T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phan: Tháng Tư, đọc lại “Ta về” của Tô Thùy Yên

TO THUY YEN

Hình (Nguồn: Blog Phạm Cao Hoàng)

Được gặp nhà thơ Tô Thùy Yên một lần tại Houston. (Hôm nhà thơ Phan Xuân Sinh ra mắt sách “Sống Với Thời Quá Vãng”). Buổi trò chuyện tại nhà anh Sinh đến nửa đêm, trong tiếng đàn thùng của anh Ngu Yên, giọng ngâm không dứt của anh Trần Khánh Hoà, liên khúc Trần Thiện Thanh do anh Đỗ Xuân Quang-Atlanta bắt nhịp. Anh Trần Hoài Thư, Trần Phù Thế, Lương Thư Trung… có cả, mỗi người mỗi vẻ ngây thơ trong đôi mắt già nua bất luận. Một đêm thơ nhạc sẽ còn hoài trong ký ức những người dính líu tới con chữ ở hải ngoại.

Ngoài hiên, Nhà thơ Tô Thùy Yên trò chuyện với chúng tôi như những người quen gặp lại. Dù chỉ gặp lần đầu, trong chữ “Duyên” cửa Phật mà thành lấn cấn tới hôm nay. Ngồi đọc lại bài thơ “Ta về” trong tiết tháng Tư, nơi sân sau nhà vắng. Chút gió xuân nồng nàn nhà bên cắt cỏ… Giấc mơ chiều, người nông dân chỉ mong được về quê vỡ đất, “tháng tư đi tậu trâu bò/ để ta tiếp tục làm mùa tháng năm…”

“Ta về” là một bài thơ, bài hịch… không quan trọng. Điểm cốt yếu của một giai đoạn lịch sử bi hùng gói gém trong đó qua câu chữ chắt chiu từ chiến tranh và tù đày – không – chưa đủ. Còn có một trái tim và tri thức làm chất liệu để hình thành nên tác phẩm để đời này. Giả sử, không có cuộc chiến Việt Nam. Thơ ca miền Nam vẫn có Tô Thùy Yên nhưng không có bài thơ “Ta về”. Áng văn vần chiêu hồn bại sĩ, tổ quốc trong tâm thức một người đi qua chiến tranh và hệ lụy. Cuộc chiến thắng súng đạn của kẻ ác nhưng không thắng nổi những người bất bại, không thắng nổi tri thức và tâm thức miền Nam. Không biết một người đời sau, thiếu hít thở không khí đạn mìn, mùi máu tươi trên những xác người vô tội. Không được “khiêu vũ với bầy sói” trong những nhà tù cải tạo… có làm lệch lạc, thô thiển, hiểu sai những lời bi thống về lịch sử được vắt ra từ tâm thức người viết. Dù sao, thơ, không viết cho mình. Xin mạn phép thăm tìm lịch sử qua thi phẩm “Ta về”.

Ta về một bóng trên đường lớn

Thơ chẳng ai đề vạt áo phai

Sao bỗng nghe đau mềm phế phủ

Mười năm đá cũng ngậm ngùi thay

Ta về, từ tuyệt vọng trong tâm cảnh ngậm ngùi, khắp cùng đổ vỡ, tang thương. Nhưng không bi lụy, thề. Sự hào sảng của kẻ sĩ “Thơ chẳng ai đề vạt áo phai”không còn ý nghĩa của thắng-bại, tiếng cười sảng khoái cất lên ngay trên đầy đoạ, khổ đau của chính mình. Nỗi đau “mềm phế phủ” không phải ai cũng chịu nổi, càng không phải là những tháng năm tù đày. “Bỗng nghe/ đau/ mềm phế phủ” trước vật đổi sao dời sau mười năm xa vắng, mười năm lao cải, mười năm đá cũng ngậm ngùi thay… Không tố cáo, không luận tội bằng bằng trăm câu, ngàn chữ. Nhưng giá trị cáo trạng nằm trong chữ “thay”. Đá cũng ngậm ngùi thay, huống chi lòng người. Ai làm ra nông nỗi này? Triều đại có hưng vong, chiến tranh có kết thúc. Lịch sử có sự công bằng cho con chữ thẳng ngay, không tố giác nhưng không khuất phục, bỏ qua… Thái độ bình tâm nhả chữ khi viết về lịch sử là khí độ của người cầm viết.

Vĩnh biệt ta mười năm chết dấp

Chốn rừng thiêng im tiếng nghìn thu

Mười năm mặt sạm soi khe nước

Ta hoá thân thành vượn cổ sơ

Mười năm sống như đã chết. Sự trả thù có thể biến người ta thành “vượn cổ sơ”, có thể đầy đoạ hơn nữa, tới chết. Nhưng người tù đã thắng cao ngạo sự trả thù đó. Lời thơ chỉ giản đơn “vĩnh biệt ta mười năm chết dấp/ chốn rừng thiêng im tiếng nghìn thu”. Sao lại có người bị người khác biến thành “vượn cổ sơ” suốt mười năm, mà không hề thù hận. Chỉ quên đi thôi. Có lẽ làm gì được khi con người rơi vào hoàn cảnh phải sống chung với loài vô trí vô tri, như vượn cổ sơ là những tên cai ngục, quản giáo. Cái buồn của tâm thức tác giả nơi đây không phải là sự chịu đựng những đoạ đầy, mà khổ nhục hoá thân. “Ta” hoá thân thành vượn cổ sơ để sống còn. Ta không bị người khác biến ta thành vượn cổ sơ. Ta không đồng hoá với loài man rợ. “Chốn rừng thiêng im tiếng nghìn thu”, rừng im tiếng từ khai thiên lập địa. Người tù cũng im lặng như rừng để bảo tồn khí tiết. Quả là một người tử tế trong “những người tử tế” – “những người tù cải tạo đều là những người tử tế…” Hà Thượng Nhân đã viết.

Có thể, ngay nhà thơ Tô Thùy Yên cũng không đồng ý với cách hiểu bài thơ “Ta về” theo chiều hướng này. Nhưng một tác phẩm đúng nghĩa về nghệ thuật và có giá trị về nội dung, sẽ không ngại góc độ soi chiếu của lịch sử hay thời gian. Qua mỗi lăng kính khác nhau, tác phẩm đều mở ra những giá trị mới hơn cho người đọc. Từng câu chữ trong “Ta về” là một thế giới của sáng tạo thơ từ và tâm cảm trùng trùng trong hạn hẹp của ngôn ngữ…

Ta về qua những truông cùng phá 

Nếp trán nhăn đùa ngọn gió may

Ta ngẩn ngơ trông trời đất cũ

Nghe tàn cát bụi tháng năm bay

 

Chỉ có thế. Trời câm đất nín

Đời im lìm đóng váng xanh xao

Mười năm, thế giới già trông thấy

Đất bạc mầu đi, đất bạc mầu.

 

Ta về như bóng chim qua trễ

Cho vội vàng thêm gió cuối mùa

Ai đứng trông vời mây nước đó

Ngàn năm râu tóc bạc phơ phơ

 

Một đời được mấy điều mong ước

Núi lở sông bồi đã mấy khi

Lịch sử ngơi đi nhiều tiếng động

Mười năm, cổ lục đã ai ghi?

 

Ta về cúi mái đầu sương điểm

Nghe nặng từ tâm lượng đất trời

Cám ơn hoa đã vì ta nở

Thế giới vui từ mỗi lẻ loi

Đọc đoạn thơ hoài cảm, như nâng tâm hồn lên. Nhớ những “bước tới đèo ngang bóng xế tà/ cỏ cây chen đá lá chen hoa/ dừng chân đứng lại trời non nước/ một mảnh tình riêng ta với ta…”Hay cho tiền nhân đạt tới sự cô tịch của hoài cảm với ba chữ “ta với ta”. Tấc lòng dị dã đến kính phục bậc tiền nhân. Người đời sau, “nghe tàn cát bụi tháng năm bay” trước quê nhà xiêu xẹo, sau mười năm, Ta về. Không luận ai hơn ai, một câu thơ hay hơn có đổi được quê hương đã mất? Nỗi đau truyền kiếp của kẻ sĩ, không có hồi âm. Lòng hoài cảm tịch liêu hiếm gặp trong thơ từ đạt tới cảnh giới vô ngã. Hoàn toàn không phải là từ bi bất ngờ khi “cúi mái đầu sương điểm” mới “nghe nặng từ tâm”. Tự tâm nghe được đất trời chia chung nhát cắt, nỗi đau mà bật thành lời tri âm tri kỷ, “Cảm ơn hoa đã vì ta nở”. Câu thơ đẹp không có giai nhân/ là sự cảm thụ khác biệt của thơ và văn vần, vè. Cảnh giới của ý và từ trong câu thơ “ngộ” này đã thoát ra riêng một chỗ ngồi. Mở ra cánh cửa từ lâu khép chặt của tâm thức con người u mê qua ngũ giác. Mắt thấy được không sắc, tai nghe được không động, mũi ngửi được không mùi, lưỡi nếm được không vị, tay sờ được không cùng. Tâm thức con người đạt tới vô ngã thì có thể cảm nhận được độ lượng của vô vi, “thế giới vui từ mỗi lẻ loi”.

Cảm ơn nhà thơ Tô Thùy Yên đã tiên phong bứt phá ra khỏi những lối mòn xưa cũ của thơ ca. Nhưng không thiếu những làn điệu ca dao đã truyện miệng ngàn đời trên dải đất quê nhà. Hình ảnh trống ngũ liên trong “Lính thú đời xưa” khiến người ta rơi lệ, “tùng tùng trống đánh ngũ liên/ bước chân xuống thuyền nước mắt như mưa…”Trống ngũ liên trong “Ta về” đối lập, tiếng trống thúc người đi cứu nước, xây nhà… “Người đi như cá theo con nước/ trống ngũ liên nôn nả gióng mừng”. Nhưng chỉ là mộng thôi, nỗi khao khát trong tuyệt vọng, hoài bão lúc lâm chung. Thực cảnh sau cơn mơ giả tưởng là, “ta về như  lá rơi về cội/ bếp lửa nhân quần ấm tối nay/ chút rượu hồng đây xin rưới xuống/ giải oan cho cuộc biển dâu này”.

Ngôn ngữ bi ai, hình ảnh ngậm ngùi, bật lên nỗi đau không người chia sẻ. Một “bếp lửa nhân quần” chỉ đủ để rưới rượu giải oan cho cuộc bể dâu. Rượu, oan khuất, cuộc bể dâu. Không làm vơi đi mà tăng lên uất nghẹn thân cô thế độc. Đọc mà tội nghiệp cho ông khi hạ bút viết những giòng này. “Mười năm chớp bể mưa nguồn đó, người thức mong buồn tận cõi xa”. Đâu hết rồi, những người muôn năm cũ… sinh ly tử biệt là đây chăng? Thời điểm ông viết bài thơ này (1986), có hàm ý nhắn gởi gì không – ra hải ngoại? Có hay là không, – tùy cảm nhận người đọc trong tư thế nào, đang ở đâu?

Tưởng tượng nhà nhà đang mở cửa

Làng ta ngựa đá đã qua sông

Người đi như cá theo con nước

Trống ngũ liên nôn nả gióng mừng

 

Ta về như lá rơi về cội

 Bếp lửa nhân quần ấm tối nay

Chút rượu hồng đây xin rưới xuống

Giải oan cho cuộc biển dâu này

 

Ta khóc tạ ơn đời máu chảy

Ruột mềm như đá dưới chân ta

Mười năm chớp bể mưa nguồn đó

Người thức mong buồn tận cõi xa

 

Ta về như hạt sương trên cỏ

Kết tụ sầu nhân thế chuyển đời

Bé bỏng cũng thì sinh, dị, diệt

Tội tình chi lắm nữa người ơi

 

Quán dốc hơi thu lùa nỗi nhớ

Mười năm người tỏ mặt nhau đây

Nước non ngàn dặm bèo mây hỡi

Đành uống lưng thôi bát nước mời

 

Ta về như sợi tơ trời trắng

Chấp chới trôi buồn với nắng hanh

Ai gọi ai đi ngoài cõi vắng

Dừng chân nghe quặn thắt tâm can

 

Lời thề buổi ấy còn mang nặng

Nên mắc tình đời cởi chẳng ra

Ta nhớ người xưa ngoài nỗi nhớ

Mười năm ta vẫn cứ là ta

Dù sao cũng thấm thía với “Người thức mong buồn tận cõi xa”. Mười năm đi qua địa ngục trần gian như sợi tơ trời trắng. Khí tiết còn mang mang nặng lời thề nghiệp dĩ binh gia. Thì thôi, ta vẫn cứ là ta… Cõi phù sinh, “bé bỏng cũng thì sinh, dị, diệt”. Một chút đảo ngữ đúng lúc, đúng chỗ, để hỏi tội ai đây? “Tội tình chi lắm nữa người ơi”! “Quán dốc hơi thu lùa nỗi nhớ”. Quán nằm trên dốc – địa hình, thì tầm thường quá! Quán dốc bởi men say, hơi thu bẻn lẻn về qua làn gió mỏng – làm tỉnh hồn teo mà thơ từ gọi là “lùa nỗi nhớ” – những mặt người – mười năm người-người mới tỏ mặt nhau đây… Thái độ phân rõ bạn-thù trong những nhà thơ thường lơ tơ mơ đã xưa rồi! Sau mười năm nằm gai nếm mật, bạn-thù đã phân minh. Hãy đợi đấy! Ta về, ta về như tứ thơ xiêu tán. Còn gì để nói với một nhà thơ khi tứ thơ xiêu tán. Còn chứ, tàn chiêu quái đao ở câu đắc địa, “Khách cũ không còn, khách mới thưa”. Ta về sau mười năm giã từ vũ khí. Bạn lính, bạn thơ đà hoá thạch. Còn ai tri kỷ để tri âm. Khách mới không “thưa” mới là lạ!

Ta về như tứ thơ xiêu tán

Trong cõi hoang đường trắng lãng quên

Nhà cũ mừng còn nguyên mái, vách

Nhện giăng, khói ám, mối xông nền

 

Mọi thứ không còn ngăn nắp cũ

Nhà thương khó quá, sống thờ ơ

Dậu nghiêng, cổng đổ, thềm um cỏ

Khách cũ không còn, khách mới thưa

Ta về, sau mười năm chết dấp để“khai giải bùa thiêng yểm”, truyền hịch, đánh thức những linh hồn gỗ đá ngủ yên sau mười năm tan hàng, buông súng… Nhưng sức người hữu hạn, lực bất tòng tâm, tráng sĩ bạch đầu bi hướng thiên… lấy cỏ cây làm bạn đời thừa.

Ta về khai giải bùa thiêng yểm

Thức dậy đi nào, gỗ đá ơi

Hãy kể lại mười năm truyện cũ

Một lần kể lại để rồi thôi.

 

Chiều nay ta sẽ đi thơ thẩn

Thăm hỏi từng cây, những nỗi nhà

Hoa bưởi hoa tầm xuân có nở?

Mười năm, cây có nhớ người xa?

 

Ta về như đứa con phung phá

Khánh kiệt đời trong cuộc biển dâu

Mười năm, con đã già trông thấy

Huống mẹ cha đèn sắp cạn dầu

 

Con gẫm lại đời con thất bát

Hứa trăm điều, một chẳng làm nên

Đời qua lớp lớp tàn hư huyễn

Giọt lệ sương thầm khóc biến thiên.

 

Ta về như tiếng kêu đồng vọng

Rau mác lên bờ đã trổ bông

Cho dẫu ngàn năm em vẫn đứng

Chờ anh như biển vẫn chờ sông

Đây là đoạn thơ thực nhất về tâm hồn một nhà thơ chăng? Ngoài những tuyệt chiêu về ngôn ngữ, thơ từ; những đòn trí mạng qua con chữ… là những xúc cảm đáy lòng một con người nhạy cảm hơn người thường. Thơ từ diễm tuyệt, nhưng dùng cho một bài thơ tình chắc hay hơn đưa vào “Ta về”. Nhưng dù sao, đó, đây, cũng là thực lòng một người đi qua địa ngục, trở về. Hay cho “ta gọi thời gian sau cánh cửa”, điều không ai làm được vì thời gian không trở lại. Nhưng thơ gọi được, và phải là phù thuỷ ngôn ngữ cỡ Tô Thùy Yên gọi mới được.

Ta gọi thời gian sau cánh cửa

Nỗi mừng giàn giụa mắt ai sâu

Ta nghe như máu ân tình chảy.

Tự kiếp xưa nào tưởng lạc nhau.

 

Ta về dầu phải đi chân đất

Khắp thế gian này để gặp em

Đau khổ riêng gì nơi gió cát

Thềm nhà bụi chuối thức thâu đêm.

 

Cây bưởi xưa còn nhớ, trắng hoa

Đêm chưa khuya quá, hỡi trăng tà

Tình xưa như tuổi già không ngủ

Thức trọn, khua từng nỗi xót xa

Sự trở về gần như là điều không tưởng của tác giả, không có gì lạ với hoài niệm, nhưng thái độ sống đương đầu với lãng quên sau khổ nạn mới đáng bình. Khâm phục.

Ta về như giấc mơ thần bí

Tuổi nhỏ đi tìm một tối vui

Trăng sáng soi hồn ta vết phỏng

Trọn đời nỗi nhớ sáng khôn nguôi

 

Bé ơi, này những vui buồn cũ

Hãy sống đương đầu với lãng quên

Con dế vẫn là con dế ấy

Hát rong bờ cỏ giọng thân quen

 

Ta về như nước Tào Khê chảy

Tinh đẩu mười năm luống nhạt mờ

Thân thích những ai giờ đã khuất

Cõi đời nghe trống trải hơn xưa

 

Người chết đưa ta cùng xuống mộ

Đâu còn ai nữa đứng bờ ao

Khóc người ta khóc ta rơi rụng

Tuổi hạc ôi ngày một một hao

 

Ta về như bóng ma hờn tủi

Lục lại thời gian kiếm chính mình

Ta nhặt mà thương từng phế liệu

Như từng hài cốt sắp vô danh

 

Ngồi đây nền cũ nhà hương hỏa

Đọc lại bài thơ thuở thiếu thời

Ai đó trong hồn ta thổn thức

Vầng trăng còn tiếc cuộc rong chơi

 

Ta về như hạc vàng thương nhớ

Một thuở trần gian bay lướt qua

Ta tiếc đời ta sao hữu hạn

Đành không trải hết được lòng ta

 Tô Thùy Yên

Không biết, cõi lòng một nhà thơ, to, rộng, bự, hay trường giang đại hải tới đâu! Đọc mờ mắt mới thấy tên tác giả mà nhà thơ còn tiếc đời hữu hạn/ đành không trải hết được lòng ta. Vậy lòng ta mấy đỗi với khúc thương ca này? Miễn tội cho vãn bối một chiều lang thang với mây trắng bay. Chút gió xuân nồng nàn nhà bên cắt cỏ… người nông dân chỉ mong được về quê vỡ đất, tháng tư đi tậu trâu bò/ để ta tiếp tục làm mùa tháng năm…

Phan

Dallas, tháng 4-2012

Bài Mới Nhất
Search