T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Hoài Nam : NHỮNG CA KHÚC NGOẠI QUỐC LỜI VIỆT(53)-NHẠC PHÁP – La Plage aux romantiques (Biển Mộng Mơ), Kilimandjaro (Đỉnh Tuyết), Pascal Danel

clip_image002

Tiếp theo các năm 1963, 1964, 1965 với những đĩa vàngTombe la neige, Aline, Non je ne t’aime plus, Capri c’est fini của Adamo, Christophe, Hervé Vilard và sự xuất hiện của hai bông hoa biết nói Françoise Hardy, Sylvie Vartan (chúng tôi sẽ đề cập tới sau), bước sang năm 1966, nền nhạc thời trang của Pháp đã có thêm nhiều ca khúc để đời của Pascal Danel, của Michel Polnareff; trong số này được ưa chuộng nhất tại miền Nam VN ngày ấy phải là hai bản La Plage aux romantiques Kilimandjaro, được Nguyễn Duy Biên đặt lời Việt với tựa Biển Mộng Mơ Đỉnh Tuyết.

Tuy nhiên, trước khi viết về La Plage aux romantiques Kilimandjaro, thiết nghĩ cũng phải nhắc tới một ca khúc rất được ưa chuộng tại Hòn ngọc Viễn đông vào khoảng thời gian nói trên, có tựa đề bằng tiếng Pháp nhưng không phải là một ca khúc của Pháp, đó là bản Merci, Chérie (Cám ơn em yêu dấu) của Áo quốc (Austria).

Đây là ca khúc đoạt giải Eurovision năm 1966.

Eurovision, gọi đầy đủ là Eurovision Song Contest (tiếng Anh), hoặc Concours Eurovision de la chanson (tiếng Pháp) của Hiệp hội các đài truyền hình và đài phát thanh Âu châu, là cuộc thi ca khúc quốc tế lâu đời nhất, và cũng là một trong những chương trình truyền hình (không phải thể thao) sống thọ nhất, có nhiều khán giả nhất thế giới.

Mỗi năm, các quốc Âu châu muốn tham dự giải Eurovision sẽ đề cử cử đại diện với một ca khúc mới, trình diễn “live” trước ống kính truyền hình, được trực tiếp truyền thanh truyền hình đi khắp thế giới. Cuộc thi Eurovision đầu tiên được tổ chức tại Thụy-sĩ vào năm 1956; sau đó, quốc gia đoạt giải sẽ đăng cai tổ chức cuộc thi năm tới.

Từ trước tới nay đã có không ít ca sĩ, ban nhạc sau khi đoạt giải Eurovision đã đạt thành công quốc tế, trong số này có: France Gall (đại diện Lục-xâm-bảo) với ca khúc Poupée de cire, poupée de son (Búp-bê không tình yêu) năm 1965, Vicky Leandros (đại diện Lục-xâm-bảo) với ca khúc Après toi (Vắng bóng người yêu) năm 1972, ban ABBA (đại diện Thụy-điển) với ca khúc Waterloo năm 1974, Johnny Logan (đại diện Ái-nhĩ-lan) hai lần đoạt giải với ca khúc What Another Year năm 1980 và Hold Me Now năm 1987, Céline Dion (đại diện Thụy-sĩ) với ca khúc Ne partez pas sans moi năm 1988…

clip_image003

Merci, Chérie, ca khúc đoạt giải năm 1966, là một sáng tác bằng tiếng Đức của ca nhạc sĩ Áo Udo Jurgens (1934-2014), lời hát viết chung với Thomas Horbiger, do chính Udo vừa đệm dương cầm vừa hát tại giải Eurovision.

Merci, Chérie là một ca khúc viết về chia ly, dĩ nhiên là buồn nhưng… đẹp, bởi trong đó người con trai đã cám ơn người tình vừa chia tay vì những gì đã trao nhau, và nguyện sẽ giữ mãi những kỷ niệm đẹp về nhau.

Sau khi đoạt giải Eurovision 1966, Merci, Chérie đã trở thành một trong những tình khúc hiện đại phổ biến nhất thế giới, được đặt lời hát bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, trong đó có tiếng Pháp do hai tác giả André Salvet và Claude Carrère đặt lời.

Tại Việt Nam, Merci, Chérie đã trở thành ca khúc ngoại quốc “cầu chứng” của Jo Marcel, và, theo ký ức của chúng tôi, cũng là ca khúc ngoại quốc lời Việt đầu tiên được trình diễn trên màn ảnh nhỏ sau khi “Tình Ca Nhạc Trẻ” được dành cho một khoảng thời gian (dù khá ngắn) vào mỗi cuối tuần trên Đài truyền hình Sài Gòn.

clip_image004

Tới đây xin có đôi hàng về Jo Marcel, chàng nghệ sĩ đa tài (và đào hoa) bậc nhất của Hòn ngọc Viễn đông trước năm 1975. Trong số những cái “tài” của Jo Marcel – ca hát, trình diễn, tổ chức, thương mại, sản xuất phim ảnh, ứng dụng kỹ thuật… – chúng tôi phục nhất óc sáng tạo của anh trong việc ứng dụng những phát minh mới nhất trong lĩnh vực âm thanh điện tử, mà qua đó anh đã được tặng biệt hiệu “phù thủy âm thanh”.

Một trong những ứng dụng này là “echo” (tiếng Anh: reverberation), tạo tiếng vang, tiếng rung.

Từ những năm cuối thập niên 1950 đầu thập niên 1960, kỹ thuật “echo” đã được một số ban nhạc Âu Mỹ, như The Shadows của Anh, The Ventures của Mỹ, sử dụng để tạo ra tiếng đàn ghi-ta điện phong phú, lạ tai. Nhưng sau đó tại Việt Nam, Jo Marcel không chỉ ứng dụng cho tiếng đàn ghi-ta mà còn cho cả giọng hát, với kết quả giọng của chàng ca sĩ trở nên trầm ấm hơn, tiếng ngân nghe hay hơn, trong khi trên thực tế, đây cũng chỉ là giọng baritone vốn dĩ không lấy gì làm xuất sắc cho lắm của một Jo Marcel ngày nào, khi anh còn hát tại nhà hàng La Galère trong khách sạn Caravelle dưới tên nghệ sĩ “Ngọc Minh” .

Một trong những thành công điển hình nhất của Jo Marcel trong việc ứng dụng kỹ thuật “echo” là đĩa Mộng Dưới Hoa, đĩa hát 45 vòng có âm thanh nổi (stereo) đầu tiên của Việt Nam.

Mộng Dưới Hoa nguyên là một tình khúc êm đềm do Phạm Đình Chương phổ từ thơ Đinh Hùng vào cuối thập niên 1950, vốn dành cho thế hệ ra chào đời vào khoảng thập niên 1930, nay đã được “phù thủy âm thanh” Jo Marcel biến thành một ca khúc mang đầy âm hưởng hiện đại.

Chúng tôi còn nhớ trong những năm 1967-1968, quán cà-phê Văn Hoa (cạnh cinéma Văn Hoa) ở Dakao, một quán “chuyên trị” nhạc ngoại quốc, ngày ấy đã phải liên tục cho chơi đĩa Mộng Dưới Hoa của Jo Marcel theo yêu cầu của khách, có lẽ chỉ thua đĩa Love Is Blue của Paul Mauriat.

Sau này, khi phong trào thực hiện băng nhạc (tape) nở rộ, Jo Marcel đã hát lại Mộng Dưới Hoa với phần hòa âm phong phú, mới lạ hơn, tuy nhiên với không ít người ái mộ Jo Marcel, trong số đó có chúng tôi, Mộng Dưới Hoa do anh thu đĩa lần đầu tiên, vẫn có những nét độc đáo và sức thu hút đặc biệt…

Mộng Dưới Hoa – Jo Marcel – YouTube

Trở lại với Merci, Chérie phiên bản lời Pháp của hai tác giả André Salvet và Claude Carrère, sau đó đã được Trường Kỳ phóng tác với tựa Cám ơn người yêu dấu, được thu vào băng Tình Ca Nhạc Trẻ 1 với tiếng hát Jo Marcel.

Merci, Chérie

Merci, merci, chérie
Toi, l’amour de ma vie – merci, chérie
Pour les heures d’un bonheur passé – merci, chérie
Pour les jours et les nuits qu’on n’oublie jamais

Adieu, adieu, adieu
J’ai des larmes dans les yeux, je dois partir
Je sais que tout va finir, finir – merci, chérie
Pour toutes les joies que tu m’as données

Le moment important est venu aujourd’hui
De choisir le tournant de ma vie
Je dois m’en aller, je dois te quitter
Le cœur blessé, blessé

Merci, merci, chérie
Toi, l’amour de ma vie – merci, chérie
Pour les joies que tu m’as données – merci, chérie

Adieu, chérie, merci, chérie
Adieu, chérie, merci, chérie
Merci

 

Cám ơn người yêu dấu

Này em, lặng nghe lời anh
Anh xin nói cám ơn em
Tình yêu, ngày qua anh lên tiếng
cám ơn nhiều thật nhiều
Từ giã nhau rồi, lòng anh nhớ muôn đời
những đôi môi êm đềm.

Bờ môi, vòng tay lời em,
anh ghi nhớ mãi trong tim
Dù cho giờ đây ta xa cách,
bước chân đầy ngập ngừng.
Lời cám ơn này, đầy tha thiết,
em nhận lấy cho anh vui lòng.
Từng giây phút êm ấm này,
từng năm tháng thương mến này.
Lòng anh vẫn muôn ngàn kiếp
không hề phai mờ
Hôm nay ta rời xa,
Mai sau ta không mờ phai
trong lòng nhau, lòng nhau.
Này em, lặng nghe lời anh
Anh xin nói cám ơn em
Tình yêu, ngày qua anh lên tiếng
cám ơn nhiều thật nhiều
Từ giã nhau rồi, ta rời xa
tình yêu ngày qua thiết tha
Nay rời xa lặng nghe lời anh
cám ơn tình em…

Phụ lục (1): Merci, Chérie / Cám ơn người yêu dấu, Jo Marcel (trước 1975)

Tới đây, chúng tôi viết về Pascal Danel và hai ca khúc để đời của anh: La Plage aux romantiquesKilimandjaro.

Pascal Danel là tên thật; ra chào đời tại Paris ngày 31/3/1944, tốt nghiệp trường École de la rue Blanche, ngày nay gọi École nationale supérieure des arts et techniques du théâtre (ENSATT: Trường cao đẳng các bộ môn nghệ thuật và kỹ thuật sân khấu), một trong ba trường nghệ thuật lớn nhất của Pháp.

Năm 1964, vào tuổi 20, Pascal Danel khởi sự sáng tác và thu đĩa. Sau hai bản Hop là tu as vu! Je m’en fous không mấy thành công, tới năm 1966, Pascal Danel đã vụt nổi, và nổi như cồn với ca khúc La Plage aux romantiques do anh sáng tác nhạc và Jean-François Maurice đặt lời hát.

[Hiện nay, một số trang mạng trong nước cũng như tại ngoại, và cả một số nhà sản xuất CD, DVD, đã viết tựa “La Plage aux romantiques” sai thành “La Plage romantique”]

La Plage aux romantiques đứng No.1 tại Pháp, nhiều quốc gia Âu châu khác, ở Trung Đông, và cả Nhật Bản; bán được trên 3 triệu đĩa (45 vòng), đem lại đĩa vàng đầu tiên cho chàng ca nhạc sĩ 22 tuổi.

La Plage aux romantiques không chỉ được xem là một trong những ca khúc Pháp điển hình nhất của thập niên 1960, mà còn một trong những tình khúc tạo ảnh hưởng và có giá trị lâu dài.

Năm 1979, tức 13 năm sau, La Plage aux romantiques đã trở lại bảng xếp hạng ở Pháp và đứng hạng 5.

Đầu năm 1981, trong cuộc tranh cử Tổng thống Pháp, Pascal Danel đã gây tranh luận không ít khi sửa lời đổi tựa La Plage aux romantiques (Bãi biển thơ mộng) thành La Plage aux socialistes (Bãi biển xã hội chủ nghĩa) để hát trong một dạ tiệc gây quỹ vận động tranh cử Tổng thống cho ứng cử viên François Mitterrrand của đảng Xã Hội Pháp, vốn là một người bạn thân của Pascal Danel.

Năm 1989, Jean-Pierre Danel, con trai của Pascal Danel, một tay ghi-ta có hạng kiêm nhà sản xuất đĩa nhạc, đã thực hiện một album gồm những ca khúc nổi tiếng do ông bố thu đĩa lại (remix), trong có hai bản La Plage aux romantiques, Kilimandjaro, và album này đã đoạt đĩa vàng.

Năm 1990, khán giả chương trình Succès Fous, đài truyền hình TF1 (đài tư nhân lớn nhất Âu châu) đã bình bầu La Plage aux romantiques là ca khúc được ưa chuộng nhất.

Riêng ca nhạc sĩ đàn anh Jacques Brel (1929–1978), người nổi tiếng với tình khúc để đời Ne me quitte pas / I You Go Away, đã phát biểu công khai rằng La Plage aux romantiques trước sau luôn là tình khúc ông yêu thích nhất!

Tựa đề “Plage aux romantiques” còn được thành phố Cabourg ở vùng Normandie chính thức lấy làm “tên cuối” (surname) của địa danh này: Cabourg La Plage aux romantiques.

Cũng nên biết, Cabourg là một thành phố du lịch nổi tiếng với bãi biển thơ mộng, nơi tổ chức Liên hoan phim lãng mạn quốc tế (Festival du film romantique) hàng năm; vì chữ “romantique” trong “Festival du film romantique”, người đã lấy tình khúc “La Plage aux romantiques” để đặt tên cho Cabourg.

La Plage aux romantiques

Il y avait sur une plage
Une fille qui pleurait
Je voyais sur son visage
De grosses larmes qui coulaient

Laissons la plage aux romantiques, ce soir j’ai envie de t’aimer
Laissons la plage aux romantiques, je veux t’aimer à mon idée

Cette plage au clair de lune
Etait triste à pleurer
Elle était si loin la dune
Comme le temps a passé

Laissons la plage aux romantiques, ce soir j’ai envie de t’aimer
Laissons la plage aux romantiques, je veux t’aimer à mon idée

Et mes mains sur son visage
L’ont soudain consoler
Il restait la belle image
D’une fille qui riait

Laissons la plage aux romantiques, ce soir j’ai envie de t’aimer
Laissons la plage aux romantiques, allez viens, veux-tu m’épouser?
Viens, viens, viens, viens, viens, viens.

Phụ lục (2): La Plage aux romantiques, Pascal Danel

Trước năm 1975, La Plage aux romantiques được Nguyễn Duy Biên đặt lời Việt với tựa Biển Mộng Mơ, và được Paolo trình bày trong băng nhạc Tình Ca Nhạc Trẻ 2, gồm 19 ca khúc ngoại quốc lời Việt của Nguyễn Duy Biên do Vũ Xuân Hùng thực hiện.

Sau năm 1975, Biển Mộng Mơ của Nguyễn Duy Biên được Thái Hòa thu đĩa với tựa Bãi Biển Mộng Mơ.

Ngoài ra, nam ca sĩ Công Thành cũng thu đĩa một phiên bản lời Việt khác có tựa Bãi Cát Yêu Thương, mà theo VN Thư Quán, tác giả là Phạm Duy.

Đồng thời còn có phiên bản tựa đề Biển Mơ, không ghi tên tác giả, do Elvis Phương thu đĩa, và một phiên bản của Lê Toàn, do anh đặt lời và tự thu đĩa với tựa Bãi Cát Thơ Mộng.

Phụ lục (3): Biển Mộng Mơ, Paolo

Phụ lục (4): Bãi Cát Yêu Thương, Công Thành

Sau khi được trao tặng đĩa vàng với La Plage aux romantiques, qua năm 1967, Pascal Danel đã đạt thành công rực rỡ hơn nữa với một ca khúc do anh soạn nhạc và Michel Delancray đặt lời, được tặng đĩa bạch kim (platinum). Đó là bản Kilimandjaro, đôi khi còn được gọi một cách dài dòng là Les Neiges du Kilimandjaro (Tuyết trên đỉnh Kilimandjaro).

clip_image006

Kilimandjaro

Kilimandjaro là một ngọn núi lửa đã ngưng hoạt động, tuyết phủ quanh năm, nằm ngay trên đường xích đạo ở đông bắc Tanzania, Phi Châu. Kilimandjaro gồm 3 đỉnh Kibo, Mawensi và Shira, trong đó cao nhất là đỉnh Kibo. Với độ cao 5.895m tính từ mặt biển, và 4.600 m tính từ chân núi, Kilimandjaro trong khi chỉ đứng hàng thứ tư trên thế giới, đã được ghi nhận là ngọn núi đứng một mình cao nhất, và có nhiều du khách tới thăm viếng nhất thế giới…

Kilimandjaro là một thắng cảnh vừa hùng vĩ vừa thơ mộng của Phi châu, đã trở thành đề tài cho bao tác phẩm thi văn lãng mạn, mà nổi tiếng nhất phải là truyện ngắn Snows of Kilimandjaro (Tuyết trên đỉnh Kilimandjaro) của đại văn hào Mỹ Ernest Hemingway, được sử dụng làm bối cảnh cho nhiều cuốn phim điện ảnh, và còn được xem là một biểu tượng thiêng liêng, huyền bí của các dân tộc trong vùng.

Pascal Danel thu đĩa bản Kilimandjaro cuối năm 1966, qua đầu năm 1967 lên No.1 tại Pháp. Do đòi hỏi của người yêu nhạc khắp nơi, ngay sau đó, Pascal Danel đã thu đĩa bằng 5 ngôn ngữ khác, gồm Ý, Tây-ban-nha, Đức, đảo Corse, và tiếng Nhật. Tính tới nay, đã có trên 180 ca sĩ tên tuổi quốc tế thu đĩa ca khúc này.

Riêng Pascal Danel, như đã viết ở một đoạn trên, vào năm 1989, đã thu đĩa lại KilimandjaroLa Plage aux romantiques trong một album do người con trai Jean-Pierre Danel sản xuất, được tặng đĩa vàng.

Kilimandjaro

Il n’ira pas beaucoup plus loin
La nuit viendra bientôt
Il voit là-bas dans le lointain
Les neiges du Kilimandjaro.
Elles te feront un blanc manteau
Où tu pourras dormir
Elles te feront un blanc manteau
Où tu pourras dormir, dormir, dormir.
Dans son délire il lui revient
La fille qu’il aimait
Ils s’en allaient main dans la main
Il la revoit quand elle riait.
Elles te feront un blanc manteau
Où tu pourras dormir
Elles te feront un blanc manteau
Où tu pourras dormir, dormir, dormir.
Voilà sans doute à quoi il pense
Il va mourir bientôt
Elles n’ont jamais, jamais, été si blanches
Les neiges du Kilimandjaro.
Elles te feront un blanc manteau
Où tu pourras dormir
Elles te feront un blanc manteau
Où tu pourras dormir, dormir, dormir, dormir bientôt.

Phụ lục (5): Kilimandjaro, Pascal Danel

Cũng trong năm 1967, Pascal Danel còn có một ca khúc rất “dễ thương”, rất được các cô bé học trường Pháp ở miền Nam VN ưa chuộng, đó là bản Comme une enfant (Nàng như một đứa trẻ).

Bước sang thập niên 1970, Pascal Danel vừa tiếp tục sáng tác, thu đĩa vừa bắt đầu viết ca khúc cho các nghệ sĩ khác, trong đó có hai bản Mamina Ton âme cho nữ danh ca Dalida. Ton âme (Linh hồn anh) được Dalida thu đĩa bằng hai ngôn ngữ Pháp, Ý, và đoạt giải Rose d’Or (Bông hồng vàng) của Eurovision.

[Mỗi năm, Eurovision (Hiệp hội các đài truyền hình và đài phát thanh Âu châu) ngoài giải “Ca khúc Âu châu” (Eurovision Song Contest / Concours Eurovision de la chanson) do đại diện các quốc gia bình bầu, còn tổ chức giải Rose d’Or cho tất cả mọi bộ môn nghệ thuật giải trí, do ban tổ chức bình chọn]

Trong những năm gần đây, dù đã bước vào tuổi cổ lai hi, Pascal Danel vẫn tiếp tục đi lưu diễn với các nghệ sĩ bạn trong nhóm “Age Tendre et Têtes de Bois” (Tuổi xanh cứng đầu), như Hervé Vilard, Jean- François Michael, Michèle Torr, Sheila… và hàng chục ca nhạc sĩ khác nổi tiếng trong hai thập niên 1960-70, thời vàng son của các “baby boomers”.

* * *

Trước năm 1975, Kilimandjaro được Nguyễn Duy Biên đặt lời Việt với tựa Đỉnh Tuyết, được Jo Marcel trình bày trong băng nhạc Tình Ca Nhạc Trẻ 2 đã nhắc tới ở trên.

Sau năm 1975, Elvis Phương, nam ca sĩ trước đó từng thu đĩa Đỉnh Tuyết lời Việt của Nguyễn Duy Biên, đã hát một phiên bản lời Việt khác trong CD “Tuyệt Diệu Tình Yêu” của anh, có tựa đề Tuyết Xa nhưng không ghi tên tác giả.

Phụ lục (6): Đỉnh tuyết, Jo Marcel (trước 1975)

Phụ lục (7): Tuyết Xa, Elvis Phương

Hoài Nam

 

 

 

 

©T.Vấn 2016

Bài Mới Nhất
Search