T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phan : Chứ bà tưởng thằng nào…?

clip_image002

Tranh: Trần Thanh Châu

Đàn ông Việt qua Mỹ không thay tên đổi họ, chỉ là cách gọi khác xưa! Anh Đức Nguyễn là anh Nguyễn văn Đức chẳng hạn. Gọi theo Mỹ là tên trước họ sau. Nhưng với ý hiểu bình dân trong người Việt lại là, gọi Đức Nguyễn để phân biệt với Đức Trần, là anh Trần văn Đức. Giản dị hơn và tử tế, lịch sự hơn cách thêm tên giang hồ vào sau như hồi trẻ ở Việt Nam, kiểu như “Cóc”, “Cống”; Nhưng cũng vì thế mà có những cái tên Việt thật đẹp nhưng gọi theo Mỹ thì không nên chúc tết ai như nhà thơ ở cạnh nhà thờ… (đừng đọc câu kế là nhà thơ tắt thở nhà thờ rung chuông). Nhà thơ tên đẹp Trần Dạ Từ cho tôi một kỷ niệm tới chết không quên. Vào một sáng đầu năm ta, tôi thức dậy với thói quen mở hộp thư điện tử ra xem, đọc cái điện thư đầu năm thật ấm lòng, “anh chị gởi lời chúc mừng năm mới vạn an đến P và gia đình…” Nhưng xuống hàng thì tá hỏa với hai chữ “Từ Trần”.

Nói vòng vo để lý giải cho trường hợp của anh bạn Phạm Hòa Thượng! Ngay cái tên anh đã là vấn đề nan giải (gay cấn không bằng gây lộn) cho bạn bè vì mẹ anh không còn thì hỏi ai để xác minh anh là con của cha anh (Phạm Hòa An), hay ông thầy chùa trú mưa (Thích Đục Chòi) nào đó mà đặt tên cho anh (con) khó hiểu dữ vậy hả bác gái? (Phạm Thượng đã từng đánh bạn bè vì cái tội dám hỗn với bà già tao – đã chết!)

Rồi Phạm Hòa Thượng bỏ chòi qua Mỹ, cất nỗi hoài nghi sao mình thích nhậu tàu hũ chiên giòn…? Cam tâm chung số phận tên trước họ sau, bỏ chữ lót như bao đàn ông Việt khác để là: Thượng Phạm. Nhưng đời tiểu nhân nhiều hơn quân tử nên ai cũng kính trọng gọi tên anh theo họ tên như còn ở quê nhà; hay vì cái tên của anh quá độc nên từ đó anh là… Phạm Thượng.

Nhiều khi nghĩ về anh, ngay tôi cũng thấy lạ khi nghĩ tới tên anh là Thượng Phạm; hai chữ cùng có dấu nặng, âm bằng. Nhưng sao phát âm ra cứ như gằn giọng, thiếu thân tình. Trong khi gọi Phạm Thượng thì lại dễ dàng. Đó là khi mới quen biết và cảm mến tính tình vui vẻ, rộng lượng, hòa đồng của anh.
Nhưng chơi với nhau theo thời gian mới hiểu cái tên người ta coi vậy mà nó ám vào thân, lậm vào mệnh cả đời. Dù đời muôn kiếp không như là mơ vì mười người đàn ông tên Hùng, Dũng… thường như cọng giá hơn nửa; mười cô tên Hiền thì tám thị chằng tinh; mười cô tên Bạch thì bảy nàng Apsara, còn lại ba cô Miên lai-Sa đéc… chỉ mỗi cô Huyền lại trắng như bông tuyết, bông gòn! Đặc biệt những người tên Tiền (cả nam lẫn nữ) thường nghèo rớt mồng tơi…

Trở lại với bạn tôi. Đã là Phạm Thượng thì biết sợ gì ai trong cõi hạ này vì thượng còn dám phạm thì hạ như cỏ rác. Anh ấy rủ bạn bè vô quán nhà nhậu thì bạn bè lại đi câu ngoài hồ ba mươi. Vậy là đại ca đậu xe ở Saigon Mall, nhẩy lên xe đi câu theo bạn bè. Tới hồ, anh em câu hăng vì gặp hôm cá chịu ăn. Phạm Thượng than đói cũng bị anh em làm lơ, không chịu về. Tôi không câu nhưng có nghề gỡ lưỡi câu, vậy là lăng xăng mang bao tay da, cầm kềm nhọn đi gỡ cá của anh em dính được. Mệt lả luôn chứ đâu phải dễ, hồi hô hoán anh Phạm Thượng cho em xin chai nước uống trong cooler. Nhìn lại đại ca đang xơi ngon lành cái bánh gì đó như bánh bò nướng của Mỹ; khỏi hỏi cũng biết ông ấy lấy ở chỗ có cắm bó hoa cho người tự tử hay chết đuối gì đó ở bờ hồ mà hồi tới mọi chúng tôi đều đã thấy!

Tôi nói, “Anh muốn chết hay sao mà ăn cái bánh đã mở seal ny-lon từ hồi nào không biết, đêm qua lại mưa cả đêm… Vứt đi!”
Nhưng anh ấy cứ ăn, “Tao đói rung ruột. Mẹ cha tụi bây, câu cho cố xác, rồi về đổ gốc cây cho thúi cả xóm chứ thằng nào chịu làm cá mà câu cho lắm vô…!”

Hôm đó câu đã thiệt, gỡ câu mệt lử mệt lừ mà vui. Nhưng anh em không trở về quán nhà ở Saigon Mall sau khi câu vì phải đưa anh Phạm Thượng vô nhà thương vì ăn cái bánh… phạm thượng! May là anh ấy chỉ ăn được nửa cái, chứ ăn hết thì anh ấy đã tiêu đời vì xét nghiệm ở nhà thương cho biết cái bánh bị mưa nắng làm thiu thối không bằng có một loài sên, ốc gì đó, chúng đi ăn đêm và đã ăn qua cái bánh. Đặc biệt của loài sên, ốc đó là nó nhả ra chất độc để không con nào dám ăn vào phần thực phẩm mà nó đã tìm được, ăn không hết, sau đó muốn để dành. Bác sĩ giải thích rằng loài sên, ốc khi tìm được thức ăn, chúng ăn no bụng. Ăn không hết thì chúng nhả ra độc tố để con khác ăn vào sẽ bị tê liệt thần kinh. Với chúng mùi độc tố riêng của chúng cũng là mùi hương để chúng định vị khi muốn tìm lại miếng bánh đó để ăn.
Đó là chuyện khổ thân đáng nhớ nhất của Phạm Thượng mà tôi nhớ về người chẳng kể (sợ) người sống lẫn cả người chết! Ông ấy muốn bưng mâm cúng cô hồn, bưng hoa người ta dâng Phật Bà hay Đức Mẹ gì ông ấy cũng dám hết; chẳng sợ trời, không sợ đất… chỉ sợ sên, ốc ngoài hồ ba mươi sau một lần xém chết!

Còn cái mệnh của ông ấy thì tôi đã thấy yểu từ khi quen biết! Từ hôm đang ngồi nhậu với anh em một cách chính đáng là mua bàn ủng hộ anh em dân chủ tổ chức quyên góp ủng hộ bão lụt miền trung…, Phạm Thượng có điện thoại nên anh ta bắt điện thoại. Dĩ nhiên không ai nghe trong điện thoại nói gì, chỉ nghe anh ta trả lời điện thoại, “Chứ bà tưởng thằng nào…?”

Cúp điện thoại, anh ta giải thích với bạn bè, “Cái bà xã nhà tui ngộ! Mười lần bả gọi tui thì đủ mười lần, câu đầu tiên bao giờ cũng là ‘anh hả anh’? Nghe bất mãn không chứ? Nên bao giờ tui cũng trả lời, ‘chứ bà tưởng thằng nào?, là vậy!

Tui đã bỏ ra cả buổi để ngồi edit lại phone list cho bả vì hồi lưu vô phone thì save tên đẹp (tên Mỹ) cho sang; rồi hồi gọi thì chỉ nhớ tên thường dùng. Con Mừng ở tiệm bả, mà trong phone list nó tên Cindy. Nên hồi bả muốn gọi nó thì thảy cái phone cho tui, ‘anh tìm dùm em số điện thoại của con Mừng…’ Tui sửa tên Cindy thành Mung. Từ đó hết nhờ. Còn tên tui rõ ràng là Pham Thuong. Vậy mà mười lần gọi cũng cứ hỏi ‘anh hả anh’? nghe quê không chứ…?”

Mọi người chỉ cười với chuyện tiếu lâm của hai vợ chồng. Nhưng tôi thấy không ổn khi người vợ nghe hoài câu “chứ bà tưởng thằng nào?” Lúc vợ chồng vui vẻ thì là chuyện cười, nhưng khi cơm không lành canh không ngọt như chuyện thường tình trong đời sống hôn nhân, người đàn bà nghĩ gì?!
Bây giờ, năm năm sau khi quen biết anh Phạm Thượng, điều ấy đã xảy ra! Chị cũng vẫn mở lời khi anh bắt điện thoại bằng câu “anh hả anh?”. Nhưng câu kế không còn là câu vừa nói vừa cười, “thôi mà ông xã, chọc quê em hoài. Tại em quen miệng, (hay, vì em có quá nhiều số điện thoại trong phone nên mở lời như vậy vì sợ muốn gọi người này mà bấm lộn số người khác…). Bây giờ câu, “anh hả anh?” đã hết nhảm; đã có nghĩa! Nếu đúng là anh – thì – “Văn phòng luật sư yêu cầu anh ký giấy này, giấy nọ cho hồ sơ ly dị! Mong anh giúp em…”

Tôi mới đọc một bài thơ trên tờ báo địa phương của tác giả có thi danh “Phù Vân”. Tôi biết chắc tên thật của nhà thơ này là Phạm Thượng, vì ngoài anh ra, không ai biết chuyện, “chứ em tưởng thằng nào?” Bài thơ không có gì hay vì ai người Việt cũng biết làm thơ khi buồn tình nhưng nhà thơ Việt thì không có mấy vì mấy ai biết bóc lột từ ngữ tới trình độ được gọi là thơ. Nếu cần nói rõ hơn thì tôi xin mượn câu thơ của Bùi Giáng để minh chứng, ai cũng từng biết từ “lạ lùng”; từng dùng từ lạ lùng khi chúng ta diễn tả một sự vật, một sự việc không bình thường; nhưng chỉ Bùi Giáng biết bóc lột từ “lạ lùng” đến cốt lõi – để diễn tả siêu phẩm của thượng đế… tới thượng đế cũng ngỡ ngàng với Bùi Giáng qua câu thơ, “em ơi! em đẹp vô cùng/ vì em có cái lạ lùng bên trong”.

Nếu nhà thơ Phù Vân hiểu được cái lạ lùng trong trời đất này thì đã không phạm thượng với câu, “chứ em tưởng thằng nào?” Nó xúc phạm điều không nên mà lại gợi mở điều không tốt!
Bây giờ người không coi trời đất, âm dương ra gì, chẳng có ai trong mắt… ngay cái lạ lùng cũng không biết tôn kính cho phải phép lại làm khổ thành Đà đã quá nhiều kẻ người lúc nào cũng gầy gò, da xanh mai mái, bị mắc bệnh di tinh. Bác sĩ bảo: Thử ngưng làm thơ xem sao!
Thành Đà không chết bớt những người gầy gò, da xanh mai mái, bị bệnh di tinh… mà lại thêm một nhà thơ không hiểu lạ lùng!

 

Phan

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2015

Bài Mới Nhất
Search