T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Captovan: NHỮNG BẢN “TIỀN” CA KHÔNG TÊN.

 

clip_image002

 

Trần Lê Nguyễn cầm cái thư vuông-vuông màu hồng-hồng dầy cộm có in hình 2 con chim bồ câu bú mồm (nói theo ngôn ngữ XHCN) mà lòng phân vân ngán ngẩm, đây là cái thư thứ tư trong tháng. Nội dung thì biết rồi, tên người nhận thì đúng là của Trần, không thể nào có sự trùng hợp cả tên lẫn số nhà được, nhưng quý danh người gửi thì hoàn toàn xa lạ, hay người gửi thư là bạn của bà xã? Có thể lắm chứ, trong quá khứ đã đôi ba lần vợ chuyển thư mời đám cưới cho chàng rồi. Thấy vợ đang lui cui trong bếp, Trần cầm thư đến gần bên vợ, tần ngần đôi phút rồi niềm nở thăm hỏi:

_ Hôm nay em nấu nướng món gì mà thơm thế?

_ Nào có nấu nướng cái gì đâu, hổm rầy táo bón quá nên luộc mớ rau muống.. Nhưng mọi khi em “nấu nướng”, chiên mỡ, mùi thơm bay qua khiến ông hàng xóm cũng phải khen nức nở, ôngt ta lại còn đòi xin em cho ông ấy nếm một tí tóp mỡ, còn anh thì tỉnh bơ, ngốn như hùm đổ đó mà không bao giờ lên tiếng khen một câu, sao bỗng dưng hôm nay anh lại khen em .. thơm trong khi em chỉ luộc rau muống? Muốn gì thì nói đi, mỗi khi nghe anh khen là có chuyện vòi gì đây, em biết tâm lý anh quá mà.

Bị lật tẩy, Trần bèn cười cầu tài rồi đưa cái thư màu hồng cho vợ:

_ Người gửi thư này có phải là bạn của em phải không?

_ Thư nào của em? Em không có quen ai cả. Đừng có ghen tầm bậy à nha.

_ Không phải anh ghen, mà muốn hỏi xem em có quen người gửi thư này không ấy mà.

Vợ hững hờ tay cầm cái thư, tay cầm đũa gắp-gắp, bấm cái cộng rau muống thò ra ngoài.. xem nó đã mềm chưa, nhìn tên người gửi ngoài bì thư, đăm chiêu suy nghĩ rồi nàng cười tình với chồng:

_ À à, đây là thiệp đám cưới chứ thư từ gì, thiệp của chị Lan, em mới quen chị ấy trong SPA, bữa trước thấy chị ấy hỏi địa chỉ, em tưởng là là .. ai ngờ! Mà họ có quý mình thì họ mới mời.

_ Thế là khổ anh rồi, anh còn 3 cái thiệp chưa trả lời, toàn là chỗ quen biết cả, mà 2 trong 3 cái thiệp mời này là bạn thân sơ-sơ của em, nay lại thêm một cái nữa của người mới quen thì anh biết tính sao đây? Vả lại, đám này trùng một ngày với đám cưới của con chị Cúc, hay là em “ken-sồ” hoặc em “thếch-khe” cái thiệp của chị Lan này dùm anh nhá.

_ Ông nói cái gì? Tui đi dự biết bao nhiêu đám cưới của .. ông, nay chỉ một lần đám cưới của .. tui mà ông đòi “ken-sồ”, sao ông bất công thế, sao ông v.v..?

Đang dịu dàng xưng hô anh-em, bỗng nàng đổi sang vai bà “quản giáo”, đổi sang tông “ông-tui” là Trần biết nàng giận lắm rồi, giận cành hông chứ chằng phải chơi, Trần vội vàng thay đổi chiến thuật khôi hài:

_ Không phải em đi dự đám cưới của ..anh, mà là của con các bạn anh, và đám này cũng không phải đám cưới của em, mà là đám cưới của con các bạn của em. Ý anh muốn nói rằng anh đi đàng anh, em đi (đám cưới) đàng em, tình nghĩa đôi ta .. vẫn thế thôi”

_ Anh thì lúc nào cũng cà .! Thôi được, để em chi phụ với anh đám này”.

Cà-rỡn hay cà-chớn không thành vấn đề, miễn sao bà ấy phụ chi cho một đám, bả chịu đi đám cưới này một mình là Trần vui rồi. Thứ nhất “không gì quý hơn tự do”, nói nhỏ chỗ này thôi, đi đám cưới một mình thì được liếc ngang liếc dọc, uống thoải mái dù không có bà lái. Thứ hai là bà ấy yểm trợ, chi giúp một khoản tiền mừng, chứ với đồng lương hưu èo ọt này mà Trần bao dàn một tháng bốn lần “trăm năm hạnh phúc” thì bấn …xúc-xích, chỉ có thác.

Gia đình Trần vào Mỹ theo diện HO, (cái diện mà tên nhô Hồ-nhi nhô gọi là thành phần phế thải), nên cả hai vợ chồng Trần cùng phải đi cày hùng-hục ngay. Đàn bà vốn dĩ đảm đang khéo xoay sở nên nguồn thu nhập của vợ đủ trang trải tiền nhà, tiền xe, tiền bảo hiểm v.v.. nghĩa là tất cả những khoản tiền có tên, còn Trần, với sở trường và kinh nghiệm chỉ ở ngón tay trỏ bóp.. cò, nay ngón ấy thất nghiệp nên Trần đi làm “thợ đụng*”, đụng đâu làm đó (*tên một cuốn truyện của nhà văn nhà thơ kiêm ca sĩ Phạm Kim Khôi).

Ai đã từng lê gót đi làm thợ đụng, đụng đâu làm đó thì biết thu nhập của nghề này cũng khá cao, cao bằng lương “công chức*” trên 65 tuổi (*lãnh tiền già của chính phủ thì là công chức rồi). Với tiền lương bấp bênh như vậy nên Trần chịu trách nhiệm tất cả những khoản chi lặt vặt vớ vẩn, những việc đến bất ngờ như quan, hôn, tang, tế, đầy tháng, thôi nôi, sinh nhật, thượng thọ, hấp hôn, tiệc gây quỹ, cứu trợ, cúng dường, cúng nhà thờ v.v.., ngoài ra cỏn có bổn phận góp tí tiền còm cho mấy tờ báo lính, thí dụ như tờ đặc san Đa Hiệu, đặc san TQLC, đặc san BĐQ, đây là những tờ báo lính không thể thiếu. Không ai bắt mình đóng cả, nhưng “ngừơi có công kẻ có của” cùng nhau hợp tác mà thực hiện thì mới có báo đọc. Chúng ta cần có những sách này để “gối đầu” hầu không quên dĩ vãng, vì thế đóng góp là lẽ công bằng. Nói tóm lại, toàn là những khoản tiền không tên.

Nhiệm vụ đã phân công rõ ràng, việc của ai người nấy lo, Trần đành chấp nhận lời ăn lỗ chịu, tháng nào ít thơ mời, không nhận thiệp cưới thì đủng đỉnh đồng ra đồng vào, café cà-fáo, tháng nào tiệc tùng nhiều thì thiếu chút đỉnh. Nhưng từ ngày về hưu, nhất là thời buổi kinh tế khó khăn, mọi vật giá đều tăng thì lương “công chức” không theo kịp những dịp nhiều hội hè đình đám, nhất là đám cưới khiến Trần hụt hơi.

Trước kia, dù không có luật nào ấn định số tiền mừng cho một đám cưới là bao nhiêu, nhưng thông thường trong giới bạn bè, không nợ nần gian díu ân oán giang hồ.. nếu đi dự cả hai vợ chồng thì mang theo một con bò, còn đơn thân độc mã thì năm-mươi. Chuyện đó xưa rồi, nay mà cặp kè nhau đi dự thì giá chót cũng bò rưỡi, còn giới độc thân tại chỗ thì liệu cơm mà gắp mắm, nếu rủng rỉnh thì $100, bần hàn thì ít ra cũng 3 tờ 20.

Với những ai có của ăn của để thì việc đi dự tiệc cưới cũng là dự tiệc cười, “cười lên cho hột xoàn sáng chói”, chi bi nhiêu thì bi không thành vấn đề, đó lại còn là dịp mang niềm vui quý kim riêng đến “chung vui” để vui chung. Nhưng với đám HO chúng tôi thì khác, chúng tôi là những trâu chậm uống nước đục, anh HO nào vừa bước chân tới Mỹ mà đi cày ngay, dù với công việc gì đi nữa, khi về hưu thì tiền hưu không hơn tiền “già”, nên chi những việc không đáng chi cũng cần suy nghĩ kẻo chi rồi thì chẳng còn chi. Một tháng tham dự ba lần “trăm năm hạnh phúc” là hết nửa tháng lương hưu! Nhưng nào chỉ tham dự những tiệc cưới không thôi, mà còn cần phải tham gia và đóng góp với các hội đoàn khác nữa chứ

Là dân HO nên các anh thường là thành viên của hội cựu tù nhân CS như hội cựu tù Thanh Cẩm, cựu tù Bình Điển, Yên Bái, Hoàng Liên Sơn, Cổng Trời, Vĩnh Phú v.v Là HO thì dĩ nhiên sẽ là hội viên hội quân trường như Đồng Đế, Thủ Đức, Võ Bị, CTCT, KQ, HQ v.v. Trong quân trường ấy còn có hội của khóa, thí dụ như Khóa 12 Thủ Đức, Khóa 3 Đồng Đế hay khóa 19/Võ Bị v.v..chưa kể “đồng khóa nhưng khác chìa”. Ngoài ra còn một hội quan trọng nhất đối với HO, với các cựu quân nhân là hội đơn vị cũ. Không thể vắng mặt ở nơi này được vì đó là hội các đơn vị gốc mà họ từng phục vụ và chiến đấu sống chết bên nhau, ngày xưa và ngày nay họ vẫn còn tôn tri trật tự và xem nhau như anh em một nhà nên ngoài chữ hội, họ còn danh xưng là gia đình BĐQ, gia đình TQLC, gia đình Mũ Đỏ v.v..

Ngoài hội các quân trường, binh chủng, các trại tù, dân HO còn có hội các trường trung tiểu học, hội đồng hương. Ôi thôi nhiều quá kể sao cho hết! Thôi thì trở về trường hợp của Trần, xét qua lý lịch xem sinh hoạt hội hè như thế nào.

Trần quê quán Kiến An Hải Phòng, di cư vào Nam, học trường trung học Petrus Ký, đầu quân vào Khóa XY trường Võ Bị, tình nguyện về Binh Chủng YX, đi tù CS qua các trại Yên Bái, Hoàng Liên Sơn, Vĩnh Quang, Z30 A Xuân Lộc, qua Mỹ theo diện HOx, định cư tại Nam CA. Xét qua lý lịch “trích ngang” như trên thì Trần sẽ tham gia sinh hoạt và đóng góp với ít nhất là 9 hội đoàn.

Tham gia sinh hoạt với các hội kể trên là hoàn toàn tự nguyện, không ai và không có lý do gì bắt buộc cả. Nhưng với giới HO thì tham gia sinh hoạt là điều cần thiết, là góp sức như xây dựng một đại gia đình, một cộng đồng người Việt ở hải ngoại và mang lại nhiều lợi ích về tinh thần cho bản nhân.

HO đến với hội cựu tù nhân để nhớ lại những ngày “lao động là vinh quang”, nhớ tới bài học “với sức người sỏi đá cũng thành cơm”, nhớ tới những hang cùng, cốc kiệt trong vùng rừng núi Thượng Du, để nhắc nhở cho nhau “chúng mình, thành phần HO, mãi mãi vẫn là những cựu tù CSVN”, và cựu tù CS thì phải làm gì để duy trì và phát huy tinh thần chống Cộng chứ đừng như những “người hùng”, gót chân còn dính sình đạp đất làm gạch ở trại tù Yên Bái, vai chưa lành vết chai đá vì bị kéo cày thay trâu ở Vĩnh Quang, răng còn dính nhựa lá sắn, lỗ tai còn văng vẳng những lời “dạy” mất dạy của cai tù mà họ đã vội vàng quăng cái áo vá trăm mảnh để xúng xính “áo gấm về làng”, dấm-duí dấu-diếm vợ già hải ngoại để về XHCN gặm cỏ non, dù cỏ non chế bằng nylon, plastic.

Các HO đến với các hội Mũ Xanh, Mũ Đỏ, Mũ Nâu, các hội cựu quân nhân là để nhớ lại “đơn vị cũ, chiến trường xưa”, để điểm danh xem đồng đội và cấp chỉ huy ai còn ai mất, ai đang chuẩn bị xung phong chiếm mục tiêu cuối cùng trên đồi, và nhất là tiếp tục nêu cao màu cờ sắc áo, tiếp tục chiến đấu thay cho các đồng đội đã hy sinh. HO đến sinh hoạt với các hội đoàn là để liên kết lại thành một cộng đồng chống Cộng ở hải ngoại làm hậu phương vững mạnh yểm trợ các “chiến sĩ ngoài tiền tuyến” trong nước và nhất là nêu gương sáng và hướng dẫn cho thế hệ sau biết chúng là ai, từ đâu đến tỵ nạn CS trên đất Hoa Kỳ này để “tiếp bước cha ông” kẻo một mai lại có những “con cá ươn” đem cờ đỏ và tượng Hồ chùm lên đầu bố như tên họa xỉ* Brian Đoàn nọ, tên văn xỉ* Nhi-Nhô kia chê bố hắn là đồ phế thải! (*xỉ chứ không phải sĩ)

Là dân HO hay nói một cách tổng quát, vốn dĩ gốc là các cựu quân nhân thì việc tham gia sinh hoạt với các hội đoàn rất cần thiết, là góp sức với cộng đồng trong việc đấu tranh chống Cộng. Dù ai nói ngả nói nghiêng gì đi chăng nữa thì cũng phải thành thật công nhận rằng không có giới cựu quân nhân đứng mũi chịu sào để “đón chào” những “thủ trưởng” thì có lẽ các “thủ trưởng” này đã vác cờ đỏ chạy nhông nhông như cho-sắc dái đầy đường trên phố Bolsa! Và để có được những thành quả đó họ đã phải hy sinh khá nhiều thì giờ và tiền bạc, nhất là các giới “trưởng”, các hội trưởng.

Đề tài này nói về những “bản tiền ca không tên” nên dù muốn dù không cũng phải đề cập tới những khoản tiền đóng góp, chi tiêu ngoài “kế hoạch”, chi tiêu không biết trước của những ai tham gia sinh hoạt hội hè đình đám v.v.. Sống trong cộng đồng như thế .. thế thì phải thế, nếu không thế thì “ở với ai”, chơi với ai? Trừ những ai thích làm ông “chùm” ông “tránh”. Nhưng cái khoản đóng góp “trăm năm hạnh phúc” thì nên cân nhắc kể cả người mời và kẻ được (bị) mời.

Sở dĩ Trần nhận được nhiều thiệp hồng khiến “ngân sách” bị thiếu hụt là do hậu quả 3 trai 4 gái của vợ chồng Trần “đã thành gia thất”. Nhớ lại ngày đám cưới của đứa con gái đầu lòng, cả hai vợ chồng đua nhau mời họ hàng xa gần, bạn bè thân sơ vơ vét cho bằng hết để đám cưới con gái thật “hoành tráng” với 50 bàn ở nhà hàng “kinh-đâm”. Tổng kết chi thu xong xuôi, tân lang và giai nhân dư thừa cho một chuyến cờ-ru đờ-luých (cruise).

Sáu tháng sau, thằng em cũng thèm một đám cưới linh đình như con chị nên vợ chồng Trần lại vét khách mời nữa, và vẫn là những khuôn mặt thân quen, bạn bè trong hội hè, nhất là các chức sắc không thiếu một ai. Hậu đám cưới, cô dâu không lỗ và chú rể thừa ra đủ cho một “tua” 9 nước Âu Châu. Và cứ tuần tự như thế cho tới khi đứa út yên bề gia thất thì cái nợ “đám cưới” của cha thêm chồng chất, “cao ngất Trường Sơn”. Tiền “họ mừng” thì các con hưởng để đi du lịch còn tiền “mừng họ” thì bố chịu trách nhiệm.

Đề tài này người viết không lạm bàn về những cái lỉnh kỉnh, nhiêu khê, phiền toái, tốn phí xung quanh việc tổ chức tiệc cưới tại các nhà hàng của “chú thím ba” mà chỉ đưa ra một vài ưu khuyết trong cách gửi và nhận thiệp hồng, nên “chọn mặt gửi vàng” như thế nào để khỏi làm phiền “người hàng xóm đang cần sự im lặng để nghỉ ngơi”, đang coi phim Hàn quốc, Hồng Kong thì giật mình nhận được thiệp hồng của Ngưu Lang Chúc Nữ từ thiên đình gửi xuống!

Vấn đề hết sức tế nhị nên ít ai dám nói ra, viết ra nhưng chỉ biết than thầm, cứ lắng nghe trong câu chuyện hằng ngày xung quanh ta thì biết, xin nghe phần đối đáp sau đây:

_ “Ê Tony, có nhận được thiệp cưới của thằng Kiệm Bùi không?”

_ “Làm sao tránh khỏi, nghe nói nhà hàng 3-Tàu đòi đặt 30 bàn mới nhận nên hắn phải vét cho đủ ..”

_ “May quá, tao thoát nợ một cái ticket của police”.

_ “Thằng này có bao giờ sinh hoạt hoặc tham gia đóng góp gì với anh em đâu, tuần trước thấy nó xuất hiện trong buổi họp mặt là tao đã sinh nghi”.

Các cụ ta có câu “ma chê cưới trách”, có đám cưới mà không mời họ hàng bạn bè thì sau này gặp nhau thế nào họ cũng trách. Đúng, đó là chỗ thân tình, nhưng đừng vin vào câu đó mà mời tứ tung cho đủ số bàn quy định của các nhà chú-thím-ba . Vì “cầu” nhiều hơn “cung”, đám cưới nhiều hơn nhà hàng nên mấy tên 3-Tàu này yêu sách để đầy túi, còn khách mời thì lãnh đủ! Đành rằng các cháu “cả đời chỉ có một lần” nhưng các chú bác thì một tháng “hạnh phúc” tới 3, 4 lần!

Tổ chức những đám cưới linh đình, mời đông quan khách cũng gần giống như “chơi hụi”, hốt một đống rồi trả dần dần, nay Trần nhận nhiều thiệp “đòi nợ” thì phải đi trả lễ, đó là lẽ công bằng. Chỉ tội cho những ai không hốt mà phải đóng hụi chết (độc thân hay không con mà được mời đám cưới hoài). Nhưng chán nhất vẫn là những anh mượn mà không trả, hốt hụi rồi chạy luôn. Tôi xin đưa ra một vài thí dụ cụ thể trong rất nhiều trường hợp tương tự:

Mr Lê Hà Tiện chưa bao giờ tham gia sinh hoạt hay đóng góp gì với đồng môn, chưa bao giờ xuống đường để góp tiếng nói với đồng hương, rồi một hôm đẹp trời, chàng xuất hiện, tay bắt mặt mừng vui vẻ với mọi người, ai ai cũng ngạc nhiên, nhưng rồi không phải chờ đợi lâu, một tuần sau mọi người nhận được thiệp mời đi dự tiệc cưới con của chàng.

Mr John Buồi còn cao tay ấn hơn, lỳ lợm hơn Lê Hà Tiện một bậc, không sinh hoạt, không đóng góp, chưa bao giờ tham gia tiệc tùng với ai, bỗng dưng xuất hiện xin địa chỉ và sau đó thì gửi thiệp mời. Sau đám cưới của con, John Buồi lặn luôn một hơi và cho đến nay đã 10 năm có lẻ mà vẫn chưa thấy chàng trồi lên!

Trần nhớ rõ lắm, hôm đám cưới con John, bạn bè tham dự rất đông và nhân dịp này anh trưởng khóa gửi thiệp mời cho mọi người và cả gia đình John nữa để đến tham dự tiệc tất niên của khóa vào tuần sau. Nhưng rồi John biến, vẫn vắng mặt với lý do bệnh hoạn, (bệnh thì có thể chứ biết chứ hoạn thì ai mà biết, trừ vợ John) và dĩ nhiên John không phải đóng tiền niên liễm, dù chỉ có 20 cents cho một ngày. Chơi vậy thì chơi với ai!

Nhưng còn một trong những “bản tiền ca không tên” vô duyên nhất là góp tiền cho sư, cha, thầy, mục sư đem giúp đỡ những người “thiếu đói” XHCN. Báo chí trong nước vừa loan tin cầu bị sập, đập thủy điện bi tan, nước lụt tràn lan khiến đồng bào “thiếu đói”, radio hải ngoại vội vàng truyền tin, thế là mấy ông lải nhải xin cứu “khẩn trương”! “Thiếu đói” mà cứu cái quái gì hả mấy cha?

Đi nhà thờ thì cha kêu gọi lòng từ bi, đi chùa thì thầy khuyên hỉ xả, mấy ông đội nón đạo đức thì ra rả trên “đài”. Nhiệm vụ đem lời Chúa đi rao giảng cho muôn dân thì quên béng, giúp TPB/VNCH thì phe lờ, đốt vài nén nhang trên bàn thờ các anh linh đã vì mình mà hy sinh thì các ông trốn làm, thậm chí nhiều “anh hùng” không dám ghi tên người đồng môn chết trận thay ta để nay ta rung đùi “nổ”. Công bằng ở chỗ nào? “Của người phúc ta”, “mượn hoa cúng Phật” là những bản tiền ca hay nhất, đã nhất đối với những ông đội mũ thầy tu, nhưng lại là những bản tiền ca vô duyên nhất đối với cựu tù CS chúng tôi. Nhưng…

Bản tiền ca có ý nghĩa nhất và là một ân tình nhất và cũng là bổn phận của tập thể cộng đồng Việt Nam tỵ nạn CS, nói chung và quân nhân các cấp ở hải ngoại nói riêng là hãy gửi một gói quà về cho anh em TB/VNCH.

Chi phiếu xin đề: DNH/ Cám Ơn Anh Kỳ 10.

Gửi về: Hội HO Cứu Trợ TPB.

P.O BOX: 25554 SANTA ANA CA 92799

Phila Tô

 

 

 

©T.Vấn 2016

Bài Mới Nhất
Search