T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phan : Những Mảnh Vụn – Cây cần câu

clip_image002

Tranh: Trần Thanh Châu

Tiền công cho thợ chánh khỏi lo. Vì băng thợ chánh chánh (tránh) chỗ cho thợ phụ làm còn đang hào hứng tính tới chuyện đi đập cửa, phá nhà người khác! Bởi đi làm thợ chánh vui quá xá là vui. Hồi làm, cứ đứng tránh qua một bên cho thợ phụ lo là xong hết. Trong khi vợ nhà không cằn nhằn đi nhậu hoài, vì đi giúp bạn mà; vợ bạn không cằn nhằn rủ chồng tôi nhậu hoài, còn nấu món ngon cho nhậu; chiến hữu không trách lười mà còn khen, “thằng này hay thiệt! Nó đi làm từ sáng tới ăn cơm mà không cần rửa tay…” Câu đáp thoại tràn tình huynh đệ, “thì mày cũng đã đụng tới cái gì đâu mà nịnh tao…” Đàn em thì năn nỉ, “để em từ từ làm đi đại ca, đỡ mất công hơn sửa lại!”

Đi làm như thế thì ai muốn cô đơn ở nhà một mình. Đi gặp bạn bè từ sáng tới chiều chỉ nghe mời bia, mời cơm, nói cười hả hê thì ai không thích chứ!

Nhưng thợ phụ thì mừng ơi là mừng. Bởi tính hai cái cuối tuần thì kéo ra hai tháng mới xong. Tám cái cuối tuần, lên thang thì ít mà xuống nhậu thì nhiều, nhậu khờ người, còn mặt mũi nào cầm tiền công của gia chủ hào sảng…

Nhưng đang tiệc, anh Tân đem từ trong phòng ra tặng tôi cần câu còn trong hộp. Nhìn qua đã biết đồ xịn. Cây cần câu chỉ dài bốn feet, nhưng là cần câu biển. Cây cần này thuộc loại nhỏ mà có võ…

… rồi quên luôn cây cần câu trong cốp xe tới sáng nay, đi uống cà phê về. Đường quen không về mà chui vô đường rừng, đường ruộng để ngắm bông hoa dại đang rợp trời tháng tư. Khốn nạn cho mưa làm thúi Texas tuần vừa qua, mưa ngay những ngày hoa biểu tượng bluebonnet nở rộ; mưa tàn sát bluebonnet hàng loạt thành đám gái già tơi tả vì mưa. Trong khi vẻ đẹp hoang dã của hoa dại như cô gái sơn cước lại nhờ mưa nên tươi tắn hơn mọi năm. Tôi lái tới đâu không còn biết nữa. Chỉ rờ túi để biết không quên điện thoại ở nhà, hay ngoài quán là được; mở GPS lên thì ở ngoài hành tinh cũng biết đường về nhà, (một ông bạn tôi đã quảng cáo không công cho GPS như thế!) Rồi tôi bị mê hoặc bởi con suối trong veo, không xa đường xe chạy bao nhiêu; hoa dại hai bên bờ suối càng lộng lẫy nhờ phong cảnh hữu tình, nhờ mưa liên tục cả tuần qua…

Hấp lực của thiên nhiên khiến tôi xuống xe, mở cốp sau, cầm luôn hộp cần câu chưa mở xuống suối. Ngồi nhìn hoa dại cho đã mắt một hồi, tôi mở hộp quà anh Tân cho. Cây cần câu quả là đáng giá. Thích thật. Họ có cho mớ dây cước gắn sẵn trong ổ quay, nhưng không có lưỡi câu, đầu dây cước chỉ là cái móc khoá bằng inox để từ đó mới móc chì, móc mồi tùy theo người câu. Tôi mở xâu chìa khoá để lấy cái cắt móng tay, móc vào cái móc inox, và bắt đầu quăng câu, thu câu, làm hoài không chán vì tiếng ro ro của cái ổ quay xịn khi nó nhả dây nghe đã lỗ tai, không hề sượng; hồi nó thu dây cũng êm ru như cậu nằm với mợ…

Tôi mê câu từ nhỏ. Nhớ mới năm đi học thử, làm học trò không sách vở cầm tay vì có biết đọc biết viết gì đâu mà đọc với chép. Tôi đi học tay không vì đi học thử thôi mà, đi dưới sự giám sát của thằng Ban, là đứa được mẹ tôi nhờ “coi chừng em dùm cô”.

Nó là một người tử tế sớm nhất trong đời tôi và cũng là người cuối cùng, vì những đồng tiền nhỏ nhoi từ mẹ tôi cho nó để coi chừng tôi, thì nó dùng tiền đó để mua trái cóc, trái ổi cho tôi ăn; với yêu cầu duy nhất là “lúc nào mày cũng đi sau lưng tao, để thằng nào đánh mày thì tao đỡ trước. Còn vô lớp thì tao phải vô lớp tao, mày vô lớp mày. Nhưng đừng khóc, đừng đòi về…”

Và tôi chóng quen khi nghe trống trường dục dã, học sinh đang chơi ngoài sân trường sẽ mau mắn chạy vào lớp mình. Thằng Ban chạy vào lớp tư (là lớp 2 bây giờ), còn tôi vào lớp năm (là lớp 1 bây giờ). Đi học vui hơn ở nhà mà sao lắm đứa khóc, nhất định không buông tay mẹ, không chịu nắm tay cô giáo. Trong khi ba nó tiếc hùi hụi là không được nắm tay cô giáo vì tay mẹ nó đâu buông ông ra. Đàn ông là con nít sống lâu năm mà mấy chục năm sau tôi mới hiểu. Chỉ nhớ hồi đi lớp thính phòng thì tôi thích cô giáo hơn mẹ ở nhà, vì những đứa năm tuổi, đi học thính phòng, không phải học gì hết mà lại thường được cô dỗ ngọt cho đừng khóc, cô cho kẹo ăn, ngủ gục không ăn roi như những thằng đã chính thức bước vào con đường đau khổ – tập I.

Ngày tháng êm đềm trôi như mây trên trời, trên con đường đất đỏ từ xóm nhà tôi với thằng Ban cách trường tiểu học cả cây số. Sáng nào hai đứa cũng đi bộ tới trường, trưa về trong mưa là khoái nhất. Nó tin tôi không khóc nên nó khóc vì tôi gặp câu cá là đứng lại xem, không đi học nữa! Rồi gió hanh mùa khô, đồng trơ gốc rạ, tết tới, hè sang…

Tôi đã trưởng thành và bản lĩnh nhiều rồi.

Ngày tựu trường năm mới. Nó lập lại điệp khúc “lúc nào mày cũng đi sau lưng tao…” Nó đã tin tôi không khóc trong lớp, không đòi về nhà khi nhớ mẹ. Nhưng chắc hết đời nó không quên thằng bạn từ nhỏ gặp câu cá là bỏ học; và cũng không quên tôi đã trả lời nó bằng cái nắm đấm ngày tựu trường, dù chỉ dứ dứ vào mặt nó, “Từ nay tao đi học đã có cặp táp rồi. Tao không đi sau lưng mày nữa…”

Nó cười hiền như ông Phật, dù đã mất đệ tử cho tới năm nó đi thi đệ thất (lớp 6). Chúng tôi không bao giờ gặp lại nhau nên nó là người tử tế đầu tiên và cũng là cuối cùng trong đời tôi.

Tôi bắt đầu con đường tuổi nhỏ một mình. Thả tầm nhìn sáu tuổi ra thế giới xa hơn con đường đất đỏ là những ruộng lúa bát ngát, những ao rau muống mênh mông, có ông già mặc đồ bà ba trắng, râu bạc phất phơ như tiên ông, sáng nào ông cũng câu rê cá lóc bằng cây cần câu dài ngất ngưỡng… Rồi những người đi câu chuyên nghiệp bằng chiếc xe đạp nhưng trang bị đủ thứ đồ nghề; có người câu ba cần một lúc, giựt lên những con cá rô mề mập ú, bắt ham; những con sặt rằn thì thôi úc núc cái bụng trứng…

Tôi mê câu hay mê cá từ nhỏ là câu hỏi suốt đời. Cũng có thể là mê cả hai. Và một lần tôi tự hiểu là mình mê cây cần câu bằng trúc vàng óng, thẳng băng, nhìn hoài không biết chán. Nên suốt tuổi nhỏ, tôi tự làm không biết bao nhiêu cây cần câu; và chưa bao giờ ưng ý nên làm mãi. Tới hơn mười tuổi, đã biết hơ mắt trúc trên than hồng để uốn, nắn cho thẳng cây trúc mà làm cần câu thì thường bị quá lửa. Niềm đau ngập ngụa tâm can vì tiếc công để ý cây trúc nhà ai vừa mắt đã khó, chui rào chặt trộm khó hơn nữa! Thế mà chỉ vì tham thẳng, tham đẹp mà hỏng hết tuổi thơ. Vì hơ lửa không tới thì không nắn thẳng được, nhưng quá lửa một chút là cây trúc chỉ còn dùng để chụm lửa! Nên đau tê tái tâm hồn thuở nhỏ để lớn lên phục thù. Đi câu từ nam ra bắc vì trên xe lúc nào cũng có cần câu. Hễ thấy nước là quên lái. Qua Mỹ, trốn làm đi câu. Dối vợ tới nước, “hãng anh hết việc, đóng cửa một tuần.” Vậy là một tuần… đi hết biển; sông, hồ, đập thủy điện nào cũng ráng mò tới, vì nghe mà chưa tới thì ăn không ngon, ngủ không yên. Vợ về Việt nam thì bên đây tôi đi câu tròn tháng. Câu miệt mài tới quên trả biêu, bị đưa tên họ qua cho tụi đòi nợ. Nhưng nhằm nhò gì, đàn ông ở đây thường nói với nhau, “không trả tiền child support thì không phải đàn ông Texas!” Chuyện bad credit là chuyện nhỏ. Làm sao sánh với những lúc chiều tà mệt lử mà cá tới hồi chịu ăn, câu miệt mài tới trăng lên cũng không thèm bắt điện thoại vợ réo như réo đò qua sông; những lúc cá đớp bóng chứ không ăn thì tranh thủ đớp khúc bánh mì khô khốc như cây củi cũng thấy ngon; nhiều khi hết nước uống thì chơi luôn nước hồ cũng ngọt; lúc bình minh chưa tỏ mặt người, khi trăng treo cột điện cao thế, ngồi chờ cá dậy mà mơ về tuổi nhỏ. Cây cần câu đẹp là ước mơ của trẻ trai; mớ đồ nghề đi thọc ổ kiến trên cây, đào trùng dưới đất, những tháng hè rong ruổi đồng xa, đầm gần… với cây cần câu chưa bao giờ ưng ý!

Bây giờ cầm cây cần câu tốt nhất thế giới trong tay thì tuổi thơ không còn nữa. Tính lại cũng đã bốn mươi năm chưa sống đã già như anh Tân. Có phải là truyền kiếp nên mỗi thế hệ dân Việt đều có những bi thương khác nhau để cùng nhìn lại lịch sử trùng trùng khói lửa, đói khổ, và buồn tủi…

Cái cắt móng tay vướng chà dưới suối chứ không phải kẹt đá vì nó dùng dằng. Không cách gì giựt lên được, càng biết cây cần câu này lợi hại khi nó cong lại như chữ U mà không gãy; nhìn lại nhợ câu bây giờ mảnh sợi, nhẹ hơn dây gân của ba tàu chợ lớn ngày xưa. Nhưng sức dai của nó thật khủng khiếp. Chỉ còn cách cắt bỏ khúc nhợ, chịu mất cái cắt móng tay. Nhưng cũng không có gì để cắt nhợ, định cắn thì vừa lúc nó chịu bung chà dưới suối để lên trời! Nó bay bổng lên không vui mắt, nhưng buồn lòng vì viên cảnh sát đã đến sau lưng tôi hồi nào.

Hỏi bằng lái, tôi có bằng lái. Hỏi bằng câu, tôi có bằng câu. Nhưng hỏi tôi đã xin phép câu ở con suối này chưa, thì tôi ấm ớ! Tôi trả lời là tôi có bằng câu trong tiểu bang thì tôi nghĩ là tôi được câu ở đâu không có bảng cấm câu cá.

Viên cảnh sát nói, “Đúng vậy! Nhưng suối này nằm trong khu đất của tư nhân. Nên dù là không có bảng cấm câu cá. Nhưng muốn câu thì tôi phải xin phép chủ đất…”

Anh ta cho biết thêm, “chính họ gọi anh ta tới đây vì tôi câu cá trái phép.”

Anh ấy dư hiểu là tôi nhìn quanh không thấy nhà. Nhưng anh ấy không hiểu… cái cắt móng tay thay cho lưỡi câu và con mồi. Lòng tôi mừng là cái cắt móng tay may mà không mất đã trở thành vật chứng cho tôi chỉ ngồi câu Lã Vọng; cái hộp đựng cần câu còn nằm trên cỏ cũng chứng minh được điều tôi muốn nói là tôi được tặng cây cần câu, thấy suối nên ghé thử cần và ổ quay thôi…

May sao anh ta tin nên không cho giấy phạt vạ gì hết! Chỉ ghi lại số bằng lái, số bằng câu… rồi cho tôi đi.

Tôi cảm ơn viên cảnh sát, cầm ước mơ tuổi nhỏ ra xe, lòng buồn vô hạn khi nghĩ tới anh Tân cũng đang đi vô thư phòng… Sao đàn ông Việt nam được xếp loại khéo tay hay làm, bền chí siêng năng, thông minh tháo vát… nhưng sao đời trự nào cũng cứ mãi là lúc có không cần lúc cần không có. Không lẽ đời sống không có nghịch cảnh, thì thằng bé trai lớn lên thành người đàn ông không phải Việt nam. Ước gì quý bà công dung ngôn hạnh hiểu được điều này để dễ thông cảm cho những người cái có không cần cái cần không có…

Phan

 

 

 

©T.Vấn 2015

Bài Mới Nhất
Search