T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phí Ngọc Hùng: HOÀNG SA VÀ TRƯỜNG SA (SAU BỨC MÀN ĐỎ)

       Bích họa: Hải quân Việt Nam bảo vệ đảo Gạc Ma trong hải chiến Trường Sa năm 1988.

(Nguồn ảnh: ĐÀI Á CHÂU TỰ DO RFA)

Về đến sân bay Nội Bài trong một ngày cận Tết năm Mậu Tý, ngồi đồng cụ giáo vẩn vơ dòm nhà cửa vẫn nổi cộm, xe cộ vẫn lái lụa. Chỉ một khác lạ là có dăm anh bò vàng đứng lóng chóng ở bên đường, phò phạch hít thuốc lá. Ắt hẳn là vì chuyện sinh viên biểu tình vê Hòang Sa, Trường Sa chi đây. Cụ chau mày nhủ thầm: Rõ quái…phản kháng gì mà chỉ loe ngoe mấy mống. Nếu cứ như vào thời cụ trong Nam trước năm 75 ấy à, người ngợm ối ra cả đấy. Chả như người Hà Nội hôm nay, cứ bình chân như vại.

       Cụ gãi đầu lầu bầu, chắc phải hỏi thằng em họ của cụ mới hả dạ.

       Lần mò về giữa năm 54, trong khi cả nhà đang nhì nhằng chuyện di cư thì thầy thằng em dẫn nó từ Thái Lọ lên…tị nạn ở nhà cụ. Loanh quanh mấy tháng với đánh bi, đánh đáo, ấy vậy mà thân nhau ra phết. Cụ rong ruổi đi, nó lớ ngớ ở lại. Chuyến về thăm quê dạo nọ, cụ đảo qua gặp…người anh em xã hội chủ nghĩa này, mới u ơ nó là phó biên tập tờ Nhân Dân. Ra dáng nhà giáo, cụ vén môi hỏi bỡn nó: “Chú làm gì mà…cây đa cây đề quá thế?”. Thằng em hâm hâm rằng: “ Báu gì thưa bác, phó…thì nào có khác gì như tủ lạnh chạy đầy đường. Em học khoa văn, nhẩy sang khâu…kinh tế, thế thôi ”. Rồi đột biến thằng em đốc chứng hưu non, ngày ngày đọc sách thánh hiền, ôm giấc mộng lớn, mộng con với tề gia trị quốc bình thiên hạ. Cụ gặng hỏi cớ sự gì lạ nhẩy, thằng em lao đao: “Khó nói lắm bác, để ít nữa em sẽ…kinh qua nhiều hơn”.

       Cụ nghe thấy…kinh khiếp. Lu bu rồi hai anh em cũng quên tuốt.

       Lần này vừa mở cửa nó ôm lấy cụ…hữu nghị thắm thiết, trà đàm một chập nó nháo nhác xin kiếu vì “ Đến giờ phải đi gặp mấy thằng em…”. Ngỡ nó là dân cửu vạn quơ cào mấy “tút” thuốc lá để chiêu đãi cụ. Còn chuyện sơn hà nửa gánh giang sơn một chèo, bộ nó cho chó gặm xương chăng? Đang lầng quầng, nó đưa một sấp giấy và nói, trong khi chờ đợi, cụ cứ chịu khó ngốn mớ chữ này là nó về. Hai anh em sẽ “Nón lá áo tơi ra quán chợChơ vơ trên bến nước sông đầy – Sầu nghiêng mái quán mưa tong tả”. Nghe cũng ấm lòng, mới chong mắt qua mấy hàng, cụ chớ phở ra ngay và thở ra, cái thằng viết lách gì như…niên biên ký sự mà cụ chúa ghét với…niên đại, niên kỷ. Chả nhẽ ngồi không búng ghét đuổi ruồi, thế nên cụ đành bấm bụng tụng như…tụng kinh và đợi thằng em về sẽ “Chén rượu men lành, lạnh ngón tay – Ôn lại những ngày mưa gió cũ”.

      Giời ạ…Ngay trang đầu: Thằng em nó…động não động tình như thế này đây:

      Năm 1958, ông Đồng là thủ tướng lâu đời nhất thế giới, ông ngồi lỳ ở chức vụ đến nỗi ông Giầu (Trần Văn Giầu) người ít làm mất lòng ai cũng phải mai mỉa: “Cái đít nó biết nhớ cái ghế”. Chuyện là ông đã công nhận chủ quyền Trung Quốc trên quần đảo Trương Sa và Hòang Sa bằng vào văn kiện ngày 14 tháng 9: “…sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc…”.

      Rõ ra văn bản trên thì cụ biết từ đời tám hóanh nào rồi. Thế nhưng thú thật hồi ấy cụ đọc mà chẳng…tận thu với 12 hải lý ven biển có là bao, trong khi Hòang Sa, Trường Sa nằm xa tít mù khơi. Cớ sự gì cái nhà ông thủ tướng rửng mỡ gửi cái văn thư thừa thãi đến ngớ ngẩn ấy. Nhưng qua mấy hàng dưới cụ mới thu vén được thêm:

       Theo công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển năm 1982, vùng xung quanh 12 hải lý là thuộc chủ quyền của nước đó, kể cả tài nguyên dưới đáy biển hay vùng trời phía trên. Cũng trong 12 hải lý này, có một hòn đảo, lại tích lũy thêm 12 hải lý nữa. Nếu trong vòng chủ quyền có một mỏm đá hay một mảng san hô nhô lên khỏi mặt biển, dù nhỏ đến đâu thì cũng có độc quyền khai thác tài nguyên một vùng biển 200 hải lý quanh đó. Nhờ bài viết của thằng em, cụ mới mò mẫm ra rằng có thể trong vòng 24 năm có những tranh chấp của các quốc gia liên đới: Như năm 1979, khi không Brunei nhận vơ sở hữu 2 mô đá bé tẻo teo cực nam Trường Sa thuộc trên thềm lục địa của nước họ. Hai mô đá này chỉ…nhú lên khi thủy triều…xuống. Nay cụ mới thông, những hòn đá nối tiếp nhau trồi lên khỏi mặt biển trong vùng chủ quyền của Tầu, Hòang Sa cách Hải Nam 67 hải lý và Đà Nẵng 63 hải lý thì đúng là mỡ để trước miệng mèo. Vì thế Tầu tuyên bố chủ quyền trước cả Liên Hiệp Quốc 24 năm ắt hẳn là có “sự cố”. Cụ giáo lật trang kế tụng tiếp:

      10 giờ sáng ngày 19 tháng 1 năm 1974  hải quân của chính phủ miền Nam khai hỏa vì Trung Quốc mang tầu chiến tới chiếm Hòang Sa. Về phía ta, ông đại tá trợ lý trưởng phái đòan quân sự bốn bên đang họp với họ trong Camp David ở Tân Sơn Nhất, tiếp cận Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đảo này với tổn thất bên miền Nam có 58 thủy binh hy sinh, chiến hạm HQ10 bị trúng đạn và chìm, hạm trưởng ở lại chết theo tầu. Là bộ đội chính quy, ông bị kích động qua bản tin trên nên mật mã điện về cho bạn ông trong bộ ngọai giao tham khảo có nên chính thức lên tiếng hỗ trợ tinh thần chính phủ miền Nam hay không? Ông được trả lời: “Các anh lớn đang hội ý. Anh đừng đột xuất tự biên tự diễn. Đợi…”. Mươi ngày sau ông nhận mật điện khác của bộ chính trị, lời lẽ khác hẳn:

“ Đồng chí có ngu thì cũng ngu vừa phải thôi còn để cho người khác ngu với chứ  ”.

       Trong Nhật Ký Trần Quỳnh, cựu tùy viên của ông Duẩn (tổng bí thư Lê Duẩn) kể lại:

       “Sau khi Trung quốc chiếm Hòang Sa, thủ tướng Phạm văn Đồng dẫn đầu một phái đòan sang Trung quốc xin viện trợ gồm có Nguyễn Duy Trinh và tôi. Phái đòan phải đi nhờ một máy bay của họ. Trung quốc đã dàn xếp để tờ Nhân Dân Nhật Báo ngày hôm đó đăng bài ca tụng chiến thắng Hòang Sa của họ và cố ý để tờ báo này trên máy bay cho phái đòan ta đọc. Hôm sau gần đến giờ hai bên gặp nhau, Chu Ân Lai thông báo cho phái đòan ta biết là ông ta hõan cuộc tiếp kiến một giờ đồng hồ và khuyến cáo phái đòan ta trong khi chờ đợi nên xem truyền hình…Trong một giờ để phái đòan ta ngồi chờ đó, truyền hình Trung Quốc chiếu cảnh một cô gái ngâm thơ ca tụng chiến thắng Hòang Sa của họ. Chương trình đặc biệt này được thực hiện không phải để cho gần một tỷ khán gỉa Trung Quốc mà chỉ để dành riêng cho gần chục người của phái đòan ta. Nhất là cho thủ tướng Phạm văn Đồng xem. Dù vậy, trong buổi họp chính thức với Trung Quốc chiều hôm đó, phái đòan ta không một ai dám đả động đến vấn đề này”.

       Ngừng lại một chút cụ đờ ra vì với Phạm văn Đồng cụ cũng ấm ớ. Ngòai một lần lúc tửu lạc vong bần, thằng em dông dài chuyện con ông thủ tướng đang điều động một dàn phòng không ở Nghệ An thì bị…“ăn” bom Mỹ bá thở mà tử vong. Nghe tin bạn học cùng khóa đốt nến làm lễ truy diệu. Sau 75 mới té ngửa người ra là…ông con đang du học ỏ Đông Đức. Ủa, gì nữa đây? Cụ chép miệng và niệm thêm cho rõ ngọn ngành:

      Năm 75, sau chiến cuộc chiến thắng miền Nam, về đối ngọai đã bộc lộ nhiều rạn nứt trong khối Cộng Sản vì Khrushchew chủ trương xét lại. Tháng 9 ông Duẩn và ông Nghị (Lê Thanh Nghị) lại sang Trung Quốc “xin” viện trợ. Trung Quốc sau khi kết thân được với Mỹ nên coi Nga Xô là kẻ thù số 1. Buổi tiếp tân Đặng Tiểu Bình khuyến cáo ông Duẩn nên đứng hẳn về phía họ. Trong phần đáp từ ông Duẩn đi giây bằng cách cám ơn cả hai nước đã giúp VN chống Mỹ. Kết quả là Đặng Tiểu Bình hủy bỏ cuộc liên hoan và từ chối thảo bản thông cáo chung. Chỉ tội nghiệp cho ông Nghị, trước đó đã bị Mao Trạch Đông nhiếc móc “Tên ăn mày, lúc nào cũng ngửa bát đòi xin thêm”.

       Bỗng cụ bẻ đốt ngón tay một cái…”cắc”, giờ cụ mới vỡ nhẽ rằng sấp giấy nó viết nào phải chuyện đầu cua tai nheo, rõ ra nó nấp bóng ông Lê Thanh Nghị. Không ai ngòai là ông bác họ bên vợ của nó. Cụ lại cắm đầu xem chuyện thời thế tạo…anh hùng:

       20-12-1976 ông Duẩn chính thức thay ông Hồ, từ bí thư thứ nhất cải danh là “tổng” bí thư, quyền hạn như “tổng thống” phía tư bản và nghiêng về phía Nga Xô. Năm 1977, ông Duẩn trở lại Trung Quốc một lần nữa và…xuống giọng với Hoa Quốc Phong: “Chúng tôi như những đứa em nhỏ, luôn luôn sát cánh bên những người anh”. Cuộc đàm phán mặc dù để nối lại bang giao và xin viện trợ, nhưng Trung Quốc chỉ muốn nói đến vùng biển Trường Sa, VN muốn thêm vào Hòang Sa. Hai bên thỏa thuận bằng cách không nhắc tới một địa phận đặc biệt nào, mỗi bên tùy tiện suy diễn theo cách riêng của mình. Cuối cùng vẫn chẳng đạt được kết quả gì, giống như kỳ trước lại về tay không.

       Đến đây, cụ nổi trôi với Hòang Sa bị chiếm vì người Mỹ lúc ấy rút ra, với chiến thuật tầm ăn dâu trước sau cũng đến Trường Sa như họ đã khơi ra ở trên. Nhưng vì sao phải đợi đến năm 1988?  Cụ lan man đọc tiếp thì hóa ra cớ sự gì cũng có đầu có đũa:

      1-11-1978 ông Duẩn, ông Đồng dẫn đầu phái đòan chính phủ sang Mạc Tư Khoa để cùng ký bản hiệp ước hợp tác và hữu nghị. Theo đó hai nước liên minh với nhau về kinh tế và quân sự. Điều 6 của hiệp ước này là nếu một trong hai nuớc bị tấn công, nước kia sẽ dùng biện pháp quân sự thích nghi để đối phó. VN cho Nga Xô sử dụng hải cảng Cam Ranh để đối đầu với hạm đội thứ 7 của Mỹ. Ngay cả có thể dùng Đà Nẵng làm đầu cầu quân sự mong kềm chế Trung Quốc tòan vùng nam Thái Bình Dương. Nga Xô mang vào Cam Ranh 25 chiến hạm kể cả tầu ngầm cùng 16 oanh tạc cơ Badger, một phi đội Mig 23 và phi cơ quan sát tầm xa. Về nước ông Duẩn làm hai việc cần kíp là dựng tượng Lê Nin hòanh tráng cao cả chục thước và sửa đổi hiến pháp với trang đầu có ghi “Trung Quốc là kẻ thù lâu đời và nguy hiểm nhất “. Trước kia ông Duẩn khúm núm làm đàn em họ Hoa không được thì chuyến này, cũng qua Nhật Ký Trần Quỳnh: “Nhờ cúi đầu rạp  xuống chào Brezhnev 2 lần, nên được viện trợ gần 2 tỷ rúp”.

       Năm 1982 Brezhnev chết, đánh dấu sự suy sụp tòan diện kinh tế theo cùng hai lãnh tụ kế tiếp qúa già và bệnh tật. Người kế vị là  Gorbachev phát động cởi mở với Mỹ, Trung Quốc và tái cấu trúc kinh tế. Nhân lúc Nga Xô đang lúng túng, Trung Cộng bắt đầu lấn áp với mộng bá quyền, ngày 28 tháng 4 năm 1964 họ đánh chiếm núi Faka, rồi tới Núi Đất mà họ gọi là núi Lão Sơn là của họ. Đồng thời từ năm 1982 tới năm 1985, Nga Xô đã suy sụp, Mỹ sửa sọan rút ra khỏi căn cứ quân sự ở Phi Luật Tân, đồng thời phối hợp giữa kinh tế và quân sự  ngòai lý do dầu hỏa, Trung Quốc tiến hành kế họach lâu dài trên mặt biển được gọi là “Viễn Dương Phòng Vệ” (Jinyang Funwu) do tư lệnh hải quân Lưu Hòa Thanh (Liu Huaquin) thiết lập. Trong đó giai đọan thứ nhất chiếm Trường Sa lập tuyến vòng đai ngăn chặn của Mỹ từ Đại Hàn xuống Phi Luật Tân, Đài Loan. Giai đọan thứ hai sẽ nới rộng tới Nhật Bản và Úc.

       Năm 1986 ông Duẩn bị bệnh nặng, ông Thọ (Lê Đức Thọ) là bạn thân, ông Thọ tới bệnh viện đòi ông Duẩn viết chúc thư để chức tổng bí thư cho ông ta nhưng ông Duẩn không chịu. Ông Thọ tìm chỗ dựa nên tìm ông Linh (Nguyễn văn Linh) nói: “Kỳ đại hội này tôi sẽ sắp xếp để cho đồng chí làm tổng bí thư ”. Theo cuốn “Làm Người Đã Khó, Làm Người Xã Hội Chủ Nghĩa Còn Khó Hơn“ của Đòan Duy Thành tiết lộ thì sau khi ông Duẩn chết, các con ông Duẩn biết ông Thọ nham hiểm và sợ sẽ bị thanh tóan nên phải bỏ trốn. Việc ông Duẩn không cất nhắc ông Thọ, cũng theo ông Thành, có thể chỉ vì chuyện bà Hồ thị Nghĩa, một bác sĩ, con của Hồ Viết Thắng. Bà vừa là người tình của ông Duẩn, cũng vừa là bác sĩ thăm nuôi ông ở bệnh viện. Ông Thọ tới đây thăm ông Duẩn lắm bận tìm cớ…“đụng chạm” với bà Nghĩa nên từ đó mới thành chuyện.

      Ớ…Cụ “ớ” lên một tiếng rằng chuyện đời không có lửa sao có khói, những lăng nhăng tình ái thì cụ đã biết thừa bứa. Như Lê Duẩn thấy bà Thụy Nga trẻ đẹp, mặc dù bà đang có người yêu. Nhân đi công tác Lê Duẩn gặp và nhờ Lê Đức Thọ lừa vào căn lều vắng để Lê Duẩn cưỡng hiếp khiến bà Nga phải chịu làm vợ ba. Ấy là chưa kể mấy ông duy vật như Phạm Hùng, Trần Đức Lương, ngay cả ông Lê Đức Thọ, ai nấy cũng năm thê bẩy thiếp. Mà tập ghi bút này tòan con số với ngày tháng năm, cần phải …bồi dưỡng những tình tiết sống động. Nên cụ tính đợi lát nữa thằng em về, cụ sẽ nhúm một tí lửa cho nó đốt với những chuyện tình…cực kỳ hơn cả cực kỳ của ông Giáp, ông Hồ.

       Sau đó, ông Linh bay qua Nga Xô nhận chỉ thị “Không đổi mới thì chết” của Gorbachev là bắt tay với tư bản và trước tiên là hòa hõan với Trung Quốc. Tháng 7-1987 ông Linh ra nghị quyết số 2 gồm hai đề mục: Mục 1 rút câu Trung Quốc là kẻ thù ra khỏi trang đầu của hiến pháp. Mục 2 là sau vụ núi Faka và Núi Đất, tránh đụng chạm với quân đội Trung Quốc ở vùng biên giới và ở ngòai biển Đông. Nghị quyết chưa khô mực , ngày 14 và 16 tháng 3 năm 1988, Trung Quốc chiếm nhóm đảo Fiery Cross tức Đá Chữ Thập ở Trường Sa, đánh chìm 2 tầu tuần duyên, 77 thủy thủ tử trận. Không quân VN cũng có tham dự, trong đó có viên trung úy nằm vùng Nguyễn Thành Trung nay là đại tá. Vì không đủ xăng, máy bay chỉ ở lại đó 1, 2 phút rồi bay về. Vậy mà không một phản ứng quốc tế nào, kể cả Nga Xô với điều 6 của bản thỏa ước liên minh quân sự với VN. Từ nhóm đảo này, Trung Quốc sẽ dần dần chiếm thêm những hòn đảo nhỏ khác. Để từ đó có thêm những vùng EEZ 200 hải lý chung quanh để thăm dò dầu hỏa…

       Đến đây trong cái đầu đầy…ấn tượng của cụ…phát hiện ra bài viết ngắn của một nhà văn ở phía bên kia, hiện đang tị nạn ở Mỹ. Lúc ấy chưa có chuyện sinh viên loe ngoe biểu tình chống đối Tầu về vụ Trường Sa. Tác giả nặng lòng với chuyện ta mất đất vì Tầu xưa cũ và luận rằng trong chiều dầy của lịch sử nước nhà chỉ có Mạc Đăng Dung dâng 5 ấp cho Tầu. Nhưng chỉ có tên suông chứ không đất. Rồi tác giả đi tìm danh sách 70 hải quân trên HQ505 tử trận trong trận hải chiến, nhờ bạn ông là đại sứ ở Mỹ gửi về nước để…tưởng niệm. Bài viết chỉ có vậy, nhưng lúc ấy với lối viết tối om om với chiến hạm HQ505, cụ cứ ngỡ những chiến sĩ tử trận ấy là của mình trong trận Hòang Sa và ngờ ngợ về con số thương vong. Nhưng nhờ thằng em nhắc đến ông trong phái đòan Bắc Việt gửi mật điện cho bạn ở phần đầu nên cụ mới rõ ra là 58. Mà cũng chẳng trách gì cụ, ngay cả ông nhà văn trên cũng chẳng…quán triệt với con số 77 hay 70.

       Và cụ lại bù đầu với Trường Sa còn đang rối rắm như cuộn chỉ rối của thằng em:

       25-4-1988, chính phủ VN đã dựa vào văn kiện của chính phủ miền Nam trước kia qua ngọai trưởng Trần văn Đỗ công bố chủ quyền đất nước tại Hội Nghị Hòa Bình Thế Giới ở San Francisco từ năm 1951. Trong kháng thư chính phủ VN ghi rõ: “Sau hội nghị, năm 1956 chính quyền Sài Gòn đã tiếp quản Hòang Sa và Trường Sa khi Pháp rút khỏi Đông Dương. Quần đảo Trường Sa có hơn 200 đảo, cồn đất, mỏm đá hay san hô, chính quyền miền Nam đã tiếp quản được hơn 30 đảo lớn nhất. Sắc luật hành chánh của chính phủ miền Nam đã đặt Hòang Sa trực thuộc tỉnh Quảng Nam và Trường Sa thuộc tỉnh Phước Tuy và cho binh lính hải quân cũng như truyền tin đóng ở đấy…”.

       Quan hệ giữa Mỹ-Nga mỗi ngày một thắm thiết nên Trung Quốc thấy cần phải dễ dãi hơn với VN hơn. Ngay trong ngày quốc khánh 2-9-1990 VN, họ mời ông Linh, ông Mười (thủ tướng Đỗ Mười) sang họp bí mật gấp chuyện thỏa hiệp giữa hai nước kèm theo lời khuyến cáo; “Các đồng chí đến đây không nước nào biết. Chúng tôi cảnh giác các đồng chí vấn đề này…”. Đặng Tiểu Bình cho mời cả ông Giáp và “cố vấn tối cao” của chính phủ là ông Đồng nữa. Tới Bắc Kinh, ông Giáp ngỏ ý muốn gặp Dương Đắc Chí, người chỉ huy trận chiến biên giới Việt-Hoa năm 1979 như một thiện chí hòa giải. Nhưng Dương Đắc Chí từ chối một cách khinh miệt, công khai nói là mồ của binh sĩ chết ở biên giới chưa xanh cỏ, ông ta không thể gặp được những người lật lọng. Người bị mất mặt nhất là ông Đồng, cũng chẳng dấu diếm, Đặng Tiểu Bình lánh mặt không muốn gặp ông ta, cũng không thèm gửi lời giải thích hay chào mừng, ngay cả bằng điện thọai. Lý do từ “bài học” dành cho VN năm 79 không thành công như ý muốn nên họ Đặng vẫn cay đắng, không nhiệt tình ủng hộ việc kết thân với VN. Hơn nữa với cuộc chiến ở biên giới ấy, VN còn chế diễu vóc dáng của Đặng Tiểu Bình bằng câu nói trong những buổi học tập nội bộ: “Chính trị Trung Quốc không cao hơn Đặng Tiểu Bình”.

       Trước khi đi ông “cố vấn” đồng tình với ông Linh với sự nhượng bộ tối đa. Cả phái đòan hùng hậu chỉ được thứ trưởng ngoại giao tiếp. Nhưng buổi họp ông Đồng chưa kịp lên tiếng thì đã bị họ chỉ trích rằng năm 1958, ông Đồng đã công nhận chủ quyền của họ trên quần đảo đó sao nay lại tiếp quản mấy hòn đảo…”nhỏ” ở Trường Sa? Ông Đồng trả lời gượng gạo và chung cuộc thì chẳng đạt được gì khả quan. Về lại bộ chính trị, ông Linh và ông Đồng cãi nhau và ông Linh đổ lỗi cho ông Đồng chính là người ký văn kiện 1958 chấp nhận biên giới lãnh hải của Trung Quốc, ông Đồng bào chữa: “Lúc đó thời chiến tranh nên tôi phải nói thế”. Và thú nhận là: “ Mình hớ và dại ”.

         Cụ thầm nhủ rằng chuyện…chính trị chính em gì mà cứ như đùa ấy? Vì “Các đồng chí đến đây không nước nào biết”.  Ấy vậy mà khi phái đòan về, còn đang ngồi trên máy bay thì “Chính trị Trung Quốc không cao hơn Đặng Tiểu Bình” đã tung tin phái đòan sang cầu cạnh làm mất mặt…môi hở răng lạnh. Cụ lắc đầu chịu và hiểu không ra? Rồi khi không cụ hòai cảm đến vua Lê Chiêu Thống sang Tầu cầu viện. Vua Tầu bắt vua ta đợi từ giờ ngọ đến giờ dậu. Mồ cha không khóc lại khóc cái ổ mối, cụ…hòai cảm ông Giáp, ông Đồng…ngồi đồng có được họ chiêu đãi cao lương mỹ vị như tổng thống Nít-Xân chăng? Hay là bị bỏ đói như vua Lê mình thì khốn khổ. Cụ ngậm ngùi nhai tiếp:

       Năm sau ông Mười lên làm tổng bí thư, 15-2-1992 Trung Quốc công bố luật hàng hải của họ bao gồm gần hết biển Đông và đe dọa: “Sẽ dùng quân sự để ngăn chặn những vi phạm chủ quyền của Trung Quốc”. Cùng với lời công bố, cũng như để dằn mặt, họ cho quân chiếm đảo Ba Đầu trong quần đảo Trường Sa. Xong, họ chẳng cần bóng gió nữa, chính thức mạnh mẽ cảnh cáo VN là: “Không nên làm điều gì gây phương hại cho tình hữu nghị mới tái lập”. Ba tháng sau ông Mười sang gặp Giang Trạch Dân tại tòa Nhân Dân Đại Sảnh ở Bắc Kinh. Cũng ngay thời gian đó, lại ngay ở phòng bên cạnh, họ đang ký kết với hãng thầu Crestone của Mỹ khai thác dầu hỏa trong vùng đảo Tu Chính, nơi hai nước đang tranh chấp. Ông Mười không có phản ứng nào về việc này. Trái lại vì “Nhìn nét mặt anh Hai Trung Quốc ”, vì “Mặt trời ở xa, Trung Quốc ở gần” nên vẫn thành khẩn cám ơn họ về “…những giúp đỡ quý báu ” trước kia.

      27-5-1992, Trung Quốc cắm mốc chủ quyền đảo Đa Lạc trong quần đảo Trường Sa thuộc nước họ. Hành động lấn át của Trung Quốc gây cuộc tranh luận gắt gao trong bộ ngọai giao, ông Mười lập luận: “Vì Trung Quốc cũng là nước xã hội chủ nghĩa, chúng ta cần phải liên kết với họ, nên bỏ qua những xích mích nhỏ nhặt”. Ông Cầm (bộ trưởng ngọai giao Nguyễn Mạnh Cầm) phản đối: “Chúng ta nỗ lực duy trì quan hệ với Trung Quốc. Nhưng đồng thời cũng phải bảo vệ chủ quyền và tòan vẹn của lãnh thổ ”.

      1997 ông Phiêu (Lê Khả Phiêu) thay ông Mười, lại thêm một lần bị Trung Quốc vỗ mặt…Họ đem dàn khoan nổi Kantan cùng hai tầu thăm dò 206 và 208 kéo tới Trường Sa và thành lập trung tâm du lịch trên đảo Đông Hưng ở Hòang Sa. VN phản đối bằng miệng nhưng vô hiệu. Thế nhưng cuộc thương thuyết về biên giới và mặt biển đã được ông Phiêu sọan thảo từ lúc nhậm chức, và không tham khảo với bộ ngọai giao. Đầu tháng 12 năm 1999 thỏa ước này thành hình, bộ ngọai giao đành miễn cưỡng ký kết tại Hà Nội. Cho đến nay, chính phủ VN không dám công bố công khai, quốc hội mang tiếng là đã thông qua thỏa ước đó, nhưng hầu hết chẳng ai được biết nội dung thỏa ước ấy, ngay cả bản đồ biên giới hai nước vẫn còn che dấu. Thỏa ước được hòan tất nhờ những nhượng bộ của ông Phiêu. Vì ông hứa với Giang Trạch Dân sẽ giải quyết vấn đề biên giới trước năm 2000 và mặt biển vào năm 2001. Về biên giới bao gồm 314 cột mốc có 142 cột lấn sâu vào lãnh thổ VN. Còn mặt biển tính theo đường ranh giới Brevié cũ của hiệp ước Pháp-Hoa năm 1887 thì ở vịnh Bắc Việt mất đi hơn 10 ngàn cây số…

       Liền ngay sau đó ông Trần Khuê bị bắt vì phổ biến điện thư trên mạng gửi Giang Trạch Dân để phản đối thỏa ước này. Tiếp là luật sư Lê Chí Quang với bài tham luận Cảnh Giác Trung Quốc và tiết lộ chi tiết việc nhường đất và biển. Rồi đến Nguyễn Vũ Bình bị gán tội gián điệp với bài viết Suy Nghĩ Về Thỏa Ước Việt-Trung. Riêng Bùi Minh Quốc lặn lội tới tận ải Nam Quan xem có đúng là cột mốc có bị rời 100 thước hay không thì hóa ra không phải vậy mà thực sự bị rời xuống tới 500 thước. Và cũng bị bắt luôn. Đại tá Lê Minh Nghĩa, chủ tịch ủy ban biên giới của VN, phụ trách đàm phán với Trung Quốc tiết lộ: “Sau thế chiến thứ II, Trung Quốc luôn luôn muốn bành trướng lãnh thổ của họ. Họ từng bước thực thi chiến lược lấn đất của họ, trừ khi có cuộc đề kháng của ta…”. Ông chưng ra thác Bản Giốc hòan tòan thuộc VN, theo sách Địa Chí Cao Bằng mà nhà xuất bản Chính Trị Quốc Gia năm “2000” ghi rõ thuộc Đàm Thúy, huyện Trùng Khánh. Nhưng đã bị Trung Quốc sát nhập vào đất họ từ năm 1979. Trình về trung ương, ông Phiêu phủi tay: “Chuyện cũ rồi. Mà những gì bộ chính trị đúc kết đúng là đúng”.

      Ông Phiêu có ba cái nhất là lệ thuộc vào Trung Quốc nhất. Nhượng đất đai và mặt biển cho Trung Quốc nhiều nhất. Tổng bí thư cũng ngắn nhất, chỉ có hơn 3 năm. Ông Phiêu bị mang ra bộ chính trị kiểm điểm và bị hạ bệ vì ngòai chuyện cất chức cố vấn của ông Mười, ông Anh, lại còn đặt máy điện thọai nghe lén 2 ông này. Nhân báo Tiền Phong, tháng 2 năm 1991, cục A25 của công an chuyên ngành báo chí bắt được gián điệp cho Trung Quốc là Phạm văn Dũng và…hai nữ đồng bọn. Ngay sau đó ông Mười đã cho phổ biến một bản báo cáo ông Phiêu có tình nhân là Đặng Diệu Hà, con ông Đặng Kính, một đảng viên lão thành. Hoa hái cả cụm, nay đang giao du thân mật với cô em tên Đặng thị Thu Hà và bạn cô này Vũ thị Dung. Cả hai vừa bị bắt vì hoạt động cho…”ngọai quốc”. Xong chuyện, ông Mười xoa tay hoan hỉ: “Nó đá tao, tao đá nó”.

       Lại thêm một chuyện lăng nhăng với không có lửa sao có khói. Thằng em vẫn chưa về để cụ đốt thêm rơm như cụ đã tính hồi nãy vì mấy đỉnh cao trí tuệ cũng hủ hóa gớm. Nhất là gia đình Võ Nguyên Giáp, ông bị tố cáo tằng tịu với nhà văn Đào Vũ khi bà này đến nhà dậy dương cầm cho con gái. Phạm huy Thông, dậy sử bạn của ông, thông dâm với vợ của chính ông tướng là con gái của Đặng Thái Mai, một dạo người Hà Nội có bài vè “Một tay bóp méo sử nhà – Một tay nắn bóp lệnh bà tướng quân”. Đặng Thái Mai lấy vợ của triết gia Trần Đức Thảo khi ông này đang trong thời kỳ bị…cách ly với đảng.   

       Riêng ông Hồ, với thư tịch làm chứng từ của Duiker: Ông Hồ ở Hồng Kông làm đơn gửi Noules, đại diện Quốc Tế Cộng Sản xin phép được cưới Nguyễn thị Minh Khai, đơn đang được cứu xét thì bà này bị bắt, sau bà bỏ ông Hồ lấy Lê Hồng Phong. Còn theo tư liệu của bà Shophia Q. Judge tra cứu trong văn khố của đảng Cộng Sản Nga: Ông Hồ cưới bà Nguyễn thị Minh Khai ở Mạc Tư Khoa với tên là “Lin” trong giấy hôn thú, nhân chứng là Lê Hồng Phong và 3 người Việt đang tham dự Quốc Tế Cộng Sản năm 1934. Trong đám cưới này, bà Minh Khai gặp Lê Hồng Phong, sau bà bỏ ông Hồ lấy ông Phong. Báo Tuổi trẻ đăng bài của ký giả Kiến Phước cho biết ông Hồ gửi thư ký tên Lý Thụy cho bà vợ Tầu cùng hình ảnh đính kèm là bà Tăng Tuyết Minh. Dựa theo Hòang Thanh, viện trưởng Viện Khoa Học Quảng Tây, đám cưới vào tháng 10-1926.

       Sau hiệp định Genève, để giải quyết chuyện sinh lý cho ông Hồ, bộ chính trị giới thiệu cho ông ta bà Nông thị Xuân. Bà Xuân về cư ngụ tại căn gác số 66 Hàng Bông Nhuộm, bên dưới căn gác là gia đình ông Nguyễn Quý Kiên, chánh văn phòng phủ thủ tướng Phạm văn Đồng. Ông Hồ vẫn lén lút hằng đêm mò tới căn gác ấy. Nhưng sau vì bà muốn chính thức hóa chuyện chồng con. Bộ chính trị muốn giữ tiếng tinh khiết cho ông Hồ nên đã cho bộ trưởng công an là Trần Quốc Hòan thủ tiêu bà này. Mặc dù bà đã có con với ông Hồ là Nguyễn Tất Trung. Sau người con trai lần lượt được nuôi nấng bởi Chu văn Tấn, Nguyễn Lương Bằng và Vũ Kỳ. Người mang xe đón bà Xuân để mang đi giết tên Trần Đăng Ninh, là người thân tín của Nguyễn Tôn Hòan, sau được cất nhắc lên làm phó chủ nhiệm ủy ban thể thao VN. Theo nhật ký của ông này thì đúng cái đêm ấy, Nguyễn Tôn Hòan đã hiếp bà Xuân trong khi ông ta phải đứng ngòai cửa canh gác.

        Tháng 9 năm 1990, thời của Nguyễn Văn Linh, VN được mời tham dự Á Vận Hội Bắc Kinh bằng xe lửa. Người Tầu cho người ăn cắp tài liệu về an ninh của phái đòan và cuốn nhật ký của ông Ninh. Người Tầu làm gì cũng tính tóan với chuyện ông Hồ được tung ra với một dụng ý nào đó. Đồng thời người phụ trách an ninh cho phái đòan thể thao lúc ấy là Khổng Minh Du, sau trở thành cục trưởng cục A25. Mà cục này là công cụ của những tổng bí thư đương quyền với báo chí là phương tiện để hại nhau vơi những tin tức: Lê Khả Phiêu trúng mỹ nhân kế của tổng cục 2 Trung Quốc. Lê Duẩn ba vợ lạm dụng quyền thế. Võ Nguyên Giáp hèn. Lê Đức Thọ hiểm độc. Võ văn Kiệt tham nhũng.

       Từ những con rơi con rớt của ông Hồ trên, để có sự cố Nguyễn Tất Trung lấy họ mẹ tức Nông Đức Mạnh. Vừa lên cầm đầu cả nước, ông Mạnh được hỏi về chuyện này, ông lấp lửng: “Ai chẳng là…con Bác”. Thêm tin đồn Nguyễn Tấn Dũng là con rơi của tướng Nguyễn Chí Thanh, với chuyện có lớp lang bài bản là: Chính ông Anh, qua Khổng Minh Du tung tin ông Hồ có con rơi là ông Mạnh làm tổng bí thư thì phải để cho ông Dũng, con rơi của tướng Thanh cùng phe cánh mình trước kia lên làm thủ tướng.

       Cụ lại cắm đầu niệm tập bút ghi của thằng em, mắt cụ trắng dã ra với những móc xích nối kết với nhau qua đám con rơi con rớt như truyện thần kỳ:

       Nhiệm kỳ ông Mạnh làm tổng bí thư, ông Dũng làm thủ tướng, như thông lệ giống mấy lần trước ông Mạnh qua thăm Trung Quốc để nhận khuyến cáo và cũng để họ mượn dịp biểu dương thực tế. Và ông Mạnh gọi đó là “Một chuyến đi lịch sử”, chuyện lịch sử là sau khi phê chuẩn hiệp ước phân định vịnh Bắc Bộ Việt ngày 15-4-2004. Ngày 19 tháng 11, Trung Quốc biểu dương thực tế bằng cách dùng tầu Nam Hải lại kéo dàn khoan nổi Kantan 3 đến vùng biển tranh chấp. Tệ hơn nữa, khi ông Dũng đang tham luận với Võ Đại Vỹ về biên giới biển trong hai ngày 27 và 28 tháng 12 cùng năm, họ loan báo trên đài phát thanh bắt giữ 9 tầu đánh cá và 80 ngư phủ VN. Hai tuần sau, đài BBc loan tin trong đêm 9-1-2005, tầu tuần họ bắn chết 8 ngư phủ. Báo Thanh Niên và Tuổi Trẻ tường thuật là: “Tầu lạ mang cờ nước ngòai”. Ngày 3-7-2007, ông Dũng họp với Ôn Gia Bảo về vành đai bờ biển dọc theo vịnh Bắc Việt, một tầu đánh cá VN bị hải quân Trung Quốc bắn chết một ngư dân và làm bị thương nhiều người khác. Họp xong, chính phủ VN ra thông cáo lời lẽ rất mơ hồ: “Nhất trí nghiêm chỉnh nhận thức chung, xử lý thỏa đáng trên biển, gìn giữ ổn định biển Đông ở cấp cao hai nước”.

       Cụ nhăn mặt với những..quan chức cầm đầu cả nước gì mà “nhất trí” ít học, thiếu cơ sở văn hóa với “xử lý”, “cấp cao” như vậy, thì thằng em đã bới bèo tìm bọ tiếp:

       Những người chủ trương nhượng bộ để cầu hòa, mong giữ vững chế độ và quyền lực của phe nhóm và ngay cả quyền lợi của chính họ là ông Linh, ông Anh, ông Mười và ông Phiêu. Hai nước chính thức quan hệ ngọai giao khi ông Mười và ông Kiệt sang Trung Quốc vào tháng 11-1991. Theo thời gian, với kinh tế dính liền với quân sự, Trung Quốc đã thay đổi vì dân số tăng gia, họ nhìn biển Đông như một nguồn dầu hỏa khổng lồ mà theo họ gọi là “Vùng không gian sinh tồn mới”. Vì vậy mỗi lần có tranh chấp, phái đòan VN lại bối rối khi Trung Quốc trưng ra văn kiện ký năm 1956 của ông Đồng. Họ còn bươi móc sách địa lý in năm 1972 của VN có ghi hải đảo Hòag Sa thuộc Trung Quốc. Họ còn chất vấn, năm 74 khi Trung Quốc…thu hồi đất cũ là Hòang Sa, chính phủ VN không có một lời phản đối. Vì đất cũ này, họ đưa ra luận cứ rất vu vơ và không có căn bản là họ khám phá ra từ đời nhà Hán, người Hoa đến Hòang Sa từ đời nhà Tùy.

       Sau khi họ đánh Trường Sa vào năm 1988, bộ ngọai giao khuyến nghị chính phủ “Mặc dù Trung Quốc là nước xã hội chủ nghĩa nhưng họ chỉ nghĩ đến quyền lợi của họ”. Nhờ tiếp thu rộng rãi với nước ngòai tân tiến, cũng ngay sau năm 1988, ông bộ trưởng ngọai giao Nguyễn Cơ Thạch đã đề xuất với bộ chính trị chính sách ngọai giao mới là “phá thế bao vây”  với lời lẽ: “Chúng ta chẳng thể giữ mãi suy nghĩ của 40 năm trước, là chỉ có phe xã hội chủ nghĩa mới quyết định sự phát triển của lòai người. Mà chúng ta không nên phủ nhận thành tựu của phe tư bản trong 200 năm vừa qua”. Do một số nhà ngọai giao tiết lộ vì bất mãn với bộ chính trị “…lúc nào cũng phải nhìn theo nét mặt của anh hai Trung Quốc…”, trong văn kiện đáp lại qua cuộc tranh chấp vừa rồi, ông Thạch công nhận có lá thư của ông Đồng nhưng lập luận: “Trong bối cảnh lịch sử cuộc chiến đấu và ngăn chặn Mỹ sử dụng hai quần đảo trên biển Đông. Lời tuyên bố của nhà lãnh đạo chúng tôi với qúy quốc trước kia là cần thiết. Điều đó không liên quan gì đến nền tảng pháp lý và lịch sử về chủ quyền của VN trên hai quần đảo Trường Sa và Hòang Sa”. Và cũng đưa ra luận chứng của Odgaard: “Việc khám phá ra một hòn đảo thật ra không có nghĩa là có chủ quyền ở đảo đó. Trung Hoa không có một họat động hành chánh, quân sự hay bất cứ điều gì khác trên vùng đảo Trường Sa trước năm 1988”.

       Để trả lời đất cũ của họ từ đời nhà Hán, nhà Tùy, phát ngôn viên bộ ngọai giao đưa ra chứng tích cùng cổ vật qua báo Sài Gòn Giải Phóng. Báo này đăng một bài biên khảo của Hà văn Tấn, viện trưởng Viện Khảo Cổ viết là đã đào được những di tích di chỉ đồ sứ của VN từ thế kỷ 13 ở các đảo Nam Nết, Song Từ Tây, Sơn Ca, Sinh Tồn Lớn, Pha Vinh, An Bang để chứng minh chủ quyền lâu đời của VN trong vùng Trường Sa. Trung Quốc phản đối thì trống đánh xuôi kèn thổi ngược, lấn lướt qua bộ ngọai giao, đối đầu với Trung Quốc thì bộ chính trị đổ lỗi là: “Chỉ là tin tức của báo địa phương”.                                                         

***

        Cho đến ngày về, trên đường ra phi trường, ngồi không cụ ôn lại tập bút ghi, chuyện biên giới biển lên xuống như nước thủy triều, Trường Sa đang lăn tăn gợn sóng. Tới đường Trần Hưng Đạo, cụ chợt nhớ tới câu nói của người đàm phán về đất đai: “Trung Quốc luôn luôn muốn bành trướng lãnh thổ của họ”. Rồi quẹo ở phố Lê Lợi, cụ bắt kịp câu tiếp: “Họ từng bước thực thi chiến lược lấn đất của họ “. Nhòm thấy tòa đại sứ Trung Quốc, cụ chạnh lòng nhớ câu tiếp: “Trừ khi có cuộc đề kháng của ta”. Xe rẽ trái đường Quang Trung, cụ lại bắt gặp mấy con bò vàng, mặt mũi vẫn…hơi bị căng với Hòang Sa, Trường Sa. Ấy vậy mà thằng em vẫn chẳng thấy tăm hơi, bỗng cụ chột dạ với câu của nó: “Đến giờ phải đi gặp mấy thằng em…”. Cụ ngờ ngợ hiểu ra ngọn ngành, bụng cụ nhói lên một cái như bị thốn: Hay là thằng em bị nhúm rồi cũng nên.

      Qua những con đường vừa rồi cùng những tên tuổi bóng dáng của tiền nhân, chẳng qua là trong cụ đang đa mang tới ông Trần Mạnh Hảo làm thơ có cái tựa đề “Vì biểu tình phản kháng Tầu chiếm đất của Ta mà bị bỏ tù”. Cùng thi tứ, ông ấy giải luận ra rằng nếu cứ như vua Quang Trung, vua Lê Lợi, danh tướng Trần Hưng Đạo có sống dậy cùng dân chống Tầu xâm lăng thì cũng bị bắt chứ họ chẳng kiêng nể trời cao đất dầy gì.

       Vừa lúc xe đậu ở trước cổng phi trường Nội Bài người đông như buổi tan tầm. Mắt dáo dác qua cửa kính xe, cụ lóng ngóng mong bắt gặp bóng dáng của thằng em….

      Nhưng cụ chỉ thấy dăm cái nón cối, mấy con bò vàng đang chụm đầu vào nhau.

       Phí Ngọc Hùng

      Nguồn tài liệu: Sau Bức Màn Đỏ của Hoàng Dung

Bài Mới Nhất
Search