T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Nhà thơ NGUYỄN HÀN CHUNG

Nhà thơ NGUYỄN HÀN CHUNG

A TIỂU SỬ VĂN HỌC

1/ Tiểu sử

Nguyễn Hàn Chung sinh ngày 17/7/1950, tại Khối phố Phong Nhị, phường Điện An, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

Các bút hiệu khác: Nguyễn Phong Hàn, Nguyễn Đức Mù Sương

Tốt nghiệp Trường Sư Phạm Quy Nhơn, Đại Học Sư Phạm Huế

Quê quán Điện Bàn, Quảng Nam

Dạy học từ:1971- 2006

Định cư Hoa Kỳ từ 2006

Hiện ở tại: Houston TX U.S.A

Viết văn làm thơ từ 1967 có thơ văn in trên Khởi Hành, Đối Diện từ trước 1975 đã cộng tác với hầu hết các báo, tạp chí, diễn đàn trong nước và ngoài nước từ 1967 đến nay

2/ Chữ ký

B. TÁC PHẨM TIÊU BIỂU

a) Đã xuất bản

1. Tìm Tôi Trong Bóng (Nxb Đà Nẵng, Thơ, 1999).

2. Nói Hộ Phù Du (Nxb Đà Nẵng, Thơ, 2002).

3. Nghịch Lưu Của Tuổi (Ebook Da Màu, Thơ, 2011).

4. Dự Cảm Rời (Nxb Bản Sắc Việt, Tuyển thơ, 2016).

5. Lục Bát Tản Thần (Nxb Bản Sắc Việt, Thơ, 2018).

6. Mót Chữ Trong Kinh(Nxb Mở Nguồn, Thơ 2020).

b) Tác phẩm in chung

1. Trăm Năm Thơ Đất Quảng (Nxb Hội Nhà Văn 2000).

2.Tác giả Việt Nam (Nxb Nhân Ảnh 2018).

3. 40 Năm Thơ Hải Ngoại (Văn Việt XB, 2017).

4. 43 Năm Văn Học Việt Nam Hải Ngoại (Nxb Nhân Ảnh, 2018).

5. Thơ Việt Đầu Thế Kỷ 21(Nxb Nhân Ảnh, 2018).

6. Hư Ảo Tôi (Tương Tri XB, 2018)

7. SoiBóngCộiNguồn(HiênThưCácXB, 2019)

8. Biển Bắt Đầu Từ Sóng (Nxb Đà Nẵng 2020).

9.Tình Nghĩa Mẹ Cha(Nxb Nhân Ảnh, 2020)

10. Hòn Đá Lăn Không Rêu (Khơi Dòng XB 2020).

11.Tình Thơ Mùa Thu (Nxb Nhân Ảnh, 2020).

C. BÌA TÁC PHẨM TIÊU BIỂU ĐÃ XUẤT BẢN

D.THƠ CỦA NGUYỄN HÀN CHUNG

DANH SĨ

Chết đi nhơn gian không nhắc

mất tăm mất biệt lâu rồi

.

Chết đi còn người nhắc tới

về theo chuyến khứ hồi vui

.

Ngẫm ngợi điều vinh tiếng nhục

khi người không còn trên đời

.

Sáu tấm ván thiên khép lại

vẫn chưa phải là hết đâu!

.

Đời sau xót đau tủi hổ

sai lầm nát tan một thời

.

Cuộc trăm năm tuy ngắn

di hại nghìn năm máu rơi

.

Thức ngộ những điều như thế

mới không hoen ố tiếng người

NHỚ NHỨT MƯA THÔI

Đà Nẵng mưa trong tiếng còi tàu

hú lên nghèn nghẹn tiễn đưa nhau

bàn tay bạn tiễn tay em vẫy

vẫy ở phương chiều ai biết đâu?

.

Tôi mịt mù xa tít tắp sông

nắng vàng quê xứ bỏ sau lưng

đi trong tuyết lạnh vò mưa đá

không dám nghe hò câu thủy chung

.

Đà Nẵng đang chồm lên phía trước

cầu treo xâm thực bến đò ngang

nuối tiếc Hà Thân là lạc bước

là sai, khi thành phố khang trang?

.

Biết, vẫn đoạn đành trôi dạt xứ

cảm thấm ai xưa tiếng gọi đò

phàm tục loanh quanh hoài mệt lử

nhớ Hàn như nhớ đứa con so

.

Đà Nẵng mưa quen không thấy lạ

tôi quá xa rồi lại thấy quen

lưu lãng vẫn là tên đá cá

lăn hoài dưa vẫn cuộc lênh đênh

.

Tôi có mười năm Đà Nẵng sống

mười năm du đãng nhứt trong đời

gã nhân chia trừ không phép cộng

nên đành chỉ nhớ nhứt mưa thôi!

GIÓ MỒ CÔI

Anh đánh rớt mùi tình trong chén rượu

Em đánh rơi vào bóng sắc phù du

Anh ngu quá chịu riêng mình túng thiếu

Trời cao xanh che khuất lớp mây mù!

Tất cả ạ sẽ tan vào hư huyễn

Sẽ xanh xao và sẽ rất hư hao

Trái tim ấy biết bao giờ miễn nhiễm

Với tan tành khi biết nhận và trao

Anh đánh rớt giấc mơ thời trẻ dại

Em đánh rơi khỏi ngực tóc mây buồn

Và anh biết dù một người từng trải

Vẫn nhói lòng khi đã nhạt mùi hương

Xa vắng ạ anh không về được nữa

Bước thiên di lệch mất khúc mưa rồi

Anh vẫn thế ra hiên ngồi tựa cửa

Hạt sương già ngồi đợi gió mồ côi

YÊU GÁI BẮC

Gái Bắc kỳ năm bốn 

ghét Bắc kỳ bảy lăm

nhưng thiệt ra họ cũng 

giống như nguyệt với rằm

.

Trong nước chài ông lớn

ra nước ngoài vẫn y

làm MC em host 

chín mươi gái Bắc kỳ

.

Thật tình tôi nói phải 

phục nữ phu Bắc hà

trời ơi cái giọng nói 

hớp hết hồn chúng ta

.

Phước đức tôi trúng mánh

toàn yêu gái Bắc kỳ

nàng không sinh ngoài ấy

mà tính tình giống y

.

Hồi trẻ bị sứt trán 

lớn lên bị u đầu

già rồi còn xớn xác

nường cào tôi sạch râu

.

Rứa mà nghe giọng Bắc

lại run mới lạ kỳ

có pha chút Nam bộ

là cả người mê ly

.

“Cô Bắc kỳ nho nhỏ”

Nguyễn Tất Nhiên đã hoằn

cô Bắc kỳ nhơn nhớn

giờ làm tôi gãy răng

.

Tôi là dân Quảng rặt

lấy vợ người Quảng chay

nên rất yêu gái Bắc

thử lần nào cũng cay!

CHỮ & TINH TRÙNG

Tinh trùng có đuôi ngo ngoe

gặp thời trứng rụng

trong điều kiện ắt có và đủ

hy vọng sẽ có một sinh linh bé bỏng tựu thành

.

Tinh trùng không có đuôi

lấy gì ngo ngoe tấm tinh ngắn ngủi

dẫu gặp trứng rụng trong bất cứ điều kiện nào

cũng không thể thất kinh

.

Chữ có đuôi lay động lòng người

gặp may mới có cơ sống lâu hơn

một ngày một buổi

một tuần một tháng một năm

gặp kỳ duyên mới sống trăm năm nghìn năm

trường cửu.

Chữ mà rụng đuôi rồi

sống được một sát na một giây một phút

là phước phần lớn của nhà thơ

.

Tinh trùng có đuôi ngo ngoe sa số hằng hà

tỷ tỷ trên hành tinh

chữ có đuôi may lắm còn ẩn tàng trong sách đỏ

thi sĩ tài hoa hiếm hoi

như một nhân vật trong truyền thuyết

như một nhân vật võ hiệp kỳ tình của văn chương hư ảo

.

Ta lụi tàn cả hai món bảo bối

vẫn ráng rẩm làm thơ nhưng không đời nào

ta chịu nhận mình đã rơi vào bi kịch của hư danh

.

Bởi vì ta còn muốn sống

không để uổng hoài uổng phí

một chút tàn tinh của chữ

chữ tàn tinh

CHIỀU MƯA VIỄN XỨ

Chiều mưa viễn xứ không như hạt

mưa rớt ngày đông tuổi thiếu niên

hạt dằn dỗi hạt bay theo hạt

rớt tự mùa xưa vướng sợi mềm

.

Mưa sững sờ rơi chua xót mưa

rớt còn ham vá mộng giang hồ

vặt hoài mê lú nên nhan sắc

em quạnh hiu hoài tội lỗi chưa!

.

Mưa chiều viễn xứ tình vô trú

quán trú u hoài vô trú mưa

mưa chiều viễn xứ buồn như kiến

cắn cuống nhau chôn dưới gốc dừa

.

Anh ngồi bứt sợi râu chơm chớm

bạc tới buồn xanh trong tiếng mưa

tí tách trời Tây nghe điếc lác

lá rơi mà ngỡ tiếng em vừa

.

Cất lên chìm khuất trong mưa gió

giật rối lòng anh em thấm chưa

chắc em cầu tạnh mưa mau ngớt

sao tạnh ráo rồi vẫn mắc mưa!

LẠC LÒNG

Em lạc lòng tôi đã lạt lòng

không ai chờ đợi chẳng ai mong

mùi thơm hương quế từng run rẩy

thui thủi tôi về đêm vắng trăng

Tôi lạt lòng em đã lạc lòng

cơn đau vò xé sợi mi cong

dường tôi nghe tiếng phong linh khóc

chiếc lá thu còn một kiếp vong

Tôi bấy chừ tôi lạt nhách tôi

lạt thơ lạt nhạc lạt chùm môi

tàn canh đèn gió run run thở

sao giữ cho tròn cuộc lạc trôi

Tôi lạt lòng xin tỏ khúc nôi

lạt từ em lạc gió trùng khơi

em là biển tôi là con ốc

lúc mù sương lạc khát khao lời

YÊU NGƯỜI KHÁC ĐẠO

Em về hưởng nhan thánh Chúa

Chả lẽ tôi lên Niết Bàn

Cực Lạc, Thiên Đường xa lắm

Kiếp nào đảo hải, di san!

.

Ở cõi trần gian ly cách

Lên trời cũng đọa cách ly

Thôi thì chúng ta khắc nhập

Tội chi khắc xuất làm chi

.

Được một bữa vui một tháng

Được một mùa vui một năm

Trời mà nới tay gia hạn

Ta vui từ nguyệt tới rằm

.

Mai em hưởng nhan thánh Chúa

Tôi yên tâm lên Niết Bàn

Chúng mình đã yêu như rứa

Tuyệt vời trong cõi hỗn mang

.

Diêm vương hào huê thả cửa

Âm ty ta cũng không màng

Tình nhân mai sau sẽ bái

Đôi ta đế, hậu tình lang!

MÙA MỘNG THƯỜNG

Mùa trời đất Sài Gòn đỏng đảnh mới sáng ngỏ lời rạo rực xuân tình trời trong gió mát tình thắm duyên trao chiều đã ầm ầm giông gió vần vũ mây đen nói lời chia biệt.

Tôi ra đứng ngã ba đường đời một thằng đàn ông lưu linh sợ muốn chết những chiếc xe trốn mưa rú ga tìm kiếm những oan hồn em hồn nhiên phủi bụi tâm tư vướng vào mái tóc.

Mùa trời đất Houston chán ngắt mai sáng mù sương xuân phong hiu hiu buổi trưa oi nồng hạ huyền bưng bức chiều gió lạnh đâu phía bắc tràn về rét run cầm cập.

Máy móc muốn thích nghi ba mùa đã mệt huống hồ gì tôi trái tim đất sét cứ phân vân em ở xa em ở gần em nào đáng giữ lời thương em nào đáng để mình chai mặt nói một câu xanh rờn rồi nấp trong thơ trốn mất tăm mất biệt.

Mùa đời chúng ta niên hạn chập chờn em chơi trò cút bắt tôi chơi trò trốn tìm mà sông cạn khô phơi phong toàn cát đồng sạch khô rơm rạ chỉ có tàn tro đốt đồng bay tung tóe chiều hôm.

Mùa Sài Gòn nắng không có em chiều mưa cũng vắng em áo dài váy ngắn quần jean bạc màu anh ra ngồi cà phê chốn cũ bàn chân thường ngộ con đường anh về xứ xa chiều khuya khuất lấp mơ hồ em buộc thắt tình câm.

Chưa một lần ôm em mà vẫn nhớ chưa một lần hẹn nhau mà vẫn chờ chỉ là những lần lẩn quất trong thơ người phiếm chỉ mà tình dâu bể.

Là sương thôi nỗi mù vây kín ơi em phong kín mộng thường!

TÁCH KHUYA

Anh rót khuya vào tách cà phê

bồng nhẹ em thả vào khói thuốc

bàn tay anh vẫn còn lực tuy có hơi run 

những đường vân tay lờ mờ níu chặt

.

Anh biết nếu buông ra

anh chỉ còn là một gã lao công già 

quét nhớ thương trong khói thuốc

chổi là những câu thơ cùn trơ trất

cùn như đời anh khuya khoắt em

.

Anh hớp từng ngụm nhỏ đen

bằng đôi mắt thao láo đêm mất ngủ

khói thuốc làm anh sặc sụa hắt hơi liên miên

vẫn không ló ra màu tình tự

Anh liếm những giọt cà phê cuối cùng

.

hừng đông đã thuộc về cõi khác

tấm ra trải gường phẳng phiu

chỉ có mùi thơm hương cà phê là thanh thoát 

ngấm vào khuya anh.

GỬI MỘT NGƯỜI BẠN

Ông trước hay tôi đi trước ông
Không ai biết được bưởi hay bòng
Không ai biết được xanh hay xám
Chỉ biết Thu Bồn nước vẫn trong
.
Người sống cực hơn người mất biệt
Ta đâu còn miệng cãi vung ai
Rằng ta vàng, đỏ hay quân trắng
Còn sống làm thinh được thế nào!
.
Vì thế tôi mong mình đi trước
Thơ mình vương vất tới mông lung
Không còn thù hận hay ganh ghét
Chỉ biết vẫn còn hoa cuối sông
.
Về đất ra sông hay cát bụi
Cũng là vô thỉ cũng vô chung
“Bất tri tam bách…” ôi nhiều quá
Còn lại đôi câu bỏ bụng mừng
.
Ông trước tôi hay tôi trước ông
Không ai biết được ghẹ hay còng
Tôi xin về trước nghe chim hót
Ông ra vườn nhớ tưới nhúm bông…

HÌNH CŨ TRONG ALBUM

Ngồi moi hình cũ xưa ra

nhẩm xem ngày ấy ai là của ai

tay nào ôm ấp bờ vai

mắt nào lại ngóng ra ngoài biển đêm

.

Khẽ khàng moi mấy trang thêm

săm soi nghiêng ngó những rèm mi cong

tấm này chụp lén qua song

cửa trường cô tóc chạm vòng ba thôi

.

Lấy hai hình ở hai nơi

xếp bên nhau thoáng hiện thời thần tiên

cô cao má lúm đồng tiền

cô răng khểnh nụ cười duyên hớp hồn

.

Thoạt nhìn ra vẻ du côn

thiệt ta khờ khạo còn hơn dại khờ

yêu nàng hí hoáy viết thơ

tình trong hộc tủ bây giờ còn nguyên

.

Yêu gì như chị yêu em

tuổi ngang cứ gọi bằng tên rụt rè

yêu mà ghẹo chẳng kiêng dè

các trò ma mãnh ba nhe hơi nhiều

.

Ngồi moi hình cũ một chiều

tiếc thời gian chẳng biết điều cứ trôi

không nàng nào là của tôi

bây chừ, ngày ấy hoa khôi là tình…

.

Rút hình tất thảy gái xinh

bật diêm trong khói thấy mình bay lên

Autumn Meadows

Houston Texas

19/6/2021

NGUYỄN HÀN CHUNG

E. VĂN NGHỆ SĨ VIẾT VỀ NGUYỄN HÀN CHUNG

LỤC BÁT TẢN THẦN CỦA NGUYỄN HÀN CHUNG

Du Tử Lê.

Một trong những đặc tính có tính di truyền của người Việt, theo tôi là máu trào phúng, nói theo ngôn từ hôm nay là tính “giễu nhại”. Tôi vẫn nghĩ, có dễ nhờ tính giễu nhại (bản chất ít nhiều kỳ thị) nên dân tộc Việt Nam trải qua nhiều đời, với nhiều thời kỳ bị xâm lăng, đô hộ nhưng vẫn không bị đồng hóa(?)Nhiều người chưa quên nhớ rằng, khi người Tàu xăm lăng Việt Nam, thì người Việt đã lố bịch hóa kẻ thù bằng những danh từ cho thấy rõ sự khinh miệt, bỉ thử như “Tàu phù”, “Tàu Ô”… Khi quân Pháp thôn tính Việt Nam thì, cha ông chúng ta, có ngay những danh từ chỉ đám ngoại xâm này là “Mũi Lõ”, “Phú Lãng Xa”… Gần hơn nữa, khi người Mỹ đổ quân vào, thì dân gian cũng có ngay danh từ “Mẽo” để chỉ họ…

Trước đây, chúng ta có một nhà thơ Trào phúng gắn bó với một giai đoạn lịch sử: Nhà thơ Tú Xương (1870-1907).

Ngay từ thời đó, Tú Xương đã dùng thơ để giễu nhại, để đả kích hay, lố bịch hóa tất cả những hiện tượng ngoại lai diễn ra tại Việt Nam. Điển hình, như hai bài thơ dưới đây của Tú Xương, lố bịch hóa không chỉ những người theo Tây mà, ngay cả tiếng Pháp cũng bị ông đem vào cõi thơ “thần kỳ” của mình. Chúng như “những bức tranh, mang dấu ấn của một giai đoạn lịch sử đất nước:

Ô Tây Đi Tu

“Rứt cái mề đay ném xuống sông

Thôi thôi tôi cũng “mét xì” ông!

Âu đành chùa đó, âu đành phật

Cũng chẳng con chi, cũng chẳng chồng.

Chớ thấy câu kinh mà mặc kệ

Ai ngờ chữ “sắc” hóa ra “không”!

Tôi đây cũng muốn như cô nhỉ

Cái nợ trần duyên rũ chửa xong.”

Và:

Giễu Người Thi Đỗ

“Một đàn thằng hỏng đứng mà trông,

Nó đỗ khoa này có sướng không!

Trên ghế, bà đầm ngoi đít vịt,

Dưới sân, Ông cử ngỏng đầu rồng.”

Dường như thời thế càng nhiễu nhương, sa đọa, đảo lộn bao nhiêu thì hiện thực đó, càng là mảnh đất mầu mỡ cho văn chương trào phúng bấy nhiêu. Phải chăng vì thế mà tác phẩm thứ 6 của nhà thơ Nguyễn Hàn Chung, tựa đề: “Lục bát tản thần”, với 200 bài ngắn, dài đều là những bài thơ được viết trong ánh sáng soi đường của ngọn hải đăng trào phúng? Thi phẩm “Lục bát tản thần” của Nguyễn Hàn Chung viết nhiều về các khía cạnh hiện thực của xã hội. Từ tình yêu thời a còng (@), cảnh vật đất nước, đạo đức con người xuống dốc một cách thảm hại… mà thực tế cho thấy trong mấy nghìn năm lập quốc, chưa bao giờ thực trạng xã hội, con người lại sa đọa đến mức như vậy. Dĩ nhiên, như tên gọi, tất cả mấy trăm bài thơ của họ Nguyễn đều được dựng trên cót lõi trào phúng, giễu nhại của tinh thần Việt Nam. Ngay bản thân ông, cũng được tác giả đem lên trang giấy, soi rọi một cách tận tình, không ngần ngại…

Bài lục bát đầu tiên, “Về thôi, lục bát” mở vào tác phẩm của Nguyễn Hàn Chung, đã như lời “Tự bạch”, cho toàn thể thi phẩm:

“…Từ ngày anh biết đau thơ

Đã xông vào cõi bơ vơ lắm lần

Từng quay lưng với mái tranh

Đi tìm lửa đáy biển xanh rã rời

.

Về đem lục bát ra phơi

Có em đang cắp nón cời đợi nhau

Anh từng chiết giải thâm sâu

Chiều quê vẫn sững sờ câu “chiều chiều…”

Bước sâu vào nội dung sau đấy, người đọc sẽ thường gặp những câu thơ như:

“Về nghe tiếng cát làng đầm

Vẫn là kiếp kiếp ngư dân mỏi mòn

Về làm chi nữa các ôn

Chỉ nghe sóng vỗ bãi buồn điêu linh…”

(Trích “Một chiều về thăm lại phá Tam Giang“)

Hoặc:

“Mẹ chừ hết biết ngày ni

Vợ chừ cũng chẳng biết chi ngày này

Con chừ quần quật đi cày

Ngày nào phụ nữ hết cay đắng là…

(“Ngày phụ nữ“)

Và, khép lại tập thơ dày trên 240 trang, với bài “Làm tình & thơ tình“:

“Thơ tình khác với làm tình

Khác nhau xa chẳng phải hình như đâu

Thơ tình mê hoặc rất lâu

Làm tình mê muội rất mau lẹ mà

Làm tình không có thăng hoa

Có khi giết cái bóng tà khỏe re

Thơ tình như suối như khe

Nghìn năm, không nói quá nghe, vẫn tình”

Được biết nhà thơ Nguyễn Hàn Chung còn có nhiều bút hiệu khác, như: Nguyễn Phong Hàn, Nguyễn Đức Mù Sương.

Sinh quán của họ Nguyễn thuộc quận Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ông dạy học từ năm 1971 tới năm 2006, ở Quế Sơn, Đà Nẵng; định cư tại Hoa Kỳ 2006… Ông đã cộng tác với rất nhiều tạp chí văn nghệ từ trong nước, ra tới hải ngoại.

LỤC BÁT TẢN THẦN CỦA NGUYỄN HÀN CHUNG

Luân Hoán.

Nội dung phong phú với 200 bài lục bát.

Mở tập với bài Về Thôi, Lục Bát, gồm 4 cụm mỗi cụm 4 câu. Cụm (tôi thử dùng từ này thay chữ khổ thông dụng) cuối cùng như sau:

“…về đem lục bát ra phơi

có em đang cắp nón cời đợi nhau

anh từng chiết giải thâm sâu

chiều quê vẫn sững sờ câu “chiều chiều…”

Tôi khoái động từ “cắp” Nguyễn Hàn Chung dùng. Hình ảnh một thôn nữ kẹp nách một cái nón giàu mồ hôi nắng gió thật rõ nét đẹp.

Bài kết tập có tên gọi thú vị, nhưng không lạ: Làm tình & thơ tình, gồm 3 cụm rưỡi, trọn bài như sau:

“thơ tình, khác với làm tình

khác nhau xa chẳng phải hình như đâu

thơ tình mê hoặc rất lâu

làm tình mê muội rất mau lẹ mà!

làm tình không có thăng hoa

có khi giết cái bóng tà khỏe re

thơ tình như suối như khe

nghìn năm, không nói quá nghe, vẫn tình

nàng ơi, xin cảm thương anh

thơ tình thế chấp làm tình thế gian

mai rồi anh có lên đàng

thơ tình miên viễn tràng giang em à!

làm tình anh cất trong nhà

thơ tình hiến tặng bao la cõi người.”

Không rõ các bạn đọc khác ra sao chứ riêng tôi chỉ đồng ý với nhà thơ hai câu kết thôi. Tôi cũng từng so sánh hai động tác hưởng lạc này, và hình như cũng có nhiều bạn khác thực hiện. Có dịp tôi sẽ sưu tập và phổ biến để các bạn cùng đọc.

Với thể loại lục bát, xưa nay tôi đồng tình với nhận xét “dễ làm, khó hay”. Nay tôi bổ túc, thơ lục bát ai cũng làm được và bất cứ ai cũng có vài cặp xuất thần thú vị.

Nhà thơ Nguyễn Hàn Chung, thành danh từ các thi phẩm: Tìm Tôi Trong Bóng (1999), Nói Hộ Phù Du (2002), Nghịch Lưu Của Tuổi (2011), Dự Cảm Rời (2016), Lục Bát Tản Thần (2018) và 3 cuốn sách khác, in chung. Lục bát là một ngón quen tay rất xuất sắc của anh.

Trình độ viết Lục bát khác nhau, và nói theo kiểu túc cầu “có đẳng cấp” chỉ ở chỗ sắp xếp vị trí của từ ngữ. Cũng chỉ trong 14 chữ giống nhau, tùy theo sự xáo trộn sắp xếp, 6 trên 8 thành thơ hay không, bên cạnh đó dĩ nhiên phải có tứ thơ, hình ảnh, màu sắc cùng những tinh quái khác.

Anh là thi sĩ, thơ hay, thơ đúng nghĩa của nó. Nếu cần thêm, tôi xin nói:

Cảm ơn Nguyễn Hàn Chung không có hoặc bỏ ý định tiếp cận những cánh cửa thi ca thế giới. Anh ở lại cùng vần vè (nói theo kiểu châm biếm của những người học theo cách tân) hoặc vần điệu (theo nhóm thủ cựu, cũng ăn theo người xưa). Tân kỳ hay thơ có vần đều là hình thức cả. Không đồng dạng, đồng phục trong nhóm này, thì cũng ở bầu, ở ống trong nhóm khác. Cái cần là ghi nhận cuộc sống với tài nghệ riêng. Và phương thức ghi nhận cần có người khác đồng tình thưởng ngoạn. Tạo đường lối mới hay học theo đường lối mới, không phải đả phá cái cũ để đi lên, kiểu nhóm Sáng Tạo một thời cũng có giai đoạn đầu áp dụng. Hướng dẫn sự thưởng ngoạn của tôi (nói theo kiểu tòa án) đương nhiên không thiếu sự sai lệch. Tất cả tùy theo bạn đọc cảm nhận trực tiếp cùng tác phẩm.

Mời cùng đọc Lục Bát Tản Thần của Nguyễn Hàn Chung, để biết sự tản thần của anh khi viết ra sao. Và cũng để xem mình sẽ tản thần như thế nào khi đọc lục bát của anh.

MÓT CHỮ TRONG KINH CỦA NGUYỄN HÀN CHUNG

Hồ Đình Nghiêm.

Khi nhắc tên Nguyễn Hàn Chung. Chẳng còn ai xa lạ với danh xưng này. Anh hiện ra, khoác áo thi nhân đi trên con đường tự chọn. Thoạt đầu là lữ thứ đơn độc xuống núi, rời khách điếm tửu lầu chẳng mấy lâu thì cớ sự đã thôi còn nguyên trạng. Ngựa hý dặm dài, đã có không ít người lao xao đang thúc vó câu sau bóng chữ anh đánh rơi đâu đó. Hình ảnh một nhà thơ, hãy nên khởi đi bằng lối ví von đó. Rõ nghĩa hơn, người mang tên Nguyễn Hàn Chung đã gây nên tiếng vang từ độ.

Khi nói tới thơ, người ta thường đưa ra một nhận định sơ khởi: Đó là thể loại chắt lọc, giản lược chữ, trong khi ở văn xuôi muốn diễn đạt cùng một trạng huống cảm xúc buộc phải viết dài ra. Rườm lời nhưng chưa hẳn đã thâu tóm đủ. Bởi thơ, tuy ngắn, lại có lúc mở được một cảnh giới khác. Thú vị và bất ngờ. Nhà văn Thảo Trường trước đây từng trả lời câu hỏi:”Nhận định về truyện ngắn”. Ông cho hay: “Câu nói hay nhất là câu nói ngắn nhất. Viết truyện ngắn là dùng thứ kích thước nhỏ để dựng nên một vấn đề có khi… rất lớn”. Một bài thơ thường ít chữ hơn văn xuôi. Điều đó ai cũng rõ. Và do lẽ đó người ta vẫn sắp hạng thơ đứng cao hơn các thể loại dụng chữ khác. Ở lãnh vực hội họa, từ ngàn xưa danh họa Leonardo da Vinci có nói: “Giản đơn là thứ rất mực cầu kỳ”. Muốn vẽ được, thể hiện ra sự đơn giản, anh phải dày công tập luyện. Thơ Haiku là gì? Phải chăng là một thứ rất mực cầu kỳ, bởi nó đơn giản tới tận cùng giản đơn. Một hòn sỏi rơi xuống giếng sâu. Chấm hết. Anh có nghe được tiếng khuấy động hồi âm? Anh có cảm thấu cái tịch lặng “xôn xao” tiếp theo?

Thơ vốn ngắn, có người đang muốn làm ngắn, muốn giam giữ thơ bằng hình thức chỉ bốn câu thôi. Không thể 5, chẳng cho 6, đừng nên 7, 8… Dạ thưa, người đó là nhà thơ Nguyễn Hàn Chung. Thi nhơn vừa chọn hơn hai trăm bài, gom lại, làm cho chúng cái giấy khai sinh bằng tên gọi “mót chữ trong kinh”. Bốn chữ này cũng là thứ cầu kỳ trong giản đơn. Chữ mót đã hay mà kinh là đại diện cho những lời răn thậm nghiêm túc. Nhà thơ mót được gì?

ngồi bên gái đẹp

càng thấy mình già

mà tìm gái xấu

suốt đời không ra.

(chụp bóng)

Người đọc bắt đầu sinh nghi. Kinh gì vậy cà? Cứu khổ? Không. Cứu nạn? Không. Kinh tụng về tình yêu chăng? E là vậy. Vì hơn ai cả, nhà thơ Nguyễn Hàn Chung là người thiết tha yêu, mê man yêu, đắm đuối yêu. Ngây dại. Một sự mù lòa gần như giả bộ, gần như bỡn cợt. Nổi bật ở thơ anh, cô đọng lấy một chữ “hóm”. Đơn cử bài “Hỏi”:

quen nhau chừng đổi đôi năm

chưa gặp gỡ chưa trăm trăm bữa nào

chưa xì lác chưa bài cào

nói yêu chết bỏ có tào lao không

 Ngoài “tào lao”, tôi đặc biệt thích chữ “văn minh” qua lối so sánh của nhà thơ:

nhớ em hồi nhỏ chơi thân

tắm sông tắm giếng truồng trần giỡn anh

ai đời cái bọn lưu manh

đem quần lót biến em thành văn minh.

(em thành văn minh)

Trang kinh sau đây mới đích thực là kinh, chẳng phải dễ để mót ra những chữ trùng lập cố tình, tạo ra chuỗi âm vọng tựa tiếng chuông ngân nga:

một chiều cô độc một cô liêu

một tiếng chiều im một tiếng chiều

một tiếng chiều xiêu trong một tiếng

một chiều xiêu đổ một chiều xiêu

(một tiếng chiều)

Kinh sách hoặc kinh ngạc hay kinh khủng thảy đều có thể hiện tới trong sát na “một chiều”, trong hữu hạn “một tiếng”. Mà dù là kinh gì đi nữa, buộc nó ẩn giấu chút ngờ vực và rồi anh phải đam ngộ nó. Tựu thành một thứ triết lý, chứng minh rằng chẳng có gì bất hoại ở đời này. Cách minh chứng của Nguyễn Hàn Chung thật cô đọng, thật thơ. Từ đó, dẫn mê man tới vô thường. Ngoài ra, nhà thơ rất tài ba ở thuật hoán đổi, xáo trộn thời gian. Bản luân vũ thoắt sáng thoắt trưa thoắt chiều, khó nắm bắt khung thời gian chính xác:

đêm gói em chừa đôi mắt ấy

cầm lòng không đậu mịt sương bay

tôi vừa chạng vạng thành khuya khoắt

cứ dỗ tôi rằng em…sớm mai

(dỗ)

Khi mang chủ đích chọn in một thi tập chứa toàn thơ bốn câu, cha đẻ nó, nhà thơ Nguyễn Hàn Chung đã tự làm khó anh, đã tự vạch ra một lằn ranh giới hạn để “đêm nằm vo cái tiêu điều thở ra”. Nhà thơ tâm sự:

thả bác học với bình dân

trộn mòn sáo với cách tân khuấy rồi

bắc lên lửa tốt nước sôi

cho lòng ai nhuyễn nhừ rồi húp ngon

(canh lòng thả)

Đó là phương cách sáng tác từng thử nghiệm qua, trong khi thơ bốn câu chỉ là một hình thức, một vỏ bọc nhỏ có khi chứa một thứ… rất lớn. Như vậy nhà thơ rất giàu có tính ẩn dụ, thật hồ đồ nếu anh mãi tìm đâu là “nước sơn” đâu là “tốt gỗ” trong khi nhà thơ đã nhân cách hóa vật thể chung quanh, cốt để tô đậm một tình ý.

tôi mút mùa thu trên ngón tay

của em vừa đếm lá chiều nay

mùi hương lá trộn mùi hương ngón

hong ấm trần gian điếng dại này

(lá & ngón)

Hương ngón? Nghe lạ chăng? Mút mùa thu? Nghe đặng không? Đừng tìm lời phân giải. Thơ vốn là thế. Tách biệt ra, chỉ đọc và cảm nó. Anh cảm khi bắt gặp ở thơ vừa dấy lên một cung bậc mơ hồ, chỉ có vậy, tập chao lòng trước bao điều phi lý, thậm chí vô lối. Vận động của lý trí đòi nhảy ra ăn thua đủ, mổ xẻ rạch ròi sẽ khiến bài thơ tắt thở. Lẽ tất nhiên, một nhà phê bình sẽ chẳng tài nào gánh thêm chức phận kẻ làm thơ. Một người sắc sảo việc phân tích này nọ làm sao họ có được lối thuật tả phù chú, vẽ nên cảnh sắc thơ mộng và súc tích như trong bốn câu “trước hồ tịnh tâm”:

tiếng hồ im đến mong manh

một tàn sen rớt cũng thành âm giai

đáy hồ thấp thoáng cân đai

mặt hồ xiêm áo một hai chú chuồn

Đó không phải là một trang kinh thì gọi là gì? Rất huyễn hoặc mà cũng rất chắt chiu ngôn từ. Giàu liên tưởng khi dùng chữ “cân đai” thấp thoáng đọng dưới đáy hồ. Hồ Tịnh Tâm còn gọi Hồ Tĩnh Tâm vốn là nơi ngày xưa làm chốn giải trí của vua triều Nguyễn ở cố đô Huế. Một cái nhìn tinh mắt về xiêm áo phù du. Trước đây, nhà thơ Nguyễn Hàn Chung có viết nên thi tập “Lục bát tản thần”. Nó lăn lộn ra chốn “giang hồ” và nó khiến nhà thơ chịu chết. Chết một “thương hiệu” lạ thường mà người đọc gán ghép vào anh: “tản thần”. Tôi nghĩ là người đọc đã thương yêu nhà thơ khi gọi thế. Và tôi tin nhà thơ lấy làm vui khi nhận tiếng ong ve nọ, “Mót chữ trong kinh”, với tôi là một tựu thành từ niềm vui ấy.

 Biến đổi ra một “cuốn kinh” với hơn hai trăm bài kệ chừng như dễ tụng, nam phụ lão ấu đều lĩnh hội được đôi điều khi bước vào cảnh giới thoạt trông là bông lơn, nhưng giấu sau chữ là một thành tâm sám hối. Sám hối về những lỡ làng trên cuộc lữ, giữa quan hệ gái trai, tình nhân hoặc vợ chồng. Phả vào chút nghịch ngợm, hà hơi thêm chất tự trào, thấp thoáng một lay động của hình ảnh ông Tú Xương mãi đương cự những éo le mà đời luôn bày biện.

Nhiều người coi thơ là những hạt ngọc, tôi đọc thơ bốn câu của tác giả Nguyễn Hàn Chung với ý nghĩ rằng đó là chén cơm trắng, gắp bỏ gia vị với đồ “mặn” ra, những hạt gạo kia thơm dậy một tấm lòng thiết tha yêu đời, yêu người, thậm chí thuần hậu yêu một hình ảnh tưởng chừng chỉ còn nằm trong hoài niệm, hư ảo, ngoài tầm tay. “mót chữ trong kinh” là một nỗ lực đi tìm vẻ đẹp mong manh mà thơ Nguyễn Hàn Chung là nhịp cầu, trải thân cho những ai hằng tin yêu thương có thể trấn áp, hóa giải bao muộn phiền.

Tôi chỉ là người đọc thơ bình thường. Nghĩa là tôi chỉ biết “mút ngón tay” chỉ trăng. Nghe Phật cười độ lượng: Ta nào có rao giảng điều gì đâu? Một người đọc vui thú khi được góp mặt, núp bóng đằng sau “mót chữ trong kinh”.

em lá trong tôi chập choạng chiều

vẫn thèm riêng sớt một lời yêu

thèm yêu như giọt sương trên lá

yêu thoáng hôn hoàng lặn mất tiêu

(thèm yêu)

 Nhà thơ Nguyễn Hàn Chung là một người hạnh phúc, tôi đoan chắc như vậy khi lạc chân vào cõi thơ anh vây lối. Tôi chưa hề nhìn ra nỗi đau khổ tột cùng như bao nhà thơ khác khi viết về tình yêu. Cho dù Nguyễn Hàn Chung vui gượng, tôi vẫn thích nụ-cười-giả-bộ-buồn mà anh thổ lộ. “mót chữ trong kinh” là mót lấy cái bi hài đầy thành thực. Tôi cảm ơn anh về nụ cười, với tôi, thơ anh chưa hề đánh mất niềm lạc quan.

Montréal, tháng 11, 2019.

(TRÍCH)

“Đọc thơ Nguyễn Hàn Chung càng đọc càng thấm cái hay ho của ngôn ngữ Việt Nam. Từ cái trong sáng của Nguyễn Du đến cái u minh của NHC thấy thơ ai cũng nằm trong ánh đèn LED” (Trần Vấn Lệ)

“Nguyễn Hàn Chung thể hiện cách tân qua cung cách nghiêm nghị pha nghịch ngợm con chữ, ý tình. Ngoài lũy tre, người thân, cõi sau… còn là những hình ảnh dồn nén, tưởng tượng của chốn tình chốn dục, qua cắt ghép số chữ 6-8 qua lên hàng và xuống hàng, nhiều bài khá thành công chứng tỏ tác giả có trăn trở kiếm tìm… hơn 200 bài, một số khá đặc sắc, một số nên đọc lớn tiếng vào buổi bình minh, một số khác chỉ nên đọc khi ở một mình”(Nguyễn Vy Khanh)

“Nguyễn Hàn Chung là nhà thơ nổi tiếng nhiều năm nay từ trong nước ra tới nước ngoài… thơ tình nhưng không u sầu than thở mà có giọng đùa cợt nên dễ được nhiều người đồng cảm ưa thích(Nguyễn Xuân Thiệp)

“Nguyễn Hàn Chung sống trong những trăn trở đó, nên thơ anh khi chạm tới nguồn mạch quê hương ta cảm thấy anh sống lại một cách mãnh liệt nhưng rất hồn nhiên, tiếng lòng của anh bật lên, ta nghe thấytrong sâu thẳm của chữ nghĩa anh dùng, có một tiếng nấc tự đáy lòng phát tiết” (Phan Xuân Sinh)

“Nguyễn Hàn Chung thuộc nhóm những người chủ trương canh tân đổi mới thi ca từ hình thức đến nội dung. Anh dùng chữ cẩn trọng, cân nhắc, nên trong suốt tập thơ, người đọc không thấy những sáo ngữ, những câu chữ mượt mà, bóng bẩy, lê thê, sướt mướt. Ngôn ngữ trong thơ Nguyễn Hàn Chung song hành với đời sống ý tưởng gồ ghề mà anh thể hiện” (Quỳnh Thi)

“Thơ của Nguyễn Hàn Chung nặng về tự sự, đi thẳng vào lòng người với một phong cách khó lẫn. Đọc thơNguyễn Hàn Chung, có cảm tưởng anh viết chỉ để riêng anh đọc, nên trong thơ anh bộc lộ tất cả, thành thật đến trong veo, nhưng… dẫu thế, thơ là sự đồng cảm, đọc lên lại hóa ra anh viết cho mọi người, nhất là những người, trước thế sự đau đớn, nhăn nhó như thế này không thể không suy nghĩ, không thể không trăn trở” (Trần Kỳ Trung).

“Ngôn-ngữ trong thơ NHC: ngôn-ngữ tưởng không bao giờ có thể thấy trong thơ. Nhưng NHC đã dùng nó “tỉnh rụi” bình dị và đi vào lòng người lúc nào không hay. Và nó đã chiếm được cảm tình của tôi, tôi đón nhận nó như một người bạn lâu năm, bất ngờ gặp lại. Thơ NHC “lột trần”,”bóc vỏ” cuộc đời. Thơ của anh là cái gì xung quanh chúng ta, nó ngổn-ngang như sỏi đá, nó chồi lên như lau lách nơi bờ bãi, nó thanh thiên bạch nhật như những cao ốc lừng lững trong cuộc sống của thế kỷ hôm nay, nó là trang FB, là cái trạm xăng nơi góc phố, là ly cà-phê buổi sớm, là điếu thuốc đầu ngày, nó mang theo những hoài niệm, nỗi nhớ quê nhà, nó mộc-mạc hiền lành như ruộng lúa, bờ tre” (Nghiên Long- Trọng Nghĩa).

“Thơ Nguyễn Hàn Chung thấy vần điệu gần gũi mà ý tứ thăm thẳm, lắt léo…Đọc cách này lóe ra hiểu cách khác nhưng dù đi bằng cách nào đi nữa thì con đường đến thơ ông cũng độc đạo. Đó là con đường đầy cảm thông và yêu thương…” (Dương Diên Hồng).

“Đọc thơ Nguyễn Hàn Chung đã thấy anh ở một nơi rất xa những tự sự buồn vui yêu thương tâm cảm như lời nói ra… chỉ có thơ là còn lại…”(Huỳnh Lê Nhật Tấn)

“Tôi khám phá trong anh khát vọng yêu thương mãnh liệt, yêu thương thân phận con người phải quay cuồng giữa cõi nhân sinh hỗn loạn, yêu đến độ đụng vào đâu cũng bục ra cả khối xót xa, trăn trở, ray rứt…”(Ngô Thị Mỹ Lệ)

“Nhịp thơ hổn hển gấp gáp mà mộng mị đìu hiu. Thi ý vướng mắc trong hư huyễn đời người, nên dễ gì mà không đau. Điệp từ ngữ – cú pháp, cách ngắt câu xuống dòng bất thường lại là ưu điểm hay gặp trong tập thơ. Kệ đi! Miễn nhà thơ nỗ lực làm mới thi pháp, cách tân thể điệu để tránh sa vào lối mòn là đã hết lòng với nghiệp thơ, với bản sắc văn hóa Việt” (Nguyễn Thoại Vy)

“Dù có giấu kỹ những suy tưởng của mình về trời đất về thế thái nhân tình thì cái chất trữ tình trong máu huyết ông, cái nỗi dằn vặt trong hồn ông vẫn còn đó một cách nguyên vẹn khó phai lợt…” (LươngThư Trung)

“Nguyễn Hàn Chung, một ngòi bút tài hoa đã khắc họa một cung bậc tình cảm tinh tế trong thiên hình vạn trạng yêu-nhớ-hận-quên của cõi đời này” (Trần Hạ Vy).

“Người ta có thể đến với thơ một cách ngẫu nhiên, tự nhiên, hồn nhiên, nhưng để đi được với thơ một quãng đường hay mút con đường thì cần phải có ý thức rõ rệt về nghề thơ, lao động thơ. Giữa quan niệm được tuyên bố và sáng tác đã ra mắt có thể có chút so le, khập khiễng, nhưng sự có mặt đồng thời của chúng trong cuốn sách rất có ích cho người đọc, người phê bình… Tôi hiểu ông làm thơ nhiều không phải do rỗi về thời gian, mà do những thúc đẩy từ bên trong của một người thiết tha với chữ (nghề giáo, nghề thơ đều phải làm việc với chữ cả), mong được cùng chữ tươi trẻ lại mỗi ngày, giữa cuộc đời nói phù du thì cũng phù du thật, nhưng vẫn đáng sống, dù có lắm điều khiến ta phải phiền não, trăn trở.” (Sấu Mã)

“Thơ Nguyễn Hàn Chung như thế đấy, có thương nhớ quê nhà, có lãng mạn dịu dàng với tình nhân, có bỡn cợt tha hồ chữ nghĩa… nhưng trong tận cùng là sống chết không rời với thơ, khi chữ không đơn giản được chép xuống mà là nhai chữ ngấu nghiến cho hả họng siết rên, thơ đã được nấu cho nhuyễn nhừ để húp vào là ngấm vào hiển lộ đầy chữ trên cả chân tay xương thịt gân da.” (Phan Tấn Hải)

“Bài thơ Đàn bà & Thơ của tác giả Nguyễn Hàn Chung đưa ra quan niệm về sự hấp dẫn của đàn bà, để từ đó nói về sự hấp dẫn của thơ – nhưng cái hấp dẫn đầu tiên hình như lại chính là tính gây hấn, thách đố đến từ những phủ định nối tiếp của tứ thơ!… Bài thơ 10 câu chia thành 5 phân đoạn, mỗi phân đoạn là một thông điệp, thông điệp sau phủ định một phần thông điệp trước nhằm bổ sung thêm ý tưởng, cứ thế, như thách đố, như giỡn đùa, đặng tới chặng thứ tư, phủ định tất cả và đưa ra thông điệp cốt yếu, và tới câu cuối, chặng cuối, người đọc mới nhận ra, mỉm cười: À ra nhà thơ nói về thơ!” (Trịnh Thu Tuyết).

G. VĂN NGHỆ SĨ VÀ NGUYỄN HÀN CHUNG

Ảnh 1 Hà Thúc Sinh, Hoàng Hưng, Ly Hoàng Ly, Nguyễn Hàn Chung
Lê Hữu Minh Toán, Ngũ Yên, Phan Xuân Sinh, Trương Vấn.
Ảnh 2 Phan Xuân Sinh, Tô Thẩm Huy, Tô Thùy Yên, NHC
Ảnh 3 NHC, Từ Hoài Tấn, Trần Hoài Thư, Nguyễn Đình Thuần, Trần Doãn Nho
Ảnh 4 (đứng) Phạm Phú Minh, NHC, Trần Yên Hòa,
(ngồi) Đạm Thạch, Thành Tôn, Trần Văn Nam.

(Trích: 108 nhà thơ nhà văn Việt giữa thế kỷ 20 – Quyển Hạ)

Bài Mới Nhất
Search