T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Như Hoa : Nỗi Buồn Tháng Ba

   Một ngày Tháng Ba u sầu ảm đạm! Bầu trời đột nhiên phủ kín những đám mây đen kéo về từ phương nào không ai hay biết. Rồi một cơn mưa đầu mùa đã trút xuống thành phố. Tiếng mưa rơi bên ngoài cửa sổ đã phá tan cái không khí tĩnh lặng trong căn phòng hồi sinh của bệnh viện. Thân nhân đứng vây quanh giường người bệnh đang đọc kinh cầu nguyện xin Ơn Trên phù hô cho bệnh nhân chóng qua khỏi con bệnh ngặt nghèo. Cơn mưa rào vừa dứt và lời kinh cầu cũng ngưng ngay sau đó. Sự im lặng đáng sợ lại trở về với căn phòng hồi sinh.Không ai nói với ai lời nào. Họ nhìn đăm chiêu vào hình hài bệnh nhân nằm bất động trên giường.Tấm hình hài gầy khô với da bọc xương. Khuôn mặt đã biến dạng, đôi má gầy hóp, quần mắt sâu thẳm, nước da xanh nhạt không còn sinh khí! Các đường giây chuyền nước biển và dưỡng khí chằng chịt trên người bệnh nhân. Bỗng chiếc máy đo nhịp tim ngưng chạy. Cô y tá xúc động báo cho mọi người biết bệnh nhân đã ra đi -She’s gone! Tiếng khóc òa lên như mưa đổ -Mưa ngoài trời và mưa trong lòng người!

Đó là một ngày Tháng Ba đau buồn! Người Chị, Người Mẹ, Bà Nội, Bà Ngoại, Bà Cố đã ra đi để lại bao thương tiếc cho những người thân còn ở lại. Sự mất mát quá to lớn không gì có thể bù đắp được. Nước mắt đã tuôn trào nhưng rồi cũng khô cạn nhường chổ cho trái tim thổn thức để rồi ngậm ngùi tiếc thương cho một đời người gần tròn trăm năm ở dương thế với bao nỗi thăng trầm của lẽ vô thường.

Sự chết nằm trong lẽ vô thường, có đó rồi mất đó. Không ai biết trước mình sẽ ra đi lúc nào, nhưng có một điều mà kẻ có lòng tin tôn giáo biết được là sự chết lành và chết dữ. Người chết lành là người đã chuẩn bị cho sự ra đi của mình được bình an, không nuối tiếc những cái xa hoa của thế tục, không mắc một món nợ vật chất hay tinh thần nào của ai mà nhẹ nhàng nhắm mắt xuôi tay. Kẻ ra đi để lại đau khổ cho người ở lai, đó là sự chia ly mất mát khôn lường chẳng bao giờ tìm lại được nguời thân! Kẻ mất Mẹ, người mất Chị; kẻ mất Bà Nội, người mất Bà Ngoại, nếu hiểu được lẽ vô thường nó sẽ giúp ta bớt đau khổ. Sự chết đem lại khổ đau, nhưng nó cũng là chỉ dấu nhắc nhở ta rằng cuộc đời này chỉ là cõi tạm mà thôi; còn sống, còn được khỏe mạnh, còn được yêu thương là Thượng Đế đã ưu đãi ta rồi, vì thế chúng ta đừng quên mà phải tập sống một cuộc đời lành mạnh, biết yêu thương và giúp đỡ tha nhân, đồng loại.

Biết bao nhà thơ, nhà văn đã viết về Mẹ mình. Người Mẹ Việt Nam tảo tần hôm sớm, chắt chiu từng đồng để nuôi con khôn lớn,rồi những ngày chiến tranh, con khoác chinh y ra chiến trường, mẹ ở nhà mỏi mắt chờ trông, có khi cả ba năm chưa thấy về thăm Mẹ một lần (bà mẹ quê tôi đã từng gặp khi hành quân). Kịp đến Tháng Ba đau thương năm 75, chiến tranh lan tràn trên quê hương, từng vùng đất quê mẹ đã lọt vào tay Cộng sản xâm lăng báo hiệu ngày lịch sử bi ai của đất nước,30-04-75 kéo theo bao hệ lụy kinh hoàng cho cả một dân tộc! Vượt biển, vượt biên, đi Kinh Tế Mới, học tập cải tạo đã cướp đi mạng sống biết bao nhiêu người.

Sau cái đau khổ chịu đựng của người Mẹ Việt Nam, chúng tôi muốn nhắc đến những người Chị đóng vai người Mẹ không kém phần vất vả cực nhọc gánh vác cả một gia đình thay thế bà Mẹ già vượt qua bao nỗi khó khăn trong thời khói lửa bom đạn, sớm khuya tần tảo giúp đỡ cha mẹ già và đàn em dại, lúc còn ở Việt Nam cũng như khi đã qua định cư tại Mỹ (không kể thời gian lấy chồng làm sĩ quan có chức phận trong quân đội VNCH). Chị Hoa tôi là một trong những người chị mẫu mực đó. Chị cũng là một người con hiếu thảo với cha mẹ khi phải hy sinh một chân mang tật nguyền vì bị phải mìn Cộng sản tấn công trong chuyến xe lửa từ Huế đi Quảng Trị về quê thăm cha mẹ khoảng năm 1951. Lúc này chồng của chị tôi mang cấp bậc Trung úy, sau này ông lên cấp Đại Tá (Nguyễn Thế Như) mất năm 1998 tại Garden Grove, Hoa Kỳ. Chuyến xe lửa định mệnh nói trên đã đem lại môt giai thoại hi hữu mà cách đây đã trên 60 năm, gia đình mới được nghe kể lại. Số là khi VC giật mìn làm nổ tung toa xe lửa, thì chị Hoa tôi bị thương ở chân trái. Có một Hạ sĩ quan đi theo chị tôi để giúp đỡ khi cần, nhưng trong tình huống hỗn loạn này, người hạ sĩ quan thân tín đã không có mặt ở hiện truờng; rất may có một người đàn ông khác đã nhanh tay cõng chị tôi đi vào ngôi làng gần đó để cứu chữa vết thương. Người này tên là Khúc Xuân Lang, trước cũng ở trong quân đội Pháp. Chính người con gái của Ông KXL đã kể lại câu chuyện này cho người con trai của chị tôi qua điện thoại khi bà ấy chia buồn về sự ra đi của chị tôi vào trung tuần Tháng Ba vừa qua.Ông Khúc Xuân Lang kể lại rằng ông đã cõng một thiếu phụ “trẻ đẹp và sang trọng” đi vào ngôi làng gần đó để cứu chữa vết thương, và mãi về sau này ông mới biết bà đó là vợ của một sĩ quan cấp tá thuộc Quân Đội VNCH. Có lẽ chị em tôi mang huyết thống của dòng họ mình nên người nào cũng được tiếng là xinh đẹp trong xóm làng khi còn nhỏ.

Đối với tôi, con số 3 và 13 lúc nào cũng đem lai may mắn, có lẽ vì tôi không tin dị đoan chăng? Ngày tôi đáp máy bay lên đường qua Hoa Kỳ nhằm ngày 13 tháng 3 năm 1991. Buổi tiệc tiễn chân tại nhà Nhạc sĩ Châu Kỳ ở Xóm Tân Quy Đông cũng mang số 3/13. Người bạn tù cùng có chuyến bay ngày 13/3/91, vì tin là ngày xui nên đã xin đổi lại ngày đi vào tuần sau. Tuy vậy, qua Thái Lan đứa con trai bị đau phải ở lại mất một tháng để chữa bệnh. Đến Mỹ khoảng 4 tháng sau thì ông bạn tôi đi tản bộ buổi sáng bị xe hơi tông bỏ mạng ngay tại một ngã tư, mặc dù ông đi đúng luật khi bắt đầu bật đèn xanh. Không tin thì chẳng sao, mà tin và kiêng cữ thì lại bị xui xẻo. Không biết sao con số 3, nhằm tháng 3 năm nay (3-2013) lại là một tháng xui xẻo làm 6 người gồm bà con và bạn hữu của tôi đã lần lượt ra đi. Tôi nghĩ âu cũng là số mệnh do Trời định vậy!

Trong cuộc sống, chuyện mất còn là lẽ thường tình. Đó là định luật của Tạo hóa, có sinh , có tử mà con người phải chấp nhận. Nhưng vẫn có những mất mát ngoài sức chịu đựng của con người tầm thường, đến nỗi phải đi tìm cái chết để tự giải thoát, như Nha sĩ Ki Ngô ở Arizona đã quyên sinh ngày 10-03-2013 khi ông mới 43 tuổi! Tuy nhiên, không có sự mất mát nào to lớn bằng mất cả đất nước, cả dân tộc, khiến bao người phải rời bỏ quê hương đi tìm cái sống trong cái chết, và biết bao nhiêu người đã hy sinh mang sống mình để đổi lấy hai chữ Tự Do.

Ôi! Tháng Ba nghiệt ngã. Tôi đã mất người Chị kính yêu, mất những người bạn cùng đơn vị, cùng khóa sĩ quan, và những người bạn văn nghệ thân mến. Đau đớn nhất là chúng ta đã đánh mất quê hương vào tay kẻ thù cộng sản. Xin mượn lời nhà thơ Lê Duy Phò trong bài thơ “Ngày Vào Quốc Tịch” để kết thúc bài ký này:

     Nỗi mừng nào khi ta vào quốc tịch? / 50 năm mới được nhận là người! / Nụ cười mừng sao héo hắt trên môi / Lồng ngực nở, sao buồng tim héo hắt?!… / Aurora, hôm nay trời xanh xanh trong vắt, / Màu nắng tươi hồng chắp cánh những ước mơ! / Thế sao ta chân bước hững hờ/ Như lạc giữa hoang rừng sa mạc?! / Bao kỷ niệm một thời xa xưa trước, / Chợt kéo về quấn quýt lấy đôi chân / Phố Paris người nhộn nhịp muôn phần / Ta vẫn thiếu dòng “Sông Seine” xanh mát! /  Điều nhận được, chính là điều ta vừa mất… / Mẹ Việt Nam ơi, con chối bỏ Mẹ rồi? /  Kể từ đây thôi tiếng hát ru hời ? / Thôi tất cả những gì quê hương mẹ !!!? (Lê Như Phò, CHTY).

Lê Quang Sinh

Dallas, Tháng 3- 2013

Phụ Lục :

Bài thơ Khóc chị ” Mất ” của Như Hoa

(Bấm vào hình để mở đọc bài thơ)

MẤT

Thương về chị Lê Thị Hoa

3/1919 – 3/2013

1.

Tôi vừa mất người Chị

Mất vầng trăng sáng tỏ

Trời đất màu ảm đạm

Lòng xót xa vô bờ.

Ôi! Người Chị kính yêu!

Thương em như tình mẹ

Đùm bọc từ tấm bé

Mãi đến ngày lớn khôn.

2.

Tôi đã mất người Mẹ

Suốt đời lo chồng con

Không gia tài để lại

Chỉ tấm lòng sắt son.

Ôi! Người Mẹ tuyệt vời!

Đạo, Đời -một tấm gương

Soi nẻo chung con cháu

Chiếu ngời tình yêu thương.

3.

Tôi mất rồi Nội, Ngoại

Vì sao sáng rạng ngời

Soi rọi Chân-Thiện-Mỹ

Trao thế hệ ngày mai.

Ôi! Nội, Ngoại mến thương!

Tuổi già tàng cổ thụ

Phủ bóng mát thiên đường

Trải phước đời cháu con…

4.

Ôi! Bà Mẹ Việt Nam!

Đất Nước sinh ra Người

Trong ánh sáng vinh quang

-Đoá HOA hồng xinh tươi.

Cali, Tháng Ba buồn

Như Hoa (3-2013)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài Mới Nhất
Search