T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phan : Cây dù của hôm qua, cây dù của hôm nay . . .

 cay du 2

Big Umbrellas – Tranh :  Debra Hurd

Đó là vật tôi rất muốn có thời trẻ, đơn giản từ ý nghĩ thực tế những sáng nắng chiều mưa tan trường. Tôi thường nghĩ, giá mình có cây dù trong tay thì đã giúp được người lấy tay che trời lẻ loi kia… người đâu mà bướng bỉnh với cả trời! Nhưng đêm về lại tương tư sự bướng bỉnh của người không quen nên thả thơ vào mộng, có bàn tay nào che khuất mặt trời đâu… để nhiều năm sau vẫn còn hỏi người, em có về ngang hoa úa tình sầu/ hoa lìa cánh rụng vàng trên mặt đất/ có tâm sự cùng cỏ xanh những gì đã mất… em chưa một lần tâm sự với anh.

Nói theo Từ Công Phụng, người đi qua đời tôi lặng lẽ theo từng tuổi đời và chỉ mình tôi biết! Như chỉ mình tôi nhớ tôi chưa bao giờ có được một cây dù ở quê cũ vì hễ có chút tiền thì thường nghĩ tới cây kem đánh răng ở phòng trọ đã bị cả đám bạn bè mổ bụng phanh thây để nạo vét tới chỉ còn cái vỏ nhựa tang thương cũng không ai nỡ vứt vô thùng rác. Bọn ăn mày chữ lại xử trảm tới hũ muối chôm ở hàng quán về với hàng tá cái bàn chải đánh răng thọc vào mỗi sáng. Hũ muối bé tẹo trên bàn ăn ở hàng quán thì được mấy bữa là hết sạch. Từ đó cả đám đánh răng không muối không kem. Nên khi có chút tiền trong túi, tôi thường đi mua cây kem đánh răng, vài lít dầu thắp đèn vì chung cư mỗi tháng cúp điện chỉ hai lần/ nhưng mỗi lần mười lăm ngày thì làm sao học hành. Không biết sao từ trẻ, tôi đã hay lo những chuyện vặt vãnh. Chẳng giống bạn bè toàn lo chuyện lớn. Hễ thằng nào có tiền là cũng y chang như thằng nấy, lôi hết anh em chung phòng đi ăn chơi cho tới đồng bạc cuối cùng còn chưa muốn về.

Ôi cây dù của một thời tuổi trẻ chỉ còn thấp thoáng cái gọng kính cận của cô bé mới vào năm thứ nhất. Cô nhí nhờ tôi sửa cây dù ngoài bãi đậu xe, rồi che chung nhau vào trường. Cây dù như đồ chơi trẻ em nên bé đến hai cái đầu chụm vào nhau… vẫn ướt. Nhưng hương tóc gội dầu chanh thơm thoảng đến bây giờ.

Đến cây dù có thật trong xe. Mấy người Mễ rửa xe, hút bụi. Họ để cây dù lên ghế ngồi lái trước khi giao lại chìa khóa xe cho tôi. Tôi bồi hồi nhớ tới người bạn đã lâu không gặp, cô ấy hay che dù dù nắng hay mưa; cứ bảo tôi đi chung dù dù mưa hay nắng suốt một đoạn đời… rồi lặng lẽ để lại cây dù trong xe cho anh xài khi cần, để lại cả bầu trời nắng nắng mưa mưa, để lại nỗi nhớ người bạn thích che dù đã biến mất khỏi đời tôi lặng lẽ như khi cô ấy đến!

Nên mỗi lần nhìn cây dù tôi thường để bên hông ghế lái xe cho tiện sử dụng khi cần thì lòng tôi chơi vơi như nắng như mưa nhớ người thích che dù ở xứ Mỹ đi xe hơi, nhớ mái tóc học trò ở quê nhà ngày nào không biết có còn hương chanh đã từng len lỏi vào giấc mơ của người khác, rồi ở đó luôn tới hết đời người ta; nhớ cái gọng kính bằng đồi mồi giả, chỗ bản lề để gấp kính lại khi không sử dụng thường là con ốc vít nhỏ xíu thì đã rơi mất, thất lạc. Cô bé năm xưa đã xỏ qua đó cái kẹp giấy, rồi để nguyên thế mà nhìn đời. Chắc thế nên không thấy người thợ sửa kính trong sân trường đi tìm cô bé cận thị sau cơn mưa như tìm lại giấc mơ…

Cây dù bên hông ghế lái xe cứ nằm đó như người bạn rong ruổi vẫn bên tôi, hương chanh vẫn ngập hồn trí tưởng một nỗi nhớ mơ hồ…

Đến hôm tôi vừa đậu xe thì thấy bà bạn Mỹ làm chung cũng mở cửa xe bà, nhưng bà ngần ngại bước xuống vì trời đang mưa mây. Tôi biết chân bà yếu vì đã mổ đầu gối đến ba lần. Tôi bảo bà chờ. Tôi trở lại xe mình để lấy cây dù cho bà mượn. Nhưng tàn thuốc lá rơi lên cây dù hồi nào không biết, ny-lon dù cháy, rồi dính chặt vào nhau đến không thể bung dù. Thế là đội mưa mà đi với bà bạn già để nhắc nhở bà cẩn thận trơn trợt trời mưa; để có thể giúp bà khi cần thiết vì đầu gối bà đã mổ ba lần.

Thay vì tôi chạy u vô hãng thì ướt vài giọt mưa có xá gì. Nhưng phò bà bạn sắp về hưu nên cả hai cùng khá ướt. Và người Mỹ thường làm tôi bất ngờ. Những lời cảm ơn của bà đã quá đủ với tôi. Ai ngờ sang hôm sau, bà tặng tôi món quà để cảm ơn chuyện trời mưa hôm qua…

Chưa mở quà tôi đã đoán được đó là… một cây dù.

Tuy cây dù từ thời tôi còn đi học đã không bao nhiêu tiền. Nay càng rẻ với kỹ thuật sản xuất hàng loạt. Nhưng được cây dù tặng như thoả nguyện một ước mơ từ khi còn trẻ làm tôi vui. Mà cứ khi vui thì tôi thường chia sẻ với bạn bè, chỉ tiếc là bạn nhậu thì nhiều mà bạn dù xuyên suốt nửa đời người chỉ có ba bông hồng thuộc ba thời đại. Tôi đành về xem lại cây dù cháy tàn thuốc với toan tính sửa chữa vì làm sao bỏ được người bạn rong chơi vào thùng rác. Nhưng vô phương như người đi qua đời nhau biết đâu mà tìm. Sửa được cây dù thời đi học chỉ để từ đó thích hương chanh, nhớ cái kẹp giấy xỏ qua gọng kính nhìn đời… nên lạc mất nhau. Cây dù cháy đã vô phương cứu chữa như người chủ thật sự của nó đã biệt tăm…

Tôi cất cây dù cháy lên đầu kệ sách chứ không bỏ. Có những thứ không còn xài được, nhưng cũng không bỏ được vì vật có thể hư hỏng chứ người không thể hỏng hư. Tôi để bên ghế lái xe cây dù mới của bà bạn Mỹ tặng cho. Để nhỡ, biết đâu trong đời lại gặp người bướng bỉnh lẻ loi, lấy tay che trời, thì đây… một tấm lòng.

Riêng tôi chỉ xài cây dù không khung, không vải lợp nên không mất, không cháy, không hư. Cây dù trong trí tưởng dễ dùng khi nắng vì chỉ cần nghĩ tới người bạn thích che dù là lòng mát rượi ngay; vui như một thuở ta bà… Hôm mưa, chỉ nghiêng đầu che chung cây dù bé tẹo thì trời đất hương chanh cũng ngạt ngào…

Quái hôm nay trời đang nắng lại mưa nặng hạt giữa đường đi bộ thể dục. Cả không gian là những sợi thủy tinh trong suốt tranh nhau vỡ toang trên mặt đường. Tôi che cây dù nắng. Tôi che cây dù mưa… thành người đi trong mưa với hai cây dù không ai thấy! Nên có một gã khờ cũng vỡ toang trên đường như thủy tinh đã trắng xoá không gian. Tôi gặp người bạn trẻ hay mơ mộng, thích làm thơ con cóc trên miếng giấy bạc bên trong bao thuốc lá. Chỉ vài câu là đủ cho những cóc con đọc qua rồi thích, rồi giữ luôn để làm kỷ niệm. Mưa kể chuyện anh bạn trẻ cho tôi nghe. Mưa nhắc lại một thời rong ruổi khi không còn trẻ. Mưa rửa hết thơ ngây vẫn không trưởng thành, nên trên đường chiều nay mưa tối mắt mờ mặt, có người che hai cây dù vẫn ướt sũng một cách vui vẻ đến cười một mình…
Hắn hỏi, “Một bà già đi trong mưa sẽ nghĩ gì?”

Cây dù nắng nói, “Nghĩ về sự tàn phai. Nghĩ tới bệnh tật đổ về theo tuổi tác. Nghĩ tới con cái lúc trưởng thành. Nghĩ tới việc làm không còn bền vững nữa… Nhưng lão bà đi trong mưa lo nhất là gã nhân tình của bà lão không biết còn sống hay đã chết! Vì nhân tình là quá khứ của chồng. Nhưng tình nhân không phải chồng thì nó là quá khứ của một cuộc tình trái gió trở trời mà bà lão chính là thời tiết ấy…!”

Hắn cười hằng hặc, hỏi tiếp, “Vậy sao bặt tăm vậy lão bà? Tình cũ không rủ cũng tới cho đỡ buồn với chứ!”

Cây dù nắng cười vang, “Ta không phải dù che mưa đời này cho ngươi. Nên ta có trú đỡ một nơi nào thì cuối cùng cũng về nhà thôi. Dù mưa có hết hay không, nơi trú sang hèn thì ta cũng về nhà thôi. Chồng là nhà của ta, chỉ nhà ta không ngại ta khô hay ướt…”

Hắn hỏi cây dù mưa, “Mưa là biển lớn, dù là thuyền con. Hương chanh là cánh buồm… Cuộc ngao du đời này chỉ thiếu người lái con thuyền con qua biển lớn. Bà chủ buôn hương khó tánh đến bao giờ…?”

Mưa cười rát mặt như thuỷ tinh vỡ, hay bà chủ nhỏ năm xưa khóc oà vì còn lạc lối trong mù khơi.

Rồi bỗng mưa thôi rơi như cuộc chia tay bất ngờ. Những giọt nước trong veo rơi xuống từ lá cây, cũng vỡ. Làm con đường trắng xóa nhòa hết ký ức một cuộc tình trăm thước từ bãi đậu xe vô building khoa ngoại ngữ.
Tình cảm như giọt mưa trên lá, trời không gió cũng rớt nhọc nhằn. Hai cây dù không khung, không vải lợp, không mất, không hư… nên không quên. Nhưng phải xếp lại nỗi nhớ để về nhà. Nhà là vợ ta, quá khứ của cuộc tình không mưa nắng… Người sẽ pha cho ta một ly thuốc cảm mưa, và… một tiếng thở dài.

Phan

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2016

Bài Mới Nhất
Search