T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phan: Lộ đỏ ngày tết

THủy Mặc

Thủy Mặc – Tranh: Mai Tâm

Con lộ đỏ chạy dọc theo bờ sông quê tôi là cả tuổi nhỏ đến trường với nắng bụi mưa sình. Nhưng sau hoà bình, hay tôi đã lớn khi biết quan sát những thay đổi xung quanh mình. Có một khúc sông không kè sát với con lộ đỏ mà sông với đường cách nhau một khoảng đất trống. Bọn trẻ chúng tôi thường chơi đá banh trên khoảng đất trống đó đến cỏ không mọc nổi với đám trẻ con vì đâu có gì chơi ngoài đá banh và tắm sông sau hoà bình.

Rồi một hôm tan trường, về ngang khúc sông quen, cái sân banh của tuổi nhỏ. Thay vì để cặp táp xuống làm gôn và chia phe đá banh, thì chúng tôi thích thú đứng xem chiếc ghe củi cặp bờ. Đứa nào cũng cười tấm bảng “Củi bán” viết sai chính tả thành “Cũi bán”.

Hôm sau vô trường, chúng tôi bàn với nhau: Bọn mình làm một tấm bảng “Củi bán” để tặng cho ông bà ghe củi… chắc là không biết chữ?

Trường làng đâu có mấy lớp nên hết bạn trong trường là bạn nhau. Thế mà đám nhóc con cũng làm nên chuyện. Hôm khệ nệ khiêng chung tấm bảng “Củi bán” bằng tấm tôn cũ sét. Chúng tôi sơn lại và kẻ chữ “đúng chính tả”.

Hồi tặng cho ông bà ghe củi, chẳng đứa nào ngờ được là bà vợ khóc khi cảm ơn chúng tôi. Họ đúng là hai người không biết chữ.

Câu chuyện tấm bảng “Củi bán” bỗng dưng trở thành bài học cho cha mẹ chúng tôi khuyên con cái phải chịu khó học chứ không biết chữ thì khổ cả đời! Rồi thì cả xóm mua củi của chiếc ghe củi đó để giúp ông bà mà cũng không ai biết là ông bà từ đâu tới?

Cứ có người mua củi mà tự chở bằng xe đạp về nhà họ thì thôi. Còn những người không tự chở được củi về nhà thì ông chủ ghe sẽ gánh củi đến tận nhà cho người mua. Dĩ nhiên là trả thêm tiền công gánh cho ông.

Với tôi. Hình ảnh một ông già tóc bạc, da mồi còn phải còng lưng gánh củi dưới trời nắng chang chang, hôm mưa trơn trợt… Bà vợ nấu cơm trên ghe cứ cúi gằm mặt mà thổi lửa cái lò củi bé tẹo mà khói bao la, bà cứ phải kéo khăn quàng cổ lau nước mắt liên miên là một ký ức tuổi thơ khắc sâu vào tâm khảm tôi đến bây giờ.

Không lâu sau ghe củi cặp bờ sông sân banh của chúng tôi xuất hiện chiếc ghe thương hồ. Rồi nhiều ghe thương hồ nối tiếp cặp bến. Từ đó cả xóm khỏi đi chợ xa, hầu như mọi thứ đều có bán trên những chiếc ghe thương hồ. Những người đánh bắt tôm cá trên sông cũng khỏi phải cắp thúng đi bán dạo, hay đi bán chợ xa. Họ bày bán ngay trên sân banh của chúng tôi. Một người Tàu dựng sạp bán thịt. Thế là thành cái chợ chồm hổm vì nhiều sạp tiếp nối dựng lên.

Ba tôi bị thất nghiệp sau đợt đánh tư sản lần đầu vì ông làm quản lý ở xưởng làm xà bông cục. Ông chủ đi tù thì ba tôi cũng chân trong tù chân ngoài tù không biết ngày nào vì cứ bị họ thẩm vấn người quản lý để moi cho bằng hết tài sản của ông chủ… Má tôi lo tới phát bệnh.

Ba hoàn toàn không làm ra tiền nữa, ông trầm lặng một thời gian. Hình ảnh ba tôi những năm ấy mà tôi thường thấy là ông hay ngồi ôm đầu suy nghĩ. Nhất là những hôm thời ấy ưa bị cúp điện nên hình ảnh ba tôi ngồi ôm đầu im lặng trong bóng tối còn mãi trong ký ức tôi đến bây giờ…

Má tôi chỉ lo nội trợ, chắc là từ khi lấy chồng. Nhưng một hôm tôi đi học về, thấy trong nhà tôi rất nhiều muỗng, đũa, giá múc canh, mớ rổ nhựa nhiều màu sắc… Tôi hỏi má tôi: “Tết tới rồi! Má mua thịt, cá cho tụi con ăn đi. Má mua muỗng, đũa, với giá múc canh mà hổng có gì ăn thì má mua làm gì quá trời?”

Má tôi hiền lắm! Không bao giờ lớn tiếng với ai. Má tôi nắm cả hai tay tôi, nói tôi ngồi xuống. Má nói cho nghe… “Ba con bị mất việc làm mấy tháng rồi! Đâu có tiền cho má đi chợ mỗi ngày nữa. Bây giờ má chỉ còn đôi bông tai, sợi dây chuyền hồi đó ba con đi cưới má. Má bán để làm vốn. Má mua mấy thứ này để ngày mai, ba con dựng sạp cho má ngoài chợ chồm hổm. Má tập mua bán kiếm lời để có tiền mua gạo cho tụi con ăn. Má biết! Tết tới rồi. Nên giàu nghèo gì thì nhà ai cũng phải mua chục đũa mới, cái rổ mới thay cho cái rổ rách đã ráng xài từ giữa năm…”

Đêm đó. Tôi ngủ không được vì cứ nghĩ đến từ sáng ngày mai thôi. Hết bạn bè trong trường sẽ biết má tôi ra bán sạp muỗng, đũa, giá múc canh, rổ nhựa ngoài chợ chồm hổm. Tôi chưa hiểu được là điều nên vui hay đáng buồn; điều làm cho tôi tự hào hay xấu hổ với bạn bè. Tôi chỉ biết trong thâm tâm mình là từ ngày mai, má tôi sẽ dãi nắng giầm mưa, cực khổ như những người bán chợ chồm hổm. Tôi không muốn, nhưng cũng không biết làm gì để ngăn cản lại một việc mà má tôi đã quyết định làm. Tôi chỉ thấy lòng hơi buồn ba tôi vì nghĩ tới mấy người ba của các bạn tôi, họ không làm việc này thì đi làm việc khác cũng có tiền lương cho má của các bạn tôi mua gạo, đi chợ. Sao ba tôi không đi tìm việc làm khác mà cứ ngồi nhà ôm đầu suy nghĩ?

Chắc đó là lần đầu tiên tôi khó ngủ chứ cũng không phải là mất ngủ. Vì sáng hôm sau thức dậy là ngày Chủ nhật không phải đi học nên má để cho tôi ngủ tới chừng nào muốn dậy thì dậy. Má không đánh thức để đi học như ngày thường.

Tôi hồi hộp ra chợ chồm hổm để xem có ai mua muỗng, đũa… của má tôi không?

Chị Hai tôi phụ má bán hàng, nhìn chị nói cười vui như tết. Làm tôi cũng vui quá xá như tết đang về. Người ta ai cũng vui cười mua muỗng, đũa của má tôi. Ai cũng cười má với chị Hai tôi, nhưng cười thương mến chứ hổng phải cười khi dễ khi người bán chợ khác thì nói thách để người mua trả giá. Còn má tôi trả lời câu, “Cái này bán bao nhiêu?” của người mua bằng một câu duy nhất, “… Chị cho nhiêu cho. Cho nhiêu cũng được!”

Lần đầu tiên tôi thấy ba tôi cười sau nhiều tháng ba ôm đầu, lặng thinh… Ổng gôm đinh, búa, cây cưa tay mà ba tôi đóng sạp cho má tôi. Ba sai tôi ôm mớ cây vụn về nhà làm củi…

Con người ba tôi thay đổi hẳn từ hôm má tôi đi bán chợ chồm hổm. Ba tu sửa căn nhà đã quá cũ kỹ của gia đình. Nhà tôi hả? Trời mưa thì đi trong nhà phải uốn lượn như vũ công vì quá nhiều thau, chậu hứng nước mưa dột. Ba xin bạn ba được mớ gỗ vụn về đóng kệ sách cho chị em tôi, vì chúng tôi đã bắt đầu biết nhịn ăn quà vặt để mua sách lề đường về đọc.

Ngày ngày ông thay má tôi chuyện lo cho hai đứa con miếng gì ăn sáng, quần áo, sách vở để đi học. Ba dọn hàng ra sạp cho má xong là lật đật quay về nhà lột khoai lang, khoai mì do nhà nước phân phối thời đó. Hình ảnh ba tôi ngồi lau chùi cái kính lão của ông nội trên bàn thờ. Ba không muốn ai thấy ba phải đeo kính mới nhặt được bông cỏ trong gạo quốc doanh thời đó. Nên tôi nhớ ba tôi nhiều là con cái đi học về thì ông giấu giấu cái kính khéo léo vào túi áo… rồi nhặt gạo quăng ra sân cho gà ăn, trong khi bông cỏ thì chừa lại nấu. Tôi nhớ chị tôi ra chợ, kể chuyện đó cho má tôi nghe. Má tôi khóc. Hai chị em tôi chưa hiểu được vì sao má tôi khóc, nên tụi tôi cười.

Ba nấu cơm cho chị em tôi ăn trưa. Ba giỡ cơm ra chợ cho má. Ba đạp xe đi lấy hàng về cho má bán… Chắc là xa lắm vì hôm nào đi lấy hàng là tới tối ba mới về tới nhà. Chị em tôi đi học về mà nghe ba hối ăn cơm nhanh lên cho ba dọn dẹp vì hôm nay ba phải đi lấy hàng cho má, là chị em tôi vui lắm. Vì hôm đó má sẽ về sớm để nấu cơm chiều, và chắc chắn có món ngon cho ba vì ba tụi con đi lấy hàng cực khổ quá! Trong khi ba về thì nhường hết cho chị em tôi…

Tôi thương kính ba má tôi không phải vì giàu hay nghèo. Mà khi thắp cây nhang lên bàn thờ ba má tôi là tôi nhớ khoảng thời gian ba thất nghiệp, má phải ra bán sạp ngoài chợ chổm hổm. Má tôi cả đời không lớn tiếng với ai, chưa từng đòi hỏi chồng con một thứ gì. Ba thất nghiệp thì má bám cái sạp chợ chồm hổm để lo cho gia đình. Ngày mưa tháng nắng, hôm không khoẻ trong người má cũng không bỏ buổi chợ nào. Má chỉ nghỉ chợ đúng ngày mùng một Tết năm đó để lo cúng kiếng ông bà. Tôi chưa bao giờ thấy má cằn nhằn ba bất cứ chuyện gì.

Ba thì thôi hút thuốc lá, không uống rượu bia gì nữa từ khi thất nghiệp. Người chưa từng biết nấu cơm, giặt đồ mà phải cáng đáng hết chuyện nhà. Nhưng tôi cũng chưa bao giờ nghe ba cằn nhằn má tôi.

Năm đó. Trưa mồng một cúng kiếng ông bà xong, cả nhà ăn bữa cơm có bánh tráng cuốn thịt kho nước dừa, củ kiệu, bánh tét, khổ qua hầm… là thành tích của má tôi hai tháng trời trước tết đã ra bán chợ. Má xạm da nắng gió tới ba thở dài.

Nhưng ăn xong bữa trưa mồng một, má tôi dọn dẹp rồi ngồi xuống ghế uống tách trà, tay trái đỡ lấy cái dĩa. Tôi thấy lại phong thái của má tôi hồi xưa, thiệt ra mới có hai tháng má đi bán chợ nên tôi không thấy sự ung dung, có phần sang trọng của má nên tưởng là lâu lắm rồi.

Má tôi có quà tết cho hai con là mỗi đứa có bộ quần áo mới. Quà cho ba tôi là hộp thuốc để hút pipe. Ba tôi cảm động lắm! Tôi nghĩ vậy thôi chứ có thật không thì tôi không dám chắc.

Ba ngồi uống trà với má tôi. Công khai đeo kính lão, ba hết mắc cỡ với má và chị em tôi. Ba lấy ống pipe ra nhồi thuốc, rồi bập bùng cái quẹt Zippo, cũng là quà tặng của má từ khi chưa có chị em tôi. Tôi thấy lại ba tôi già háp nhưng phong độ vẫn như ngày nào… Ba má nói chuyện về quê tôi dưới Cao Lãnh. Chị em tôi thấy hạnh phúc rất nhẹ nhàng của một cặp vợ chồng biết tựa vào nhau lúc khó khăn, biết giữ niềm tin nơi nhau trong hoạn nạn… thì chúng tôi đã lớn để biết lặng lẽ rời đi chỗ khác cho ba má bên nhau.

Đâu biết đó là cái Tết cuối cùng của gia đình tôi ở quê nhà. Đêm đó cả nhà tôi lặng lẽ xuống ghe củi, rời lộ đỏ, bỏ lại cái sạp khắc sâu trong ký ức tôi về ba má.

Tôi lớn lên ở Mỹ với những khó khăn, nhọc nhằn, băn khoăn, âm ỉ những giấc mơ chưa thành sự thật… Nhưng sự nghiệp với tôi nhẹ tênh qua những đoạn đời thành công hay thất bại. Đường đời tôi vinh quang đoạn này thì đoạn khác khó khăn, lầm lũi. Nhưng không bao giờ tôi nản lòng từ khi hiểu ra ba đi lấy hàng cho má bán tới tối mới về là ba đi thu xếp chuyện vượt biên với bạn bè của ba. Ba đi kết hợp như vậy mới không bị công an và đám đánh tư sản để ý!

Tết rồi, những dáng người đi xuống bến sông mua mua bán bán với ghe thương hồ. Con lộ đỏ vẫn nắng bụi mưa sình. Sạp muỗng, đũa, giá múc canh, rổ nhựa của má tôi còn hoài, còn mãi… lòng biết ơn ba má nuôi con bằng giọt mồ hôi chân chính; dạy con bằng chính mình qua đối xử vợ chồng với nhau. Tôi thấy ba má tôi mỉm cười sau làn khói nhang trên bàn thờ. Chị Hai tôi vẫn như ngày nào, thích đeo cái kính đọc của ba, rồi ngậm ống pipe xệ xệ chọc cười tôi với má tôi lúc ba vắng nhà. Bây giờ chị vẫn làm vậy để chọc cười con cháu khi tết sum họp. Chị cười cũng nhẹ hều như má tôi mỉm cười với ba tôi cái tết năm ấy. Chị giống má tới giọt nước mắt rơi khi cười với người thân cũng nhẹ nhàng mà lắng đọng…

Lộ đỏ ngày tết bàng bạc trong lòng tôi như sương khói mùa này, nhưng không lạnh mà ấm áp vô cùng với ký ức về ba má tôi…

Phan

 

 

©T.Vấn 2018

 

Bài Mới Nhất
Search