T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn & Bạn Hữu: Trò chuyện với người hát Tù Khúc

clip_image001

Xuân Điềm – Nguyễn Tiến Việt – Minh Hòa ( 1995)

Chuyên mục Tù Khúc trên trang T.Vấn & Bạn Hữu, đến nay đã sưu tầm và lưu trữ được hơn 70 tù khúc. Đó là những ca khúc đã từng vang lên khắp những nhà tù từ Trảng Lớn, Long Giao, Suối Máu ra đến Yên Bái, Lào Kai, Phong Quang (Hòang Liên Sơn), Vĩnh Quang, Tân Lập (Vĩnh Phú), Thanh Phong, Nam Hà, Tiên Lãnh, Ái Tử rồi lại về lại Xuân Lộc, Hàm Tân, với những tác giả, người hát phần lớn không chuyên nghiệp. Bên cạnh hơn 70 tù khúc ấy, còn có phần ghi chép những giai thọai, những chi tiết về nguồn cảm hứng, về địa danh bản tù khúc ra đời. Con số hơn 70 bài đã không kể đến những tù khúc do các anh em cựu tù do đã từng hát nên ghi nhớ, hoặc là chính tác giả, gởi đến chúng tôi nhưng lại không có phần âm thanh (nhạc audio) mà chỉ là bản nhạc ký âm, hoặc đơn giản chỉ là lời bài nhạc. Do mục đích chỉ giới thiệu những tù khúc được ghi lại bằng âm thanh, tức là được hát lên, nên chúng tôi không thể bao gồm những tù khúc chỉ có lời như nói đến ở trên. Thực là một điều đáng tiếc, vì những tù khúc ấy cũng vẫn giữ một vai trò chứng nhân lịch sử trong một đọan đời của một tập thể tù cải tạo nơi một địa danh nào đó trong tổng số hàng trăm nhà tù trải dài từ Nam chí Bắc.

Trong mỗi bài tù khúc được chuyên mục giới thiệu, hầu như những tác giả tù khúc đều có cơ hội nói về tác phẩm của mình, hòan cảnh sáng tác và những hệ lụy liên quan đến thời điểm tác phẩm ra đời. Sẽ là thiếu sót lớn và không công bằng nếu chúng ta không có dịp lắng nghe tâm tình của những người hát tù khúc, đặc biệt là những người đã từng dũng cảm cất vang tiếng hát giữa trại tù, gởi đến anh em đồng cảnh tiếng lòng của tác giả bài hát và cũng là của chính mình. Rồi khi đặt chân được đến bến bờ tự do, vẫn không quên ước vọng ngày nào, lại tiếp tục hát lại bài tù khúc năm xưa như một nhắc nhở lẫn nhau, nay chúng ta đã thóat cũi sổ lồng, nhưng đồng bào ta “ở tù ngòai” vẫn chưa nhìn thấy một bầu trời rực nắng tự do.

Trong số những giọng hát tù khúc của hơn 70 bài tù khúc được giới thiệu trong chuyên mục Tù Khúc, thì hai anh Đinh Quốc Trực và Trần Gia Tỏan đã ra người thiên cổ. Nhân chuyên mục Tù Khúc tạm khép lại một giai đọan, T.Vấn & Bạn Hữu đã trang trọng nhớ đến hai anh bằng những bài viết của bằng hữu còn sống sót (xin xem mục lục trong chuyên mục Tù Khúc). Các anh Tiến Dũng, Phạm Ngọc Đáng, Đức Tuấn, Chu Ly, Hiếu Trung v..v.. chúng tôi không có được thông tin nào về các anh. Còn hai tiếng hát khác là đôi uyên ương Nguyễn Tiến Việt – Minh Hòa hiện đang cư ngụ vùng DC, đã cho phép chúng tôi được có buổi trò chuyện dưới đây:

T.Vấn:

Chào anh Nguyễn Tiến Việt và chị Minh Hòa. Đã hơn 20 năm từ ngày chúng ta gặp nhau trong buổi các anh em nhóm Tù Ca Xuân Lộc họp mặt hát tù khúc tiễn chúng ta lên đường đi định cư xứ người. Đến bây giờ, chúng ta vẫn chưa có dịp gặp nhau lại. Ngày xưa, ở Việt Nam, cứ đôi ba tuần là bạn bè có thể gặp nhau, dù chỉ là ở một quán cóc ven đường với ly cà phê bít tất khét mùi bắp rang. Bây giờ thì nước Mỹ rộng mênh mông đến độ 20 năm qua đi mà chúng ta vẫn chưa tìm thấy dịp mời nhau chén rượu. Tôi còn nhớ buổi hát tù khúc cuối cùng mà tôi tham dự ấy, tại một căn nhà người bạn vùng Tân Định, có mặt hầu như đầy đủ nhóm Tù Ca Xuân Lộc các anh: Nguyễn Tiến Việt, Nguyễn Thành Trọng, Trần Lê Việt, Trần Ngọc Phong, Lê Xuân Nho, Trần Quang Trọng, Phạm Kim Khôi, Đoàn Khôi, Phạm Thiên Tứ và một số các anh khác tôi không biết và không nhớ tên. Dường như hôm ấy, chỉ có mình tôi là người “ngọai đạo”, không phải là thành viên của nhóm. Khi qua tới Mỹ, tôi định cư một vùng quê hẻo lánh, nên hầu như chẳng liên lạc được với ai. Riêng anh chị Việt, sau này tôi được biết, định cư miền Cali nắng ấm đông đảo người Việt nên ngay khi tạm ổn định, anh chị đã bắt tay ngay vào việc giới thiệu những tác phẩm tù khúc của anh em đến đồng bào sinh sống ở hải ngọai. Anh Việt có thể kể lại những họat động ấy được không?

Nguyễn Tiến Việt:

Chào anh Vấn và quý bằng hữu bạn tù cải tạo, cùng quý độc giả của trang Web T.Vấn & Bạn Hữu mà tôi chưa được hân hạnh quen biết.

Lúc rời Việt Nam sang Mỹ, tôi ở California, thành phố Garden Grove, quận Cam. Đến khỏang đầu năm 1993 thì phải, một buổi tối Nguyên Huy cùng với Đoàn Khôi đến. Ca nhạc sĩ Đoàn Khôi của chúng ta cũng đi làm ban ngày, nhà thơ Nguyên Huy của chúng ta lúc đó đang làm phóng viên cho Little Saigon Radio, lúc còn Việt Dzũng và Minh Phượng là hai anchors trẻ trung và nổi tiếng nhất ở quận Cam.

Hai anh cho biết “bọn mình” có slot trên đài để phát chương trình tù khúc mỗi tuần 15 phút hay nửa giờ gì đó, nếu được tán thửơng thì sẽ tăng giờ, không có tiền caché và tất nhiên cũng không phải trả tiền air time, chỉ làm freelance, làm cho anh em tù mình là chính và giúp cho đài một tiết mục mới.

Tôi và Minh Hoà đồng ý ngay. Lúc đó tôi đang làm technician cho công ty hoá chất UOP ở Fullerton, cũng dành được thì giờ để làm công việc mà anh em và mình vẫn mong mỏi được làm.

Hai anh bàn thảo với tôi thêm chi tiết về giờ giấc, nhạc đệm, nhất là “ca sĩ”, thì đã có Đoàn Khôi, và anh em tôi đều nghĩ ngay tới Trần Gia Toản, Trần Quang Trọng, là hai người ở gần nhất, rồi đến người viết lyrics và script là Lê Xuân Nho, ở tận Pomona.

Lần phát thanh đầu tiên chỉ có các anh Nguyên Huy, Đoàn Khôi, Trần Quang Trọng, Trần Gia Toản và tôi, hình như có một anh bạn mới nữa mà nay tôi không nhớ ra… Chương trình đầu tiên và thứ nhì chỉ có một mình cây guitar thùng, acoustic, của tôi mà anh bạn Vũ Công Dân cùng khóa Võ Bị tặng tôi ngày vừa đặt chân đến đất Mỹ. Tôi đệm cho Đoàn Khôi và Trần Gia Toản, Trần Quang Trọng, hát những bài tù ca của Trọng Minh, Đoàn Khôi, Lê Xuân, như “Quê hương ba vòng ngục tù”, và lần sau tới Minh Hoà hát “Hai hàng cây so đũa” của Trọng Minh-Nguyên Huy… (bài này đã được “hát chui” nhiều lần ở Sài Gòn, nơi MH hốt khá nhiều nước mắt của bà con cải tạo… sau khi Trần Gia Toản đã “hốt nước mắt” quá nhiều của anh em trong trại Xuân Lộc trong mấy năm cuối)

Sau hai ba tuần lễ, chúng tôi nhận được rất nhiều lời khuyến khích từ anh em bạn tù. Tôi còn nhớ tình cờ gặp anh Phụng, thiếu tá không quân ỏ chung trại Xuân Lộc, anh ôm vai tôi và nghẹn ngào nói “Nghe tiếng đàn của Việt với tiếng hát Khôi, Trọng, Toản trong những bài tù ca mình đã nghe cách nay nhiều năm rồi, tôi không kềm được nước mắt, vừa nhớ lại tình cảnh anh em mình ngày ấy, vừa nhớ tình cảm sống chết với nhau, cảm động quá …”

Từ tuần lễ thứ ba hay thứ tư thì lại có thêm Xuân Điềm ôm cây banjo vỏ bom nhảy vào, anh hăng hái và tích cực hơn hết. XĐ sử dụng ngay bài tù ca “Anh Vẫn Sống” của anh làm nhạc hiệu của nhóm và gọi luôn tên ban tù ca là ban “Anh Vẫn Sống”… Từ đó chúng tôi còn được thêm sự tham dự của nhiều anh em từ những trại tù khác ở miền Bắc, như những trại Nghệ Tĩnh, Thanh Quang, Thanh Cẩm, Đèo Ban, Sông Gianh, và còn nữa, mà tôi không ở qua nên bây giờ không thể nhớ… Còn có anh Chung Tử Bửu (người tù ở Hàm Tân, lúc ngoài Bắc đã viết nhạc bản “Chiều Sơn Thôn”), và nhiều nhạc sĩ ca sĩ cựu tù chính trị nữa… nhiều lắm, mà rất tiếc tôi không thể nhớ tên và trại của các anh (nếu đọc được bài này xin các anh vui lòng lên tiếng để tái ngộ, nhé).

Có cả cây sáo Ngọc Nôi với giọng thơ người đẹp Phi Loan của Nôi, cây đàn tranh ngọt ngào thăm thẳm của anh Trúc Lâm quyện lấy giọng ngâm ấm áp của phu nhân Trúc Minh của anh, có giọng thơ Huế của chị Bích Thuận, giọng ca trong vắt của chị Kim Thoa… Đông và vui lắm.

Ban tù ca thâu âm mỗi tối thứ năm, phát thanh vào tối thứ sáu hay thứ bảy… Những chương trình sau một tháng thì đã có tiếng banjo, tiếng keyboard của Quốc Toản, giọng hát Dạ Lan nữa, vì đài trả cho mỗi tuần được $50 nên có tiền rủng rỉnh đi thâu âm ở studio Quốc Toản…

Sau khi tôi đột ngột bỏ anh em bay sang Virginia để làm đài RFA, anh Xuân Điềm đã dẫn dắt ban Anh Vẫn Sống trở thành ban ca kịch thơ nhạc đấu tranh lên tới mấy chục người như ngày nay…

T.Vấn:

Thưa chị Minh Hòa, nghe chị hát bài tù khúc “Hai hàng cây so đũa” của hai anh Trọng Minh và Nguyên Huy, tôi cảm thấy xúc động hơn rất nhiều so với các ca sĩ chuyên nghiệp khác cũng hát bài này. Có thể tôi chủ quan như tôi đã viết trong phần giới thiệu tù khúc Hai Hàng Cây So Đũa: “phải là người vợ tù, đã từng sống qua cảnh tượng “đầm đìa nước mắt” (chứ chẳng phải chỉ “nhòa hơi mưa”) ấy, mới diễn tả được trọn vẹn cảm xúc của lời và nốt nhạc. . .” Xin chị Minh Hòa, với tư cách vợ một người tù cải tạo, đã từng nhiều lần dắt con đi thăm chồng, kể lại cho chúng tôi nghe nỗi lòng của mình về một đọan đời dài khó quên ấy. Và cũng nhân tiện, với tư cách một người hát rất nhiều bài tù khúc, ở từ trong nước ra tới hải ngọai, chị cho biết cảm tưởng của chị mỗi khi đứng trước khán giả nói thay cho người tù nỗi lòng của họ?

Minh Hoà:

Xin cảm tạ anh Vấn thay mặt cho anh em tù nhân chính trị VNCH, trong đó có chồng tôi, để cho tôi cơ hội nói lên tâm tư của những người vợ tù cải tạo chúng tôi, chứ chẳng phải riêng tôi. Tôi xin nói ngay về chữ “tù cải tạo” mà nhiều anh chị em có thể không thích nghe, nhưng thực ra tôi và không ít chị em khác thời còn ở trong nước vẫn từng hãnh diện được nghe xóm giềng, xã hội miền Nam gọi là “những bà vợ tù cải tạo” và gọi chồng chúng tôi là “mấy ông cải tạo”, với giọng điệu thân thương, kính trọng dành riêng cho các anh sĩ quan VNCH. Dường như tâm hồn bình dị của người dân miền Nam không cần hiểu tới những ý đồ thấp hèn của quân Cộng sản trong những từ ngữ do chúng nguỵ tạo. Có người còn hồn nhiên phân biệt “bên ta” là “phe nguỵ” và bên giặc là “phe bộ đội, phe Bắc kỳ”, vậy đó! Dân ta gọi các anh là “các ông cải tạo” chỉ để phân biệt với hạng tù hình sự, mà không cần nghĩ tới “tù cải tạo” hay “xe cải tiến”, “tên lửa, xưởng đẻ…” có gì khác nhau trong ý thức cùn mằn của bọn người thất học…

Về đoạn đời ấy thì không phải là khó quên mà là không bao giờ quên được, dù chúng tôi không phải “nằm gai, nếm mật” như vua Câu Tiễn ngày xưa để phải nhớ được thù nhà nợ nước, mà vẫn nệm ấm chăn êm bên những người bạn đời trở về từ cõi chết.

Làm sao quên được… khi những người như chúng tôi chỉ là những thiếu phụ còn đầy nét thơ dại của những người vợ trẻ, chưa từng biết gì đến cuộc sống ngoài bốn bức tường gia đình và vòng tay bảo bọc của chồng, của gia đình nhà chồng. Nhưng khi các anh lưu đày biệt xứ, chúng tôi đã phải lăn lưng vào cuộc sống lầm than của một xã hội đã bị cướp đoạt hết mọi phưong tiện kiếm sống, mọi phương cách làm ăn… tất cả đều vào tay bọn cướp nước vô nhân tính, bọn công an trông không ra hình dạng con người, đã bắn giết không gớm tay, lại còn giam nhốt biền biệt những người chiến sĩ của miền Nam mà chúng tôi từng tôn xưng là những người hùng yêu dấu trong trái tim, trong linh hồn mình và trong lòng dân tộc miền Nam… Không thể nào kể xiết nỗi thống khổ của chị em chúng tôi, không kém chút nào so với những nỗi đoạ đày mà các anh đã phải gánh vác suốt hằng chục năm trời… mỗi nơi một cảnh, cảnh trạng nào cũng đầy những khổ ải khốn cùng mấp mé bên bờ sự chết. Không vì thương con thương chồng thì chắc chắn nhiều người trong chị em chúng tôi đã tìm lấy cái chết để yên ổn hơn là kiếp sống vô vọng, ngay trong những năm đầu của thời gian các anh đi tù cải tạo…

Bài “Hai hàng cây so đũa” là bài hát mà tôi cảm thấy như tác giả nói về chính tôi và chồng con tôi, vì chính tôi từng đi giữa hai hàng cây so đũa đó để thăm chồng, mà không ít lần đã ngập ngừng giữa việc “đưa con vượt đại dương đi tìm sống” với việc ở lại nuôi chồng, chờ đón ngày về sum họp mà chúng tôi vẫn tin chắc không thể quá lâu.

Cho nên lần nào cất tiếng hát lên nhạc khúc ấy, khán giả cũng phải rơi nước mắt dù họ có phải “các bà vợ tù cải tạo” hay không, vì luôn luôn trong tiếng hát của chính mình, tôi cảm thấy như đang dắt con đi giữa hai hàng cây so đũa, hay đi giữa hai cánh rừng sâu trên đường vào trại Thanh Hoá để thăm chồng trong chốc lát, với bao nỗi nỉềm thương cảm, yêu kính các anh, khinh ghét hận thù quân cướp nước.. tất cả trộn lẫn trong tâm cảm, như truyền sang bàn tay nhỏ bé của hai đứa con thơ dại… tôi không thể nào cầm được nước mắt… Từ hồi còn ở trong nước cho đến bây giờ, mấy chục năm sau, tôi vẫn thế, khi hát là vẫn xúc động như những ngày ngồi trên những bao than bao củi của chiếc xe lô chở chị em “vợ tù cải tạo” trong đó có mẹ con tôi đi thăm chồng thăm cha…

T.Vấn:

Cám ơn chị Minh Hòa đã giúp tôi tin chắc rằng cảm thức của mình xúc động mãnh liệt khi nghe chị hát vì người hát đã từng sống qua nỗi đau nhắc đến trong bài tù khúc là một cảm xúc chân thực chứ không do chủ quan. Tôi tin chắc rằng rất nhiều anh em chúng tôi cũng có cùng cảm thức như thế. Nhân tiện, xin hỏi anh Việt, anh vừa là một tác gỉa tù khúc, vừa là người hát tù khúc, cả khi trong tù lẫn khi được tự do. Ở trong tù, các anh viết và hát tù khúc – một hành động nếu bị khám phá , chắc chắn sẽ bị trại dành cho những biện pháp kỷ luật khắc nghiệt nhất. Anh có thể kể lại đôi kỷ niệm về điều này được không? Và nhân thể so sánh cảm tưởng của anh khi ngày xưa chỉ với cây đàn thùng tự đóng lấy, không micro, không loa đứng hát cho hàng mấy trăm anh em tù mình nghe; và bây giờ, với ban nhạc âm thanh máy móc đầy đủ, trước một thành phần khán giả cũng khác nhiều so với khi xưa?

Nguyễn Tiến Việt:

Thưa anh Vấn và thưa quý vị. Xin cải chính, không phải là “đứng hát” mà là ngồi ôm đàn trên sạp ngủ trong một phòng giam tập thể xa chòi canh nhất, người hát cũng ngồi hát, anh em từ những phòng khác dồn qua thì cứ chen nhau nằm ngồi tự nhiên như không có gì khác thường, cũng không có tiếng vỗ tay, mà tiếng đàn tiếng hát vang đến cả những buồng kế bên, vì các anh em đều im lặng gần như tuyệt đối…

Tôi không bao giờ quên được những buổi ”trình diễn” trong trại tù, với sự bảo bọc canh thức của các bạn tù cải tạo như vậy đó, với đủ mọi phương pháp báo động và mọi đề án đã tính sẵn trứớc để đối phó với từng trường hợp bị tảo thanh, điều tra… Vậy mà mỗi ngày có thể chúng tôi, tính chung cả nhóm, lại có một sáng tác mới.

Soạn nhạc và ghi nhớ giai điệu cùng lời nhạc trong đầu lúc cuốc đất, lúc phá rừng, lúc vác cây, lúc phát bụi, lúc ăn uống, lúc tưới rau, lúc nghỉ ngơi bên ống thuốc lào, trong khi tỉnh thức cũng như trong giấc ngủ. Đúng vậy. Trong giấc mơ tôi và nhiều anh từng giải quyết được những khúc nhạc và lời trắc trở, khi lâm vào ngõ bí của nghệ thuật. Thật kỳ diệu, không gặp thì rất khó tin…

Lúc “trình diễn” thì “khán giả” bạn tù “ngồi như tượng đá” thưởng thức trọn vẹn từng chữ từng lời từng tiếng đàn câu hát, với những xúc động hiển hiện sau từng câu nhạc, lời thơ, trong không khi tuyệt đối im lặng như thành tâm hết mực, mà chúng tôi không bao giờ tìm lại được từ ngày sống tự do.

Ở bên này những tù khúc tù ca chỉ gây xúc động được cho những thân nhân của những gia đình gọi là “gia đình HO, gia đình cải tạo”. Nhạc cụ và dàn âm thanh tối tân tất nhiên cho ta những âm thanh tuyệt diệu, về mặt kỹ thuật, nhưng sao tôi vẫn thấy không đầm ấm êm đềm thân yêu bằng tiếng đàn mình tự làm bằng thùng gỗ với dây điện thoại.

Có người nói lý do cũng đơn giản. Như những củ khoai miếng sắn khi đói khát ở miền Bắc phải ngon hơn rất nhiều so với cao lương mỹ vị đầy những cholesterol khi anh đã no đủ và cần kiêng cữ! Nhưng điều đó chỉ đúng về mặt vật chất.

Riêng tôi, tôi cảm thấy những lúc đàn hát trong tù mới là những phút giây giải thoát cho chính mình giữa những hàng kẽm gai tường vây cao ngất và họng súng lưỡi lê lăm lăm ở xung quanh. Chúng tôi cảm thấy mình tự do tuyệt đối trong tâm tưởng và trong ngôn ngữ của âm nhạc, với những ý tửơng chân thực về thù, về bạn, khác hẳn nhau như loài ác thú với loài người hiền lương, được chúng tôi nói lên, hát lên, bày tỏ cho chính mình và cho anh em mình tất cả những uất hận, những yêu thương gia đình, những căm thù giặc cướp, chen lẫn những nỗi niềm khắc khoải vì nợ nước, thù nhà… Khi đàn hát trong trại anh như đang ở một thế giới khác, chỉ có bạn mà không có thù… Và điểm khác biệt rõ nhất, là từ ngày sang Mỹ ít ai sáng tác được một bài tuyệt vời như những bài tù ca đã già mấy chục năm nay….

T.Vấn:

Thưa chị Minh Hòa, là một người hát “chuyên trị” Tù Khúc, chị đánh giá như thế nào về giá trị những bài tù khúc – hãy chỉ gói gọn ở những tù khúc chị đã từng hát qua – về mặt nghệ thuật? về mặt chứng nhân lịch sử?

Minh Hoà:

Xin thưa tôi không hẳn “chuyên trị” tù khúc, nhưng những bài tù khúc đối với tôi luôn luôn là những tiếng lòng chân thật của các anh, cho nên câu chữ nhiều khi chẳng khác những loại nhạc khác bao nhiêu, nhưng nghe xốn xang và xúc động vô cùng, tôi không giải thích được. Chỉ xin ví dụ, câu hát “đêm qua nhớ em, anh mơ bông hồng mọc trên sỏi đá…” trong bài Giọt lệ đen của anh Trọng-anh Nho. Tôi vừa hát lần đầu là bật khóc liền. Sao vậy? Tôi không rõ! Không phải nhạc của anh Việt nhưng nghe ra như lời tình tự của chính người yêu mình từ nơi tù đày thăm thẳm gửi về mình nỗi nhớ nhung chân thật, và tôi đón nhận như một cảm nghiệm khác thường, thật lạ kỳ, tôi không thể hiểu tại sao… Tương tự như vậy, bài nào cũng gây cho người hát, người nghe niềm xúc động khác thường, mà những loại nhạc khác, có thể mang nét kỹ thuật cao hơn, nhưng không thể xúc động và thấm thía bằng những bản tù ca.

Nguyễn Tiến Việt:

Tôi xin tiếp lời nhà tôi để trả lời anh Vấn. Thưa anh và các bạn. Tù khúc đã ghi lại những đoạn đời lao nhục của cả một dân tộc, của những con người cốt cán, những đốt xương sống của xã hội và xứ sở miền Nam. Tù khúc ghi lại dữ kiện sử liệu thật chân thực, đó là những sự kiện và tâm tình giữa môi trường khủng bố vô pháp vô thiên, nếu lộ ra là có thể mất mạng, nên phải là những điều chân thực mà chỉ những chứng nhân mới cảm nhận và nói lên được. Anh em có nghe “Chúa nhật của người tù”của Trần Ngọc Phong thì thấy rõ những dữ liệu lịch sử trong tù khúc mà không đâu có. Hay tâm tình quanh “viên đạn cũ” trong bài hát cùng tên. Hay câu hát “Như hạt sương biên thuỳ, chảy qua rừng thành con suối mát…” của Trọng Minh-Lê Xuân. Hay “Người hôm mai nhặt từng hạt sương, gom vào giờ phút tương phùng” của Lê Xuân-Phạm Thiên Tứ. Và “Trời không mưa mãi đâu em, em đừng sợ ta lỗi hẹn” khi Đoàn Khôi hẹn ngày đoàn tụ… Rồi “trông núi đã mòn; trông em héo hắt, nhìn con đến thì; bên ngoài đời vẫn trôi đi, riêng ta đứng mãi giữa miền trầm luân”… Lại còn những vần thơ hùng tráng của “Nhà Thơ Sắn”: “Sắn đời đời sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta… Hảy đánh lên cho bật gốc – Nổi lửa đốt cho sạch” mà khiến chảy nước mắt rồi bật cuời! Có nơi nào có được những tâm tư, hình ảnh, trạng huống và những câu chuyện đó không? Không. Đó chính là tính cách lịch sử của tù khúc. Phải chân thực, độc nhất, không vay mượn tâm tình, mới đủ tư cách lịch sử…

T.Vấn:

Anh Nguyễn Tiến Việt , người viết và hát tù khúc, đã nhấn mạnh tính cách lịch sử, giá trị không thể phản bác của Tù Khúc. Vì những gía trị này, mà như tôi được biết, trước đây cũng đã có nhiều anh em tác giả tù khúc cố gắng tìm mọi cách nhằm sưu tập, bảo tồn những tác phẩm đã một thời là máu thịt, là niềm kiêu hãnh của anh em chúng ta. Là một trong những người có tâm huyết nhất, anh Việt có biết những nỗ lực ấy đạt được đến đâu không? Và anh nghĩ sao về chuyên mục Tù Khúc trên trang TV&BH? Nó có đáp ứng được nhu cầu chung của anh em không? Chúng ta cần làm gì để có thể sưu tập được nhiều hơn nữa những bài tù khúc mà các anh em mình đã một thời hát vang trong khắp các nhà tù từ Nam ra Bắc?

Nguyễn Tiến Việt:

Tôi không dám nhận là người có tâm huyết nhiều nhất, vì tôi được biết nhiều anh em mang tâm huyết sâu nặng hơn tôi, nhưng dù các anh ấy nỗ lực rất nhiều, công trình tâm huyết cũng chỉ phổ biến quanh anh em bạn tù và bạn tù khúc khi xưa. Một vài ví dụ là Trần Lê Việt, Đoàn Khôi, Trọng Minh… Trần Lê Việt có thêm vài sáng tác nhạc phổ thơ, và có thâu một CD rất chuyên nghiệp, chịu tốn kém trong hoàn cảnh khó khăn. Đoàn Khôi viết lại tất cả những tù khúc của anh em Xuân Lộc, anh tự viết hoà âm, tự đệm và hát để thu vào CD, rồi gửi tặng anh em để mỗi người giữ lấy kỷ niệm của một thời hiên ngang trong cùm xích quân thù… Trọng Minh viết đi viết lại tù khúc của mọi người, thu âm bằng tiếng đàn tiếng hát của chính anh để lưu giữ tù khúc cho mọi người, sợ mai một đến nơi… Những anh bạn đó mới có những công trình tâm huyết sâu nặng rất nhiều… mà khó có người biết đến.

Tới khi anh Vấn giới thiệu trang Web TV&BH, tôi mới vui mừng thấy đó đúng là một phương tiện thích ứng với thời đại ngày nay mà tôi, là người không thể thiếu internet trong công việc hằng ngày, đã không nghĩ ra và cũng không đủ tài năng để làm được như Trương Vấn. Chỉ mong mỗi người biết đến trang Web này đều tích cực quảng bá nó để những anh em sáng tác và trình diễn tù khúc, tù ca ở khắp nơi cũng tìm đến đóng góp phần mình, càng lâu sẽ càng có tác dụng truyền bá nhanh chóng theo cấp số nhân, nếu mỗi người trong chúng ta đều gắng sức tìm tòi thêm tác giả và tác phẩm, phổ biến công trình của Vấn và của chung anh em cho rộng rãi, nên tôi hy vọng ở sự quảng bá những tù khúc lịch sử này sẽ phát triển theo cấp số nhân… hay cấp số luỹ thừa?!

Mong thay!

clip_image003

Nguyễn Tiến Việt – Minh Hòa (cao nguyên Colorado 2012)

T.Vấn:

Xin thay mặt nhóm anh em thực hiện chuyên mục Tù Khúc của trang T.Vấn & Bạn Hữu cám ơn chị Minh Hòa và anh Việt Long đã hết lòng giúp đỡ chúng tôi trong thời gian thực hiện giai đọan đầu, giai đọan cơ bản nhất của việc sưu tập, giới thiệu và lưu trữ Tù Khúc, nay lại dành cho chuyên mục buổi nói chuyện thú vị này. Chắc anh chị cũng đồng ý, Tù Khúc là di sản chung của thế hệ chúng ta, thế hệ của chiến tranh, tù đày và lưu vong. Mọi nỗ lực nhằm bảo tồn di sản ấy, là trách nhiệm và cũng là thành tựu chung của mọi người. Những gì chúng ta làm được ở đây, đều còn rất nhỏ bé, hiển nhiên cần sự tiếp tay thêm của anh em chúng ta. Tôi được biết, một trong những dự định của anh chị là sẽ tìm thì giờ thu âm tiếp những bản tù khúc anh chị có trong tay. Khi nào anh chị hòan tất, hy vọng chúng ta lại sẽ tiếp tục công việc dang dở. Lời kêu gọi này cũng xin được gởi đến tất cả anh em ở khắp nơi, hãy góp sức bảo tồn di sản Tù Khúc, và hãy làm ngay hôm nay trước khi quá muộn. Trang T.Vấn & Bạn Hữu đã sắp xếp xong nhân sự trách nhiệm, để tất cả những gì chúng ta gom góp được hôm nay, sẽ vẫn còn đó, vẫn được ưu ái chăm sóc, kể cả khi không còn một ai của thế hệ chúng ta sống sót trên mặt đất này.

Thực hiện Tháng 9 năm 2012

T.Vấn & Bạn Hữu

 

 

 

 

©T.Vấn 2012

Bài Mới Nhất
Search