T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Thảo Nguyên: Xuân Tạ Ơn Người

ta on doi

Ảnh-Lưu Na

 

                                                                                  Thương tặng Bùi thị Nhẫn Thương

 Người Việt tha hương ai mà không nhớ mùa xuân một chín bảy lăm. Đó là mùa xuân buồn thảm, tan vỡ và phân ly. Một mùa xuân đánh dấu  sự sụp đổ của chế độ tự do để thay thế bằng  một chế độ mà nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên đã viết rằng :

Tình đã đến trong những ngày địa ngục.

Trong những ngày cướp của sát nhân

Trong những ngày nhãn hiệu nhân dân

Dán bừa bãi lên những hành vi bạo ngược .

Cả một trời thơ và mộng không còn nữa. Em đã bỏ chiếc áo dài trắng học trò dưới đáy rương và sân trường  vắng tiếng nô đùa để đi ra nông trường  đào kinh, cuốc đất. Cả một nửa nước vừa mới đây rộn rã tiếng cười mà chỉ trong mấy ngày cuối tháng Tư đã chìm sâu trong nỗi lo âu lên từng mỗi con nguời.

Nhưng đối với những chàng trai trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa  thì mùa xuân 1975 còn mang một ý nghiã khác, đó là  mùa Xuân tạ ơn người. Tôi muốn nói đến những nỗi truân  chuyên, đau khổ của những bà vợ trẻ người lính Việt Nam Cộng Hòa khi ấy.

Người đàn bà Việt Nam hy sinh và chịu đựng. Nàng sinh ra để lo cho cha mẹ, chồng con. Đã có biết bao nhiêu văn nhân , thi sĩ thời danh trong văn học  viết lên điều này. Ta hãy nghe  thi sĩ Hồ Zếnh  nói về cô gái Việt Nam.

Cô gái Việt Nam ơi.

Từ thuở sinh ra đã khổ rồi

Tôi muốn nam vàng muôn khổ cực.

Cho lòng cô gái Viêt Nam tươi

Xa hơn nữa, hơn nửa thế kỷ trước nhà thơ Trần Tế Xương cũng đã viết về người vợ đảm đang, khốn khổ của mình

Quanh năm buôn bán ở mom sông

Nuôi nổi năm con với một chồng

Lặn lội thân cò khi quãng vắng

Eo xèo mặt nước buổi đò đông

Nhưng cô gái trẻ thời ông Tú Xương, đi về nhà người ta làm vợ, thành những bà mẹ Việt Nam, hy sinh lặn lội nuôi chồng tuy có khổ cực nhưng được sống trong  thanh bình, vẫn đuợc ngợi ca. Khác hẳn với những cô gái trẻ làm vợ, trở thành bà mẹ Việt nam sau năm1975. Cũng lặn lội thân cò nuôi con nuôi chồng  nhưng bị bạc đãi, kỳ thị và khinh rẻ bởi một chế độ quái đản phi nhân như Cộng Sản. Tuy vậy, những nàng dâu của quân đội miền Nam vẫn đi trọn vẹn con đường làm vợ, làm mẹ của mình  dù  trải qua bao nhiêu chông gai trên dòng đời Xã Hội Chủ Nghiã Việt Nam. Nàng  đã đi vào văn học sử  với những dòng thơ.

Nàng về tắm lại dòng sông mộng

Giặt áo chàng phơi dưới nắng mơ

Sông nước miền Nam dù biến đổi

Nàng dâu năm ấy  vẫn là thơ

Tôi có một anh bạn thân, di tản từ miền Trung về đến Sài gòn. Sau 30 tháng Tư, mời tôi đến nhà mừng anh cưới vợ. Cô dâu vừa tròn mười tám tuổi. Ngày cưới anh chàng vẫn mặc quần đùi, bận bịu cùng người nhà nấu nướng. Cô dâu cũng chẳng hơn gì. Khi giới thiệu chàng và nàng cùng hai họ, cô dâu chỉ mặc một chiếc áo dài trắng  còn thêu tên một trường nữ trung học ngoài Đà nẵng. Mười ngày sau, anh lên đường đi cải tạo. Tình yêu của họ đáng thương hơn cả người chiến sĩ chống Pháp Hữu Loan ngày trước. Tôi xin sửa vài chữ  trong bài thơ Màu tím hoa sim cho hợp với tình cảnh của anh

Nàng cười xinh xinh

Bên anh chồng thua trận

Chàng  ở miền Trung  về.

Cưới nhau xong là đi.

Từ trại tù xa..nhớ về ái ngại.

Lấy chồng đời tù binh

Mấy người đi trở lại

Ngày xưa Hữu Loan cưới vợ xong thì đi chiến đấu. Bây giờ anh bạn tôi cưới vợ xong là khăn gói vào tù. Ai đau đớn hơn ai. Trong tù tôi thấy anh ngồi bó gối im lặng, thỉnh thoảng kéo một hơi thuốc lào vang sòng sọc. Một năm sau địch đưa chúng tôi ra Bắc. Thôi thế là xong. Tôi nghĩ mà thương cho mối tình của hai người thật là ngắn ngủi. Nhưng mà tôi đã lầm lẫn lớn, bởi vì mấy năm sau khi kẻ thù cho thăm nuôi, anh bạn tôi đã sung sướng hãnh diện được cô vợ trẻ lặn lội từ Nam ra Bắc, săn sóc lo lắng tận tình. Chị vẫn giữ đựơc tấm lòng thuỷ chung son sắt, vẫn đi qua được những cám dỗ của cuộc đời đầy những nhiễu nhương bất trắc.

Hơn sáu năm sau anh bạn tôi mới trở về. Hai vợ chồng chung lo cuộc sống. Chị không quản ngại lo lắng đỡ đần mỗi khi anh trở bệnh. Căn bệnh mà Cộng sản thân tặng cho anh với những tháng ngày đói ăn mà làm cho kiệt sức. Bây giờ nơi đất lạ, anh chị đã có ba cháu rất ngoan. Chị trông rất trẻ khác hẳn với anh già yếu hom hem nhưng chẳng hề gì, cuộc sống của họ vẫn vô cùng hạnh phúc. Mỗi lần tâm sự với tôi anh thường bảoXin cảm ơn người vợ Việt Nam. Nếu không có phong tục văn hóa phương Đông mà chị đã thấm nhuần từ khi khôn lớn, thì gia đình anh khó có ngày hạnh phúc như hôm nay.

Ta hãy nghe dòng thơ của một anh chàng cải tạo viết tặng vợ hiền:

Có những nàng dâu hiền năm ấy

Một thời son trẻ tặng cho chồng

Gánh gạo nuôi anh,  ngừơi chiến bại .

Má hồng phai sắc, chẳng phai lòng

Còn một anh chàng nữa tôi quen, là dân  Biệt Động Quân của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Chị thương anh  vì những câu thơ tình cờ đọc ở trên báo ngày xưa.

Đòan chiến sĩ mũ nâu

Lùng giặc giữa rừng sâu

Quên đi mùa xuân đến

Hoa mai nở trên đầu

Cái hình ảnh lùng giặc giữa rừng sâu  quên cả mùa xuân đến của anh  làm chị thương thương quá. Gặp gỡ rồi yêu nhau. Đám cưới của họ hoãn đi hoãn lại mấy lần vì đến ngày cưới rồi mà  tiền đồn của chàng bị địch quân vây chặt, trực thăng không thể đáp xuống để mang chú rể đến với cô dâu. Rồi cũng có một ngày chàng được trở về. Ngày cưới đúng y chang như trong thơ Hữu Loan  thời đi kháng chiến.

Ngày hợp hôn..

Nàng không đòi may áo cưới

Chàng mặc đồ quân nhân

Đôi giày đinh bết bùn đất hành quân.

Nàng cười xinh xinh

Bên anh chồng  Biệt động.

  Năm ba tháng một lần gặp nhau cho đến ngày buông súng thì họ đã có hai con. Trình diện vào tù  anh để lại cho người vợ hiền hai đứa con nhỏ dại. Đứa thứ nhất mới hơn một tuổi và đứa thứ hai vừa tròn hai tháng. Chị đi dạy học ở xa nhà nên phải gửi hai con cho nội, ngoại, cuối tuần mới được gặp con. Trăm thứ khổ đổ lên đầu người cô phụ. Ở trường bọc cán bộ miền Bắc lên lớp, nhiếc móc hàng ngày. Bọn giáo sư nằm vùng ghen ghét vì chị là vợ sĩ quan Biệt Động Ngụy. Bà mẹ chồng hoài nghi  mai mỉa. Có một anh chàng  kỹ sư  cầu cống còn rất trẻ, thông cảm và xót xa cho hoàn cảnh chị, đem lòng yêu thương muốn bảo bọc  cả ba mẹ con và toan tính vượt biển ra đi.

Chị vẫn lắc đầu chờ đợi chồng về, cho dù người đi không hẹn ngày trở lại. Chàng tuổi trẻ đành vượt biển một mình nhưng vẫn không quên người thiếu phụ yêu dấu ở quê nhà. Chị càng trung trinh chờ đợi, càng làm người yêu chị mê say. Những lá thư hối thúc hứa hẹn đôi lúc cũng làm chị xiêu lòng. Giữa  lúc tâm hồn mềm yếu nhất thì may thay anh được trở về. Chị mừng hơn anh tưởng  vì chính ngày về của anh đã cứu chị thoát khỏi sự sa ngã của cuộc đời. Hai vợ chồng toan tính chuyện ra đi ngay sau đó .

Nhưng định mệnh vẫn còn đeo đuổi và thử thách chị. Chuyến đi chỉ thành công một nửa. Chị và một đứa con thoát được lên tàu trong khi anh và đứa con khác  còn lại trên bờ. Thôi thế là xong, ngàn trùng xa cách. Thuở ấy năm 1981, giữa Mỹ với Việt nam cách nhau như thiên đàng và địa  ngục, mong gì còn gặp lại. Nhất là  anh chàng  kỹ sư trẻ tuổi yêu chị ngày xưa, vẫn chờ vẫn đợi sẵn sàng  đón chị về dinh .

Thế nhưng thời gian và thử thách không hề làm chị thay lòng. Ba năm sau chị và đưá con trai lớn hân hoan đón chồng và đưá con thứ hai đoàn tụ. Sau nhiều lần vượt biển gian nguy, cuối cùng anh tìm được vợ hiền. Sáu năm anh ở tù và ba năm xa cách, như thế vợ chồng anh chị đã chia lìa hết chín năm. Rồi họ  có thêm một cô con gái nữa. Bây giờ tóc cả hai đã bạc. Anh thuờng ngâm nga những vần thơ tặng chị.

Xin một phút giây trong dĩ vãng

Để nhìn mái tóc mượt nhung xưa

Xin viết ngàn câu thơ lãng  mạn

Để thương mái tóc bạc bây giờ.

Hạnh phúc ngay trong tầm tay. Hạnh phúc quẩn quanh đâu đó trong gia đình anh chị, nào phải tìm đâu xa. Xin tạ ơn nàng.

Lại còn một câu chuyện nữa mà tôi muốn kể. Đây là chuyện thực mà nghe như tiểu thuyết. Nói theo kiểu của Xã Hội Chủ Nghiã Việt Nam bây giờ là bởi vì nó lãng mạn cực kỳ.

Chàng và nàng không chơi tìm bạn bốn phương, không có email như bây giờ để mà có cảnh “You,re got mail”. Chỉ là một bài thơ mà chàng đọc được trong thư viện của một  quân trường đại học trên đất Đà Lạt mù sương  rồi anh cố tìm đến người viết những dòng tình thơ đó. Họ gặp nhau sau nhiều tháng gian nan tìm kiếm ở Sai Gòn. Sau đó chàng tốt nghiệp xuống núi đi vào nơi lửa đạn như bài hát trữ tình của cụ Phạm Duy.

…Anh sẽ ra đi về miền cát trắng, nơi có quê hương mịt mờ thuốc súng. Anh sẽ ra đi về miền mênh mông…Anh sẽ ra đi chẳng mong ngày về.

Nơi thủ đô cô nữ sinh Gia long vẫn đợi. Chàng đi xuyên suốt mùa chinh chiến cho đến ngày buông súng rồi đi thẳng vào trại tù cộng sản. Chao ôi đau đớn quá. Tưởng có ngày vinh quang “gìặc tan đón em về” nào ngờ giặc tan anh đi cải tạo. Thế mà người con gái Việt Nam vẫn chờ vẫn đợi, vẫn thăm nom an ủi anh trong những bước bần cùng. Hơn một năm sau chàng trai vượt ngục vì không chịu nổi những phét lác, phỉnh phờ của người Cộng Sản. Chàng và nàng hội ngộ trong nỗi phập phồng lo sợ không có ngày mai. Chàng chỉ muốn trở về để từ giã nàng lần cuối để lên đường đi chiến đấu, vì biết rằng lần đi này sẽ không bao giờ trở lại.

Để xác định lòng chung thuỷ của mình nàng muốn hai người làm lễ thành hôn. Họ là người có đạo nên phải tìm một vị linh mục ban cho bí tích hôn nhân. Đám cưới chui vừa lãng mạn lại vừa bi thảm. Nó là một bi kịch mà chỉ ở Việt Nam Xã Hội Chủ Nghiã mới sản sinh ra được. Thuở trước tôi  có coi phim  Africa Queen do Katherine HepburnHumphey Bogart thủ vai chính trong đó  có cảnh hai người trước khi bị quân Đức xử tử, xin kẻ thù cho đuợc cử hành lễ cưới để thành chồng vợ. Bấy nhiêu thôi đã làm tôi xúc động. Nhưng đó là chuyện trong phim. Gìờ đây là chuyện thật của chàng trai Việt Nam thời chiến và cô gái  học trò Gia Long. Sống động và  bi thảm hơn nhiều.

Nhưng chuyện  không dừng ở đó. Tôi muốn kể thêm đọan cuối cho đẹp lòng người đọc. Chàng  đi vào rừng nhưng không gặp được những người đồng chí, đành lầm lũi quay về tìm con đường khác ở một miền ven biển. Đêm cuối cùng rời khỏi Việt Nam chàng bế nàng lội qua những vũng lầy, đặt nàng vào con thuyền mong manh trong biển Đông dậy sóng. Họ đến được bờ biển Nam Dương  năm ngày sau đó. Còn chiếc thuyền hoa nào hạnh phúc hơn chiếc thuyền vượt biển của đôi uyên ương mà tôi vừa kể. Xin cảm ơn nàng  với những dòng thơ.

Biển dâu thay đổi đời đen trắng

Nàng dâu năm cũ vẫn bên chồng

Vẫn mơ giặt áo trên sông mộng

Để nhớ vườn dâu kỷ niệm hồng

Mùa xuân đã đến đây rồi. Mùa xuân này nhớ đến giọt nước mắt của mùa xuân trước. Những mùa xuân đày đọa quê hương, đọa đày em tôi, mẹ tôi trong lầm than cùng khổ. Xin tạ ơn em, tạ ơn  bà mẹ Việt nam đã gìn giữ cho tôi có một mái ấm gia đình. Đó là một nền tảng vững chắc cho đất  nước  và những thế hệ mai sau.

                                                                       Thảo Nguyên

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2017

Bài Mới Nhất
Search