T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Captovan: Tìm Về Dĩ Vãng

 

 

Tóc dài xỏa vai bên bờ biển, em đang hướng về bên kia đại dương để nghĩ đến ai?.

***

“_ Anh Trâu Điên yêu dấu.

Khi viết năm chữ này, trái tim em đập những nhịp bất thường, ngón tay cầm viết cũng run rẩy. Trước mặt em là tấm hình đen trắng ..

Anh Trâu Điên biết mà, tấm hình này chính Ba em chụp cho anh ..Tự nhiên Ba cầm tấm hình ngắm nghía rồi đưa cho em, nói:

_ “Tấm hình này đẹp quá, muốn giữ không con?”

Tấm hình Ba khen đẹp quá, em đã ép trong cuốn nhật ký nhỏ, dấu kín giữ cho riêng em mà thôi ..

Tháng Năm năm Mậu Thân, VC lại tấn công thủ đô lần thứ 2 ..

Buổi sáng hãi hùng đó, không có anh Trâu Điên, Ba em đã đi luôn ..

Không, Ba có trở về bằng thân xác còn nóng hổi, máu còn chẩy ra linh láng, ướt hết quần áo em! Hai chị em yếu đuối đã vác xác Ba về …..

Lá thư này em viết nhưng không bao giờ gửi, vì em đâu biết anh Trâu Điên ở nơi nào trên mảnh đất đầy thống khổ ..Em viết lá thư này như một nhu cầu yêu thương dành cho anh Trâu Điên, ngươi bạn trẻ của Ba, hình ảnh Ba và anh Trâu Điên luôn gắn liền nhau trong lòng em. Em giữ mãi lá thư không gửi trong cuốn nhật ký, nhưng .. hình đã mất trong lần vượt biển.

Với lòng mong mỏi anh Trâu Điên vẫn còn sống sót đâu đó biết rằng trên mặt đất này vẫn còn có một người nhớ tới anh Trâu Điên ngày xưa .”.

***.

Đọc lá thư trên trong mục “Thư Tiền Tuyến & Hậu Phương” của một bán nguyệt san phát hành vào tháng 7/2008 khiến Phi ngẩn ngơ và tự hỏi tác giả này là ai mà lời thơ có những chi tiết gần như trùng hợp với quá khứ của Phi? Phi hiểu tiết mục thư TT&HP thường là giả để an ủi người lính chiến ngoài tiền tuyến, thí dụ như chương trình “Dạ Lan” của Đ/Tá TNH cục TLC. Phi cũng đã bị ông trưởng phòng TLC/SĐ giao cho tiết mục này với cái tên “Kim Chi” để viết những lá thư “yêu thương nhớ nhung và hẹn gặp anh một ngày không xa”, nhưng khi anh về phép tìm đến mời “Kim Chi” dạo phố thì người phụ trách thư tín ân cần:

_ “Tiếc quá, KC vừa đi công tác ngoài Đà Nẵng, xin tuần sau anh trở lại”!

Người lính chỉ có 24 hoặc tối đa là 4 ngày phép, kể cả 2 ngày đi đường thì làm sao có “tuần sau”! Người lính không biết mình đã bị lừa nên mang thương nhớ trở lại tiền tuyến với hy vọng lần sau sẽ gặp… và rồi đã có những anh hy sinh, mang hy vọng lên Thiên Quốc. Dần dần rồi các anh tiền tuyến cũng hiểu đây là một trò chơi tâm lý chiến, mua vui cũng được một vài trống canh ở những nơi rừng xanh núi thắm “thiếu bóng đàn bà”. Các anh biết bị lừa, nhưng là những cái lừa dễ thương, nhận một lá thư em gái hậu phương (Kim Chi) vẫn vui hơn là nhận lệnh xung phong với tiếng “Đ.M” của ông trung đội trưởng, đại đội trưởng. Nhận một lời thương nhớ giả dối vẫn hạnh phúc hơn là nhận vô vàn sự thật, một viên đạn vừa bắn tới, một trái đạn pháo vừa rơi, một quả “bê-ta” hay mini vừa nổ, máu đỏ văng ra, đông lại màu tím ngắt mà vẫn chưa được tải thương. Bất cứ một phần nào trên cơ thể bị nhận những sự thật này cũng đau lắm, không nhất thiết là phải con tim, con tim mà nhận viên đạn thì đâu còn biết đau!

Lời lẽ lá thư trên và toàn bài viết của em gái hậu phương tên Phượng không phải để an ủi người lính tiền tuyến, mà là nhắc lại một kỷ niệm đau thương mà nhiều chi tiết trùng hợp với quá khứ của Trâu Điên Phi trong trận Mậu Thân 1968 tại Saigon khiến Phi đi từ ngạc nhiên sang ngẩn ngơ, truyện hư cấu khó mà có được. Tác giả tên “Phượng” là nam hay nữ, già hay trẻ thì Phi cũng không biết. Phượng và Phi tuy cùng cộng tác với một tờ báo nhưng chưa bao giờ Phi gặp Phượng, họ không biết nhau vì thời đại computer thì các bài viết được gửi qua email.

Tìm về dĩ vãng, trong trận Mậu Thân tại Saigon, Đại Đội 1/TĐ.2/TQLC (Trâu Điên) của Phi chịu trách nhiệm giải tỏa VC tại khu vực cư xá Phú Lâm A, B, Mũi Tàu Phú Lâm, đường Hậu Giang, Phú Định v.v… Trong những lần giao tranh, luôn có một phóng viên chiến trường theo sát tuyến đầu, việc can đảm của anh làm trở ngại cho Phi và rất nguy hiểm cho người phóng viên. Khi thấy anh phóng viên leo lên pháo tháp của chiếc tank M41 để chụp hình lính xung phong vào mục tiêu thì Phi bực và anh bảo người cận vệ, Hạ Sĩ Đường, kéo anh ta xuống ngay. Vừa lúc Hạ Sĩ Đường và anh phóng viên ngã xuống đất thì B40 nổ ngay pháo tháp làm bay đầu người trưởng xa Thiết Giáp, anh phóng viên và Đường thoát chết trong đường tơ.

Sau đó thì họ kết thân như anh em, anh phóng viên, Phi và Đường chụp chung với nhau vài tấm hình để làm kỷ niệm, anh phóng viên cũng đưa Phi và Đường về nhà tại cư xá Phú Lâm để giới thiệu với gia đình. Thấy bố và hai chú lính rằn ri ngồi nói chuyện ngoài phòng khách, mấy cô gái tuổi ô-mai núp sau rèm chỉ trỏ khúc khích cười, Phi thấy vui và mừng cho anh có một gia đình hạnh phúc. Khi chia tay, Phi không quên vuốt tóc mấy cô bé và khen:

_ “Các cháu xinh lắm, tương lai nhiều hứa nhẹn, nhưng nhớ đừng yêu lính chiến nhá”. Không hiểu các cháu đã biết “yêu” là gì chưa nhưng cũng bẽn lẽn mỉm cười.

Xong nhiệm vụ khu vực Phú Lâm, đại đội của Phi đi tới chiến trường khác, anh phóng viên ở lại và rồi vào tháng 5/68, khi VC tấn công Saigon đợt 2 thì anh bị VC hạ sát trong khi làm phóng sự chiến trường, còn Hạ Sĩ Đường, cận vệ của Phi thì cũng đã hy sinh tại mặt trận. Đối chiếu diễn biến hành quân của Trâu Điên và lá thư của tác giả tên Phượng có nhiều điểm trùng hợp nên Phi đi tìm hiểu thực hư.

Sau nhiều lần trao đổi tin tức qua email, xem một tấm hình cũ của gia đình Phượng đã giúp Phi biết lá thư trên là của một trong mấy cô bé tuổi “teen” con anh phóng viên ngày ấy chính là cô Phượng ngày nay, cô viết về sự hy sinh của cha, về kỷ niệm với tấm hình đẹp của người lính Trâu Điên. Nhưng rất tiếc tấm hình quý giá của ba cô tặng ngày ấy đã trôi theo sóng Biển Đông trên đường vượt biển nên không biết “người ấy là ai”? Là Bùi Ngọc Đường đã hy sinh hay là Phi, con trâu già đang nhai lại mớ cỏ khô đời tỵ nạn, hoặc cả hai?

Ôn lại những kỷ niệm đau thương quá khứ khiến Phi-Phượng lại gần với nhau hơn, vui buồn lẫn lộn trong tình thương yêu gia đình. Họ nói với nhau mỗi ngày, nhiều lần trong một ngày nhưng vẫn chỉ qua trung gian “bà mai” computer, chưa một lần họ nói huyện qua điện thoại để Phi nghe lại tiếng cười khúc khích của tuổi học trò, chưa một lần gặp mặt nhau để cô bé tuổi vừa biết yêu nhìn lại xem chú lính trong hình là Phi hay Đường? Dù ai đi nữa thì tóc cũng đã điểm sương, sợi còn sợi mất, không cần lược, chả thiết soi gương. Nhưng hình người phụ nữ tóc xõa bờ vai với bút hiệu Phượng trong lá thư gửi anh Trâu Điên khiến Phi ngẩn ngơ, ngắm hình hằng giờ với nhiều tưởng tượng. Lời thơ:“Mong anh Trâu Điên còn sống sót đâu đó biết rằng trên trái đất này vẫn còn một người nhớ đến anh Trâu Điên ngày xưa” làm tim Phi đập sai nhịp. Con tim không bao giờ già, tuổi 13 đã biết yêu thì tuổi 73, 83, 93 vẫn còn yêu. Nhiều lần Phi muốn đến gặp Phượng để vuốt tóc em như chú Phi xưa vuốt tóc cô bé gái con của bạn mình. Con tim có lý lẽ riêng của nó nên nhiều khi sắc đẹp và sức quyến rũ cũng làm nó đau khổ và càng khổ đau hơn khi đó là tim của tuổi hoàng hôn.

Dựa theo địa chỉ trong tập truyện PA Tình Chân của Phượng tặng Phi, đã đôi lần Phi đứng bên kia đường, lấp ló sau gốc cây trước cửa nhà Phượng, như tuổi học trò 13, 17 khi lần đầu biết yêu lấp ló sau “hàng dậu mồng tơi” nhìn trộm cô hàng xóm. Nhưng lần nào thì tiếng ve sầu trên những ngọn cây và tiếng ve-ve trong tai người “nghễnh ngãng” hòa với nhau cùng một cung điệu: “về đi, thôi ông về đi”.

Tiếng ve sầu o-o, ve-e trong tai nhắc cho Phi biết rằng trâu già Phi ngày nay không phải là Trâu Điên Phi ngày xưa, đừng bôi bẩn bộ quân phụ rằn ri, đừng làm vỡ mộng tuổi thơ hãy giữ cho câu nói của người cha phóng viên mãi mãi vẫn còn đầy đủ ý nghĩa:

_ ‘Tấm hình này đẹp quá, muốn giữ không con?”

Một điều hết sức tế nhị khác khiến Phi quay về và không cho anh chiều con tim là ba người trong hình thì đã đi hai chỉ còn lại một và người đó phải là “anh Trâu Điên” mà Phượng viết trong thư. Con tim và khối óc cãi nhau mỗi ngày về chuyện gặp Phượng hay không khiến Phi mệt mỏi, “càng xa em anh càng nhớ thêm”, để giảng hòa tim và óc, Phi quay về với những lá thư tiền tuyến và hậu phương của trang báo mà Phượng phụ trách.

Kể từ ngày nhận ra nhau mà chưa một lần gặp thì những lá thư hậu phương của Phượng có nội dung của má “cu Tèo” gửi cho bố “cu Tèo” ngoài hành quân, và ngược lại Phi viết thay cho bố cu Tèo với nội dung nhớ nhung yêu thương để gửi về cho má nó. Lần hồi qua nhiều số báo, họ giật mình nhận ra lời lẽ yêu thương của bố mẹ “cu Tèo” là của chính những ngưởi đang yêu nhau tha thiết. Mẹ Tèo mong có ngày bố tèo về Phép, bố Tèo ước được 24 giờ phép với “giấc ngủ mồ côi*”

(* hai người cùng thức, không ai ngủ với “nó” nên “giấc ngủ” cảm thấy cô đơn, mồ côi)

Nhưng ngày phép chẳng bao giờ có, Phi tự cấm trại, con tim không già mong ước đến với nhau nhưng mái tóc điểm sương bảo đừng, gặp nhau không ngăn được sức nóng làm cháy những kỷ niệm đẹp xưa. Hạnh phúc êm đềm vẫn trôi củng gia đình “cu Tèo” cho đến một ngày, cũng vào tháng 7, năm 2010, tức 2 năm sau khi có lá thư “Gửi Anh Trâu Điên” thì Phi nhận được giấy mời của nhật báo VB đến họp mặt buổi ra mắt “Tuyển Tập 67 Tác Giả VVNM”, Phi đã nhận ra người phụ nữ tên Phượng qua tấm hình trên trang thư hậu phương cũng đến tham dự buổi họp mặt này, nhưng chắc chắn Phượng không biết Phi có mặt đêm ấy. Ban tổ chức sắp xếp cho những người có bài được đăng trong tuyển tập ngồi chung một khu, và vô tình Phi&Phượng lại ngồi chung một bàn. Có lúc 4 mắt đã nhìn nhau, mắt Phượng đẹp và buồn nên dường như lạnh lùng với những cái nhìn của người khác phái, còn tim Phi thì nhói lên từng hồi khi thấy ánh mắt thờ ơ. Với tâm trạng “có tật giật mình”, tưởng như mình đã bị nhận diện nên Phi từ từ rút lui, đến một bàn khuất trong góc nhưng có thể ngắm Phượng từ sau lưng.

Cầm cuốn tuyển tập VVNM 2010 do ban tổ chức tặng, Phi lật trang mục lục để tìm bài viết của mình nói về anh Trâu Điên và người phóng viên chiến trường tại mặt trận Phú Lâm. Phi liếc thật nhanh những dòng chữ nói về người bạn phóng viên, anh đã hy sinh nhưng không ngờ Phi lại được nhìn tận mắt ngươi con gái yêu quý của anh póng viên đang ngồi trước mặt Phi. Nhiều lần Phi nhấp nhổm muốn trở lại bàn cũ và muốn tự giới thiệu với Phượng rằng:

_ “Mẹ cu Tèon ơi, bố cu Tèo về phép nè”.

Nhưng lần nào thì cũng như có lực vô hình giữ chân Phi lại, Phi sợ nhiều điều vẩn vơ, nhưng rõ nét nhất là sợ tình yêu đẹp như mơ như mộng của “chú với cháu” sẽ vỡ tan vì hình hài con trâu già làm mất vẻ oai hùng của anh Trâu Điên trong mắt Phượng.

Khi thấy các tác giả có bài viết đi xin chữ ký của nhau vào tuyển tập, tuổi trẻ trong Phi bùng dậy anh tiến thẳng đến bên Phượng và nói:

_ Xin cô cho một chữ ký để làm kỳ niệm vào bài viết này”.

Nói xong Phi đưa trang sách đã mở sẵn và cây viết cho Phượng, Phượng khẽ ngước đầu lên nhìn Phi, cười xã giao một cách rất lịch sự rồi cúi xuống viết vội lên đầu trang sách, bên cạnh hai chữ Trâu Điên:

_ Ngọc. Anh… CA/2010 (ký tên).

Ký tên xong, Phượng trả lại Phi cuốn sách và cây viết, đôi môi mọng đỏ mấp máy điều gì đó nhưng tai Phi đang ù-ù không nghe rõ, anh vội cầm nhẹ cuốn sách, cúi sát xuống gần mái tóc xõa bờ vai, ngất ngây với mùi thơm, nhưng Phi tỉnh cơn say, không men rượu vẫn thấy say, anh khẽ nói lời cám ơn cho 2 người vừa đủ nghe rồi anh quay lưng đi ngay, không trở về chỗ mà đi thẳng ra cửa như muốn trốn chạy, như sợ có ai nhìn thấy sắc diện của mình đang chuyển từ xanh sang xám. Các tiết mục văn nghệ đang tiếp diễn, giọng Lệ Thu đang ca bài gì đó, nhưng “lòng buồn cảnh có vui đâu bào giờ” nên Phi ra về.

Lại một sự giằng co giữa tình cảm, lần này là giữa đôi chân và con tim, “nửa đi, nửa ở bồi hồi”, con tim đã thắng, Phi quay lại nhưng không ngồi yên một chỗ mà đi tới đi lui, mắt liếc về nơi người vừa tặng chữ ký như chờ đợi một điều bất ngờ gì đó. Khi phát hiện ra chỉ còn là một ghế trống khiến Phi gần như hoảng hốt vửa đánh mất một vật quý giá. Anh nhắm mắt lại hít một hơi thật dài, hai tay xoa xoa lên mặt, nhủ thầm: “thế cũng xong, đỡ đau khổ” như thói quen khi xưa ở mặt trận mỗi khi Phi nhìn một thuộc cấp một đồng đội ngã xuống không toàn thây sau tiếng nổ, nấc lên rồi nghẹo đầu sang một bên.

_ Xin lỗi anh, có phải anh là Phi không?

Phi mở to mắt nhìn người vừa hỏi, anh lạnh toát, Phượng đang đứng trước mặt, khó có ngôn ngữ nào diễn tả nổi cảm xúc của Phi lúc đó, tiếng “anh” như thần dược, Phi khẽ nói:

_ Vâng, tôi là Phi.

_ Trời ơi anh! Em vừa ký xong rồi em sực nhớ ra bên cạnh chỗ em ký có chữ “Trâu Điên”, em biết chắc chắn đó là anh nên em vội đứng dậy đi tìm nhưng anh đi đâu mất hút, anh..anh..

Phượng không nói thêm mà cầm tay Phi kéo sang một bên hơi khuất rồi 4 mắt nhìn nhau, trong ánh sáng lờ mờ, Phi thấy ánh mắt Phượng long lanh như có nước mắt, cái nhìn đầu tiên sau 2 năm “quen” nhau mà chưa một lần gặp nhasu, cái nhìn đầu tiên hơn 40 năm sau khi chú lính nhìn và khen cô bé dẹp và thông minh. Tay trong tay. rồi bất ngờ như bố mẹ “cu Tèo” gặp nhau sau những năm dài đợi mong, trong đám đông mà tưởng như chỉ có 2 người giữa sa mạc, sức nóng trong đêm khuya truyền đi khắp cơ thể, và dường như bị nóng quá nên họ buông nhau ra, yên lặng, lặng yên để nhìn nhau và nghe cảm giác hạnh phúc luồn vào tận cùng mỗi tế bào.

“Đêm lạnh lùng, giấc ngủ mồ côi”, đêm không ngủ, Phượng-Phi tiếp tục câu chuyện dang dở qua email trong đêm đó. Đêm đó Phi cẩn thận treo bộ “vét & cà vạt” vào tủ áo, chẳng phải “dở chồng áo cũ để tìm hơi” mà để giữ mùi thơm mái tóc cứ như thuở ban đầu, mối tình đầu. Dù đầu hay cuối thì những “con tim chân chính” vẫn giống nhau, đôi khi cuối thì lại càng cuồng nhiệt hơn, “yêu nhau đi, chiều hôm tối rồi”.

Nhưng vẫn chỉ có thế, họ bất ngờ gặp nhau giây lát rồi lại cách xa, dù sống cùng một City, cách nhau chỉ một “dậu mùng tơi”, cùng cộng tác với một tờ báo, dù hằng đêm vẫn thủ thỉ bên nhau nhưng không nghe, không thấy nhau mà chỉ có con nhạn computer đưa tin. Khi hoa đào nở, 6 tháng sau, Phi chọn một cành đào nhỏ thật đẹp, hẹn em giữa phố phường đầy hoa lá chuẩn bị đón Xuân. N tặng M những nụ hoa đào vừa hé mở.. và cả những nụ hôn dưới trời mưa phùn giữa tiết Đông. Mưa phùn, tiết lạnh ngoài trời, giữa chốn “thiên thanh bạch nhật” đã giúp họ dập tắt được đám cháy trong lòng lúc nào cũng muốn bùng lên. Họ không chủ tâm tạo nên một khung cảnh lãng mạng như thế ở cái tuổi thực tế nhiều hơn, muốn tiến xa hơn, chẳng có gì ngăn cản. Nhưng ở đây là tình yêu đẹp nên tự nó tạo nên cái đẹp trước, trong lúc và cả sau khi gặp nhau.

_ Thôi em về.

_ Ừa, em về đi.

Nói xong, bốn bàn tay nắm chặt vào nhau, truyền cho nhau hơi ấm và như có nam châm giữ lại, lại không rời và… “thôi em về” nhiều lần, rất nhiều lần mà chưa đi được, một việc quá dễ dàng như trở bàn tay, chỉ cần quay gót mà sao họ không làm được? Sao mà khó khăn thế!

Phi Phượng lại quay về với gia đình “cu Tèo”, bố Tèo đi biền biệt, mẹ Tèo chờ đợi nhớ thương. “Làm gì mà đày ải nhau vậy kìa? Phi nghĩ thế và toan “trốn trại” để về với mẹ Tèo, dù mẹ Tèo không hài lòng nhưng cũng không nỡ trách chồng dám “vô kỷ luật” chỉ vì thương yêu vợ. Nhưng cũng như bố Tèo có trách nhiệm với đơn vị, Phi có trách nhiệm với tình yêu đẹp nên vẫn xa mặt sát lòng. Xuân lại sắp về, Phi viết

_ Anh nhớ … mong gặp em.

_ Ừa, chỗ cũ nhá.

Vẫn như lần đầu, không gian ấy thời tiết ấy, nhưng thời gian đã cách nhau gần năm mà nhiệt tình không như cũ mà tăng, tăng đến nỗi Phượng dứt khoát:

_ Lần cuối gặp nhau nghe anh! Tình yêu mình như ma túy, em sợ bị nghiện, không tránh nổi. Chuyện của chúng mình là thật, đau khổ Mậu Thân chứng giám, cây cỏ nơi đây chứng thực, chỉ có người đời là không tin, tưởng là hư cấu. Thôi em về, thôi em về, em về !!!.

Phi không còn nhớ đã không được gặp Phượng bao lâu rồi? Không lẽ “quá tam ba bận”! Đúng là họ chỉ mới gặp nhau ở chốn “thanh thiên” ba lần và bao giờ mới có được lần thứ tư đây, từ “thanh thiên” đến “thiên thai” chỉ khác nhau một chữ, cách nhau một li mà không bao giờ gặp, vì chính họ muốn thế, muốn cho tình yêu còn mãi và đẹp mãi. Chuyện thật mà cứ như hư cấu.

_ “M, có khi nào M đứng bên bờ biển CA nhìn qua Đại Dương, tìm về dĩ vãng mà có N đứng sau lưng vuốt tóc em cho khỏi bay, choàng vai em và gió biển xô ngả cả hai xuống bãi cát.

Chuyện của chúng mình thật mà cứ như đùa. N vẫn thương và quý trọng M.

Và Phượng hồi âm:

N

Chuyện thật mà cứ như là hư cấu, ai tin đây ?

Ừa thôi, chúng mình tin là đủ

N

Đừng khơi ngọn lửa, dù cho đám cháy rừng nào cũng được dập tắt, nhưng dập tắt đi thì còn lại gì!

Thôi !

N đi về đi, M cũng về thôi

Có những nôỉ nhớ bất diệt, điều nầy có thật , và M tin

M

Phila Tô

©T.Vấn 2012

Bài Mới Nhất
Search