T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Nguyễn Lệ Uyên: Quảng Trị du ký

Quang Tri du ky

Hình như có một sự thôi thúc vô hình buộc tôi tạo một chuyến đi. Đi bất cứ nơi nào. Miễn sao tạm xa vài ngày xứ tôi đang sống, tạm tránh không khí ngột ngạt từ các môi trường chung quanh.

Ban đầu định đi về Tây nguyên theo hướng đường 7 để nhìn lại em Pleiku má đỏ môi hồng, để bước qua vùng Đắc Tô, Tân Cảnh nơi những bạn bè tôi đã vĩnh viễn nằm xuống. Nhưng khi đến bến xe, không hiểu sao vé đi Đông Hà lại nằm gọn trong tay. Đông Hà của Quảng Trị, cầu Hiền Lương, Cổ thành, của nhà thờ La Vang, dòng sông Mỹ Chánh… nơi cách đây 37 năm bạn bè tôi đã đổ xương máu để bảo vệ vùng đất địa đầu.

Tàu lắc lư đưa tôi qua Bồng Sơn, Tam Quan, qua sông Trà Khúc, Đà Nẵng rồi vào Huế… nhưng lòng rất bình thản. Cho đến khi tàu len lỏi giữa những đụn cát màu xám trắng, giữa trưa nắng và gió Lào Quảng Trị hao hút, bần bật đến não lòng, bỗng nhiên từ chốn sâu thẳm gợn lên chút nhoi nhói bâng quơ. Cũng chưa hiểu tại sao.

Đến khi tàu đỗ ở ga Đông Hà, chân chạm lên vùng đất một thời khói lửa, đổ nát, tang thương tôi mới chợt hiểu sự thôi thúc ban đầu về một chuyến đi ẩn giấu trong tiềm thức đông cứng bấy lâu nay.

Không gọi bạn bè, không lấy khách sạn, tôi đón xe ôm đi ngay ra cầu Hiền Lương dưới cơn nắng và gió Lào khô khốc. Tôi có thể tránh nắng và đợi gió lặng đến chiều. Nhưng hề chi. Ngày xưa, cũng ở chốn này, bạn bè tôi đã từng đội lửa trên lưng, từng gửi lại những giọt máu nhuộm đỏ cả trời Quảng Trị thì can cớ chi tôi lại trốn nấp vào chút an nhàn thư thả?

20 cây số ngược ra phía bắc, những người bạn tôi cùng những người lính Bắc phương đang nằm lẫn lộn ở đâu trong từng tấc đất? Dốc Miếu trước mặt và Cồn Tiên phía xa kia vẫn là Cồn Tiên Dốc Miếu, nhưng tên tuổi các anh, hình bóng các anh đang bay lượn trên vòm trời cao, trong từng kẽ lá che mát khoảng đất bên dưới, là những cây lúa xanh màu, vườn cây ăn trái, hóa thân vào dòng nước lặng lờ trôi xuôi ra cửa Tùng. Tên tuổi các anh đang và mãi mãi gắn chặt vào những gì đang tồn tại trên phần đất này không ồn ào, phô trương như các tượng đài nhà cầm quyền đương thời dựng cao vút trên mõm đất đỏ kia.

Cầu Hiền Lương (cũ) im lặng soi bóng mình bên dòng sông xanh lơ. Ngay bên đầu cầu bờ nam, một chiếc cổng dựng lên theo kiểu art de triomphe của Pháp che chắn hết thân cầu, như thể nó đang bị giam lỏng vậy. Đứng xa và nhìn và tưởng tượng cảnh SĐ 308 Bắc quân vượt sông Bến Hải, vượt cầu và lớp lớp ngã xuống.

Lúc quay về, để trốn cơn nắng gắt buổi xế trưa, chúng tôi vào quán nước ven đường nằm lọt thỏm trong vườn cây ăn trái. Quán chỉ là mấy tấm lợp bằng fibrociment, bàn ghế lỏng chỏng. Sâu phía trong là căn nhà mái lá. Thấy bóng ông cụ già gầy ốm, tôi lân la hỏi chuyện. Hỏi đủ thứ chuyện. Ông cụ vô tư kể. Ông nói cả đời ông chưa ra khỏi mảnh đất này, cả đời gắn bó với mấy sào ruộng cát khô và chứng kiến gần như trọn vẹn mùa hè đỏ lửa kinh hoàng đó. Và khi nhắc lại, trong giọng nói ông cụ dường như chưa hết vẻ bàng hoàng: “Từ ni ra tới chân cầu, hai bên đường là ruộng thây người la liệt, máu ngập tới mắt cá chân…Chi mà thảm. Dân mình tội nợ chi rứa trời!”. Vâng nón sắt và mũ cối, giày boot de chaud và dép râu, AK và M16 và máu và xương trắng… nay ôm chặt lấy nhau dưới lòng đất Quảng Trị !

Đông Hà buổi tối cũng như bao thành phố khác, không có chi lạ. Vẫn đèn đóm sáng choang, các cửa hiệu buôn bán, các nhà hàng, khách sạn, đèn màu, phố xá tấp nập… Điều tôi chú ý là trước mặt chợ Đông Hà trên khoảng đất trống lưa thưa vài bóng cây mới trồng, tượng đài ông Lê Duẫn nghễnh nghệu quay mặt ra con đường chính mang tên ông nối dài từ Đông Hà tới tận thị xã Quảng Trị, có lẽ là đại lộ dài nhất nước (sic) như thể là biểu tượng toàn bích của một xã hội toàn trị?.

Buổi tối, trong khách sạn tồi tàn trên đường Nguyễn Trãi, với mẩu bánh mì kẹp thịt và chai rượu Kim Long, loại rượu đặc sản Quảng Trị, vừa nhâm nhi vừa ngó mông ra khúc đường vắng. Lẽ ra thì tôi nên gọi người bạn văn đang sống trong thành phố này báo cho anh ta biết tôi đang có mặt, ít nhất trong lúc này chúng tôi có thể hàn huyên đôi điều. Nhưng tôi không làm thế. Tôi muốn giữ một khoảng yên lặng cho riêng tôi với những người bạn của tôi đang bay lượn đâu đây, quanh tôi. Tôi muốn nói với họ rằng, dưới bóng đèn chập chờn về đêm, các bạn là những người anh hùng trong một thế kỷ vật vã, gian nan nhất của vận kiếp quốc gia. Các anh là những khúc ca bi hùng của một thời đại, mà ở đó sự man rợ đã xóa sạch niềm tin và lòng nhân ái, đã nhấn chìm tất cả chúng ta, những con người ở hai miền Nam Bắc, vào vũng bùn nhơ nhuốc nhất suốt chiều dài lịch sử. Thế hệ chúng ta đã trải thân ra để chống đỡ sự man rợ đó và chẳng may, bạo lực đã thắng thế như sự thách đố của vận nước suy vi. Trong bóng đêm Đông Hà giữa bốn bề chật hẹp, tôi thầm thì với các anh rằng trong tâm tưởng mọi người, các anh luôn có một chỗ đứng xứng đáng nhất, trang trọng nhất trong lòng dân tộc, cần gì phải tượng đài xây từ máu, nước mắt và mồ hôi của nhân dân? Ôi chữ nhân dân khốn cùng bị lợi dụng đến thành xác bã.

Sáng hôm sau lại đón xe ôm, ngược về Quảng Trị. Ăn sáng qua quít ven đường. Nắm xôi Lào và dĩa muối mè khiến tôi nhớ lại bức thư bạn tôi từ Cổ Thành gửi về: “Đất nước thanh bình tao sẽ đưa mày ra đây ăn xôi Lào. Hương vị khó tả lắm…”. Bức thư của người bạn ở Tiểu đoàn Trâu điên gửi về mấy chục năm trước. Giờ anh không còn nữa, máu anh đã thấm sâu xuống nơi nào đó quanh Thành Cổ, anh không thể đưa tôi về như đã viết. Miếng xôi tan trên đầu lưỡi như thể tôi đang ngậm trọn thân thể anh vào trong tôi. Người thanh niên chở tôi nhìn sững, hỏi: Chú buồn chuyện mô? Tôi cười, chắc nụ cười lúc đó đến là héo hắt. Không, tôi đang hoài nhớ bạn tôi với lời hẹn không thành. Chân thật hỏi, chân thật trả lời khiến chúng tôi một già một trẻ như gần nhau hơn. Anh ta tâm sự: một vợ hai con, nhà nằm trên đường đi Lao Bảo cách Đông Hà 6 cây số. Ba anh, lính SĐ 1 cũng chết trận ngay chính trên quê hương mình. Cái lý lịch đó đã biến anh trở thành người nông dân. Ngày nông nhàn anh chạy xe ôm kiếm thêm tiền cho hai con ăn học. Anh không muốn các con mình sẽ cũng phải đội số phận như anh lên đầu đi dưới gió Lào và những cơn lũ cuồng nộ dưới đất trời Quảng Trị đau thương!

Hai chúng tôi, mỗi người đều có nỗi lòng riêng… khi đặt chân lên cổng Cổ Thành.

Trong khi khách tham quan chen nhau nghe thuyết minh về Cổ Thành về chiến thắng của Bắc quân, tôi lách ra ngoài, ngó bức tường thành sứt sẹo. Tôi dõi mắt tìm trên chóp cao, chỗ Hồ Khang cắm ngọn cờ tổ quốc? Nước mắt tôi lặng lẽ chảy xuống: “Binh I Hồ Khang, người chiến sĩ cắm lá cờ trên bờ Cổ Thành Quảng Trị đã vĩnh viễn ra đi…Anh ra đi như đùa cợt… Anh ra đi rất ngạo nghễ như lá cờ vàng ba sọc đỏ ngạo nghễ tung bay trên Cổ Thành Quảng Trị… Và ngày mai, khi có ai dừng chân ghé thăm lại nơi đây, ngoài dấu bom đạn và nguyên nét điêu tàn đó, người ta vẫn còn nghe tiếng hô của anh lồng lộng cả Cổ Thành: Việt Nam Cộng Hòa muôn năm” (*). Nhìn bức tường thành loang lổ, tôi tự hỏi: Còn có bao nhiêu người trong chúng ta thỉnh thoảng nhớ đến hàng ngàn Hồ Khang như vậy của Dù, TQLC, BĐQ? Và tôi đã cầu nguyện cho các anh trước cổng thành phía đông, phía tây… và suốt dọc đường đi đến nhà thờ La Vang. Và người bạn văn Doãn Dân, anh đã ngã xuống chỗ nào trên những thước đất quanh Cổ Thành, giờ đã là một thị xã đông đúc, bình thản như không hề có một quá khứ đau thương?

Nhà thờ La Vang chỉ còn lại tháp chuông với những vết đạn lỗ chỗ. Đức Mẹ trên cao vẫn mở rộng vòng tay nhân ái. Tôi đứng dưới tháp chuông. Lại tiếp tục cầu nguyện. Quanh tôi, các tín đồ cúi đầu cầu nguyện. Dưới bóng nắng đổ dài, hình như các chiến sĩ Tiểu Đoàn 11 Dù đang hò reo với lá cờ phấp phới trên nóc Vương Cung Thánh Đường.

Lúc trở ra QLI, chúng tôi không đi lại con đường cũ – để đến sông Mỹ Chánh, để hồi tưởng cảnh người dân bồng bế trốn chạy Cộng quân về Huế trên đoạn đại lộ kinh hoàng, để nhớ lại lời thề của tư lệnh Lữ Đoàn 369 TQLC: “Sẽ không có một tên Việt Cộng nào có thể vượt qua sông Mỹ Chánh mà còn mạng sống trở về” – mà đi đường tắt theo hướng đông-nam. Làng mạc thưa thớt. Ruộng khô cằn. Vườn nhà chỉ thấy trồng cây điều hoặc sắn mì nghiêng ngả dưới ánh nắng gay gắt và từng cơn gió Lào hanh khô. Xe chạy chừng 3 cây số bất ngờ nhìn sang phía tay trái (theo hướng xe chạy) thấy một khu đất rộng khoảng 3 sào Trung bộ với những ngôi mộ đất rất ngay ngắn. Xe chạy một đoạn khá xa, không thấy bóng người nhưng như có linh tính khiến tôi đưa tay bấm vào lưng anh lái xe ôm kêu  quay lại chỗ gò đất ban nãy. Nhìn quanh quất, không thấy ngôi nhà nào gần bên. Tôi loay hoay tự hỏi những ngôi mộ đất này là của ai? Nếu như của Bắc quân thì chắc chắn họ đã quy tập lại, xây cất tử tế chứ không để hoang phế như thế này; còn nếu là của dân địa phương hiếm khi có kiểu chôn ngay hàng thẳng lối như thế. Vì chính ngay phía trong sâu kia rải rác vài ngôi mộ được xây bằng gạch! Vậy những nấm mồ này là của ai? Đang loay hoay tìm câu trả lời thì có một cụ già đạp xe đi tới, có lẽ từ nhà thờ La Vang đi lễ về? Tôi đưa tay đón ông cụ, hỏi về những ngôi mộ đất. Sau một vài phút ngập ngừng, ông cụ nói: đây là khu đất của một gia đình trong thôn Hải Long, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng. Trong chiến tranh nhiều “Ngụy quân” chết mà không có thân nhân nhận xác nên dân địa phương đưa về đây chôn cất. Nói rồi cụ vội vã đạp xe đi với vẻ e ngại, chỉ dặn với “nhớ ghi cho rõ địa danh chú vừa nói”? Chiến tranh nào? Tôi tự đặt câu hỏi khi bóng ông cụ khuất sau hàng keo lá tràm ven đường. Chỉ có thể là mùa Hè đỏ lửa 72, lúc TQLC, Dù và BĐQ tấn công tái chiếm La Vang? Hay cuộc tháo chạy năm 75? Nhưng tại sao xác của các binh sĩ này không được đưa về hậu cứ và báo tử cho thân nhân họ? Những câu hỏi cứ lởn vởn trong đầu mà không có câu trả lời. Hỏi nhà cầm quyền địa phương là điều không thể. Tôi lặng lẽ cúi xuống nhổ những bông cỏ may trên ngôi mộ gần nhất gom lại thành bó và cắm xuống đất, như thể một nén nhang của người còn sống tưởng nhớ đến các anh, trong đó có cả bạn tôi, Doãn Dân. Tôi loay hoay nhìn về Một Chỗ Của Huệ(**), loay hoay tìm kiếm bóng dáng xiêu xiêu của anh đến đỏ mắt! Tôi lên xe, tiếp tục đoạn đường còn lại để về Huế mà lòng trĩu nặng, không biết lấy ai cùng chia sẻ nỗi đau khôn cùng này.

Bao nhiêu năm qua các anh vẫn nằm đó, một cách lặng lẽ, chịu đựng. Có ai nhớ đến các anh, như nỗi nhớ tình cờ tôi đi ngang qua?

 

Nguyễn Lệ Uyên

Huế, Tháng 8.2009

___________________

(*) Kiều Mỹ Duyên, Chinh Chiến Điêu Linh, bản in lần thứ 2, Hoa Kỳ, trg 169

(**) Tựa truyện dài của Doãn Dân.

©T.Vấn 2017

Bài Mới Nhất
Search