T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không : Tác Giả Tác Phẩm – Bùi Ngọc Tấn

Tiểu Sử :

Bùi Ngọc Tấn sinh năm 1934.  Quê ông ở làng Câu Tử Ngoại, xã Hợp Thành, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng. Ông bắt đầu viết văn, viết báo từ 1954.

Ông bị đưa đi tập trung cải tạo 5 năm (1968-1973) trong vụ xét lại. Trong 20 năm từ 1974 đến năm 1994, ông trở thành một công chức ở Quốc doanh Đánh cá Hạ Long và trở thành “người ẩn dật” với văn chương.

(Theo : http://buingoctan.wordpress.com/)

Vài tác phẩm văn học tiêu biểu:

Nguyên Hồng, thời đã mất, 1993

Một thời để mất, 1995

Một ngày dài đăng đẳng, truyện ngắn

Những người rách việc, 1996, tập truyện

Chuyện kể năm 2000, truyện dài

Rừng xưa xanh lá, 2004, ký chân dung

Biển và chim bói cá, 2009, tiểu thuyết

Trong phần giới thiệu văn của nhà văn Bùi Ngọc Tấn, do “ không gian “ bị giới hạn, chúng tôi chỉ có thể giới thiệu vài truyện ngắn tiêu biểu, dù rất muốn giới thiệu tòan bộ tác phẩm chủ yếu nhất của ông : Truyện kể năm 2000. Tuy nhiên, quý độc gỉa có thể vào trang Web của nhà văn Bùi Ngọc Tấn để tham khảo thêm : http://buingoctan.wordpress.com/.

Mục Lục :

 

Viết về Bùi Ngọc Tấn : Thụy Khuê – Bùi Ngọc Tấn – Chuyện kể năm 2000.

Đọc văn Bùi Ngọc Tấn : Người chăn kiến – Một mơ ước về kiếp sau – Người mua nhà của bố mẹ tôi – Truyện không tên .

Phụ Đính : Phần trình bày của nhà văn Bùi Ngọc Tấn tại William Joiner Center (Boston, Massachusetts, Mỹ)

 

Bùi Ngọc Tấn

Chuyện kể năm 2000

Thụy Khuê

  Bùi Ngọc Tấn sinh năm 1934 tại Câu Tử, Hợp Thành, Thủy Nguyên, Hải Phòng.
Ông bắt đầu viết văn, viết báo từ 1954. Cùng lớp với Lê Bầu, Lê Mạc Lân (là con của Lê Văn Trương nhưng không bao giờ dám nhắc đến cha), Vũ Thư Hiên, Nguyên Bình, Vũ Bão… Truyện ngắn đầu tay gửi dự thi báo Văn Nghệ, Chị Trúc, được Tô Hoài khen hay, nhưng không được in và cũng không được giải vì nói đến những mất mát của chiến tranh “hơi quá liều lượng”.
Vào làm phóng viên báo Tiền Phong, việc kỳ cục đầu tiên ông nhận thấy là người ta cấm nhà báo viết văn, muốn viết phải chui, viết văn chui, ký tên khác. Thế hệ ông, nhiều người bạn đã mắc vòng hệ lụy: như Bùi Minh Quốc, như Vũ Thư Hiên, như Phù Thăng, như Vũ Bão…
Bùi Ngọc Tấn bị tù năm năm, mang số CR880, như Hắn, Nguyễn Văn Tuấn, nhân vật chính trong Chuyện Kể Năm 2000.
Kết thân với Nguyên Hồng từ những ngày viết văn làm báo tại Hải Phòng.
Bùi Ngọc Tấn rất gần gụi và quý trọng Nguyên Hồng. Bị đi cải tạo 5 năm (từ 1968 đến 1972), Bùi Ngọc Tấn im lặng hơn 20 năm (từ 1968 đến 1989). Xuất hiện lại trên tạp chí Cửa Biển, hè 1989, với một bài viết về Nguyên Hồng, sau trở thành tập hồi ức Một Thời Ðể Mất (NXB Hội Nhà Văn, 1995) và sau đó là hai tập truyện ngắn: Những Người Rách Việc (NXB Hà Nội, 1996) và Một Ngày Dài Ðằng Ðẵng.
Ngoài ra, trong Chuyện Kể Năm 2000, tác giả nói đến hơn ngàn trang pelure bản thảo chữ nhỏ li ti, bị bắt làm “tang vật cho vụ án”, gồm những tác phẩm: Hải Ðăng, tiểu thuyết; Hoa Cau, truyện dài; Làn Sóng Thứ Nhất, tiểu thuyết; Những Người Ðang Sống, kịch bản phim; Những Chuyện Trên Một Vùng Cửa Biển, truyện ngắn; Ðầu Cầu, trường ca; …

 

T.K.

Năm 2000, tiểu thuyết trở về sau một thời xa vắng, với những tác giả như Bùi Ngọc Tấn, như Nguyễn Bình Phương… Báo hiệu sự hồi sinh của văn học ở thời điểm mà các tác phẩm có giá trị đích thực vẫn chưa thoát khỏi cuộc giảo nghiệm của tử thần: từ án treo, đến án chung thân, đôi khi tử hình như trường hợp Chuyện Kể Năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn: “Ngày 16/3/2000, Bộ Văn Hóa Thông Tin đã ra quyết định số 395/QÐ-BVHTT, đình chỉ phát hành và thu hồi, tiêu hủy cuốn Chuyện Kể Năm 2000 của tác giả Bùi Ngọc Tấn” (1) .

Như một nghịch lý hợp lý, bản án trên đây xác quyết những điều Bùi Ngọc Tấn đã viết về sự lầm than, về những vò xé, xuyên tạc, những chụp giật, đập phá, ức hiếp của thẩm quyền và thế quyền trên những con chữ li ti. Mà chữ thì không có khả năng kháng cự với dùi cui, chúng chỉ là những thực thể tí hon chạy chơi trên tờ pelure mỏng, làm sao chọi lại những bàn tay thô bạo, những khối óc vô hồn. chữ là một vi sản trong các di sản, là kẻ yếu nhất, trong số những nạn nhân hiện hữu trên đời: khi bị hành hạ, cả đến côn trùng, thảo mộc, con sâu, con kiến cũng còn có phản ứng, quằn quại trước khi chết, nhưng chữ thì không. Tuyệt đối không. Dù bị kết án tử hình, chữ cũng lặng thinh. Bất động.

Nhưng sự im lặng nào cũng đáng ngờ. Bởi làm thinh cũng là một thái độ. Làm thinh là không chấp. Làm thinh vì biết, mình, người. Làm thinh vì biết sức mạnh của mình, rồi mình sẽ sống khi những kẻ hành hạ mình đã chết, biết được chất vĩnh cửu của những giá trị, nằm ngoài thô bạo của lịch sử, trên mu muội của con người.

*

Như đường về mê ngục. Như bước xuống âm ty. Chuyện Kể Năm 2000 mở cửa Goulag Việt Nam. Một Goulag thâm u, tiền sử, nhuần nhuyễn bản chất Ðông phương, không sôi nổi bạo tàn, không máu mê tra tấn như Goulag phương Tây. Ở đây là tịch mịch Á Ðông, là hình thức toàn trị rất thiền, cái Goulag thầm lặng nhưng vô cùng hữu hiệu bởi người tù cải tạo đã chết khi còn đang sống. Ðó là ý nghĩa sâu xa nhất của tác phẩm.

Với Bùi Ngọc Tấn, tiểu thuyết Việt Nam bước vào một ngõ ngoặt, một giai đoạn mới: Giai đoạn mà nhà văn (ở trong nước) lại có quyền được in những tác phẩm nói lên sự thật,  biện hộ cho tự do, sau mười năm bặt vắng. In xong, có thể bị tịch thu liền. Nhưng in là quan trọng. Là thiết yếu. Bởi đã in là thoát.

Trong gần mười năm, tiểu thuyết Việt Nam đã trải qua thời kỳ xuyên sa mạc. Sau những Thời Xa Vắng, những Bên Kia Bờ Ảo Vọng, những Nỗi Buồn Chiến Tranh, những Bến Không Chồng, v.v… của thời kỳ đổi mới, văn học trong nước chuyển sang thời kỳ tụt hậu mười năm: trừ một vài trường hợp hạn hữu như tác phẩm của Nguyễn Bình Phương, vượt ra ngoài “cõi đọc” của số đông cho nên không bị thẩm xét gắt gao, hầu như không có tiểu thuyết giá trị nào được phép ra đời. Nhiều người nói đến sự tuyệt chủng của tiểu thuyết, nhưng dường như với bình minh 2000, người đọc có quyền hy vọng.

Chuyện Kể Năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn xuất hiện như sự trở mình của thần long ngủ trong lòng biển. Sự trở mình này, trước tiên tùy thuộc ở những cố gắng và can đảm xuất bản: Nhà Thanh Niên, do Bùi Văn Ngợi trách nhiệm, chỉ trong hai tháng đầu năm 2000, đã in ít nhất 3 tác phẩm giá trị. Ðó là Ðối Thoại Sử Học của nhóm Bùi Thiết (7 sử gia lớp sau) chống lại khuynh hướng bóp méo lịch sử vì nhu cầu chính trị. Quyển thứ nhì là tiểu thuyết Chuyện Kể Năm 2000 và thứ ba, tiểu thuyết Hai Nhà của Lê Lựu. Ðiều này chứng tỏ khi người làm công việc xuất bản có lương tâm văn học, những tác phẩm xứng đáng vẫn được chào đời dĩ nhiên họ đã phải trả giá rất đắt.

*

Trở về với tác phẩm của Bùi Ngọc Tấn: Ðây là một tác phẩm có tầm vóc lớn. Vừa ra đời nó đã là một tác phẩm classique, cổ điển, trong cái nghĩa đẹp nhất của hai chữ “cổ điển”. Cổ điển như Dịch Hạch của Camus, bởi nó đã bao trùm lên được nỗi đau của con người trong thời kỳ Xã Hội Chủ Nghĩa.

Từ trước đến nay, độc giả -nhất là độc giả ngoài nước- đã được đọc nhiều hồi ký cải tạo của những người cầm bút ở hai miền Nam Bắc. Mỗi hồi ký đều nói lên những khía cạnh khác nhau của đời tù cải tạo. Qua những tác phẩm đó, người đọc biết được đại cương đời sống trong tù. Nhưng thể hồi ký, luôn luôn gò bó người viết trong tư thế nhất định của cái tôi chủ quan nên khó có thể bước vào thế giới mộng tưởng nghệ thuật. Ở hồi ký, người viết cũng lại gần như bắt buộc phải đưa ra những việc thực, người thực nghèo nàn, giết chết khả năng sáng tạo.

Sự lựa chọn thể tiểu thuyết, nơi Bùi Ngọc Tấn, là một sự lựa chọn độc sáng. Với tiểu thuyết, nhà văn có thể tung hoành, sống nhiều cái tôi, đứng trên muôn vàn khía cạnh để rọi những lăng kính khác vào cuộc đời Goulag.

“Hắn” là Tuấn, Nguyễn Văn Tuấn, nhân vật chính trong tác phẩm, tù số CR880, là tổng hợp của nhiều “hắn” khác trong một đời tù. những bạn tù của hắn, mỗi danh xưng: Già Ðô, Vũ Lượng, A Thềnh, Lê Bá Di, Triều Phỉ… cũng lại tổng hợp nhiều nhân vật khác trong nghìn đời tù. những khuôn mặt công an, quản giáo: Ông Trần, ông Lan, ông Thanh Vân… tiêu biểu những khuôn mặt “có quyền” dẵm lên con người một cách tùy tiện, tùy theo “ngẫu hứng” của mình trong cơ chế toàn trị. Do đó, qua câu chuyện của “Hắn” người ta đọc thấy, không chỉ có những trầm luân của một Bùi Ngọc Tấn, một Vũ Thư Hiên, những người cùng trang lứa với Hắn, mà người ta còn nhìn thấy cả một thế hệ “được đi thực tế” trước “Hắn”, những Nguyễn hữu Ðang, Hữu Loan, Trần Dần, Hoàng Cầm, Phùng Quán, Lê Ðạt… và thế hệ “được cải tạo” sau hắn như Doãn Quốc Sỹ, Thanh Tâm Tuyền, Vũ Hoàng Chương, Tô Thùy Yên, Cung Trầm Tưởng… Ðó là những tai ương của người cầm bút, sau Cách Mạng Tháng Tám.

Bi kịch của “Hắn” chỉ kéo dài có 5 năm.
Bi kịch của những người không-phải-hắn kéo dài có khi gấp hai, gấp ba nữa. Vậy mà chỉ cần đọc “Hắn” người ta đã rụng rời, người ta đã được nếm mùi địa ngục. Bùi Ngọc Tấn viết:

Bọn hắn là một lũ tội phạm. Mỗi người một kiểu khác nhau, nhưng cùng phạm những tội ác với nhân dân, với cách mạng, với Ðảng. Bọn hắn là địch. Còn nguy hiểm hơn địch. Pháp, Mỹ, mũi lõ mắt xanh, cầm súng bắn vào nhân dân, ai cũng nhận ra. Nhưng bọn hắn khó nhận diện hơn, nên càng nguy hiểm. Tội lỗi ấy không đáng được đối xử như những con người. Không đáng thở bầu không khí chung với nhân dân. Không đáng được gọi là người Việt Nam, một dân tộc anh hùng. Dân tộc xấu hổ vì bọn hắn. Tuy nhiên Ðảng vẫn tin tưởng ở cái phần người còn lại trong mỗi kẻ bọn hắn. Ðảng nhen nhúm chút phần còn sót lại ấy. Và bọn hắn được đối xử đúng như vậy. Con trâu cày, con lợn giống còn được các ông quản giáo vỗ về, vuốt ve, tình cảm. Bọn hắn, không ai dám mơ tưởng đến hạnh phúc lớn lao ấy. Một lời động viên thông cảm cũng không dám màng. Không được như những cây rau. Luống rau cải bắp, luống rau muống có sâu, hắn phải đem bình vô-pha-tốc ra xịt ngay. (Bọn hắn ốm thử đi xin viên thuốc ở chỗ ông Chắn, công an y tá xem) Gặp ai cũng phải gọi là ông, là bà. Gặp bà công an kế toán bế con trai lên bốn đi chơi, là phải kính cẩn:
– Bà với ông đi chơi ạ!”

(Quyển I, NXB Thanh Niên, 2000, trang 88-89)

“Bọn hắn” là những ai? Là những kẻ mang tội danh “tuyên truyền phản cách mạng”, những kẻ được liệt vào thành phần phản động, những kẻ bị quy kết là bôi đen chế độ. Tóm lại là những tù chính trị, công giáo có, nhà văn có, nhà báo có, cộng có, ngụy có, Việt kiều có, nông dân có… tất cả được giam chung với tù hình sự, đảo ngũ, trộm cắp, giết người… Chỉ khác là tù hình sự thì có án rõ ràng, 5 năm, 7 năm, 10 năm… Còn tù chính trị, tù tư tưởng là tù không án tức là không biết được ngày về, không biết được tội trạng của mình, được gọi bằng những chữ đẹp đẽ nhẹ nhàng: đi “tập trung học tập cải tạo” chứ không phải đi tù.

Hành trình “cải tạo” đã có bao nhiêu ngàn người trải qua? Không ai biết được. Khi Hắn được tha, đi trên đường phố Hà Nội, Hắn đã nhận thấy những khuôn mặt quen quen, tất nhiên đây chỉ là ảo tưởng của Hắn. Nhưng một ảo tưởng gắn liền với sự thật: những khuôn mặt tù hàng ngày diễn qua quãng đời năm năm của Hắn, cứ 1000 khuôn mặt ấy (trại của Hắn giam độ 1000 người) nhân lên với gần 2000 ngày tù là đủ có một thế giới hai triệu khuôn mặt tù. Ấy là chưa kể những khuôn mặt nằm ngoài phạm vi “nhìn thấy” của Hắn, ở những trại khác, ở những thời điểm khác.

Không thể biết được bao nhiêu người đã sống đời Goulag Việt Nam, nhưng qua câu chuyện kể năm 2000 của Hắn, của tù nhân mang số CR880, thì tất cả những hạng sous-homme “dưới người” như Hắn, không phải là ít. Và hầu như tất cả tầng lớp nô lệ hiện đại này đều phải trải qua một giai đoạn mấu chốt: Ðó là sự tàn phá con người -sau Goulag- và Hắn buồn rầu nhận thấy: “Mình đã bị tiêu diệt. Tiêu diệt hoàn toàn.”

Cái khác nhau giữa “nô lệ tiền sử”, “nô lệ phong kiến” và “nô lệ hiện đại” là ở hai thời kỳ đầu, sự chiếm hữu nô lệ xẩy ra giữa những bộ tộc khác nhau, ở những giai cấp khác nhau, mà thường là bộ tộc mạnh đàn áp yếu, giai cấp giàu bóc lột nghèo. Ở hình thức “nô lệ hiện đại”, những người bị giáng xuống hạng dưới người, thường là những văn nghệ sĩ, những trí thức, những nhà tư tưởng… thành phần élite của xã hội. Và đó là bi kịch thời hiện đại, của những nhà nước chủ trương tiêu diệt thành phần ưu tú của đất nước bằng tính ưu việt của Goulag.

*

Chín trăm trang sách, đúc kết một đời người, nhiều đời người trong một. Ðây không chỉ là chuyện tù ngục, lưu đầy. Ðây là những mảnh đời bị xé nát, trù ếm, dẫm đạp của người tù và của cả những người không-bị-tù, tức là những người có tương quan bạn hữu, máu mủ, thân thiết nhất với người tù.

Ðây là cuốn sách viết về tình yêu, lòng nhân ái, viết về sự thủy chung, về sự phản bội, về nhân phẩm, về tự do, về nhân bản. Một cuốn sách trùm phủ lên những đề tài muôn thuở về con người. Nhưng có lẽ điểm độc đáo nhất là người viết, ở đây, đã trực tiếp nhận trách nhiệm của mình trong sự tác thành cái guồng máy chuyên chính toàn trị đã nghiền nát mình. Và có lẽ đó là chỗ lớn lao nhất của tác phẩm: Vấn đề trách nhiệm.

Nếu tất cả mọi người đều nhìn nhận trách nhiệm của mình, không dựa vào Bác, không dựa vào Ðảng, vì “Bác-Ðảng” thực ra chỉ là cái cớ, những hư danh hay những thực thể không thể sờ mó được. Bởi vì Bác, một người đã khuất cách đây hơn 30 năm, và Ðảng, một tổ chức do các đảng viên dựng lên, không thể trách nhiệm thay cho những người đã và đang tích cực góp phần xây dựng vào sự vững vàng của guồng máy chuyên chính còn được gọi là Ðảng: Bao giờ trách nhiệm cũng về phía con người. những người đang sống. Trong những hàng cuối của cuốn tiểu thuyết, Bùi Ngọc Tấn đã viết rất sâu sắc về cái quyền uy vô hình, đè nặng lên mỗi cá nhân:

     “Ai cũng có một người vô hình để mà trình bày, để mà sợ sệt và thầm cãi lại. Người vô hình luôn bên cạnh mỗi người như hình với bóng, cả trong giấc ngủ. Nhưng thật ít người dám vùng lên chống lại, vì cái giá trị phải trả thường là cuộc đời, là sinh mạng.”

Cái người vô hình mà Bùi Ngọc Tấn nói đến ở đây, phải chăng chính là con khủng long toàn trị mà mỗi cá nhân, trong đó có Hắn, đã góp phần tạo ra, dinh dưỡng để nó nghiền nát chính mình?

*

Bùi Ngọc Tấn bắt đầu viết từ tháng 6/1990 đến 30/11/91 hoàn tất Chuyện Kể Năm 2000. Bản thảo được xem lại lần cuối vào tháng 8/98. Theo giới thân cận tác giả, tác phẩm đã được viết lại nhiều lần trong 9 năm qua, điều đó giải thích phần nào khía cạnh nung nấu, chín mùi về mặt cấu trúc hình thức cũng như nội dung văn bản.

Chuyện Kể Năm 2000 là một tự truyện. Nhiều nhân vật vẫn giữ tên thật, tác giả đổi một vài tên đã xuất hiện trong tập hồi ức văn học Một Thời Ðể Mất (2). Bùi Ngọc Tấn rất gần gụi và quý trọng sự nhìn xuống những người dưới đáy của Nguyên Hồng trong Bỉ Vỏ. Một Thời Ðể Mất chủ yếu viết về Nguyên Hồng, nhưng qua đó người đọc có thể biết rõ về môi trường sinh hoạt văn học của lớp người cùng lứa tuổi với tác giả và nhất là về không khí sáng tác theo “đúng đường lối của Ðảng” thời 1960-65; Một Thời Ðể Mất cũng cho biết sơ lược nội dung những tác phẩm khác của Bùi Ngọc Tấn mà sau này, trong Chuyện Kể Năm 2000 tác giả nói rõ hơn: Ðó là độ khoảng hơn 1000 trang pelure, chữ nhỏ li ti, sản phẩm của 15 năm lao động tinh thần đã bị tịch thu, bị đem ra mổ xẻ và không bao giờ trả lại, trong đó có tập nhật ký ghi những tâm tư thầm kín nhất của tác giả.

Ở tập trường ca Ðầu Cầu, sáng tác những năm 60, đã thấy những tín hiệu của một nhà văn nhìn xuống đáy, tìm đến nỗi đau thực của con người trong chiến tranh, âm thầm phản đối chiến tranh và những hồi còi lệnh giục giã lên đường:

[…] Ðầu cầu xe về
Nước sôi trong két
Anh lái xe mắt xếch
Tắt máy chờ qua sông
Ðầu gục vô lăng
Tranh thủ
Ngủ
Giấc ngủ treo bao ngày đêm mỏi rời mi mắt
Giấc ngủ đợi chờ vụt biến đi đâu
Khi đến đây đầu cầu,
Ðáy vực không gian sâu thăm thẳm,
Sương rơi nắp ca-pô
Sương rỏ giọt ngoằn nghèo kính cửa,
Sương Hải Phòng ướt bụi Trường Sơn,
Sương buông thanh bình như ngàn năm trước sương buông
Anh lái xe, dựa vô lăng nghe đất trời yên lặng.
Nghe máu mình khe khẽ thái dương.
Dốc cầu
Còi.
Hiệu lệnh
Lên đường!


(Một Thời Ðể Mất,  NXB Hội Nhà Văn, 1995, trang 105)

*

Chuyện Kể Năm 2000  là một tác phẩm nhìn xuống những người dưới đáy ngục bằng cách giao hòa hai yếu tố: Thực tại và mộng du. Thực tại trong tù và mộng du ngoài tù.
Tác phẩm ban đầu có tên là Mộng Du. Mộng du là hình thức tự do trong trạng thái nguyên thủy và là cơ nguyên của sáng tạo.

Cấu trúc tiểu thuyết của Bùi Ngọc Tấn là sự giao thoa giữa tù ngục và tự do, làm bật ra những nét tương phản giữa tự do và tù ngục. Sự giao thoa này đưa đến những nhận xét kinh hoàng: Con người, một khi đã bị cải tạo thì mùi vị tù ngục sẽ pha vào óc, vào máu, biến chứng trở thành những chấn thương nội tại, và khi ra khỏi ngục, Hắn -kẻ bị tù- sẽ không thể rửa được óc, máu của mình. Hắn vẫn tiếp tục sống với những người bạn tù cùng khổ, trong một cõi mộng du khác. Cũng như, trong khi ở tù, chính cõi mộng du đó, đã tiếp máu, đã hồi sinh hắn, cho hắn sống với người thân tại ngoại.

*

Ðiểm quan yếu của tác phẩm là nói lên cái nội dung cải tạo như người ta đã nói mà chưa từng nói như thế bao giờ.

Nội dung đầu tiên của cải tạo nhằm việc triệt hạ nhân phẩm: Hạ nhục người tù xuống mức độ dưới người. Gặp bà công an bế con trai lên bốn đi chơi, là phải kính cẩn: Bà với ông đi chơi ạ! Nhất cử nhất động phải xin phép: Báo cáo ông, tôi, Lê Bá Di, tù số 127 vào nhà mét đi đái. Tính cách đối xử này phản ánh một trạng thái cực kỳ khôi hài: Gậy ông lại đập lưng ông, ngay trong lời xin phép đi đái, hoặc gọi mẹ, con bằng bà và ông: mẹ con trở thành đồng hạng. Tác giả chỉ thuật, không bình, nhưng cái ngôn ngữ trần trụi ấy đã nói lên bản chất phi lý, phi nhân, tức cười và vô giáo dục trong nội dung cải tạo.

Ngoài việc triệt hạ nhân phẩm qua cách đối xử, cải tạo còn sử dụng hai vũ khí khác để triệt hạ con người, đó là Ðói và Thời gian.

Ngoài công việc khổ sai thứ nhất như gánh phân, bốc bùn, xẻ nứa, làm rẫy, v.v… còn có Ðói. Ðói là khổ sai thứ nhì. Ðói đến vồ được thứ gì cũng nhét vào miệng: từ con ếch, con nhái, con dế, con chuột, đến quả ớt, lá ráy… A Thềnh chết vì ăn cắp ớt. Ðói triền miên. Ðói trong lúc ăn. Ðói trong lúc ngủ. Ðói là sự triệt hạ nhân phẩm bằng đường thực phẩm. Ðói khiến tù phải hạ mình, phải tố giác nhau vì miếng ăn. Tiếng chim “khó khăn”, “khắc phục”, “còn khổ”, tiếng chim “ối con ơi!” cất lên như tiếng định mệnh của người tù dội về từ kiếp khác.

Nhưng yếu tố ghê gớm hơn cả vẫn là thời gian: Thời gian vô định của người tù cải tạo, người tù tư tưởng. Không có ngày về. Không biết ngày về. Cái thời gian tàn bạo này có thể giết người không gươm giáo.

Ðối diện với những phần tử triệt hạ con người, Ðói và Thời gian, có một liều thuốc hồi sinh: đó là Mộng du. Mộng du còn là sáng tạo. Mộng du về với người thân yêu, về với người yêu, cõi mộng du ấy đã giúp người tù sống được trong cõi chết. Ðời tù chia hẳn thành hai lãnh vực: Lãnh vực thực tế, hiện tại, khổ sai, đói rét và nhục nhã. Và lãnh vực yêu thương là những phút “mặc niệm người thân”, lấy chút dưỡng khí của tình yêu, của gia đình, tiếp vào khí quản:

  Ðầu gối lên cùm sắt gỉ han
Nghĩ tóc em xanh mười chín tuổi
Mái sương đêm những vì sao Hà Nội
Trong nhật ký anh.
Tóc em xanh trang nhật ký
Trong hồ sơ mật an ninh
Cả đến tình yêu chúng ta cũng bị nhục hình
Cắn răng lại, em ơi, đừng khóc.

(Quyển I, trang 187)

Khi người vợ “góa sống” vượt đồi núi, vượt đạn bom, đến thăm chồng “Em đem suốt nghìn đêm thương nhớ lại” và “Anh giết dần từng giây địa ngục chờ em”. Chính cõi mộng du đã cứu sống người nghệ sĩ. Cung Trầm Tưởng cũng nói như vậy: Nếu không có nó -tức mộng du, sáng tạo- thì tôi đã tự tử rồi.

Mộng du giúp Bùi Ngọc Tấn sống lại những giờ phút thiêng liêng nhất của cuộc đời: sống hoang toàng, xả láng với hạnh phúc, từ những nhục cảm đầu đời, đến những giây phút cực cùng với bạn tù trong cõi chết.

*

Và cũng chính cõi mộng du ấy đã triệt hạ con người sau Goulag. Nó bắt người tù được thả, phải trở lại với thế giới trong tù, với những người bạn còn đang dưới đáy, nó là một thứ lương tâm nhân loại, tàn ác không thể loại trừ, nó theo đuổi con người như một bóng ma. những người đã thoát ngục, không thể nào quên được những bộ xương còn nằm dưới đáy ngục, chính cái lương tâm nhân loại ấy đã dấy lên, đã bắt Bùi Ngọc Tấn phải viết, phải làm chứng cho những linh hồn oan khuất, đã vội sớm ra đi, không kịp để lại bút tích về sự hiện hữu của chính mình.

Bùi Ngọc Tấn dùng tâm, não, xương, thịt, đời tù của mình để tạo ra tác phẩm. Trọng lượng cây thánh giá của người tù trên đường hành hương vào cõi chết đã được tác giả mổ xẻ, cân đo, phân chất đến cội nguồn của cội nguồn, gốc gác của gốc gác.

Ngay từ khi nghe lời tuyên bố “lịch sử”: “Anh Nguyễn Văn Tuấn, hôm nay chúng tôi đến bắt anh đây”, rồi qua những cửa ải đầu tiên mà Bùi Ngọc Tấn gọi là bản dạo đầu, là xà lim, rồi cung vấn Nguyễn Văn Tuấn, rồi lại xà lim, chờ đợi nhận tội. Anh không nhận đã có thời gian: Anh không nhận chúng tôi cứ chờ. Chúng tôi kiên trì, chúng tôi có thời gian hậu thuẫn. Cái thứ thời gian ác ôn, chôn vùi hàng vạn đời người trong lòng ngục.

*

Bữa bún chả đầu tiên, ngoài tù, do Mạc bán máu lấy tiền khoản đãi “Chúng tao không dám nói. Sợ mày khinh, ăn không ngon. Sợ nghĩ là mày ăn thịt nó. Nó bán máu và bán luôn cả cái phiếu đậu bồi dưỡng.” (Quyển I, trang 201)

Từ đây bắt đầu cuộc đời “tại ngoại”.
“Tại ngoại”, người tù trở thành một thứ “phó dân”.
Xã hội tại ngoại, dường như còn tanh tưởi, vấy máu hơn xã hội trong tù.

“Thịt chỉ bán cho những người bán máu. Hắn về tay không và nghĩ đến Vũ Mạc. Thịt hiếm thế này Vũ Mạc kiếm được đây. Mạc bán máu và bao giờ cũng bán nốt mọi thứ phiếu bồi dưỡng.”   (Quyển II, trang 77)

Xã hội tại ngoại không dung những thứ phó dân như già Ðô, như Giang, như Tuấn… Hệ thống công an như một con mắt khổng lồ vô hình, vẫn tiếp tục chõ vào cuộc đời của người tù được thả cũng như đã từng soi sáng hết cả huyệt lộ cuộc đời những người thân, bạn thân của tù, như Bình. “Bình bàng hoàng khi biết mình có đuôi […] Anh ngửi thấy cái mùi của nhà tù. Anh bắt đầu biết anh bị theo dõi vào một buổi chiều thứ bẩy […]
Anh sôi lên vì sợ hãi, tuyệt vọng. Và có cảm giác của một con thú bị nhốt trong chuồng, lồng lộn nhưng không sao thoát được. Thì ra họ có toàn quyền làm những việc họ thích. Họ huy động cả guồng máy khổng lồ để hại mình. Ðạp xe đi, anh cứ thấy vương vướng ở phía sau lưng. Dinh dính ở gáy. Một cảm giác lạnh ở phía sau. Và bẩn. Và dính. Anh thở dài.”
  (Quyển I, trang 460-461)

Anh biết anh chưa bị bắt thôi chứ anh đã mất tự do rồi. Không thể gọi là tự do khi mình đi đâu, làm gì (kể cả đi đái), gặp ai, trò truyện bao lâu, cũng có người quan sát và ghi sổ “Ðối tượng P2 về thăm con. Không đi la cà các nhà hàng xóm. Ngủ ở nhà …”. Vì chắc anh cũng phải có một con số bí. Nhưng không biết họ đặt cho anh số bí gì nhỉ? P2 hay A18. Hay T5? Thật là một trò chơi chết người. Và thật buồn là mình lại ở trong vòng chơi đó […]
Anh uống trà với chú em mà không biết mình uống gì. Anh đang nghĩ đến những cái đuôi. Cẩn thận thật. những hai cái đuôi
.”  (Quyển I, trang 462-463)

Cái cảm giác trên đây của Bình, không ít người đả trải qua. Ðó là cảm giác dinh dính ở gáy. Một cảm giác lạnh ở phía sau. Lạnh. Và bẩn. Và dính. Bùi Ngọc Tấn đã đi đến ngọn nguồn cảm giác của kẻ thấy mình có đuôi. Cảm giác dinh dính này trong thơ Ðặng Ðình Hưng có nhắc đến, nhưng dùng trong một hình tượng khác: Kẻ bị theo dõi thấy chân dinh dính dưới đất, và hắn đi vòng con số 8 lộn ngược. Ðặng Ðình Hưng đưa ra một hình tượng tù ngục khác của nhà thơ. Biệt tài của nhà văn, nhà thơ là họ có thể chỉ dùng vài chữ ngắn gọn, nhỏ bé để bất tử hóa một hiện tượng rộng lớn, bao trùm xã hội. Hiện tượng bị công an theo dõi dường như ai cũng đã trải qua khi đặt chân lên đất Việt, nhưng ghi lại cái cảm tường Dinh dính. Lạnh. Và Bẩn thì chỉ có những ngòi bút biệt tài mới chụp được để đưa nó vào cõi bất tử.

Với một bút pháp như thế, những khuôn mặt như già Ðô, Triều Phỉ, Sáng, Giang, A Thềnh, Lê Bá Di, Vũ Lượng… đã được nhà văn khắc tạc trong hang đá của thời gian, dù họ đã suối vàng hay còn trần thế, những chân dung của họ đã đi vào lịch sử, không phải lịch sử tầm thường của đời sống, cũng không phải lịch sử khốc liệt của chiến tranh, mà là lịch sử chữ, lịch sử văn hóa của con người.

Vì những già Ðô, những Triều Phỉ, những Sáng, những Giang… mà Hắn, nhà văn, phải viết, Hắn bắt buộc phải tự do. Nếu không có tự do hắn cũng phải sáng tạo ra tự do để viết. Viết về nỗi đau của những người đã nằm xuống. Viết về nỗi đau của một người và cũng là nỗi đau của dân tộc, của loài người. Ðó là vấn đề trách nhiệm và nhân cách của hắn, nhà văn.

Paris, tháng 3/2000

Chú thích :

(1).  Ðây là nguyên văn của nghị quyết: “Ngày 16/3/2000, Bộ Văn Hóa Thông Tin đã ra quyết định số 395/QÐ-BVHTT, đình chỉ phát hành và thu hồi, tiêu hủy cuốn Chuyện Kể Năm 2000 của tác giả Bùi Ngọc Tấn do nhà xuất bản Thanh Niên xuất bản vì đã vi phạm khoản 1 và 2, điều 33, luật xuất bản. Ðiểm 1, điều 3, quy chế lưu chiểu xuất bản phẩm của Bộ Văn Hóa Thông Tin (số 01/1998 QÐ-BVHTT ngày 30/7/1998). Ðiều 8 quy chế liên doanh về in và phát hành xuất bản phẩm của Bộ Văn Hóa Thông Tin (số 75/1999 QÐ-BVHTT ngày 8/11/1999). Cũng theo quyết định này, Ban Bí Thư Trung Ương Ðoàn Thanh Niên Cộng Sản Hồ Chí Minh, cơ quan chủ quản Nhà Xuất Bản Thanh Niên có hình thức kỷ luật nghiêm khắc Ban Giám Ðốc Nhà Xuất Bản Thanh Niên và những người có liên quan trong việc xuất bản và phát hành cuốn Chuyện Kể Năm 2000.” (trích báo Tin Tức số ra ngày 17/3/2000)

(2).  Nxb Hội Nhà Văn, Hà Nội 1995

© 1995-1-2001 Thụy Khuê

 

 

 

Đọc văn Bùi Ngọc Tấn

Người chăn kiến

 

Cái tay B trưởng* ấy hoặc đã chán mọi chuyện đánh đấm, hoặc có máu hài hước. ông M vừa bị vài cú khai vị tưởng rụng quai hàm thì hắn hét bọn đàn em vây quanh ông đang nổi cơn say đấm đá:

– Thôi.
Hắn bước tới gần ông. Nhìn. Ngắm:
– Trắng.
– …
– Làm nghề gì?
Ông nuốt một bụm máu, nửa cái răng gẫy vào bụng và biết nên nói thật:
– Giám đốc.
B trưởng reo lên:
– Thảo nào. Trắng như con gái.
Rồi thật bất ngờ:
– Cho làm nữ thần Tự Do.
– …
– Tượng nữ thần Tự Do ở bờ biển Nữu Ước. Làm giám đốc mà không biết à?

Ông thoát khỏi trận đòn nhập B mà chưa ai lường hết được sự ghê gớm và hậu quả của nó. Thay vào đó ông phải khoả thân leo lên bậc thang cao nhất, giáp cửa song sắt ngăn với sân xê rom **, cái sân thượng chỉ về đêm mới có lính gác. Tay ông giơ lên cao khi gói kẹo, khi quả dưa chuột ố những đồ tiếp tế của anh em tù — để làm nữ thần Tự Do. Trần truồng trước hàng trăm con mắt, thật nhục nhã, quá sức chịu đựng đối với một người từng làm giám đốc lại đã đứng tuổi như ông. ở trên ấy ông thèm được như ông già chủ nhiệm hợp tác xã dưới kia, chỉ phải bế bọc nội vụ đi quanh, hát ru em bài Bé bé bằng bông.

Ðúng là tay B trưởng này có máu đại hài hước. Trời nóng, hắn ngồi phè phẹt giữa sàn, hét:

– Hitachi!
Gần hai chục người lập tức vây quanh hắn.
– Quạt.
Tất cả quạt. Bằng tay. Nhưng mát, bay cả tóc. Hắn lại hét:
-Panasonic.
Những người trong đội Panasonic sẵn sàng.
– Quạt.
Lại còn thêm:
-Tuốc năng.

Cái vòng người Panasonic vừa quạt vừa chạy quanh hắn giống đèn kéo quân bỗng đồng loạt đổi chiều như cùng một bánh xe truyền lực.

Cô đơn khoả thân trên cao, cái nóng từ máy chàm vào người như nướng, ông M ao ước được ở trong đội quạt, nhưng ông không dám nói với ai. Ngoài những lúc đi cung hoặc học tập chính sách cải tạo, giờ chính quyền còn lại ông ngoan ngoãn đứng làm nữ thần Tự Do. Cho đến một ngày… Hôm ấy đi làm vệ sinh về, tay B trưởng bắt ra 4 con kiến đỏ bé xíu đựng trong cái vỏ bao thuốc lá. Hắn cầm mẩu gạch non khoanh 4 vòng tròn xuống nền xi măng. 12 anh tù được hắn chỉ định chia thành 3 ca chăn 4 con kiến nhỏ. Ông M không ngờ mình lại mê chăn kiến đến như thế. Công việc kì dị ngày càng hấp dẫn ông. Nó làm ông khao khát đến bồn chồn. Cho dù đó là khổ ải. Phải giữ kiến luôn ở trong vòng tròn. Trong ấy có bánh bích qui, có đường, có thịt, kiến ăn nhưng không chịu ngủ, kiến vẫn bò tìm tổ. Phải luôn tay chặn kiến lại và không được làm sứt một cái chân của kiến. Chính những điều ấy khiến ông thèm khát. Nó sẽ giúp ông quên thời gian, quên những thiên thu tại ngoại. Hơn nữa ông quá chán trò cởi truồng đứng trước mặt mọi người.
Thế là một hôm ông gặp B trưởng, chìa ra một con kiến ông vừa bắt được trong khi đi làm vệ sinh và rụt rè, ấp úng xin được chăn… B trưởng cố kìm cơn giận. Hắn miết chết con kiến và quắc mắt, hất hàm về phía sân xê rom.

Ông hiểu. Ông lại khoả thân bước lên. Nhưng ông không được làm thần Tự Do nữa. Ông biến thành con chim. Con chim nhỏ trên cành cây cao. B trưởng đứng dưới, giả cầm súng lom khom, chui lủi, rình ngắm:

– Ðoàng.
Ông phải rơi từ sát mái nhà xuống. B trưởng không bằng lòng với cách rơi giả vờ, rơi có chuẩn bị, rơi chân xuống trước ấy. Phải rơi như thật. Như bị bắn rụng thật. Hiểu chửa. Làm lại.

‘Thật quá rùng rợn. Cầu mong đừng vỡ mặt, mù mắt, gẫy tay là được. Cố vượt qua. Ðể còn ra’.
Ông M đã được ra. Ông được ra sau bốn tháng giam cứu. Ông được ra bởi ông không có tội. Những người gây ra vụ án oan ức của ông đã bị kỉ luật.
Người ta đã khôi phục lại cho ông tất cả. Ông lại làm giám đốc nhưng ở một xí nghiệp tận trong Nam, để ông có thể quên được những gì vừa trải qua. Ông cám ơn cấp trên về điều tế nhị ấy.
Cũng như mọi xí nghiệp, giờ nghỉ trưa ở đây nhiều vẻ… Uống bia. Ðánh cờ tướng. Tiến lên. Làm vài séc bóng bàn. Chuyện gẫu…
Giám đốc mới không tham dự. Ăn trưa xong ông về phòng. Các vị chức sắc cũng muốn kéo ông vào cuộc vui nhưng trả lời tiếng gõ cửa là sự im lặng.
Họ bảo nhau:

– Thôi. Ðể sếp ngủ.

Chẳng một ai biết sau khi gài trái cửa, giám đốc rút ngăn kéo lấy ra một lọ nhỏ, trong đựng 4 con kiến. Ông thả lũ kiến vào một vòng tròn bằng phấn vẽ trên bàn. Ông bẻ bánh cho chúng ăn và lấy những các-vi-dít (Có rất nhiều trong ngăn kéo ố của khách và của ông) chặn chúng lại. Thỉnh thoảng ông còn đặt cả ghế lên bàn làm việc. Và khoả thân trên ghế. Ðứng thẳng. Mắt hướng về phía xa. Tay giơ cao. Như kiểu thần Tự Do.
23.6.1993

Bùi Ngọc Tấn

(từ tập truyện ngắn: Những người rách việc, Nhà xuất bản Hà nội, 1996)
—————————
* B: buồng xà lim. B trưởng: trưởng buồng, do ban giám đốc nhà tù chỉ định trong số tù nhân, thường là một tay anh chị

clip_image004

Một mơ ước về kiếp sau

Lời giới thiệu: Đoản văn này được trích trong hồi ký Viết Về Bè Bạn của nhà văn Bùi Ngọc Tấn – tác giả Chuyện Kể Năm 2000 – vừa do tủ sách Tiếng Quê Hương ở Virginia, USA phát hành.

Cây xấu hổ
Chiều lặng ngồi trêu cây xấu hổ
Lá thẹn thò sau đám cỏ rối bời
Hãy ngoảnh lại đây
Có gì mà mắc cỡ
Chỉ mình ta bầu bạn với ta thôi.

Nguyễn Thị Hoài Thanh ngồi một mình ở Đồng Xoài, chờ người ta thu hoạch lạc xong thì vào mót. Cô đơn ở xứ người, để giết thời gian, để quên đi nỗi lo kiếm sống, chị trêu chòng và trò chuyện với cây xấu hổ. Thế rồi thơ đến. Khi ở tù ra hầu như tôi chỉ còn một nhúm bè bạn, trong đó có Nguyên Bình, người không bao giờ bỏ tôi trong những lúc gian lao nguy hiểm đói nghèo nhất. Anh vẫn đến nhà chơi, nói dăm ba câu chuyện hoặc nô đùa với các con tôi. Tôi chẳng dám trách ai. Bởi cái ống ngắm hiển nhiên là đang nhắm vào tôi. Chẳng ai lại muốn mình hiện hình trong vòng ngắm. Đừng có đem sinh mạng mình, đời sống gia đình vợ con mình ra đùa cợt.
Thế mà trong những ngày ấy tôi lại có thêm một người bạn mới: Nguyễn Thị Hoài Thanh. Chị thường xuyên đến nhà. Nói chuyện với tôi. Bàn chuyện làm ăn sinh sống với vợ tôi. Dạy hai đứa con gái tôi cách thêu may bô đê để kiếm sống. Tôi và Nguyễn Thị Hoài Thanh trước đó chỉ biết nhau chứ chưa hề chào nhau dù gặp nhau trong một cuộc họp, lại càng chưa một lần đối thoại. Tôi ấm lòng khi thấy chị lên nhà, ân cần, thân mật, cởi mở như một người bạn thân của cả gia đình và hoàn toàn chiếm được niềm tin, tình cảm của vợ chồng tôi. Chị như một chỗ dựa tinh thần, một sự động viên vợ tôi trong những ngày tháng gian lao ấy.
Lúc đó tôi mới biết rằng chị làm ở Quốc doanh đánh cá Hạ Long, một xí nghiệp tôi cũng từng quen, đã xuống lấy tin viết bài, nơi sản sinh ra anh hùng lao động Hồ Xuân Tuyên mà Dương Tường đã viết trong Thuyền Trưởng. Chị mách chúng tôi một cách kiếm sống: Làm nước mắm.
Ngày ấy nước mắm rất khan hiếm, cắt theo phiếu, theo tiêu chuẩn thang lương. Có nhà khoa học còn nghiên cứu làm nước mắm dắt, nấu từ con dắt, một loại sinh vật biển họ trai hến nhưng chỉ nhỏ bằng cái cúc áo. Đề tài nước mắm dắt được đăng ký cấp quốc gia hay cấp thành phố tôi không nhớ. Nhà ai chẳng phải ăn nước mắm. Nước mắm đang lên ngôi. Chúng tôi bị thuyết phục ngay. Nguyễn Thị Hoài Thanh giảng cho chúng tôi nghe về con nước, về chợ chiều, cá ươn, cá ế, về loại cá rễ cau, như con chạch nhưng đỏ, không ai ăn, mua về làm chượp, và điều quan trọng là khi nấu mắm xong đừng lọc chắt ngay mà cứ để nguyên như vậy cho đến khi nguội hẳn vì trong quá trình ấy đạm vẫn từ bã thôi ra nước. Rồi chị giới thiệu cho tôi biết những chợ nào người ta hay bán cá rễ cau. Rồi tính toán tiền cá, tiền muối, một cân cá được bao nhiêu nước mắm loại một, nước mắm loaị hai… Nhưng lấy gì mà ngâm chượp? Lại cũng chị Thanh. Tối hôm ấy vợ tôi vác xe đi. Chuẩn bị cả giây co nghĩa là giây cao su, cả bao tải. Lại mất điện. Vợ tôi đi trong bóng tối hun hút xuống nhà chị. Một khu tập thể không tên gọi, không số nhà. Cũng may, ban ngày Nguyễn Thị Hoài Thanh đã đưa vợ tôi xuống nhà để vợ tôi thuộc những ngóc ngách ngoắt ngoéo mà dù cho có tối tăm, mất điện, lại toàn những mái nhà lô nhô như bát úp ở một khu đất trước đây là trận địa pháo cao xạ mà về sau khi tôi xin được việc làm ở Quốc doanh đánh cá Hạ Long, mới biết nó có tên là khu Bãi Cát, vợ tôi vẫn có thể tìm đến tận nơi.
Khi chiếc loa ngã sáu phát chương trình Quân đội nhân dân, nghĩa là khoảng chín giờ, tôi nghe tiếng gọi của vợ tôi dưới cầu thang. Tôi vội chạy xuống. Trong bóng tối tôi thấy vợ tôi đang giữ chiếc xe đạp ở chân thang, và ở pooc ba ga, một đống gì gồ cao đen sì. Tôi đặt tay lên đó. Chiến công của vợ tôi. Sự giúp đỡ tận tình của Nguyễn Thị Hoài Thanh. Niềm hy vọng của chúng tôi. Nó căng. Cứng. Và cong cong. To nữa. Cái bao tải to thế mà căng phồng.
– Chị Thanh đưa em qua cổng bảo vệ chứ không cũng không mang được về nhà đâu.
Đó là một bình gốm chuyên dùng, miệng nhỏ, có nắp vặn xoáy được để đựng a xít. Bình dầy nên tuy to nhưng chưa chắc đã đựng được nửa thùng nước.
Tài sản ban đầu của chúng tôi để tự kiếm sống là như vậy. Chúng tôi dội nước đầy bình cho a xít thôi ra trước khi ngâm chượp. Rồi đi mua cá rễ cau cá ươn cá ế ở chợ. Chẳng mấy chốc mà đầy hũ. Không dám để hũ dưới nhà. Sợ mất. Chúng tôi bê lên gác, đặt ngoài bệ cửa sổ. Sốt ruột mong nó phân hủy, để nó thành chượp, nấu lên thành nước mắm mang đi bán. Trong khi chờ đợi có nước mắm bán cả nhà vẫn cứ phải ăn. Nguyễn Thị Hoài Thanh hiểu được điều ấy. Chị đến dạy vợ tôi và hai đứa con gái còn chưa đến tuổi dậy thì bô đê.
– Cái này là làm cho mấy bà buôn ở chợ Sắt.
Nhìn những mẫu bô đê của chị tôi mới nhớ ra rằng ở những gấu quần xa tanh, gấu áo phin nõn của những người sang trọng luôn có những hoa văn đục thủng ra rồi viền lại như vậy.
Tôi không hiểu chị học bô đê ở đâu mà đẹp thế. Hay chị học ở trường mồ côi? Mà chị có mồ côi và học ở trường mồ côi như người ta vẫn nói thật không. Rồi lại còn cái chuyện Nguyễn Cao Kỳ (tư lệnh không quân rồi phó thủ tướng ngụy) là anh ruột chị nữa. Nói chung là chung quanh chị có nhiều “huyền thoại,” những “hiện thực huyền ảo” giết người. Dường như biết rằng có những dư luận rất bất lợi cho mình và mọi người nhìn mình bằng con mắt nghi kị xa lánh nên chị không chủ động thân thiết gần gũi với một ai. Chỉ đến khi tôi đi tù về chị mới đến nhà tôi. Người khác có thể sợ chứ chị thì không. Chị nghĩ mọi cách giúp gia đình tôi kiếm sống. Chị nuôi ngan và bàn với tôi việc nuôi ngan. Chị bảo chị đã nghiên cứu và tìm ra thủ phạm của việc làm ngan chết hàng loạt là những con giun móc chui vào lỗ tai ngan vì vậy trong lúc trời mưa, tuyệt đối không được cho ngan sục nước. Chị vẽ ra một viễn ảnh sáng ngời: Tôi mang trên vai một chiếc cuốc nhỏ, lùa đàn ngan ra bãi Máy Tơ…
Nhưng tất cả kế hoạch của chị cũng chỉ hoàn toàn là kế hoạch của một nhà thơ. Hoặc kế hoạch mang tính khả thi đấy nhưng không thực thi được vì người thực hiện lại là tôi. Tuy nhiên về một mặt nào đấy những kế hoạch của chị cũng mang lại tác dụng. Nó làm chúng tôi ấm lòng. Nó giúp chúng tôi có thêm nghị lực sống, vượt qua được những ngày nào cũng dài đằng đẵng ấy. Chúng tôi vẫn có những người bạn để chia sẻ. Điều đó giúp chúng tôi có thêm nghị lực.
Thế nào mà khi được đi làm trở lại, tôi lại về Quốc doanh đánh cá Hạ Long, nghĩa là về cùng xí nghiệp với Nguyễn Thị Hoài Thanh. Ông Hoàng Hữu Nhân nguyên bí thư thành ủy Hải Phòng, khi đó là tổng cục trưởng tổng cục Thủy sản đã cứu tôi, quyết vượt qua mọi trở ngại, những mưu toan ngấm ngầm công khai của những người có thế lực khác tìm mọi cách không cho tôi trở lại với cơ quan xí nghiệp nhà nước. Tôi làm văn phòng. Còn chị Thanh làm ở phân xưởng, tổ ắc quy, ngành điện. Trong sổ tay tôi còn ghi lại một buổi sáng xuân, tôi đứng trên mũi một con tầu đang xảm lại mặt boong. Trời xuân, không mưa bụi nhưng mát mịn da mặt. Phía bên kia sông, những cây sú lá xanh thẫm. Chân trời những đám mây xuân tầng tầng lớp lớp. Và gió. Gió không mạnh, chỉ đủ giục giã lên đường. Người thuyền trưởng đứng sau tôi. Anh ôm tôi, nhấc bổng tôi lên. Rồi lại đặt tôi xuống.
Từ phía đầu cầu cảng chạy vào một chiếc xe rùa, một loại xe chạy bằng ắc quy, êm không một tiếng động. Trên xe, mấy cô công nhân tươi cười rạng r.” Thuyền trưởng bỗng rời vòng tay ôm tôi, nhao ra lan can: “Cô Thanh ơi, chúng tôi thay ắc quy đấy nhé.” Lúc bấy giờ tôi mới để ý là Nguyễn Thị Hoài Thanh đang ngồi trên xe. Quần áo bảo hộ lao động rộng thùng, chiếc mũ lưỡi chai, khuôn mặt chị ngời ngợi giữa những món tóc bị gió thổi bay dập dờn trên mặt trên má trên miệng cô công nhân ngồi đằng sau chị. Chị nói như hét:

– Chưa thay được cho anh đâu.
Chiếc xe vẫn giữ nguyên tốc độ, vượt qua chỗ chúng tôi.
Thuyền trưởng kêu to:
– Sao lại chưa?
Chiếc xe đã ngoặt về phía cổng cảng. Vọng lại một câu trả lời của chị nhưng nghe không rõ. Chiếc xe đã biến mất. Nó lướt qua không một tiếng động. Như nó chưa hề đi qua đây. Một thuỷ thủ nói:
– Cô Thanh được đấy thuyền trưởng ạ
Thuyền trưởng cười:
– Già rồi.
Anh thuyền viên kêu to với đám thuỷ thủ đang trầu cáp, chuẩn bị cho một chuyến biển mới:
– Thuyền trưởng chê cô Thanh già các cậu ơi!
– Tớ già chứ không phải cô Thanh. Hiểu chưa?
Tất cả cười dòn.
Năm ấy Nguyễn Thị Hoài Thanh còn đang tuổi ba mươi. Thời con gái chị vốn xinh đẹp. Nhất dáng nhì da. Chị được cả hai. Nhưng hồng nhan đa truân. Hai lần kết hôn, hai lần li dị. Vẻ đẹp của tuổi ba mươi đang chín. Cái sắc đẹp không chủ đã gây cho chị biết bao khó khăn, nhiều khi cả nguy hiểm nữa.
– Người ta cứ coi tôi là con mụ Hến anh ạ.
Chị nói vậy và cười hồn nhiên:
– Ngày ấy mình còn mầu mỡ.
Sau này khi đã lục tuần, ngồi ôn lại cuộc đời, chị nói với tôi như vậy. Và cũng như cô Hến, cái đám Nghêu, Sò cũng toàn là các hàng chức sắc nên rất nguy hiểm. Thời gian chị còn làm thợ điện ở công ty X, chỉ vì không chịu bắt tay ông trưởng phòng của chị mà chị không được chấm công, không có lương, dù ngày ngày vẫn đi làm với các đội, dù chị đã lấy đầy đủ xác nhận của các đội sản xuất. (Bắt tay là chuyện bình thường, nhưng đây lại là một kiểu ra đụng vào chạm, một kiểu lợi dụng của ông trưởng phòng mà chị biết quá rõ.) Và sự việc không dừng ở đấy. Chị ở tập thể, nghĩa là một nửa gian phía ngoài, còn nửa gian phía trong là kho dụng cụ (toàn cuốc xẻng). Một trưa đi làm về, chị thấy buồng chị bị khoá. Bé Đan, con gái chị đang ngồi khóc ở cửa. Người ta giải thích cho chị hiểu rằng không phải người ta khoá buồng chị mà người ta khoá kho dụng cụ, bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa. Chị gặp người này gặp người khác. Chị đấu tranh. Khi cứng rắn. Khi mềm dẻo. Lúc pha cả hài hước. Mãi khuya ông trưởng phòng mới hạ lệnh mở khoá cho chị vào buồng. Thế rồi khi ông chủ nhiệm công ty cũng muốn đến với Hến và bị Hến cự tuyệt thẳng thừng mới thật gay go. Lại một chiều đi làm về, vừa bước vào khu tập thể, bé Đan đã mếu máo chạy ra:

– Mẹ ơi. Nhà mình toàn bàn ghế thôi, con không nấu được cơm đâu.
Chị đứng lặng. Cái ô con con hai mẹ con vẫn chui ra chui vào cửa vẫn mở nhưng chật cứng bàn ghế. Chị đã hiểu. Người ta quyết không cho chị ở mấy mét vuông này. Chị thì thào với con gái:
– Mẹ con mình khiêng sang nhà bác chủ nhiệm nhé. Thật khẽ. Đừng để ai biết.

Lúc đó đã tối. Giờ ăn cơm của cả khu tập thể. Bụng đói, bé Đan cùng mẹ khiêng từng chiếc bàn chiếc ghế sang nhà ông chủ nhiệm. Nhà ông ta rất rộng. Sân. Gian ngoài. Gian trong. Hai mẹ con đặt những đồ mộc ấy ở gian ngoài. Năm chuyến. Sáu chuyến. Bẩy chuyến. Đói. Im lặng. Thở. Như một trò tinh nghịch. Nghe rõ tiếng trò chuyện từ gian trong. Ngửi cả mùi cơm trộn mì, mùi canh dưa chua ngào ngạt bốc ra. Khiêng gần xong thì bị lộ. Ông chủ nhiệm quăng bát cơm chạy ra. Gầm lên:

– Cô Thanh! Làm trò gì thế này?
– Tôi sẽ lập biên bản. Cô đúng là một người quá thể. Không còn coi ai ra gì!
Ông hét không thành tiếng. Cả khu tập thể vốn dĩ đói nghèo sự kiện, đói nghèo trò giải trí, bỏ dở bữa cơm đổ xô tới. Mọi người trong gia đình ông kêu thét ầm ĩ. Như một dàn đồng ca.

Nguyễn Thị Hoài Thanh tươi cười lễ phép:
– Báo cáo chủ nhiệm, tôi đi làm về thì thấy số tài sản xã hội chủ nghĩa này trong nhà tôi. Tôi không hiểu ai vất vào. Đây là bàn ghế chứ ngộ nhỡ thuốc phiện thì có nguy hiểm cho tôi không. Cho nên tôi phải trình với chủ nhiệm. Hai mẹ con tôi dù chưa ăn, bụng đói cũng cố động viên nhau khiêng sang. Chả lẽ lại vất ra ngoài sân. Tài sản xã hội chủ nghĩa không thể thế được. Phải bảo vệ. Nên chỉ còn mỗi cách khiêng sang nhà thủ trưởng.
Hoài Thanh thắng. Thắng oanh liệt. Sau trận thắng chị hiểu rằng không thể nào ở lại công ty được, phải tìm cách chuyển thôi. Trong lúc giao thời thất nghiệp ấy, một người bạn rủ chị đi bán than cùng ông ta. Mừng như bắt được của. Không phải “một gánh càn khôn quẩy xuống ngàn, hỏi rằng chi đó gửi rằng than” mà là mua than của mậu dịch rồi xe đổ cho các nhà. Thứ than cám đã nháo bùn để người ta chim chim lại cho và bếp lò. Than trộn bùn ướt nặng như đá. “Ông Hạp ơi! Khiêng hộ tôi lên bàn cân với!” “Ông Hạp ơi! Đẩy hộ cái xe vào đây!” Tiền thì chia đôi mà chốc lại ông Hạp ơi, ông Hạp ơi. Xe than đi đổ cũng lắm chuyện bi hài. Chuyến xe đầu tiên thế nào lại quành đúng vào khu nhà tập thể của chị. Chị lo lắng: “Ông Hạp ơi. Đổ cho nhà ai thế này?” Hoá ra đổ cho nhà ông chủ nhiệm. Chính vợ chồng ông chủ nhiệm cũng ngạc nhiên. Cô Thanh bây giờ đi làm cái này à? Vâng. Báo cáo chủ nhiệm, việc gì tôi cũng làm để có tiền nuôi mình nuôi cháu. Hẳn ông chủ nhiệm cười thầm trong lòng: Chiến thắng là thế đấy hử cô Thanh? Cứ chiến thắng nữa đi. Chị không xấu hổ về tư thế chiến thắng của chị, cái tư thế nhếch nhác đầy vẻ thất bại của chị. Chị biết thừa câu nói không thành lời của chủ nhiệm: Cô đã thắng tôi. Nhưng cô đã thấy cái giá phải trả cho chiến thắng của cô là thế nào chưa? Chiến bại đấy cô ạ! Chị chỉ tự hỏi: Ông chủ nhiệm hả lòng hả dạ hẳn rồi, nhưng không biết ông có còn chút lòng trắc ẩn?
Thật ra tự đáy lòng, chị cảm thấy ngượng. Không chỉ trong lần xe than đổ cho ông chủ nhiệm. Còn nhiều lần khác. Hôm đầu tiên đến bãi than phố Đà Nẵng với ông Hạp chị đã ngượng rồi. Hôm ấy chị đi đôi giầy da cũ của một người bạn cho chị rõ ràng là quá rộng. Cánh thanh niên có mặt ở bãi thấy một phụ nữ trẻ trung xinh đẹp đẩy xe vào bãi, reo hò:

– Chào em gái xinh đẹp.
– Anh đã bảo em cứ ở nhà rồi anh mang tiền về, sao em còn ra đây làm gì? Nhớ anh quá hả?
– ái chà! Lại đi giầy bốt tin!
Lại một hôm đang đẩy đằng sau, thấy ông Hạp cầm càng ngoặt vào nhà một cô bạn, chị vội đội lên đầu cái khăn mặt tuỳ thân đen nhẻm cho nó phủ kín trán, kín hai gò má và kéo sụp nón xuống che hết mặt. Chị bạn quát:
– Xe đổ vào góc trong cùng ấy. Góc bên phải cơ mà. Không nhìn thấy gì à? Bẩn hết bếp rồi. Mấy tạ đấy?

Nguyễn Thị Hoài Thanh không nói một lời đến nỗi chị bạn gắt lên: “Câm đấy à?” Chị bạn không nhận ra chị vì chị đúng là “một con mụ bán than đen thui thủi” từ nón đến giầy bốt tin!
Vừa xe than, chị vừa đi tìm việc. Nhưng khi chị tìm được việc làm bên Quốc doanh đánh cá Hạ Long, người ta lại không cấp giấy giới thiệu cho chị mặc dù họ bảo chị nghỉ việc để liên hệ chuyển công tác. Chị, chẳng quen ai, không biết trông cậy vào ai, đi lên sở lao động tìm gặp bằng được ông phó giám đốc. Ông phó giám đốc ủng hộ chị. Có áp lực của sở lao động, chị được cấp giấy giới thiệu, được đi làm bên Quốc doanh đánh cá Hạ Long. Nhưng người ta lại vin vào việc chị đã chuyển công tác để trục xuất chị khỏi khu tập thể. Một cuộc họp lãnh đạo công ty với khu tập thể có mời cả công an hộ tịch dự. Lập biên bản. Ra nghị quyết…
***
Hình như Nguyễn Thị Hoài Thanh sinh ra là để gặp những rắc rối, chịu đựng những rắc rối và vượt qua những rắc rối khó khăn. Chịu đựng và vượt qua một cách thản nhiên bình tĩnh, không kêu ca như cuộc đời vốn là như vậy.
Tốt nghiệp trường công nhân kỹ thuật Hải Phòng, chị ghi vào mục nguyện vọng: Tình nguyện đi bất cứ nơi nào trừ Hà Nội, Hải Phòng. Bởi vì lúc đó chị vừa li dị và mới sinh cháu gái đầu lòng. Bà mẹ trẻ tuổi hai mươi ấy không muốn gặp lại người chồng cũ và chỉ mong được yên tĩnh ở một nơi nào đó. Cầu được, ước thấy. Chị được về Cẩm Phả, coi một trạm điện đầu trục 2 thuộc mỏ Lộ Trí. Chị và cháu gái mới sinh ở ngay trạm, liền với nhà đề bô rộng thênh thang, nhà đề bô đã có người chết ở đó. Ngày ấy nơi đây là chim kêu vượn hú. Ngày ấy hai mẹ con suốt đêm nghe gió thổi qua mái nhà đề bô, nghe mưa rơi, nhìn nước đổ như thác cuồn cuộn bên ngoài trạm…
Thế rồi từ Cẩm Phả chị lại về Hải Phòng khi sóng gió trong lòng đã dịu. Rồi chị sang Kiến An. Chị về Vĩnh Bảo. Có biết việc gì không trải qua. Hãy kể những việc chính: Công nhân xi măng, thợ điện Hải Phòng điện khí, thợ điện công ty xây lắp, công nhân bóc lạc công ty xuất nhập khẩu, đứng máy bào cuốn xí nghiệp gỗ Trương Công Định, công nhân công ty xếp dỡ, cấp dưỡng công ty vật liệu kiến thiết, súc sạc ắc quy Quốc doanh đánh cá Hạ Long… Đó là chưa kể còn đi giao bánh rán, bánh mì, kẹo lạc, làm và bán nước mắm… Đồng lương không đủ nuôi mình mà chị còn phải nuôi con. Cuộc sống tưởng chừng không có thời gian để thở, đó là chưa kể những chấn thương tinh thần sau hai lần li dị, ấy thế mà Nguyễn Thị Hoài Thanh vẫn làm thơ.
Cô gái ngay từ nhỏ đã có khí chất con giai này thực chất là đa cảm. Năm 13 tuổi bài văn xuôi đầu tiên được in trên báo Thế Kỷ. Năm 16 tuổi gửi thơ lên báo. Bài thơ không được in vì không chịu sửa theo ý biên tập. Bài thơ đầu tiên của chị được in trên báo Văn Học, cơ quan của Hội Nhà Văn là bài Lán Mông Giăng (1961). Đắm mình trong những vất vả khó khăn của công việc, của một mình nuôi con nhỏ, của mối tình đầu tan vỡ chị nghĩ tới một khung cảnh đầm ấm có vợ có chồng và trong khi chị đang nằm ở lán Mông Giăng này, có một người ngoài kia nghĩ về chị và nói với mọi người xin chớ ồn ào, để em tôi ngủ.Em tôi nào ngủ được. Bởi cô đơn. Bởi hoang vắng. Bởi nhà đề bô tối om từng có người chết ở liền bên. Bởi những tia chớp rạch trời thoắt hiện những khóm lau chìm trong bóng tối. Bởi bỗng một cánh tay đen sì từ nhà đề bô thò vào cửa sổ (một công nhân lò Lộ Trí lên gọi điện thoại báo tin máy hỏng). Bởi bé Đan viêm họng sốt cao. Không ngủ được thì cứ nằm mơ ước…
Nguyễn Thị Hoài Thanh làm thơ như một nhu cầu nội tâm. Chị làm thơ để trang trải nỗi lòng. Có một điều ngạc nhiên: Cuộc đời chị biết bao sóng gió mà thơ chị hồn nhiên trong trẻo thế. Chị có tài nhìn trong đổ vỡ để thấy được một cái gì vẫn là ấm áp như trong bài Bão tan:
Cây trụi lá mầu chiều say sắc trắng
Hàng dậu xô làng xóm xích gần nhau Ngày tháng đề dưới bài thơ này là năm 1967, nghĩa là lúc Thị Hến đang lâm nạn đuổi nhà.
Có lẽ đó không phải là cái tài của chị, mà chính là tâm hồn chị. Độ lượng, tha thứ, chịu đựng, vượt qua mọi gian lao và lúc nào cũng hướng về cái đẹp. Đọc lại những bài thơ của chị in rải rác trên các báo và tạp chí Văn Học, Văn Nghệ, Văn nghệ Quân đội, Cửa Biển và một vài tuyển tập, tôi lại có một “phát hiện” mới: Chị yêu Hải Phòng biết bao! Một Hải Phòng với những thành kiến, những trù dập, những nhọc nhằn kiếm sống, một Hải Phòng với những cuộc li hôn. Nhưng cũng là một Hải Phòng của thời thơ ấu, của những kỷ niệm không quên với bạn bè, của khát vọng vươn tới cái đẹp. Hải Phòng có bốn chiếc cầu ở bốn cửa thành phố thì hai chiếc đã nằm trong thơ Nguyễn Thị Hoài Thanh: Bài Cầu Xi măng và bài Chợ Cầu Rào.
Bài Cầu Xi măng như một bức thư gửi người anh trai đang sống ở Mỹ, ông Nguyễn Xuân Vinh. (Cũng không sợ lạc đề nếu nói ở đây rằng ông Vinh là một nhà bác học lớn của Nasa mà báo Lao Động đã viết một bài dài giới thiệu, ông đã từng chủ trì nhiều hội nghị không gian toàn thế giới. Trong cuốn tuỳ bút Theo ánh tinh cầu của ông có đoạn: “Cuốn sách tôi viết nói về quỹ đạo thu hồi một cách an toàn những phi thuyền không gian. Nhà xuất bản trước khi nhận in đã đưa bản thảo để lấy ý kiến của nhiều nhà khoa học. Tất cả đều đồng ý đây là cuốn sách độc nhất, với trình độ khoa học cao nhất viết về đề tài này.” Không sợ lạc đề vì ông Vinh là nguyên nhân gây ra cái dư luận Hoài Thanh là em ruột Nguyễn Cao Kỳ.)
Anh đã xa cầu xi măng
Ba mươi năm từ đó
Xa con sông quê nước lợ
Anh có mơ một lần
sóng vỗ giấc mơ anh
Cầu xi măng ơi cầu xi măng
Thuở bé em nhìn sang bên sông
Trời đất một vùng chim bay chim lượn
… Mẹ ơi cầu có tự bao giờ? em hỏi mẹ
Mẹ bảo tuổi cầu cùng với tuổi anh…
Còn đây là bài Chợ Cầu Rào chị khóc người em trai Nguyễn Xuân Đăng mai táng ở nghĩa trang Ninh Hải (từ thành phố Hải Phòng phải đi qua Cầu Rào mới tới).
Em nằm bên kia sông
Chợ Cầu Rào chiều hôm nắng tái
Qua chợ dùng dằng
nửa muốn đi nửa toan ghé lại
Định mua quà cho em nhưng nào biết mua chi
Em nằm ở bên kia
Bên đây chợ lao xao kẻ mua người bán
Chỉ một thứ chẳng ai cần bán mua là nước mắt
Em mặc cả với đời mang nó đi theo
Em nằm bên kia sông
Chợ Cầu Rào chiều hôm nắng tái
Đến thăm em chẳng cần vội vã
ở nơi đó bao giờ cũng có thể có em
Đến thăm em rất cần vội vã
ở nơi đó bao giờ cũng không thể có em
Bài thơ chị làm trên đường sang nghĩa trang trong buổi sáng một ngày sau khi mai táng mà ta gọi là đi quơ mộ. Không phải chỉ những cây cầu dính dáng đến những người thân mới làm Nguyễn Thị Hoài Thanh xúc động. Hải Phòng là thành phố của hoa phượng. Tháng năm rợp trời hoa phượng đỏ (Hải Như). Hoa như mưa rơi rơi (Thanh Tùng). Tôi nghĩ bài Hoa Phượng của Nguyễn Thị Hoài Thanh là một trong những bài đặc sắc nhất về đề tài này:
Hoa rong chơi từ mùa thu năm ngoái
Hôm nay nghe phố gọi rủ nhau về
Gió đã mở nắng đã vàng đã chín
Hồn đã say chân đã bước đinh ninh
Trong ngất ngây như có ai cuối phố đợi mình
Ai hát nữa điều gì thao thức lạ
Hoa khờ dại cháy mình trong nắng hạ
Để thu về tan tác cả lòng ai
Hình như một kỷ niệm đang trở về cùng chị. Hoa phượng đã làm chị nhớ lại.
Trong ngất ngây như có ai cuối phố đợi mình
Ai hát nữa điều gì thao thức lạ
Lại nghĩ đến hai câu thơ của Thi Hoàng:
Một đầu đường không có ai trông ngóng
Một buổi chiều không biết cất vào đâu
Để thấy những ngày Hoa Phượng ấy của Nguyễn Thị Hoài Thanh là như thế nào. Rồi chị thương hoa khờ dại cháy mình. Và lại thương ai. Tôi cứ nghĩ rằng chị tự thương mình. Chị thương chị. Hình như chị đã yêu, tình yêu chỉ tồn tại có một mùa hoa phượng. Nó đã qua rồi. Cùng phượng. Tôi lặng người khi đọc những vần thơ của chị viết về nỗi cô đơn:
Sau hồi kẻng tan ca
Tôi ngã vào vòng tay lạnh lẽo của mùa đông
Tan ca. Ra về. Chỉ lạnh lẽo một mùa đông chờ đợi. Bởi vậy khi có người hẹn đến chơi, niềm vui tràn lên đầu lưỡi, không có ai để chia sẻ, mà không thể không trò chuyện. Thì Nói chuyện với mèo:

Mèo ơi! Mèo có biết
Có người sắp đến thăm ta
Thời gian đợi bạn không phải là thời gian vẫn đến và vẫn đi nữa:
Ngày phập phồng như thể có tâm hồn
Đêm trằn trọc đợi mặt trời thở gấp
Bạn đến. Bạn tâm sự. Rồi bạn đi. Ngay cả con mèo chị nuôi vẫn quanh quẩn bên chị cũng nhẩy sang nóc nhà hàng xóm với bạn nó. Thì chị tâm sự với mình. Với cây. Với hoa. Điều ấy chị đã quen rồi. Chị thương yêu tất cả. Chị thương cả con bò người bạn chị dắt đi trên đường phố. Chị chào người bạn chăn bò vất vả để thêm vào đồng lương hưu ít ỏi rồi chị trò chuyện với bò. Chào bò bằng một cái nhìn nhưng bò chẳng nhìn đáp lại:

Có lẽ chú tưởng tôi là gốc cây
Với tâm hồn gỗ
Hay ngỡ tôi là cột điện
Trái tim sỏi trộn xi măng
Chị thương móng chân bò dẫm trên đường nhựa, thương đôi tai bò không được nghe tiếng hát cỏ xanh. Và không chào bò bằng mắt nữa, chị cất thành lời:

Chú bò ơi!
Chú đi như tù binh
Đi về đâu
tới lò sát sinh hay ra đồng ruộng
Đi về đâu
tới ngã ba đường tôi với chú chia tay
Đi về đâu
tôi biết rồi đấy nhé (…)
Người rủ rỉ tâm tình là thế. Nhưng bò vẫn đi. Vẫn không chịu tham gia vào cuộc đối thoại với người.
Người đi. Mèo đi. Bò đi. Có chân là đi. Chẳng chịu nghe chị, trò chuyện với chị. Thì chị trò chuyện bầu bạn với những gì không đi được. Từ ngày chuyển về Quốc doanh đánh cá Hạ Long, làm việc súc sạc ắc quy (một công việc rất độc hại) chị có một người bạn mới: Sông Cấm, dòng sông có “những cánh buồm nâu không địa chỉ”:

Sông Cấm ơi! Sông như người bạn mới quen
Thân thiết thế mà sao không hiểu được
Chiều tan ca tôi đi bên dòng nước
Sông với tôi với bóng là ba
Bóng tôi nghiêng với bao la
Sông mang về biển
Bóng tôi còn nguyên vẹn không sông?
(Xin mở một ngoặc đơn: Mong ước mình là mình, điều ấy là của nhiều người. Nhưng mong ước cái bóng của mình còn nguyên vẹn khi dòng sông đã mang ra biển thì có lẽ chỉ có Hoài Thanh ).
Hơn mười năm sau, vẫn cái nhìn ấy với sông, với cây và với phố. Lần đầu tiên thân gái dặm trường, bước chân vào cao nguyên Đắc Lắc, tối rồi, chưa có chỗ nghỉ lại không một người quen, chị đã có ngay một người bạn mới: Một phố nhỏ giữa cao nguyên hùng vĩ. Không những thế chị còn nhận diện được người bạn này, nó giống ai, bao nhiêu tuổi:
Phố như con của mùa Đông
Vừa mới sinh ra ban nẫy
Chị tới cao nguyên tìm đường đưa con gái và cháu ngoại vào sinh sống. Cũng như chị ngày trước, con gái chị đã li dị. Chị đi nhờ xe vào “trinh sát” rồi ra Hải Phòng trông cháu cho con gái vào gây dựng cơ sở. Tôi chép lại toàn bộ bài Cháu Liên Chi để thay cho những lời dài dòng của tôi về thời gian chị đã làm bà:

Bố mẹ chia tay từ đó
Về đây cháu ở với bà
Hai gian chông chênh đầy gió
Sớm chiều bà cháu vào ra
Đêm gối tay bà cháu hỏi
Mẹ sao đi mãi đi đâu
Thương cháu lựa lời bà nói
Thương bà cháu vuốt tay đau
Cha cháu giờ này ở quán
Mắt ngầu be rượu chênh chao
Tình thương cạn kiệt đáy cốc
Môi khô triết lý khô theo
Mẹ cháu miền Nam xa lắc
Suất tầu dành cả đời bà
Nửa đêm nhọc nhằn tráng bánh
Sáng còn đi chợ đường xa
Bao giờ mẹ cháu gửi ra
Suất tầu cho hai bà cháu
Bấy giờ lại được ra ga
Tay xách làn tay dắt cháu
Bóng bà bóng cháu nương nhau
Miền Nam có thương thì đợi
Tuổi bà mới ngoại năm mươi
Năm ấy chị mới ngoài năm mươi. Năm nay chị đã ngoài sáu mươi rồi. Không thể tay xách làn tay dắt cháu, bóng bà bóng cháu nương nhau được. Một tai nạn ô tô đã làm chị tàn phế một tay. Tai nạn xẩy ra ngay Ngã Sáu, gần nhà tôi. Chị nằm ngất trên đường mưa dầm ngày tết, mặt đường nhựa sền sệt một thứ nước bùn hoa. Cánh tay dập nát, xương gẫy. Nhưng không thể bó bột vì bùn hoa dính vào thịt gây nhiễm trùng dẫn đến hoại thư. Hàng ngày bác sĩ làm vệ sinh vết thương bằng nước, bằng ô xi già và lấy kéo cắt đi những mẩu thịt nhiễm trùng. Chị cắn răng chịu đựng. Lại còn nhớ đến một truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan khi nghĩ rằng mình bị tàn tật cả đời: Cái vốn để sinh nhai. Nhớ lại để cười. Bởi vì từ nay chị cũng có cái vốn như người tàn tật ấy.
Chị bảo người nhà xin cho người tài xế đã gây ra tai nạn khỏi bị truy tố “vì người ta không cố ý, người ta cũng khổ như mình.” Chị gần như không nhận tiền nong quà cáp của bè bạn, của những người thân. “Bởi vì anh ạ, nợ ân tình làm sao tôi trả được.” Ban đêm chị tự phục vụ dù một tay đã dập nát. (Hai đứa con gái, một mới sinh, một sắp ở cữ, chị bắt chúng phải về nhà.) Chị bảo chúng mang cho chị mỗi ngày ba cặp lồng cơm và muối vừng để chị ăn vào ba bữa sáng, trưa, chiều. Nằm gần như bất động, chị xúc từng thìa. Ăn như một nhiệm vụ, như một người cần hồi phục, cần phải sống. Như một cái gì phải vượt qua. Những cô con gái nhăn nhó hỏi mẹ:
– Con hỏi bác sĩ rồi. Mẹ không phải kiêng gì cả. Sao mẹ lại cứ ăn vừng?
– Mẹ thích ăn vừng. Chị nói vậy. Bởi chị biết các con chị đang rất khó khăn. Chị thương chúng. Chúng là cuộc sống của chị. Ngày chúng còn thiếu nữ nhìn chúng cắp sách đi học hay nằm ngủ bên nhau, một nỗi sợ trào lên trong lòng chị khi chị nghĩ đến một ngày chúng mồ côi mẹ:

Rồi mai đây khi mẹ vắng ít ngày
Các con ơi đêm mùa thu gió lạnh
Ngủ nhớ đắp tấm vỏ chăn cho ấm
Cửa sổ mở ra cho thoáng gió nghe con
Thật may. Chị nghĩ. Bánh xe chỉ lăn qua bắp tay. Nếu nó lăn thêm một chút nữa sẽ đè dập ngực chị. Chị sẽ chết. Và nếu vậy các con chị thừa hưởng những gì ở chị?
Không có gia tài để lại cho con
Chỉ có nước mắt rơi và ngày vui chưa trọn
Và thơ cười
đi suốt những đêm đau
***
Nguyễn Thị Hoài Thanh đã xuất viện. Chị vẫn sống. Vẫn vào Nam đi mót. Vẫn ra Bắc nâng giấc phụng dưỡng mẹ già chín mươi tuổi bằng một tay duy nhất còn lành lặn. Chị sống dai dẳng. Hài hước. Khoẻ mạnh. Và vẫn làm thơ. Đời Nguyễn Thị Hoài Thanh chưa lúc nào yên tĩnh. Tuy vậy chị vẫn có thời gian nghĩ đến Kiếp sau:

Kiếp sau nếu được làm chim
Tình thương dang dở bay tìm nơi nơi
Giương cung
đừng nhé người ơi
Vết thương thuở trước luân hồi còn đau

 

Người mua nhà của bố mẹ tôi

Tết năm ấy cái Vân từ Canada về thăm gia đình. Tin ấy làm xôn xao cả làng. Càng xôn xao, vẻ mặt cô Thoan càng rầu rĩ. Hình như cô cố che giấu sự vui mừng vì cô cảm thấy mọi người đều cho rằng cô rất sung sướng. Cô không muốn như vậy. Ai nói cô nghèo cô khổ, cô thích, cô nở nụ cười như mếu. Ai nói cô giàu, cô sung sướng, cô sa sầm nét mặt, cô giận người ta, cô cho là chế giễu cô, cô tủi thân cô khóc. Mấy anh em tôi đã mắc sai lầm ấy. Một ngày giỗ bố tôi, cô hái quả bưởi (cây bưởi do bố tôi trồng) đem sang. Thấy cô vào tới sân, tất cả chúng tôi reo lên. Chúng tôi hỏi thăm cô về những đứa con gái cô ở bên ấy có hay gởi đô la về cho cô không, ca ngợi cô bây giờ thì nhất làng rồi, nhà có một kiều đã sướng, đằng này lại những hai kiều…
Thế là nước mắt cô giàn ra không thể nào giữ được. Tất cả chúng tôi phát hoảng lên nhưng đã muộn. Cô đặt quả bưởi lên bàn thờ, đảo qua bếp rồi thừa lúc không ai để ý, cô về nhà. Tới bữa ăn, chúng tôi sang mời cô, nhưng cô nằm trong buồng trong, cạnh cái hòm gian và bảo thằng Toản trả lời mẹ cháu đi vắng.
Bởi vậy nên khi nhận được tin cháu Vân sắp về, chúng tôi chỉ nhấn mạnh niềm vui tinh thần của cô: Sự đoàn tụ.
Năm ấy cực rét. Có lẽ rét ngang với năm 1954, khi chúng tôi tiếp quản Hà Nội. Vào một ngày rét nhất của vụ rét, cả làng nghỉ làm đồng, nhưng cô Thoan vẫn đi cuốc ruộng. Gần trưa cô mới về ghé qua nhà anh tôi, mặt tím lại vì rét. Cô thều thào:
– Cậu Hưng ơi. Cậu xem hộ đầu tôi một tí. Nó làm sao ấy. Chỗ này cứ nhun nhũn.
Cô không thể nào không làm việc, cũng như cô rất thích có nhiều thóc trong nhà. Cái Vân về, bảo cô:
– Bu cứ đong gạo. Ăn đến đâu đong đến đấy cho nó ngon.
Nhưng cô không thể làm theo lời nó. Cảnh ăn đong làm cô sợ lắm rồi. Cả đời cô chỉ mong thóc đầy nhà, nay cô mới toại nguyện. Cái hòm gian bằng gỗ xoan trong ruột nó chứa đầy thóc.
Trưa mùng 2 Tết, tôi sang thăm cô. Nhà vắng, tôi đi rón rén, sợ con chó bẹc-giê xồ ra. Hai gian ngoài không có ai. Tôi nhón qua mấy bước, nhìn vào buồng trong, nơi mẹ tôi ngày trước đã nằm, nơi bây giờ để cái hòm giàn bằng gỗ xoan chứa đầy thóc chống đói, những tạ thóc mơ ước của cả đời cô Thoan. Qua cửa sổ, tôi thấy bác Văn và cô Thoan đang đứng trước chiếc tủ đứng để mở, hai người cầm một vật gì vàng chóe, cái vật đó một đầu như bao diêm, đầu kia xoắn lại như một chiếc kẹo quấn thừng. Tôi chưa thấy một khối vàng to như thế bao giờ đến nỗi không tin ở mắt mình nữa và vội lùi lại đầu sân, hắng giọng:
– Có ai ở nhà không?
Tôi thấy tiếng kẹt của cánh cửa tủ, tiếng khóa tủ và cả hai người bước ra gian giữa đón tôi.
Nội thất nhà cô Thoan hôm nay lại thay đổi. Giường nào cũng trải đệm mút Mỹ. Một cái tivi màu 21 inh của Nhật để trên cái tủ ly ngay giữa nhà. Cạnh đó là đầu video. Bên tủ ly lừng lững những chai rượu ngoại: Mác-ten, Ông cụ, Napoleon, mấy chai vang… chè ngon, thuốc lá Dunhill. Những chai rượu kia chắc chỉ để bày, không uống và cũng không tiếp khách. Đã lâu lắm tôi mới gặp bác Văn ở nhà. Bác vẫn cứ phải đi đi về về Khe Sâu, trông nom nhà cửa, thu xếp bán nhà bán trâu trong đó.
– Cậu sang thăm cháu mà cháu lại đi chơi mất rồi. Đi phố. Đi từ sáng cơ.
– Cháu về lâu chưa hả cô?
– Cháu về từ hôm xưa.
– Cháu còn được ở nhà lâu không?
– Còn. Cháu đăng ký rồi. Họ bẩu phải đăng ký ở bao lâu. Quá một ngày phải nộp phạt 5 đồng cơ.
Tôi đoán là 5 đô la. 5 lâu la theo cách nói của những bà già quê tôi. Và tôi ngờ ngợ khái niệm về thời gian trong cô cũng mù mờ như những tiếng hôm xưa, hôm nay cô nói.
Tôi hỏi công việc các cháu làm ở Canada. Câu trả lời thật bất ngờ.
– Nó sang đào giun bên đấy. Thế mới bẩu giun làm gì mà đắt thế. Giun ở bên ta thì đầy.
Ông anh rể ít nói của tôi cũng góp chuyện, vẻ phấn khởi:
– Giun bán cho người ta đi câu cậu ạ. Các cháu đang bàn nhau đón tôi sang chơi bên ấy.
Cô Thoan cười: Ngày nào chúng nó cũng đào thêm một ống bơ giun. Chúng bẩu: Bơ này để mời bố sang mát-xoa đây. Mát-xoa là cái gì hả cậu?
Tôi giảng cho cô về sự xoa bóp và đe cô:
– Bác giai sang đấy bọn đầm mắt xanh mỏ đỏ nó không để cho bác về đâu. Gay lắm đấy.
Cô cười:
– Gớm. Người giả xằng thế ai lấy.
Chúng tôi cùng cười.
Thấy tôi nhìn những tấm nệm, những chăn len cứ sáng rực cả nhà lên, cô Thoan giải thích:
– Con Vân mới mua đấy. Mang những mấy trăm đô đi Phòng sắm. Về được ba hôm là đi ngay. Nó bẩu chả ở đâu mua sắm thích như ở ta. Mấy trăm đô mà được bao nhiêu thứ. Thế mới bẩu mua gì mà lắm thế cho nó tốn tiền. Đệm thì khổ lắm cậu ơi. Tôi nằm đau hết mình mẩy. Suốt đêm không ngủ. Nó bẩu: Bu cứ nằm rồi sẽ quen. Tôi nằm mãi mà không quen. Ê ẩm hết cả người. Giường tôi, tôi phải bỏ đệm ra rồi.
Khi tôi đứng dậy ra về, cô bảo bác Văn:
– Con Vân nó bẩu biếu cậu bao thuốc cậu hút Tết. Bố nó lấy cho cậu.
Chỉ vì bao thuốc ấy tôi bị một phen ngượng chín người. Thuốc lá để ngay trong ngăn cánh gỗ tủ ly thôi. Mà không mở được.
Bác Văn cầm một vốc chìa khóa. Tra, Vặn. Hết cái nọ đến cái kia. Lại lẩm bẩm một mình: “Đúng cái này mà. Sao lại… Hay là không phải…”. Tôi ngồi. Chờ đợi. Bao thuốc lá ngoại quý thật đấy, nhưng cái máu sĩ của tôi cũng mạnh lắm.
Tôi im lặng chờ. Chẳng lẽ lại khơi mào một câu chuyện mới. Không tiện. Vì cánh tủ có thể mở bất kỳ lúc nào. Cô Thoan càu nhàu:
– Cái nào thì đánh dấu nó vào. Ông còn không mở được, tôi biết mở làm sao.
Phải đến mười lăm phút sau mới thấy tiếng “tách” quen thuộc. Cánh tủ mở. Bác Văn lấy ra một cây thuốc Dunhill đã bóc và đưa cho tôi một bao:
– Quà của cháu Vân biếu cậu.
*
Như bạn đọc thấy đó, nhờ có cô Thoan, tôi là một người hạnh phúc. Tôi vẫn được trở lại thiên đường đã mất của tôi. Nhưng cái gì tốt đẹp quá thì làm sao bền được. Chưa đầy ba năm sau tôi đã không thể bước chân vào đấy được nữa. Mỗi khi có việc về quê, đúng như tôi lo sợ, tôi chỉ đứng ở vườn anh tôi, nhìn sang ngôi nhà, mảnh vườn trước đây của bố mẹ tôi, hiểu rằng một thế giới đã vĩnh viễn mất rồi.
Một người khác đã đến ở đấy. Một người làm lò vôi ở làng bên, hoàn toàn xa lạ.
Bác Văn đã sang ở hẳn bên Canada, do mấy đứa con gái bảo lãnh. Rồi đến lượt bác, bác bảo lãnh cho thằng Toản sang. Tất cả sang đào giun bên ấy. Hai đứa lớn đã có vợ con, không sang được thì xây nhà ở phố huyện bằng tiền của hai cô em gái gửi về.
Còn cô Thoan, tội nghiệp cô. Cô đã mất sau một trận cảm nhập lý. Hôm ấy mưa to. Từ Đồng Tép cô chạy về không kịp. Mưa ngấm cái lạnh vào người… Ai cũng thương cô đến lúc sướng thì không được hưởng.
Cánh thanh niên càng thương cô vì trong lúc tỉnh táo trước khi chết, cô nhất định hất cái chăn len Mỹ giá hai trăm đô ra, bắt mọi người đắp cho cái chăn can cũ. Và cô đòi ăn khoai khô nấu với đỗ đen, nắm lại bằng mo cau.
Tôi ra mộ cô thắp mấy nén nhang. Lại một lần đối mặt với vô cùng. Bỗng nhiên nghĩ rằng mình có thể trở thành nhà triết học.

Truyện không tên

 

Chị Sợi cho rằng tất cả mọi người trong ngõ ánh Hồng đều biết rõ công việc của chị. Chị chấp nhận điều ấy. Với chị đó cũng là một nghề, một nghề như những nghề khác dù nó bị mọi người khinh bỉ. Dào ôi. Ai khinh thì cứ việc. Chị có cần người ta trọng đâu. Chị cần tiền. Để nuôi bà mẹ già nằm liệt sáu bảy năm nay. éể có cái và vào miệng. Để có tí phấn son bôi lên mặt, giấu đi làn da đen đủi nhăn nheo, cặp môi tái nhợt của mình. Để có thể mua một bộ cánh mới khi bộ cánh chị mặc trên người đã mòn, sờn, bạc, khiến chẳng còn ai muốn nhìn chị.
Chị còn cần tiền để phòng khi mẹ chị nằm xuống. ít nhất cũng phải có bộ áo quan. Chị đã dành dụm mua được mấy tấm gỗ cốp pha, đã nhờ người cưa cắt sẵn nhưng chưa ghép mộng, mấy mét vải diềm bâu để liệm cho cụ. Tất cả cất trên gác lửng. Cả vải. Cả gỗ. Không thể để dưới gầm giường. ở đó phân gio, nước giải của mẹ chị nằm ốm liệt giường hôi thối lắm. Chị cũng đã tích được một ít tiền, cứ định sẽ không bao giờ đụng đến, nhưng rồi vẫn cứ phải lấy ra tiêu. Bởi vì có khi cả tuần lễ không bán được hàng, lại chẳng có một người khách nào đến nhà chị.
Chị Sợi có một mẹt hàng bán các thứ linh tinh ở đầu hẻm: ấm nước chè, gói thuốc lào, bao thuốc lá, lọ ô mai, gói bánh bích quy. Mùa nóng chị bán cả bia hơi. Khổ nỗi là chị chẳng thể nào cạnh tranh nổi với các hàng quán san sát gần đó. Họ có lều quán. Họ có cái bán mái nhô ra. Họ có cả căn nhà mặt tiền của họ. Hàng của họ trông vui mắt, sạch sẽ, sang trọng, nhiều loại, mới tinh, đầy vẻ mời chào. Chứ không như hàng của chị. Vạ ra vỉa hè thì chớ. Lại còn bụi bậm, bạc phếch, cũ kỹ. Không biết bao Vinataba của chị bóc bán được chưa mà vỏ bao đã nhợt ra hết cả.
Để làm bớt đi vẻ nghèo nàn tiều tụy của mẹt hàng, chị Sợi đã ngồi lảnh ra một nơi, cách xa cái đám phồn hoa kia. Khách của chị cũng muốn như thế. Đó là những người ăn xin. Vâng. Những người ăn mày là khách hàng chủ yếu của chị. Những người này cũng muốn có một lúc dừng chân sau khi đã rạc cẳng trên các vỉa hè. Những người này cũng muốn trở lại làm người, cất đi trong chốc lát bộ mặt nhăn nhó đau khổ của mình khi đi ăn xin. Họ cũng muốn chuyện trò đôi câu một cách bình đẳng ngang hàng với những người không phải là ăn xin như họ. Họ cũng muốn ăn một cái bánh bích quy, cũng muốn lấy cái điếu cày của chị kéo một hơi cho đã, rồi chiêu một ngụm nước chè trước nụ cười tán thưởng của chị. Sang hơn thì làm một điếu Vinataba. Để rồi lại đi. Chị Sợi quen rất nhiều ăn mày. Chị biết có những người đi ăn mày để có tiền bó cái bậc hè. éể láng nốt góc sân còn dở dang. Để thêm vào xây cái bể. Chị biết có những người ăn xin vì không muốn làm nghề gì khác. Nhiều người trong số họ là những người tình chốc lát của chị. Cô điếm già, xấu, nhăn nheo, gầy gò còn có thể có khách nào ngoài đám ăn mày.
Người ta đi tới, ngồi xuống, uống chén nước chị rót và khẽ nháy mắt, hất hàm về phía trong hẻm. Chị khẽ gật. Người ấy đi. éi thẳng hè phố để rồi lát nữa mới quay lại. Chị Sợi thu xếp tất cả hàng họ vào thúng, bưng về nhà, đổ chậu phân nước giải dưới gầm giường bà mẹ, rồi đi tắm rửa bằng xà phòng thơm, lại còn xịt vào người, xịt vào giường bà mẹ, xịt lên gác lửng tí nước hoa rẻ tiền, kéo tấm ri đô che khuất một phía chiếc giường có người mẹ đang nằm khô như một cái xác nặng mùi hôi thối tỏa ra. Chị đã làm mọi cách để mẹ chị luôn trong trạng thái sạch sẽ nhất. Chị khoét chiếu, khoét giát giường đặt chậu bên dưới. Quần của cụ, chị cắt khâu lấy mà không một hãng thời trang nào có thể nghĩ ra. Nó chỉ có một mảnh vải ở đằng trước che kín bụng và dính vào hai ống.
Tuy vậy cũng chẳng thể nào tránh được mùi hôi. Cũng may, người khách mới đến có thể nghĩ rằng đó không phải là mùi trong nhà chị. Bởi vì ngay trước nhà chị, phía bên kia con hẻm là một cái nhà xí công cộng. Nó dài đến non chục mét, phân, nước giải, nước mưa ngập ngụa ra đến sát hẻm. Mùi nó còn nặng hơn nhiều, nhất là những hôm có gió mạnh. Nhờ cái nhà xí công cộng mà chị Sợi cảm thấy yên tâm khi có khách. Thứ nhất là vấn đề mùi như đã nói. Thứ hai, có nó nên không có những nhà bên kia đường hau háu nhìn sang. Cả một quãng dài, chỉ có một cánh cổng duy nhất là nhà chị. Những nhà liền bên, phía trong và phía ngoài đều xây tường cao, tìm mọi cách quay ngõ ra hướng khác. Quãng hẻm nhà chị thật vắng vẻ. Thảng hoặc ai có việc đi qua đấy, đều nín thở cắm mặt bước cho nhanh.
Từ vỉa hè phố chính, chị bưng thúng hàng về, mở khóa cổng nhà chị trong cái hẻm không một bóng người và người bạn tình tới sau cũng vậy. Anh ta chỉ khẽ đẩy cánh cổng gỗ, bước vào rất nhanh và cũng rất nhanh khép cánh cổng gỗ lại, chị chỉ việc đi ra, cài chốt cửa, thì thầm: ‘Vào đi, vào đi’. Thế là xong. Yên tâm. Chắc chắn chẳng một ai nhìn thấy. Chị không xấu hổ. Nhưng chị sợ. Chị sợ người ta sẽ xúc chị xuống trại 26 là trại cải tạo gái điếm và nếu vậy thì mẹ chị ai trông? Vì tuy rằng chị là điếm thật nhưng có như những cô điếm khác đâu. Họ trẻ trung, xinh đẹp, đắt khách, sang trọng, hái ra tiền. Khách đến nhà chị năm thì mười họa, lại là thứ khách mạt hạng, tiền kiếm được cho mỗi lần đi khách của chị có đáng là bao! Cho nên những người không biết thì ái ngại cho chị về cái nhà xí công cộng mênh mông trước cửa, còn chị, chị cám ơn nó. Và chị đâm lo khi nghe mong manh rằng đang có chủ trương phá đi cái nhà xí ấy. Chị còn nghe nói hai hộ làm ăn gì đó một ở phường, một ở quận sẽ chia đôi khu đất ấy, làm nhà tầng ở đó. Thật nguy. Chị sẽ bị dồn vào bước đường cùng. Sống bằng gì? Làm ăn ra sao khi đối diện với nhà chị là hai gia đình lúc nào cũng người ra người vào tấp nập? Rồi chị lại tự nhủ. Thôi, ngày nào biết ngày ấy. Phải hết sức tằn tiện vì còn khó khăn. Thế này là tốt lắm rồi. Được đến đâu hay đến đó. Biết đâu mà lo trước.
Thực ra chị Sợi có chi tiêu một khoản nào gọi là hoang phí đâu. Cứ gọi là những khoản bất hợp pháp cũng không. Làm hôm nay nhưng luôn nghĩ tới ngày mai. Ngay trong một năm cũng có hai đợt ế khách. Trừ dịp Tết ra không kể, cứ đến ngày mùa là thành phố vắng bóng ăn mày. Họ trở về quê hương, gặt rồi cấy hái. Chỉ đến lúc nông nhàn, họ mới rời làng ra đi. Quãng thời gian ấy chị sống chỉ bằng cái mẹt hàng, bán cho những chú bé đánh giày hay những khách bộ hành đi ngang qua. Nên bí lắm chị mới rút từ số tiền dành dụm được ra một ít để chi tiêu.
Thế giới của chị Sợi là thế giới ăn mày nên chị rất hiểu họ. Có ông ăn mày giả làm người tỉnh T, chị bảo không phải. Người ở đây thôi. Người tỉnh T, không nói giọng ấy, có muốn nghe tiếng vùng T không, tôi nói cho mà nghe. Lại còn anh nói lỡ độ đường. Chị bảo đừng nói thế. Cứ nói là đi ăn xin. Lỡ độ đường gì mà hôm nào cũng lỡ độ đường. Xấu gì chuyện phải đi ăn xin. Ăn mày là ai, ăn mày là ta… Nghe chuyện chị, những người ăn mày ngồi chung quanh cái thúng của chị thấy tự tin hơn. Họ cởi mở cùng chị, quý chị rồi dần dần đi cùng chị từ vỉa hè phố chính vào nhà chị trong ngõ thối.
Trong số những người chồng hờ ấy, chị đặc biệt yêu quý một anh ăn mày trẻ, còn ít tuổi hơn chị. Anh ta đến với chị không như người đến với gái làng chơi. Chị có thể nói thật với anh tất cả. Ví như khi hai người đã đi qua bức ri đô che cái giường có bà cụ già nằm giả cách ngủ, trèo lên gác lửng và khi anh đã nắm tay chị, chị bảo:
– Anh có tiền đưa em vài đồng, em ra ngoài kia ăn cái gì tí đã. Em chưa ăn. éói quá.
Anh đưa tiền ngay. Bởi vì chính anh đã khuyên chị tuyệt đối không đụng đến số tiền dành lo ma chay cho cụ. Để anh một mình trên gác lửng, chị cầm tiền anh đưa, mở cổng đi. Một lát sau chị về mang theo cho anh một cái bánh mì và một bát gân bò cùng với bạc nhạc hầm, gọi là món nhừ.
– Anh ăn đi. Hôm nay họ nấu hơi mặn, nhưng ngon lắm. Em ăn hai suất. Húc như cẩu.
Sau khi yêu nhau bên những tấm ván quan tài còn để mộc và chưa ghép mộng, bao giờ anh cũng nán lại trò chuyện, hỏi chị về diễn biến bệnh tật của bà cụ, công việc của chị, còn chị thì ngắm nghía cái chân khoèo của anh, cái chân mà chị biết rằng trước đây nó cũng lành lặn, bình thường như cái chân bên kia, chỉ vì giả què lâu quá, nên đã thành què thật. Anh đã kể cho chị nghe chuyện chân anh. Còn chị kể cho anh chuyện mẹ chị. Khi bị ngã gẫy xương hông, nằm liệt, ba năm đầu cụ hát. Ba năm sau cụ chửi. Và một năm nay cụ yên lặng. Mỗi khi có khách lên gác lửng cùng chị, cụ nhắm mắt giả cách ngủ. Anh thương chị. Chị thương anh. Chính anh đã mượn cưa, bào ở đâu về cưa, bào, đo, cắt mộng mấy tấm gỗ cốp pha, ráp thành cái áo quan cho cụ. Và cũng chính anh, dù què một chân cũng đã bắc ghế trèo lên, xây thêm hai hàng gạch pa panh tường bao cho nó cao thêm, chắn bớt cái hơi nhà xí tạt vào.
Người thứ hai chị Sợi yêu quý là một phụ nữ. Một bà già. Bà cụ Mít. Đó là một bà già thấp bé, lại còng, mặt chằng chịt vết nhăn, chẳng biết bao nhiêu tuổi nữa. Chính bà Mít cũng không biết mình bao nhiêu tuổi. Hôm ấy, chị dọn hàng, ngồi từ sáng đến trưa mà chẳng bán được một hào. Vét hết tiền trong người mua được một bát cơm, một bát canh suông định ăn thì bà Mít đến chìa tay xin. éang cầm đũa, chị hạ xuống, thành thật:
– Bà ơi! Con không còn một hào nào trong người. Có ít tiền lẻ mang đi để trả lại cho khách, mua được bát cơm, bát canh này đây, bà ăn đi.
Bà ăn mày toan bước đi tiếp. Nhưng chị Sợi đã kéo tay bà:
– Bà ngồi xuống đây. Bà ăn đi. Con mời bà thật đấy.
Bà cụ ăn. Thế là từ đấy quen nhau. Thỉnh thoảng trên đường đi ăn xin, bà lại ghé qua chỗ chị. Bà móc trong bị ra khi quả chuối, khi quả cam, lúc nắm xôi và kể lai lịch những món ăn sang trọng ấy của bà. Ai cho. Ai thương người. Ai xởi lởi. Ai xua đuổi. Nhà nào làm giỗ, cho bà cả bát miến thừa mà không mang về đây được. Bà cũng kể cho chị biết vì sao bà phải đi ăn xin. Bà ở vùng Hà Nam, Phong Cốc. Anh con trai duy nhất của bà a dua với bọn xấu trong làng đi ăn trộm lợn. án xử hai năm. Trong tù bị bọn đầu gấu đánh chết. Người con dâu bỏ đi lấy chồng, để lại cho bà hai đứa cháu gái, đứa chín tuổi, đứa bảy tuổi.
– Bây giờ một đứa lên tám, một đứa lên mười rồi cô ạ. Vài năm nữa, chúng nó lớn khôn là tôi không lo gì nữa. Tôi có chết cũng không ân hận.
Một lần bà Mít đến, nắm lấy bàn tay chị:
– Em ơi. Chị nhờ em một cái này được không.
Bà ngập ngừng. Chị Sợi không hiểu chuyện gì. Nhưng rõ ràng là một việc hệ trọng, rất hệ trọng đối với bà.
– Giúp chị với em nhé. Chị tin ở em.
Thì ra bà muốn gửi chị tiền. Tiền là vàng, là cuộc sống của hai đứa cháu côi cút của bà ở quê. Chúng còn bé lắm. Chúng mồ côi, chúng mong bà. Chúng cần tiền của bà. Bà phải nuôi chúng. Chúng chưa thể tự kiếm sống được, chưa thể tự lo liệu được. Để nhiều tiền trong người, bà sợ. Suốt ngày đi bộ rạc cẳng mà đêm cứ ngủ chập chờn. Nên nghe chừng thấy nằng nặng hầu bao, bà phải mang tiền về quê. Bà nói với chị rằng bà cũng muốn về quê lắm để được nhìn mặt chúng nó. Để nằm ngủ với chúng. Để bà ôm chúng. Để chúng ôm bà. Để nấu một bữa cơm nóng, bà cháu ngồi ăn, đơm đơm xới xới. Để tắm rửa giặt giũ cho chúng nó. Để xem hai chị em có quấn túm thương yêu bảo ban nhau mà sống khi bà vắng nhà không. Về quê sung sướng là thế nhưng lại tốn kém, mất ngày mất buổi, ảnh hưởng tới số tiền kiếm được.
– Thoạt đầu tôi lo nên cứ phải về nhà luôn, chứ bây giờ cũng đỡ rồi. Nghe chừng chị em cũng biết thân biết phận, thương yêu nhau. Bà con xóm làng cũng thương, qua lại trông nom bảo ban. Tôi cũng yên lòng. Với lại còn khỏe ngày nào phải cố ngày ấy cô ạ. Chứ tôi nghe trong người tôi biết, sức cạn lắm rồi. Ngộ nhỡ nằm đấy thì khổ cả bà, cả cháu.
Bà bật cười:
– Cháu cô còn biết cuốc vườn, trồng rau, lại nuôi được một con gà mái đẻ. Chuyến trước tôi về cứ nhất định luộc trứng cho bà ăn.
Chị Sợi nhận những đồng tiền bà gửi. Những đồng tiền giống những đồng tiền chị nhận từ tay những vị khách ăn mày của chị: Nhàu nát quăn queo bẩn thỉu, rồi loại tiền hai trăm, ba trăm, họa hoằn lắm mới có tờ giấy một nghìn. Những tờ giấy bạc không biết đã qua tay bao nhiêu người đã bạc thếch, thẫm đen, đẫm mồ hôi, mỡ và ghét bẩn, nhưng nó vẫn là tiền, là mồ hôi nước mắt, là cuộc sống. Chị nắm chặt tay bà:
– Bà yên tâm. Tiền bà gửi con không suy suyển một xu.
Bà Mít rân rấn:
– Cô phúc đức quá. Cầu trời Phật phù hộ độ trì cho cô.
Chính chị Sợi chảy nước mắt. Vì cảnh ngộ của bà. Vì hai đứa bé gái mồ côi ở một nơi xa mà chị chưa hề biết mặt. Chị chảy nước mắt vì đây là tất cả niềm tin to lớn của ba con người còn khốn khổ hơn cả chị đặt vào nơi chị khiến chị tự hào và trách nhiệm của chị thấy nặng nề. Chị không có quyền phụ lòng tin cao cả ấy.
Chị Sợi đã quen với những món tiền bà cụ Mít gửi, với nét mặt tin cậy pha lẫn biết ơn, sung sướng của bà cụ ăn mày già khi bà trao tiền cho chị, những món tiền nhỏ nhoi, khi hai chục nghìn, khi ba chục nghìn, nhưng cộm lên to tướng vì mệnh giá của đồng tiền quá nhỏ. Bà cụ cũng đã mấy lần đếm tiền về quê, lo lắng vì sợ bị mất cắp khi trở về và sung sướng khi từ chỗ hai đứa cháu ra thành phố. Bởi vậy chị thật sự xúc động khi một lần bà Mít đến và lôi từ trong bị ra không phải tiền mà là một xếp giấy xi-măng đã được giặt sạch sẽ, phơi khô. Và mấy ngày sau lại thêm bốn cái túi đựng bánh kẹo bằng ni-lông. Bà cụ gửi chị tất cả. Đó là cái vải liệm của bà, những cái túi bọc bàn chân bàn tay cho bà khi bà chết. Chị nhìn bà, mãi mới nói được một câu:
– Bà ơi. Bà cẩn thận thế hở bà.
– Chẳng biết ông giời còn để sống bao lâu nữa cô ạ. Đi qua chỗ người ta đang xây nhà. Vỏ bao xi-măng nhiều quá. Nói khó mãi, người ta thương, cho hai bao. Thế là mới nghĩ đến túi ni-lông. Cứ chuẩn bị trước đi là vừa cô ạ. Ngộ nhỡ đùng một cái, ông giời ông ấy bắt mình đi, các cháu cô còn dại lắm, chúng nó biết xoay xở làm sao. Cái chiếu cũng không biết mua đâu. Chẳng lẽ lại lấy chiếu nằm của chúng nó. Với lại giấy xi-măng này tốt hơn chiếu đấy cô ạ. éịnh xin mấy cái bao dứa nhưng người ta không cho. Mua thì không có tiền. Bao giấy cũng tốt chán.
Chị thẫn thờ nhìn theo bà cụ ăn mày đi trong gió bấc hun hút mà thấy thương cho mình, thương cho bà, thương cho những kiếp người khổ cho đến lúc chết. Rồi lại nghĩ đến mẹ. Dù sao mẹ chị cũng còn sung sướng hơn bà Mít. Mẹ chị còn có mấy tấm gỗ cốp pha, mấy mét diềm bâu. Có lẽ chị cũng phải kiếm mấy cái túi ni-lông phòng xa như bà Mít! Mùa rét bao giờ cũng là thời gian gay go của chị. Hàng họ ế ẩm. Khách đến nhà cũng ít. Bù lại với đám ăn mày, mùa rét là mùa cưới xin, mùa bốc mả. Trong khi hiếu, hỷ, người ta rộng rãi với ăn mày. Bà cụ Mít vẫn thỉnh thoảng tới chỗ chị để cho chị hòn xôi, miếng thịt. Bà kêu rét và gửi chị thêm một ít tiền. Chị bảo bà đã gửi bốn lần tiền rồi sao không mang về cho các cháu kẻo chúng nó mong, đã lâu rồi bà chưa về nhưng bà Mít nói: ‘Tôi cố thêm ít ngày nữa. Rồi về ở với chúng nó một thời gian. Ngoài giêng tôi mới ra. Bà cháu xa nhau lâu quá rồi. Lại còn phải cố mua cho mỗi đứa một bộ quần áo mới mặc Tết’.
Chị Sợi kiểm kê số tiền bà Mít gửi trong những đợt ấy. Chị khoe với anh què hôm anh đến với chị:
– Xem em nhiều tiền không này!
Anh què bảo:
– Lần cuối bà ấy đến gửi là cách nửa tháng rồi à? Thế thì bà ấy sắp quay lại đấy.
Chị cũng nghĩ vậy. Mỗi lần bà Mít gửi tiền cách nhau khoảng chục ngày. Chỉ ngày một ngày hai, bà sẽ về cầm chỗ tiền này cùng với số tiền bà mới xin được đem về quê nuôi cháu. Cả hai cùng mừng cho bà. Họ hình dung ra hai đứa cháu bà vui sướng như thế nào khi bà về, chìa ra cho mỗi đứa một bộ quần áo mới. Họ cũng mong bà xin được nhiều và sớm về đây lấy chỗ tiền bà gửi, bởi vì những đợt gió bấc giá lạnh thỉnh thoảng điểm mưa phùn tê cóng khiến chị Sợi cũng thấy buốt cả đầu óc và phải nghỉ bán hàng. Nhưng cả tháng sau bà Mít vẫn không quay lại. Chị Sợi biết rằng có chuyện chẳng lành nhưng vẫn hy vọng được thấy dáng người nhỏ còng còng của bà trong tấm ni-lông vá víu chống gậy, khoác bị bước tới. Chị chưa chờ ai đến như vậy. Lo lắng. Hy vọng. Tuyệt vọng. Chắc chắn bà Mít đã chết ở đâu rồi!
Chị kiểm lại số tiền bà Mít gửi một lần nữa. Rồi gấp những tờ giấy xi-măng, những túi ni-lông. Cho tất cả vào một cái túi xách. Bây giờ chị không chờ bà Mít nữa. Chị chờ anh què đến. Chị bảo anh:
– Bà Mít chết thật rồi. Anh phải giúp em. ở đây trông nom, cơm nước, rửa ráy cho mẹ em vài ngày. Em phải đi đây.
– Em biết quê bà ở đâu mà tìm?
– Cứ về Hà Nam, Phong Cốc hỏi. Thế nào cũng ra. Hỏi dân. Hỏi tòa án.
Phải đem chỗ tiền này về cho hai đứa trẻ mồ côi. Phải thực hiện nguyện ước của bà cụ, kể cả việc mua hai bộ quần áo mới cho chúng nó.
Buổi sáng hôm ra đi, từ biệt mẹ, từ biệt anh què, bước tới cửa chị sững lại: một dẫy xe máy sáng loáng dựng ở đầu hẻm, một đám người đi ủng đang cầm thước, cầm dây, lội vào khu nhà xí ngập ngụa đo và ghi chép. Tim chị thắt lại vì lo. Đúng là người ta sắp xây nhà tầng ở trước cửa nhà chị! Nhưng chị không có thời gian dừng lại. Phải đi ngay kẻo lỡ mất chuyến tàu…
Ngã Sáu Một ngày chủ nhật 27-7. Mưa

 

 

Phụ Đính :

Phần trình bày của nhà văn Bùi Ngọc Tấn tại William Joiner Center (Boston, Massachusetts, Mỹ)

Tôi viết về những người cam chịu lịch sử

Bùi Ngọc Tấn

Tôi muốn đề cập đến một mặt khác của chiến tranh, chính xác hơn là nói đến những người tham gia chiến tranh một cách đặc biệt, chưa từng được nhắc đến trong các cuộc tổng kết, các buổi hội thảo, những người tham gia chiến tranh bằng việc đi tù.

Lịch sử một đất nước, một dân tộc thường được biết đến như lịch sử những cuộc chiến tranh. Lịch sử Việt Nam càng chứng tỏ điều ấy. Những cuộc chiến tranh chống phong kiến phương Bắc (Trung Hoa), những cuộc chiến tranh với Chiêm Thành, và những cuộc chiến tranh “mở mang bờ cõi”. Đó là chưa kể những cuộc nội chiến như Trịnh – Nguyễn phân tranh kéo dài bao nhiêu năm tháng.
Chỉ trong thế kỷ 20, dân tộc Việt Nam đã trải qua bốn cuộc chiến tranh: Chiến tranh chống Pháp, chiến tranh Nam Bắc và chống Mỹ, chiến tranh chống Pôn Pôt (Pol Pot) ở biên giới Tây Nam và chiến tranh chống Trung Quốc ở biên giới phía Bắc.
Chiến tranh đã kết thúc trên 30 năm, đã lùi xa. Đã được tổng kết, sẽ còn được các bên tham chiến tiếp tục tổng kết. Tổng kết và vinh danh những người đã ngã xuống. Nước Mỹ dựng bức tường Việt Nam, ghi tên hơn 5 vạn binh sĩ hy sinh. Và ở Việt Nam, biết bao đơn vị anh hùng, cá nhân anh hùng đã được tuyên dương…
Tôi muốn đề cập đến một mặt khác của chiến tranh, chính xác hơn là nói đến những người tham gia chiến tranh một cách đặc biệt, chưa từng được nhắc đến trong các cuộc tổng kết, các buổi hội thảo, những người tham gia chiến tranh bằng việc đi tù. Những người đóng góp vào cuộc chiến không phải bằng sinh mạng của mình mà bằng tự do của mình. Với kinh nghiệm sống trong một đất nước liên tiếp có những cuộc chiến tranh, tôi hiểu chiến tranh không chỉ đến một mình. Bao giờ nó cũng có một người bạn đồng hành: Nhà tù. Đó là người anh em sinh đôi của chiến tranh.

clip_image005
Nhà văn Bùi Ngọc Tấn và Nguyễn Chí Thiện tại cầu Golden Gate,
San Francisco tháng 5/2009. Ảnh: Đàn Chim Việt

Trong chiến tranh, việc gìn giữ hậu phương là vô cùng quan trọng. Hậu phương là gốc rễ, là cội nguồn, là căn cứ bảo đảm sống còn cho tiền tuyến, cho chiến đấu và chiến thắng.
Khẩu hiệu: Dù phải đốt cháy dẫy Trường Sơn cũng vẫn chiến đấu tới thắng lợi hoàn toàn đã thể hiện rõ quyết tâm của miền Bắc giành chiến thắng bằng bất kỳ giá nào. Sự có mặt của 50 vạn sĩ quan và binh lính Mỹ cùng quân đội các nước đồng minh như Nam Triều Tiên, Úc,… tại miền Nam Việt Nam đã đẩy miền Bắc Việt Nam vào những năm tháng cực kỳ gay go gian khổ: Dốc toàn bộ nhân lực, vật lực, hy sinh tất cả cho cuộc chiến.
Trong cuộc chiến tranh khốc liệt này, miền Bắc thực hiện chủ trương pha lê hoá hậu phương. Những người đã từng cộng tác với Pháp, với Mỹ, những người có biểu hiện thiếu lòng tin vào sự lãnh đạo của đảng Cộng Sản, những phần tử đáng ngờ, những kẻ trộm cắp, du thủ du thực,… tóm lại tất cả những gì là vẩn đục so với yêu cầu trong như pha lê của một xã hội cần pha lê hoá, đều bị tập trung cải tạo và đó được coi là một biện pháp không thể thiếu. Hơn nữa, nó còn có ý nghĩa răn đe những người khác, hướng tất cả vào mục tiêu chung.

clip_image006
Tác giả và Nguyễn Chí Thiện trước tượng đài Joseph Baerman Strauss,
cầu Golden Gate, San Francisco tháng 5/2009. Ảnh: Đàn Chim Việt

Tổng kết về một cuộc chiến tranh không được quên những người đó. Họ đã góp phần vào chiến thắng, bằng cuộc đời mình, bằng sự đóng góp phần cao quý nhất của mình: Tự Do!
Họ có quyền được chia sẻ niềm tự hào, dù là sự tự hào nhục nhã.
Dù họ chỉ là những người cam chịu lịch sử.
Lịch sử phải viết về họ.
Văn học phải viết về họ.
Thiết tưởng cũng cần nhắc lại ở đây quan điểm của Albert Camus về nhà văn và nghề văn được bày tỏ trong diễn từ nhận giải Nobel văn học tại Stockholm (Thuỵ Điển) ngày 10 tháng 12 năm 1957, cách nay hơn nửa thế kỷ:

“Theo định nghĩa, nhà văn giờ đây không thể phụng sự những người làm ra lịch sử, anh ta phục vụ những kẻ cam chịu lịch sử. Nếu không anh ta sẽ cô đơn và đánh mất nghệ thuật của mình. Tất cả những đạo quân của bạo cường với hàng triệu người cũng sẽ không cứu nổi anh ta ra khỏi sự cô đơn, ngay cả và nhất là nếu anh ta thuận tình đi đều bước với họ. Nhưng sự im lặng của một người tù không quen biết ở tận cùng thế giới, bị bỏ mặc trong nhục nhằn, cũng đủ kéo nhà văn ra khỏi trạng thái lưu đầy ấy mỗi khi, giữa những đặc quyền đặc lợi của tự do, anh ta có thể vượt lên để không quên sự im lặng đó và làm cho nó vang lên bằng những phương tiện của nghệ thuật.”

Chính với những suy nghĩ như vậy tôi đã cầm bút viết văn trở lại sau hơn 20 năm im lặng.
Cuộc đời sáng tác của tôi chia ra làm 2 thời kỳ.
1) Thời kỳ đầu tiên: Từ năm 1954 tới tháng 11 năm 1968, nghĩa là từ lúc bắt đầu nghề viết văn tới khi tôi bị bắt đưa đi tập trung cải tạo.
Trong thời kỳ này, những sáng tác của tôi đều ca ngợi con người mới cuộc sống mới, ca ngợi Đảng Cộng Sản Việt Nam, ca ngợi những người làm ra lịch sử. 14 năm đầu tiên, tôi viết theo phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa, mô tả cuộc sống dưới sự lãnh đạo của Đảng, đang phát triển, đang đi lên, một xã hội không có bi kịch như nhà thơ Tố Hữu, người lãnh đạo văn nghệ Việt Nam đã khẳng định.
2) Thời kỳ thứ hai: Từ năm 1990 tới nay.
Đây là thời gian tôi viết về những người cam chịu lịch sử, về những thân phận bé nhỏ, về những người cố gắng tồn tại giữa những bánh xe của lịch sử, đặc biệt là những phận người rơi vào thảm cảnh tù đầy, những người chịu sự khinh bỉ của xã hội.

Về hai thời kỳ này của tôi, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên (Viện Văn Học VN) đã có một cái nhìn tổng thể như sau:

Năm 1995, sau 27 năm bị ngắt tiếng, “bị văng ra ngoài quỹ đạo”, Bùi Ngọc Tấn đã từ một hiện thực khác trở về. Và văn ông bây giờ là nói về một hiện thực khác và từ một hiện thực khác mà nhìn lại. Viết hồi ức, chân dung, truyện ngắn, tiểu thuyết, nhân vật chính trên các trang văn của Bùi Ngọc Tấn là chính ông và những người bạn cùng thế hệ được soi chiếu từ hai phía của một khoảng thời gian đã thành vạch phân cách đời người đời văn: 5 năm (1968 – 1973). Con dấu đóng giáp lai văn nghiệp Bùi Ngọc Tấn mang số hiệu CR 880

(CR 880 là số tù của tôi – BNT).
Thời kỳ viết văn thứ hai tới nay, tôi đã công bố hai tập truyện ngắn, hai tập hồi ký và hai quyển tiểu thuyết.
Những truyện ngắn của tôi đều viết về “những người cam chịu lịch sử”:
Một người có công với cách mạng bị nghi vấn, tất cả bạn bè đều xa lánh anh ta. Quấn quít trung thành với anh ta chỉ còn một con chó.
Một chị gái điếm chuyên phục vụ đám ăn mày.
Một anh tù bị giải đi trong một ô xà lim bịt kín trên xe com măng ca, trên một quãng đường 30 km nhưng từ sáng đến tối mới tới nơi, cực kỳ hoang mang vì những người áp tải thỉnh thoảng lại dừng lại để bắn chim mà anh ta không biết vì sao.
Một anh tù đi họp hội trường, gặp lại thầy cũ bạn cũ, từ dưới đáy xã hội, anh ta trở lại bậc thang học giỏi nhất lớp của mình. Nhưng khi cuộc họp mặt vừa tan, anh ta đã trở về vị trí “phó người” trong xã hội.
Một giám đốc bị bắt oan, vào tù bị “đầu gấu” đánh đập và bắt khoả thân đứng làm Nữ thần Tự Do, khao khát được như những người khác là chăn và giữ mấy con kiến trong một vòng tròn trên nền buồng giam nhưng không được “đại bàng” cho phép. Chỉ đến khi ra tù ông mới có thể thực hiện khát vọng ấy:

Cài trái cửa, giám đốc rút ngăn kéo lấy ra một lọ nhỏ, trong đựng 4 con kiến, thả lũ kiến vào một vòng tròn bằng phấn vẽ trên bàn. Ông bẻ bánh cho chúng ăn và lấy những các vidit (có rất nhiều – trong ngăn kéo của khách và của ông) chặn chúng lại. Thỉnh thoảng ông còn đặt cả ghế lên bàn làm việc. Và khoả thân trên ghế. Đứng thẳng. Mắt hướng về phía xa. Tay giơ cao. Như nữ thần Tự Do.

Tôi xin phép được nói một chút về quyển tiểu thuyết Chuyện Kể Năm 2000 của tôi. Đó là bộ tiểu thuyết của đời tôi, bộ tiểu thuyết mang đậm chất tự sự của tôi. Chuyện một nhà báo đồng thời là một người viết văn mang tên Nguyễn Văn Tuấn bị bắt tập trung cải tạo trong thời gian chiến tranh chống Mỹ (1968 -1973).
Cuộc sống trong tù của anh ta không có gì đáng nói ngoài nỗi đau ê ẩm gặm nhấm tim anh. Đó là một chuỗi dài những ngày xam xám, nhờ nhờ, bợt bạt. Như thứ ánh sáng lọt qua lỗ thông hơi vào xà lim những buổi chiều tà. Anh tù mười ngày cũng như anh tù mười năm. Một hiện tượng buồn thảm lặp đi lặp lại. Cuộc sống tẻ nhạt đơn điệu càng đơn điệu, tẻ nhạt vì không ai tin ai. Người tù này nhìn người tù khác bàng con mắt nghi ngờ. Ai cũng có thể là ăng ten, là chỉ điểm. Không ai cởi mở cùng ai. Bụng cứ liền rốn. Mỗi người là một vòng tròn khép kín. Thật khó viết. Rất dễ nhạt. Tôi cố gắng vượt qua khó khăn ấy, nói lên điều ghê sợ ấy trong cuốn tiểu thuyết của tôi. Nó bàng bạc khắp trong quyển truyện.
Rất khó cho tôi khi muốn kể lại nội dung Chuyện Kể Năm 2000. Đây là một cuốn tiểu thuyết không có cốt chuyện, chỉ có thể trực tiếp đọc nó. Đây là những cuộc đời bất hạnh tồn tại bên nhau, mỗi người mang một nỗi niềm riêng, một hoàn cảnh riêng, một lý do riêng để đến với nhà tù. Nhưng nội hàm của nó rộng hơn nhiều. Đằng sau các nhà tù, là cả một xã hội thời chiến tranh gian khổ khó khăn, thiếu thốn. Là cách quản lý xã hội thời chiến trong những ngày gay go ác liệt nhất, nghĩa là một nền chuyên chính vô sản được nâng lên một cấp độ mới. Bị nghi có những tuyên truyền chống Đảng Cộng Sản, nhà văn, nhà báo Nguyễn Văn Tuấn bị biệt giam xà lim, rồi lê chân hết nhà tù này đến nhà tù khác. Gần 5 năm sau, Tuấn được tha, không kết án, không buộc tội. Cuộc sống hậu tù của Tuấn gay go không kém những ngày sống trong tù. Nhất là khi ông trưởng công an quận gọi anh ta ra đồn, tuyên bố thẳng:
– Chúng tôi không cho anh đi làm. Tôi đã chỉ thị cho tiểu khu rồi. Tiểu khu không cấp giấy cho anh.
Sống dưới đáy xã hội, Tuấn nghiền ngẫm công lao của hắn đã đi tù để góp vào chiến thắng, và âm thầm giữ trong lòng nỗi “tự hào nhục nhã” của mình. Hắn có những thói quen mới: Ngồi ở đâu cũng cố ngồi thu nhỏ lại, gãi tai, nói chuyện với ai cũng gãi tai, kể cả nói chuyện với con, và không thể nào quên được những ngày tù tội. Thế rồi

“điều khủng khiếp nhất đã đến với hắn suốt một thời gian dài sau đó. Gặp ai, ở đâu hắn cũng tưởng như gặp lại bạn tù cũ. Nhìn những người trên đường, hắn giật mình: “Quái nhỉ, ở trại nào nhỉ. Quen quá. Không biết đã gặp ở đâu rồi. Được về bao giờ nhỉ”.

Đó là một cảm giác kỳ lạ. Hắn luôn gặp những khuôn mặt tù quen quen. Những khuôn mặt tù ngờ ngợ. Không biết ở trại nào. Hẳn họ cũng như hắn. Mới được ra trại. Thoạt đầu hắn cho là hắn mắc bệnh quên. Trí nhớ hắn suy giảm, nên hắn không nhớ được những người bạn tù ấy. Nhưng rồi hắn giật mình: “Chẳng lẽ nhiều người đi tù về đến thế? Đất nước lắm người đi tù đến thế?”
Và hắn hoảng lên: “Mình hỏng mất rồi! Đầu óc mình hỏng mất rồi!”

Cùng với Tuấn là già Đô, một Việt kiều sống tại Pháp, bỏ cả người vợ Pháp và cô con gái nhỏ, nghe theo tiếng gọi của Tổ Quốc về Việt Nam, xây dựng đất nước. Già bị tập trung cải tạo vì đã thẳng thắn đấu tranh với cấp trên, và khi bị đuổi việc lại mắc thêm một sai lầm nữa: Đấu tranh theo kiểu Pháp. Ngồi ngay ở cổng xí nghiệp, tay cầm một miếng gỗ dán vuông, có cọc cắm, trên miếng gỗ dán già viết dòng chữ: “Phản đối giám đốc xí nghiệp vô cớ sa thải công nhân.” Đó là một hình thức đấu tranh không thể chấp nhận trong chế độ xã hội chủ nghĩa. Thế là già vào tù. Khi được tự do, già về nhà Tuấn đã ra tù trước già một năm. Hơn hai chục năm già mới lại được sống trong không khí một gia đình, mới được ôm một đứa trẻ vào lòng. Già gặp con Tuấn, một đứa bé lên năm (cũng trạc tuổi cô con gái bé bỏng của già bên Pháp khi già về Viêt Nam).

“Già bế bé lên, hít mùi thơm của đứa trẻ. Trong giây lát già tưởng như mình đang ở Mác xây (Marseille) hai mươi năm trước. Ôi! Mùi của trẻ thơ. Già nhận ngay ra nó. Đã mấy chục năm già vẫn nhận ngay ra nó. Dù ở Địa Trung Hải hay ven Thái Bình Dương thì cũng giống nhau cả mà thôi.”

Không chỗ nương thân, không còn con đường kiếm sống, già viết đơn xin trở lại nhà tù nhưng không được giải quyết. Già đi ăn cắp với hy vọng được tập trung cải tạo lần thứ hai, nhưng không ai bỏ tù già. Thật là thất bại thảm hại. Già vào mậu dịch vét thức ăn thừa, già đi bới rác. Và già chết cô đơn trong một ngôi đình hoang vắng.
Quyển tiểu thuyết của tôi có Giang Văn Giang, con trai một liệt sĩ anh dũng hy sinh thời chống Pháp, trở thành trẻ bụi, ăn cắp, đánh nhau, được đưa vào trường Kim Đồng, nơi học tập cải tạo các thiếu niên hư hỏng. Nhưng chính tại đây, từ chỗ chỉ quen biết một số bạn phố Bờ Sông, Giang đã quen hầu hết bọn thiếu niên hư trong thành phố và lại đi tù tiếp.
Còn có Sáng một thanh niên nông thôn, bị chính quyền xã ghét đưa đi tập trung cải tạo, 5 lần vượt ngục đều không thoát.
Còn có Nguyễn Văn Phố, một chiến sĩ quân báo của quân đội cách mạng, bị tình nghi là gián điệp cho Mỹ, tù 18 năm với câu nói thản nhiên làm Tuấn rợn người:
– Tôi đi tù năm vợ tôi 33 tuổi, năm nay vợ tôi 51 tuổi rồi.
Còn có Chí Lồng Sếnh, một anh tù người dân tộc, gần như không nói, không cười, chỉ im lặng lao động, bỗng một đêm nằm trong buồng giam, nghe tiếng nai gộ ngoài thung lũng, trở mình nằm sấp, nhìn ra bìa rừng ánh trăng bàng bạc, nói một mình:
– Con nai về ăn lá sắn non đấy.

Nỗi nhớ nhà, nhớ vợ con, làng bản chỉ gói gọn trong một câu ngắn ngủi ấy.
Còn có Nguỵ Như Cần tù hơn hai mươi năm, trông ao cá, một người sống giữa rừng đã gần biến thành cây cỏ.

Tôi không tra tấn độc giả bằng những cảnh đời xám xịt u tối tuyệt vọng suốt 800 trang sách. Theo sự đánh giá của đông đảo độc giả, Chuyện kể năm 2000 còn là quyển tiểu thuyết của tình yêu, tình yêu con người và tình yêu đôi lứa. Tôi đã cố gắng diễn đạt tình thương giữa những người tù trong những trang viết về Tuấn và Giang, về già Đô với Tuấn, về món quà tặng của Lê Bá Di cho Tuấn: Một bãi phân trâu. Cũng như tôi đã nói lên được phần nào tình bạn giữa Tuấn và những người cùng nghề nghiệp văn chương như Lê Bàn, Vũ Mạc, Lê Bình…
Và tình yêu giữa Tuấn và Ngọc, một tình yêu chỉ có trong những năm xã hội tốt đẹp sau chiến thắng chống Pháp 1954 với những đôi trai gái lãng mạn nồng nhiệt đắm say. Đây là ngày Quốc Khánh mùng 2 tháng 9 của họ:

Quốc khánh mùng 2 tháng 9, dậy từ lúc thành phố còn đang ngủ. Náo nức. Đứng ở cửa chờ Ngọc. Nhìn sang cánh cửa bên kia đường vẫn khép. Rồi nàng mở cửa nhẹ nhàng bước ra. áo dài trắng, quần trắng, đồng phục của trường đi đón ngày quốc khánh. Hai đứa nắm tay nhau đi trên đường phố vắng tanh. Không một bóng người. Như thành phố dành riêng cho ta. Vẫn chưa thể quen được với ý nghĩ mình có cả một người con gái để mình yêu quý. Có tên của người ấy để mình lên tiếng gọi. Cám ơn về tình em yêu anh. Cám ơn mẹ cha, mẹ cha sinh em ngày ấy để cho anh mười chín năm sau đó. Để bây giờ em là của anh. Để em đi bên anh và để anh yêu. Đi đâu bây giờ em? Còn sớm quá. Em dịu dàng và tinh khiết như bầu trời đêm trước lúc rạng đông này. Phố Tô Hiến Thành trong mơ. Ra tới phố Huế vẫn là trong mơ. Tay trong tay đi mãi trong phố vắng. Kia rồi một cửa hàng vừa mở. Mình và Ngọc là những người đầu tiên bước vào hiệu. Uống cà phê sữa. Nhìn nhau. Rồi chia tay khi trời rạng sáng. Nàng đi tới trường. Mình đến Ba Đình trong khối các cơ quan trung ương.
Buổi trưa nàng lại sang. Nàng đã tắm gội, tươi tắn lạ thường. Đến chiều hai đứa ra bờ hồ Hoàn Kiếm, tìm một chỗ ngồi từ lúc mặt trời vừa lặn để xí một chỗ cho đến tối. Để bảo đảm được nhìn thấy pháo hoa trên hồ. Những chùm pháo hoa trên bầu trời mịn như nhung có lẽ là những gì đẹp nhất, kỳ ảo nhất mà con người sáng tạo ra. Mình vừa ngước nhìn pháo hoa vừa quay lại nhìn nàng. Nàng mở to mắt nhìn trời. Cặp mắt nàng, gương mặt nàng với bao mầu sắc của pháo hoa ngày hội lướt qua. Nàng còn kỳ diệu hơn, xinh đẹp hơn mọi chùm pháo hoa đẹp nhất.

Và đây cuộc sống của họ sau khi kết hôn:

Ngồi bên giấy trắng. Một hạnh phúc tuyệt vời. Ngọn đèn chiếu một ô sáng. Cẩn thận hơn, hắn lấy một tờ báo, khoanh thành cái bù đài, úp chụp xuống để khỏi làm chói mắt vợ con đang nằm trong màn. Khi vợ con hắn đi nằm là lúc hắn ngồi bên giấy trắng.
(…)
Ngày đi làm, đêm hắn viết. Hắn có thói quen thức khuya. Hạnh phúc là được thức khuya trong yên lặng. Hạnh phúc là những dòng chữ kín từng trang. Là bóng tối mờ mờ trong phòng, và ở một góc buồng, màn buông, tiếng vợ con thở nhẹ nhàng trong giấc ngủ. Hạnh phúc là lúc đêm khuya cặm cụi, bỗng cảm thấy có người đứng sau lưng. Buông bút. Ngả người trên ghế, đầu đã chạm ngay vào ngực vợ. Linh cảm không nhầm.
Nàng đứng sau lưng tự bao giờ. Nàng đứng im lặng nhìn mình làm việc. Nàng đưa tay ép nhẹ đầu mình vào ngực nàng. Đầy đặn. ấm. Mềm. Mình dụi đầu vào đó và ngước mắt nhìn lên, thấy rõ dưới cằm nàng có một vết sẹo nhỏ, chỉ nhìn từ góc độ ấy mới thấy, vết sẹo khi nàng còn bé tí, bị vập vào miệng chum nước. Đứng phía sau, nàng ấp hai tay vào cằm mình, thì thào:
– Đói không?
Gật đầu. Thế là hai vợ chồng khoá trái cửa, để con ngủ trong màn, đi ăn phở khuya. Ông hàng phở Ngã Bẩy quen.

Bộ tiểu thuyết Chuyện kể năm 2000 của tôi được nhà Xuất bản Thanh Niên, cơ quan của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng Sản VN in, chưa phát hành đã có quyết định cấm, bị thu hồi tiêu huỷ. Nhưng nó vẫn được in chui hàng năm ròng sau đó với số lượng mà hiện nay chưa thể thống kê được (chỉ riêng một người bán sách ở Hà Nội cũng đã bán 1000 bộ) cũng như đã được đưa lên mạng để in và phát hành ở nước ngoài. Ngay lập tức quyển tiểu thuyết đã gây chấn động, trở thành sách bán chạy nhất dù phải bán chui ở trong nước và best seller trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Theo chỗ tác giả của nó được biết ở Canada, nhà xuất bản Thời Mới (Toronto) in 3 lần liên tiếp. Tác giả đã trông thấy 5 bản in khác nhau của 5 nhà xuất bản ở Mỹ. Tại Đức, có 2 bản in khác nhau. Tất cả các báo của cộng đồng người Việt trên các lục địa đều đăng tải dưới hình thức feuilleton. Đài BBC đã để ra 3 tháng đọc Chuyện kể năm 2000. Tôi đã nhận được hàng nghìn bức thư chia sẻ của những người Việt Nam và cả những người ngoại quốc từ các lục địa Châu Âu, châu Mỹ, châu úc và châu á. Tạp chí PEN International của Hội Văn bút Quốc tế đã trích đăng một chương. Tác giả của nó được vinh dự là hội viên danh dự của Hội Văn Bút Quốc tế và hội viên danh dự Hội Văn Bút Canada. Biết bao bạn đọc trong nước, ngoài nước đã đến với tôi. Họ cám ơn tôi và nói rằng tôi đã nói giúp họ những điều họ hằng suy nghĩ nhưng không nói được. Trong buổi tôi nói chuyện ở Viện Goethe Hà Nội, nhiều bạn đọc cảm động, khóc nức nở không nói được nên lời. Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên viết:

Bùi Ngọc Tấn viết văn trầm tĩnh và đôn hậu. Hình như đây là kết quả của sự kết hợp bản tính người và trải nghiệm đời nơi ông. Sau những gì đã xẩy đến với ông, nếu văn ông có giọng cay độc, chua chát cũng là điều dễ hiểu. Nhưng không! Ngay cả sự trầm tĩnh đôn hậu ở đây cũng không hề là phải cố ý, gồng mình, tỏ vẻ. Ông đưa lại cho người đọc những dòng văn tự nhiên dung dị, khi những oan trái khổ đau lặn vào sau câu chữ làm nên sức nặng, chiều sâu của những điều được viết ra. Một giọng điệu văn chương làm người đọc hiểu ông, tin ông, đồng cảm với ông và cùng ông đồng cảm với những phận người, những kiếp bụi nhân sinh. Cao hơn chuyện văn chương là chuyện cuộc đời. Bùi Ngọc Tấn là nhân vật của văn ông và đồng thời ông cũng là tác giả của những điều ông viết ra. Đó là văn chương của sự thật (…)
Ông đã gánh cây thập ác đi trọn con đường trần ai của mình.
Không vứt xuống.
Không chạy trốn.
Không gục ngã.
Không dừng bước.
Và dẫu không là Chúa, ông đã được phục sinh.

Còn đây là những đánh giá của nhà văn Nguyên Ngọc:

“(…) Bùi Ngọc Tấn đã đi xa hơn được rất nhiều việc mô tả một tấn bi kịch cá nhân, thậm chí một bi kịch của chế độ – điều mà một số cuốn sách viết về nhà tù thường rất tập trung – để nói đến một tình thế phi lí của cuộc sống, và vô hình trung, cuốn sách trở thành như một thiên anh hùng ca, khiêm nhường mà cảm động về con người, con người có thể đi qua được tất cả những gì xấu xa đen tối nhất, đi qua tất cả bùn lầy, giữ vững chất người của mình chống lại tất cả những thế lực đen tối nhất muốn trừ tiệt chất người ở con người. Cuốn sách bị cấm, nhưng bằng nhiều cách vẫn được truyền tay đọc rộng rãi và tác giả của nó được sự kính trọng của toàn xã hội.”

Tôi cảm ơn tất cả các bạn đọc đã chia sẻ cùng tôi.
Cảm ơn trung tâm William Joiner đã tạo điều kiện để tôi có mặt ở đây hôm nay.
Cảm ơn các bạn đã có mặt cùng tôi tại đây.


Bài Mới Nhất
Search