T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phan : Nhớ bà, nhớ má tí thôi…

clip_image002

Có lẽ do chính tôi thường bị “hiền” nội có khi trách yêu, nhưng ít hơn trách giận là: tôi khó tính! Bao nhiêu lý giải cũng bằng thừa vì cuối cùng cũng là “ngụy biện”! Tranh luận với người giỏi chữ hơn mình thì chỉ còn cách ôm hận về trời, -như người khác mang theo bệnh nan y về bên kia thế giới; người mang theo nỗi buồn số phận… người ôm hận cãi không lại thì mang về đất gì hỡi em?

Nhưng nhiều lúc một mình tự sự ngoài garage, patio, hay vườn sau, cái ghế cũ đằng trước gì đó! Tôi hỏi mình giống ai, -mà khó tánh cho mất vui trong nhà? Phải như tôi giống cha thì dễ hiểu hơn là tôi giống mẹ. Vì cha tôi nóng nảy như Trương Phi, trong khi mẹ tôi dù có phải “đơn đao phó hội” cũng bình chân như vại; như Vân Trường sang sông… Người đàn bà thầm lặng trong xóm làng; người vợ không trả lời chồng; người mẹ không lớn tiếng với con cái… là mẹ tôi. Tôi giống mẹ nhiều hơn cha, nhưng dù sao cũng chỉ là ngoại hình hay nét mặt thôi, cái tính tình thấy vậy mà không phải vậy của tôi chắc chắn có nguồn gốc nhưng tìm không ra là mình giống ai mà khó! Nhưng tôi có thật sự là khó tính không? Hay… cái gì sai nói hoài thành chân lý!

Rồi mưa lâu thấm đất, mưa hoài đất trôi sẽ lộ ra nguyên hình hài cốt nhục của sỏi đá, nói chi tính khí một con người cũng có ngày hiển lộ chân dung. Chiều nay có phải là buổi chiều của cuộc đời, sao tôi bỗng hiểu ra mình giống ai! -Từ câu chuyện đời thường mà hiểu, mới tiếc cho mình cứ đi tìm đâu xa cho phí thời gian. Tôi tan sở thường mở phôn để xem có gì lạ! Thường thì cũng chỉ kỳ phùng địch thủ bắn cho cái tin nhắn: Chiều nay muốn ăn gì, em ghé chợ. Hay, anh muốn ra ngoài ăn không? Hay nhất là một tin nhắn khí thế hẳn lên là ai đó mới cho một món ăn thuộc loại món độc, như ốc vòi voi trộn bắp chuối, giò heo nấu giả cầy, cẳng gà nướng muối ớt, hay cây nhà lá vườn như gà đi bộ trộn lá chanh… nghe thôi đã sướng cái bụng đói sau ngày làm.

Nhưng hôm nay là một người bạn gọi tôi đến bốn cú điện thoại liên tục… Tôi không biết anh ta có chuyện gì mà khẩn cấp nên gọi lại ngay,

“Chuyện gì ông kia? Tôi đã nói là sau 3 giờ tôi mới bắt điện thoại. Chuyện gì gọi cháy phôn tôi vậy, có bồi thường không?”

“Hey! Không náo động làm sao tìm trẻ lạc! Cái phôn vài trăm bạc của ông không đáng cho tôi nghĩ đến chuyện bồi thường. Chuyện lớn là tôi phục thù được ông mới đáng kể!”

“Nói nghe thử. Quân tử trả thù mười năm chưa muộn. Chuyện gì dục tốc thì bất đạt thôi.”

“Cũng có chuyện ở đời là bất chiến tự nhiên thành. Con bà ông, tự nhiên đi viết cái bài báo về bông so đũa nấu tép bạc, làm cho tôi thèm bấy lâu nay.”

“Nghĩa là chiều nay có rồi phải không. Đừng giở trò nha cha nội…”

“Đương nhiên, đương nhiên…”

“Món gì nói ngay cho. Tôi đang lái xe đó, mới ra khỏi hãng…”

“Ông đừng về nhà. Bia trong tủ lạnh không thể đông đá trong mùa hè đâu mà lo. Vườn rau xí mụi của ông thì mai tưới cũng chưa kịp chết khô chết héo đâu mà sợ! Ông chạy thẳng lên nhà tôi đi! Vườn xưa chỉ thêm cỏ dại; người xưa thêm tuổi nên nói hơi nhiều, xin miễn phúng điếu. Để tôi nói ngay: Từ ngày có em về đến nay đã có cháu ngoại, bao nhiêu tội lỗi (kể cả tội ác) của bà xã tôi, tôi đều bỏ hết. Ông ơi! Bả bắc cái lẩu sau hè. Một rổ bông so đũa tươi rói, không biết bả kiếm đâu ra, lại có đúng là rổ tép bạc hẳn hoi nha ông! Bây giờ cái lẩu liu riu sôi chờ người thèm bông so đũa nấu tép bạc chắc còn hơn anh nữa, kêu anh P tới chơi đi anh!

Con bà ông, có mấy cái chữ quèn như gà mù ăn quẩn cối xay mà được lòng chị em phụ nữ lão thành quá hen…”

“Được. Vợ chồng cụ Đậu hôm nay giỏi. Tôi cũng hy sinh chai đế Gò Đen mà người tặng đã thành thiên cổ mấy năm rồi. Coi như xả tang chén hữu, tôi không lính tráng gì nên chỉ có chén chứ không có chiến. Được chứ? Để tôi ghé nhà lấy, rồi lên ngay. Nghe ông tả đã quá ông ơi!”

Chuyện viết báo của tôi ngày xưa là chánh nhưng bây giờ chuyện bạn bè qua trang báo mới quan trọng hơn là vậy! Tôi ghé nhà lấy chai đế Gò đen, ngon không dám chắc nhưng rượu tình rượu nghĩa; Sản phẩm xuất khẩu của Việt nam thì chỉ ăn tiền đợt đầu, khi có tiếng ở hải ngoại rồi thì trong nước sẽ tuôn ra hàng dỏm . Cầu ông anh sống khôn thác thiêng cho anh em được chai rượu thiệt là… nước mắt quê hương.

Đến nơi, không khí ăn nhậu đúng như bạn tôi tả. Gặp hôm hiếm hoi mát trời nhờ cơn mưa vội giữa mùa hè thì còn gì bằng. Nhưng cái lẩu trên bàn liu riu sôi nước súp gà, là không được. Tôi không chịu. Tôi đòi nước lã, nước lạnh thôi. Cứ nấu tép bạc với tí muối, tí đường, chút nước mắm cho đậm đà, bỏ vắt me nữa là xong. Rồi bỏ bông so đũa vào là tắt lửa, đi rót chén nước mắm mặn, cắt vài lát ớt hiểm là xong – mời cầm đũa…

Bạn tôi là người làm biếng trí thức nên dại mồm. Anh ta nói, “Ông nói hay quá! Ra tay luôn đi cho vợ chồng tôi sáng mắt! Người ta giàu đi ăn cơm ngoài Chùa cho thiên hạ lé mắt với chiếc xe xịn. Còn vợ chồng tôi nghèo nên kêu nhà báo tới nấu tô canh bông so đũa ăn chơi, chứ cũng không có tiền kêu đầu bếp đâu…”

Thôi mặc kệ thằng cha lắm miệng. Tôi bắt tay vô việc với hai phụ bếp trứ danh là thợ chánh tránh chỗ cho thợ phụ làm. Bởi khoảnh khắc bắt gặp rổ bông so đũa có màu trắng hơi tím, rổ tép bạc nghèo hèn, dân dã xa xưa, sau mấy chục năm chỉ còn trong những giấc mơ hải ngoại. Tôi đã muốn ra tay dù đầu óc không hình dung hết được người Việt mình về tài qua mặt – sao họ có thể đưa được bông so đũa vào Mỹ; tép bạc từ đâu có…? Những suy nghĩ về người Việt làm tôi nhớ bà nội nhiều. -Bà nội của thằng bạn. Bây giờ nó ở bên Chicago. Nhưng tôi nhớ rõ chuyện ăn cơm nhà nó nhiều hơn ăn cơm nhà mình. Tôi không có bà nội vì cha mẹ di cư, ông bà không đi nam vì người xưa không dễ rời quê cha đất tổ. Tôi lại không hảo món bắc ở nhà mình bằng những món dân dã nam bộ nên cứ ăn, ở lẫm lĩ bên nhà thằng bạn học lại chung xóm. Tuổi nhỏ không nghĩ xa về hoàn cảnh gia đình nó (sau năm 1975) nên tôi đã làm khổ bà nội nó nhiều đến ân hận muộn màng…

Ba nó là Trung úy hải quân thì đã đi tù cải tạo; mẹ nó làm thợ may thì cái máy may cứ thỉnh thoảng phải tháo ra chùi dầu để khỏi sét, bởi thời ấy thợ vá còn kiếm được tiền chợ chứ thợ may thì ai có tiền mua vải mà may quần áo mới. Má nó đi làm công nhân hãng đường thì lương sao đủ nuôi năm, sáu đứa con; lại còn cha mẹ chồng là ông bà nội nó; lớp còn đi thăm nuôi ba nó ở trại tù. Ông nội nó tóc đã bạc phơ mái đầu còn đi làm thuê làm mướn bất kể xa xôi hay việc gì để có thể phụ giúp con dâu nuôi đàn cháu nội. Thế mà tôi còn ăn báo thêm gia đình khánh tận của nó, làm khổ bà nội nuôi nhiều. Đến lớn hiểu chuyện hơn thì nội đâu còn nữa để trả nợ ân tình.

Tuy tôi với nó cũng không tệ là đi học về thì cuốc đất, đào ao cho bà nội nuôi cá, trồng khoai để ăn thêm. Những sáng sớm chưa tỏ mặt người đã thấy bà nội thổi lửa củi sau hè để nấu cho đàn cháu nồi khoai luộc. Hình ảnh bà nội đi vào ký ức tôi từ dạo đó để muôn đời thương kính – dù không phải bà nội ruột của mình nhưng tình bà cháu bên bếp lửa bập bùng tản sáng với nồi khoai, nồi cháo đậu, không có gì cao lương mỹ vị nhưng đậm tình bà cháu biết chừng nào.

Dường như nội lo xong bữa sáng cho chúng tôi được ấm bụng đi học thì ở nhà bà lại cắp cái rổ ra vườn, hái gì có thể hái để lo tiếp bữa cơm trưa cho chúng tôi đi học về là có cơm ăn.

Xong bữa trưa, nội đâu được đi ngủ trưa như người khác, cái nắng chau mày dưới mê nón bạc, nội chọt bông so đũa ngoài bờ ao bằng cây cần câu cá lóc cũ của ông nội. Lưng áo nội ướt đẫm mồ hôi dưới bờ mương để xúc mớ tép bạc về nấu canh bông so đũa cho bữa cơm chiều…

Thỉnh thoảng, má của bạn tôi đưa về nhà được ký đường thì bà nội lại sai chúng tôi đi thọc dừa khô để nấu nồi chè đêm trăng trong thời cúp điện tháng có hai lần, lần chừng 15 ngày, mà dân chúng than van: cúp điện hoài…!

Tôi đang sống thời khắc của hiện tại xa quê nửa vòng trái đất, xa nhà đã lâu, xa nội tới âm dương cách biệt rồi, nhưng rổ bông so đũa đượu lặt nhụy cho khỏi đắng đều trân như nội làm khi xưa, rổ tép bạc bé tẹo mà cắt râu đều đặn như cắt bằng máy, dù chỉ là cây kéo nhỏ và sự tẳn mẳn của người vợ của người bạn. Khoảng cách thời gian đã quá xa mà thật gần qua hình ảnh trước mắt, tôi như vỡ ra tôi giống ai? Thuở nhỏ thấm nhuần cách ăn uống đúng bài bản của bà nội thằng bạn. Nội làm chén muối đậu cho đám cháu chấm khoai mì luộc thôi chứ có gì cao lương đâu. Nhưng muối trắng rang sơ nó tơi ra, không bón cục, và dường như bớt mặn thì phải. Chút đường cát khan hiếm ngày xưa như cũng thương tình bọn trẻ mà ngọt lịm đầu lưỡi. Nội rang đậu không quá lửa nên không bị đắng, không sống để hăng mùi đậu tươi. Đặc biệt là giã đậu rang để trộn muối ăn khoai mì luộc cũng là một nghệ thuật vì nội không giã quá nhuyễn để hết độ giòn, mùi thơm của đậu rang, mà cũng không giã quá to để khó dính vào miếng khoai khi chấm…

Nồi canh so đũa của nội không có nước súp gà như ở Mỹ nên tôi không ưng. Vì nội chỉ có nước mưa lu, chút mắm, muối, trái me dốt, tí đường-dằn bớt cái mặn hỗn của nước mắm quốc doanh. Nhưng nồi canh ăn rồi nhớ mãi vì từng cái bông được lặt nhụy bằng sự khéo léo của người nội trợ ngày xưa, nhìn cái bông không giập nát bởi bàn tay cẩu thả, không đều tay lặt của người thiếu óc thẩm mỹ về trình bày; bởi món ăn ngon một phần do sự trình bày bắt mắt nữa chứ! Còn nào là con tép nhỏ nhoi mà cắt tỉa cẩn thận từng con đến mãn nhãn…

Nội còn nhiều món nghèo của dân nhà quê nhưng không sao quên được như món bắp hạt trắng, có tí nếp cho nó dính. Nấu không nhão không đặc mà nó dẻo đeo trong miệng; ăn với dừa tươi bào sợi, muối đường đậu phộng giã sơ… Độc đáo là nội cho ăn trên lá chuối tươi và cái muỗng xúc cũng là khúc lá dứa tỉa hết gai hai bên. Nên cho dù về sau có được ăn món bắp đó trên đĩa vàng muỗng bạc cũng đã thiếu hẳn mùi lá tươi, làm cho khứu giác muộn phiền vì ăn món cũ mà sao không giống hồi xưa. Còn cảm giác ấm ấm lòng bàn tay khi bưng miếng lá chuối trên tay, nó ấm áp tuổi thơ và một chút lo sợ bị đổ xuống đất là bơ mỏ, vì mỗi đứa chỉ có ngần ấy thôi. Cái cảm giác làm người thực sự từ chái bếp trưa hè của nội là con nhỏ em của thằng bạn, nó làm đổ ụp cha nó miếng lá chuối chứa phần của nó xuống đất, nó khóc như trời xập, đầm đìa gương mặt mỹ nhân thuở bé. Bà nội chỉ lặng lẽ lấy miếng lá chuối mới, đi chìa ra trước mặt mỗi đứa với lời khuyên (chứ không phải lệnh): nhường cho em một muỗng của con. Vậy mà con bé cũng có được một phần mới như ai. Chắc lớn lên, nó hiểu nghĩa chia sẻ hơn người vì từ bé nó đã được chia sẻ. Những đứa mất một muỗng bắp thơm ngon và ít ỏi thuở bé cũng lớn lên không tệ vì từ nhỏ đã dám cho đi…

Ngồi xuống bàn ăn với vợ chồng người bạn để cùng thưởng thức món canh bông so đũa nấu với tép bạc ở Mỹ, mùi hương còn nhớ như gặp lại quê hương; chung rượu “gò” cứ tưởng rượu “đầm” vì mùi rượu gạo thay mùi rượu nếp chua lè… Bạn tôi vô nhà lấy chai cognac ra cho chắc ăn cái bụng và khỏi uổng phí canh ngon.

Tôi nghĩ đến sự thay đổi lớn trong nước sau bốn mươi năm là hàng hóa Việt nam không còn có uy tín trên thị trường vì đúng là phẩm chất chỉ có ở đợt hàng đầu tiên (chào hàng), chỉ cần bán được là nhà sản xuất trong nước sẽ gặp khó khăn về nguyên vật liệu không dồi dào như xưa nên pha chế không được như phẩm chất ban đầu, và tệ nạn hối lộ luôn nhắm vào những thương hiệu, thương chủ xuất khẩu được hàng hoá ra nước ngoài. Nên hàng hoá Việt nam không thể cạnh tranh với bất cứ quốc gia nào trên thế giới vì lòng tin của người tiêu dùng ở hải ngoại đã tẩy chay hàng hoá Trung quốc từ lâu, nay cả hàng hoá “made in Vietnam” cũng thấy người ta ngoài chợ bốc lên… rồi bỏ xuống là vậy!

Ngồi ăn món nhà quê lòng hỏi quê nhà thực sự là còn hay mất, vì một chai rượu trắng bình dân cũng không giữ được phẩm chất vì tệ nạn và lòng tham thì còn gì là quê vì đã mất hương… Hay chỉ vì tôi không có bà nội ruột từ khi sanh ra ở Sài gòn, thì chính bà nội nuôi đã dạy cho tôi biết ăn món gì ra món đó từ nhỏ nên từ đó hình thành nên cái nết khó ăn; món gì phải ra món đó…

Tôi giống bà nội nuôi bên nồi canh so đũa nấu tép bạc ăn ở Mỹ đã đành. Điều phát hiện xa xưa càng chứng thực thêm là bà ngoại xấp nhỏ nhà tôi. Từ khi tôi lập gia đình, bà nhạc dạy cho ăn từng ngày, từng món bằng vị giác chưa đủ, món ăn phải tạo được mùi đặc biệt của món; phải có sự hấp dẫn thêm lên nhờ trình bày… Bà ngoại xấp nhỏ nấu những món cầu kỳ đến chén nước chấm cho mỗi người còn mắc tiền hơn món chánh; làm con vịt tiềm khô thì nhân bên trong mắc tiền hơn chính con vịt được mang tên món…

Ôi các cụ đã làm hư thằng bé bất di bất dịch cái nguyên tắc nhà sạch thì mát bát sạch thì ngon. Nhà sạch, bát sạch đã được Ơn trên ngó xuống thì lại đòi ăn tới cả khứu giác và cả thị giác nữa chứ. Biết rằng, người ta ăn để sống chứ không phải sống để ăn. Nhưng ăn mì ly… trong cái ly, mới gọi là là mì ly như tên gọi, đâu có gì để tức bằng ăn tôm hùm xào mì thọ trong cái dĩa giấy, đôi đũa togo… Nó bôi nhọ một món ăn độc đáo thì ai là người bồi thường cho kẻ chế tác ra món ấy! Nhưng nói không lại, cãi không trôi cái lý “ăn qua bữa” thì đành chịu mang tiếng khó tính. Chỉ là nhớ bà, nhớ má tí thôi. Nhớ thôi,chắc không có gì để cãi…

Phan

 

 

 

©T.Vấn 2014

Bài Mới Nhất
Search