T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không : Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 4)

Phan Yên Báo:

Nhiều nhà nghiên cứu đều cho rằng Phan Yên Báo viết bằng chữ Hán được xuất bản năm 1868, do ông Diệp Văn Cương chủ trương biên tập, Nguyễn Trường Tộ làm chủ nhiệm, về nội dung như Gia Ðịnh Báo lúc đầu (Số 1 ra ngày 15-4-1865). Tờ báo nầy về sau bị đóng cửa, vì có những bài báo có tánh cách chánh trị, do vậy mà tờ Phan Yên Báo ngày nay không còn, cũng không rõ nó là nguyệt san hay tuần san.

Tên báo Phan Yên từ Phiên An Trấn là tên cũ của đất Gia Ðịnh.

(Huỳnh Ái Tông – Báo chí)

 

Can qua

Can qua – Can: cái mộc để che thân khi giáp trận. Qua: cái dáo.

Người xưa dùng hai vật này khi giao chiến. Sau này hai tiếng “can qua” chỉ sự việc trải qua cuộc chiến tranh. Kiều có câu “Dấn mình trong đám can qua”.

Tiếng Việt trong sáng chỉ sự việc trải qua là…. “kinh qua”.

(Kinh thật!)

 

Đầu và đậu

Khi ta kể “đầu đuôi câu chuyện” hay nói “chè đậu đỏ, đậu đen”. Ít ai biết hai chữ “đầu”“đậu” là chữ nho đã bị nôm hóa.

Từ chữ sang câu cũng bị Việt hóa như “”lục tầu xá” thành “lục đậu sa” (chè đậu xanh) hay “ngưu đầu mã diện” là “đầu trâu mặt ngựa”.

(Nguyễn Ngọc Phách – Chữ Nho & đời sống mới)

 

Hồn bướm mơ tiên

Tựa đề Hồn bướm mơ tiên của Khái Hưng đã có trong bài thơ của vua Lê Thánh Tông, khi vua ghé qua chùa Ngọc Hồ ở thôn Thanh Ngô. Tới chùa vua thấy cảnh trí u nhã, hoa cỏ xanh tươi, lại nghe ni cô tụng kinh giọng trong như nước suối, uyển chuyển lạ thường, khiến người nghe như phiêu diêu trong miền cực lạc. Vua cảm xúc, đề lên vách chùa hai câu thơ:

Chày kinh một tiếng tan niềm tục

Hồn bướm ba canh lẫn sự đời

Ni cô xem, chê hai câu thiếu ý tả cảnh thực và sửa lại:

Gió thông đưa kệ tan niềm tục

Hồn bướm mơ tiên lẩn sự đời

(Trần Văn Sơn – Những giai thoại văn học VN)

 

Chuyện bà Hồ Xuân Hương

Một nhà thơ, nhà văn trong nước viết:

“Hồ Xuân Hương không có. Không có Hồ Xuân Hương! Đàn bà không tả cái

của đàn bà hấp dẫn như thể “Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng”, đàn ông mới

nói thế. Và bài “Cô gái ngủ ngày” là đàn ông viết”.

Về bài thơ Khóc ông Phủ Vĩnh Tường thì có người dẫn giải huyện Vĩnh Tường, thuộc Vĩnh Yên trước đó suốt đời vua Gia Long được gọi là huyện Tam Đái. Cứ theo Đại Nam Nhất Thống Chí quyển Sơn Tây chép năm Minh Mạng thứ 2 thì vì chữ “Đái” thô tục nên đổi ra là Tam Đa. Mãi cho đến Minh Mạng thứ 12 vào năm 1832 mới đổi thành…”phủ Vĩnh Tường”. Thời gian này thì bà Hồ Xuân Hương đã quy tiên lâu rồi.

 

Giai thoại làng văn

Nói chuyện với Tố Hữu, ấn tượng khó quên nhất của tôi là ông nói liên miên, nói rất nhiều. Tôi nhớ ông nói từ khoảng hai ba giờ chiều. Nói rất bốc. Lúc đầu còn ngồi ngay ngắn, sau co chân xếp bằng tròn trên salon. Tôi ngồi sát cạnh, thỉnh thoảng ông còn vỗ mạnh vào đùi tôi, hỏi một câu gì đó. Hỏi không phải để nghe trả lời, mà là cách gây chú ý, để nghe ông nói tiếp.

Ông nói cho đến khoảng năm giờ chiều. Anh thư kí riêng đi ra, xem đồng hồ, ý nhắc ông nghỉ cho đỡ mệt. Ông không để ý, đứng dậy bật đèn, nói tiếp.

Thực tình lúc ấy tôi mót đi tiểu quá. Ngồi ngay cạnh ông, đứng lên không tiện. Vả lại biết đi to Toalét ở chỗ nào! Mà cũng nghĩ ông sắp nghỉ rồi, vì trời đã muộn. Nhưng ông cứ nói, nói liên miên, nói say sưa hào hứng. Lúc đó, thực bụng tôi nghĩ:

Trên đời không có gì nhảm nhí bằng chuyện văn chương.

Chỉ có đi tiểu là quan trọng nhất.

(Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh)

 

Chuyện bà Triệu

Trong sử gọi bà Triệu là Triệu Ẩu.

Ẩu tiếng Tầu là “mụ”.

(Có sách định nghĩa “ẩu” là “con đĩ” nên họ gọi là “con đĩ họ Triệu”

Sử ta cũng có nhiều sách gọi bà Triệu là…bà Triệu Ẩu.

(Ẩu thật!)

 

Chữ nghĩa thập niên 20

Hồn mai – Nghĩa là hồn người nằm ngủ dưới cây mai. Triệu Sử Hùng đời Tùy, một hôm đi chơi đất La Phù, khi qua rừng thì vừa gặp trời tối. Ông vào trọ một quán rượu, thấy một người con gái niềm nở mời chào, ông uống rượu say, nằm ngủ đến sáng hôm sau, khi dậy thấy mình nằm dưới một gốc cây mai lớn.

Sau trong thơ văn dùng chữ hồn mai, cũng như chữ phách quế, để nói lúc ngủ.

(Phan Mạnh Danh – Thoại Mộng Hành)

 

Tiếng Việt dễ nhưng…thương không dễ

Hỏi : Em đọc một câu văn rất dễ thương, rất trữ tình:

“…Viên-cuội-tôi lăn mòn trên bao con dốc đời, vẫn thấy cỏ dại đung đưa trong gió, vẫn nghe côn trùng kêu da diếc… Tôi như con dế trũi rung cánh ưu phiền. ”

Em chỉ nghe con dế mèn, dế nhũi….bây giờ là “dế trũi?”.

Đáp : Bộ có…dế trũi sao?

(Dế trũi, dế nhũi, dế dũi đều chỉ một loại dế cánh ngắn, có càng trước to khỏe hay cắn phá mùa màng, cỏ cây…)

(Trau giồi tiếng Việt – ĐatViet.com)

 

 

Tục ngữ Ta và Tầu

Trông lên thì chẳng bằng ai

Trông xuống thì lại chẳng ai hơn mình

(Tỉ thượng bất túc, tỉ hạ hữu dư)

(Nguyễn Lập Sơn – Dư Phát Linh)

 

Chữ Quốc ngữ

Tại miền Bắc, việc phổ biến chữ Quốc ngữ chậm hơn trong Nam:

– Năm 1909, Nguyễn Văn Vĩnh làm chủ bút phần Quốc ngữ báo chữ Hán tên Đại Nam Đồng Văn Nhật Báo. Sau đổi tên thành Đăng Cổ Tùng Báo.

– 1913-1916, Đông Dương Tạp Chí tại Hà Nội do Nguyễn Văn Vĩnh làm chủ bút.

– 1917-1934, Nam Phong Tạp Chí do Louis Marty sáng lập. Phạm Quỳnh là chủ bút phần Việt ngữ. Nguyễn Bá Trác lo phần Hán văn. Năm 1012, có phụ trương tiếng Pháp.

Trong khi đó những người có công khai phá chữ Quốc ngữ đầu tiên ở Nam kỳ thuộc địa Pháp lại có khuynh hướng trở về nguồn dân tộc bằng cách viết Truyện Kiều (Trương Vĩnh Ký) và làm tự điển bằng chữ Quốc ngữ và chữ Nôm (Huỳnh Tịnh Của).

(Mặc Giao – Văn hóa Việt Nam)

 

Mây trắng

Quê ta xa mãi bên kia biển

Chỉ thấy tơi bời mây trắng vương

(Nguyễn Bính)

Mây trắng hỉ lòng nhớ cha mẹ. Tích Địch Nhân Kiệt khi đi làm quan, một hôm ông lên núi Thái Hàng, quay lại nhìn thấy đám mây trắng lờ lững ở phía xa. Ông ngậm ngùi nói với người chung quanh: “Nhà cha mẹ ta ở dưới đám mây trắng ấy”.

(Nguyễn Thạch Giang – Văn học tập giải)

 

Truyện cực ngắn hay truyện chớp

Chị

Trong quyển Literature thường dùng ở năm đầu của văn chương Anh Mỹ nhắc đến một truyện cực ngắn của Thomas Bailey Aldrich chỉ dài độc có ba dòng.

Gần đây báo điện tử Tiền Vệ đưa ra thể loại truyện cực ngăn hay truyện chớp:

Chị ước mơ kiếp sau chớ làm người, mà được làm cái thùng gạo: chỉ nằm ngửa một chỗ mà chẳng mấy khi thiếu ăn.

 

Văn hiến

Văn hiến là một từ của người Trung Hoa, không có từ tương đương trong tiếng Việt.

Thế kỷ 14, thời vua Trần Dụ Tông, sứ thần ta là Doãn Thuấn Thầm đi sứ vì phong tục và y phục giống thời nhà Chu, nhà Tống nên được vua Minh thăng địa vị sứ thần ta trên sứ thần Cao Ly ba cấp, đồng thời tặng cho bốn chữ “Văn hiến chi bang”.

Từ nhà Minh, ta có hai chữ “văn hiến”.

Vào nửa đầu thế kỷ 15, Nguyễn Trãi viết trong Bình Ngô đại cáo : “Duy ngã Đại Việt chi quốc, thực vi văn hiến chi bang”. Câu này được Trần Trọng Kim diễn nôm : “Như nước Việt ta từ trước vốn xưng văn hiến đã lâu”.

Đây là lần đầu tiên từ “văn hiến” được dùng với chữ quốc ngữ. Chúng ta không thể tự xưng mình là “dân tộc có văn hiến” như lời của Trần Trọng Kim vì chữ “thực vi” của Nguyễn Trãi có nghĩa “thực là “ hay “đúng là”.

Từ Trần Trọng Kim, ta “tự khoe” có “Bốn ngàn năm văn hiến”.

(Mặc Giao – Văn hóa Việt Nam)

 

Tiếu tự thư sinh lạc đệ thì

“Lạc đệ thì” ở đây không có nghĩa là “lạc đề thi”. Thì là khi, là lúc. “Lạc đề” là “thi hỏng”. Toàn câu có nghĩa ”cười như thư sinh khi hỏng thi”. Nghĩa là cười không…vui.

Trong khi khóc như thiếu nữ về nhà chông, khóc mà…vui.

Hai câu đi với nhau là:

Khấp như thiếu nữ vu quy nhật

Tiếu tự thư sinh lạc đệ thì

 

(Duy Lý – báo Tự Do)

 

Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa

Với câu ca dao:

Đồng Đăngphố Kỳ Lừa

Có nàng Tô Thị có chùa Tam Thanh

Rõ ra phố Kỳ Lừa nào đâu có ở Đồng Đăng! Mà phố ở trong ngay tại tỉnh Lạng Sơn.

 

 

©T.Vấn 2011

Bài Mới Nhất
Search