T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không : Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 29)

 

Tiếng Bắc…

Cũng là một tiếng phủ định nhưng “chưa” khác với “chửa”. Tuy rằng “chửa” là thổ ngữ ở một vài vùng quê, song nó mang một ý nghĩa khác biệt hợn.

Thêm dấu hỏi (?), từ “chưa” hàm chứa một sự khác quyết hoàn toàn. “Chửa” là một khẳng định của phủ định. Khi ta nói: “Bảo làm mà vẫn chửa làm” có nghĩa là chưa làm một tí gì!

Thế nhưng khi một cô gái nói: “Em có chửa” thì lại khác!

(Đỗ Quang Vinh – Tiếng Việt tuyệt vời)

Tiếng Việt sao lắc léo thế

Bạn đọc thử thay đổi các vị trí của 5 chữ sau đây xem sẽ có tất cả bao nhiêu câu văn “lắc léo” đúng nghĩa:

Sao không bảo nó đến

Sao bảo nó không đến

Đến bảo nó không sao

Bảo nó đến không sao

…v…v…

Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng

Nghiên cứu Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng để làm gì? Viết báo, viết sách về hai vị này rất khó. Vì hồi ấy người ta quy cho các ông này lắm tội lắm:

Văn Nguyễn Tuân thì phù phiếm, có người còn gọi là văn cô đầu thuốc phiện, đùa cợt với chính trị, lắm cái rớt…

Vũ Trọng Phụng, thì sau vụ Nhân văn, bị quy là chống cộng, tự nhiên chủ nghĩa, chỉ có tài xỏ xiên, Giông tố thì ăn cắp Lôi vũ của Tào Ngu – uỷ viên bộ chính trị Hoàng Văn Hoan phán như thế.

Đúng là tôi cứ thích húc vào những đối tượng phức tạp như vậy, chả để làm gì cả. Yêu cầu dạy học không có, chương trình môn văn từ phổ thông đến đại học hồi ấy đều tránh các nhà văn này như những vùng cấm địa. Nếu có nhắc đến đôi chút thì cũng chỉ để lên án mà thôi. Sau vụ Nhân văn, không ai nghĩ đến chuyện viết sách về các ông này. Viết báo còn khó, nói gì viết sách. Tôi nhớ, lúc ấy có một anh bạn xui tôi thế này: cậu dại lắm, muốn viết báo, viết sách thì phải nghiên cứu những cây bút như…Hồ Chí Minh, Tố Hữu, Sóng Hồng, Lê Đức Thọ, Xuân Thuỷ..v…v…

(Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh)

Ta khác Tầu

Ta nói “tác oai tác quái”, Tầu kêu.. tác uy tác phú.

Ta kêu “khẩu Phật tâm xà. Tầu gọi…Phật khẩu xà tâm.

Văn học miền Nam từ 1954 đến 1975

Về giới cầm bút sau 1963, Nguyễn Văn Trung viết:

“Giới cầm bút sau 1963, họ là những người hồi 1954 trên dưới mười tuổi theo gia đình vào Nam hoặc sinh trưởng lớn lên ở miền Nam hầu hết có tú tài và tốt nghiệp đại học. Số lượng giới trẻ cầm bút này càng ngày càng đông đảo theo đà thành lập các đại học ở Huế, Đà Lạt, Đà Nẵng, Nha Trang, Cần Thơ, Long Xuyên, Tây Ninh và các đại học tư ở Sàigòn như Vạn Hạnh, Minh Đức…

Họ trưởng thành về tuổi đời và nhận thức sau 1963, trong hoàn cảnh nhiều xáo trộn chính trị, xã hội chiến tranh mở rộng với sự can thiệp ồ ạt của quân đội nước ngoài. Thời cuộc và chính trị là thiết thân đối với họ vì bị động viên, đi quân dịch.(…).

Do đó, họ có lối nhìn thời cuộc đất nước và nghệ thuật văn học khác hẳn với lối nhìn của đàn anh họ viết từ trước 1963.(…) Thơ văn giới trẻ viết sau 1963 thường theo một xu hướng chung, phản ánh vũ trụ Kafka, như tên đặt cho một số đặc biệt về thơ văn của Hành Trình, hoặc phản ánh thân phận những nhân vật Việt Nam tương tự những nhân vật trong tiểu thuyết Giờ thứ hai mươi lăm của Gheorghiu”.

(Nguyễn Văn Trung – Hướng về miền Nam Việt Nam).

Phụ nữ đầu tiên…

Nữ sĩ Sương Nguyệt Anh (bút danh của bà Nguyễn Thị Ngọc Khuê (1864 – 1922), con gái Nguyễn Đình Chiểu) là ngươi phụ nữ đầu tiên làm chủ bút tờ Phụ nữ chung (Tiếng Chuông thời báo).

(Thiếu Khanh – Tạp chí Tân Văn)

Ai lên xứ Lạng

Ạ ời ơi…

Thứ nhất thì bầu Chi Lăng

Thứ hai cây khế Đồng Đăng Kỳ Lừa

Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa

Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh

Ai lên xứ Lạng cùng anh

Tiếc công bác mẹ sinh thành ra em

Tay cầm bầu rượu, nắm nem

Mải vui quên hết lời em dặn dò

Gánh vàng đi đổ sông Ngô

Đêm nằm tơ tưởng đi mò sông Thương

Ạ ời ơi…

Trong cuốn Tục ngữ phong dao xuất bản năm 1928, soạn giả Nguyễn Văn Ngọc chép đúng như trên đây. Nhưng theo tác giả biên khảo trong dòng họ Nguyễn Gia, tứ đại đồng đường ở Lạng Sơn thì bài thơ Ai lên xứ Lạng thì tựa đề đúng ra là Ai lên thú Lạng và có 4 chữ khiếm khuyết như sau:

Câu 5 “Ai lên xứ Lạng” phải sửa là “Ai lên thú Lạng”

Câu 9 “Gánh vàng đi đổ sông Ngô” phải sửa là “Gánh vàng đi đổ sang Ngô”

Câu 10 “Đêm nằm tơ tưởng đi mò sông Thương” phải sửa là “Đêm nằm tơ tưởng đi đò sông Thương”

Câu 1 & 11 bài hát ru bao giờ cũng bắt đầu và kết thúc bằng câu “Ạ ời ơi…”

 

(Nguyễn Gia Liên – Biên khảo: Văn hóa truyền thống Việt Nam)

Tiếng Huế…

Theo Lê Văn Lân trình bày thì tiếng Huế “cực kỳ đặc biệt” và ít người biết đến. Riêng đất Thuận Hóa từ Quảng Trị tới Đà Nẵng không thôi, tiếng nói đã thay đổi từ huyện này tới huyện khác. Lý do là người dân đất thần kinh vừa cổ kính vừa khép kín luôn. Chỉ nội “cái âm sắc của Huế vốn “trầm nặng” đã đủ cho dân Hà Nội, Sài Gòn nghe mệt rồi, chứ đừng nói những thổ ngữ đặc biệt”.

Những thổ ngữ đặc biệt như: đột (cái lu), cái nùi (cái nút), cái nốt (cái thuyền), chộ (thấy, gặp), chắc (mình), thời (ăn), ngơi hay thét (ngủ), cưới (cái sân), ló cấu (lúa gạo)..v..v..

(Lê Văn Lân – Thổ âm xứ Huế)

Giai thoại về một bài văn tế I

Trong tạp chí Tri Tân số 15 đề ngày 19-9-1941 có đăng một bài văn tế một ông quan Tây tên Francis Garmier bị tử trận ở Bắc Việt và ghi chú là của cụ Nguyễn Khuyến.

Thực ra không phải là Francis Garmier mà là tên thiếu úy Pháp tên Crivier. Ngày 10-9-1889, Crivier từ Đồn Lầy, (Phụ Dực, Thái Bình) mang lính khố xanh về vây làng Yên Lũ để bắt đốc binh Bùi Như Quan (tức Đốc Đen), thủ lĩnh của lực lượng kháng Pháp vùng này. Crivier bị chém rụng đầu ngay trước cửa nhà Đốc Đen. Các quan phủ, huyện sở tại cử hành đám tang trọng thể, làm cả văn tế để ca tụng công đức của tên đó.

Tri huyện Thanh Quan nhờ cụ Phạm Mền ở làng Tống Thơ làm giùm bài văn tế. Nhưng rồi y lại không dám dùng bài đó, và phải đích thân làm lấy.

(Xin xem trang kế tiếp…)

(Lửa Việt – Bé cái lầm của biên khảo gia)

 

Tiếng Việt mới

Những kiểu nói như “hơn ai hết”, “lúc này hơn lúc nào hết”, hoặc “hơn bao giờ hết” vốn không có trong lối văn cũ.

Cách nói “một Nguyễn Du, một Tản Đà” hay “những Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu” khi không biến danh từ riêng thành danh từ chung là cách nói của người Tây phương,

(Đỗ Quang Vinh – Tiếng Việt tuyệt vời)

 

Giai thoại về một bài văn tế II

Từ đoạn Kim Trọng đến sông Tiền Đường lập đàn giải oan cho Thúy Kiều rồi đọc bài văn tế của Tống Ngọc. Có thể từ bài văn tế này, cụ Nguyễn Du đã sáng tác ra bài Văn tế thập loại chúng sinh bằng thể song thất lục bát dài cả mấy trăm câu. Cụ Đồ Chiểu cảm phục 27 nghĩa sĩ hy sinh trong trận tấn công đồn Tây năm 1861 có bài Văn tế bên sông Cần Giuộc đi vào văn học “Sông Cần Giuộc cỏ cây nhiễm lệ, thương là thương kẻ tử vô cô, chợ Trường Bình phố xá bỏ hoang, giận là giận người sanh bất võ…”.

Thì cụ Mền Tống Thơ có bài văn tế nhiều ngộ nhận…

Nhớ ông xưa:

Tóc ông quăn, mũi ông lõ

Chân ông đi giày, đầu ông đội mũ

Ông ở bên Tây ngang tàng

Ông sang bên Nam bảo hộ

Mắt ông chiếu kính thiên lý, đít ông cưỡi lừa

Vai ông đeo súng lục liên, miệng ông huýt chó

Trong nhà ông bầy những chai

Ngoài sân ông trồng những cỏ

Công ông to, nên ông có lon vàng đeo tay

Của ông nhiều, nên ông có mề đay đeo cổ

Tháng…ngày…ông ở Phụ Dực, Đồn Lầy

Tháng tám, ngày rằm, ông vào Yên Lũ

Ông định: giết thằng Đen, để yên con đỏ

Nào ngờ: nó lấy mất sọ ông đi !

Đầu ông, đồng Cốc đó nọ

Đít ông, đò Gọ kia kìa !

Khốn nạn thân ông! Tiên nhân cha nó

Tưởng ông như thử chi tài, mà ông như thử chi ngộ

Hay quản khái mưu gian dắt ông vào đó?

Hay Lãnh Nhàn chí phảo, nhét ông vào rọ?

Nay tôi:

Vâng lệnh các quan, tế ông một tuần

Xôi một mâm, rượu một vò

Chuối một buồng, trứng hai quả

Ông xơi cho no, nằm cho ấm ổ

Phù cho nước mạnh dân giầu, người đông của đủ

Thượng hưởng

(Lửa Việt – Bé cái lầm của biên khảo gia)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

“Đại học mở” và “đường băng” nghĩa là gì? Ai biết chỉ dùm!

Tiếng Việt tiếng Tầu

Trên tường có hàng chữ, Ta đọc:

“Cấm không được đái”.

Cũng hàng chữ ấy, Tầu đọc:

“Đái được không cấm”

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2012

Bài Mới Nhất
Search