T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không : Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 13)

Giai thoại làng văn

Tố Hữu nói chuyện thơ với Xuân Diệu: “Thường khó làm câu đầu và câu cuối. Câu cuối phải gợi ra cái gì rộng hơn cái mình nói trong thơ. Phải mở, không được đóng. Đóng lại là vô duyên. Đọc câu cuối người ta còn nghĩ, còn vơ vơ vẩn vẩn, thế hay hơn.

Còn từ câu đầu đến câu cuối không biết trước, thơ kị nhất đọc câu trước người ta đoán được câu sau. Phải cho thơ tự nó sinh sôi, phát triển. Có ai đó nói rằng, nhà thơ hoàn toàn biết rõ tiến trình sáng tác một bài thơ, hoàn toàn biết trước câu thơ cuối cùng của tác phẩm. Tôi thì có khi làm xong bài thơ, cũng ngơ ngơ ngác ngác về tác phẩm của mình. Sáng tác là cảm xúc không luôn luôn tỉnh táo.

Anh Xuân Diệu hỏi tôi, sao anh lại tạo ra được hai câu: “Nỗi niềm chi rứa Huế ơi, Mà mưa xối xả trắng trời Thừa Thiên”?

Tôi cũng không biết sao mình lại tài thế!

(Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh)

 

Nói lái

Ông Lãng Nhân, trong quyển Chơi chữ có nhắc đến những chuyện nói lái thời Pháp thuộc qua câu: Không phải “thầy tu” nhưng rất “thù Tây”.

Hay một câu khác:

Chừng nào lúa mọc trên chì

Voi đi trên giấy rồi đời thầy tăng

Hai chữ “thầy tăng” nói lái là “thằng Tây”.

Phụ chú: Pháp cho sản xuất tiền bạc cắc bằng chì có bó lúa và giấy bạc một trăm có in hình con voi.

(Nguyễn Hữu Phước – Nói lái)

 

Phẩm hàm

Ngày xưa còn ở miền Bắc, các vị hương chức, mỗi lần có hội hè đình đám gì thì ăn rồi còn được chia phần mang về một đĩa xôi, một miếng thịt, cho cả nhà vui vẻ, gọi là miếng thịt làng, tuy nó ít nhưng nó hãnh diện, còn hơn là cả một sàng thịt mà bu nó mua ở chợ mang về. Đó cũng là một cái danh, cái lợi. Chớ nếu không làm ông nọ, ông kia thì làm gì được miếng thịt làng mà “xơi”. Vì thế nên cái mầm mống mua danh mua chức mới phát sinh. Nhỏ thì mua nhỏ, lớn thì mua lớn. Ở thôn quê làng, xã thì mua Lý Trưởng, Phó Lý, còn cao hơn, giàu hơn một tí thì mua Hàn Lâm, Cửu Phẩm

Như cụ Lý Trưởng làng tôi, có thể nói chữ nghĩa cụ uyên thâm vào bực nhất trong vùng. Năm 1919 cụ có dự khoa thi Hương cuối cùng của triều đại Hán học, nhưng không đỗ. Cụ về làng làm Lý Trưởng, và làm Trùm Họ Tiền Môn, nên người làng quen gọi cụ là cụ “Trùm Lý”. Đó là gọi tắt hai chức vụ Trùm họ và Lý trưởng. Làng tôi cũng như phần nhiều làng xã miền bắc, có cái tục lệ kiêng tên. Ít người dám gọi tên cúng cơm của nhau ra. Tôi chỉ thấy người ta gọi nhau là: ông Lý, ông Phó, ông Xã, ông Trùm…Thậm chí có những người không có địa vị trong họ, ngoài làng, thì người ta gọi bằng cái nghề của người đó, như nghề thợ mộc, thợ may, đóng cối… Cũng dược gọi là ông phó: phó mộc, phó may, phó cối …

Có người bảo trong làng có cả đống ông lý, ông phó, thì làm sao mà phân biệt được?

Vâng! vì thế mới có danh xưng ông lý cựu, ông lý mới, ông lý cửu, ông lý bá…Cụ Trùm Lý cũng vậy người ta gọi cụ là cụ Trùm Lý, để phân biệt với với cụ Trùm Chánh, cụ Trùm Chỉ, cụ Trùm Phó…

Công việc làng, việc nước, hay nói chung là các chức vị trong hương thôn, thì chỉ làm việc sau năm năm là mãn hạn. Còn nếu có khả năng, có sức làm mà “cố đấm ăn xôi” làm thêm năm, ba năm nữa để kiếm tí phẩm hàm, thì được gọi là ông Lý Cửu, hay ông Lý Bá. Tùy ở bằng sắc nhà Vua ban. Thí dụ chỉ là một hương chức trơn, không có bằng cấp gì, thì được thưởng hàm Cửu Phẩm Bá Hộ. Còn nếu có bằng cấp như Khóa Sinh, sau này là bằng Sơ Học trở lên, thì được thưởng hàm Cửu Phẩm Văn Giai.

(Thúy Sơn – Bên dòng sông Trà)

Giá sách cũ

Khái Hưng đã chết như thế nào? Từ rất lâu, mỗi lần gặp lại tên Khái Hưng, tôi lại nghĩ đến điều đó và cùng lúc tôi vẫn muốn biết Tại sao Cộng sản thủ tiêu Khái Hưng?

Hồi còn nhỏ ở Hà-nội, đọc một tờ tuần báo vào khoảng năm 1950 gì đó tôi có được thấy trong một thiên hồi ký, không nhớ tên tác giả, không nhớ rõ tên thiên hồi ký, tôi chỉ nhớ thiên hồi ký mô tả lại những ngày tù tội của các chiến sĩ quốc gia bị V.M. bắt giam, trong thiên hồi ký có một đoạn tác giả cho biết đã gặp Khái Hưng trong một trại giam ở Việt Bắc, tác giả cho biết lúc đó Khái Hưng ốm yếu, bị đi kiết vì bị hành hạ và cuộc sống đầy ải của nhà tù, rồi Khái Hưng chết ở đây, những chiến sĩ quốc gia, những bạn của Khái Hưng đã đẵn tre làm phên quấn xác Khái Hưng thay quan tài và an táng trong một khu rừng ở Đại-từ, những điều này tôi nhớ mơ hồ lắm và cùng đó hình như tác giả còn nói ngày Khái Hưng chết là 17-11 năm 1947.

Trong thời gian làm tờ Văn Nghệ tại nhà in ở đường Cô Bắc tình cờ tôi được nghe truyện về Khái Hưng, người nói chuyện giới thiệu là một người cháu về đằng bà Khái Hưng, người này nói chính ông đã gặp Khái Hưng lần cuối vào ngay buổi chiều cán bộ V.M. bắt Khái Hưng dẫn đi, bọn cán bộ này là một thứ du kích tự vệ xã, Khái Hưng mặc quần áo thường, mang theo một chiếc chăn dạ màu cứt ngựa, người kể truyện gặp Khái Hưng ở đầu làng, Khái Hưng có nét mặt rầu rầu buồn bã mỉm cười và giơ tay chào. Sau đó, người nói chuyện bảo dù rất kín, mấy tên du kích đã lộ ra rằng họ bỏ Khái Hưng vào bao bố đâm chết rồi quăng xuống sông.

Không hiểu ngoài những điều mơ hồ, không có gì làm bằng chứng kia, còn có những điều nào khác được kể về cái chết của Khái Hưng? Có điều Khái Hưng đã chết.

Khái Hưng đã chết thực và tác phẩm cuối cùng của Khái Hưng -theo như ghi chép- để lại cho chúng ta là tác phẩm Băn khoăn, trước khi Khái Hưng bước vào đoạn đường tranh đấu cách mạng cùng các bạn, cùng toàn dân để giải phóng dân tộc và Khái Hưng đã chết trong cuộc tranh đấu đó.

(Dương Nghiễm Mậu – Nhân nghĩ về Khái Hưng)

 

Tiếng Việt dễ và…dễ thương

Hỏi : Thời thơ ấu mình có nghe bài về các loại trái cây thật hay và ý nghĩa lắm , bây giờ mình không nhớ hết nguyên bài , các bạn nào biết xin góp một tay nhe…

Nghe vẻ nghe ve nghe vè trái cây
Trái ở trên mây là trái đậu rồng
Có vợ có chồng là trái đu đủ
….
Rủ nhau làm xấu trái cà dái dê

Ngứa ngáy gải mê là trái mắt mèo

Đáp : Đợi tui dzô Google coi nha. Mà cà dái dê là giống gì dzậy…?

(Trau giồi tiếng Việt – ĐatViet.com)

 

Làm giàu tiếng Việt

Khoảng những năm ’60 hay ’70 tôi đọc một cuốn sách xuất bản ở Hà-nội “Dậy tiếng Việt ở Ðại học”, tôi đã bắt gập chữ lô-gích, giở tự vị Ðào Duy Anh ra mới được biết “logique”…là “hợp lý”..

Có người bảo tôi :”Hợp lý” không phải là “lô-gích”, chính người Trung quốc đã bảo không nên dùng”. Tôi thấy lập luận này không ổn, ngộ mai kia người Trung quốc nghĩ lại, đổi ý bảo nên dùng thì mình cũng lại bắt chước họ hay sao?

Vay mượn những từ ngữ không có trong tiếng Việt là chuyện cần nhưng trong trường hợp ta đã có chữ sẵn mọi người đều hiểu, như “hợp lý”, tại sao ta lại vay “lô-gích” chỉ có một số người hiểu ? Nếu thấy chữ “logique” còn có nghiã rộng hơn “hợp lý” thì sao không giữ cả hai : “hợp lý” để cho dễ hiểu, và dành “lô-gích” ở những chỗ không dùng “hợp lý” được, như thế mới đúng là “làm giầu cho tiếng Việt”, chứ thay thế “hợp lý” bằng “lô-gích” thì có lợi thêm được chữ nào đâu mà bảo là “làm giầu”?

Nếu cho rằng “hợp lý” cũng không phải tiếng Việt thuần tuý, chỉ vì dùng lâu ngày nên được Việt hóa ai cũng hiểu, vậy cứ dùng mãi chữ “lô-gích” tất một ngày kia mọi người đều hiểu. Ðành thế, nhưng phải mất bao nhiêu thời gian mới đi đến chỗ “mọi người đều hiểu” ?

(Nguyễn Thị Chân Quỳnh – Dân “Bách Việt” nói tiếng “Bách ngữ”)

Về Kinh Bắc

Theo nhà thơ Hoàng Hưng thì: Nhà thơ Hoàng Cầm viết tập thơ “Về Kinh Bắc” từ 1959/1982, chủ yếu lưu truyền bằng chép tay (ngoài luồng) đây là một sự kiện “hậu Nhân văn-Giai Phẩm”.

Trong đó bộ 3 bài “cây-lá-quả”: Cây tam cúc, Lá diêu bông, Quả vườn ổi là nổi bật nhất vì chúng được giới Văn nghệ xì xầm diễn giải như một lời oán trách của “em” (văn nghệ sĩ) với ” chị” ( Đảng) .. đại khái là ” em” yêu “chị” , nhưng “chị” đã lừa “em” , cho “em” ăn toàn “quả rụng”, rồi bỏ mặc “Em” bơ vơ để đi lấy chồng…

– Hoàng Hưng vì xin được, có trong tay mấy bài thơ trên nên bị đi tù 39 tháng.

(Nguyễn Khôi – Chimviet.free.fr)

 

Những tiếng đồng âm

Người miền Nam (An Giang) có những tiếng đồng âm nghe thật nhức nhối !!!

Một ông hỏi bạn:

“Ý mèng ơi! Qua qua đây mà qua hổng cho qua hay! Hổm rày qua nói qua qua mà sao qua hổng qua?

Ông bạn trả lời:

“Hầy! Qua nói hổng qua rồi qua lại qua. Qua mong qua quá trời!

Ông kia giảng giải cho dễ hiểu hơn:

“Bởi yậy (vậy)! Qua tính hổng qua, nhưng nợ qua yán (ván) cờ nên qua phải qua.

(Chua thât! Miễn phải dài dòng với “qua” vừa là động từ, vừa là nhân xưng đại danh từ cho ngồi thứ nhất và nhân xưng đại danh từ cho ngồi thứ…hai.)

***

Người miền Bắc có những tiếng đồng âm nghe nhiêu khê chẳng kém gì:

Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ

Nhớ ai, ai nhớ, bây giờ nhớ ai?

(“Ai” là…”ai” đây hở giời !)

 

Kỹ nữ và Mê hồn ca

Thạch Lam quen thân Đinh Hùng, ông dắt đưa bạn trẻ đến trụ sở Nxb Đời nay ở phố Quán Thánh, rồi giới thiệu hết lời về Đinh Hùng với Thế Lữ, Khái Hưng, Nhất Linh nữa.

Và sau, chính Thế Lữ- là người đầu tiên nâng đỡ đích thực nghiệp văn thơ đầu đời nhà thơ trẻ – và Đinh Hùng tự-sự- kể:

‘….Hồi đó mỗi khi làm xong bài thơ nào, tôi thường tìm Thế Lữ để đọc cho ông nghe. Lần nào cũng vậy, nghe xong, ông lắc đầu bảo: “ Chưa được, cậu cần phải chịu khó hơn nữa”. Tôi buồn quá vì tự ái nổi dậy, nghĩ thế nào cũng phải làm cho được 1 bài thơ hay. Không lẽ cứ để cho Thế Lữ chê hoài ?…”

Hồi ấy, Đinh Hùng đang yêu thầm nhớ trộm một cô đầu trẻ ở phố Khâm Thiên- khi tác giả làm xong bài thơ “Kỹ nữ”, liền đem đến khoe nhắng với Thế Lữ. Thi sĩ “ ông Trùm thơ Đời Nay” thông cảm háo thắng bạn trẻ, đọc ngay, im lặng hồi lâu, chậm rãi, phán:

“-…được lắm ! cậu nên làm theo thể loại này!”.

Thế là “Mê hồn ca” được hình thành từ thời kỳ đó.

(Thế Phong – Đinh Hùng: Giải thơ văn chương toàn quốc)

 

©T.Vấn 2011

Bài Mới Nhất
Search