T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Nguyên Lạc: DỊCH THOÁT THƠ CHỮ HÁN CỦA NGUYỄN DU (1)

nguyendu1

Thi Hào Nguyễn Du (Nguồn ảnh: https://khatkhaoxanh.wordpress.com)

Lời nói đầu: Bài viết này sẽ không được trình bày theo lối truyền thống. Tác giả sẽ thử dùng cách ĐỐI THOẠI từa tựa như của Plato (*) – cho hai nhân vật sử dụng ngôn ngữ đời thường đối đáp nhau. Hai nhân vật và lời đối đáp vừa là sự thật, vừa là hư cấu được pha trộn. NL tôi hy vọng cách dùng này sẽ dễ dàng chuyển tải ý mình muốn nói đến độc giả hơn là cách cổ điển.(NL)

Ý KIẾN RIÊNG VỀ THƠ

DẪN NHẬP

Tôi có một người bạn học từ thời trung học (VKD). Bạn là một tay đọc sách và sưu tầm sách. Tủ sách của bạn có mấy trăm quyển của những tác giả nổi tiếng (trước 75). Tôi cũng là tay ham đọc sách, nhưng hơi “kẹo”, nên tủ sách riêng mình chỉ “loe hoe” vài quyển. Tôi phần lớn chỉ “đọc ké” sách bạn cho đỡ tốn tiền.

Sau cuộc bể dâu 4/1975 mỗi người mỗi ngã, mất tin tức nhau. Do sự tình cờ, bốn mươi năm sau chúng tôi liên lạc được nhau qua Email. Bạn giờ ở Úc và tôi ở Mỹ. Lại rồi tiếp tục câu chuyện văn chương ngày nào. Trao đổi nhau về văn chương, thi phú.

Gần đây Nguyên Lac tôi có gởi đến bạn vài bài thơ dịch thoát tứ thơ chữ Hán của Nguyễn Du để bạn thường lãm và góp ý.

Những “vấn nạn” của bạn về các bài dịch làm tôi giật mình, vội vã “động não”, nghiên cứu thêm để trả lời cho bạn VKD “tường”. Giải thích cho bạn rõ cách thức tôi dịch thoát thơ chữ Hán của Nguyễn Du.

Sẳn đây, tôi xin được ghi ra đây Email tôi gởi VKD, giải thích các dịch của mình để nhờ các bạn góp ý và chỉnh sửa giùm, vi tôi nghĩ rằng, chắc nó có nhiều khuyết điểm.

Trước khi bàn luận về cách dịch, xin các bạn cho tôi sơ lược vài điều về thơ theo quan niệm riêng tôi.

SƠ LƯỢC THỂ NÀO LÀ THƠ

Đây là những điều tôi đã học và ghi tâm về thơ từ các bậc tiền bối, đàn anh đàn chị như Nguyễn Hưng Quốc, Thụy Khuê.v.v..Xin được ghi ra đây.

1.

“Thơ mở ra, gợi ra man mác những nỗi niềm tâm sự chung. Thơ là một cảm xúc đi tìm một đồng cảm. Thơ là tiếng nói một người nhân danh tất cả mọi người trong hoàn cảnh ấy, số phận ấy. Nhà thơ chỉ độc quyền được cho mình một cánh cửa. Sau cánh cửa kia là của mọi người…

Trên núi Kính Đình ngày xưa chỉ một mình Lý Bạch ngồi buồn hiu hắt ngắm mây bay chim bay nhưng còn nỗi cô đơn của ông, nỗi cô đơn ấy là của chung của nhân loại. Cả ngàn năm nay, mỗi khi con người lẻ loi trước thiên nhiên thì chợt nhớ lại, đọc lại “Chúng điểu cao phi tận / Cô vân độc khứ nhàn / Tương khan lưỡng bất yếm / Duy hữu Kính Đình san”. Ngỡ như nỗi cô đơn và niềm bâng khuâng ấy là của riêng mình

Hoặc nỗi nhớ day dứt, cồn cào của những kẻ lưu cư nơi đất khách, không nguôi một niềm ước mơ vô hạn được trở về: Cử đầu vọng minh nguyệt/Đê đầu tư cố hương (Lý Bạch) giờ đây đâu còn của riêng ông…

Thơ xoá đi cái không gian chết giữa đời này với đời khác. Để những giọt lệ của Kiều ngày xưa còn cay cay trong mắt người bây giờ. Để nhân loại hôm nay còn thấy bàng hoàng trước tiếng thét dài làm lạnh cả hư không của thiền sư Không Lộ một ngàn năm xa xưa.

Nhà thơ làm thơ để loài người tìm thấy một nỗi niềm chung hầu gần lại với nhau hơn; để cho

mỗi người tự thấy tâm hồn mình rộng lớn và đẹp đẽ hơn vô ngần.”

(Viết theo Nguyễn Hưng Quốc)

2.

Một bài thơ hay khi ta cảm thấy hình như thơ ấy viết riêng cho mình, thấy có cuộc đời riêng của mình trong đó. Thơ mở rộng cánh cửa để ta đặt cuộc đời riêng mình vào. Nó bây giờ không phải của riêng tác giả nữa, mà là của chung, hoặc nói theo cách khác, của riêng người đọc, người đồng cảm. Cùng cái HỒN THƠ đồng cảm này, người đọc có quyền nghĩ theo, (dịch theo – nếu thơ tiền nhân) kinh nghiệm đặc thù riêng mình – có quyền diễn đạt theo ngôn ngữ, chữ nghĩa hiện đại riêng mình (về thơ dịch).  Chắc không ai cấm?

Bài thơ tác giả nói về mùa Xuân buồn, người đọc, người dịch thoát có thể đổi sáng mùa Thu vì họ đã có những khinh nghiệm “đứt ruột” trong khoảng đời riêng. Hoặc người xưa uống rượu “xưa”, bây giờ người đọc, người dịch thoát cũng có quyền đổi thành Beer, rượu Champagne, Hennessy, Whisky .v.v. Phải không các bạn?

3.

Theo tôi, học giả dịch chính xác nguyên tác nhưng bài thơ dịch cứng nhắc. Đó là bài thơ “mộc” (gỗ), không có hồn. Nó giống như bức tranh, bức tượng của giai nhân, toàn bích đặt trong Khảo cổ viện, nhà trưng bày hoặc trong nhà của thiểu số “đại gia”. Quần chúng chỉ ngắm, không được sờ mó

Ngược lại, các thi nhân (không phải nghệ nhân) dịch ít chính xác hơn về từ nguyên; nhưng thoát hơn, hiểu rõ “cái hồn” bài thơ hơn, nên thường bản dịch của họ dễ đi vào lòng người. Cũng giống như những giai nhân đời thường, không quá toàn bích, nhưng ta có thể ôm ấp, mân mê.

Xin mời bạn thử thưởng lãm hai bàn dịch bốn câu đầu bài; TƯƠNG TIẾN TỬU (Lý Bạch)

Nguyên tác:

Quân bất kiến,

Hoàng hà chi thủy

Thiên thượng lai,

bôn lưu đáo hải bất phục hồi.

Hựu bất kiến,

Cao đường minh kính,

bi bạch phát,

triêu như thanh ty mộ thành tuyết. (Lý Bạch)

Bản dịch của Ngô Tất Tố:

Con sông Hòang lưng trời tuôn nước

Xuống biển rồi, có ngược lên đâu!

Nhà cao, gương xót mái đầu,

Sớm còn tơ biếc, tối hầu tuyết pha.

Bản dịch của laiquangnam:

You có biết?

Nước sông Hòang từ trời rơi xuống,

chảy tuôn ra biển có quay về?

Dại tái tê!

Đứng trước gương thương thay tóc bạc

sáng đang xung chiều đứt bóng đi luôn!

Bạn thấy thế nào? Nhất là trong bàn “nhậu” cùng với bạn bè tâm giao?

Qua phần trên tôi đã ghi ra sơ lược ý nghĩ riêng mình về thơ, giờ mời các bạn đọc thư tôi gởi trả lời bạn VKD về việc dịch thoát thơ chữ Hán của NGUYỄN DU.

THƯ TRẢ LỜI VỀ VIỆC DỊCH THƠ

Như đã nói, để trao đổi niềm vui văn chương, tôi đã gởi đến bạn VKD hai bài thoát dịch thơ chữ Hán của Nguyễn Du: THU CHÍ và ĐỐI TỬU.

Đây là bốn câu đầu của bài ĐỐI TỬU mà bạn VKD “vấn” tôi:

Phụ tọa nhàn song tửu nhãn khai

Lạc hoa vô số hạ thương đài

Sinh tiền bất tận tôn trung tửu

Tử hậu thùy kiêu mộ thượng bôi

(Đối tửu –  Nguyễn Du)

 Thoát dịch

Tựa song. mắt rượu. ngồi trông

Hoa rơi lả tả. phủ lòng thảm xanh!

Sống. không cạn chén trọn tình

Chết. ai tri kỷ. rượu nghiêng rưới mồ?

(Nguyên Lạc)

LỜI VẤN CỦA BẠN

Đây là câu những vấn của bạn VKD (nguyên văn):

“Tao thấy bài thơ dịch của mầy có nhiều chổ “lấn cấn”:

— bỏ qua chữ nhàn khá quan trọng!

— giải thích rõ lại chữ phụ tọa!

— uống rượu nhìn qua cửa sổ” mà thành “mắt rượu”

— người dịch phải giữ “ý” chính của tác giả mới được!

 GIẢI THÍCH VỀ CÁCH DỊCH THƠ

Tôi vội vàng nghiên cứu và trả lời:

“Bạn VKD, NL sẽ phải giải thích dài để trả lời những thắc mắc sau đây của bạn :

Trước hết, NL biết ý bạn khi viết: “Tao thấy bài thơ dịch của mầy có nhiều chổ “lấn cấn“.

_ Bạn đòi hỏi bài thơ phải được dịch xác nghĩa theo từng mặt chữ phải không? NL sẽ giải thích rõ với bạn  ở phần dưới.

Và “người dịch phải giữ “” chính của tác giả”:

_ Cái chữ Ý chính theo NL hiểu là “hồn thơ”.

Trước khi giải thích cho bạn rõ, NL có vài điều để bạn “tường”

Khi NL viết bài, NL tham khảo rất kỹ để bảo đảm bài mình viết phải chính xác, nếu không sẽ bị phê phán. Nhất là việc dịch thơ chữ Hán của Nguyễn Du, NL đã tham khảo kỹ tự điển và hỏi rõ các cao nhân.”

Đây là những điểm chính cần chú ý, theo NL, khi dịch thơ chữ Hán của Nguyễn Du

  1. Muốn hiểu rõ thơ Nguyễn Du, ta phải biết rõ tâm tư của ông:

Ông không thích nhà Nguyễn; vua Nguyễn ép ông ra làm quan, giống như cây cảnh, để thu phục nhân tâm thôi. Nguyễn Du được thăng chức nhanh, do có tài, ông vẫn thường buồn lặng lẽ, không nói, đến nỗi vua Gia Long còn biết.

Ông nhiều lần từ quan, xin trở về quê, bến Lam gỉang nhưng không được, cuối cùng bệnh mà không chịu uống thuốc để chết lúc 54 tuổi.

Vợ chánh ông rất thương đã chết sớm, ông có viết một bài thơ rất buồn nhớ vợ (NL có dịch). Nhà đông con mà nghèo vì thanh liêm. Cuộc đời ông chỉ có BUỒN (ĐOẠN TRƯỜNG = Đứt ruột), do đó mới có truyện: “Bài ca mới đứt ruột”  (ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH)

Vì tựa của truyện Kiều là Đoạn Trường Tân Thanh, nên trong Kiều nhiều chỗ Nguyễn Du tả cảnh sầu đau, sầu khổ, tương tư đến não lòng, đứt ruột. Nguyễn Du rất nhiều lần nhắc tới từ “đoạn trường”.

Ví đem vào tập đoạn trường,

Thì treo giải nhất chỉ nhường cho ai.

hay

Đoạn trường là sổ thế nào?

Đoạn trường lại chọn mặt người vô duyên.

Đoạn trường thay lúc phân kỳ.

Đoạn trường lúc ấy nghĩ mà buồn tênh.

Lại tìm những chốn đoạn trường mà đi.

(Xin xem bệnh “Đứt Ruột” ở phần phụ chú:(+)

Đời ông không có chữ NHÀN (danh từ) hiếu với nghĩa “Thị tại môn tiền náo / Nguyệt lai môn hạ NHÀN” (Nguyễn Công Trứ). Đem chữ NHÀN danh từ vào thơ ông là không hiểu HỒN THƠ ông.

Các bài thơ ông đầy tình nhân bản và tâm sự buồn!

  1. Về chữ THU trong bài Thu chí:

Mùa thu là danh từ dùng cho thời gian, bốn mùa, nhưng nó có nghĩa ước lệ. Mùa THU là mùa thương nhớ, hoài niệm, nhớ về. Mùa để cho văn nhân tự vấn: _Mình đã làm được gì và sẽ ra sao?..

Ngay trong tựa đề Thu chí đã cảm thấy đầy tâm sự, buồn thảm rồi, làm gì có NHÀN danh từ trong thơ

TRẢ LỜI CÁC CÂU VẤN

Bây giờ NL xin trả lời từng câu “vấn” của bạn:

a – – “giải thích rõ chữ phụ tọa”

Đúng là ngồi xếp bằng, kiết già chứ không phải ngồi “kiểu nước lụt”, ngồi chéo quẩy … vì ông là văn nhân. Tuy nhiên hai chữ này không quan trọng

b -“bỏ qua chữ nhàn khá quan trọng” 

Chữ NHÀN Nguyễn Du dùng ở đây không phải là danh từ (như trong Thị tại môn tiền náo / Nguyệt lai môn hạ nhàn đã nói). Nó là trạng từ để phụ nghĩa cho động từ ngồi (tọa) và liên hệ với những chữ sau để phụ nghĩa cho khai, trong “tửu nhãn khai”. Đây là biệt tài dùng chữ của Nguyễn Du. Đừng nên lầm NHÀN là danh từ. Tuy nhiên, nó cũng không quan trọng. Cái quan trọng nhất của câu này và đưa đến tâm tư của toàn bài là chữ: TỬU NHÃN

c — “uống rượu nhìn qua cửa sổ” mà thành “mắt rượu”

“Tửu nhãn” là dịch sát nghĩa là “mắt rượu”. Khi mùa đến (Xuân/Thu) đến gợi nỗi niềm, Nguyễn Du dùng rượu giải sầu. Rượu cũng là nỗi buồn chảy trong máu lên mắt. Cũng có thể là hơi, hương rượu… và cả nước mắt (lệ) phủ đầy mắt. Mắt rượu là có nghĩa vậy.

Cũng có thể dịch là “mắt lệ”, “mắt ưu tư”.v.v. đó bạn.

Đôi mắt ưu tư nhìn lá rụng

Hoặc:

Mắt lệ người thương lá thu rơi

Dịch vậy cũng không sai tâm tư ông.

Do đó hai câu :

Phụ tọa nhàn song tửu nhãn khai

Lạc hoa vô số hạ thương đài

Có thể dịch thoát như thế này:

Lặng ngồi độc ẩm bên song cửa

Mắt lệ người nhìn lá hoa rơi!

Hoặc:

Bên song. im ngất. cùng ly nhớ

Mắt lệ người. nhìn lá thu rơi!

Bạn thấy sao?

c — “người dịch phải giữ “ý”chính của tác giả mới được”

Câu này chắc không cần giải thích phải không? Ý chính là cái HỒN THƠ đã nói ra rồi, phải không bạn?

KẾT

Đó là những gì NL muốn giải thích đến bạn VKD. Nghề chơi rất công phu, nhất là chơi chữ nghĩa. Nó giống như LÀM TÌNH, nếu hiểu rõ, ân cần, trân trọng …sẽ đạt tới “thống khoái”.

Xin được kết thúc bài bằng hai câu thơ “riêng lẻ” duy nhất đầy tâm sự của Nguyễn Du:(2)

Bất tri tam bách dư niên hậu

Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như

 Nguyên Lạc       

 2017

_______________________________________________________________________________

Nguồn: Thi Viện, Chim Việt Cành Nam,art2all net, Tiền Vệ, Laiquangnam, Nguyễn Hưng Quốc, Bs Nguyễn Xuân Quang, Truyện Kiều, The Journey (Levinhhuy) FB, Net…

(*) Plato [Platon (tiếng Hy Lạp:Platōn “Vai Rộng”), khoảng 427-347 TCN, là một nhà triết học cổ đại Hy Lạp được xem là thiên tài trên nhiều lĩnh vực, có nhiều người coi ông là triết gia vĩ đại nhất mọi thời đại cùng với Sokrates (thầy ông).(Wikipedia)

Câu nói nổi tiếng của ông:

Conquering yourself is the greatest feat (Plato)

Tự chinh phục mình là chiến công vĩ đại nhất.

(1) http://chimviet.free.fr/vanco/laiquangnam/lqnt261_tuongtientuu.htm

(2) Theo Laiquangnam: “Đây là ý kiến của Laiquangnam Lai:

[…Theo tôi (LQN) cao thủ luôn làm cầu kết trước , hoặc dốc sức vào câu kết  Từ bài Lương Châu Từ của Vương Hàn đến bài Bạc vãn túy quy của Cao Bá Quát, v.v . Người Việt ít làm thơ tứ tuyệt. Đại cao thủ Nguyễn Du không có bài nào (Hay chỉ mỗi một bài duy nhất?) Tàu thì nhiều lắm … Nhân đây, bàn thêm về bài Độc Tiểu Thanh Ký của Nguyễn Du.

Nguyễn Du đã làm hai câu cuối trước. Nhưng khi ráp 6 câu đầu vào thì trật chìa (do đời sau ghép )

Hai câu cuối làm trước.

Bất tri tam bách dư niên hậu

Thiên hạ hà nhân khấp Tố như

Ráp 6 câu đầu không khớp (do mấy người đời sau ráng lắp ghép, một cách cưỡng bức). Nguyễn Du là kẻ sĩ sao lại tự so đời mình với một “cô làm bé cho một ĐẠI GIA (Phùng Sinh)”?  Họ đã để Nguyễn Du mang tiếng làm thơ thất niêm. …] (http://vannghequangtri.blogspot.com/2017/09/tho-hay-tu-tuyet-nguyen-lac_8.html)

——————————–

(+) Phụ chú:

Có một chứng bệnh liên hệ mật thiết với “rầu thúi ruột”, “buồn đứt ruột”:

Thò tay mà ngứt ngọn ngò

Thương em đứt ruột, giả đò ngó lơ.

Thương yêu, thất tình, sầu đau đến độ “buồn đứt ruột”, buồn đến độ ruột đứt ra từng đoạn, từng khúc, từ Hán gọi là “đoạn trường”. Chứng buồn rầu đứt ruột này khởi sự từ chứng “rầu thúi ruột”. Chúng ta thường than thở là rầu thúi ruột, buồn thúi ruột, buồn nẫu ruột, buồn não lòng, buồn đứt ruột… Chứng này không những thấy trong văn chương bình dân ca dao tục ngữ mà con thấy trong văn chương bác học, đặc biệt nhất là trong truyện Kiều của Nguyễn Du, vì thế để nói hết ý, trong bài này tôi xin trích dẫn thêm truyện Kiều.

Não lòng thay, bấy hóa công,

Ngày xanh mòn mỏi má hồng phôi pha…

(Nguyễn Du, Kiều).

hay

Trải qua một cuộc bể dâu,

Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.

(Nguyễn Du, Kiều).

Truyện Kiều của Nguyễn Du còn có tên là Đoạn Trường Tân Thanh tức “Khúc Ca Mới Đứt Ruột”. Có thật sự buồn đến nỗi ruột đứt ra từng đoạn từng khúc không? Xin thưa là có. Đứt ruột “đoạn trường” dựa vào sự thật là trong thiên nhiên có một loài khỉ có tình mẫu tử rất tuyệt vời. Khỉ mẹ rất yêu thương con. Vì một lý do gì đó, khỉ con bị chết mà còn thấy xác, khỉ mẹ ngồi ôm xác con cho tới khi xác con rữa thối. Các con khỉ khác trong bầy phải lén rình cướp lấy xác đem dấu đi. Nếu con bị bắt mất, khỉ mẹ ngồi ôm hai bầu sữa, buồn rầu, bỏ ăn, bỏ uống cho tới chết. Đem xác khỉ mẹ mổ bụng ra, thấy ruột khỉ mẹ đứt ra từng đoạn, từng khúc. Vì thế cho nên mới có câu “Buồn đứt ruột” hay đoạn trường là vậy.(THƯƠNG EM ĐỨT RUỘT, GIẢ ĐÒ NGÓ LƠ – NGUYỄN XUÂN QUANG ( https://bacsinguyenxuanquang.wordpress.com/)

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2017

Bài Mới Nhất
Search