi

clip_image001

“Có ba người bạn trung thành: một người vợ tấm

cám, một con chó nuôi từ bé, và một món tiền

dự trữ’ BEN FRANKLIN

Đã có nhiều nhà văn, nhà thơ viết bài ca tụng con chó. Chúng tôi được đọc Nhà thơ Hạo Nhiên Nguyễn Tấn Ích trên Net (2013) về trường hợp con chó thông minh, trung thành đã cứu chủ mình trong hoàn cảnh thập tử nhất sanh. Nhà thơ Nguyễn Phúc Sông Hương (CHTY) trong đề tài “Con Chó Có Phước” đăng trong tạp chí Văn Học Nghệ Thuật MÂY do Hội Thơ Tài Tử VNHN xuất bản năm 1998, kể chuyện ông nhặt được con chó nhỏ lang thang ngoài đường phố và chạy theo ông. Ông cho nó miếng bánh rồi bỏ đi, nhưng nó cứ bám lấy ông và trèo lên xe, thấy tội nghiệp nên ông đành mang nó về nhà. Tuy phải bận rộn săn sóc nó, nhưng chính nó đã đem lại niềm vui hạnh phúc cho cả nhà. Trên tờ Nguyệt san Bút Tre -Arizona, số Tháng Sáu, 2013, có bài viết của ông Trần Anh Tống, một bài khảo cứu công phu mang tính khoa học về con chó. Có đoạn ông viết: “Chó, đối với văn hóa Tây Phương được xem là bè bạn, được các chủ nhân yêu mến đối x như người thân thích, được tắm gội tỉa lông và ăn những món ngon; đặc biệt là không đem làm thịt như chó Á Đông. Chó được xem gần gủi con người và được yêu thương, bồng bế như một đứa con trong gia đình“. Nhà thơ Từ Phong viết bài thơ “Tỵ Nạn Hồi Gia” (CHTY 2-96) mô tả con chó đã làm ông rơi lệ khi ông chạy giặc trở về nhà nó đã chay ra mừng quấn quít lấy ông; bụng nó đói meo, nhưng lòng nó vẫn nhớ chủ, không nỡ rời ông.

Và gần đây chúng tôi cũng đọc được trên tờ Tập San Văn Hóa-Xã Hội “NGÀY MỚI – Paris”, số tháng 6-2013, bài viết của ông Khổng Văn Đương viết về con chó dưới chủ đề “Chú Chó Tội Nghiệp” rất ấn tượng làm người đọc phải se lòng. Chúng tôi xin được tóm lược câu chuyện như sau :

Một gia đình nghèo gặp năm mất mùa đói kém, khoai sắn rau cỏ qua ngày, thế mà một hôm ông bố mang về nhà một con chó có bộ lông trắng, mắt nâu rất đẹp, nặng khoảng 15 ký. Ông bố rất quý chó nên đã mua nó về cho có bạn. Môt ngày nọ có hai người ở xóm trên đến hỏi mua con chó về làm thịt để cúng giổ. Vì nhà nghèo không đủ ăn lấy đâu nuôi chó; bà mẹ mới bàn với ông bố nên bán nó đi cho đỡ miếng ăn trong nhà. Có điều lạ là sau đó con chó biến mất, không tìm đâu ra. Đến khi ông bố lên tiếng gọi thì nó từ trong đống rơm gần chuồng lợn chui ra. Người ta lấy cái chày giả gạo chẹn cổ nó xuống, trói mõm và bốn chân nó lại. Con chó tội nghiệp rên ư ử và sùi bọt mép. Ông bố thương quá, ôm lấy nó mà khóc! Người ta trả tiền và khiêng chó đi. Ông bố buồn rầu, chiều hôm đó ông bỏ ăn, nằm liệt giường như người bệnh nặng.

Đêm hôm đó, khoảng 2 giờ sáng, ông bố phát hiện những tiếng động rất lạ ở vách cửa. Con chó đã trở về. Nó cào mạnh vào cửa, kêu ư ử như cầu cứu, ông bố vùng dậy mở cửa, con chó mừng rỡ nhảy sổ vào nhà, cổ nó còn nguyên một vòng xích sắt có khóa nối với đoạn giây thừng bị nó cắn đứt. Bà mẹ lấy bát cơm để phần cho ông bố từ chiều hôm trước cho nó ăn; lạ lùng thay nó cứ ngước mắt nhìn ông bố như nghi ngờ và ngần ngại… Một lúc sau nó mới từ tốn ăn hết bát cơm vì bụng đói! Sáng sớm hôm sau hai người mua chó quay trở lại, con chó đánh hơi rồi trốn biệt. Ông bố điều đình và trả tiền lại cho hai người mua chó.

Chừng hai năm sau, kinh tế gia đình khá giả hơn , con chó cũng lớn khôn và đẹp mã hơn trước; nó không rời ông bố một bước. Vào một buổi trưa mùa Hè, ông bố ra đìa vớt bèo lục bình về làm phân xanh.Ở dưới đìa có rất nhiều lươn và cá trê, kỳ đà. Nhưng không ai ngờ dưới đó có một con trăn hoang to như thân một cây tre bương. Vừa thấy nó, ông bố liền chộp lấy đuôi nó kéo ra khỏi hang, Con trăn chống cự. Nhanh như chớp, nó cong người cắn chặt vào bắp chân ông. Ông ngã ra bờ đìa và hét lên một tiếng sợ hãi. Ngay lúc đó con chó lập tức nhảy bổ vào, cắn vào cổ con trăn và dính liền hai hàm răng vào đó. Con trăng quật mình quấn chặt lấy thân con chó. Chỉ bằng một cú núc nó làm con chó gãy đôi xương sống! Ông bố bèn vớ lấy con dao chặt cây chém vào đầu con trăn rất mạnh; con trăn chỉ quằn quại được một lát rồi nhũn ra bất động. Ông mang con chó về nhà, cứ tưởng rằng nó đã chết và chuẩn bị mang đi chôn. Khi ông nhắc nó lên định đưa vào hòm thì bất ngờ đôi mắt nó mở hé ra và chớp chớp. Ông mừng quá và sai người nhà đi tìm thày lang để chữa trị cho nó, và băng bó vết thương cho ông. Khoảng hai tháng sau con chó đã bình phục; tuy nhiên hai chân sau bị liệt vì xương sống bị gãy.

Cuộc sống gia đình êm ả trôi đi nhưng ngày nào cũng nhắc đến sự hy sinh của con chó qua chuyện con trăn. Cho đến năm 1959, ông bố vì bạo bệnh mà qua đời. Hôm đưa ma ông bố trời mưa tầm tả ướt át, dù vậy bà con đi tiễn biệt ông rất đông. Không mấy ai để ý trong dòng người đông đúc đó, con chó liệt cũng có mặt. Nó ướt như chuột lột, run rẩy cố lết theo đám tang ra tận nghĩa địa, và sau đó nó lại tìm đường lết về nhà và nằm dưới gầm giường ông bố. Sáng hôm sau cúng cơm cho ông bố, người nhà gọi nó ra cho ăn nhưng không còn thấy nó nằm dưới gầm giường ông bố nữa. Nó lết ra đầu thềm nhà khi nào không ai hay, nằm quay đầu ra cổng ngóng chờ liệu ông chủ có trở về…! Bà mẹ bế nó vào nhà, vỗ về cho nó ăn, nhưng tuyệt nhiên nó không đụng vào bất cứ thứ gì, hình như nó định “tuyệt thực” để chết theo chủ. Và nó lại lết ra đầu thềm, nằm ngóng ra cổng, kiên trì, im lặng chờ đợi…!

Rồi một buổi sáng tinh sương, trời se se lạnh, cả nhà ra nghĩa trang thắp nhang và đặt tấm bia đá trên mộ ông bố. Tất cả đều kinh ngạc đến độ không còn tin ở mắt mình: Con chó liệt đã nằm chết trên mộ ông bố tự bao giờ, hai chân trước ôm lấy ngôi mộ, hai chân sau bại liệt như đang quỳ, cơ thể nó cứng đơ, đôi mắt nhắm nghiền, nhưng hình như còn ươn ướt…!

Trên đây chúng tôi đã kể nhũng câu chuyện của vài tác giả viết về con chó để xác minh rằng loài chó có tình, có nghĩa, và rất trung thành với con người như câu danh ngôn của Ben Franklin đáng làm chúng ta suy ngẫm.

Bây giờ chúng tôi xin mời quý bạn đọc nghe câu chuyện: “Con Titan Nhà Tôi”. Nó không ly kỳ hấp dẫn như câu chuyện kể của ông Khổng Văn Đương và các tác giả khác. Tuy nhiên, hy vọng nó cũng nói lên được cái tình nghĩa liên đới giữa con người và con vật cưng chúng ta nuôi như một thành viên trong gia đình.

Ở Việt Nam mình nuôi chó thật dễ dàng, chỉ cần chích cho nó môt mũi thuốc ngừa bệnh chó dại là yên tâm. Nhưng ở Mỹ nuôi chó là cả một vấn đề thật rắc rối nhiêu khê, cho nên hình như người Việt mình ít người nuôi chó trong nhà ở xứ này. Vợ chồng chúng tôi cũng đồng quan niệm như vậy. Ấy thế mà rồi cũng có một con chó cưng hiện diện trong nhà đã ba năm nay. Vốn là một hôm chúng tôi đi dự một buổi sinh hoạt tại trụ sở cộng đồng Dallas; vì muốn có chổ đậu xe nên đi sớm trước giờ ấn định. Đến nơi, bãi đậu xe còn trống vắng. Vừa tắt máy ra khỏi xe, tôi liền thấy một con chó nhỏ, lông vàng và trắng, độ 3-4 tháng tuổi, rất dễ thương, nó đến và quấn quít lấy tôi. Tôi biết con chó nhỏ này đi lạc vào khu buôn bán, xung quanh không có nhà dân cư ở. Tôi nghĩ nó còn nhỏ khó lòng tìm đường về nhà, mà nếu nó cứ đi loanh quanh ở đây thì chắc cũng có người bắt nó, mà nếu không có ai đem nó về nuôi thì nó sẽ chết đói không chừng, và chủ của nó không biết đâu mà tìm về. Tôi lập luận như thế có vẻ chủ quan. Thật tình tôi thích nó vì nó còn nhỏ và quá dễ thương, nó cứ quấn quít lấy tôi không nỡ bỏ đi. Tôi bế nó lên xe và đem về nhà. Bà nhà tôi cũng thích và rất thương nó. Nó cân nặng 4 cân Anh. Tôi đăt tên cho nó là Titan. Nó thuộc loại Rat Terrier. Tôi lên Petco mua thức ăn, và nệm ngủ cho nó. Ba tháng sau, nó lớn trổ mã, ngực nở, bụng thóp trông khá đẹp và trông ngầu như chàng “lực sĩ tí hon”. Và rồi nó cũng bắt đầu gây rắc rối cho chúng tôi. Nó ra sau vườn ăn nhằm cái gì đó bị đau bụng, ói mữa nằm liệt hai ba ngày, tôi phải mang nó đi nhà thương khám bệnh, chích thuốc. Và cứ sáu tháng phải đem nó đi chích thuốc ngừa bệnh một lần, và mua thuốc diệt bọ chét cho nó. Đến nay nó đã được ba tuổi. Vườn sau rào không kín, nên thỉnh thoảng nó chui hàng rào đi chơi, chắc là đi tìm… bạn gái! Có khi nó đi nửa đêm mới về kêu cửa. Nó có làm quen con chó hàng xóm tên Côcô; mỗi lần nhà tôi nhắc tên con Côcô là nó nhớ và ngẩng đầu lên ngóng như muốn tìm lại gần. Thỉnh thoảng nó ị hoặc tè trong nhà! Người cháu trai của tôi đánh nó một tát sau mông đít đã hai năm nay mà nó còn nhớ và thù dai; mỗi lần cháu đến nhà là nó sủa dữ dội và chạy trốn dưới gầm giường không muốn thân thiện.

Tháng 7 vừa rồi tôi đem nó đi chích thuốc ngừa bệnh theo định kỳ 6 tháng tại một trạm “y tế” ngoài trời cách nhà tôi độ 2 cây số. Khi tôi bế nó giao cho nhân viên phụ trách để chích thuốc thì nó sợ và vùng chạy khỏi sợi giây có vòng đeo cổ hơi rộng. Chúng tôi đuổi theo và kêu nó đứng lại, tôi giữ nó để nhân viên lấy giây tròng vào cổ nó, nhưng nó sợ lại vùng chạy lần nữa theo hướng đường về nhà; nó chạy nhanh tôi đuổi theo không kịp, tôi lấy xe rượt theo nó, nhưng nó chạy mất hút đâu không thấy nữa. Tôi lái xe dọc theo con đường về nhà xem có nó không; tôi chạy xe về nhà cũng không thấy nó. Trong lúc tôi mệt mỏi và thất vọng thì bà nhà tôi ngồi ở phòng khách khóc thút thít, mặt đỏ gay, nước mắt đầm đìa làm tôi không an tâm chút nào. Tôi biết bà ấy thương con Titan lắm, vì lúc nào nó cũng quấn quít bên bà ngày cũng như đêm. Một phần bà vừa ra khỏi Bệnh viện vì bị Stroke thiếu muối , phần khác bị cao huyết áp, tôi sợ bà quá xúc động mà trở bệnh lại chăng. Tôi quyết định phải đi tìm con Titan cho bằng được để đem về cho bà. Lần này tôi lái xe đến chổ trạm chích thuốc và bỏ xe tại đây. Tôi bắt đầu đi bộ hướng ngã về nhà, và cũng là hướng con Titan chạy về lúc nảy. Tôi hy vọng nó còn quanh quẩn gần đâu đây và sẽ đánh hơi được mà chạy ra tìm tôi. Quả đúng như tôi dự kiến. Tôi đi bộ độ 100 mét thì thấy bóng dáng nó từ khu nhà chung cư đi ra, cách tôi khoảng 50 mét. Thú thật khi nhìn thấy nó tôi mừng quá đổi và cảm thấy hạnh phúc vô cùng. Tôi tiến tới gần nó và kêu tên nó, nó nằm xuống và bò đến chổ tôi ngồi. Tôi ôm nó vào lòng và đi về chổ đậu xe. Lúc này mấy nhân viên của trạm “Y Tế” đang lục đục thu xếp đồ đạc để đi về. Một nhân viên bảo với tôi rằng, con chó Titan đã trở lại đây tìm tôi, và họ đã gọi điện thoại cho tôi, nhưng vì lúc đó tôi đang chạy xe ngoài đường nên không nghe thấy (tôi sơ ý không để lại cell phone). Con chó Titan không thể tìm đường chạy về nhà, bởi lẽ tôi chở nó trên xe chạy 2 cây số, không đi bộ, nên nó không thể đánh hơi để tìm đường về nhà được. Nhưng nó đã xử trí một cách thông minh là trở về chỗ cũ để tìm chủ, và nó đi loanh quanh gần đó để chờ chủ đến tìm chứ nó không đi đâu xa.

Tôi đem con Titan về nhà giao cho bà nhà tôi. Quý vị có thể tưởng tượng bà vui mừng biết mấy, như người mất của mà tìm lại được. Tôi nghĩ nếu tôi không tìm được con Titan để đem về cho bà chắc bà sẽ ngã bệnh, còn tôi thì sẽ sống với nỗi buồn … không tên, nỗi mất mát giữa tình người và con vật cưng đáng yêu dường nào! Gần đây, vào đầu tháng tám, tôi nghe được trên đài TV câu chuyện hai vợ chồng người Mỹ đi chơi du thuyền mang theo con chó, gặp phải đá ngầm khiến thuyền chìm, nhưng may người và chó đều có mang phao cấp cứu. Ông chồng, thay vì đưa vợ vào bờ trước, ông đã dành ưu tiên dìu con chó vào bờ, rồi mới bơi ra đưa bà vợ vào bờ sau. Người ta hỏi ông tại sao ông hành đông ngược đời như vậy. Ông ấy trả lời: “Nếu tôi để con chó chết, bà ấy sẽ nhận chìm tôi ngay”. Thế mới biết quý bà yêu thương con chó của mình như thế nào!

Ông Ben Franklin có lý khi ông nói rằng con chó là một trong ba người bạn trung thành nhất của con người, bởi lẽ con người có khi phản bội nhau, chứ con chó thì luôn luôn trung thành với chủ mình. Biết bao nhiêu chuyện xưa nay kể về con chó cứu người và sẳn sàng chết theo chủ. Người ta đã chọn con chó coi như biểu tượng của tình bạn trung thành đáng quý trong ba điều đáng quý trên đời.

Để kết thúc bài tản mạn này, chúng tôi xin giới thiệu bài thơ “Tỵ Nạn Hồi Gia” của Nhà thơ Từ Phong (CHTY) ca tụng tình nghĩa của con chó đối với chủ của nó trong hoàn cảnh bi thương đáng ghi nhớ nhất của đất nước sau ngày 30 Tháng Tư 75 :

 

Tỵ Nạn Hồi Gia

Từ Phong

Sau khi chạy giặc về nhà

Thấy con chó đói chạy ra sân mừng

Cái đuôi nó vẫy tưng bừng

Hai chân nó bám lưng chừng nó đeo

Tôi sờ bụng nó đói meo

Tôi nhìn mắt nó lệ leo quanh tròng

Thương thay con chó có lòng

Gặp cơn hoạn nạn chủ không nỡ rời

Tôi xoa đầu bảo -chó ơi!

Thương mày trọng nghĩa khinh đời bạc đen!.

 

Lê Quang Sinh

 

 

 

 

©T.Vấn 2013

Bài Mới Nhất
Search