T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phan : Vài chuyện nhỏ tiễn năm cũ qua đi

clip_image002

 

1. vạch áo cho người xem lưng…

Khi rảnh rỗi, tôi hay đi loanh quanh trong thành phố mà tôi đã sống lâu năm. Nói cách khác là tôi biết nhiều người, cũng như họ biết tôi, nên chẳng lạ gì việc ghé đâu cũng gặp người quen. Nhưng triệu người quen có mấy người thân, nên ngồi nghe là cách tốt nhất để bình yên, bởi ngồi nói thì thể nào cũng dẫn đến những tranh cãi do bất đồng, nhẹ là đáng tiếc hay nặng là đáng tội…

Vì thế, tôi ngồi nghe những người quen có, lạ có, đang ngồi chung bàn mà một người quen đã mời tôi cùng ngồi cho vui. Trên bàn tròn hôm ấy, hai người đàn ông đang tranh luận… về đàn bà.

Người trông rất hạnh phúc, có lẽ vậy nên lời lẽ ông nói ra rất bao dung với phụ nữ; Ý ông, phụ nữ đáng thương hơn đáng giận, như vợ ông đó…

Có lẽ vợ ông như vậy đó, làm cho suy nghĩ của ông về phụ nữ như vậy đó, nên ông như vậy đó! Còn cái hạnh phúc mà ông cố trình bày với bàn tròn cung là… như vậy đó!

Còn người tranh luận với ông, đương nhiên là người thiếu thiện cảm với phụ nữ. Chắc ông này mang những vết thương lòng do phụ nữ gây ra trong quá khứ nên không người đàn ông nào hận thù đàn bà đến tận cùng xương tủy như ông.

Nhìn ông thiếu tươm tất cũng hiểu người đàn ông này thiếu sự chăm sóc của một người đàn bà; Cách ăn, cách nói khô khan của ông càng lộ rõ sự lâu ngày thiếu người bếp núc chăm lo và uốn nắn miệng lưỡi cho ông. Ông làm tôi nhớ đến một triết gia tây phương từng nói: Những người đàn ông bất hạnh thường trở thành triết gia. Chỉ đáng tiếc là ông đây quá thất lễ với phụ nữ, làm cho những suy niệm của ông về phụ nữ chỉ mang màu sắc triết lý nhưng không thuyết phục. Dẫn đến phản ứng của một người khác, ngồi cùng bàn, “Thôi. Đừng có ngậm máu phun người cho dơ miệng mình nữa ông ơi!…”

Tôi thấy khó chịu với nụ cười hả hê của người đàn ông hạnh phúc khi bất ngờ có đồng minh – là người vừa công kích triết gia “ngậm máu phun… đàn bà”. Làm tôi nhớ câu tiếp theo câu: những người đàn ông bất hạnh thường trở thành triết gia, là: những người đàn ông hạnh phúc thường u mê và ngu muội.

Nhìn người đàn ông hạnh phúc mà thầm phục triết gia tây phương nọ!

Dù gì cuộc tranh luận của họ đã làm cho không khí bàn tròn mất vui. Nên tôi ra về, chỉ còn một suy nghĩ trong đầu. Đừng đem vợ ra bàn tiệc làm gương mẫu cho người khác; và cũng đừng ta thán về vợ trước công luận. Bởi điều chắc chắn đạt được chỉ là vạch áo cho người xem lưng…

2. khều vai…

Cái khều vai từ sau lưng làm người đàn ông khựng bước. Ông không khó chịu với hành vi của ai đó -mà cũng chẳng vui mừng gì vì ông đang bước vào văn phòng luật sư để ký tên hoàn tất thủ tục ly dị. Nhưng mùi nước hoa quen thuộc đưa ông trở lại đời thường. Ông ấy quay lại. Người khều vai ông trông tiều tụy quá! Đôi vai gầy và đôi mắt sâu là bản cáo trạng không lời, nhưng không có luật sư nào bào chữa hay bênh vực cho ông được! Chỉ có ông thức tỉnh đột ngột, bất ngờ, thậm chí không ngờ về sự thức tỉnh của mình lại đến đột ngột, bất ngờ như thế này!

Ông đứng dối diện với người phụ nữ đã khều vai ông rất lâu. Máu trong mình như bị người phụ nữ tiêm chất đắng, chất cay thêm vào chất nước màu đỏ vô cảm ấy, làm cho dòng lưu luân chuyển khắp châu thân nỗi ngậm ngùi, ân hận, và ăn năn… Ba cảm giác đã chết từ bao giờ không rõ nhưng nó hồi sinh sống động như hình ảnh con thú dữ trong hai mắt người phụ nữ đang dối diện với ông.

Chắc lọn gió thu-đông lạnh quá, đã xô đẩy người phụ nữ ngả vào ngực ông; và hai bàn tay người đàn ông đã từng xây dựng nên công danh sự nghiệp, từng vái lạy ơn trên giữ gìn cho ông hạnh phúc, từng vịn trái tim mình mà thề thốt…, từng phủi ơn vì ngạo mạn trước thành công, từng ôm mặt khóc khi thất bại, từng trải. Hai bàn tay thừa thãi đã vô thức luồn vào mái tóc người phụ nữ, buông xuôi theo dòng tóc như dòng đời; vòng ra sau tấm lưng gầy trơ xương đến cảm nhận được sau áo len dày. Ông cảm nhận được từng nhịp đập rung lên, từng hồi bấn loạn của trái tim người phụ nữ, làm cho hai cánh tay ông vô thức xiết lại như hai gọng kềm. Ông nhắm mắt lại như người xám hối, nên con thú dữ trong hai mắt người phụ nữ biến mất. Làm cho tội lỗi của người đàn ông lại một lần nữa được tha thứ…

Người luật sư xuất hiện từ bao giờ thì họ không biết, chỉ nghe tiếng nói của người bạn trẻ…, “Anh đưa chị về đi. Chị đã lấy lại hồ sơ rồi…”

Người luật sư trẻ tiễn họ bằng ý vì đôi chân anh đã chết đứng trong gió thu-đông vì chỉ có gió lạnh khều vai anh tiếc nuối người vợ trẻ đã ôm con anh đi mấy ngày qua…

3. tiền-tệ…

Tôi quen rồi chơi khá thân với một nhà thơ. Chính thời gian quen biết đã làm tôi hết bỡ ngỡ, lạ lùng với tính cách của ông. Như khi không ông gọi tôi để cùng đi làm một chuyện điên rồ với ông, hay nhà thơ không có khái niệm về tiền tệ, -vì tiền luôn làm cho người ta tệ!

Chúng tôi cùng vào nhà hàng Tokyo 1. Ở đó, nhà hàng cho thực khách ăn thoải mái – toàn hải sản – đến khi nào no nê thì ra về, với giá vé vô cửa là 27 đồng/ một người.

Nhà thơ điên rồ đã phải trả tiền vô cửa cho hai người (tính luôn thuế nữa chứ) hết chừng $60. Rồi ông nói cô tiếp viên phục vụ bàn chúng tôi: cho ông một chai rượu đỏ với giá $60 – cộng thuế, (trong khi chai rược ấy ở chợ Kroger chỉ $23).

Ông bảo tôi: Anh muốn ăn gì thì ăn. Trong khi ông chỉ uống rượu đỏ – hết ly này đến ly khác, hết chai này mua chai nữa… và ăn độc nhất mấy sợi rong biển. Ông ăn ít đến tôi đếm được bao nhiêu sợi rong biển – nếu tôi muốn đếm. Tiền làm cho ông tệ đến không biết giá trị của một bài thơ đăng báo thường không có tiền nhuận bút! Nhưng ông ấy vẫn thích một chỗ ngồi nhìn ra khung cửa sổ có lá thu bay, có ly vang sóng sánh mà không bị lạnh…

Trong khi tôi không tìm ý thơ qua khung cửa mùa thu như ông. Tôi quan sát một gia đình rất đẹp. Cha mẹ ở độ tuổi bốn mươi, ai cũng đẹp. Họ có đứa con gái lớn chừng 15 tuổi. Con bé có gương mặt sáng đến không thể tin được nó học dở. Nhưng mặt nó tối tăm lại như cúp điện sau khi bị mẹ mắng cho một trận là không giúp mẹ gỡ thịt cua…

Đứa con trai chừng 12 tuổi, cũng đẹp như thiên thần, đang mê mẩm với hồ cá – sau khi cả nhà nó đã ăn xong. Mặt thằng bé cũng tối sầm lại với lệnh mẹ là đi lấy thêm cua luộc về bàn. Và phụ mẹ rỉa thịt cua…

Chỉ cô gái Nhật phục vụ bàn ăn của họ là người khó đoán, vì cô lạnh lùng ánh mắt nhưng thấy hết thì phải! Cô dọn những dĩa ăn xong trên bàn họ. Nhưng cố tình không dọn vỏ cua đã dâng lên thành đống trước mặt người đàn bà đã rỉa được đến đầy vung một dĩa lớn thịt cua.

Người cha, người chồng, người chủ gia đình đó thản nhiên nhiên nhiên… nhìn vợ trút hết dĩa thịt cua vĩ đại vào cái túi ny-lon có zipper mà bà ta đã lấy ra từ cái giỏ xách tay phụ nữ rất đắt tiền của bà ta. Sự chuẩn bị chu đáo từ nhà làm cho cái giỏ hàng hiệu của bà phình ra thô thiển. Và cô gái Nhật là người chứng minh: tiền làm cho người ta tệ. Bởi cô ấy xin giữ lại bịch thịt cua khi gia đình nọ ra cửa…

4. ly cà phê màu trắng…

Ông Matt là người Ấn độ, một người đàn ông thấp, hơi mập, da ngăm đen, chừng hơn sáu mươi tuổi. Ông làm việc gần chỗ tôi. Và, có lẽ tôi đã có thiện cảm với ông từ đôi mắt đẹp nhưng rất mệt mỏi của ông . Một hôm sáng, từ phòng họp trở về chỗ làm. Ông cho tôi xem và nói với tôi, “tao mới mua đôi găng tay này hết $5. Hy vọng xài được một tuần…”

Từ đó, mỗi tuần tôi đều cho ông một đôi găng tay mới vào sáng thứ Hai. Tôi cũng không nghĩ đến việc tìm hiểu trong đời giả khờ qua ải này làm gì! Đại khái, sao mình được cấp găng tay miễn phí mỗi sáng đầu tuần, còn ông ta phải tự đi mua ngoài Home Depot để dùng. Ông làm tôi nhớ cô bắc kỳ nho nhỏ thời còn đi học. Cô ấy ghiền coi bói mà không tiền đi xem quẻ nên cứ xoè tay tôi ra để làm thầy bói cho đỡ ghiền. Nhưng lời cô còn vang vọng trong trí nhớ tôi đến bao giờ, “Suốt đời ông có cơm ăn là may! Chỉ cần người thổi cơm giỏi như em là trọn vẹn đấy thầy em ạ!” Nhưng tới ra trường thì cô ấy mới nói lời hữu duyên không nợ, “Ông yên tâm. Can đảm lên. Cả đời ông. Tuy khổ. Nhưng đi đến đâu cũng có người đoái hoài.” Nên khi chợt nhớ. Tôi chỉ phiên dịch ra từ nam bộ là: có quới nhơn giúp đỡ…

Đến một sáng thứ Hai, ông Ấn độ hỏi tôi:

“Ở đâu mày có găng tay mới để cho tao hoài vậy?”

“Tôi không nhớ đã có từ đâu? Chỉ thấy ở garage nhà tôi có cả thùng găng tay mới…”

“Vậy… hôm nào rảnh, tao mời mày đi uống cà phê Starbucks. Ô-kê!”

“Ô-kê!”

Đúng cái hôm hãng cho về sớm vì hết việc làm. Tôi nói với ông, “Ông Matt. Hôm nay ông trả nợ tôi ly cà phê Starbucks đi. Vì giờ này mới 12 giờ, mà 4 giờ chiều ông mới phải đi làm second job, phải không?”

Ông ấy đồng ý ngay, nhưng bảo tôi lái theo ông ấy về nhà ông trước rồi hãy đi Starbucks. Vì vợ ông muốn gặp tôi! (Nhà ông cũng gần tiệm cà phê lắm…)

Tôi không ngờ người ta có thể sống trong căn nhà mà nhìn bên ngoài… chưa đủ! Phải vào bên trong mới biết nó tồi tệ hơn cái chuồng bò, chuồng dê của những gia đình rộng đất ở xứ Texas này.

Và người đàn bà nằm trên giường mà còn quấn khăn trùm đầu. Toàn gương mặt bà chỉ có đôi mắt là còn sống. Thân thể bà là bộ xương ẩn hiện dưới lớp mền đắp. Bà xin lỗi bất nhã với tôi vì bà không ngồi dậy được. Bà nói cảm ơn tôi đã cho chồng bà những đôi găng tay… là lý do bà muốn gặp tôi để nói lời cảm ơn. (Hy vọng bà không biết lý do tôi bất nhã với lời bất tử thốt ra là xin đi restroom dù không mắc mứu. Tôi chỉ không cầm được nước mắt khi nghĩ đến người đàn ông hơn sáu mươi tuổi, đi làm hai jobs, vậy mà nửa đêm về còn kể chuyện trong ngày cho người vợ đã chết nhưng còn thở của ông nghe…)

Ông Matt nói tôi đi uống cà phê. Nhưng tôi nói lại là tôi đã đổi ý! Muốn ngồi chơi với vợ ông, tới giờ ông đi làm thì tôi về.

Ông Matt lấy cái ly miểng, rút cây viết lông màu đỏ trên túi áo ngực (là loại viết chúng tôi dùng hàng ngày trong hãng để ghi note – khi mình phát hiện trên sản phẩm có vấn đề – cho người QC biết mà chú ý!) Ông ấy viết chữ Starbucks coffee lên cái ly, trước khi đi rót cho tôi ly nước trắng. Và ông đã mời tôi một ly White coffee

Chúng tôi ra ngoài sân trò chuyện khi thấy vợ ông đã mệt. Ông Matt nói, “Vợ tao bị ung thư da đã hơn 10 năm. Trước kia tao có đến năm, sáu cái cây xăng; nhà ở và nhà cho mướn cũng nhiều. Vậy mà bây giờ tao phải đi làm hai job, vì không bảo hiểm nào lo cho vợ tao nữa. Tao không buồn về chuyện gia tài, chỉ thất vọng khi tao đuổi hai đứa con ra khỏi nhà bởi chúng đã ký tên vào giấy xin được chích thuốc độc của mẹ nó. Tao hối hận về việc vợ chồng tao đã bằng mọi cách để đưa hai đứa con đến được Mỹ – để ăn học. Cái giá của hai cái bằng kỹ sư điện tử ở Mỹ thật quá đắt…

Tao chỉ mong cho vợ tao chết trước tao để tao lo cho bà ấy được chu toàn. Nhưng là chết tự nhiên, mày hiểu không?…”

Cũng như hồi quen biết, tôi không hiểu sao tôi lại có thiện cảm với ông. Thì giờ đây tôi cũng không hiểu sao hai tay tôi tự nhiên chắp lại trước ngực mình. Và xá ông ấy ba xá như lễ Phật.

5. một sáng cuối năm…

Hãng đã ít người Việt, ít đến có thể đếm trên đầu ngón tay. Thế mà tôi không nhớ được hết tên những đồng hương; đồng nghiệp ít ỏi trong cái hãng này. Hình như họ cũng chiếm lấy một cái bàn dài trong phòng ăn mênh mông – cái bàn nói tiếng Việt. Nhưng tôi lại hay nghỉ giữa giờ tại chỗ làm để check email, message – trả lời message với email ngay trên phone…

Thói quen xem trọng bạn xa hơn những người bên cạnh là bệnh dân tộc chứ riêng gì tôi mà ái ngại! Nhưng còn thua một người – Đó là ông già vẫn đến ngồi chung bàn với cộng đồng thiểu não vì ít hơn cả thiểu số. Nhưng ông ngồi hẳn ra đầu bàn dài – một mình – không lên tiếng khen-chê ai hết; không bình luận về thế giới và con người.

Vậy mà ông biết tên tôi. Hôm cuối cùng ra khỏi hãng để mọi người về nghỉ lễ Giáng sinh, nghỉ luôn qua Tết tây mới trở lại làm. Tôi vô tình, còn ông không biết có cố ý hay không, chúng tôi lại sóng bước ra bãi đậu xe như hai người đi chung. Ông hỏi thăm tôi (xã giao) là nhà anh ở gần đây không? Vợ con thế nào?… Thì ra mình là hàng xóm vì nhà tôi cũng trong khu Woodbridge…

Đó là lý do tôi đến uống cà phê với người đồng nghiệp đã lớn tuổi, người đồng hương, người hàng xóm vào một sáng cuối năm.

… Thì ra chỉ mình ông trong căn nhà quá lớn nên thiếu hơi người. Nhưng bàn ăn còn nguyên bữa cơm chiều qua, đã được dọn ra cho hai người ăn. Và không ai cầm đũa nên những đĩa thức ăn, tô canh, thố cơm… còn mới nguyên và nguội lạnh.

Tôi cũng mới vừa rời khỏi nhà mình với cái bàn ăn nguội lạnh y chang dưới bếp. Nên chẳng cần hỏi han ông bạn già chi cho phí thời gian. Vì nhà tôi đã ngủ qua đêm qua ở nhà con trai lớn thì cùng lắm vợ ông bạn cũng đã qua đêm qua ở nhà con gái cưng của bà – sau khi nói lời gì đó không vui giữa vợ chồng rồi đi tạm trú trong âu lo về sức khoẻ của người ở lại nhà một mình.

Ở tuổi nào thì vợ chồng cũng có lý do để dành dụm giận hờn như những hạt gạo trắng, khi đầy cái ly lẻ bộ trong nhà thì cắm vào đó mấy nén hương; rồi thành khẩn mời nhau về ăn cơm. Tiếc là khi hiểu được giá trị của lời tử tế thì chỉ còn ngồi đó khóc…

Từ giã ông bạn, tôi trở về nhà ngồi ngắm cái bàn ăn nguội lạnh từ chiều hôm qua, một mình. Chung quy vẫn là con người thích (thường) quan tâm tới những việc đâu đâu; người đâu đâu… Việc ở đây là gọi đi ăn cơm thì mau rời bỏ cái laptop, gấp cuốn sách (báo) đang đọc lại ngay! Để tránh việc đáng tiếc là nhà thiếu hơi dù chỉ một người cũng làm cho căn nhà hoang lạnh đìu hiu… Có tăng độ máy sưởi lên thì ấm ngoài da. Còn cái lạnh lòng thì mấy mền bông cũng không ấm nổi…

Phan

©T.Vấn 2014

Bài Mới Nhất
Search