T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Vương Trùng Dương: Lê Phi Ô & Tuyển Tập Thơ – Truyện – Hồi Ký Chiến Trường: Tiếng Gọi Việt Nam

clip_image002

(Nhân ngày Quân Lực 19-6)

 

“Mười hai năm lính, bảy năm tù

Hai mốt năm một cuộc bể dâu

Tánh Linh, Hoài Đức rừng Xuân Phước

Lính trận, tù binh bạc mái đầu!…”

(Tiếng Gọi Việt Nam)

Bài thơ Tiếng Gọi Việt Nam gồm 28 câu mở đầu ở phần I Những Bài Thơ cũng là tựa đề cho tuyển tập Thơ – Truyện – Hồi Ký Chiến Trường của Lê Phi Ô.

Tác phẩm dày 230 gồm hai phần: Thơ (29 bài và các bài thơ của thân hữu) & Truyện, Hồi Ký. Vừa ấn hành vào tháng 5/2021.

Lê Phi Ô xuất thân Khóa 15 Trường Bộ Binh Thủ Đức, ra trường học khóa Căn Bản Tình Báo tại trường Quân Báo Cây Mai và về tiểu khu Phước Tuy. Từ chức vụ Trung Đội Trưởng đơn vị Quyết Tử thuộc Phòng Nhì tiểu khu đến khi đảm nhiệm Tiểu Đoàn Trưởng TĐ Địa Phương Quân, suốt năm tháng trong quân ngũ ở đơn vị tác chiến. Và, hình ảnh đó thể hiện qua dòng thơ:

“Ta từng có một thời làm lính trận

Súng đạn, ba-lô trĩu nặng đôi vai

Tuổi đôi mươi sá gì đời sương gió

Mộng sông hồ cho thỏa chí làm trai

… Rồi từ đấy đi vào miền gió cát

Mảnh chinh y thấm máu bạn, máu thù

Có những lúc dừng quân nơi lũng thấp

Tiễn bạn mình vào chốn nghỉ thiên thu!”…

(Một Thời Lính Trận)

“Núi biếc hành quân săn lùng địch,

Rừng sâu vực thẳm vượt Trường Sơn.

Ghìm súng mắt trừng đêm xung kích,

Chiến lũy, hào sâu xác địch phơi.

… Mỗi bước giày saut sông núi gọi,

Đêm kích mơ về phố thị xa”…

(Chiến Sĩ Ca)

“Tết tiền đồn lương khô thay bánh mứt

Bàn thờ cha bằng thùng đạn pháo binh

Bình vỏ đạn cắm đầy hoa cỏ dại

Tấm lòng con trong thời buổi đao binh.

… Đời lính chiến chẳng màng gì danh lợi

Trĩu đôi vai gánh vác nợ sơn hà

Mơ ước một ngày thanh bình muôn lối

Khắp thôn làng rộn rã khúc hoan ca”…

(Tết Tiền Đồn)

Là người lính chiến không nề gian lao nguy hiểm khi dấn thân bảo vệ quê hương. Nhưng, nỗi đau của người lính vào sinh ra tử trong bom đạn đối diện với quân thù vào thời điểm tang thương. Vào những ngày chót, Tiểu Đoàn của anh với 3 Tiểu Đoàn bạn và 2 Đại Đội Trinh Sát đã đương đàu chống trả với Sư Đoàn CS Bắc Việt được tăng cường 24 Tanks T54 và Trung Đoàn Pháo tiến vào thị xã La-Gi. Những người lính ĐPQ đã đánh một trận để đời vào đêm 23 tháng 4 năm 1975, để rồi gãy súng tan hàng… Qua bài Cuối Cùng gởi người bạn:

“Tháng Tư giặc xua quân đánh chiếm

Đốt ruộng vườn nhà cửa xác xơ

Trung đoàn giặc tràn qua thôn chín

Xác mẹ già xen lẫn trẻ thơ.

… Trước mặt tao trung đoàn Quyết Thắng

Sau lưng tao trung đoàn Sông Mao

Xác bạn, xác thù thây chất đống

Thịt da người tan tác binh đao”

Cũng như những chiến hữu QLVNCH khi Cộng quân cưỡng chiếm miền Nam VN:

“Con biệt giam tại khám lớn Chí Hòa

Ba tháng gông cùm đòn thù nghiệt ngã

Lời mẹ dặn con một lòng một dạ

Ngẩng cao đầu trước nòng súng địch quân

Bảy năm khổ sai sức kiệt thân tàn

Tù Suối Máu – Ngục kiên giam Xuân Phước

Đồng đội con những nấm mộ không tên

Manh chiếu rách kéo lê ra nghĩa địa

Con ra tù sống lang thang Bà Rịa

Gánh cá thuê, đội muối, ngủ đầu đường

Mẹ chết từ lâu mộ hoang cỏ dại

Ôm tấm bia con chỉ biết khóc thương”

(Mẹ Và Đời Tôi)

clip_image004

“Bao nhiêu năm sống nhọc nhằn quá đỗi,

Đói khát, tù đày, lao động “vinh quang”.

Nhiều năm trường ăn độn bắp, khoai lang,

Mầy vẫn sống vẫn mơ ngày quật khởi.

Rồi một đêm trong mịt mùng bão nổi,

Lặng lẽ xuống thuyền rời bỏ quê hương.

Mầy ra đi để lại chốn “thiên đường”,

Nơi thống trị của một bầy quái thú

… Nơi đất lạ vẫn hướng về quê cũ,

Nhớ súng gươm, bạn hữu, chiến trường xưa.

Nhớ những lần đuổi giặc suốt chiều mưa,

Và đêm đến vang pháo gầm xung kích”…

(Độc Thoại)

Và, giờ đây anh sống ở San Jose:

“Một mình gác vắng đìu hiu

Giường xô chiếu lệch buồn thiu chỗ nằm”

(Cõi Buồn)

“Giờ đây chỉ một mình ta

Cô đơn với bóng chiều tà quạnh hiu!”

(Quạnh Hiu)

Không lẽ quãng đời còn lại với tháng ngày lưu vong, qua những dòng thơ, anh trang trải tâm sự, nỗi niềm của mình với “người thơ” cho vơi bớt nỗi sầu xa xứ.

*

Phần II với Truyện & Hồi Ký. Trong những mẩu truyện với tôi (tác giả) lặn lội trên chiến trường với tâm hồn lãng mạn của người lính chiến qua những hình bóng theo từng dấu chân trên chiến địa.

Trong bài thơ Mẹ Và Đời Tôi, tác giả khái quát quãng đời của mình, “Quê tôi tận xứ Huế xa xôi, thời chiến tranh Việt Pháp, Việt Minh Liên Khu 5 muốn mời ba tôi tham gia kháng chiến. Ba tôi từ chối nên phải trốn một mình vào Sài Gòn lúc đó tôi mới 2 tuổi, và cả hai mẹ con tôi bị Việt Minh giữ làm con tin trong vùng rừng núi Quảng Nam. Đến năm tôi 10 tuổi hai mẹ con tôi trốn thoát được, dìu dắt nhau vào Sài Gòn tìm cha. Vài năm sau cha tôi chết, mẹ và tôi sống nhờ vào nhà của người quen… cho đến ngày tôi vào lính”… (Vong Quốc). Anh sinh ra ở Nam Ô, tây bắc Đà Nẵng nên tên của anh với địa danh nầy.

Đề cập đến Hồi Ký Chiến Trường của Lê Phi Ô, không thể tóm lược cốt truyện vì nó xảy ra liên quan đến tác giả, đơn vị và diễn biến trong chiến trận. Vì vậy chỉ trích đoạn những điểm chính được ghi nhận.

Tác phẩm Chiến Tranh & Hòa Bình, bộ tiểu thuyết sử thi của văn hào Nga Lev Tolstoy. Đây là kiệt tác được đánh giá là một trong những tiểu thuyết vĩ đại nhất của văn học thế giới. Cùng tựa đề nầy, trong bài viết Chiến Tranh & Hòa Bình, Lê Phi Ô viết về những trận đánh hào hùng của Tiểu Đoàn 344 ĐPQ vào đầu năm 1973 ở mặt trận Tánh Linh, mặt trận Hoài Đức để đối đầu trực tiếp với Cộng quân với quân số đông hơn.

Trong Mùa Xuân… Lá Khô, tác giả viết không thuần túy về chiến trận mà đề cập đến cuộc tình đau thương

“Tiền đồn heo hút Gia Huynh ranh giới của tỉnh Long Khánh và Bình Tuy… Tiền đồn Gia Huynh với một Đại Đội ĐPQ cùng bộ chỉ huy nhẹ Tiểu Đoàn nằm trên TL333, nối liền xã Gia Rây thuộc tỉnh Long Khánh và quận Hoài Đức (Võ Đắt) thuộc tỉnh Bình Tuy, con đường duy nhất để người lính nhận tiếp tế vài tháng một lần từ BCH/TK Bình… Do đó đã xảy ra nhiều trận đụng độ giữa ta và địch. Thỉnh thoảng Việt Cộng mở những trận phục kích đoàn xe tiếp tế của ta, đồng thời phá cầu, đắp mô để cắt đứt lưu thông và cô lập hai quận Hoài Đức và Tánh Linh.

… Buổi trưa, đang ngồi chơi với vài anh em ở vọng gác cổng chính thì một tiếng nổ long trời từ hướng “Cầu số 10” vọng lại, chắc là một chiếc xe đò nào đó cán mìn của Việt Cộng gài…

Một cảnh tượng đau thương hiện ra trước mắt, chiếc xe đò bẹp dúm và tan nát như một đống sắt vụn vẫn còn đang bốc khói và âm ỉ cháy, vật dụng buôn bán như thúng, rổ và các thứ khác nát bét, văng khắp nơi. La liệt những xác người có cái không toàn thây, có xác còn nguyên và có cái nát bấy nằm trên vũng máu… Những cảnh tượng kinh hoàng và dã man nầy tôi đã nhiều lần chứng kiến nhưng lần nào cũng làm cho tôi bị “shock” nặng, thần kinh hầu như tê liệt, liền theo đó là thái dương co giật liên hồi và một luồng máu nóng dồn lên mặt, thật đáng ghê tởm cho bọn người mang danh “giải phóng”…

Trận chiến xảy ra: “Địch rút lui để lại nhiều vũ khí và xác chết của đồng bọn rải rác quanh đồn. Phía ta có 5 binh sĩ tử thương và 25 người bị thương nặng và nhẹ trong đó có Thiếu Úy Thịnh, “thằng em” thân thiết của tôi”…

Một mình trong quán café vắng vì chiến trường còn đang bốc khói nên chủ quán chưa dám buôn bán, tôi soát trong ba-lô xem đồ đạc của Thịnh có những gì: vài gói Capstan, một ít vật dụng cá nhân vặt vãnh, một cuốn nhật ký. Tôi vừa cầm lên thì một tấm hình rớt ra, hình của một cô gái còn rất trẻ với gương mặt đẹp, mái tóc dài buông lơi và đôi mắt… buồn thăm thẳm, chiếc áo dài nữ sinh ôm gọn thân hình đều đặn gợi cảm… đẹp quá!

Lật phía sau, một hàng chữ nét mực học trò: “Forget me not”, Lan Anh, Gia Định 27-1-1973. Phía dưới ghi: Địa chỉ 64/3 Phan Văn Trị, Gia Định. Thì ra, cô bồ của Thịnh tên Lan Anh. Thằng nầy quá tốt số! Nhìn kỹ tấm hình, tôi thấy Lan Anh có nét quen quen hình như có gặp ở đâu đó. Cố moi trong ký ức nhưng tôi không thể nào nhớ ra được!

Bỗng nhiên như có một dòng điện cực mạnh chạy dọc theo xương sống! Tôi chụp vội ống liên hợp của máy truyền tin gọi “đài tiếp vận” ở núi Chứa Chan, Gia Rây. Qua một thời gian lâu chờ đợi đài tiếp vận nối kết nhiều nơi… Cuối cùng đầu máy bên kia lên tiếng… Phân chi khu trưởng Gia Rây cho biết trong số nạn nhân tử thương bị VC đặt mìn có Nguyễn Thị Lan Anh…

“Tôi chết lặng…! Ống liên hợp máy truyền tin AN/PRC25 rời khỏi tay tôi rơi xuống đất vang lên một tiếng khô khan. Mắt tôi tối sầm lại… Hình ảnh Thịnh, rồi Lan Anh lướt thật nhanh trong đầu tôi…!

Ngoài kia, nơi khoảng đất trống trước cổng đồn, năm xác chết của đồng đội tôi được gói cẩn thận trong những chiếc poncho. Cạnh đó không xa… xác của những người anh em “sinh Bắc tử Nam” được xếp thành một hàng dài ngay ngắn!

Trong bài Chiến Sĩ Vô Danh “Để nhớ lại TĐ344 ĐPQ với 33 ngày tử thủ tại Võ Đắt, quận Hoài Đức, tỉnh Bình Tuy tháng 12/1974”. Tác giả nói tình chiến hữu thật cao cả, và hình ảnh gia đình vợ lính theo chồng nơi chiến trượng thật cảm đông.

Tác giả viết: “Quận Hoài Đức là quận xa nhất của tỉnh Bình Tuy, cách tỉnh lỵ 80 cây số đường chim bay. Xung quanh quận lỵ là rừng cây bạt ngàn, phía đông bắc giáp với tỉnh Lâm Đồng toàn núi rừng của chặng cuối dãy Trường Sơn thuận lợi cho việc che dấu và tiến sát các đơn vị lớn Việt Cộng mà máy bay quan sát khó phát hiện. Những cuộc hành quân lục soát đã khám phá nhiều dấu vết địch cấp trung đoàn. Tôi cho vài người lính Thượng (sắc tộc Man), giả dạng dân làm rừng, xâm nhập những vùng nghi ngờ có địch để thám sát nhưng những người lính nầy ra đi không về! Những cuộc chuyển quân của Ta và Địch làm cho người dân đoán biết được tình hình rất nghiêm trọng nên gồng gánh ra đi bằng nhiều phương tiện khác nhau. Đêm 25 tháng 12 năm 1974, chi khu Tánh Linh, cách Hoài Đức 15 cây số về hướng đông nam, thất thủ sau hai tuần lễ kháng cự.

Chi khu Hoài Đức suốt tuần nay bị địch pháo bằng hỏa tiễn 107 ly và cối 82 ly, trung bình 500 quả một ngày. Pháo binh của ta chỉ phản pháo cầm chừng vì đạn khan hiếm. LĐ7BĐQ ở phía nam cũng chạm nặng với khoảng 2 Trung Đoàn Việt Cộng. Pháo đội 105 ly của PĐ trưởng Nguyễn Hữu Nhân thuộc TĐ181PB/SĐ18BB, tăng cường cho LĐ 7BĐQ đã phải dời vị trí nhiều lần. Cứ mỗi lần qua vị trí mới là vị trí cũ bị pháo tan nát.

… Sau khi Tánh Linh thất thủ, bọn Việt Cộng dồn cả lực lượng cấp sư đoàn tấn công LĐ7BĐQ và chi khu Hoài Đức do Tiểu Đoàn tôi tử thủ với quân số còn lại khoảng hơn 200 người. Trước trận đánh, vì Bình Tuy không đủ quân số nên xin tăng cường 2 Tiểu Đoàn ĐPQ. QĐ3 chỉ tăng cường một Tiểu Đoàn ĐPQ cho chi khu Tánh Linh từ Long An đến: TĐ335/ĐPQ, còn Tiểu Đoàn của tôi thì bổ sung quân số lên đến hơn 500 người lấy từ các Tiểu Đoàn khác trong tiểu khu. Xác chết Việt Cộng vì không ai chôn nên đã bốc mùi. Xác lính thì chôn tạm, phủ poncho. Thương binh còn kẹt lại khoảng 50 người vừa nặng vừa nhẹ, vì trực thăng vào vùng không được do phòng không Việt Cộng dày đặc và nhiều chuyến phải quay đầu lại vì phải ưu tiên cho mặt trận Phước Long. LĐ7BĐQ triệt thoái khỏi Hoài Đức như thế với Tiểu Đoàn ĐPQ của tôi còn lại hơn 200 người bị SĐ 6 Tân Lập VC, TrĐ812 Sông Mao và 4 TĐ Đặc Công 18, 19, 20 và 200C, bao vây tấn công ngày đêm”…

Trước lực lượng Cộng quân như vậy “Chúng tôi quyết định tử thủ”.

“Bọn Việt Cộng bắn như vãi đậu, tiếng hò hét xung phong man rợ. Anh em chúng tôi mắt mở trừng trừng, tay để sẵn cò súng nghiến răng… chờ giây phút sau cùng của đời mình sẽ đến! Bọn Việt Cộng vẫn chưa xung phong… Vài lần hò hét xung phong không có kết quả, bọn Việt Cộng nổi điên xung phong thật… Chiến trường bây giờ là địa ngục, là máu, là thịt xương vung vãi khắp nơi… Lần đầu tiên trong đời tôi nhìn thấy được địa ngục!

clip_image006

… Tôi vừa buông ống liên hợp thì tiếng kèn, tiếng hô xung phong của Việt Cộng vang trời xen kẽ với tiếng đạn nổ chát chúa long trời lỡ đất. Tiếng đạn đại bác tung cát bụi mịt mù… hình như cả ngàn quả nổ cùng một lượt nhưng không có quả nào lọt bên trong mà nổ phía bên ngoài hàng rào, nổ ngay trên tuyến của Việt Cộng. Trong cát bụi mịt mờ từng thân xác của bọn sanh Bắc tử Nam bị hất tung lên cao từng đợt, từng đợt, tiếng đạn đại bác nổ liên tục vào bọn Việt Cộng nghe ghê rợn hơn “lịnh xé xác” trong chuyện kiếm hiệp Kim Dung.

Hơn trăm mạng người còn sống sót của chúng tôi ngẩn ngơ quên cả bóp cò súng, giương đôi mắt nhìn một màn xi-nê sống động và hay hơn tất cả phim chiến tranh mà chúng tôi đã từng xem trước đây. Vì đây là cảnh thật chứ không phải trong màn ảnh, tiếng đạn đại bác vẫn nổ liên tục cho đến trưa… và, trong tiếng đại bác reo hò là tiếng máy bay oanh tạc phản lực nghe càng lúc càng rõ. Trên bầu trời những chiếc F5 quen thuộc xuất hiện như những thiên thần. Tiếng đại bác vừa ngưng là những F5 nầy chúi xuống thả từng cặp bom Napal trên đầu giặc, biến Võ Đắt thành biển lửa. Quân tử thủ chợt tỉnh cơn mê… há hốc rồi bỗng nhiên vỡ òa tiếng reo hò ầm ĩ: “Quân tiếp viện đến… Quân tiếp viện đến!”… SĐ 18BB vào tới. Nước mắt lưng tròng, hình như tất cả chúng tôi đều khóc! Những giọt nước mắt sung sướng lăn dài trên gò má rồi chảy xuống chiến bào đã khô cứng vì cát, đất và máu của đồng đội. Võ Đắt đã được hồi sinh sau 33 ngày sống trong địa ngục!

Tôi đi một vòng quanh tuyến phòng thủ, đứng nghiêm chào trên mỗi xác của đồng đội, ôm chặt hai vai hoặc nắm chặc bàn tay những anh em còn sống hoặc bị thương để nghe niềm xúc cảm dâng trào trong tim thay cho muôn vạn lời nói! Khi ngang qua một lô-cốt, tôi thấy bé Hạ ngồi khóc. Tôi hoảng hốt hỏi cô bé có bị thương không? Nó không nói mà đưa tay chỉ xuống hầm. Tôi chui vào, xác của hai chị vợ lính nằm kề bên nhau tay vẫn còn giữ chặt súng. Nhìn qua lỗ châu mai, khoảng cách gần, xác của 3 tên Việt Cộng bị bắn bể toang đầu. Nhìn lại thân xác các chị nằm đó như người đang ngủ say! Tôi đứng nghiêm chào và thầm nói: “Thưa các chị, xin các chị hãy yên giấc ngàn thu… Tổ quốc muôn đời mãi ghi ơn các chị! Trong trận chiến khốc liệt để bảo vệ sự an nguy, Tự Do, Hạnh Phúc cho người dân miền Nam nói chung, đồng bào Hoài Đức Bình Tuy nói riêng… sự hy sinh của các chị sẽ được ghi vào sử sách của những người lính không có số quân, và không có cả luôn 12 tháng lương tử tuất. Các chị đã nối bước tiền nhân, không hổ danh con cháu của Bà Trưng, Bà Triệu. Tôi xin đại diện cho những người còn sống hôm nay kính cẩn nghiêng mình trước vong linh của những Anh Hùng Liệt Nữ… vô danh. Xin ngàn thu vĩnh biệt!”. Nước mắt của tôi tự dưng trào ra…

Tôi bước ra khỏi hầm với gương mặt trầm buồn, nhưng tâm tư chất chứa niềm kiêu hãnh cho một thế hệ, bất kỳ Nam hay Nữ, đã và đang cống hiến cuộc đời và thân xác cho cuộc chiến chính nghĩa, bảo vệ sự an bình và tự do cho đất nước VNCH!”…

Trong bài Chiến Trường Bị… Bỏ Quên. Tác giả ghi lại thời điểm cuối cùng của năm 1975 khi “Đồng Minh Tháo Chạy” các đơn vị chiến đấu thiếu đạn dược, phi vụ yểm trợ, phi pháo để chống trả Cộng quân nên lâm vào tình cảnh:

Chi Khu Hoài Đức thất thủ 20/3/1975.

“Chi khu xin phi cơ oanh kích các vị trí Cộng quân nhưng QK3 trả lời không có. Pháo binh chỉ có 2 khẩu 105 ly với đạn dược thiếu hụt, so với Việt Cộng có cả một trung đoàn Pháo mặt đất và phòng không…

Suốt cả tuần chúng tôi xin viện quân, xin phi cơ tiếp tế đạn dược và lương thực, xin trực thăng tản thương, xin tiếp tế đạn pháo binh đã gần cạn… Tất cả đều được trả lời là không có!

… Lịnh cho các ĐĐ Trưởng kiểm soát lại súng đạn và lương thực. Lương khô chỉ đủ dùng cho một ngày, đạn dược thì có thể chiến đấu được vài giờ vì cả tuần nay không được tiếp tế, nước uống thì vô cùng thiếu thốn vì là mùa nắng nên các con suối đều cạn khô.

… Bất chợt mắt tôi cay cay, tôi cố làm một cử chỉ để xua đi nỗi buồn đang ập đến trong lòng! Súng M-16 của tôi còn được 2 băng đạn, khẩu Colt-45 còn đủ 7 viên, 6 viên để chơi với tụi nó, còn viên cuối cùng… tôi dành lại cho tôi!!

Hành Lang… Tử Thần…!

6 giờ chiều ngày 20 tháng 3 năm 1975, mặt trời đã xuống thấp sau ngọn cây, tiếng cuốc xẻng đào hầm của Việt Cộng từ xa vọng lại như tiếng cuốc đào huyệt mộ. “Đồ chết nhát” tôi nguyền rủa như vậy, bọn chúng ít nhất cũng hơn 4000 quân mà tôi chỉ còn lại trên 200 người với súng đạn, lương thực thiếu hụt… chúng lại sợ chết chưa dám tấn công liền.

… Đúng 7 giờ 30 chiều, trời đã nhá nhem, rừng núi bao trùm một màn sương mờ ảo, tôi cho lệnh bỏ đồi. Lợi dụng đường thông thủy được che kín bởi cỏ tranh tôi cho đơn vị trườn hàng dọc xuống đồi, băng mình qua rừng gai tre, nơi đây tôi đã cho tiểu đội thám báo ẩn mình từ đêm trước để theo dõi địch tình. Vừa đi vừa bò trong rừng tre sũng nước, chỉ một cử động vô ý gây tiếng động là địch sẽ biết thì chúng tôi coi như xong đời.

Gần 10 giờ đêm chúng tôi ra khỏi rừng gai tre, tôi cho lệnh tiểu đội còn lại trên đồi rút theo. Chúng tôi tiếp tục di chuyển về hướng sông La Ngà nghĩa là hướng về Long Khánh cũng là hướng lui binh của TĐ3/43/SĐ18BB.

… 7 giờ sáng bọn Việt Cộng lần theo dấu vết và theo kịp chúng tôi. Một cuộc chạm súng dữ dội xảy ra, chúng tôi vừa ném lựu đạn vừa lui dần, đôi lúc phải dùng cả súng. Cứ thế, ta và địch mất dấu nhau rồi lại gặp nhau cuộc chạm súng kéo dài cho đến trưa thì Việt Cộng bắt đầu pháo.

… Địch đã biết rõ chúng tôi là đơn vị di tản chiến thuật từ Võ Đắt về Bình Tuy cho nên chúng pháo chận đường. Nếu tiếp tục lộ trình này còn 40 cây số nữa và phải băng ngang khu Rừng Lá thì chắc chắn chúng tôi sẽ không còn sống sót để trở về dù chỉ một người… Để đánh lạc hướng địch, tôi lệnh cho ĐĐ1 bẻ góc 90 độ để ra Căn Cứ 2 cách đây hơn 10 cây số thay vì Căn Cứ 5 (từ Căn Cứ 1 đến Căn Cứ 4 thuộc Long Khánh, Căn Cứ 5 đến Căn Cứ 15 thuộc Bình Tuy, các căn cứ này nằm trên QL1). Đến 2 giờ trưa thì địch mất dấu chúng tôi, lúc 5 giờ chiều chúng tôi ra được Căn Cứ 2. Nơi đây dân số khoảng 10 ngàn người nhưng di tản hết chỉ còn lại vài trăm người. Tiểu Đoàn ĐPQ ở đây chỉ có 2 Đại Đội. Riêng Căn Cứ 1 và 3 đã lọt vào tay Việt Cộng mấy ngày trước. Tôi vào Căn Cứ gặp vị TĐ trưởng nhờ máy truyền tin có ANT-292 gọi về Trung Tâm Hành Quân tiểu khu Bình Tuy và tôi nhận được lệnh ngày mai sẽ có trực thăng bốc chúng tôi (được biết thêm, sau khi trực thăng bốc chúng tôi về Bình Tuy thì 2 ngày sau Căn Cứ 2 bị Cộng quân tràn ngập).

Trong bài Hành Trình Đến… Địa Ngục là thời điểm tháng 1/1975

“TĐ 344 ĐPQ của tôi chiếm giữ các điểm trọng yếu để ngăn đà tiến quân của Việt Cộng đồng thời bảo vệ đồng bào di tản cũng như bảo vệ Quân Cảnh làm nhiệm vụ tước khí giới những quân nhân thất lạc đơn vị, và bất cứ ai có vũ khí trong đoàn người di tản. Những đơn vị còn sĩ quan chỉ huy thì được giữ lại vũ khí và chờ lệnh QĐ III.

… Một đoàn người ước chừng 300,000 lôi thôi lếch thếch, đói khát, áo quần rách tả tơi trong đó nhiều người kiệt sức chậm rãi tiến vào thị xã La Gi, bỏ lại sau lưng những thân nhân, bạn bè và những người đồng hành chết gục trên đường chạy loạn vì thất lạc, vì chết đói, vì tan thây dưới pháo địch. Người lính chúng tôi dù sắt đá đến đâu cũng phải ngậm ngùi trước những đau thương tang tóc mà đồng bào đang gánh chịu, trước hận thù máu lửa do bọn giặc cộng phương Bắc gây nên!

Chính quyền địa phương với sự cứu viện từ trung ương đã lo nuôi ăn cho đoàn người di tản và xin xà-lan của Hải Quân vận chuyển đoàn người tỵ nạn này về Vũng Tàu trong 10 ngày mới hoàn tất.

… Ngày 21/4/1975, BCH/TK Bình Tuy được Thiếu Tướng Lê Minh Đảo, Tư lệnh SĐ18BB cho biết: Ông đã rút quân… bỏ ngỏ Xuân Lộc (Long khánh). Ngoài ra chúng tôi không nhận được bất cứ lệnh lạc gì từ BTL/QK3 tại Biên Hòa. Tiểu khu Bình Tuy coi như hoàn toàn bị bỏ rơi…! Tuy thế, chúng tôi vẫn sẵn sàng nghênh chiến với quân Cộng Sản Bắc Việt vì không nhận được lệnh lui binh”…

Trận đánh xảy ra, Tiểu Đoàn của anh và bạn bị tổn thất nhiều, Cộng quân tràn vào BCH/TK Bình Tuy “Làm sao chúng tôi có thể chống lại các đơn vị chủ lực của địch quân cấp sư đoàn với đầy đủ phương tiện cho trận đánh quy ước? Đây cũng là thành tích và ước mơ của tên đồ tể Henry Kissinger, với người Đồng Minh tán tận lương tâm, với hiệp định hòa bình Paris man trá: “Bản án tử hình dành cho VNCH!”. Quay nhìn về hướng BCH/TK, anh em chúng tôi đứng nghiêm đưa tay chào vĩnh biệt trong uất hận nghẹn ngào! Sau đó, súng cầm tay hướng về phía Vũng Tàu, cả 3 chúng tôi lầm lũi băng rừng trong đêm tối! Đó là lúc 3:00 giờ sáng ngày 24/4/1975.

Về đến Vũng Tàu lúc 8:00 giờ sáng ngày 30/4/1975, anh em chúng tôi bị Việt Cộng bắt tại bến xe mới trong lúc các em nhỏ Trường Thiếu Sinh Quân đang đánh nhau với Việt Cộng”.

*

Khi đất nước rơi vào tay Cộng Sản, Lê Phi Ô cũng như tất cả chiến hữu trong QLVNCH nói riêng, Quân, Cán Chính nói chung đều bị vào chốn lao tù. Anh là một trong những nạn nhân bi thương nhất, nhà tan cửa nát, mất mẹ, vợ bỏ cho đến khi ra tù không có nơi nương tựa!

Trong bài Tình Thù… Rực Rỡ mô tả: “Tôi di tản từ Bình Tuy khi tỉnh nầy bị Việt Cộng chiếm đêm 23 rạng sáng 24 tháng 4 năm 1975. Về đến được Vũng Tàu, và bị Việt Cộng bắt lúc 8 giờ sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975, khi Dương Văn Minh chưa tuyên bố đầu hàng. Ban đầu Việt Cộng giam tôi ở Long Khánh. Vài tháng sau, chúng chuyển tôi đến trại Hố Nai, trước kia là trại gia binh của LĐ5BĐQ. Tôi dự tính trốn trại nhưng chưa kịp thực hiện thì lại bị Việt Cộng chuyển về Suối Máu”…

“Khi miền Nam thở hơi cuối cùng 30/4/75, tôi bị Việt Cộng bắt vào tù lúc 8 giờ sáng trước khi Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. Vợ con tôi tá túc nhà ông bà ngoại, đứa con lớn nhất mới 9 tuổi và nhỏ nhất là 1 tuổi. Đầu năm 1976, nghĩa là sau ngày mất miền Nam chưa được 1 năm thì mẹ tôi chết đói trong bệnh viện (Bà Rịa) vì không ai cho ăn uống gì cả, bệnh viện Việt Cộng cũng không nuôi bệnh nhân. Và cũng thời gian nầy, những người đi thăm chồng con cùng trại tù với tôi họ xầm xì và tôi cũng hiểu ra rằng… vợ tôi đã không còn là của tôi nữa!”.

Trong khi đó, anh vào chốn lao tù thì bị tra tấn: “… Khi tỉnh lại thì trời đã khuya, xung quanh nghe tiếng dế kêu. Tôi cố ngồi dậy, cả người đau nhức vô cùng. Một cơn ho kéo đến, tôi co rúm người lại chịu đựng một cơn đau khủng khiếp ở vùng lưng. Một lúc lâu tôi mới thở được vì cơn đau đã dịu bớt và tôi lần lượt nhớ lại. Sáng nay, có hai tên công an vào trại gọi tôi đi “làm việc”. Bọn công an thường dùng hai chữ “làm việc” có nghĩa là gọi đi hỏi cung (thẩm vấn).

Những ngày sau đó, tôi không thể đứng lên được mà chỉ bò vì những trận đòn thù của bọn công an. Đôi khi tôi nghĩ có lẽ tôi không thể sống được, thân thể gầy nhom vì nhiều năm không có ai thăm nuôi, thực phẩm trại tù cấp phát cho tôi chỉ có một chén bo bo với nước muối”…

Ở trại tù Suối Máu: “Chúng giam riêng 4 đứa tôi trong Conex (loại thùng sắt vuông để chứa hàng ở bến tàu). Ban ngày trời nắng nóng như thiêu đốt; ban đêm khoảng 1, 2 giờ sáng lạnh như cắt da. Trên người tôi chỉ mặc duy nhất một chiếc xà lỏn (quần cụt), thùng sắt không có lỗ thông hơi nên bị ngộp thở, không mền, không chiếu, lần mò trong đêm tối, tôi sờ tay nơi một cạnh của Conex biết được nơi nầy bị rỉ sét. Dùng gót chân đạp mạnh cả trăm lần và dùng tay cố gắng đến chảy cả máu mới bẻ được một lỗ trống chừng 2 ngón tay và tôi nằm úp mặt vào lỗ thủng đó để thở. Cứ thế, lỗ thủng nầy bị bẻ lớn dần được bằng 3 ngón tay. Vài ngày bị dẫn đi hỏi cung một lần. Riêng anh em khác tôi không biết chứ cá nhân tôi thì đâu có tổ chức nào sai khiến tôi, chỉ là hành động tự phát”…

Khoảng 3 năm ở trại tù Suối Máu. Cuộc nổi dậy của tù nhân đêm Giáng Sinh 1978, anh bị giam trong thùng sắt “conex” và bị đánh đập, những trận đòn thù trút lên thân thể ốm yếu tưởng rằng không thể sống nổi.

Thế rồi “Về nhà tù Chí Hòa lại tiếp tục bị đánh mỗi lần hỏi cung. Lúc bị tra tấn, tôi nhìn quanh mong tìm thấy được vật cứng hoặc bén nhọn như dao, kéo gì đó tôi sẽ đổi mạng với chúng. Bằng cách nào đó, bọn chúng biết tôi có học một khóa Tình Báo nên khép tôi vào tội làm việc cho CIA Mỹ. Và, sau 4 hoặc 5 tháng nằm xà-lim Chí Hòa, tôi lại bị chuyển đến một trại nằm sâu trong núi ở tỉnh Phú Yên, trại nầy không phải trại tù “cải tạo” bình thường mà là trại “Trừng Giới”, trại giam giữ tù chính trị Phục Quốc có án từ 10 năm đến chung thân và thành phần chống đối “Không thể cải tạo được” như tôi với lời hăm dọa: Các anh đến đó mang luôn hồ sơ “Chết” đi theo!

Trại nầy có bí số “A20”, thuộc xã Xuân Phước tỉnh Phú Yên, nằm sâu trong rừng núi thuộc Vùng 2 của VNCH trước kia. Mùa hè thì gió Lào nóng như thiêu đốt, mùa đông thì rét buốt đến nỗi bò heo chết la liệt. Khi mới chuyển ra đây tôi bị ghép chung với 24 người tù khác thành một đội để phát quang nghĩa là dọn dẹp cây cỏ gai góc cho sạch một ngọn đồi để trồng khoai mì, nhưng thực chất là để chôn người. Từ khi dọn sạch ngọn đồi cho đến 3 năm sau ngọn đồi dày đặc những ngôi mả của tù, chết vì lao phổi, vì kiệt sức, vì suy dinh dưỡng nghĩa là đủ kiểu chết”…!

Khi ra khỏi chốn lao tù “Cuối năm 1982, tôi có tên trong số người được thả về… Về đến chợ Biên Hòa lúc 4 giờ sáng… Người tài xế tốt bụng cho tôi đi nhờ xe về Bà Rịa. Hơn 8 giờ sáng xe tới Bà Rịa, tôi lững thững đi bộ về “nhà”. Khi ngang qua một tiệm bán bún bò Huế, một người gọi tên tôi: “Ê, Phi Ô vào đây!”, tôi quay lại thấy X. Pháo Binh, anh bạn nầy được thả về trước, trên tay cầm xấp vé số. X. lôi tôi vào quán, lần đầu tiên sau gần 8 năm tôi mới được ăn một tô bún bò ngon như thế. Hai người ăn xong, thì X. ngập ngừng: “Trước hết, mầy hãy bình tĩnh nghe tao nói!”. Tôi biết X. sẽ nói gì… vì từ lâu tôi đã chuẩn bị tinh thần để nghe chuyện nầy. X. tiếp: “Sau khi tao nói xong, mày muốn về thì… về, còn như không muốn về thì… mầy theo tao, ở tạm nhà tao rồi tính sau!”. Và, với giọng trầm buồn X. kể những điều nghe, biết về “vợ” tôi. Tôi ngồi nghe X. kể với gương mặt giá băng và bất động, duy chỉ có ánh mắt là không thể nào dấu được nỗi xúc động!.. Tôi về gặp các con chưa được một tháng sau khi tôi vào tù mà đã có ý định bỏ nhà đi nhiều lần, cho dù chưa biết phải đi… đâu! Nhà nầy là nhà cũ của cha mẹ “vợ”, khi còn trong tù tôi khai “hộ khẩu” ở đây. Tôi có một căn nhà nhỏ ở xã Võ Đắt, Bình Tuy, nơi tôi đóng quân ở đó, trước 30/4/1975 và đã bị Việt Cộng tịch thu khi miền Nam mất”…

Anh sống trong tình cảnh không nơi nương tựa và làm bất cứ công việc gì cực nhọc, gian khổ để độ nhật qua ngày!

“Trước ngày mất nước, đời lính tuy gian khổ nhưng tôi cân nặng 55 kg, khi ở tù mà Cộng Sản, ngày được thả ra tôi nặng 37 kg, và 2 năm tiếp theo tôi lên được 39 kg. Mười hai năm làm lính trận thân thể tôi được trui rèn trong lửa đạn và ý chí bất khuất sẵn có của người lính chiến đấu cho chính nghĩa, cho nên với gần 8 năm tù đói khát về thể xác và bị khủng bố tinh thần đã nhiều lần kiệt sức tôi vẫn sống. Ngày trở về lại thêm một lần chịu đựng vết thương tinh thần quá lớn cộng với sự đói khát vì miếng ăn rình rập tôi từng ngày từng giờ cũng không khuất phục được tôi. Đôi khi bị bịnh vì dầm mưa dãi nắng không đi làm được chỉ ăn cháo với muối rồi gạo cũng hết nên cũng không có cháo mà ăn đành nhịn đói, dù chưa hết bịnh cũng ráng lết tấm thân đi làm. Tôi phải sống, sống để nhìn đời, sống để hy vọng nhìn thấy đất nước đổi thay.Với tinh thần bất khuất cûa người lính chiến trong tôi vẫn còn. Hy vọng một ngày tươi sáng cho quê hương trong tôi chưa tắt và mãi mãi không thể nào tắt được…

Trong lúc khổ đau, buồn chán, anh cầm cần ra sông câu cá… Thật may mắn “Khoảng 10 giờ tối, ngoài sông có ánh đèn pin chớp chớp, trong nầy họ chớp đèn lại và tôi nghe tiếng máy ghe tiến dần vào bờ. Trong lúc đó các bụi rậm phía sau lưng tôi xuất hiện lố nhố người. Khi 2 chiếc ghe nhỏ ngoài sông vừa cặp bờ thì mọi người ùa xuống và leo đầy cả 2 ghe. Tôi biết đây là ghe “taxi” chở người ra ghe lớn để vượt biên. Tôi mừng quá cũng chạy theo và leo lên ghe nhỏ, 2 người giữ tôi trong bụi cũng biết tôi là loại muốn vượt biên nên không cần để ý đến tôi nữa. Nếu tôi không muốn đi họ cũng bắt buộc tôi đi vì thả ra họ sợ bị “bể”. Hai chiếc ghe nhỏ chở khách cột giây vào nhau chiếc trước chiếc sau cách nhau 10 thước để không chạy lạc. Khoảng 90 phút sau thì ra cửa biển. Khi gặp ghe lớn tất cả trèo qua ghe lớn, mọi người bị lùa xuống hầm ghe. Tôi xin cho tôi ở trên mui để tôi có thể giúp gì được không. Ghe bắt đầu chạy ra cửa biển Vũng Tàu, nhóm tổ chức gọi tên một người rồi họ chạy tới chạy lui kể cả chui xuống hầm để gọi… Thì ra, anh hoa tiêu để hướng dẫn ghe đi không có mặt. Rồi tiếng gọi, rồi tiếng chửi thề… Tôi hỏi thì họ cho biết người hoa tiêu vắng mặt không biết vì sao. Tôi bảo để tôi làm hoa tiêu cho, có người hỏi tôi: “Anh có chắc là anh làm hoa tiêu được không?”. Để cho họ yên tâm tôi bảo tôi là hoa tiêu bên Hải Quân. Họ mừng quá, có anh lấy bình cà phê rót mời tôi một ly. Đang uống thì trong họ có người gọi lớn: “Ông Thầy!”, rồi nhào đến ôm tôi, còn hôn vào má tôi nữa. Tôi nhìn kỹ thì hóa ra là Việt, một người lính thuộc dưới quyền của tôi khi xưa. Rồi anh giới thiệu tôi với mọi người làm tôi cứ tưởng tôi vẫn đang là lính như những ngày khói lửa chiến tranh…

Chúng tôi ra đến hải phận quốc tế, gặp chiếc tàu buôn của nước Anh tên Gold Orly. Tôi dùng 2 chiếc áo thun trắng, đứng trên mui ghe đánh tín hiệu (morse) S.O.S và được họ cứu vào Singapore. Cái vui và nỗi buồn xen lẫn vào nhau khiến nội tâm tôi bị chao đảo ghê gớm. Vui là thoát khỏi địa ngục Cộng Sản, buồn là… vĩnh biệt quê hương biết bao giờ mới có ngày trở lại”…

*

Hằng năm Lê Phi Ô thỉnh thoảng xuống Little Saigon ở nhà Lê Hùng, người bạn thân cũng là Tiểu Đoàn Trưởng TĐ341 ĐPQ cùng sát cánh với nhau trong bao năm chinh chiến. Giữa tháng 5/2021 anh ra mắt trong tình thân hữu với vài người bạn Tuyển Tập Thơ – Truyện – Hồi Ký Chiến Trường: Tiếng Gọi Việt Nam được in ở đây.

Thơ, văn của anh sáng tác, hầu như tôi đã đọc và một số đăng trên nguyệt san Chiến Sĩ Cộng Hòa. Khi đọc lại tác phẩm của anh, không khỏi ngậm ngùi và xót xa. Nay tuổi già, sức yếu, bệnh tật nhưng anh cố gắng gom lại sáng tác của mình để thực hiện tuyển tập như món quà lưu niệm.

 

Vương Trùng Dương

©T.Vấn 2021

Bài Mới Nhất
Search