T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phan : Cậu bé trong va li…

clip_image002

Cậu bé Aylan Kurdi mới ba tuổi, nằm chết trên bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ như ngủ quên sau một buổi chơi cát cùng gia đình đi tắm biển. Nhưng không, cậu bé cùng gia đình đã không đi nghỉ mát mùa hè mà đi trốn chạy chủ nghĩa cộng sản mới bằng thuyền; nghĩa là cậu bé ấy đã chết đuối – rồi dạt vào bờ biển; màu áo đỏ của cậu bé nằm chết như ngủ trên bãi biển xanh đã đánh thức lòng trắc ẩn của nhân loại sau giấc ngủ dài tham lam và ích kỷ do tiện nghi và khoa học kỹ thuật mang tới cho loài người. Đôi người đặt ra câu hỏi, “bao giờ mới hết di dân lậu?”

Đó là câu hỏi từ khi loài người có bản đồ phân chia địa lý giữa các quốc gia. Nhưng câu trả lời nào cũng không hợp lý vì căn bản của hành tinh mà chúng ta đang sống chỉ có bốn mùa từ tạo thiên lập địa, những vùng địa lý mà con người gọi là vùng ôn đới, vùng xích đạo, hay nhiệt đới gió mùa… về địa lý chỉ vậy thôi! Nhưng chính con người đã tạo ra những đường biên giới trên địa cầu để chia cắt nhà chung của nhân loại là trái đất thành nhiều quốc gia với luật lệ riêng về di trú, luật pháp, và phát triển.

Nếu thủy tổ của loài người đúng với những giả thuyết của các nhà khoa học là xuất phát từ châu Phi và lan toả ra khắp địa cầu thì lòng trắc ẩn của hậu duệ gần đây không dấy lên với hình ảnh chú bé áo đỏ chết trôi-dạt vào bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ; làm cả nhân loại phải nhìn lại lòng mình đầy trắc ẩn là điều không có trong bước chân tha phương của tiền nhân. Chuyện tổ tiên của loài người đi tìm đất sống được con cháu nhớ ơn như một sự phát triển của loài người thì nay chính loài người thuộc hàng con cháu của tổ tiên xa xưa lại làm khó nhau trong việc đi tìm đất sống vì chính sự văn minh của con người hiện đại, mà trong sự nói chung là văn minh ấy thì lòng hẹp hòi nổi bật hơn cả.

Chuyện di dân chánh thức nào chả có lý do chính đáng, nên những người có hộ chiếu (passport) hoặc có visa nhập cảnh vào những nước giàu có và phát triển như Canada hay Hoa Kỳ, những nước giàu ở châu Âu, Nhật ở châu Á… một cách hợp pháp với luật di trú của nước sở tại đón nhận thì những người may mắn ấy chỉ biết được giá trị của sự may mắn ở chừng mực nhất định – là một cuộc đổi đời thật sự! Họ không thấm thía bằng người vượt biên về ý nghĩa của cuốn hộ chiếu (hay còn gọi là sổ thông hành), giá trị của sự định cư mới – làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời còn lại của họ. Người di dân hợp pháp qua các chính sách đoàn tụ khác nhau, không thể hình dung ra có những con người khác đã phải tìm mọi cách để đến được miền đất hứa, bất luận họ muốn đến miền đất hứa ấy vì mục đích, lý do gì.

Sau chuyện cậu bé áo đỏ chết trôi-dạt vào bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ hôm tháng trước,nay cậu bé cuộn mình trong va li trong hành trình đi tìm miền đất sống lại làm bàng hoàng trái tim nhân loại của những ai còn chút tình người. Câu chuyện như sau, một ông bố đã nhờ một phụ nữ kéo chiếc va li hành lý qua trạm kiểm soát của hải quan Tây Ban Nha.

Nhưng kế hoạch của họ đã không thành khi máy rọi (x-ray machine) tại điểm check point của hải quan cho thấy hình ảnh (image) của một trẻ em tám tuổi đang cuộn mình trong va li.

Đó không phải là một hình ảnh lạ mắt ở những trạm kiểm soát trên toàn thế giới vì nạn di dân lậu đã toàn cầu hoá; chẳng có gì sáng tạo hay khôi hài, mà chỉ là một nhắc nhở đau lòng cho loài người hôm nay. Tại sao con người phải tìm đủ mọi cách để trốn thoát quê hương đích thực của mình? Từ bỏ một hoàn cảnh có thật để hy vọng một thiên đường mơ hồ khác hơn bằng chính sinh mạng người di dân lậu đang làm nhức nhối mọi giới, mọi người trên hành tinh vì đâu?

Nhớ lại lịch sử vượt biên của người Việt sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975. Có câu chuyện khôi hài của cô ca sĩ miền bắc tên là Ái Vân. Cô ấy có tài, có nhan sắc, được phong là nghệ sĩ ưu tú gì đó; nghĩa là trên mực nghệ sĩ bình thường. Ngần ấy thuận lợi có thể nói là mơ giữa ban ngày của bao người, bao nghệ sĩ nhân dân trong chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa Việt nam. Nhưng có lần đọc qua bài phỏng vấn báo chí về cô ta thì càng rõ thiên đàng cộng sản đúng là cái bánh vẽ vì cô ta trả lời phỏng vấn với báo chí rằng mình là “tường nhân” vì vượt biên từ Đông Đức qua Tây Đức khi bức tường Berlin chưa sụp đổ. Không chỉ riêng cô, nhiều người đã trở thành tường nhân vì họ tìm đến với tự do bên kia bức tường cộng sản do Đông Đức dựng nên.

Còn bao người Việt khác là những (boat people) thuyền nhân vượt biển và rất nhiều (walker) bộ nhân vượt biên bằng cách đi bộ qua Miên, qua Thái Lan sau khi mất nước; mà nhạc sĩ Trúc Hồ là người có cơ hội nhất nên đã kể lại chuyện vượt biên đường bộ của bản thân anh cho mọi người nghe.

Đó là những năm tháng kinh hoàng của rất nhiều người Việt quyết định bỏ nước ra đi.

Trở lại với câu chuyện cậu bé tám tuổi nằm gọn trong chiếc va li kéo tay, nếu thoát được trạm kiểm soát của Tây Ban Nha, lớn lên em nhỏ đó sẽ trả lời câu hỏi: How you get here in Spain? – cómo se puso aquí en España? Câu trả lời của cậu bé sẽ là: Tôi là một va li nhân – a trolley suitcase people!

Cũng là một con người được sinh ra trong quyền bình đẳng theo công pháp quốc tế là mọi người được sinh ra đều có quyền bình đẳng và mưu cầu hạnh phúc như nhau. Vậy những thuyền nhân, tường nhân, bộ nhân, va li nhân… có lỗi gì mà chịu ám ảnh suốt đời về cuộc vượt thoát của bản thân? Cái lỗi duy nhất của họ chỉ có thể là sinh ra nhầm quê hương; hay chính xác hơn là quê hương họ đã nhầm người lãnh đạo nên họ phải bỏ nước ra đi chứ ai chả yêu nơi chôn nhau cắt rốn của mình nhất.

Theo dòng lịch sử nhân loại thì bạo chúa, độc tài, phát xít không phải không có trong lịch sử nhân loại. Chính họ đã tạo ra những bất hạnh và thống khổ cho con người; và tạo ra những cuộc di dân rộng lớn làm thay đổi bộ mặt nhân loại. Nhưng thời đại của qủy như được mùa, những tên ác quỷ trên thế gian hiện tại ngày càng tàn độc hơn, và đang đầy đọa nhân loại tới những cái chết thương tâm đến ám ảnh như ai nhìn ảnh thằng bé áo đỏ chết trên bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ mà không bàng hoàng thương cảm; xót xa phận người… và áy náy riêng tư, lòng trắc ẩn bỏ quên trong tiện nghi và xa hoa thức giấc!

Dù lịch sử loài người luôn cố gắng đi tìm cho bản thân mình và gia đình một cuộc sống tốt đẹp hơn. Con người đã không ngừng liều lĩnh tìm mọi cách để thoát khỏi tình trạng bế tắc, không lối thoát tại quê nhà. Ngay trên nước Mỹ này, từ những ngày đầu nô lệ da đen đã trốn khỏi các tiểu bang miền nam để đến các tiểu bang miền bắc nơi nô lệ được tự do, hoặc xa hơn là Canada, nơi không có chế độ sở hữu nô lệ.

Lịch sử xa xưa của Hoa Kỳ là thế! Và lịch sử cận đại của Hoa Kỳ là vấn nạn di dân lậu vượt biên giới Mexico để lọt vào Hoa Kỳ đã làm điên đầu bao nhiêu tổng thống Mỹ; chính phủ Mỹ thì triền miên nhức nhối với Mễ lậu.

Nhưng thuyền nhân Việt nam có thể hiểu Mễ lậu hơn bằng trải nghiệm vượt thoát. Một số rất đông họ đã chèo trên những con thuyền mỏng manh để đến với tự do. Một số đã bơi qua những đoạn hẹp của con sông biên giới Mỹ-Mễ có tên là Rio Grande để đến tiểu bang Texas. Nhiều người đi bộ vượt qua sa mạc cát cháy. Nhiều người trả tiền để được xếp cá mòi trong những thùng xe vận tải mười tám bánh. Một số trường hợp đã chết cóng khi phải ngồi trong xe chở hàng đông lạnh quá lâu… Biết bao nhiêu những cái chết thầm lặng trên đường mưu cầu hạnh phúc là bằng chứng của sự phân bố giàu nghèo không hợp lý trên địa cầu; bằng chứng của bạo lực, bạo quyền gây ra thảm cảnh di dân. Bằng chứng đau lòng khác trong những năm Cuba chìm trong u mê cộng sản. Người dân của nước cộng sản này đã tìm mọi cách vượt biển để đến Florida của Hoa Kỳ. Họ vượt biển bằng mọi cách họ có thể nghĩ ra. Có người đã dám mạo hiểm vượt biển bằng bè gỗ (rafts), với khoảng cách hơn 90 dặm đường biển, bất kể hiểm nguy. Trường hợp cậu bé Elian Gonzales mẹ đã chết đuối tháng 11 năm 1999 khi mẹ cậu quyết định đem cậu bé vượt biển cùng với người bạn trai là một bằng chứng đau lòng về chủ nghĩa cộng sản. Lần đó báo chí Hoa Kỳ đã hao nhiều giấy mực khi vụ kiện giữa họ mẹ của cậu bé và ông bố đẻ lúc đó hiện đang sống tại Cuba. Ông bố và người vợ sau của ông đã thắng kiện. Elian Gonzales được trả về Cuba. Năm đó cậu bé chưa được sáu tuổi. Một chú bé vượt biển bằng sinh mạng không bị chết đuối, nhưng không vượt qua được sự ngu xuẩn của chủ nghĩa cộng sản là đem chú bé về lại Cuba thì khác nào nhốt lại một thiên thần vào nhà tù cộng sản. Tương lai cậu bé ấy đi về đâu!

clip_image004

Bảng khuyến cáo coi chừng đụng người vượt biên

Dạo gần đây những con thuyền mỏng manh, chở người quá tải, bất cẩn và không quan tâm đến an toàn của những số phận người da màu đến từ châu Phi nhập bờ châu Âu với hy vọng được hưởng quy chế tỵ nạn. Dân từ Senagal, Mauritania, Canary Islands, Tây Sahara, Morocco, Libya đã tìm mọi cách để đến châu Âu, gần nhất là Tây Ban Nha và Ý.

Báo chí tràn ngập những vụ đắm tàu, số người chết đuối, xác người dạt trôi…, hàng ngàn nạn nhân. Các tổ chức Quốc tế kêu gọi. Các chính khách của chính phủ các nước châu Âu đau đầu với nạn di dân lậu.

Nhìn về châu Á, những đường dây đưa người vào châu Âu từ châu Á qua ngả các nước Đông Âu. Thông thường đường dây này xuất phát từ Trung quốc bằng xe lửa. Họ dừng chân tại Moscow – Nga. Sau đó là Ba Lan hoặc những nước thuộc khối Liên sô cũ. Rồi từ đây họ vượt qua biên giới đi vào các nước châu Âu có nền kinh tế phát triển. Hiện tại không ít người từ Việt Nam đã đi theo ngả này. Đường dây tổ chức khá tinh vi. Giá tiền chênh lệch khác nhau với những hình thức khác nhau. Nhiều tiền thì đi xe lửa, xe hơi. Ít tiền thì bị nhốt trong các container chở hàng. Giá cao có nhà trọ để ngủ qua đêm. Còn ít tiền thì ngủ đâu thì ngủ. Sống chết mặc bay.

Ngả xuất khẩu lao động, hay những hình thức lao động hợp tác ở nước ngoài có thể được coi là một hình thức tiếp tay cho vượt biên. Tuy ban đầu nhiều người trong số này có visa đúng luật. Nhưng vì visa hợp đồng lao động hết hạn, nhiều người quyết định ở lại làm chui, lãnh tiền mặt. Giới chủ hãng xưởng ai lại không thích thuê người với giá rẻ hơn. Hoặc do cộng đồng người Việt đã phát triển. Có chợ búa. Có các dịch vụ buôn bán khác nhau. Người Việt không giấy tờ (thực ra là giấy tờ đã hết hạn, vô hiệu lực) sẽ ở lại làm việc tại những nơi này. Vì cuộc sống, người thân ở quê nhà đang đói khổ, người trôi dạt phải chịu cảnh sống ngoài vòng pháp luật nơi tha phương mà không có bất cứ lựa chọn nào khác.

Nếu có dịp gang qua Đức quốc, bạn hãy đến chợ Đồng Xuân ở Đông Đức; là nơi bạn sẽ thấy trên vách tường có những thông cáo của cộng đồng người miền Bắc Việt nam với nội dung khiến bạn nổi giận! Ở đó có rất nhiều, hầu hết là người miền Bắc, và cũng rất nhiều người sống bất hợp pháp bên cạnh những người được hưởng quy chế tỵ nạn. Những người bị chính chủ nghĩa cộng sản ở quê nhà đã gạt họ ra khỏi nước; bắt họ sống cuộc đời trốn chui trốn nhủi ở nơi tha phương cầu thực. Thế mà họ dán lên tường tờ thông báo của cộng đồng người Việt ở Đông Đức là ngày tháng nào đó, mời đồng hương về khu chợ Đồng Xuân để vui chơi nhân dịp sinh nhật bác Hồ; Hay một đơn vị bộ đội dán thông báo mời hết cựu thương binh, chiến sĩ trong đơn vị về dự buổi họp mặt của đơn vị anh hùng trong quân đội nhân dân.

Tôi có chụp hình những thông cáo đó. Nhưng thật sự không hiểu người miền bắc nghĩ gì về lý do họ sống thất thểu từng ngày ở Đông Đức; không hiểu lòng dạ đâu họ còn tổ chức sinh nhật bác Hồ; hay gọi về họp mặt những đơn vị bộ đội đã bị vắt chanh bỏ vỏ; những ông già sáu mươi, người thương tật cả đời… còn về họp mặt để nhâm nhi sự lừa dối mà họ là nạn nhân được hay sao?

Trở lại với người di dân lậu đang làm náo động châu Âu. Những thống kê hiện có bao nhiêu di dân lậu và con số người vượt biên trót lọt sống tại các nước phát triển không thể chính xác được. Lấy thống kê ước tính của lượng di dân vượt biên lậu tại Hoa Kỳ của một số chuyên viên trong lĩnh vực này là khoảng 7 triệu. Trong khi đó nhiều nguồn khác ước tính con số người di dân sống ngoài vòng pháp luật tại Mỹ lên đến 20 triệu người. Với các chính khách, các nhà làm luật và giới báo chí truyền thông, con số di dân lậu tại Hoa Kỳ nằm vào khoảng 12 triệu người.

Số phận người di dân lậu, vượt biên, từ bỏ xứ sở của mình đặt chân đến miền đất xa lạ. Số may mắn có. Số kém may mắn có. Trên con đường vượt biên, vượt biển gian nan ấy, nhiều người đã bỏ mạng. Những ai sống sót, tuy có được cuộc sống ổn định, nhưng tàn tích của những khủng hoảng tinh thần mãi mãi là một ám ảnh day dứt tới chết.

Thế giới chọn ngày 20 tháng 06 dành riêng cho người tị nạn (World Refugee Day) do LHQ (Untied Nations) đứng ra thành lập. Cảnh ngộ của người tị nạn chẳng có gì tốt đẹp để nhắc đến, nếu không nói đầy dẫy những thương tâm, đau xót. Tuy nhiên Ngày Người Tỵ nạn – World Refugee Day – được tổ chức để tất cả những ai có lương tâm, có trách nhiệm, hoặc bất cứ ai có thể làm được điều gì để giúp đỡ những người tỵ nạn – bỏ quê hương xứ sở ra đi, có thể vì cuộc sống khó khăn, vì thiếu tự do, bị áp bức, vì chiến tranh, vì thiên tai… khiến họ phải vượt qua những khó khăn vất vả ra đi mà bình thường nếu không bị dồn vào bước đường cùng họ sẽ không bao giờ nghĩ đến.

Đứa bé trong va li, chưa có tin về số phận nó sẽ đi về đâu? Nhưng đã bị phát giác thì chuyện không may cho thằng bé đã gần như câu trả lời của chính quyền Tây Ban Nha, vì không cấm thì họ rọi quang tuyến làm gì?

Cũng tin trên báo, Đức Giáo Hoàng kêu gọi mỗi Giáo xứ hãy nhận bảo trợ một gia đình người di dân đang làm khủng hoảng châu Âu. Giáo Hoàng của người nghèo nên ngài hiểu người nghèo như hiểu lòng thương mến và sự chia sẻ mới là vũ khí hủy diệt bá đạo, cuồng tín, và độc tài… là những nguyên nhân tạo ra những làn sóng di dân đang sôi sục địa cầu. Ước ngài cũng được cả thế giới kính ngưỡng mà không cần biết ai theo đạo gì như cố Đức Giáo Hoàng John Paul II; người được mệnh danh, “mình ngài là một đạo quân”. Mình ngài cố Giáo Hoàng người Ba lan đó còn hơn một đạo quân vì ngài đánh đổ được cả khối cộng sản đông Âu- giải phóng cho triệu triệu con người. Đức Giáo Hoàng Francis cũng làm được điều to lớn và ý nghĩa cho thằng bé áo đỏ, và thằng nhỏ cuộn mình trong va li… những biểu tượng cho cái giá của tự do thời @.

Biết đâu nay mai, đọc trên báo thấy tin một giáo xứ Việt nam ở hải ngoại đã đón nhận một gia đình di dân bất hợp pháp từ châu Âu. Lòng biết ơn của người Việt càng khẳng định đó là truyền thống văn hoá đích thực của dân tộc Việt, vì người châu Âu cũng đã từng đón nhận bao gia đình vượt biển người Việt nam năm xưa. Xin Chúa thương xót chúng con!

Phan

 

 

 

 

©T.Vấn 2015

Bài Mới Nhất
Search