T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Vương Trùng Dương: Tưởng Nhớ Người Anh La Vĩnh Thái & Những Bài Thơ Tìm Được

clip_image002

clip_image004

Cuối tháng 6/2021, tôi nhận được tập thơ Khản Giọng Chim Chiều của Lê Phi Điểu, người bạn thân nơi phố cổ Hội An và tuyển tập Thi Văn Ngàn Thông. Trong thuyển tập 3 nầy, từ trang 187 đến trang 218 đăng 22 bài thơ của anh La Vĩnh Thái. Đọc phần giới thiệu về tác giả, tôi mới biết anh là người thân của nửa thế kỷ về trước nơi quê nhà mà trước đây có thời gian tôi làm việc nhật báo Sài Gòn Nhỏ trong 7 năm, có đọc thơ anh trong tuần báo SGN nhưng không ngờ là anh vì sự trùng tên coi như chuyện thường tình.

Với thơ văn Quảng Nam, nhiều tác giả, tác phẩm, truyện, thơ… từ thời tiền chiến đến nay, tôi đã viết nhiều bài vì nơi chốn cố hương “đất đai khô cằn” đó đã được tô điểm với những nhà thơ, nhà văn đóng góp trên văn đàn Việt Nam.

Bài viết của Nguyễn Quý Đại ở Đức về Quảng Nam Qua Thi Ca (Ca Dao) cho thấy từng địa danh tên mảnh đất nầy được các vị tiền bối sáng tác qua câu thơ trong dân gian được truyền tụng đã trở thành ca dao. Và, cũng như lời chia sẻ của Luân Hoán về thơ văn xứ Quảng, đó cũng là niềm vui, an ủi và hãnh diện với những người con trên quê hương trong nhiều thập niên qua từ trong nước đến hải ngoại. Hơn nữa, với tôi khi viết về những tác giả, tác phẩm có liên quan đến cố hương, một phần được quen biết nhau và một phần dễ bày tỏ sự cảm nhận qua thơ văn để chia sẻ theo dòng suy tưởng.

Trong bài viết Phố Cổ Trường Xưa & Bóng Dáng Nhà Thơ, tôi đã ghi những nhà thơ ở Hội An vào thập niên 60, giữa thập niên 70 được quen biết và sau nầy ở hải ngoại có thêm nhiều nhà thơ nhưng không thể nào biết hết. Và, vấn đề rất tế nhị, tránh sự ngộ nhận mang màu sắc chính trị gây tranh cãi nên không đề cập đến những khuôn mặt bất đồng chính kiến.

Trong thời gian qua, tôi đọc nhiều bài và hình ảnh trên Facebook đề cập đến phố cố Hội An, tất cả những gì đã phôi phai theo năm tháng được gợi lại nên tôi muốn sưu tầm để viết, không mang màu sắc chính trị mà thuần túy về văn hóa và phong tục tập quán, đời sống, con người nơi phố cổ. Nơi chốn đó với những đình, miếu, chùa, trường học… còn ghi dấu thời gian của thưở xa xưa còn lưu lại.

Hội An, thị xã ngày trước được gọi chung là phố cổ nhưng từ năm 1999 (UNESCO thừa nhận di sản văn hóa) chữ “phố cổ” chỉ thu gọn lại trong diện tích khoảng 2km vuông nằm cạnh dòng sông Thu. Nếu bây giờ tôi sống ở Hội An, có lẽ không có gì để viết nhưng đã xa cách từ lâu và ở đất khách quê người nên hoài niệm cố hương qua hình bóng mơ hồ lãng đãng đó cảm thấy thú vị hơn. Nó cũng như hình bóng người tình trong quá khứ, viết để nhớ, gợi lại mà các thi nhân thường hồi tưởng, thú vị hơn với thực tại.

Nhà văn Oscar Wild cho rằng “Ký ức… đó là cuốn nhật ký tất cả chúng ta đều mang theo bên mình” nhất là những người xa cách muốn hồi tưởng.

Tôi có nhắc đến bài viết của Hà Khánh Quân (Luân Hoán): “Ở cái đất ‘chưa mưa đã thấm’, chỉ cần cào nhẹ tay lên mặt đường, đã lượm được sỏi đá. Nhưng trong món quà trời cho ấy, nếu nhìn kỹ, ta sẽ thấy lẫn lộn trong sỏi đá còn có cả thơ… Phần đất nghèo nàn này, vốn rất giàu những tâm hồn thi ca, và có hơi nhiều thi sĩ. Trong tuyển tập Trăm Năm Thơ Đất Quảng do Hội Nhà Văn Việt Nam xuất bản năm 2005, trình diện đến 167 người. Nhưng kiểm lại, trong đội ngũ thơ rất hùng hậu đó, vẫn còn thiếu nhiều khuôn mặt thơ khá quen thuộc, chỉ vì một lý do tế nhị: lý lịch…”.

Hơn mười năm rồi mới biết Nhóm Thi Văn Ngàn Thông, trong Lời giới Thiệu của tuyển tập cho biết năm 2010, nhóm Thi Văn Ngàn Thông ở Porland, Oregon ra đời với tuyển tập 1, năm 2012 với tuyển tập 2 và năm 2017 với tuyển tập 3. Nhà thơ La Vĩnh Thái, bút hiệu Khải Minh xuất hiện trong 3 tuyển tập cùng Tiếng Thơ Tây Bắc. Khi tuyển tập đang thực hiện thì anh qua đời (ngày 12 tháng 11 năm 2016), hưởng thọ 83 tuổi.

Nhờ tuyển tập nầy tôi mới biết anh La Vĩnh Thái là nhà thơ đã từng sáng tác từ năm 1964, hơn hai thập niên ở hải ngoại, anh đã sáng tác nhiều để tìm niềm vui qua thơ văn… nhưng rất tiếc, khi được biết thơ văn anh thì anh đã ra người thiên cổ!

Theo tài liệu trong thời kỳ nhà Mãn Thanh triệt hạ nhà Minh và đàn áp người Hoa, người dân ở các tỉnh phía Nam chạy trốn đã di cư sang Việt Nam lập nghiệp. Trong bài viết của anh Trương Duy Cường năm 2000 “Nguồn Gốc Người Minh Hương Ở Hội An” ghi rõ chi tiết… Họ La cũng như nhiều họ khác từ xưa ở Việt Nam trùng họ ở Trung Hoa. Nhưng với gia tộc La có lịch sử cư trú lâu đời và đông nhất ở Hội An. Nguyên quán ở tỉnh Quảng Đông, ông tổ tộc La qua Việt Nam định cư vào khoảng giữa thế kỷ XIX, ban đầu định cư tại huyện Trà My, đến đời ông La Thiên Thái (con trai ông La Ngộ Minh) chuyển xuống Hội An sinh sống. Hình thành tộc La ở Hội An do ông La Thiên Thái (ngôi nhà La Thiên Thái ở số 16 Nguyễn Thái Học, hiệu buôn và nơi thờ tự), theo thời gian, tộc La gồm 5 chi đã có 7 thế hệ sinh sống ở Hội An. Trong bài viết mới đây của anh Trương Duy Cường có đề cập đến tiệm buôn Phi Anh bên cạnh La Thiên Thái và ban nhạc của gia đình anh rất quen thuộc với người dân nơi đây vào thập niên 60. Con đường Cantonnais, phố Quảng Đông được mang tên Nguyễn Thái Học nên không bị thay đổi. (Tài tử La Thoại Tân (Phạm Văn Tần) xuất hiện trong phim Trương Chi Mỵ Nương vào năm 1956 ở Sài Gòn, vì gốc ở Hội An nên có nhiều người lẩm tưởng anh họ La)

Người Minh Hương ở Hội An, đã hội nhập trong đời sống và sinh hoạt trong cộng đồng địa phương trải qua nhiều thế hệ… Từ khi định cư có hội quán Ngũ Bang, sau nầy mở trường Lễ Nghĩa dạy tiếng Hoa ở bậc tiểu học nhưng lên bậc trung học ở các trường dạy tiếng Việt nên hội nhập nhanh chóng.

Qua người anh rể La Vĩnh Châu (chồng người chị thứ tư của tôi) họ La đặt tên lót để biết ngôi thứ, thế hệ (trong chi) như La Gia… đến La Vĩnh… La Thế… như một số dòng tộc khác của người Việt.

Nơi phố cổ nầy, họ La được biết có năng khiếu về âm nhạc. Nhạc sĩ La Hối (La Doãn Chính) dạy đàn và nổi tiếng với ca khúc Xuân & Tuổi Trẻ, là một trong những nhạc sĩ khai sinh tân nhạc VN. Thầy La Gia Ấm, giáo sư trường trung học Trần Quý Cáp, ban nhạc Thanh Hoa của La Gia Thạnh, nhạc sĩ La Gia Quảng (cháu ruột nhạc sĩ La Hối) 4 người con trai của ông (La Vĩnh…) đều sở trường về âm nhạc, lập ban nhạc gia đình như anh em Trương Duy Cường vào thập niên 50-60.

Anh em thúc bá với anh La Vĩnh Châu là anh La Vĩnh Thái, sinh năm 1933 ở Trà My. Năm 1963 anh làm thông dịch viên với C-Team, US Army, 5th Special Forces Group và sau đó CIDG Progam (Civilian Irregular Defense Group program) tại Đà Nẵng. Cuối năm 1970 làm phối trí viên (cordinator) cho hãng PA&E (xây dựng công trình cho quân đội) cùng với Công Binh QLVNCH cho đến ngày 29/3/1975, Đà Nẵng bị thất thủ, anh bị kẹt… Tháng 9/1994, anh định cư tại Oregon, Mỹ theo diện ODP.

Trong thập niên 60, từ Hội An ra Đà Nẵng thi Tú Tài I & II, tôi ở nhà anh. Cuối năm 1971, tôi đổi về Đà Nẵng thỉnh thoảng ghé thăm anh và Hè năm 1972 tôi đổi về Trường Đại Học CTCT ở Đà Lạt. Trước khi đi, anh em có dịp trò chuyện với nhau. Tính tình anh điềm đạm, cởi mở và rất thân thiện. Anh đọc sách rất nhiều, hiểu biết rộng về văn học nước ngoài nhưng tôi không nghe anh đề cập đến sáng tác thơ. Ngay người anh rể La Vĩnh Châu (chơi violon rất hay, cùng thời với anh Hoàng Tú Mỹ (nay khoảng 94 tuổi) và người cậu họ của tôi, cậu Võ Văn Thọ) chỉ nghe anh nói về âm nhạc với niềm hãnh diện của họ La. (Trong bài Phố Cổ Trường Xưa, tôi có nhắc đến các nhà thơ người Minh Hương, hầu hết ở Mỹ, với những người sống nơi nầy mới biết họ là người Minh Hương).

Với anh La Vĩnh Thái, đúng nửa thế kỷ xa cách, anh em biệt vô âm tín vì thời cuộc đổi thay! Trước đây, có dịp lên Porland chơi, lúc đó chưa có nhóm Thi Văn Ngàn Thông nên không được nhắc đến. Tôi cũng quen với các bạn văn và có thời gian cộng tác với vài tờ báo miền Tây Bắc HK nhưng không biết nơi đây có thơ, văn của người anh đáng kính. Giờ đây, cậu Võ Văn Thọ, anh La Vĩnh Châu, anh La Vĩnh Thái đã ra người thiên cổ, chỉ còn người chị thứ tư, nay đã 91 tuy sức khỏe yếu kém nhưng vẫn còn minh mẫn, phụ giúp con trai trông nom tiệm thuốc bắc ở đường Trần Quý Cáp. Chợ Hội An nằm giữa con đường nầy, cũng là nét đặc thù của phố cổ.

*

Bài thơ Chiều Hôm Tiền Đồn của anh La Vĩnh Thái khi anh phục vụ trong 5th Special Forces Group khi công tác Khâm Đức, sáng tác năm 1964 rất dễ thương:

“Thư anh viết từ phương xa tiền tuyến

Gửi về em những niềm nhớ nghẹn ngào.

Tôi nhớ em,

Như người nghiền ma túy lên cơn,

Xin hỏi mây, mây có về phương Nam?.

Chừ nơi đây núi rừng khói âm u

Lưu luyến tình em mênh mông,

Nghe gió lướt, hương tóc em đâu đây!

Cỏ đồng xanh xanh bao la,

Chiều sương thu vấn vương cả đất trời.

Khói lam chiều có bay về phương Nam?.

Xin gửi chiến y nầy cho em,

Đêm đêm chiến hào “… sa trường quân mạt tiếu”*

Rượu đâu?… súng trên tay canh thù.

Tử sanh không sờn lòng em ơi,

Ước có em bên mình.

Sáng trăng hoa rừng thơm ngất ngây,

Sương rụng, hoa rừng ngậm ánh trăng,

Ngỡ mắt em đang u hoài,

Hái cánh hoa rừng ép lên môi”.

* Trong bài Lương Châu Từ của Vương Hàn có hai câu “Túy ngọa sa trường quân mạt tiếu. Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi”.

Và, cũng trong thời điểm nầy khi đóng quân ở Khâm Đức qua bài Trận Chiến Đêm Qua

“… Anh phải sống, về với em yêu dấu

Anh phải giết, giặc bạo tàn phương Bắc

Để giữ gìn, mảnh đất sống thân yêu

Để cùng em, bình yên bên xóm nhỏ

Mái ấm thân yêu, hạnh phúc một đời

… Vì yêu anh, em phải sống đơn côi

Biên giới một phương, trời cách trở

Chiều buồn giọt nắng cuốn thu bay

Gửi về em muôn vàn nhớ biên thùy”.

Đây là hai bài thơ sáng tác trước năm 1975 đăng trong tuyển tập Thi Văn Ngàn Thông. Rất tiếc không tìm được những bài thơ khác của anh trong thời chinh chiến.

Bài thơ Ngũ Hành Sơn về di tích lịch sử:

“Ta về đây tìm nguồn xưa nguyên thủy,

Sông Cổ Cò dòng chảy xiết nơi đâu?

Dãy thạch sơn từ ngàn xưa lưu dấu,

Phải chăng là dâu bể cũng là đây.

Ta lên đỉnh Hải Đài chiêm ngưỡng sóng,

Vỗ triền miên từ vô thủy đến vô chung,

Bến vô thường, vạn vật có rồi không,

Gió vẫn hú, đi về không mệt mỏi.

Rằng ai bảo núi kia Kim, Mộc, Hỏa?

Cả Thủy Sơn, kìa đấy Thổ Sơn,

Từ ngàn xưa Kim Mộc chắc là không,

Lâu trước nữa Thạch Sơn ai chắc có?

Ta đứng đợi trăng về trên biển vắng,

Hỏi trăng vàng núi đến tự khi mô?

Rồi ngày nào núi lui về biển cả?

Trăng khẻ bảo: – tới, lui đều không cả.

Đợi ta với, xin trăng vàng đợi với,

Dắt ta theo lên đứng giữa tinh cầu,

Quanh ta trôi cả vũ trụ vô bờ,

Huyền không động hương hư vô tĩnh lặng”.

Theo lời giải thích của anh: Tương truyền rằng, thuở xa xưa gần chân Ngũ Hành Sơn có con “Sông Cổ Cò”, nguồn từ sông Hoài – Hội An chảy ra Sông Hàn Đà Nẵng. Ngày nay dấu vết Sông Cổ Cò còn lại phải chăng là một nhịp cầu nhỏ bắt qua một vũng nước trên đường từ Ngũ Hành Sơn đi Hội An.

Xưa kia người Pháp có làm con đường sắt chợ Hàn (Tourance) – Phố (Faifoo). Con đường sắt từ chợ Hàn, vượt sông Hàn, qua cụm Ngũ Hành Sơn, rồi theo ven biển, len lách qua các đồi cát rặng thông vào Hội An, khách thoải mái với gió mát, biển xanh, mây trắng ngày ấy, nay con đường chẳng còn lấy một chút dấu vết.

Theo tài liệu sông Cổ Cò, có tên cổ là Lộ Cảnh Giang, chạy song song bờ biển, nối sông Hàn từ Đà Nẵng và sông Thu Bồn ở Hội An, Quảng Nam với chiều dài 25km. Con sông nầy nối giao thương giữa hai bến cảng Hội An và Đà Nẵng trong nhiều thế kỷ từ XVI-VVIII. Tuy nhiên, dòng sông này đã bị tự nhiên bồi lấp từ thời Đồng Khánh, khoảng thế kỷ XVIII vì vậy ít người được biết.

Bài thơ nầy anh ghi: Đà Nẵng, rằm tháng bảy năm Ất Sửu (1985) khi còn ở trong nước.

Bài thơ khác là Dấu Xưa, ghi ngày 1 tháng 3 năm 1993 (Quý Dậu):

“… Xênh xang hoa gấm một thời,

Ngựa xe, thơ vịnh còn ngân nơi nầy,

Bút nghiên một thưở học trò,

Quân vương thần tử, nay đà rêu phong.

Đìu hiu quê cũ mưa xuân,

Vườn xuân còn có chăng là dấu xưa.

Giọt mưa vẫn giọt bên thềm,

Tỉnh ra mái cũ chỉ còn vuông sân”

Trong bài thơ nầy anh ghi: “Năm Nhâm Thân 1992, trước khi xuất ngoại tôi về Trà My để thăm, tu bổ một số mộ ông bà tổ tiên và mộ thân phụ tôi. Trông mộ Tổ điều hiu, hoang tàn xơ xác, tôi ngồi tại đấy trầm ngâm hơn buổi.

Về lại nhà xưa, nơi tôi nghỉ có lưu dấu tích từ thời Tổ Ngộ Minh cũng đã tịch liêu hoang phế, trên nền nhà cũ người ta cất môt ngôi nhà tranh tạm thời. Trước sân nhà, xưa kia có giếng nước rất trong, ấm vào mùa đông, mát vào mùa hạ, nay giếng còn, nhưng thành giếng đã đổ nát. Tôi xin vào ngồi trong nhà tranh của người khác xứ đến “kinh tế mới”, kể và chỉ một vài dấu xưa. Năm sau 1993 vào cuối xuân tôi lên Trà My tạ từ mồ mả tổ tiên và tìm về dấu xưa gian nhà hồi thơ ấu trước khi di dân sang Mỹ và bài “Dấu Xưa” thành hình vào lúc đó.

Bài thơ Bến Thu Xưa sáng tác mạnh thu Ất Dậu (2005):

“Rặng liễu ven hồ vương nắng thu,

Vàng thâm sắc lá thẩn thơ sầu!

Sóng hồ thu gợn, niềm da diết!

Gió ngẩn ngơ buồn, vọng cố nhân!.

… Ta nghe ngây ngất trong hơi gió,

Hương tóc em choàng vai áo ta,

Xiết chặt vòng tay thêm tí nữa,

Ôi trăng khuya lạnh, gió khuya run!.

… Từ đấy thu về lại ngẩn ngơ,

Niềm riêng dấu kín đáy tim sầu,

Cúc vàng chạnh nhớ nàng trong nắng,

Tà áo khoe vàng với nắng thu”.

Trong bài viết Giữa Cõi Trần Ai khá dài nên chỉ trích dẫn vài dòng ghi lại hình ảnh tháng ngày cuối đời”

“Từ bệnh viện về, tuy cơn đau vẫn dai dẳng, nhưng cái tò mò sinh hoạt bốn phương, khiến tôi ngồi trước computer, hít dài, thở mạnh một lúc lâu xóa đi cơn choáng váng âm ỷ trong đầu, định thần mở máy. Đây rồi, tôi gặp các bạn trong hội Cao Niên Portland Oregon trong ngày sinh hoạt mừng Sinh Nhật tháng Mười Một năm 2011 này…

… Tôi vào cấp cứu, bác sĩ nói tôi: “Your lung collapsed” họ lập tức thọc một ống sắt có lỗ thông từ xương sườn vào phổi mở thêm đường thở cho tôi. Sau cấp cứu họ có cho tôi một quyển sách nói về những việc cần làm của người khi “pulse and breathing stopped”. Tôi cho đó là quảng cáo không để ý, nhưng khi về nhà bác sĩ gia đình làm hẹn gặp tôi tái khám.

Khi tái khám đưa cho tôi mẫu đơn cũng nói về việc đó, rõ ràng hơn: Khi mạch ngừng nhảy, hơi thở tắt, thì tôi có muốn cứu sinh bằng máy trợ thở và đưa thức ăn vào thực quản để sống tiếp, hay muốn nhận cái chết tự nhiên của tạo hóa, hay cần cấp cứu tối đa. Tôi chọn cái chết tự nhiên. Ở bệnh viện sau khi cấp cứu, họ đưa tôi về giường bệnh, trong đêm 23/11 họ phải chích morphine liều cao để cắt cơn đau cho tôi. Sáng hôm sau, từ phòng bệnh nhìn ra cửa sổ, nắng thu rọi trên lá xanh, vàng, tím, đỏ, đẹp quá, tôi lại quên cái đau dằn vặt thân mình, viết liền một lúc hai bài thơ: Đôi Nhạn

… Tất nhiên, hình ảnh người phụ nữ trong Đôi Nhạn là người bạn đời gần 50 năm của tôi…

… Ngẫm nghĩ về thân phận mình, tôi lại có một bài thơ nữa: Đông Tàn (Tâm sự một người già):

“… Bây giờ tôi lẫm chẫm đi

Tay nương chiếc gậy cái thân lòng khòng.

Thều thào tôi thở hơi ra,

Lần từng đoạn ngắn, đếm đường vào không!.

Tiết đông lá rụng cành quang,

Rõ ra nhân thế mờ mờ sương phong.

Cây rụng lá, rễ tìm đất ấm,

Kiếp nhân sanh, sanh diệt vô cùng.

Xuân về cây lại nảy mầm

Tôi vào đất lạnh tìm miền chân – như”.

Hiền thê của anh, chị Mai hiền hậu và vui tính, anh chị có cháu gái là Thủy Tiên.

Anh đã trải qua thời gian dài phục vụ trong Quân Đội Mỹ và đã từng sát cánh với Quân Lực VNCH nên vẫn giữ tinh thần của người lính trong cuộc chiến bảo vệ quê hương. Trong bài thơ Cáí Nhục Hôm Nay anh viết:

“… Độc lập tự do, dân mang ách thay trâu

Để cho đảng “ăn bát vàng ngồi mát”

Rường cột tinh hoa

Chúng lùa đi “đốt trường sơn cứu nước”

Thống nhất giang san, rồi dâng cống nốt cho Tàu”.

Và trong đó có câu:

“Sao để giặc Tàu nó càn hung!

… Chiến, quyết chiến cộng sản Tàu cường bạo”.

Trước đây, tôi có viết về vài bạn văn nghệ ở phố cổ qua thơ văn, họ là người Minh Hương (gốc Tàu) nhưng trải qua bao thế kỷ, bao thế hệ… nên coi là quê hương với tinh thần của người Việt Nam thuần túy của thời chinh chiến và sau nầy ở hải ngoại; vì vậy cần phân biệt người Tàu (Hoa Lục) hiện nay ở trong nước với người Minh Hương đã khoác chiến y và phục vụ thời Việt Nam Cộng Hòa. Trích hai câu thơ của anh La Vĩnh Thái để minh chứng điều đó. Hiện nay cũng có “loài sâu mọt” nhận gốc gác để “theo đóm ăn tàn” nhưng không nên “quơ đũa cả nắm” để làm tổn thương những người đã “xin chọn nơi nầy làm quê hương và bảo vệ quê hương”.

Trong bài thơ Phố Cổ với niềm tâm sự khi xa Hội An qua những thập niên sống nơi đất khách:

“Ta tìm về dấu tích xưa,

Rêu phong ngói cổ, mưa xuân thì thầm.

Hoa mùa xuân

Vẫn thật xinh,

Em xưa đâu thấy hiên xưa tiêu điều!”

Bài thơ Thưở Học Trò của anh với hình ảnh người 2inh2 áo trắng học trò rất lãng mạn:

“Nhớ xưa áo trắng học trò,

Tay nghiêng nón lá mắt dò người thương,

Một tay sách vở bút – nghiên,

Tay thì… em nắn trái tim bồi hồi.

… Má em đào thắm, môi hồng,

Mắt huyền lấp lánh sao trời tháng năm,

Tay vòng yêu siết vai chàng,

Thì thầm anh nói môi hồng em thơm.

… Hết mùa con gái má hồng,

Tóc anh chắc cũng pha màu khói hương.

Mỗi người một góc chân mây,

Hương xưa còn có đêm thừa tương tư?.

Nhớ xưa cái thuở học trò,

Cái thời lén mẹ viết tờ thư yêu,

Tình xưa trong ngọc trắng ngà”

Bài thơ Niềm Nhớ Tuổi Thơ rất hay vì ghi lại từng địa danh nơi cố hương:

“Ta về thăm lại phố xưa

Dấu xưa nhạt nét, bóng người xưa tan!.

Ta về Trường Lệ thăm hương lúa,

Ngắm dải trăng vàng ngập lũy tre

Ta thăm xóm cũ hương rơm rạ

Nhớ tiếng hò khoan rộn xóm làng.

… Theo vết phù điêu trên phố cổ

Về thăm phường chạm xóm Kim Bồng

Nàng ơi tượng tạc tinh khôi quá

Vệ nữ còn đây dáng em xưa!.

Sơn Phô đình cổ, cây da cũ

Gẫm đủ thăng trầm mấy lớp trôi

Phú Chiêm có phải thành Chiêm đó?.

Cửa Đại Chiêm còn, bóng em đâu?.

Ta ghé thăm qua chùa Ông Bổn

Thuận đường, Bảo Thắng xuống Nam Tông,

Tứ Câu – An Hội, chân đà mỏi

Tìm mãi mà sao chẳng thấy nàng?.

… Ta ra Trà Quế thăm rau húng

Ghé Xóm Ghềnh xa ngắm cá chuồn

Quê ta sực nức hương hoành thánh

Đến cổng Chùa Bà thoảng gió sông.

Tới lui, qua lại vài con phố

Bạn bè thân thuộc cũng loanh quanh

Nhà Thờ, Xóm Mới nguyên màu cũ

Tìm bóng người xưa – chỉ tịch liêu!”.

Với anh và tôi cũng như thế hệ chúng tôi trong thời chinh chiến với hình ảnh người Mẹ kính yêu, người Mẹ cao cả nhất trong cuộc sống mà từ xưa đến nay viết về Mẹ qua thơ, văn đề cập rất nhiều. Nhưng ngôn ngữ cũng không thể nào diễn tả hết, nói lên tất cả tấm lòng thương yêu, sự hy sinh cao quý, sự chịu đựng gian khổ và bao nỗi đau âm thầm trong nghịch cảnh, thống hận cho đứa con được Mẹ “mang nặng đẻ đau”!… Tôi đã đọc nhiều bài thơ của bạn bè về Mẹ và mỗi lần như vậy hình ảnh Mẹ tôi lại hiện về với niềm thương cảm.

Bài thơ Hương Tóc Mẹ của anh La Vĩnh Thái, với tôi chỉ bài thơ nầy cũng đủ để anh xứng đáng được gọi là nhà thơ.

“Chiều xưa tựa cửa trông vời Mẹ,

Thờ thẫn bây giờ Mẹ ở đâu?,

Mẹ ơi con nhớ mùi hương tóc,

Nắng tắt sao mà Mẹ vẫn xa!

Tóc Mẹ ngày xưa sáng mượt mà,

Bên giàn hoa giấy Mẹ ngồi hong,

Gió mang hương bưởi vờn đâu đấy,

Mẹ bảo con tìm sợi tóc sâu.

Mẹ dắt con đi đến “trường đời”,

Ân cần mẹ dặn “bước đường xa,

Lợi danh – biển lận; – mờ danh tiết,

Giữ vẹn cương thường; – rạng đức trung”.

Rồi những năm sau tóc điểm sương,

Con thường chinh chiến lạc miền xa,

Nhiều năm bóng Mẹ theo nhịp bước,

Tóc Mẹ nay đà… chắc trắng thêm!.

Thư Mẹ thường hay, nén nhớ thương,

Theo chân con mẹ, đến đồn xa,

“Mẹ cầu Tam bảo thường gia hộ,

Chinh chiến thân con đặng trọn lành”.

Núi vẫn còn đây sông còn đây,

Con về với Mẹ, Mẹ còn đâu!

Mẹ ơi đất lạnh buồn thăm thẳm,

Tay với đâu rồi tóc Mẹ xưa!.

Sương xuống nhiều thêm, nhạt ánh trăng,

Thâm sơn gió núi suối reo xa,

Từ chiều hôm ấy, trông vời Mẹ,

Lệ rót bao nhiêu chén đắng sầu!”.

(Portland, Oregon, 10 tháng 5 năm 2004).

Ngày Lễ Độc Lập Hoa Kỳ 4 tháng 7 năm nay nhằm 25 tháng 5 Âl, ngày giỗ Mẹ tôi. Mẹ tôi qua đời ngày 17/6/1990 (ngày 25 tháng 5 năm Canh Ngọ).

Đêm hôm đó tôi viết bài Lạy Mẹ Con Đi để post trên facebook của tôi và gởi về các cháu nơi quê nhà. Tôi trích lại bài viết của tôi năm 2003:

“Giữa tháng 6 năm 1990 gia đình tôi từ Đà Lạt về Sài Gòn để phỏng vấn theo diện H.O. Tôi báo tin vui về quê cho anh chị và mường tượng niềm vui của mẹ tôi trong tuổi xế chiều nhưng lúc đó Mẹ tôi lâm bệnh, tuổi gìa sức yếu, anh chị giữ kín.

Ngày tôi vào phỏng vấn và được chấp nhận được định cư tại Hoa Kỳ cũng là ngày mẹ tôi vĩnh biệt trần gian! Khi tôi về lại Đà Lạt thì nhận được điện tín “Em về gấp, có chuyện cần”…

… Thật bàng hoàng, khi tôi bước vào cổng, anh tôi đội khăn tang, mếu máo “Mẹ mất rồi!”. Anh chị tôi xin lỗi vì không báo hung tin cho biết, nếu báo thì tôi bỏ lỡ cơ hội được phỏng vấn, ảnh hưởng cả cuộc đời. Theo lời anh chị, trước giờ vĩnh biệt, không thấy mặt đứa con út, mẹ tôi còn hỏi “Tụi nó đi Mỹ chưa?”. Anh chị tôi đành nói dối “Dạ, đi Mỹ rồi”. Ước mơ đã mãn nguyện trước giờ hấp hối!.

Trên đời, không có sự hy sinh nào cao cả, bất tận bằng tình mẫu tử. Ngay khi Mẹ tôi nằm trên giường bệnh cũng không nghĩ đến bản thân mà cầu nguyện Phật Tổ gia hộ cho con, cháu. Cuối tháng 8, vợ chồng và 3 đứa con rời quê hương sang Thái Lan, trên áo đeo mảnh tang đen màu đen hình bình hành!…”

Trước khi từ giã cố hương, tôi quỳ bên mộ mẹ, không nói được điều gì, đầm đìa nước mắt, chỉ “Lạy mẹ con đi, từ đây con cách xa thầy mẹ nghìn trùng!”.

Bài viết của tôi về Mẹ trước bài thơ của anh đúng một năm. Đêm nay, khắp nơi ở Hoa Kỳ với pháo hoa ngập trời. Bao nhiêu năm tôi sống nơi cõi tạm phương xa là bấy nhiêu năm tôi mất Mẹ.

Tôi đọc bài thơ của anh cùng thời điểm nầy, lòng chùng xuống với niềm cảm thương! Anh La Vĩnh Thái, rất tiếc anh em không biết nhau khi cùng sống trên hai tiểu bang Oregon và California cạnh nhau ở miền Tây của đất nước Hoa Kỳ.

Bài viết nầy như nén nhang lòng tưởng nhớ đến người anh kính yêu.

Little Saigon, 05 tháng 7/2021

Vương Trùng Dương

 

 

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2021

Bài Mới Nhất
Search