T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không : Tác Giả và Tác Phẩm- Hà Thúc Sinh

 

clip_image002

Tiểu sử

Tên thật: Phạm Vĩnh Xuân, Sinh ngày 7.7.1943 tại Thanh Hóa.

Hiện định cư tại Hoa Kỳ.

Tác phẩm

SÁCH:

Đá Vàng, thơ, txb, Sài Gòn, 1967. Trí Nhớ Đau Thương, thơ, txb, Sài Gòn, 1969. Tuyển Truyện Âu Châu, dịch 9 tác giả, Vươn Lên, Sài Gòn, 1970. Điệu Buồn Của Chúng Ta, thơ, Khai Phá, Sài Gòn, 1972. Dạo Núi Mình Ta, thơ, Đồng Dao, Sài Gòn, 1972, tái bản 1973. Tình Em Vỗ Cánh, dịch I.B.Singer, Kỷ Nguyên Mới, Sài Gòn, 1973. Người Nô Lệ, dịch I.B.Singer, Kỷ Nguyên Mới,Sài Gòn, 1973. Trận Chiến Trong Thành Phố, dịch John Toland, Kỷ Nguyên Mới, Sài Gòn, 1973. Cát Bụi Trần Gian, dịch Yael Dyan, Kỷ Nguyên Mới, Sài Gòn, 1974. Kiếp Người Cô Quạnh, dịch I.B.Singer, Kỷ Nguyên Mới, Sài Gòn, 1974. Đại Học Máu, ký, Nhân Văn in lần 1, Hoa Kỳ, 1985. Nhân Văn in lần 2, Hoa Kỳ, 1985. Vầng Thái Dương Quê Nhà, dịch Harry Petrakis, đăng Việt Nam nhật báo, Hoa Kỳ, 1988. Thơ Viết Giữa Đường, thơ, Tân Văn, Hoa Kỳ, 1988. Chị Em, truyện dài, Tân Văn, Hoa Kỳ, 1988. Ông H.O., tập truyện, Thế Giới, Hoa Kỳ, 1993. Cố Hương, tập truyện, Tú Quỳnh, Hoa Kỳ, 1994. Hoà Bình và Tôi, thi tập, HTĐ Việt Báo, Hoa Kỳ, 1994. Red File: 50 Years of Violations of Human Rights in Communist Vietnam, biên khảo, hợp soạn với Nguyễn Tri Văn, Nguyễn Quốc Việt, Nguyễn Đại Tường, Nguyễn Thiệu Chính; VNHMRW, Hoa Kỳ, 1995. Dưa Cà Mắm Muối, tập truyện, Văn Mới, Hoa Kỳ, 1996. Về, tập truyện, Văn Mới, Hoa Kỳ, 1996. Đêm Hè, tập truyện, Văn Mới, Hoa Kỳ, 1997. Tống Biệt Hai Mươi, tuyển tập 50 truyện, 1 kịch, 10 thơ, Xuân Thu, Hoa Kỳ, 1999.

NHẠC:

Tủi Nhục Ca, 11 tù khúc, Khánh Ly hát, Hoa Kỳ,1982. Hẹn Em Sài Gòn, 12 ca khúc, các ca sĩ Phong Trào Hưng Ca hát, Hoa Kỳ, 1986. Người Em Quận Cam, 12 tình khúc, Hồng Hạnh hát, Hoa Kỳ, 2005. Sinh Ca, tuyển tập 56 ca khúc, Văn Mới, Hoa Kỳ, 2003. Lạy Em Mênh Mông, tuyển tập 30 tình khúc, Tuyết Lê Productions, Úc châu, đang in.

Vài hàng về tác giả

Sau câu chuyện về Henry Miller, xin nhắc lại câu chuyện của Hà Thúc Sinh, chắc chắn cũng là của đa số anh chị em văn nghệ sĩ Miền Nam sau 1975. Hà quân là sĩ quan lại là thi sĩ, sau 30-4-75 bị cộng sản bắt. Một lần trong cuộc thẩm cung ông bị họ dùng khúc cây vẫn căng đầu giường bố của quân đội Mỹ ngày trước mà quật tới tấp vào người vì ông không chịu nhận là CIA. Tên công an cộng sản tức giận điên người: “Tuổi anh mới 30, đã có hàng chục cuốn sách xuất bản. Nhất định phải nằm trong guồng máy CIA (…) Miền Bắc xã hội chủ nghĩa, ngay những nhà văn hàng đầu mà mỗi ba năm mới được in một quyển sách; mà là sách phải đạt yêu cầu của hội nhà văn đấy nhé. Anh làm gì mà mới 30 tuổi ngụy quyền nó cho anh in nhiều sách thế? (…) Bây giờ hỏi tiếp: Thủ trưởng CIA của mày bây giờ ở đâu? (…) Tao bảo thật. Bọn vừa là sĩ quan vừa viết văn như chúng mày không CIA cũng là CIB.” Hà Thúc Sinh bảo: “Vĩnh buồn trong bụng quá. Giải thích chưa xong vụ in sách, bây giờ lại được đội thêm cái mũ CIA nữa!”

Thôi, Phạm quân, đã đến nước này còn buồn trong bụng mà chi. Muộn mất rồi. Hàng triệu người đã chết cho cái ý muốn được vừa là sĩ quan vừa viết văn mà không bắt buộc phải làm CIA, làm công an gì ráo, mà có thể “dạo núi mình ta” tự do, muốn dạo kiểu nào thì dạo; nhưng rốt cuộc rồi thất bại. Người công an Miền Bắc đeo cứng lấy cái quan niệm viết văn phải theo đường lối của thủ trưởng CIA, nhất định không chịu hiểu cái chuyện phi lý, dị thường ở Miền Nam. Bỏ qua cho hắn. Lớn lên trong một xã hội như thế, hắn đã là một kẻ bạc phước rồi.

Như vậy người văn nghệ sĩ trong xã hội mỗi nơi mỗi khác, mỗi thời mỗi khác. Ngay đồng bào cùng một nước với nhau mà kẻ Bắc người Nam, kẻ già người trẻ đã có cái nhìn khác nhau đối với người văn nghệ. Vậy trước khi nói về các hoạt động văn nghệ, trước khi nói về chuyện các văn nghệ sĩ họ đã làm gì, xin hãy thử tìm hiểu xem họ là cái gì trong xã hội bấy giờ.

(…trích “Văn Học Miền Nam” – Võ Phiến )

***

Đọc văn Hà Thúc Sinh

Dưa cà mắm muối

clip_image004

Ông bà đi một tháng thăm mấy cậu dì học xa. Kinh nghiệm những lần trước nhà thiếu bà như quân thiếu tướng, bừa bãi chồng lên nhau một tí, bẩn quệt lên nhau một tí, không lâu trong nhà ngoài vườn thừa điều kiện đón bà về bằng nỗi bàng hoàng. Lần này bà dặn vợ chàng, “Mẹ đi cuối tuần chị chịu khó ghé xem trong ngoài hộ mẹ.” Cậu em cười, Chưa chi mẹ lo cái vườn đấy.” Bà gắt, “Liệu mà lo cơm nước cho bà cố.” Chàng bảo vợ, “Dưới vòm trời đâu có mẹ có vườn đó có chút quê hương.” Mấy đứa cháu nhỏ bà gom về hết. “Các anh các chị bận đi làm,” bà bảo, “hè cứ đem hết về đây cho bà trị.” Thằng út chàng nằm trong số gom quân. Dì út nghiễm nhiên xử lý thường vụ chức tư lệnh. Bảng phân công gắn trên tủ lạnh. Lính tráng tuân lệnh răm rắp. Cuối tuần ghé, nó cầm vòi tưới, khoe, “Con phải làm thôi. Thằng Khôi to con lo cắt cỏ. Cái Vân tưới dối, chết cây bà.” Chàng hỏi, “Thế tưới sao mới thật?” Nó bảo, “Thọc hết ngón tay xuống vẫn ướt mới đủ.” Vợ chàng nói, “Bà bảo không sai. Thằng này tóc quăn, sau lại khổ.” Chàng nói, “Cỡ bố nó là cùng.” Vợ chàng cười, “Tóc anh hết quăn rồi.” Chàng thở ra, “Hói còn quăn vào đâu!”
Tưới đều thế mà mấy gốc dưa gang, nhất là mấy luống cà bát cà pháo chưa ra hoa. Bà cố ra vườn bảo, “Năm nay dám mất mùa cà. Giờ chưa ra hoa mát trời sợ hỏng.” Chàng nói, “Chắc do thời khí, hai năm trước cũng vậy đó bà.” Bà cố hỏi, “Thế hai năm trước cũng mất mùa à? Bà chẳng nhớ đâu đấy.” Chàng chỉ con, cười, “Quên gì bà hỏi thằng này. Nó nhớ dai lắm. Mê món cà bung nó nhớ hết.” Bà cố quay vào, lẩm bẩm, “Té ra ở Mỹ đáng quên là con gà đáng nhớ là quả cà, lạ đấy nhỉ!”
Chàng nói với cậu em sắp lấy vợ đang ngồi sang lại mớ băng chuột mèo, “Nhớ lấy, mai mốt bảo mợ ấy trồng cà.” Cậu em cười tít mắt dúi mũi vào máy. Chàng nghĩ cậu này sẽ không nhớ chuyện cà nhưng rồi cũng khổ. Cậu đang cố lưu giữ loại hoạt hoạ nay không còn trình chiếu phổ thông, ý để cho lũ con tương lai hưởng được tiếng cười thời các cháu cậu đã hưởng. Vợ chàng cự nự, “Cậu ấm ớ.” Chàng không can thiệp nhưng nghĩ đàn bà không hiểu với đàn ông dĩ vãng chẳng riêng đẹp còn cần. Cậu em đang sốt sắng giữ một dĩ vãng gần. Thế hệ chàng nôn nả với dĩ vãng xa.

clip_image006

Xưa còn sống mẹ chàng hay ăn cơm với trám muối, nhất là dưa muối xổi. Cha chàng lại thích cà. Quanh năm nhà có những vại cà nén. Mỗi khi gắp miếng cà lên cụ thường bảo, “Trong như miếng hổ phách thế này mới ngon.” Trải bao loạn lạc, bồng bế nhau vào Nam, ê răng, cụ thôi ăn cà nén xoay sang ăn cà pháo ngâm tương. Cụ thường muối lấy, ngâm lấy; và khi gắp quả cà lên vẫn lời xưa ý cũ: “Trong như miếng hổ phách thế này mới ngon.” Mấy chú mấy cô sau lập gia đình ở riêng, thấy cũng muối cũng ngâm cà kiểu ấy, nói câu ấy.
Ở Mỹ có đủ thứ nhưng đâu phải nhất nhất tìm ra miếng hổ phách để giải thích cho lũ trẻ miếng cà ngon phải như thế nào. Vả giải thích ích gì khi chúng nhai dưa chuột muối rau ráu, chép miệng chơi cũng hết lọ ô-liu, có khuyến khích nhai thử quả cà chỉ ngao ngán đưa nhận xét “vừa dai vừa chẳng mùi vị gì bố ạ.” Chàng kiên nhẫn bảo, “Cà Thái đóng lọ nó thế. Phải trong như…” Mới đây vợ chàng bật cười cắt ngang, “Cuối tuần này chắc khỏi về bà.” Chàng hỏi, “Sao thế?” Nàng đáp, “Kẹt chị Kim hẹn đem nhẫn lên cho xem. Năm ly thôi. Em phải lo trước. Cứ để cậu ấy loay hoay phút cuối thiếu nhẫn cô dâu thì chết.” Chàng nhớ đến bà bạn già vui tính. “Từ San Diego lên à?” Chàng hỏi. “Dặn chị ấy đi xa đừng mang nhiều món, cướp bóc như rươi.” Như chưa thoát khỏi từ trường mấy chiếc nhẫn, vợ chàng kể, “Kỳ trước em xuống chị ấy cho xem toàn hột nước trắng, dầu hoả thích hơn.” Chàng cười, “Cứ nước này nước nọ, chẳng hiểu gì.” Vợ chàng dấm dẳng, “Đàn ông!” Đứa lớn như từ lâu đợi bố lọt ổ phục kích, cười chen, “Kim cương với bố như cà với con, cứ hổ phách hổ phách con cũng chẳng hiểu gì.”

Khi không chàng buồn hụt hẫng.
Đầu tháng chín ông bà về tới. Mấy đứa bé như có chỗ trút một gánh nặng. TV thoải mái, game thoải mái. Dì út tíu tít khoe thành quả tề gia nội trợ. Cậu em tạm rời giàn máy hát, nằm võng sau nhà nghiền ngẫm quyển “Yêu Con Như Một Người Cha Lớn” của một tác giả Á châu nào đó. Bà cố vẫn thủng thẳng ra vào, độc thoại, “Ở thì nhớ mồ mả, về thì nhớ cháu con, chẳng biết định sao nữa.” Ông thì trở lại với những giáo trình soạn dở. Chỉ bà xắn tay lao tiếp vào những công việc quen thuộc mà giá có thọ trăm tuổi tưởng vẫn thiếu thì giờ hoàn tất. Thấy vợ chồng chàng lên, bà hỏi, “Sao dạo này anh gầy thế?” Chàng tính đáp “con mất ngủ quá” nhưng vợ chàng đã nhanh nhẩu đáp, “Có chịu ăn đâu mẹ. Gàn lắm. Cứ bảo gốc nông dân, toàn mơ cua đồng mồng tơi rau đay mướp hương và cà… và phải trong như miếng hổ phách cơ!” Bà nhìn vườn cười bảo, “Thoại được việc, hy vọng có ít quả ăn ghém.”

clip_image008

Rồi cả nhà rộ lên chuyện cô dâu chú rể trong mâm cơm rôm rả tiếng cười. Chàng ăn xong ra vườn đứng hút thuốc. Gió như bước chân mùa thu khẽ tới. Hoa lá co cụm lời thủ thỉ vĩnh biệt nhau. Chàng không biết chia với ai mối lo xương thịt. Mấy ngày trước điện thoại về Việt Nam chàng hay tin cụ vào bệnh viện. Chú em trấn an, “Cậu vẫn gắt, nói nhạt miệng thèm cơm cà, vậy vẫn khoẻ anh cứ yên tâm.” Chàng tính nhắc “quả cà bằng ba chén thuốc” nhưng lan man chuyện khác, quên mất. Nhớ tuần trước nữa được nói chuyện với cụ, chàng nói sẽ về thăm, cụ lặng giây lâu, giọng thều thào, “Nghe nói lại phải xin xỏ, cam kết, quỵ luỵ…” Cụ ngừng, còn chàng thì bâng khuâng mãi. Phải đó là thứ sau cùng ở mỗi người cha mà thời gian không thể làm tiều tuỵ?
Trời trùng hẳn. Gió thổi mây xoắn xít. Và lòng chàng cũng xoắn xít một nỗi thương nhớ lộn màu thấm thía lo âu.
Nhớ hôm ấy chàng về tới nhà đã chạng vạng. Mấy đứa lớn hết hè trở lại các trường phương xa từ tuần trước. Vợ chàng và thằng út nán lại nhà ông bà bàn thêm chuyện cưới hỏi.
Chàng đứng ngoài ban-công nghe tiếng quạ kêu trên mấy ngọn cọ, bất ổn. Mai mình sẽ hỏi một hãng du lịch xem sao, mua vé về tưới chuyện gì hậu xét. Tưới cho mấy chậu ớt ít nước chàng mới mở cửa. Đang khi loay hoay xỏ chìa khoá chàng thấy trên cửa gắn miếng giấy nhỏ. Miếng giấy mang chữ ký người anh họ viết vội: “Gọi mãi không ai bắt phone. Anh chị đến cũng không gặp. Báo chú biết cậu mất rồi.” Khi không chàng không biết mình đang đứng bên mặt nào của cánh cửa; hồn tênh hênh, nhẹ hẫng, trong như miếng hổ phách. Cũng khá lâu chàng thấy bầu trời nhá nhem thoắt đổi thành màu hoa cà mênh mang, rười rượi, trễ tràng. Chàng bấm ba lần mới gọi trúng số nhà cha mẹ vợ.
Chín giờ sáng hôm sau chàng mới choàng dậy, ngửi thấy mùi hương nến phòng ngoài, lòng hoang mang không hiểu sao lại có thứ giấc ngủ bất nhân. Tối qua quên chàng đâu uống thuốc. Nắng lách màn gió đặt một dải tang trên bàn.
Con chàng khẽ mở cửa, mắt bối rối, một lát nói nhỏ:
“Mẹ đi mua hoa. Ông bà gọi lúc bố còn ngủ. Tối qua bà bảo bói mãi mới được mấy quả, đem hết về cho bố. Bói là gì bố?”
Chàng cay mắt nhìn con, bất giác thấy có gì xông lên mũi, hăng hăng, mặn mòi, tựa mùi dưa cà mắm muối.

 

Chiếu chắn còm

Xong rồi một cõi u minh,
Ngựa Hồ chim Việt biến hình mà đi
. (*)

Đinh thi sĩ nhẩm nhanh hai câu cuối bài thơ ghi vội rồi nhét mẩu giấy vào túi, gỡ mũ ngước nhìn những ngọn thông cao vút, hít sâu một hơi, rồi thở ra, than thầm, “Thật, chẳng chiều quái nào như cái chiều nay!”

***
Đó là một buổi chiều không giống buổi chiều nào thật, và ông Đinh thi sĩ có than như thế chắc cũng không ai nỡ bảo ông thậm xưng để nhân cớ ấy xén bớt tí tính đáng quý vốn có ở ông là tính thận trọng dùng chữ.
Ông Lê nhà văn lục túi tìm gói thuốc, sực nhớ ra chỗ mình đứng lại thôi. Nhìn về phía quan tài ông chắt lưỡi nói như nói với ma:
“Đi lúc nào không đi, nhè ngay lúc cuối năm.”
Ông Lý ký giả khẽ thêm:
“Và cuối thế kỷ.”
Ông Trần nhạc sĩ chưa chịu, thêm tí nữa:
“Cuối luôn một thiên niên kỷ.”
Tất cả yên lặng. Một cụ tiên chỉ vừa đọc xong bài điếu. Câu cuối có bị sự xúc động làm mờ đi nhưng năm ông tai còn thính lắm, họ nghe rõ cả: “… Thôi, chào anh, ngàn thu vĩnh biệt anh!”
Ông Nguyễn diễn viên vốn quen thói giễu giữa đường, chẳng giữ ý tứ nói như thở hắt ra:
“Bảy lăm tiễn tám mươi đào đâu ra ngàn thu. Tạm biệt nghe thật hơn.”
Ông Trần nhạc sĩ lớn tuổi nhất đám, nói:
“Tới nữa phiên ai đây?”
Ông Lý ký giả nói:
“Ưu tiên ấy không ai giành ông.”
Lâu lắm ông Lê nhà văn mới thở dài:
“Chắc cuốn chiếu mất thôi, tiên (**) đi nhanh quá.”
Ông Đinh thi sĩ bảo:
“Luỵ tình mới bịn rịn, thu vén xong rồi thì nhanh.”
Ông Nguyễn diễn viên bảo:
“Ối dào, đời toàn lăm le đì nhau, ù nhau, đi như thế kể đã lề mề. Hồi cụ mới lò dò sang tôi có nhắc đấy. Chẳng ân oán với ai cụ về lại bên đó hay hơn. Tôm lèo dù gì nó cũng tươi cũng ngọt hơn, hành quân nó khí thế hơn mà làm thơ nó cũng hứng hơn. Có nghe đâu!”
Ông Đinh thi sĩ cố giấu cái nhíu mày, bảo:
“Chưa ăn nhạt chưa biết thương đến mèo.”
Ông Nguyễn tính giương cổ cãi nhưng ông Đinh đã vội giơ một ngón tay lên miệng. Không gian thốt im như tờ. Trong nắng ngai ngái, trong gió ngây ngây, những lời thơ như lời cầu siêu bỗng trổi lên qua một giọng ngâm nữ không được xuất sắc:
Vũ trụ thiền hành tiết điều hơi thở
Vũ trụ mỉm cười tiến lên thong thả
Vũ trụ vận hành êm ả thảnh thơi
Chuyện gì rồi cũng bỏ qua thôi
(***)
Từ 1975 kẻ trước người sau nối nhau tha hương, sau cùng họ tái ngộ trong một chiếu chắn. Họ hay tụ ở nhà ông Trần nhạc sĩ. Người mình đặt tên nhau đến hay, vừa chính xác lại vừa thực tế. Ông Trần trải chiếu, thu hồ, lo hầu tiếp nhưng không chơi được gọi bưng tô. Cứ thế, theo phong thái hay cá tính ứng với quân bài, ông Đinh có biệt hiệu gàn, ông Lê con cá, ông Lý võ, ông Nguyễn bị gậy hoặc ăn mày. Trừ tiên thi sĩ mà tuổi tác đáng được thông qua mọi chuyện, còn giữa năm ông không thế. Họ có thể giống nhau rất nhiều chỉ trừ tí cỏn con, cái mũi. Không tin cứ quăng ra tí danh lợi mà xem. Cảnh sẽ vui đáo để. Sẽ có kẻ lì lợm xốc tới bảo thơm và có kẻ tháo chạy bảo thối. Lạ thay việc này lại vô phương thoả hiệp. Tại sao? Được cái họ không bỏ nhau. Vả bỏ nhau chơi với ai, với Mỹ ư, Mỹ nó đoái hoài gì đến trò chơi của một nhúm tị nạn lạc loài. Họ vẫn bên nhau. Họ giống những cột đền của Khalil Gibran, dù cùng nhau đội chung một mái đền nhưng không bao giờ đứng sát vào nhau; sự gần gũi thân mật ấy hoạ chăng chỉ để ban cho cái giá móc mũ, chiếc kệ để bản tin hay cái thùng đựng giấy lộn nho nhỏ.

Ông Đinh gàn suốt đời sợ bẩn tay, không muốn dính vào việc gì sâu nên không việc gì thành. Ông Lê con cá luôn mồm ca bài chống chính trị hoá văn học nghệ thuật nhưng lại dám vất vả đi đêm; lâu rồi ông bị chứng hồi hộp, vì cứ đêm đêm đèn sáng lại thấy một cái bóng đen có tác phong lãnh tụ về đứng ngắm nghía ông. Ông Lý võ thời còn thịnh cầm bút như cầm dao, trong ứng xử lộ bản chất hiếu sát, giờ sống vất vưởng như chờ quả nghiệp. Hai ông sau nghệ sĩ trình diễn, pháp thuật tất nhiên cao cường trong đấu trường danh lợi; mấy ông cầm bút bảo họ bạn ngoại vi, mặt tán thưởng hay sửa trị nên dành toàn quyền cho quần chúng. Giờ cả năm đều đã đi vào thời thiếp ngủ trước những pha gay cấn trên máy truyền hình. Họ vui vẻ lấy nguyên một hàng ghế như thế làm mẫu số chung. Cái mẫu số chung này đã ngẫu nhiên tạo thành một lớp vỏ bọc quanh đời họ. Nó bảo vệ được gì cho họ? Không, chỉ giúp họ che bớt phần nào vài đặc tính không nên phát huy của giới gọi là sinh ra đời như văn nghệ sĩ. Hôm nay có vẻ họ gắn bó chứ không như lúc ngồi trên chiếu chắn. Họ đi tiễn một bậc tiền bối đến chỗ rồi họ sẽ đến.
Xong đám họ nhẩn nha thả một vòng. Hai mươi lăm năm không ít bạn bè đã rủ rê nhau về ngủ chốn này. Khi ra tới bãi đậu xe vừa ba giờ chiều. Người cho họ quá giang không còn đó. Có xe buýt về Bolsa nhưng họ không đón. Đã đồng ý sẽ không bao giờ nữa có một chiều như chiều hôm nay, cớ gì họ phải vội vã. Họ quyết định thả bộ nói chuyện cho vui.
Chuyện giữa họ thường lan man và có hậu ý hay không còn tuỳ tạng người. Dù sao nó nhảy như cóc, cứ đang chuyện nọ xọ chuyện kia, tạo dịp cho ông Đinh gàn thở dài, bảo vớ vẩn. Nhưng giá có ngoắt một cái chuyện vớ vẩn biến thành chuyện gay go cũng lại là thường. Óc sáng tạo, tính khôi hài, lòng chủ quan và sự độc đáo là bốn điều xưa nay vốn khó kiểm soát. Họ hay kể về dĩ vãng với chút tưởng tiếc dù khi bị hỏi họ vẫn bảo việc họ làm là một trò chơi. Ấy thế chứ họ lại khó chịu lắm mỗi khi tự kiểm điểm thấy mình chơi vẫn chưa tới.

Và giá bị hỏi thêm tới là tới thế nào, tới để làm gì thì họ đâm ú ớ ngay. Có ai nhập cuộc chơi này mà không từng bị cụ Tiên Điền cấy cho một phát sinh tử phù bất tri tam bách dư niên hậu…!? Chính cái tâm trạng có màu ngổn ngang khi về chiều ấy sẽ có lúc cho họ cái gan cười xoà bảo nhau, “Rõ khỉ, vênh váo cho lắm hoá ra mình chỉ là một bọn từng hăm hở kéo nhau đi săn nai trong sở thú.” Đấy, đấy sẽ là thời sự hăng tiết cáo chung. Sự lăm le làm lại, nếu có, cũng nhấp nhô trồi sụt như kẻ sắp chết đuối. Rồi cái giọng sang sảng vốn có ở họ một ngày thấp hẳn, không quá đáng nhưng đủ thích hợp cho một thông tin bàng hoàng, chẳng hạn, “Ông ơi còn nhớ X. chứ, vừa đi làm về tim nó giật một phát đi luôn mất rồi”; hoặc cho một thông báo hân hoan, đại loại, “Này bạn hiền, thử loại giảm đau nhức Y. mới ra chưa, tuyệt, tuyệt cú mèo.”
Nhưng có thể văn nghệ sĩ hơi khác người ta ở chỗ dễ mủi lòng hơn, dễ cám cảnh hơn, thành thử tuy không quên những đố kỵ (đôi khi tệ hơn) họ vẫn độ lượng với nhau. Cứ xem như ông Lý võ. Ông từng là thảm hoạ cho ngay vài vị trong chiếu, nhưng khi hết thời, đến trước cửa nhà ông Trần bưng tô quy hàng, ông ngửa mặt nhổ lên trời một bãi to tướng rồi lạnh lùng rút khăn lau mặt, thẳng thắn nói, “Xin các ông anh nghĩ đến tôi như kẻ lầm lỗi mà không là kẻ tội lỗi.” Ông được bỏ qua khi tiên thi sĩ thều thào, “Môi sinh thế này chỉ mới cắn nhau đã là quý lắm.” Lại thí dụ khác. Chẳng hạn mươi mười lăm năm trước làm gì có mẩu đối thoại thế này:
Ông Nguyễn bị gậy tâm sự:
“Nhớ lại việc cũ, ngượng lắm.”
Ông Lê con cá gật gù:
“Thế là đã thấy được ngõ trúc xa xa.”
Ông Lý võ giọng vẫn khó hiểu:
“Giễu thua Phi Thoàn việc đếch gì phải ngượng.”
Về mặt nghề nghiệp ông Trần bưng tô gần với ông Nguyễn bị gậy, vì thế lời an ủi có nôm na và đầy đặn hơn.
Ông nói:
“Con gà cho trứng con công cho múa. Ngon mồm ngon mắt đều cần. Trên sân khấu đời ông đóng vai ông. Ừ, việc đếch gì phải ngượng.”
Ông Nguyễn bị gậy mát ruột lắm. Và như để đền ơn tri ngộ, lần đầu trong đời ông ban cho bạn tí cảm tưởng ông cũng biết khiêm tốn như ai, biết tự phê tự kiểm như ai.
Ông đáp:
“Tất nhiên là vậy. Trời sinh ra tôi để múa thì tôi múa. Khổ cái, chậc chậc, đôi khi xem lại những thước phim cũ cứ giật bắn cả mình. Chả hiểu vội vã thế đếch nào mà lắm phen ra sân khấu cứ quên kéo phẹc-mơ-tuya.”
Thấy tội, ông Đinh gàn cũng giúp cho đôi chữ:
“Càng mát.”
Đi một lát vừa đói vừa khát, họ đến trước một thánh đường ngồi nghỉ. Ông Trần là người háu đói. Mặc ai chuyện trò ông vẫn thản nhiên mở túi dết lấy ra cặp bánh dầy chả cốm sửa soạn ăn. Những người khác khởi sự một đề tài mới. Lần này nó trở thành nghiêm trọng khá nhanh vì họ đã lôi nhau vào chuyện khôn dại. Vừa liếc nhanh ông Trần đang hộc tốc chạy ra sân sau thánh đường, ông Đinh giơ bàn tay khẽ can mọi người:
“Chuyện khác đi!”
Ông Lý không chịu:
“Sống trên đời cần biết dại khôn, sao lại tránh?”
Ông Đinh chắt lưỡi:
“Người khôn đã thành tổ tiên.”
Ông Nguyễn ngạc nhiên:
“Thế không có hy vọng nào cho đứa còn sống?”
Ông Lê ơ hờ nhìn ông Trần vừa trở lại chỗ ngồi. Cái trán ông ta nhăn nhăn, đôi mắt hấp háy ra chiều đang nghĩ ngợi gì đó, lung lắm. Ông Lê đột ngột hỏi, “Này ông bưng tô, thành thật nhá, ông nghĩ ông khôn hay dại?”
Ôi thôi cả bọn một phen kinh hãi. Ông Trần bất giác thét một tiếng, lần nữa vùng chạy biến ra sân sau. Tất cả lục tục chạy theo và họ thấy ông bạn già đang đứng nhìn một dãy thùng rác vò đầu vò cổ. “Ối cha ối mẹ tôi ơi,” ông ta gào lên. “Thế này thì có khác gì quỷ thần nó vặn răng tôi.” Ra thế. Ban nãy ông Trần đã nhổ vội miếng bánh dầy thiu có dính hai hàm răng giả, và giờ ông không thể nhớ ông đã nhổ nó vào cái thùng nào.
Ông Đinh bảo khẽ vào tai ông Nguyễn, “Bưng tô là người sắp có hy vọng.”
Rốt cuộc như bao giờ họ đành chín bỏ làm mười, ít ra bề ngoài. Cùng chiếu cả đấy thôi. Trừ ông Đinh, tất nhiên, còn thì họ đồng ý ở một mức độ không thống nhất đời người khôn nhiều hơn dại (có thế mới tồn tại được). Và cũng đồng ý luôn chính điều đó là nguyên nhân làm mờ, làm mất đi sự tinh khôi đời nghệ sĩ. Xem, sao càng già càng bết? Tiên thi sĩ nói một đàng làm một nẻo, đi một bước người dìu một bước, ăn ỉ… cứ hiên ngang tại chỗ. Sao thế? Phải chăng trăm sự đều do cái gánh nặng vô hình gồm toàn những món gọi là kinh nghiệm, nôm na là lõi đời, tắt là khôn cụ vác trên lưng?
Chẳng mấy tiếng nữa lịch sử nhân loại sang trang, họ bâng khuâng nghĩ ngợi.
Nắng oải ra trên hoa cỏ. Bóng chiều đã lấp ló đâu đó từ những chân mây trên trời quận Cam. Các ngả đường gió Thái Bình Dương thơm dậy. Bóng người bộ hành vội vã. Lá khô chạy lao xao. Một chiều cuối năm như thế gây chấn động lớn trong hồn kẻ tha hương. Năm người bạn bất giác nhìn nhau, rồi như cám cảnh, lần đầu họ nghĩ đến nhau cách đằm thắm không ngờ. Ồ, nhớ bao năm qua họ đâu hề có tâm trạng xiêu xiêu như thế. Rồi họ lẩn thẩn bàn cách giải trừ cái khôn, cách cứu lấy sự tinh khôi của tâm hồn dù là vớt vát. Liệu có muộn quá chăng?
Ông Đinh muốn chữa cái bầu khí bi luỵ và bồng bột hơi bất thường do các bạn ông gây ra. Đấy, cứ đòi khôn đến khi có khôn lại hoảng lên vì nó. Dù sao ông thâm cảm. Ông hiểu chẳng qua các bạn đang cơn rối trí. Ở mỗi người giờ mới thực có thêm một đám ma lữ thứ, thêm một mất mát xứ người. Nhưng làm sao giúp họ dịu xuống? Có tiếng chuông bán kem. Ông chận thằng bé tính mua đưa mỗi bạn một cây, khi lục túi mới biết không đem ví theo. Ông Nguyễn nhanh nhẩu bảo để tôi, rồi quay hỏi thằng bé:
“Kem hả, mấy một cây?”
“Dạ một đô.”
“Không đi học à?”
“Dạ Mễ lậu.”
“Bốn đô năm cây được không?”
Thằng bé nhăn nhó:
“Dạ không.”
Ông Nguyễn moi ra tờ hai chục:
“Có tiền thối?”
Thằng bé hơi bối rối nhưng cười ngay. Tự nhiên ông thích nụ cười của nó. Chỉ trẻ con biết lao động kiếm sống khi thấy đồng bạc mới có nụ cười thế này. Nó đặt thùng kem xuống, chỉ tiệm tạp hoá 7-Eleven bên kia đường, đề nghị:
“Ông coi giùm cháu thùng kem, cháu đi đổi.”
Rồi nó cầm tờ hai chục mau mắn băng qua đường. Nhưng nó không trở lại. Mãi không trở lại. Ông Đinh tò mò nhẹ mở nắp thùng kem — một cái thùng ép bằng bấc nhựa đã khá sứt mẻ.
Lần đầu tiên các bạn thấy ông Đinh mất biến nét chừng mực cố hữu. Ông cứ rú lên cười, từng cơn.
Vào chiều cuối thế kỷ XX chẳng ai biết có năm ông văn nghệ văn gừng từng trôi dạt đến Mỹ từ xứ An Nam lòng rỗng toác (như cái thùng kem rỗng) vừa được hoá sinh trở thành con trẻ. Họ khoác vai nhau đi hàng ngang trên phố Bolsa, cười nói rần rần, bất cần người đồng hương có thể mắng thầm, “Mấy anh già mất nết!” hay bọn Mỹ qua đường hỉnh mũi nghĩ bụng, “Mấy thằng gay da vàng!” Họ hoá sinh vì họ vừa cùng ngộ ra rằng đời chẳng có quái gì là tuyệt đối, là hết sức, là cực kỳ, là vô cùng quan trọng cả. Giờ này tháng sau, năm sau, vài năm sau nữa, ngay trong đám họ còn ai nhớ tới tiên thi sĩ với trọn vẹn tinh anh thể phách như cụ vốn là? Một ngày mọi người đều mỏi mệt. Ngay thứ gọi là tình cũng có lúc đầy lưng và sẽ thành gánh nặng; sẽ có lúc người ta phải ngồi lại bên đường, lựa lọc và ném bỏ dần cho nhẹ hành trang.
Một xe rác tấp tới nâng một kiện rác lớn đổ vào lòng xe. Tiếng sắt thép va chạm gây một chấn động đau ngắn.
Ông Lý chợt hỏi, khơi khơi:
“Còn ông anh nào ngủ hay mơ không nhỉ? Lạ, giấc mơ tôi lâu rồi cứ như vượt biên mất tiêu.”
Mãi mới có giọng ông Trần:
“Tiếc gì cái nguồn gốc phù hư. Thực tế là ta cần duy trì cái chiếu chắn đây này, cho vui, được ngày nào hay ngày nấy. Nhưng làm sao trải chiếu khi thiếu một tay?”
Ông Lê bảo:
“Ông tập chơi là vừa.”
Ông Trần đáp:
“Nhiều quân quá, mãi không nhớ.”
Ông Nguyễn bảo:
“Trước tôi cũng thế.”
Ông Trần nhăn nhó:
“Khổ cái tứ đổ tường riêng món này tôi lại đếch mê.”
Ông Lý bảo:
“Chưa mê thuê trăm bạc cầm hộ một ván lắc ngay, mê rồi trả năm trăm bảo hoàn còn lắc dữ.”
Ông Trần bảo:
“Thế à, thế nhắc lại coi.”
Giọng ông Đinh bấy giờ mới trổi lên, dặn dò y một ông giáo tận tuỵ:
“Nhớ nhá. Cỗ bài một trăm hai mươi quân, có ba hàng văn, sách, vạn…”
___

(*) thơ Viên Linh;

(**) tên các quân bài được gọi dựa theo hình vẽ: tiên (nhất văn), múa võ (nhất vạn), bị gậy hay ăn mày (nhị sách), bưng tô (tứ văn), gàn (bát sách), con cá (bát vạn);

(***) thơ Võ Phiến.

***

 

Lão nho giả

clip_image010

Người ta thường tán những tay cờ tướng giỏi tính trước được hàng chục nước, ba nước tính chưa tới sức nào tôi dám nghĩ mình giỏi, vì thế xưa nay tôi ít dám hầu cờ ai ngoài mấy bố con trong nhà. Đánh cờ với con có cái thú của nó. Nếu Khổng Tử không nói câu đó chắc về sau đã có một Khổng… Sinh nói vậy. Ngoài cái uy ông bố mình còn cái uy khai tâm cho chúng dù chỉ vài chữ mã nhật tượng điền xe liền pháo cách. Những cái uy ấy làm nảy vài kết quả hay hay. Thứ nhất có thua mình thua con, lòng sảng khoái. Thứ hai có thắng, đứa “có hiếu” sẽ nghĩ bụng chắc bố may; đứa “bất hiếu” dẫu nhăn nhó nhưng cầm chắc không dám hỗn, không dám để nhẹ bàn cờ lên đầu cụ thân sinh ra nó. Nhưng tôi vẫn thích xem những tay cao thủ đụng độ, thật thế, thích lắm. Ngày còn ở đất nước, cuối tuần tôi hay lê la trên lề một đại lộ giữa Sài Gòn, nơi người ta bán chim bán chuột, bói toán xem quẻ và nhất là có những người ngồi bày cờ thế thách giang hồ hảo hán đi qua ai giỏi ghé thử vài nước.
Tôi không thích cờ thế. Những ông bày cờ thế mặc nhiên đã trăm cách gài sẵn cho họ cái thế tất thắng. Thú là lâu lâu gặp hai cao thủ sau khi làm ly xây chừng, cay nhau sao đó, thoả thuận kéo tới ngồi dưới gốc me sắp cờ quyết một trận thư hùng. Từ đó tôi nghiệm ra một điều. Với những bậc kỳ vương, họ luôn có hai lúc bình cờ. Bình cờ lần đầu là khi đôi bên thoải mái sắp quân, tiếng lách cách nghe hăm hở, vui tai; lần kế là sau mươi phút dàn quân, gài thế rồi dừng tay, ngó mắt nhau, một người chìa bàn tay lễ phép nói “Xin mời!” Người chung quanh lặng lẽ háo hức. Ngay đàn sẻ trên những cành me xem ra cũng im tiếng. Lần bình cờ này là dịp cuối cùng cho đôi bên còn nhớ ra trên đời có chữ tiền lễ hậu binh. Họ bắt đầu chìm vào sự tính toán sâu lắng, trầm ngâm, nham hiểm nữa. Thế sự hứa hẹn tắm máu rồi đấy khi một bàn tay thò ra quyết định nước đi cho một quân cờ.
Đây là giây phút gay nhất. Người phải đi nước trước thường bạnh cằm như máu huyết trong người đang sôi lên, các gân bắp đang nở ra, lấy tận lực tung cú tiên hạ thủ vi cường. Nước đầu, nước căng đầu hơn cả. Ra con xe, nhích con pháo, lên con mã, thậm chí đẩy con chốt, thay thảy sẩy tay đều có thể mở một hành lang cho địch xâm nhập, hoặc gài địch vào bẫy mà chỉ ít phút nữa thôi sẽ có kẻ mất nước tan nhà. Dưới những gốc me như thế đã bao kỳ vương râu dài ngang rốn chôn vùi tên tuổi, hay một cậu thiếu niên phút chốc tạo đại danh trong chốn giang hồ. Thế nào đi nữa, tôi không đủ trình độ để hiểu vì sao tự dưng mới đi vài nước một bên chợt ngửa mặt lên trời thở dài, vùng đứng lên, thốt một câu đau đớn, “Thua!” rồi lầm lũi lủi vào đám đông mất dạng. Những lúc như thế dù cờ gà, nhưng nhìn cục diện, tôi vẫn thường ấm ức nghĩ bụng xe pháo thế kia đánh cả buổi chưa chắc phân thắng bại, sao lại có kẻ bỏ của chạy lấy người? Mãi tới lúc đi tù cộng sản, nhờ cơ may, tôi mới có chút hiểu biết thêm về cờ, về người đánh cờ.
***
Năm 1977 tôi bị giam ở trại Suối Máu. Thời gian nằm bệnh xá tôi quen ông cụ Hoà, Nguyễn Thụy Hoà. Cụ bị lao phổi nặng, người gầy như que tăm, xanh như tầu lá, giọng thều thào như hết hơi nhưng cờ tướng thì nức tiếng như cá tính cụ. Nhưng chớ tưởng ai cụ cũng tiếp đâu đấy. Hách như gì. Bọn trẻ lúc rảnh rỗi ham cờ nằn nì thế nào cụ cũng lắc. Khi tôi nhập viện chỉ thấy được cụ đánh đâu vài ván với một cụ khác cũng lao phổi như cụ; sau ngày cụ bạn này mất, gần như tôi không thấy cụ đụng cờ với ai nữa. Mời, cụ trả lời bằng cách ngâm ư ử câu thơ cờ đang nửa cuộc không còn nước. Không ai hiểu thấu đáo cụ muốn nói gì. Cụ chê người mời cụ non, và cụ không muốn sát sinh, muốn cắt cổ gà thêm nữa; hay cụ đã âm thầm đọ thân phận vào chuyện thế sự, cho rằng đời là một cuộc cờ đã bí hoàn toàn?
Cụ là người đầu tiên bị nhốt vào conex trong đợt học tập chính trị năm 1975 bên K.5. Cụ trốn trại? Cụ cãi lệnh nấu nướng linh tinh? Cụ làm thơ văn phản động? Thưa không, cụ vào conex vì một câu phát biểu ly kỳ. Bạn đồng tù từng ở chung K.5 với cụ về sau khi kể lại vẫn tỏ ra khoái trá câu chuyện này. Ký bút hiệu Khánh Vân Cư Sĩ, chủ bút tờ Đại Từ Bi, một tờ báo của nha Tuyên Úy Phật Giáo, dịch giả truyện dài Bàn Tay Ngọc Phật, dĩ nhiên trong đợt học tập đầu tiên ban quản giáo trại phải cần xem một tên cầm bút lâu năm sẽ phát biểu thế nào về tội lỗi của hắn. Cụ bị chiếu cố. Lên phát biểu, cụ giở giọng ông đồ gàn, con cà con kê mãi rồi mới trở giọng hớn hở kể:
“Cách mạng vào thú thật tôi chỉ có mỗi một điều vui. Số là xưa ngoài Bắc, làng nào cũng có truyền thống, có tay nghề của làng đó. Có làng chuyên làm đồ gốm, có làng chuyên đan thúng đan mẹt, có làng toét mắt cả làng, có làng mù chữ cả làng, lại có làng được nức tiếng có lắm ông nghè ông cống. Làng tôi chả gì cũng có tiếng là làng trọng văn học, có trường, có thầy, có học trò nối tiếp nhiều thế hệ làm vẻ vang cho truyền thống làng. Gần làng tôi có một làng không có trường. Lắm bậc phụ mẫu muốn cho con theo đòi tí chữ nghĩa phải gửi chúng sang làng tôi học nhờ. Thủa thiếu thời tôi có thằng bạn làng bên sang học nhờ. Cùng lớp cùng trường. Tên nó là Dũng. Còn trẻ con ấy mà, thế nên chúng tôi thường ghẹo nó, gọi nó là ‘thằng Dũng làng Noi cả nòi hốt cứt!’ Cách mạng vào, ngờ đâu tôi tốt phước, có được thằng bạn là thằng bé làng Noi năm ấy, chữ nghĩa thì lem nhem, tay chân ít khi thơm tho sạch sẽ, thế mà trời ngó lại thế nào, nay nó làm tới ông đại tướng quân đội Nhân Dân, trong khi tôi giải ngũ về mang được chút hàm thiếu tá. Thật rõ là ai công hầu, ai khanh tướng, trong trần ai ai dễ biết ai.”
Khẩu khí và tính khí như thế, tôi không ngạc nhiên khi cụ từ khước đóng tiền mua khẩu phần thịt, đường, kẹo bánh mỗi khi có dịp nhà nước ăn mừng kỷ niệm này kỷ niệm nọ. Cụ bảo, “Lễ chúng nó, lễ gì mình mà lại phải móc tiền túi ra mua thức ăn ăn mừng?”
***
Có một hàng rào đơn ngăn khu bệnh xá với K.4. Bên K.4 có vài ba anh tù điên, trong số có một người, nghe nói cấp trung úy, không điên, chỉ khật khùng. Anh ta chưa tới ba mươi. Suốt ngày trên người chỉ có manh quần đùi khâu bằng bao cát, da dẻ vì thế xám xịt như củ súng. Bị xếp loại khật khùng dĩ nhiên chẳng ma nào bắt anh đi lao động được. Tối ngày anh luẩn quẩn trong trại, hay đứng nơi hàng rào xin xỏ tí cháy của đám tù K.30 làm nghề mộc kiêm nấu bếp cho bệnh xá. Đám mộc không ai tiếc gì anh bạn nửa điên nửa khùng tí cháy hay tí cơm thừa canh cặn, nhưng nội quy đã cấm ngặt chuyện “liên hệ linh tinh,” vì thế ít khi người xin được thoả mãn. Nhưng từ lúc biết trước khi khật khùng anh ta từng là một kỳ vương vô địch trại, đám mê cờ bên bệnh xá hay K.30 thường có kẻ liều lĩnh giấm giúi cho anh thứ này thứ nọ, nhưng đặt điều kiện sau đó phải đánh một ván cờ. Anh ta hay cười khỉnh, bảo, “Một là đánh qua hàng rào vi phạm nội quy, vệ binh nó bắn chúng mày bể gáo dừa; hai là điên cũng có tư cách thằng điên chứ, tao ăn gỏi chúng mày vinh dự gì!” Vì thế cho thì cho, không cho thì thôi, anh ta không bao giờ nhận đấu với ai cả.
Từ biết chuyện đó, cụ Hoà như lâm bệnh bồn chồn, giống chàng trai háo sắc biết sát vách nhà mình có giai nhân khó tính, và nếu long phụng không kỳ duyên một bận thác xuống tuyền đài hận ấy khó tan. Dưới mắt cụ từ nào tôi là người mê cờ dù chẳng bao giờ cụ thèm đánh với tôi. Đột ngột một sáng cụ thều thào bảo, “Ông đánh pháo được. Nhưng nhớ, từ cỗ pháo khạc ra lửa đến thằng tù ho lao khạc ra máu chỉ là nhấp nháy. Để tôi chỉ cho.” Từ đó tôi lâm căn bệnh khác. Pháo đâu xe đó. Cụ thở dài, giọng bí hiểm, “Xe để tung hoành và được hưởng vinh dự cho thiên hạ ‘tùng thiết,’ xe không làm nhiệm vụ bợ đít đứa nào cả. Ông thủ như thế đời ông sẽ đầy những 30 tháng 4. Đừng giận. Ông làm quan văn lợi hơn quan võ. Ông không có tay… sát quân!” Tôi không giận cụ Hoà mà cảm kích, dù thực tế tôi không nhận ra được rõ ràng khuyết điểm của chính tôi, nhất là tôi không nhìn ra hệ quả của nước cờ tôi đi, giản dị là vì nào tôi có nhìn thấy trước được ba nước cờ cho cam.
Lần ấy tôi nhìn cụ, cười:
“Từ động viên tôi đánh mới mươi trận lớn nhỏ, sau về văn phòng.”
Cụ nói nhỏ:
“May.”
Tôi chẳng hiểu may là may thế nào, may cho tôi hay may cho lính, tôi cũng đáp nhỏ:
“Vâng, may.”
Cụ Hoà đột ngột nhìn tôi, trở giọng nhỏ nhẹ, gần với nằn nì:
“Tính nhờ ông một chuyện.”
“Gì thế cụ?”
Cụ ngẫm nghĩ, rồi gãi râu:
“Của đáng tội chẳng giấu gì ông, lúc này tôi mất ngủ quá.”
“Sao cụ không xin ông Khái ít viên an thần?”
“Không, là chuyện khác…”
“Chuyện khác?”
“Nhưng chắc ông giúp tôi được.”
“…?”
“Ông gạ hộ tên gì ấy nhỉ, tên gì bên K.4 ấy, hay đứng ở hàng rào xin cháy ấy, đánh với tôi một ván cờ.”
Tôi nhìn cụ khá trân trân. Cụ có vẻ bối rối, bảo, “Ông đừng hiểu lầm. Hiếu thắng làm gì còn rễ con rễ cái nào trong tôi. Nhưng khó nói lắm, không đụng với hắn một ván tôi khổ sở thế nào ấy.”
Tôi khoa tay:
“Hiểu, cụ đừng lo, tôi hiểu. Để tôi cố dàn xếp giúp cụ.”
Khi đứng lên, nghĩ sao, cụ Hoà trao cho tôi một lon muối mè, dặn:
“Ông cứ đưa cho hắn, bảo thật với hắn đây là món quà của một lão già trên đời chưa ngán một ai.”
***
Hôm ấy là ngày 2 tháng 9 năm 1977, ngày cai tù lớn nhỏ tíu tít rượu thịt với những cuộc thi đấu thể thao, đấu cờ tướng vân vân lan vào cả các trại. Hiếu, giờ tôi đã biết tên anh ta là Hiếu, vẫn trần trụi lang thang lếch thếch như ngày thường. Điều ấy có nghĩa anh không tham dự các cuộc vui, dù là cờ tướng môn sở trường của anh. Anh ra đứng nơi hàng rào, nhìn đăm đăm ống khói nhà bếp bệnh xá đang nhả khói lên trời như cái ống khói xe lửa.
Tôi hỏi:
“Hết lon muối mè chưa?”
“…”
“Hết quà người ta thì chiều người ta đi chứ!”
“…”
“Làm bậy một ván đi. Hôm nay ‘nễ nớn ăn thịt nợn,’ vệ binh không ăn thịt người, bày ván cờ ngay góc rào này nhá?”
Đến lúc ấy Hiếu mới nhìn tôi, nói cụt ngủn:
“Tao là rồng.”
“Thì biết mày là rồng. Nhưng mày có biết vì sao rồng thành truyền thuyết không, vì nó láu cá, nó chẳng cho ai nhìn thấy bao giờ. Tao ngờ mày vậy đó. Chỉ vênh váo thôi. Mày dám phô hình tích mày ra không? Tao sợ rồi người ta gớm mày như gớm một con sâu lớn.”
Hiếu đỏ mặt tía tai. Công hiệu rồi. Tôi nghĩ bụng. Tôi nghĩ tôi phải phịa thêm một điều gì để khích hắn. Tôi tiếp, “Trước ông cụ từng đi đấu với các kỳ vương bên Đài Bắc, Hương Cảng, Tân Gia Ba đó mày. Ông ấy lớn lối lắm. Dầu sao tụi mình cùng lứa. Mấy ngày nay ông ấy bảo mày già dái non hột, tao cũng bực.”
Thế là chịu hết nổi. Hiếu sừng cồ. Anh ta nhếch mép lên như một con chó dữ, gằn giọng:
“Kêu lão ấy đem cờ ra đây. Tao sẽ cho lão biết con người giống trái cây chỗ nào. Tròn trước đâu cứ chín trước!”
***
Nắng chang chang. Giữa khi bọn vệ binh quản giáo K.4 và K.30 reo hò ngoài sân đấu bóng chuyền, và ở các trại nhà bếp sửa soạn phát thức ăn cho các khối tù, thì nơi hàng rào giữa bệnh xá và K.4 diễn ra một ván cờ. Bàn cờ đặt bên sân bệnh xá. Lũ tù mê cờ ở cả hai bên vây chặt như làm một hàng rào che chở cho cuộc tranh hùng giữa hai cao thủ họ vốn chờ đợi.
Cụ Hoà đã thay bộ quần áo lành lặn nhất của cụ từ lúc nào. Một quần ka-ki và một áo sơ-mi trắng còn khá mới. Đối thủ của cụ thì vẫn thế, vẫn trần xì một manh quần đùi bao cát. Họ thò tay qua hàng rào cùng nhau sắp cờ. Đôi bên đồng ý chỉ đánh một ván, không hai. Một anh tù nấu bếp nảy sáng kiến. Anh bưng ra một khay gỗ nhỏ, trên đựng bát canh còn bốc khói, một bát cơm và ba điếu Vàm Cỏ. Anh bảo đó là quà tặng kẻ chiến thắng trong “trận cờ thế kỷ.”
Và trận chiến khởi sự sau lúc bình cờ lần thứ hai. Cụ Hoà đi nước trước. Đi qua đi lại vài nước dưới trời nắng mặt cụ sạm lại nhanh chóng. Bên kia Hiếu chỉ cười cười, vừa bí hiểm vừa lạ lùng, nhưng thật rõ ràng cái kiểu khật khùng ngày thường đã biến đâu mất. Anh ta đột ngột ăn nói linh động hẳn, dí dỏm là khác. Anh bắt đầu trổ giọng giễu, gọi cụ Hoà bằng tổng thống. “Ấy chết, sao coi khinh mạng chốt thế hở tổng thống,” hoặc, “Tăng pháo về miền Tây? Ngon về đi. Muốn tự tử cho tự tử.” Có lúc cụ Hoà vò đầu vò cổ, Hiếu đổi giọng nghiêm trang, bảo, “Xin tổng thống trao quyền cho tôi. A, một lữ đoàn Dù hay Thuỷ Quân Lục Chiến đủ chiếm Nam Vang. Lon Nol ôm lấy chân ta mà xin lập thế ỷ dốc.” Anh nổ pháo cái đét bắt thêm con chốt đầu của cụ Hoà, giọng tỉnh khô, tiếp, “A, vồ vài đấng cố vấn làm con tin nữa chứ, viện trợ lại tái ồ ạt, dễ mà trở mặt giữa đường.” Vài phút nữa Hiếu phá lẻ cặp pháo ác liệt của đối phương. Đến lúc đó anh mới cười hềnh hệch, quay hỏi đại một người, “Ông Minh, bên Không quân còn bao nhiêu C.B.U? Miền Tây đánh ba năm chưa thủng. Chỉ cần một năm sống dưới ách VC là biết mùi đời. Xanh vỏ đỏ lòng đến mấy không vùng lên trong lòng địch tạm chiếm cũng tìm đường về nhập phe ta.”
Cụ Hoà thốt vùng đứng lên. Rồi như thấy rằng sự nóng giận không phải cung cách đối xử của bậc vào tuổi cha chú, cụ chắp tay nói vắn gọn với đám đông, “Tôi thua!” và thò tay qua hàng rào, nhìn sâu vào mắt Hiếu, bắt tay, nói khẽ một câu không ai hiểu nghĩa, “Chúc em may mắn!”
***
Nỗi tấm tức của tôi vẫn nguyên vẹn như nhiều năm trước mỗi khi nhớ lại cục diện ván cờ. Hôm ấy cụ Hoà không nhận khẩu phần có đủ “chất béo chất ngọt chất tanh” của ngày lễ. Cụ nằm ốm trên giường cả ngày. Có lúc tôi ghé hỏi thăm cụ chỉ thở dài, bảo, “Đời là ván cờ. Tôi hết nước. Tận tuyệt. Nhưng hắn, à, đừng nhầm nhé.” Giọng cụ đột ngột nhỏ hẳn, tiếp, “Khoái Kiệt đấy. Sử dụng xa mã đến thế không là kẻ bó gối đâu. Để rồi ông xem.”
Tôi không màng đến những lời bí hiểm của một ông già tôi vốn xem là yếm thế. Nhưng thật bất ngờ, khuya đó tiếng kẻng báo động vang inh ỏi và ngay sáng hôm sau ai cũng biết bên K.4 có người trốn trại. Hắn đã băng qua bãi mìn, nhảy chuyến xe lửa bốn giờ sáng và thoát. Người ấy là anh chàng Hiếu.
Năm sau ở trại Hàm Tân nghe tin cụ Hoà mất tại bệnh xá Suối Máu vào một ngày cuối năm lạnh lùng, cứ nghĩ đến cụ là một bàn cờ còn đủ xe pháo mã lại hiện lên trong trí tôi. Tôi buồn dù không biết chắc mình buồn điều gì. Nỗi buồn ấy đôi khi thấm thía như chuyện đất nước, đôi khi man mác như niềm ân hận đã đánh mất và không thuộc được bài thơ cụ từng dịch tặng tôi ngày cùng nằm khu lao trại tù Suối Máu. Đó là bài “Ông Đồ Già” của Vũ Đình Liên, cụ dịch sang Hán văn mà câu duy nhất tôi còn nhớ chỉ là cái tựa: Lão Nho Giả.
Tôi có sai không nếu bảo lão nho giả ấy có huệ nhãn, từng thị kiến được một người bạn trẻ qua một ván cờ, dù thua?

 

Quỷ xướng văn

Mới đây anh về Việt Nam một chuyến, về thăm cha già ốm đau và cải táng phần mộ mẹ anh. Cha anh ở Sài Gòn và mộ mẹ anh còn ngoài Thanh Hoá. Hơn bốn mươi năm mộ vẫn còn. Lạ? Không đâu, ấy là nhờ trong khối nhân dân bần cố còn sót một số trình độ tiếp thu tư tưởng cách mạng kém cỏi, nhồi cách mấy vẫn không thông chính sách cào bằng lấp sạch.
Anh mặc tang phục, mua hương nến, các thứ cần thiết thuê thợ cải táng. Áo quan mẹ anh xưa bằng gỗ vàng tâm, bền như sừng, thế mà khi mở xương khúc còn khúc mất. Anh nhìn xuống mộ huyệt khóc cười tuỳ lúc. Anh Mới, người kéo xe tay cho mẹ anh xưa, giờ đã là ông cụ hom hem ngoài bảy mươi, ngạc nhiên hỏi vào tai anh:
“Cậu khóc hay cười đấy?”
Anh nhìn kín nhiều người lạ mặt, đáp khẽ:
“Cả hai. Phải thích nghi hoàn cảnh.”
Anh Mới hiểu, giọng gần với sự biếm nhẽ:
“Ngoài quy hoạch hết rồi. Cả nước đã tự do khóc, cậu khóc tí nữa không sao.”
Thế là anh khóc, khóc to hơn cả ngày thơ ấu lúc mẹ anh mất.
Cải táng xong anh rời khách sạn, ôm lư sành nhỏ đựng cốt mẹ về Thọ Xuân, chỗ anh ra đời và chỗ sống của anh Mới hiện tại. Nghỉ thêm ít bữa, anh Mới hỏi có muốn quay lại thị xã thăm thú cơ ngơi cũ của gia đình ở phố nhà Chung không, có muốn về nhìn lại quê hương tổ tiên ở Ba Làng huyện Tĩnh Gia không? Anh Mới dù gì vẫn là nhân dân. Còn anh con cháu giai cấp nợ máu. Nhân dân khiến sao anh làm vậy. Và quả đúng như lời anh Mới nói: “Cả nước đã có tự do khóc.” Bà con anh khóc lu bù.
Anh tính đáp xe lửa về lại Sài Gòn rồi từ đó trở sang Mỹ, nhưng anh Mới bảo chẳng biết bao giờ gặp lại, nên vào Nghệ một chuyến. Ở Nghệ anh Mới biết gia tộc anh còn nhiều chi họ nội ngoại. Suốt mấy mươi năm chuyên chính vô sản, thứ tình cảm tư sản độc hại lây từ gia tộc anh anh Mới chữa không dứt, vì thế vẫn lén lút duy trì mối liên hệ linh tinh với họ hàng chủ cũ — những kẻ bị lịch sử vô sản tiêu diệt lốm đốm. Anh Mới mua vé xe đem anh xuống Nghệ, dặn cứ y cách ở Thanh mà khu xử. Nhờ ơn bác đảng không còn là khẩu hiệu trí trá phổ thông với nhau nữa, giờ cứ nhờ ơn phong bao trong có ít tờ xanh xanh là nhất. Đó mới là tình nghĩa quốc tế keo sơn thứ thiệt.
Rời Thanh như rời một giấc mơ. Xuống Nghệ như đi vào giấc mơ khác. Anh cố nhẫn nhịn để câu thơ “Đường vô xứ Nghệ loanh quanh, non xanh nước biếc như tranh họa đồ” hướng dẫn thế mà không xong. Rừng thì phá, núi thì khoét, đường thì ổ gà; nói tóm lam nham như bức dư đồ rách. Cuối cùng anh tóm được trong anh cảm giác trung thực hơn cả: Chân không chấm đất, đầu không chạm trời, thần trí không chạm người. Anh thấy như anh đang phiêu diêu vào một cõi âm. Chỉ khi ôm sát vào lòng chiếc lư sành nhỏ đựng cốt mẹ anh, anh mới bừng tỉnh nhớ mình còn ở cõi dương. Nhưng điêu tàn đổ nát cũng có cái thẩm mỹ riêng của nó, vì thế cứ tức cảnh sinh tình anh đều đề trong óc một đoạn tứ tuyệt. Nhưng lạ, khuya đó ở nhà người cô họ, lấy giấy bút tính ghi lại thì đầu trắng bóc.
Buổi tối sau cơm nước, khi anh Mới đã ngáy như hùm anh mới hỏi han cô anh nhiều cố sự. Cô không nhớ gì nhiều, mà có thì lộn xộn lắm; đôi khi anh còn phải kín đáo điều chỉnh vài chuyện vụn ngay trong gia tộc, dù ngày còn bé anh chỉ nghe lóm.
“Vậy thì cháu nhắc nữa đi cho cô nhớ với,” cô xúc động bảo. “Dĩ vãng chốn này tựa thú hiếm cháu ạ, nhiều thứ tuyệt chủng từ lâu, phiêu lưu vào nó thế nào cũng lộn mộng ra thực thực ra mộng.”
Đêm ấy trên chiếc chõng tre anh băn khoăn quá. Hay đây đúng là nơi người ta dị nghị vùng đất ít người nhiều ma? Cô là con nuôi ông chú — em ruột ông nội anh. Xưa ông chú anh giàu. Cha anh từng kể thời tiêu thổ kháng chiến Việt Minh phải đặt vè mà phá nhà ở Vinh: “Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà, Hoan hô bộ đội phá nhà MT.” Di sản ấy sót lại nơi đây là ít người như cô, một bà già ngoài sáu mươi ốm yếu, không chồng con, lam lũ như một bà nhà quê. Quyền làm người của cô là được sống sót. Nhưng giờ có vẻ cô sống thoải mái hơn. Nói kiểu biện chứng sự thoải mái ấy là nhờ cách mạng vừa thực hiện thành công cuộc đổi đời mới nhất và sau cùng nhất. Từ đổi mới, giai cấp vô sản — kẻ cựu thù với giai cấp dưỡng phụ cô — đã lặng lẽ hè nhau chạy túa theo con đường mưu cầu tư sản từ hồi nào, do đó chẳng ai còn rảnh rang, còn tai mắt đâu mà nhòm nhỏ dao thớt nhà cô, suy bì với lối sống “bóc lột” của gia tộc dưỡng phụ cô dù nó đã được mai táng từ nửa thế kỷ trước. Cô nghiễm nhiên trám chỗ hoàn toàn và triệt để khoảng trống vô sản bao la nhân dân vừa bỏ lại. Phần già chậm chân, phần kinh cung chi điểu, cô đành tận tụy với giai cấp mới nhưng vừa cũ mà xưa cô chỉ là kẻ tân tòng. Trong mắt anh, cô có nhiều triển vọng sẽ mang vinh dự người gác dan sau cùng trao chìa khoá thiên đường cộng sản cho một thế lực mới nào đó đến tiếp thu một ngày không xa.
Một hai ngày đầu anh nuốt không vào miếng cơm độn đã nhiều chục năm trở thành xa lạ. Anh dấm dúi phong bao cho cô, khá, thế mà quanh đi quẩn lại vẫn cơm độn với canh đủ xanh nấu cá trỏng khô, bữa nào dôi lắm có thêm tí trứng rán. Anh hiểu và thương. Thượng đế sinh con người có kèm một ân huệ phụ: Thói tập thành huyền diệu. Cách khác, mù mãi thân được bóng tối. Nhà cô nằm bên bờ sông Lam có núi Thành không xa nhìn xuống. Căn nhà lá vách đất mới đây rùng mình biến thành căn nhà ngói vách ván. Nhờ phép lạ kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa? Cả nước để sống bắt chước nhau dối trá như cuội, riêng về sự khá giả lại thật như đếm. Cô siêu nhân sao mà dám đi ngược xu hướng thời đại. Cái khoản nhà ngói cây mít cô thú nhận họ hàng từ nước ngoài gửi tiền về giúp. Một lần cúi vo gạo bờ ao, thấy một lão già thoáng qua, cô có vẻ thất sắc, vòng tay kéo ngay vạt áo lưng xuống. Trông dáng dấp một bà cụ ngoài sáu mươi làm trò thiếu nữ anh có ngạc nhiên hỏi:
“Ai thế?”
Cô không đáp, thầm thì:
“Lạ, sao dạo này lão về hoài.”
Rồi cô quày quã mang rá gạo vào nhà, cài then cửa trước, không hé môi gì thêm.
Trưa sau anh lại thấy lão. Lúc ấy lão ngồi thả câu bên cái ao cá có tấm biển đề “Ao cá bác Hồ.” Thấy lão trầm ngâm, râu ria đạo mạo anh tò mò lân la làm quen. Nhờ cái cần câu làm vội anh nhanh chóng được lão chấp nhận bạn câu. Lão phá đi sự câm lặng như cái cối xay dưới lòng ao để trò chuyện với anh. Lão mặc bộ quần áo nâu xuềnh xoàng nhiều túi, chân vẫn dép râu đầu vẫn nón cối. Dù sao nhìn chung lão có tí cốt cách, duy giọng đục, xa; sự đục và xa ngang với dĩ vãng của anh, một dĩ vãng dài hơn bốn mươi năm mới lại được về chỗ cũ ngồi dưới một gốc sung thả câu bâng quơ thế này. Nhìn những con nhện nước chạy ngang dọc trên mặt ao anh rùng mình. Thốt nhiên anh nhớ lại những nẻo đường anh từng chạy ngang dọc trên đất nước, trên mặt địa cầu.
Anh bắt chuyện trước:
“Đây ra sông mấy bước sao cụ câu ao?”
“Tuổi già nhìn nước trôi như nhìn thời gian, chóng mặt lắm.”
“Ao có cá chứ cụ?”
“Đất nước ta rừng vàng biển bạc, cá thịt xuất khẩu không hết, câu cho vui, miếng ăn nào phải vấn đề.”
Anh nghĩ thầm có lẽ lão là một cấp ủy chi đó đã hưu. Mà thế thì thôi. Xảo trá ăn vào xương một lão già chỉ thần chết cạo được. Anh tiếp tục, “Cụ bà và các anh các chị ở quanh đây cả chứ?”
Lão lạnh lùng:
“Cụ bà thì không còn con cháu rải rác đếm chi xuể. Vả ai đi làm cách mạng cũng thê tróc tử phược cậu nghĩ đem đất nước đến được kết quả thế này?”
Anh rút thuốc lá mời lão. Điếu thuốc Mỹ khiến cảm tình một người cách mạng lão thành dành cho anh nảy nhanh như bèo tấm mùa xuân. Rít mấy hơi liền giọng lão có vui, bảo:
“Thơm, thuốc Mỹ vẫn thơm!”
Thấy lão già cũng phàm tục như ai, anh nổi máu đùa khá suồng sã:
“Cụ vừa bảo không cụ bà lại lắm con cháu là sao?”
Lão không đáp ngay câu hỏi mà mông lung kể một câu chuyện:
“Các cụ xưa có dạy ‘đàn bà ra chợ là vợ đàn ông.’ Mà nhảy vào cách mạng thời chúng tôi khác nào nhảy vào cái chợ quốc tế. Thôi thì mặc sức. Thời còn trẻ hoạt động tôi có thằng em song sinh đa tình, đi đâu vợ đó, sau hai trứng dái, xin lỗi cậu, lúc chết phát to như trứng dái dê.” Đột ngột lão ta đổi giọng nghiêm chỉnh, “Cậu nước ngoài về?”
Anh chột dạ:
“Sao… cụ biết?”
Ngẫm nghĩ giây lát, lão thở dài:
“Tôi chán sự đánh giá người cách mạng của các cậu lắm. Luôn luôn các cậu tưởng chúng tôi ngu. Không đâu. Cả một đời đụng và thắng đủ các thế lực ngoại thù đế quốc thực dân, thủ tiêu hết các giai cấp nội thù phong kiến tư sản đảng phái Việt gian phản động, xin lỗi cậu, tai mắt mũi cách mạng không nhạy như chó thì nghe sao ra ý đồ xấu xa, thấy sao ra quyền biến mưu mẹo, ngửi sao ra vàng bạc châu báu chôn giấu? Phớt qua tôi biết cậu vừa cạo râu có bôi nước Old Spice; và gói thuốc của cậu nữa, sự bèo nhèo không tố giác cung cách kẻ quen thừa mứa hàng tiêu dùng đấy sao?”
Anh hơi lợm nhưng chợt hiểu rõ hơn một điều đã hiểu.
Thấy lưỡi câu của lão máy động, anh giục:
“Cá lớn đấy, giật đi cụ!”
Lão nhìn anh cười khỉnh:
“Mắt cách mạng không phải mắt dân thường. Máu còn chả khúc xạ được tia nhìn chúng tôi nữa là cái mặt nước ao. Cậu muốn tôi bắt một con giếc nhãi? Này thanh niên, đã cất công giật câu phải được cá kình!”
Cho là lão già kiêu ngạo gàn dở, anh toan đứng lên thì lão ghì anh lại bằng câu hỏi đột ngột, “Bên Mỹ thế nào? Sau bang giao cậu thấy sao?” Từ khi bước xuống phi trường Tân Sơn Nhất anh đã tự dặn lòng hai điểm phải tránh: Điều thứ hai không nói chính trị sau điều thứ nhất chớ đả động đến họ Hồ. Bên Mỹ thế nào, bang giao ra sao đều có tính chính trị. Anh đánh bài lờ. Thấy anh im lặng, lão liếc, nét tinh quái hiện trong khoé mắt. Một lát lão trổ giọng phủ du, “Giờ cởi mở. Với lại vùng này tôi tiên chỉ. Nói với ai cậu ngại chứ với tôi cứ tự nhiên. Ở đây tôi toàn quyền ngồi xổm trên mọi chính sách.” Anh không quan tâm lắm đến những lời huênh trộn cay đắng của đám cán bộ già hết thời. Về đây chạm hạng này nhiều rồi.
Cố tỏ ra chút ngạc nhiên, anh hỏi:
“Thời xã hội chủ nghĩa làng xã cũng có tiên chỉ nữa sao?”
Lão cười:
“Hỏi bà gì ấy nhỉ, bà cô của cậu ấy khắc rõ.”
Lão kéo câu gắn mồi mới. Anh lẩm bẩm, “Thế ra bình mới rượu cũ, vẫn tiên chỉ thứ chỉ!” Lão nghe lọt, nhìn anh như thương hại cho một con câu non, giải thích với giọng khá chân thành, “Làm cách mạng là để đạt được những cái xấu, cái tiêu cực thơm phức của giới cai trị mà khi chưa cướp được chính quyền người cách mạng thèm, xin lỗi cậu, như chó thèm xia, hà tất chỉ tí đầu lợn làng xã.”
Cảnh giác ban đầu mất biến, anh nổi tò mò:
“Hoá ra cứu cánh là tư lợi phương tiện là cách mạng?”
Lão vung tay. Sợi dây bắn ra giữa mặt ao. Lão hỉnh mũi:
“Cậu đọc Hàn Phi, đọc Marchiavelli đấy chứ? Những liên hệ hữu cơ giữa người với người, giữa cai trị với bị trị đều vì tư lợi tuốt luốt. Ông tiên chỉ gắn với làng xã để hưởng cái đầu lợn, cách mạng gắn với nhân dân để hưởng sự toàn quyền ban phát những cái đầu lợn thừa mứa. Ấy là nói kiểu biểu tượng đấy thôi. Mà cậu xem. Con cá dưới ao tù còn phát triển, quyền lực lãnh đạo nửa thế kỷ qua cậu tưởng bị còi? Mồ hôi nước mắt nhân dân vô ích? Nảy nở không lường được nữa cao rộng không đo được nữa cậu ạ.”
“Thụy kỳ chung…”
“Hà hà… thì thế. Đã gần đất xa trời quanh co với trẻ làm gì. Nói trắng với cậu chúng tôi phát động cách mạng là để lập lại chu kỳ lịch sử bằng cách tinh vi và khoa học hơn, có thế mới tồn tại, mới muôn năm trường trị được. Cậu vừa chê chúng tôi phong kiến? Trở lại phong kiến và biến phong kiến thành siêu đã từ lâu lắm.”
Anh ngẫm nghĩ giây lát, hỏi dè chừng:
“Không nên không phải cụ bỏ qua cho, tôi nhớ Saint-Just có nói ‘chẳng ai cai trị mà không phạm tội ác.’”
Như một người thừa thông minh vặt, lão già cười hệch lên:
“Lời thú tội của một tên ấu trĩ! Lão luyện phải nói thế này, chẳng ai cai trị giỏi mà phạm tội ác.”
“Tôi….”
“Đáng thông cảm. Trình độ cậu chưa hiểu nổi đâu. Cứ xem như quá trình cách mạng vô sản nước ta, đấy cậu thấy, bọn phản động công phá bao năm rồi thấm tháp gì. Như đồng chí Văn Cao viết, cách mạng chúng tôi có bao giờ nhợn chuyện ‘uống máu quân thù.’ Nhưng ai sẽ là kẻ bị lên án uống máu, uống từ vụ đấu tố cải cách ruộng đất, đến vụ Nhân Văn & Giai Phẩm, vụ xét lại chống đảng, sau này vụ tù cải tạo, vụ đánh tư sản, vụ đào mồ bốc mả cả miền Nam lên, vụ bách hại các tôn giáo, đàn áp trí thức văn nghệ sĩ, cả vụ bán dân cho cá mập biển Đông lấy vàng?”
Anh choáng váng thấy lão phun sự thật trong cung cách lạnh lùng vô cảm. Tay nhấp nhấp cần câu, miệng lão vẫn đều đều, “Giá như, tôi nói giá như thôi đấy nhá, lịch sử làm một cú lộn lèo thì kẻ lãnh án uống máu là ai? Óc nhân dân sáng tạo phục vụ Tổ quốc thì bao la nhưng khả năng nhận diện những kẻ uống máu thì hạn hẹp lắm. Tôi bảo đảm với cậu nếu lịch sử tráo trở sẽ khó tránh cảnh ‘đầu đường cổ lính treo cao, cuối đường cảnh sát dao vào sau lưng.’”
Vô cớ anh thốt la lên:
“Họ đâu là thủ phạm, họ thừa hành!”
Lão già trầm ngâm hẳn. Lão ngước nhìn trời. Thấy xế bóng lão khoan thai thu lại mớ đồ nghề câu. Có tiếng chim chích choè loé sau bụi tre. Anh ngửi thấy mùi cơm độn khoai toả sau mấy cây rơm. Và mùi canh đủ xanh nấu cá trỏng khô nữa. Anh ngước nhìn núi Thành xa xa, bất giác thấy giống một mộ bia cao ngất chạm trời, và rùng mình nhìn dòng Lam như vừa biến thành dải tang bất tận dưới màu chiều lạnh.
Lão già đã sửa soạn đứng lên. Rõ ràng lão không có ý thân thiện mời một người từ ngoại quốc về ghé thăm nhà lão. Lão nhấp miếng nước đựng trong một vỏ bầu khô. Anh ngửi thấy mùi rượu thơm khá quen thuộc. Nhưng lão không cho anh thêm thì giờ thám thính trên con người lão. Lão vuốt bộ râu dài chẳng để gỡ rối mà hình như vì thói quen. Ngoảnh mặt chỗ khác, lão nói khẽ, “Vì thế tôi mới hỏi cậu bên Mỹ lúc này thế nào, sau bang giao ra sao?” Anh lúng túng. Có lẽ đoán anh tối dạ, lão đội chiếc nón cối trắng lên đầu, tiếp, “Thường lãnh đạo thời nào cũng thế cậu ạ, đặc quyền đầu tiên là không phải trực tiếp xông pha hòn tên mũi đạn, kế nắm xã tắc trong tay, kế nữa tội ác chế độ có dê tế thần, và sau chót giá như con quỷ lịch sử trở mặt, họ luôn có chỗ dung thân an toàn cho cả chó mèo. Mà thôi, hỏi cậu vậy thôi, chứ Mỹ thế nào, sau bang giao ra sao đây thông cả. Giờ kiếu nhá. Già nó vậy, cơm rượu phải đúng cữ, muộn chút khó ở ngay.”
Lão lửng thửng vác cần câu bước ra bờ sông Lam. Anh cũng đứng lên, bần thần, một lát sực nhớ, hỏi với theo:
“Thế cụ ở đâu, cụ làm gì sống?”
Lão như miễn cưỡng dừng lại, nhưng không đáp, mà hỏi ngược:
“Thế cậu về làm gì?”
“Dạ hốt cốt mẹ tôi.”
Lão bật cười thành tiếng:
“Quả lạc hậu là bệnh di truyền khó chữa. Sao người ta cứ thích sống với người chết thế nhỉ! Này nhớ, không phải ai chết cũng đáng nhắc mãi, nhớ mãi; vinh dự ấy chỉ dành cho các lãnh tụ anh minh đã được sách sử đóng mộc thừa nhận sẽ sống mãi trong quần chúng thôi.”
Đã hiểu “muốn có chủ nghĩa xã hội phải có con người xã hội chủ nghĩa,” mà lão ta không là một con người xã hội chủ nghĩa thuần thành đó sao, anh thấy hề nếu biến đạo lý thành chuyện tranh luận, nên bấm bụng lập lại câu hỏi cũ:
“Thế cụ ở gần đây chứ?”
“Bảo gần không phải bảo xa cũng không đúng. Mà cậu hỏi làm gì?”
“Tôi còn ở đây ít ngày, muốn đến… chơi cụ.”
Lão không giấu nổi nét nghi ngại, cười nhạt, giọng khá bí hiểm:
“Đảng đứng trên đứng ngoài chứ không đứng kề đứng giữa nhân dân bao giờ. Xáp gần là cách dẫn đến hoạ tru di tam tộc nhanh nhất. Tôi mong cậu hiểu cho châm ngôn bất di dịch của người làm cách mạng vô sản chuyên chính nhà nghề như chúng tôi, cho dù tôi đã hưu từ lâu lắm.”
“Vâng, nhưng ít nhất…”
Như đoán ra câu hỏi, lão nói luôn:
“Hỏi cô của cậu ắt biết. Hàng năm tôi vẫn về Nam Đàn nghỉ mát. Gần đây thôi. Ném lẵng hoa cũng tới.”
Rồi lão gãi tai xin anh thêm điếu thuốc, bảo ban trưa đãng trí bỏ quên gói thuốc ở nhà. Anh đưa hết gói thuốc Mỹ còn sót dăm điếu cho lão, ý cũng ngầm xem kỹ nét mặt lão lần nữa trước lúc lão ra đi. Nhưng như biết ý đồ anh, lão lẩn tránh bằng cách cúi đầu châm thuốc, nhả khói mờ cả mặt, thản nhiên quay gót. Những ngọn cau ngọn dừa xô dạt. Mùi sông nước đồng áng khi không tanh tanh lẫn với mùi lịch sử khi không cũng tanh tanh. Anh đứng bất động nhìn theo lão già khuất sau một bụi tre gai. Một dải nắng chiều sáng loé. Hình ảnh cuối của lão anh ghi được chỉ là một khoé mắt rất lanh, nét môi dày và một vành tai bạt nhĩ; sau đó chỉ còn tiếng gió lộng như có lộn tiếng cười rền kỳ dị của lão.

Anh về. Cô hỏi đi đâu và bảo sửa soạn ăn tối. Anh đáp ngồi câu với lão già. Sực nhớ cả buổi quên hỏi tên lão, anh hỏi cô, cô im lặng. Nhìn ra ngoài trời chạng vạng, cô nói “Tháng này sương xuống sớm, tắt nắng đã u ám như bãi tha ma.” Cô quay nhìn anh dặn cách khó hiểu, “Còn chơi đây ngày nào cháu nên thận trọng.” Nói đoạn cô bước xuống bếp, lẩm bẩm, “Rõ thần suy quỷ lộng,” và lặng lẽ lấy treo trước cửa một xâu tỏi đã mối mọt nhiều.

 

Người Tù

Xe về tới Sài Gòn vào một chiều cuối năm, đến ngã ba rẽ vào Khám Lớn thì kẹt. Người tù bấn loạn vì mót tiểu tiện. Biết xin xỏ lúc này vô ích, anh cắn răng chịu cho đến lúc ướt hết đũng quần. Cái hỉnh mũi khó chịu làm giảm nét vô cảm trên khuôn mặt người công an trẻ áp giải. Nhưng chắc đã quen với phía trái “thiên đường,” anh ta yên lặng.
Người tù nhìn ra dòng đời ngoài ô cửa lưới. Nắng chiều óng cơn mưa nhỏ, khói đè thấp mái quán, bước chân người như dính lối đi. Xa quá, tách biệt quá, cảnh đời không hàm chứa một khơi dậy nào cho anh, dẫu là sự tò mò gần với bản năng, thậm chí chút buồn. Anh quay vào như tránh nhìn một tấm gương vừa soi rõ thân anh như hòn sỏi, quen đến lỳ sự trầm tích dưới sức nặng thời gian. Hai mươi mốt năm hết nhà tù này sang nhà tù nọ, anh tự hỏi sao lòng dửng dưng, đến nỗi buồn cũng trắng? May, có thế chứ! Anh vừa nghe đâu sâu trong tâm khảm máy động chút luyến tiếc những năm đầu tù tội. Ôi tuổi trẻ đâu cũng là tuổi trẻ, dù tuổi trẻ trong tù. Thân xác màu mỡ ngày ấy gánh nặng đời chưa đè nổi hạt mầm hy vọng. Đó là khoảng thời gian anh còn chia xẻ được với các bạn bóng lồng lộng một người nữ không có thực, còn ăn ngon lành món ăn tưởng tượng sợ chưa từng hưởng trong đời, còn mơ được loài chim cánh rộng phủ mát bầu trời ngoài khung cửa hẹp, một đốm lửa đầu thuốc nghĩ ra cả một đám cháy lớn, nghe ra tiếng chấn động càn khôn của chú dế đêm tưởng là nhỏ bé lạc loài.
Lao tù tiêu hoang đời anh nhưng anh không chận tay nó được. Hết rồi, mơ mộng ấy sẽ không bao giờ còn nữa?
“Ỉa đấy à?”
“Dạ không.”
“Thối quá!”
Anh tính nói lâu rồi anh đã xa lạ mùi thơm nhưng yên lặng. Người công an áp giải đốt thuốc hút một mình, một lát lại ngứa miệng hỏi, kiểu mông lung:
“Cuối năm sao chuyển trại mỗi mình ha?”
“Dạ đâu biết.”
“Phản động tội to như cột đình, va sưng trán thế kia mà cứ không biết. Trước nghề gì?”
“Tôi dạy học.”
“À, trí thức…”
Người công an bỏ lửng nhưng anh hiểu. Nén lắm anh mới không bật cười. Từ bình minh nhân loại trai săn bắn gái hái lượm, lời ca ngợi bộ óc chế ra lưỡi dao, mũi tên, cái thúng, cái rổ lớn mãi theo quá trình thăng tiến, dè đâu có lúc bị chận đứng ở cuối thế kỷ 20. Bộ óc hoá thành đối tượng cần thủ tiêu của chế độ. Cũng tốt thôi! Nhưng không nên nói điều đúng hơn vào tai kẻ vốn đã tin lời y là đúng nhất, anh dặn lòng, rồi anh tự xoa dịu bằng ý nghĩ y coi mình là tội phạm nguy hiểm nhưng cấm sao được mình coi y là một nạn nhân đáng thương.
Xe lại chuyển bánh. Thấp thoáng xa xa cánh cổng dẫn vào Khám Lớn. Những hàng gòn, trứng cá xanh quanh năm bên đàng không giúp anh nhớ rõ anh đã trở lại chốn cũ bao lần. Nhưng khác gì nhau dù chỗ này chỗ nọ, khi mà chỗ nào cũng chỉ phản ảnh mặt tiêu cực nhất của sự căm thù vô lối? Đó là chỗ cũng con người cho ăn mới được ăn, cho ngủ mới được ngủ, cho sống được sống, bắt chết phải chết; chỗ con người trở lại sự trần truồng không ngượng ngập buổi đầu đời, và sự sống hoàn toàn tuỳ thuộc như trẻ sơ sinh, có hiện tại mong manh và tương lai là điều bất khả ý thức.
Xe đậu. Người công an áp giải chà tay trên báng súng, đột ngột lên tiếng, “Thế nào chả gặp lại đồng cảnh cũ, vui nhá!” Anh tính nói “tôi có hàng triệu đồng cảnh, đâu chả gặp,” nhưng thôi. Người công an nhìn ra ngoài sân nhốn nháo những đồng nghiệp, nhớ cả ngày đường tên tù không làm phiền điều gì, anh ta buột miệng gia ân cho tí tin vui:
“Lúc này thả nhiều đấy, nếu được thả tính làm gì nào?”
“Sẽ dạy đốt.”
“Hả?”
“Cái di sản u tối kiên cố kia.”
Người công an trẻ biến sắc. Anh ta mở cửa, nói nhỏ với mấy đồng nghiệp, kế hất mũi súng ra lệnh cho anh bước xuống. “Đ.m. mày tính thiêu sống các ông đấy!” Anh lầm lũi bước theo một cai tù già có bộ mặt hằn học vừa chửi xéo anh. Đầu anh nảy ý nghĩ vui vui: Hoá ra lão ta chưa vô cảm.
Rời phòng giám thị lão khua xâu chìa khoá dẫn anh về khu giam, giữa đường nghĩ sao, bảo:
“Dám sắp được về đấy, giữ lấy mồm mép.”
“…”
“Mà này, nếu được đi nước ngoài, đi không?”
Anh đáp, lời như đã hờm sẵn từ lâu:
“Không.”
“Điên à?”
Giọng anh hơi đanh:
“Đi hết ai dạy trẻ?”
“Dạy gì?”
“Thì dạy đốt.”
“Nữa!”
“Thế đấy, đốt sạch lao tù đã giam cầm hết tuổi trẻ chúng ta.”
Cánh cửa sắt khép lại. Trí nhớ anh khi không hồi phục, ít ra đủ để anh nhớ những lần trước nó sập cách thô bạo, lạnh lùng; lần này nhẹ, hơi lưỡng lự nữa. Anh nhủ lòng biết đâu có người cai tù vừa hiểu ra ngọn lửa không tàn ác của một người tù.
Rồi anh nằm xuống gối tay trong bóng tối, thoáng chốc mơ lại giấc mơ vẫn thơm cuộc đời dẫu đã trộn mùi nước mắt, có tiếng cười tuổi trẻ bất chấp ran ran, có loài chim tung khung cửa hẹp phủ cánh mát trời, có lửa cháy và nhất là có hạt hy vọng nảy mầm vào một bình minh mới. Tiếng dế lại vang vang, chấn động. Anh xoay nghiêng, mở mắt cười vào góc tối, nói khẽ, “Mày, vẫn y nguyên, không suy suyển chút nào!

***

Thơ Hà Thúc Sinh

 

Nghinh Địch Hành

Giao thừa đâu mà vội
Hãy khoan đã chú mày
Cứ đóng xa vài dặm
Mà ăn uống cho say
Ta cũng người như chú
Cũng nhỏ bé trong đời
Có núi sông trong bụng
Mà bất lực hôm nay
Chiến chinh trời cũng sợ
Chỉ còn lại hai bên
Vội vàng chi cho cực
Cứ thong thả nghỉ đêm
Vì nói thật cùng chú
Trăm năm có là bao
Binh đao sao biết được
Sinh tử ở nơi nào
Nếu chú có cha mẹ
Ta chẳng những người thân
Còn mang thêm lắm nợ
Với rượu và gió trăng
Chú cứ ăn cho đủ
Mai chết sẽ chết no
Ta cũng cần đêm cuối
Từ giã gió trăng xưa

 

Buổi Chiều Ở Nhà Mời Bạn Đánh Chén Nửa Chừng Hết Rượu

Dằn ly xuống chiếu cười gượng cười
Ta biết rằng chưa ấm bụng ngươi
Bực thay bạn đến từ muôn dặm
Mà rượu hề không đủ say chơi
Con ta chợt ré lên sau bếp
Buổi chiều đổ lửa xuống nhà tôn
Hà Thúc phu nhân coi buồn lắm
Sữa thiếu làm sao tiếp rượu chồng
Bạn ta người của mùa chinh chiến
Đời quen rộng rãi thú tiêu pha
Kéo ta ra quán hề ra quán
Ngó trời ngó đất mà thương ta
Trăng kia sao chẳng vào dinh thự
Mà chỉ nằm chơi một ngọn cây
Bạn ta nào hiểu niềm sung sướng
Đời ta hề chưa bẩn đôi tay

 

Hành quân qua bến phà Mỹ Thuận gặp bạn đánh chén, say mèm

hãy cụng ly chết bỏ
tôm cua cá lươn sò
lương ta còn nguyên vẹn
còn cả cái Seiko
Cửu long giang ra biển
sẽ chẳng trở về đây
chiến tranh hề gặp gỡ
có chắc lần thứ hai
mai mỗi thằng mỗi ngã
thằng Cà Mâu Năm Căn
thằng Bình Dương Bình Gìa
thằng địa ngục thiên đàng
nhưng ta không sợ chết
(hơi ngán què đôi chân)
còn mày sao lại khóc
cứ cười lên đi con
ta anh hùng tứ xứ
há thua những bông hồng
nơi rừng U Minh Hạ
còn dám nở dưới bom cứ cười như họng súng
bắn cuộc đời vỡ toang
ha…ha…ha..ha..ha..
như họng súng
ha…ha…ha…
đời vỡ toang
ha…ha…ha…
vỡ toang…toang…toang…

Bài Mới Nhất
Search