T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không : Vạn Lý Quan San

clip_image001

Lại một lần nữa, mời quý bạn cùng tôi theo chân ông Ngộ Không lạc đường vào . . . Sử. Đường thì thăm thẳm vạn lý quan san, có nẻo đi nhưng chưa chắc đã có nẻo về, nhưng se sắt lòng vì cái tha thiết của người dẫn đường, nên cũng liều nhắm mắt đưa chân.

Chuyện thiên địa vốn tù mù. Ông Ngộ phán như vậy. Chuyện Sử cũng không kém phần tù mù.Hình như đó là tiếng thở dài của ông Ngộ đằng sau những thao thao bất tuyệt.

Đa đoan chi lắm cho khổ vậy ông ?

T.Vấn

07 tháng 6 năm 2011

 

Vạn Lý Quan San

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

 

Bạn lọ mọ ghé nhà chơi, hết tửu lạc vong bần rồi cũng đến bắt qua chuyện văn dĩ tải đạo…Lẵng nhẵng thế nào bạn lại nhè hỏi tôi là trống đồng ở đâu mà có, từ đâu mà ra và bạn muốn…”tậu” một cái cho nó oách. Tôi không trả lời ngay, lại khua môi múa mép với quý hồ tinh bất quý hồ đa là cái mai rùa mà tôi nhét trong cái hộp kính treo trên tường. Vì nhất cổ nhì quái ở chỗ trên mai rùa có khắc một bài tứ tuyệt bằng cổ ngữ của người Tầu, thực tình tôi không hiểu bài thơ có ẩn dụ gì, nhưng tôi chắc như đinh đóng cột đó là…cái mai rùa. Bạn chắc mẩm ắt hẳn là chuyện…sờ mui rùa chi đây. Thì cũng đâu đó, nói cho ngay chuyện cái trống đồng, cái mai rùa chỉ là…chuyện thiên địa tù mù. Vạn lý quan san là vậy đấy, vì vậy xin vô phép vô tắc, mạn phép bạn hãy để tôi có dăm hàng về…quá khứ vị lai:

Chuyện là những ngày còn ở bậc trung học, tôi vẫn thường đậm đà với hai bộ môn sử ký và địa dư. Nay đất khách quê người với đường xưa lối cũ, tôi lại ngụp lặn qua những bài viết dông dài với sử thi. Bóng ngả đường chiều, có nhiều người thích quay về một quá khứ nào đó, làng trên xóm dưới, cùng những miếu đền rêu phong ẩm ướt. Riêng tôi thì lẩn thẩn, lang thang trong một cõi u minh của nghìn năm mây bay với Lý, Trần, Lê, Nguyễn, cùng những năm này tháng nọ. Để có một ngày không nắng cũng chẳng mưa lạc đường vào lịch sử với cái trống đồng Đông Sơn rồi lạng quạng tìm về…cội nguồn của tộc Việt. Thế mới nẫu người, thưa bạn.

Vì rằng con gì ăn mà không ị, đã dài người đọc sách thì cũng phải tiêu hóa, thế nên tôi cũng muốn trải dài trên giấy trắng mực đen những góp nhặt của mình, vì vậy mới tỉ tê với chữ nghĩa này nọ qua bài viết này kia. Rất ngay tình với bạn, tôi không phải là nhà biên khảo với trích dẫn, tham cứu cùng hỏa mù của niên kỷ, niên đại. Tất cả chỉ là vay mượn của nhiều tác giả thành danh đi trước, đơn thuần chỉ là sao chép đến cô đọng và chẳng triển khai gì nhiều. Nếu có thêm bớt, không ngoài cảm hoài ngắn gọn để chữ nghĩa nhếch nhác có một chút nào ngắn gọn và trong sáng hơn. Cuối cùng cũng đành nhắm mắt đưa chân vật lộn từng dấu phẩy, dấu chấm, để cho ngòi bút đẩy đưa như bèo dạt nổi trôi về…một bến cô liêu.

Bạn lè lưỡi lắc đầu bỗng dưng không đâu lại quấy hôi bôi nhọ với sắc tức thị không, không tức thị sắc ở đây. Đầu cua tai nheo cũng ở cái trống đồng, bạn với tôi như thầy bói mù sờ voi, bạn sờ cái đầu, tôi mó cái đuôi…Thế thôi, thưa bạn.

***

Thời gian tìm thấy trống đồng tôi xin tạm xe chỉ luồn kim cắt xén làm hai “khâu”.

Thời kỳ tiền 1975: Như bạn đã từơng qua sách vở và báo chí, năm 1901 trống đồng Ngọc Lũ được tìm thấy ở chùa Long Đại Sơn, làng Ngọc Lũ, Hà Nam, được xem là cổ và đẹp nhất. Đến năm 1924, trống đồng Đông Sơn (24 cái), cách Thanh Hoá 4 cây số ở chân đồi gần sông Mã. Rồi trống đồng Hoàng Hạ (9), tại làng Hoàng Hạ, Hà Đông. Tiếp đến trống đồng Hoà Bình (2) ngay Mường Dâu, bên bờ sông Đáy, trống được tàng trữ trong bảo tàng viện của quân đội Pháp, sau chuyển qua bảo tàng viện Guimet, Paris, trống còn được gọi là trống Mouie, tên của người mua tặng lại cho viện bảo tàng Hà Nội. Và còn tìm thấy ở nhiều nơi khác như Hà Đông (9), Bắc Ninh, Cao Bằng (mỗi nơi 3 cái), Hà Nam, Hà Nội, Kiến An (…2), Yên Bái, Lào Cai, Nam Định, Yên Bái, Hải Dương, Nghệ An (…1)

Riêng trống đồng Đông Sơn thêm thắt một chút nữa là vào năm 1920, dân chúng ở đây phát hiện ra một ngôi mộ cổ, trong đó có tùy táng nhiều vật bằng đồng thau. Năm 1924 người Pháp đào sới thêm và thấy có trống đồng. Mãi đến năm 1933 ông V.Goloubew là nhà khảo cổ của viện Viễn Đông Bác Cổ và ông Nguyễn Xuân Đồng là họa viên, kiêm thông ngôn tới tận nơi và V,Goloubew viết phúc trình rất “hiện thực” như sau: “Úp xuống nó là cái trống, giống như cái nồi úp sấp. Lật ngửa lên nó là cái chậu và trông xa nó như cái gùi bằng mây của người miền núi”. Riêng những bản vẽ phác họa của ông Đồng, trước năm 75, được nhiều người dùng để nghiên cứu những cái trống trên, theo ông diễn tả: “Hoa văn như chim bay, nhà oằn, chiến binh đội mũ lông chim, tay cầm vật như tàu cau chẻ đôi”.

Tuy nhiên sau năm 54, một số nhà sử học, khảo cổ Hà Nội nhìn trống đồng với một lăng kính khác. Vì trong cuộc khai quật ở Đông Sơn khỏang thời gian ấy, ngòai trống đồng, còn có gươm đao, tiền Hán và gương đồng thời Vương Mãn nhà Chu. Dựa theo lịch sử, sau khi Hai Bà Trưng tuẫn tiết, Mã Viện đuổi theo tàn quân của Hai Bà tới quận Cửu Chân. Tiếp đến họ dẫn chứng với bốn chữ “Lạc Việt đồng cổ” trong Hậu Hán Thư, có nhắc đến Mã Viện đã lấy đồng đúc thành một con ngựa dâng cho vua Hán. Nhưng sử sách không nói đến con ngựa to, nhỏ thế nào, để có người tự hỏi nhiều khi chỉ bằng cái gối mây kê đầu thì sao. Thế nhưng nhiều nhà sử học Hà Nội, họ vẫn khăng khăng khẳng định trống đồng này là “Trống đồng…Hai Bà Trưng” vì trong mộ chí có…cái gương soi. Thế đấy.

Đến đây, tôi xin thưa với bạn rằng trong sử thi của người Nam ta có “biên chế” về cái cột “Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt” được dựng đâu đó ở biên giới. Mò mẫm làm sao tôi vớ được một tư liệu viết là sau khi Mã Viện đánh tan được tàn quân Hai Bà tại Thanh Hóa, bèn dựng cái trụ này ở lưng chừng núi thuộc Nghệ An. Hiểu theo nghĩa trụ không nằm ở biên giới và Đồng Trụ là tên núi chứ không phải làm bằng…đồng. Nước ao mà vỗ lên bờ cùng vàng thau lẫn lộn, chỉ vì những nhà biên khảo, học giả gần đây thường hay lửng lơ và mầu mè nên người đọc, đọc đâu cũng hoa mắt với đồng thau, đồng thiếc xanh lè, đỏ ối. Nhiều thức giả mà tôi không biết họ dựa vào đâu để tìm ra những sử kiện bất khả tín như “Trống đồng có từ thời Hồng Bàng“, rồi dậu đổ bìm leo với: “Xưa kia, dân Việt ta đi…thuyền đồng”.

Lạ quá thể, tuy nhiên lạ hơn nữa đến khỏang năm 2002, tóan khảo cổ người Trung Hoa dưới sự…chỉ đạo của Dr Cheng qua vùng Đông Sơn và đào được tới 240 cái trống đồng mang về Bắc Kinh. Sau đó ông viết một bài khảo luận dài, đưa lên mạng lưới tòan cầu, biện giải là những trống đồng này thuộc người Trung Hoa cổ xưa. Môi hở răng lạnh, những người trong nước không còn…”nhắc nhớ” và “bảo vệ” đến trống đồng Hai Bà nữa. Với họ, nhằm nhò lẻ tẻ gì với ba mớ trống đồng, trống thiếc, vì họ còn đang nhởn nhơ ngắm mây bay qua thác Bản Dốc, Hữu Nghị Quan, Trường Sa, Hòang Sa.

Chuyện là chuyện của họ, chẳng mảy may bận tâm, nhưng cái đầu củ chuối của tôi có những giải luận riêng tư, chẳng dính dáng đến bài viết vốn dĩ khô khan dầy đặc vì bụng bảo dạ là tôi không tin mấy ông Tầu làm được trống đó. Dù rằng họ tìm ra giấy, la bàn và thuốc súng, nhưng súng thần công họ phải qua tay nhân tài nước Nam ta là Hồ Nguyên Trừng với An Nam Thần Công. Vì vậy riêng tư với bạn, đào sâu chôn chặt tôi nghĩ người Tầu có thể nặn ra Tam Hòang Ngũ Đế, nhưng chém chết chẳng thể…”nặn” ra đựơc trống đồng. Năm 2002, tóan khảo cổ người Trung Hoa qua đây đào được tới 240 cái trống đồng rồi khơi khơi mang về Bắc Kinh làm của. Lạ nhẩy, thưa bạn. Còn ngừơi Nam ta thì sao? Thế nhưng lại vấp phải cái nạn chủng tộc và địa danh dưới đây….

Ngắn gọn thì tôi xin phép thưa thốt với bạn đôi điều rằng tìm về cội nguồn tộc Việt phải vật lộn với ba luận cứ khác nhau. Đã từ lâu, các sử gia ta bén rễ với sử Tầu và cho rằng tộc Việt từ Động Đình Hồ, tay bồng tay bế gồng gánh nhau xuống đồng bằng Bắc Việt. Sau thêm nhà bác vật Vương Hồng Sển, nhà văn Sơn Nam, nhà biên khảo Bình Nguyên Lộc. Họ dựa vào viện Viễn Đông Bác Cổ với người Pháp thì người Việt từ Nam Dương, Mà Lai lóp ngóp chèo thuyền tới tận Óc Eo, Cà Mâu. Nay có thêm thuyết mới qua những nhà sử học, nhà khảo cổ người Trung Hoa, Mỹ, Anh, Tây Ban Nha và ngay cả người Áo nữa…thì tộc Việt từ Phi Châu đi bộ qua tận vùng châu thổ sông Hồng..

Sông có khúc, người có lúc, thôi thì hãy ăn mày cửa Phật với người phương Bắc trước đã. Qua dẫn chứng của các sử gia ta, khởi đầu dựa vào tập cổ thư Bách Việt Tiên Hiền Chí trong bộ Lĩnh Nam Di Thư của người Trung Hoa thì Việt tộc nằm trong nhóm Bách Việt, đã từ lâu sống quanh quẩn bên Động Đình Hồ. Dữ kiện lịch sử có thể sai lạc, nhưng ca dao, bài hát ru con của các cụ ta xưa thể hiện những gì sẩy ra ở chung quanh xóm làng. Với những câu bình dị minh định điạ bàn và biên cương ngút ngàn mây bay như “Lên non truốt một bộ sào, xuống thuyền Bá Vọng, qua ao Ngũ Hồ” hay “Gió Động Đình mẹ ru con ngủ, trăng Tiền Đường thức đủ năm canh“. Nếu ca dao là một trong những dữ kiện của lịch sử và địa dư, thì chỉ số sọ là dữ kiện của nhân chủng học. Chỉ số sọ của người Việt là 82.13, của người Hoa Hán là 75.70, vì cách nhau 2 chỉ số nên thuộc chủng tộc khác. Trong khi chỉ số sọ của người Lưỡng Quảng là 81.70, khác nhau là 0.43. Với nhân văn học, nhóm Lạc Việt và dân Lưỡng Quảng, trong đó có săc dân Âu Việt và Việt Thường, lại cùng chung một sắc thái.nên được xem như cùng một huyết thống.

Lịch sử nước Nam ta là cả một chuỗi dài của những cuộc di dân triền miên, trải dài cả mấy nghìn năm cho đến ngày nay. Khởi đầu từ thời cổ đại, ở vùng đất rộng lớn và tương đối còn hoang vu nhóm Mongoloid ngự chiếm phiá trên sông Dương Tử. Nhóm khác đa chủng gọi chung là nhóm Bách Việt (“việt” đây hiểu theo nghĩa là “vượt”, là “chạy”) gồm hơn một chục sắc dân và được nhắc tới nhiều nhất là Lạc Việt, Âu Việt và Việt Thường. Họ khi tụ khi tán, như những bộ lạc du mục, phân chia rải rác ở miền Hoa Nam, nhóm Lạc Việt tạm ngừng chân ở Động Đình Hồ, Âu Việt ở Quảng Tây và Việt Thường ở Quảng Đông.

Đời nhà Thương thế kỷ 15 trước Tây lịch, họ di dân xuống phía nam, sau nhà thương không phải là…”nhà xác” mà là nhà Chu. Rồi qua nhà Tần thống trị Trung Hoa, nhóm Bách Việt vì sinh tồn, lui dần và tản mát về phía châu thổ sông Hồng. Tần Thủy Hòang sau đó chia vùng mới chiếm được ra làm ba quận để cai trị là Nam Hải (Quảng Đông), Quế Lâm (Quảng Tây) và Tượng Quận (Bắc Việt). Tư Mã Thiên là sử gia đầu tiên lập ra địa danh và niên biểu của các lân bang, theo ông năm 111 trước Tây lịch, vua Vũ Đế nhà Hán chia Tượng Quận làm ba quận nhỏ hơn là: Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam. Hiểu theo nghĩa đời thường mỗi “quận” là một nước với sắc dân riêng biệt. Sắc dân Lạc Việt tụ lại ở đất Giao Chỉ, một vùng đất rất nhỏ hẹp, thời ấy chỉ bao gồm những tỉnh như Bắc Ninh, Hà Nội, Hưng Yên, Nam Định và Ninh Bình ngày nay, bên kia sông Đáy là Bắc Giang vẫn thuộc nhà Hán. Cửu Chân tức Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh bây giờ với sắc dân Việt Thường. Nhật Nam của người Chiêm Thành, họ đã có mặt ở đây từ lâu, từ đèo Ngang rải rác xuống tới Quảng Nam. Riêng sắc dân Âu Việt, họ ngừng chân ở Lão Qua tức Ai Lao.

Tương quan với địa dư, những sắc dân vừa lược qua ở trên cùng những biểu tượng của những trống đồng. Mặc dù có những khác biệt đôi chút về đường nét vì tùy theo vùng, được chia làm hai loại: “cấu trúc kỷ hà học” hay “xoáy tròn theo trôn ốc“. Trên mặt trống và tang trống, hoa văn thường là chim chóc, thuyền, nhà sàn và hình người nhẩy múa. Những loại trống ấy dùng cho nhạc lễ, gần gũi với những sắc tộc người miền núi. Đồng thời qua sử sách từ đời Lý, đời Trần, không thấy viết về những trống đồng này và nhất là hoa văn “kỷ hà học“.

clip_image003

Mặt trống đồng Ngọc Lũ với hoa văn “kỷ hà học

Ngay cả như mới gần đây, họ tìm được trống đồng ở Kontum, Pleiku, nhưng trước năm 914, vùng đất này thuộc Chiêm Thành, đầu thế kỷ 20 vẫn còn thuộc Ai Lao. Người Pháp cắt đất Trấn Ninh ở miền Bắc để đổi lấy hai tỉnh cao nguyên. Dựa theo những sử liệu trên, người dựng sử giáo sư Nguyễn Lý Tưởng trong một bài viết đã cho rằng những trống đồng mà Mã Viện lấy được hay các nhà khảo cổ mới khám phá mới đây, không thuộc về tổ tiên chúng ta là chủng tộc Lạc Việt, mà thuộc về một chủng tộc nào khác tùy theo địa giới.

Ắt hẳn bạn đang nghĩ ngợi xa vắng với tình tự dân tộc, thì đây làng nước ta với nghề đúc đồng: Gần làng Bưởi, đời Lý thế kỷ 11, chùa Thần Quang thờ ông tổ nghề đúc đồng là Không Lộ Thiền Sư, người đúc chuông Quy Điền cho Chùa Một Cột. Năm 1677 đời vua Lê Hỷ Tôn, đền Trấn Võ thờ cụ trùm Trọng là người đã tạo nên tượng Trấn Thiên Chân Vũ, cao ba thước bẩy mươi, nặng bốn tấn. Từ đời Lý, dân cả năm làng Châu Mỹ, Đông Mai, Diên Niên, Dao Niên và Long Thượng thuộc tỉnh Hưng Yên được tập trung về kinh đô quanh Tây Hồ, sau có tên là phường Ngũ Xá, để đúc tiền, quan dụng, ngự dụng cho triều đình. Đó là chưa kể tới tượng Bà Chúa Liễu Hạnh ở phủ Tây Hồ, tượng Cửu Long ở đền Hàng Khoai, chuông chùa Tháp Bảo Thiên, tượng A Di Lặc chùa Trùng Quang cùng các đỉnh, vạc cho đền Đồng Kỳ, chùa Phả Lại và ngay cả chuông chùa Một Cột đời vua Minh Mạng, thay cho chuông Quy Điền.

Vậy mà không thấy nói đến trống đồng…Thế mới quái, thưa bạn!

Gần đây để thử nghiệm, quản thủ của bảo tàng viện Hà Nội mang trống đồng đến làng Ngũ Xá để nhờ họ dập khuôn đúc nguyên khối y hệt như vậy. Mặc dù có cả mấy trăm năm cha truyền con nối trong nghề, nay với máy móc tối tân và lò nung cao độ, họ cũng lắc đầu không thực hiện được. Cũng như Cửu Đỉnh bằng đồng ngòai cố đô Huế, mỗi cái tượng trưng cho một đời chúa, và mang một tên như Cao, Nhân, Chương…này kia. Phải dùng tới hơn 20 tấn đồng và được lò đúc của làng Thọ Dực đúc gần 3 năm mới xong, họa tiết với núi sông cây cỏ, mây nước, sấm sét, muông thú và…tầu bè khí giới nữa. Nhưng điều tôi muốn giải trình với bạn là: Những tác phẩm của triều Nguyễn như vạc đồng, đỉnh đồng trên thì tác giả là ông Jao Da Cruz người…Bồ Đào Nha đấy, thưa bạn.

Cuộc khai quật tiếp tục trải rộng xuống miền Nam, trống đồng được tìm thấy ở Long Khánh, Bình Dương, Biên Hoà, Hà Tiên, Châu Đốc…và địa điểm cuối cùng là Óc Eo trước kia thuộc đế quốc Phù Nam, sau là Chân Lạp, thường được gọi là văn minh Óc Eo, gắn liền với chủng tộc Indonesien. Để thêm có thuyết nguồn gốc tộc Việt từ Nam Dương di dân lên. Đường không số phố không tên, bạn và tôi hãy đảo về Sài Gòn vào thập niên 70 của miền Nam mưa nắng hai mùa, để lân la làm quen với Bình Nguyên Lộc. Năm 1964 tại Sài Gòn có bán cuốn Les Peuples la péninsule Indochinoise Histoire et Civilisation của G.Coedès. Năm 1971, Bình Nguyên Lộc dựa vào đấy để viết cuốn Nguồn Gốc Mã Lai Của Dân Tộc Việt Nam (trong này ông cũng ghé thêm thuyết của riêng ông là gốc rễ của Lạc Việt là chủng Malaya từ dẫy núi Hy Mã Lạp Sơn bên Tây Tạng đi xuống). Theo tác giả G. Coedès: Cách đây 5000 năm, có một sắc dân không biết từ đâu đến, kéo tới Nam Dương. Rồi ngược lên vùng Đông Nam Á, qua Trung Hoa, đến cả Triều Tiên, Nhật Bản, Đài Loan, Phi Luật Tân. Indonesien theo thuyết của G.Coedès là một cụm từ chung để chỉ nhiều chủng tộc vừa kể trên chứ không phải nói đến người dân của nước Nam Dương.

clip_image004

Trống đồng Myanma tìm thấy ở Tân Gia Ba

Đồng thời với thuyết trên, theo các nhà khảo cổ thì những đồ đá, đồ đồng được tìm thấy từ Nam Dương lên tới Vân Nam. Dùng Carbon-14 để định tuổi, họ đã khám phá ra rằng, những đồ đồng và những chiếc rìu được đúc bằng khuôn kép sa thạch, tuổi từ 2.300 năm đến 3.000 năm. Theo thứ tự thời gian nằm dưới lòng đất, 3.000 năm thuộc sắc dân Nam Dương, 2.500 năm thuộc sắc dân Mã Lai và 2.300 năm ở Cao Miên, Thái Lan và Việt Nam.

Có túc duyên mới được hầu chuyện với bạn, nhưng tôi cũng đắn đo và ngại ngùng khi va chạm tới mấy cái trống đồng, mà có một số người cho như là một hình tượng (totem) của một dân tộc, như một điều kỵ húy (taboo) để có một nhà biên khảo lão thành đã hờn mát: “Phủ nhận trống đồng là có tội với tổ tiên” vì “Trống đồng có từ thời Hồng Bàng” và chuyện huyền hoặc này theo tôi thì bắt nguồn từ một truyền thuyết xa xưa được kể lại rằng:

“Công chúa con vua Hùng Vương thứ 15 một hôm ra bờ biển du ngọan, thấy sóng đánh dạt vào bờ “một” cái trống đồng, trống chỉ một mặt không có đáy, hình thắt cổ bồng. Thấy vật lạ bèn sai quân hầu mang về kinh trình vua cha. Xem xong, vua Hùng Vương ra lệnh cho gọi tất cả thợ đúc đồng về kinh đô, cứ theo trống đồng mẫu mà rập khuôn ra…1900 cái “.

Còn “Dân ta đi thuyền đồng…” theo tôi thì họ nhập nhằng qua một đọan trích thuật trong Hậu Hán Thư của Phạm Việt là trống đồng đầu tiên là sản phẩm của người U Việt, thần dân của Việt vương Câu Tiễn. Họ có kỹ thật luyện sắt và nổi tiếng với hai thanh kiếm thời Xuân Thu là thanh Can Tương và Mạc Gia, không những vậy họ còn đúc cả thuyền…”sắt” nữa.

Dịch giả (khác dịch thật) Chavannes dịch là thuyền…”đồng”. Thế mới chết người, thưa bạn!

Từ Sử Ký của Tư Mã Thiên với bên cạnh Sở là nước Việt của Câu Tiễn. Một học giả lão thành muốn trở về một thuở hòang kim, giằng co với chữ nghĩa: “Phải chăng Phạm Lãi và Tây Thi cũng là người Việt (chả thấy nói đến Ngu Cơ, Hạng Võ, Hoa Đà Biển Thước cũng là người nước Việt chăng?). Rồi kéo theo Lão tử mà gốc gác trước kia vốn dĩ u u minh minh, gần đây chỉ biết người nước Sở, hình tượng nhàn nhã ngồi trên mình trâu, phe phẩy quạt ngao du sơn thủy. Thế nên được một môn sinh của triết gia với triết thuyết “An Vi” là cái gì của tộc Việt cũng nhất. Vây là Lão tử mang “căn cước” là…người Việt luôn. Chịu trời không thấu, ông Tạ Ngọc Liễn trong Mối quan hệ giữa văn và sử đã buông bút: “Quyền hư cấu của nhà văn về sử tới đâu? Văn không giống sử, đúng rồi, nhưng sử khác văn ở chỗ nào. Đó là văn học viết lịch sử như thế nào để nhận thức lịch sử chứ không phải là phản lịch sử”.

Thời kỳ hậu 1975: Trải rộng với nước non cùng cái cột “totem” là con rồng uốn khúc cả mấy nghìn năm. Đến thế kỷ 20, “tiếp cận” với hiện tượng thần linh là…cái trống đồng cùng “Văn Hòa Hòa Bình” với “Văn Minh Đông Sơn”. Rồi, ắt hẳn bạn đang rối rắm với hai cụm từ này, tôi cũng chẳng hơn gì bạn. Bạn nhướng mắt đăm chiêu như thăm dò, tôi cũng đành lộng chữ với nghĩa văn hóa đời thường hiểu theo nghĩa hẹp là chỉ kiến thức hay học vấn. Vì vậy nếu bạn biết uống trà mạn thảo ngâm thơ Thúy Kiều thì được nâng cấp là “có khả năng văn hóa nổi cộm”. Để tránh lẫn lộn giữa văn minh và văn hóa thì có thể tạm định nghĩa theo những người đi trước như sau: Văn minh là một phần của văn hóa, đặc biệt là tình trạng tiến bộ vật chất của con người trong phạm vi kỹ thuật. Thế nhưng phải giăng, phải gió gì đâu, họ cứ Văn Hóa Hóa Bình đảo qua Văn Minh Đông Sơn, rồi từ Văn Hóa Đông Sơn sàng lại Văn Minh Hòa Bình. Cứ như nôi đồng nấu ốc, nồi đất nấu ếch, rồi bắc cái rế qua nồi đất nấu ốc, nồi đồng nấu ếch. Thế nên đầu óc tôi rối lung tung beng, bụng dạ lộn tùng phèo nên chẳng hiểu gì hết ráo!. Quả tình tôi cũng “hơi bị…thiếu văn hóa” thật.

Góp nhặt qua sách vở với Văn Hóa Hòa Bình, tức niên đại đồ đá được chính thức đưa ra vào ngày 30 tháng 1 năm 1932 qua Madeleine Cobanie của viện Viễn Đông Bác Cổ, khi tìm thấy những vật dụng bằng đá như lưỡi rìu ở Thẩm Khuyên nên mới có Hóa Bình I (hay Hòa Bình sớm) với niên đại là 32.000 năm. Tiếp đến là tìm thấy rìu hình chữ nhật ở xóm Trại để có Hòa Bình II (hay Hòa Bình chính thống) cùng niên kỷ 18.000 năm. Cuối cùng rìu có tay cầm, lưỡi hình thang mài vẹt sắc ở cả hai mặt như rìu sắt ngày nay ở Thẩm Hoi để có tên gọi là Hòa Bình III (hay Hòa Bình muộn) với số tuổi là 11.000 năm.

Trong tập khảo luận tháng 3 năm 1975, Dr W.G.Solheim viết: “Trên một mảnh sành vuông khỏang 1 phân thấy dấu vết của một hạt thóc. Dùng carbon định tuổi hạt thóc và mảnh sành thì có khỏang 3500 trước Tây lịch, hơn Tầu và Ấn Độ cả nghìn năm”. Vì vậy Văn Hóa Hòa Bình được ông Đòan Thêm, ngẫu hứng với tình bằng có cái trống cơm để “chuyên tải” chữ nghĩa trong Tìm Về Bản Sắc Văn Hóa Việt Nam là: “Trung tâm đầu tiên trên thế giới của nền văn minh lúa nước là Đông Nam Á, chính là khu vực Hòa Bình ở Bắc Việt. Từ đó lan đi khắp thế giới, qua tận Đài Loan, Phi Luật Tân, Nhật Bản”. Nhưng: Tỉnh Hoà Bình, mới chỉ được sát nhập vào đất nước nhà khỏang 600 năm trước đây. (đời Trần với Phạm Ngũ Lão). Xưa kia đia danh này của nước Lão Qua, tức Ai Lao.

Lại nữa, chẳng dấu gì bạn là tra cứu sử thi, đọc sách đến lòi mắt tôi cũng lớ quớ chẳng hiểu “Văn Minh Đông Sơn” là gì? Hay đã có “văn hóa đồ đá” thì họ muốn lôi kéo thêm “văn minh đồ sắt”. Thế là tôi lại mầy mò với sử ký và địa dư và chỉ thấy lóang thóang là vào thời kỳ đô hộ, có hai ông Tầu dậy dân ta văn minh làm ruộng. Cho rõ trắng đen thì theo Đại Việt Sử Ký Tòan Thư, ông tên Tích Quang khi ở Giao Chỉ, lấy lễ nghĩa dậy dân, tục cưới hỏi. Còn ông kia tên Nhâm Diên làm thái thú Cửu Chân, dậy người Việt Thường dùng “điền khí” để cầy cấy. Để sau này tìm thấy cái trống đồng hữu ngạn sông Mã.

Nhưng Đông Sơn, Thanh Hóa của người Việt Thường, năm 890 bị Chiêm Thành xóa sổ trên bản đồ, mãi đến đời vua Lý Nhân Tông 1103 mới sát nhập vào sổ bộ nước nhà, thưa bạn.

Tích người Việt Thường, pho kinh nhật tụng của sử gia người Nam ta tự nghìn năm là cuốn Sử Ký Tư Mã Thiên có nhắc đến: “Vào đời Hán, sứ bộ người Việt Thường ở đất Cửu Chân mang chim trĩ cống thiên triều…”. Thấy bạn đang chộn rộn cùng cái trống đồng với “của người phúc ta”, thực tình tôi cũng chẳng buồn ê a cái tích ấy làm gì. Vì tôi đang đầu bù tóc rối để mầy mò về nguồn gốc một dân tộc, không thuần túy là dựa vào truyền thuyết hay sử thi viết trên thanh tre, khúc gỗ vài hàng cô đọng. Vì vậy, gần đây nhờ thư tịch đầy đủ sử liệu trên thế giới, thêm máy vi tính trải rộng, qua những tài liệu của các nhà khảo cổ học, ngôn ngữ học (ngôn ngữ tỉ hiệu), nhân chủng học, hải dương học, sinh vật học, huyết thống di truyền học DNA và ADN để có cái nhìn bao quát và rộng rãi hơn và nhất là môn tiền sử học, tức là môn học dựa trên sự khai quật, đào bới các di tích tiền sử các di vật như đồ dùng, binh khí, xương sẩu. Một sử gia đã viết:: “Trong những giai đoạn lịch sử của nước nhà, thời cổ sử là thời ít được nghiên cứu hơn nên thời gian này u ám nhất. Nếu không đào sới, người đọc khó mà thấy sự thực huy hoàng và đẹp đẽ của buổi hừng đông”.

Bạn và tôi, nhớ lại ngày nào ngược con đường mòn cô quạnh của G.Coedes, quây quả xuống tận Cà Mâu (gần Óc Eo), chèo thuyền vượt biển tới Mã Lai rồi qua đây xin nhận nơi này làm quê hương. Với đất rộng người thưa mà lịch sử lập quốc chỉ hú họa trên dưới 2000 năm, lại thả hồn theo mây khói với gốc gác tộc Việt thì buồn ngủ gặp chiếu manh, lớ ngớ thế nào quơ ngay phải Dr. J.Y Chu cùng thuyết cội nguồn tộc Việt từ mãi tận bên…Phi Châu.

Vì vậy bài tản mạn này mới có cái tựa đề Vạn Lý Quan San. Bạn thở dài, tôi thở ra, lỡ bước chân xuống thuyền, quen chèo, nên phải chèo tiếp vậy.

Nhưng trước khi gãi ngứa Dr Chu thì ngày là gió tháng là mây, bạn và tôi hãy ngừng bước chân luân lạc để ghé quần đảo Andaman trong Ấn Độ Dương cận Mã Lai (lại Mã Lai nữa) mà những hậu duệ của tổ tiên nhân lọai, từ Phi Châu sang Á Châu có lẽ còn sống sót: Nhà khảo cứu Erika Hagenberg thuộc đại học Cambrige và Carlos Lalueza thuộc đại học Barcerlone-Tây Ban Nha sau khi lấy những sợi tóc của 42 thổ dân và với thử nghiệm ADN (acid desoxyribo nucléique) và hai ông đã khám phá ra là trong nhân tố ADN của người Phi Châu da sậm tóc xoăn nơi đảo Aadaman còn sót lại, có những đặc tính của người tiền sử Sapiens (người có trí khôn). Phỏng chừng một nghìn thế kỷ trước có một tập thể khỏang vài nghìn người Sapiens đã rời bỏ lục địa Phi Châu và vùng Cận Đông và chia làm hai nhóm. Nhóm thứ nhất đi về hướng Âu Châu và ngược lên khu rừng hoang giá ở tận Tây Bá Lợi Á. Nhóm thứ hai đã tới Ấn Độ, Úc Châu, Trung Hoa. Trong cuộc di dân liên lục địa ấy, người Sapiens gặp người cố cựu Homo Erectus (hay lập nhân tức người đứng thẳng) sinh sống ở Âu Châu và vùng Cận Đông. Giống người Sapiens bị đồng hóa bởi “người đứng thẳng” cố cựu tới sau. “Người đứng thẳng” vì sinh tồn, họ đã làm nhà sàn, trồng lúa, thuần hóa lợn rừng thành lợn nhà và ngay cả chế biến vỏ cây làm quần áo…Và “người có trí khôn” đã biến mất khỏi trên địa cầu khỏang 6.000 tới 10.000 năm trước Tây lịch.

Chuyện là tốt khoe xấu che, hiện nhà tôi có một cái tượng Darwin mà tôi thửa được bên bờ sông Seine từ năm 1965 lận. Cái tượng nhồi nặn một con khỉ, tay cầm cái đầu lâu người trắng hếu, ngồi trên một đống sách và “tư duy” không biết mình ở đâu mà…hiện hữu. Thì may quá là may, vào một ngày ngồi ngòai vườn nghe chim kêu vượn hú thì đọc được một luận giải rất chí tình của người trong nước. Nghiền ngẫm đến hai, ba lần, mắt tôi trắng dã như đười ươi giữ ống, họ cho rằng Khỉ ở con chuột mà ra…Mà chuột là hậu duệ của cáo, chồn. Và họ còn đào sâu chôn chặt thêm là ông cố, cố nội của chuột là…con dơi “.

Lạy chúa tôi, chồn và cáo có họ hàng hang hốc gì với khỉ? Tôi vặn óc nghĩ hòai không ra. Vậy mà họ gọi là thuyết tiến hóa của lòai người với đột biến di truyền. Bá quan bá tính, tin hay chăng tùy bạn.

Tiếp đến, ba tác giả Charles O.Hucker, W.G.Solheim II, Dr B.Su, tất cả đều chung một quan điểm khơi khơi: “Người Việt đã có từ trước ở đồng bằng sông Hồng và cũng đã có mặt trên đất Trung Hoa dưới sông Dương Tử…”. Nhưng phải đợi đến Dr Chu trong The National Academy of Sciences-USA 1998, bằng vào di truyền học DNA mới rõ ràng hơn, ông đã chứng minh được con người cận đại (sapiens) ở vùng Đông Nam Á khởi nguồn từ Đông Phi Châu, khoảng 150.000 năm trước, lúc này các lục địa chưa tách rời. Họ đã đi vòng từ phiá nam đến quần đảo Nam Dương rồi qua bắc Úc, khoảng 90.000 năm. Sau họ đi ngược lên vùng Đông Nam Á và tụ lại ở miền đồng bằng Bắc Việt, khoảng 50.000 năm (điều này phu hợp với 32.000 năm với thời kỳ đồ đá ở Hòa Binh I hay Hòa Bình sớm). Rồi nhóm người tiền sử này đã đi lên hướng bắc vào lục điạ Trung Hoa, khoảng 35.000 năm.

Trước đó 10 năm, Dr. Stephen Oppenheimer (London 1988) trong The Drowned Continent of South East Asia, qua các nhà hải dương học cho biết thêm: Khi người Phi Châu đặt chân đến Đông Nam Á thì vùng này nằm trong thời kỳ biển thóai. Mực biển thấp đến 130 thước, người ta có thể đi bộ đến các hòn đảo ngòai khơi, đến tận Úc Châu. Đất liền từ Việt Nam kéo dài tới đảo Hải Nam và ông gọi vùng đồng bằng Bắc Việt là lục địa NamHailand.

 

Theo ông người Việt cổ di cư lên phiá bắc vào đất Trung Hoa làm 2 đợt:

– Đợt thứ nhất, khoảng 40.000 năm, sau khi sẩy ra đột biến di truyền ở Đông Nam Á nói chung, ở miền bắc Việt Nam nói riêng, từ hắc chủng (da đen, tóc xoắn) trở thành hoàng chủng (da vàng, tóc đen).

– Đợt thứ hai, khoảng 8.000 năm, toàn bộ đồng bằng Bắc Việt ngày nay bị nhận chìm dưới nước. Người Việt ở vùng đồng bằng sông Hồng lại phải di dân lên phiá bắc Trung Hoa một lần nữa để tránh nạn lụt bằng hai ngả: Ngả tây bắc Vân Nam, Tứ Xuyên và ngả đông bắc Quảng Đông, Quảng Tây.

Một năm sau, vô hình chung điều này phù hợp với Hàn Lâm Viện Xã Hội Trung Hoa qua bản nghiên cứu China Minotities năm 1989: “Người Lỉ tại đảo Hải Nam là một chi của người Việt Nam xưa, gốc từ người Choang từ Quảng Tây di cư qua đảo này trước đây 3.000 năm, vào cuối đời Thương hay đầu đời Chu. Về phương diện chủng tộc, họ theo chế độ mẫu hệ nguyên thủy, ăn trầu, cài cúc bên trái và ngôn ngữ của họ giống người Việt Nam ngày nay ở cách phát âm, văn phạm và từ ngữ”. (Theo Thái văn Kiểm thì một dị biệt căn bản giữa tộc Hán và tộc Việt về phương diện ngôn ngữ là trong cú pháp thông thường thì ngừơi Việt Nam đặt định từ sau danh từ. Như ta nói “Nhà tôi có cái sân lớn “. Thì người Trung Hoa nói “Ngã gia hữu đại đình”. Nói một cách khác thì cú pháp của ngưoi Việt giống người Pháp, còn người Trung Hoa như người Anh-Mỹ).

clip_image006

Tượng bán thân người Việt cổ -Điêu khắc gia Vũ Cao Đàm – 1931

Bạn đang nhíu mày với bát sành lại đụng chén sứ, đũa mộc lại chòi mâm son vì mấy ai muốn gốc gác mình từ Phi Châu, lại hóa đen thành vàng. Nếu nhưng bạn có lẩn thẩn hỏi tôi những thuyết về cội nguồn tộc Việt, thuyết nào nghe suôi tai mát con mắt thì nói cho ngay, theo cảm tính, tôi nghiêng về ông Dr Stephen. Vì ông đã vén mở được một phần nào những khuyết sử như người Nam ta đã có mặt ở Động Đình Hồ. Hoặc giả như từ Nam Dương di dân lên qua Bình Nguyên Lộc với viện Viễn Đông Bác Cổ, sức người có hạn, mấy ông Tây thời buổi ấy chỉ ngừng chân ở nơi này và không bước được xa hơn. Và để móc nối thì không thể không nhắc tới những người từ Cận đông qua châu Á. Hay ngược lại, từ châu Á đến châu Mỹ. Bạn đang liên tưởng đến con đường tơ lụa dài dằng dặc của người Trung Hoa chứ gì?

Thì cũng đâu đó đấy thôi, thưa bạn:

– Cuối thập niên 1970, hơn 100 xác ướp người Caucase, mũi cao, môi mỏng, mắt sâu, được khai quật ở Tân Cương. Tháng 5 năm 1997, giáo sư Victor Mair, chuyên về văn minh Trung Hoa thuộc đại học Philadelphia đi đến kết luận là các xác ướp này, từ hình thể đến di truyền là những người Thổ Nhĩ Kỳ nguyên thủy, có niên đại từ 2.000 tới 6.000 năm. Ngòai ra còn tìm thấy nhiều vật dụng, vải vóc giống như của người Đức cổ xưa và dưới bệ một xác ướp có ghi Mẹ Tổ Quốc Ouigour được viết bằng tiếng Ả Rập, dưới còn phụ chú thêm: “Dân tộc ta đã có từ 4000 năm ở mảnh đất này”. Ngay sau khám phá trên, các nhà khoa học, khảo cổ Trung Quốc đã cò kè mặc cả bớt một thêm hai và cho rằng con số tối đa người Cận Đông có mặt trên đất nước họ nằm ở khỏang năm 2.000. Lý do là theo chính sử tộc Hoa Hán khởi thủy lập quốc từ đời nhà Thương, khỏang 1.600 năm trước Tây lịch, nhưng với dã sử cùng Tam Hòang Ngũ Đế nên có chiều dầy thêm lên. Cũng qua bản tường trình ấy, những nhà khảo cứu cho biết thêm là vùng sa mạc Tân Cương bị bế quan tỏa cảng, những taxi chở người ngọai quốc có túi lớn tới phi trường đều bị khám xét, vì họ sợ mang xác ướp ra khỏi nước.

Ngày 14-1-1997, một số sử gia trẻ Trung Hoa viết trên tờ Xiajiang Daily:

Hãy trả lại cho lịch sử những gì thuộc về lịch sử.

Điều này cũng trùng hợp với trong sách của Bình Nguyên Lộc vì trước kia, theo sử liệu của mấy ông Tây thì người Tầu không phải là một sắc dân thuần chủng, mà pha lai giống với người Mông Cổ nên được gọi là Mongoloid. Ông dựa vào đấy và viết: “Thời thượng cổ, rợ Nhục Chi đụng đầu với rợ Hung Nô tức Mông Cổ tại biên giới Tây Vực và Hoa bắc. Họ sống chung với một chủng tộc phương Tây (ông Bình Nguyên Lộc không biết rõ chủng tộc nào) để đứa con lai của 3 (ba) chủng hợp thành chủng Mongoloid hay Hoa tộc”.

Rồi từ châu Á đến châu Mỹ, nói gần chẳng qua nói xa là sự thể như thế này đây:

– Tháng 9 năm 2004, Dr Silvia Gonzaler thuộc trường đại học Lieverpool John Moores, Luân Đôn, sau khi nghiên cứu một số xương sọ cổ đại, vừa được tìm thấy ở Mexico, giải đất dưới miền nam California, có độ tuổi 12.700 năm, hình dáng dài và hẹp, rất khác với các xương sọ ngắn và tròn của người da đỏ địa phương. Bà tuyên bố trong buổi họp của Hiệp Hội Nhân Chủng Học Anh Quốc tại Exeter. Nguyên văn không sai một chữ:

– Chúng tôi đã lấy DNA và kết quả sẽ trở thành…”Một trái bom”.

Rồi bà cùng các đồng nghiệp khác dẫn giải: “Chúng giống với xương của người Nam Á (hiểu theo nghĩa Đông Nam Á) vùng nam Thái Bình Dương hơn là người Bắc Á (bắc Mongoloid) như những giả thuyết truyền thống trước đây. Họ nhập cư qua ngả Nhật và Polynesia, trước cả những thổ dân da đỏ Kennewick mà xương sọ tìm thấy ở tiểu bang Washington, chỉ có 9.000 năm không mà thôi “.

Bà dẫn chứng thêm trong phúc trình: “Điều này hòan tòan phù hợp với các nhà nhân chủng học Tây Ban Nha. Năm 2003, họ nghiên cứu về sắc dân Pericue tại bán đảo Bajia ở California, sắc dân này hòan tòan tuyệt chủng vì bệnh dịch từ thế kỷ thứ 18, qua các tài liệu để lại của các nhà truyền giáo. Họ tìm thấy những chứng tích là sắc dân này từ Nam Á tới đây “.

Tôi không biết bạn nghĩ thế nào, chứ tôi thấy khám phá mới nhất của bà vào năm 2004 phù hợp với Dr Stephen ở trên: Sau khi biến thái di truyền từ hắc chủng qua hòang chủng, khoảng năm 40.000, họ di chuyển lên phía bắc Trung Hoa và đến Mỹ châu qua ngả Nhật và Polynesia. Hay nói một cách khác, bạn và tôi đang là lớp “di tản” thứ nhất. Để chẳng chóng thì chầy có thêm đợt di dân thứ hai với con cháu…Xin lỗi nói lộn…Nói lại là với đám chút, chít, chịt của bạn sẽ di cư trong phần kế tiếp, đang ăn chực nằm chờ ở trang sau, thưa bạn.

Bạn đang xanh mặt!!! Nào có gì đâu, chả là như các cụ ta xưa dậy cấm chả ai rằng bất cứ chuyện gì cũng có thể sẩy ra dưới ánh sáng mặt trời…Vì rằng:

– Lại mới có thêm một trái bom nổ chậm nữa. Từ…Việt Nam.

clip_image008

Gần đây ở trong nước, giáo sư Trần Quốc Vượng, một trong tứ trụ ngành sử và khảo cổ của Hà Nội. Trong một lần đi…”điền dã”, chữ nghĩa hôm nay là vậy đấy bạn, điền dã hiểu theo nghĩa là đi đào sới, khai quật và quỷ tha ma bắt gì đâu, vớ ngay mấy bộ xương của người Phi Châu. Nên đã báo cáo anh báo cáo em rất bài bản: “Các nhà khảo cổ ta cũng vừa phát hiện được nhiều di cốt của những lớp cư dân Da Đen cổ đại 30.000 năm, cùng ngọc Ba Tư và đèn, ảnh hưởng Địa Trung Hải…”. Họ loay hoay với những hình người nhẩy múa đến chóng mặt với luận điểm nhắn nhe rằng: “Nên nhớ rằng những nền văn hóa trước Đông Sơn và tiền Đông Sơn có sự đóng góp lớn của những lớp di dân Da Đen cổ đại này” . Với bản tin hỡi ơi như trời giáng trên, sau khi nghiền ngẫm qua mặt trống đồng rất kỹ lưỡng, một nhà làm văn hóa trong nước tuyên bố chắc như cua gạch: “Với hình tượng đóng khố chèo thuyền, dòng nhạc dân tộc Nam giao, Nam ai ở cung triều Huế, từ nhạc…Jazz mà ra”.

Trống làng nào làng ấy đánh, thánh làng nào làng ấy thờ, thì cũng tốt thôi…Thưa bạn.

Qua những tác giả cận đại kể trên, tôi mường tượng cái lộ trình trống đồng khả dĩ tương đối có thể chấp nhận được là dòng thác di dân từ Đông Phi Châu tới Nam Dương, rồi qua cửa ngõ Óc Eo, cùng những chiếc trống đồng như những bước chim di, rơi rớt rải rác khắp nẻo đường đất nước, Hà Tiên, Bình Dương, trèo đèo lội suối lên tận Pleiku, Kontum (diều này tôi chắc như bắp luộc với bạn rằng, những sĩ phu Bắc Hà hôm nay, chả dại bắt quàng làm họ với …Văn Minh Pleiku, với…Văn Hóa Kontum đâu, thưa bạn). Tiếp, hoặc giả họ từ vùng Cận Đông đi về phía đông, ngừng chân lại ở Thanh Hóa. Nhưng có một khúc mắc là, trong đôi giầy theo những bước chim di của họ, có một viên sạn nhỏ, lấn cấn và khó chịu: Không lẽ, họ đi đâu cũng vác chiếc trống đồng theo.

Chưa hết, thêm một chi tiết rất đặc thù, những trống đồng Đông Sơn, cấu trúc, đường nét và hoa văn “kỷ hà học” thì rất gần gũi, gần như đúc cùng một khuôn với cái trống đồng hiện còn đang trưng bầy tại bảo tàng viện Serial ở Istambul, thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ.

clip_image010

Trời thương thánh độ, có một chút ánh sáng le lói ở cuối đường hầm vì nhiều khi cây kim nằm trong cái bị lâu ngày mà chẳng hay. Ông Roberts Geldern, một nhà nhân chủng học người Áo, đã cho xuất bản vào năm 1932, một quyển sách mỏng về những nét đại cương vùng Đông Nam Á thời tiền sử. Có thể rằng vì sách mỏng quá, chỉ có vài chục trang, ông lại là người Áo, nên khi ông cho biết như sau, ít người quan tâm: “Nguồn gốc đồ đồng ở đây là do một cuộc di dân từ Cận Đông tới. Sắc dân này mang theo không những kỹ thuật đồ đồng, mà còn cả khái niệm mỹ thuật để trang trí trên mặt trống, như kỷ hà học hoặc xoáy tròn trôn ốc cùng hình người và thú vật…. Và họ đột nhiên biến mất đầy bí ẩn, trong khoảng trên dưới 3.000 năm trước Tây lịch, không để lại dấu vết ngoài những chiếc trống đồng mới tìm được”.

 

Vậy là xong…Ủa mà lạ chửa kìa, sao bạn lại ngáo ệch ra nhìn tôi?

Cũng đầy kỳ bí như một sắc dân ở trên đảo Easter nằm lẻ loi miền nam Thái Bình Dương, đột nhiên biến mất, cũng không để lại dấu tích, ngoài cả chục bức tượng đá khổng lồ đầu người (stonehange), hình thù kỳ dị nặng cả chục tấn, dựng đứng một hàng dọc theo hoang đảo, không đồi núi, chỉ toàn cát và cỏ dại và nhìn ra biển khơi, lặng lẽ và buồn thiu, chẳng bao giờ nhếch mép một nụ cười với bạn, với tôi, đang hoa mắt với chữ nghiã nhẩy muá, cùng những con số lê thê kéo dài tới thời…cổ đại.

Tôi cũng đang hình dung đến khuôn mặt buồn ra cửa biển của bạn với chuyện các nhà hải dương học, mặt biển rút xuống 130 thước, đất đai khô cằn, di dân thong dong đi từ nơi này qua nơi kia, lại đi từ Phi Châu tới nữa mới khó hiểu. Với tôi thì là…chuyện nhỏ. Bạn lại làm ra cái điều hồ nghi chủ nghiã…

Vậy mời bạn theo tôi ghé Cape Town ở nam đại lục Phi Châu. Tôi sẽ dẫn bạn đi dọc bờ biển tới mũi Hảo Vọng, ở đấy có một hòn đảo nhỏ, bạn đừng…lội bộ mà hãy cùng tôi lấy phà qua bên ấy để vào thăm Bảo Tàng Viện Quốc Gia. Ngay trên cái bàn ở góc tiền sảnh bên tay trái, bạn sẽ thấy có trưng bầy một chiếc thuyền thúng và một cái chèo. Bạn thóang nhìn qua chẳng thấy có gi hay ho cho lắm, ắt hẳn là thuyền của một thổ dân nào đó đi săn… cá sấu đó thôi. Vậy mà cũng rách chuyện…

Nhưng nhìn tấm bảng đồng ở phía dưới, bạn sẽ thấy ghi chú:

– Thế kỷ 17, người An Nam tên Phan, từ Hoi An lạc tới đây bằng cái…này.

Bạn đang thả hồn theo mây nước cùng biển Phi Châu với chiếc thuyền thúng thì nghe thấy tiếng “cạch, cạch”. Ấy là các nhà làm văn hóa trong nước đang cầm cái dùi gõ lên mặt trống và họ vặn vẹo: “…tùy theo hình tượng của từng con thú, rõ ràng có…ấn tượng với âm giai ngũ âm truyền thống dân gian”. Rồi họ nắn véo “Ca dao, tục ngữ, đồng dao, ngay cả cò lả, hát lý, hát chèo cũng từ trống đồng mà ra“. Giời ạ, ông giời có mắt xuống đây mà xem, nào đâu họ có chịu vểnh tai lên nghe mà hiểu cho rằng trống đồng rỉ sét sau mấy ngàn năm thì còn gì với âm thanh…cò lả, cò leo gì nữa. Nếu nghe tiếng chuông,…tiếng trống mà chưa tỉnh thức thì bạn hãy trở về với miếu đền qua một biên khảo “sâu sắc” khác: “Miếu Đồng Cổ ở phía tây Hà Nội gần Bưởi, thờ trống đồng, một biểu tượng của văn minh Việt cổ thời dựng nước…”.

Lạy chúa tôi, đầu óc tôi lùng bùng vì trộm nghĩ rằng bài tản mạn về trống đồng của mình có “sư cố” gì chăng, vì rõ ràng nghe họ nói là có…trống đồng ở trong miếu. Hai giờ sáng, tôi chòang dậy còng lưng tra cứu Bắc Thành Địa Dư Chí Lục và Thăng Long Cổ Tích Khảo thì hóa ra: “Ở thôn Nam, phường Yên Thái, thành Thăng Long, nay thuộc quận Ba Đình. Từ đời Lý có dựng miếu thờ Thiên Hạ Minh Chủ Tôn Thần tức thần núi Đồng Cổ”. Thế là bạn lại thân già vác dùi nặng theo tôi vê núi Đồng Cổ, còn gọi là núi Khả Lao, huyện tỉnh Thanh Hóa để nghe ông từ giữ đền rỗi hơi kể chuyện…thần thọai: “Xưa, tương truyền vua Hùng đi đánh Chiêm Thành, trú quân ở dưới núi. Đêm nằm mộng thấy thần hiện lên xin cho đem trống đồng theo trợ chiến. Khi lâm trận vua Hùng nghe như có tiếng trống vang trên không trung. Thắng trận trở về vua Hùng phong cho thần là thần núi Đồng Cổ”.

Giời ạ, vua Hùng chỉ nằm mơ thôi…Thế mới phiền.

Sau năm 75, những nhà làm văn hóa trong và ngòai nước có những trận bút chiến về một chữ lạc. Vì người Tầu đọc lạc là “lo”, nghĩa là lúa gạo. Theo tự điển “lạc” là tên của một lòai chim. Nhưng chẳng ai biết chim gì, chỉ biết nó chân cao, cổ ngắn và mỏ dài thế thôi. Ấy vậy mà ông Đào Duy Anh, khoa trưởng Sử Học đại học Hà Nội, ông vẽ rết thêm chân: “Như thế thì chữ Lạc chính là tên vật tổ, tức chim totem hay chim hậu điểu miền Giang Nam đã thấy trên trống đồng Ngọc Lũ. Những biểu tượng ấy, chứng minh những người đúc trống đồng Lạc Việt đã từng vượt biển. Sử gia miền Nam Trần Gia Phượng nương đà phóng bút:

– Nếu biết là chim lạc là chim gì thì các ông không cãi nhau. Nếu không biết chim lạc là chim gì thì làm sao các ông biết rằng hình trên trống đồng Lạc Việt là…con chim lạc.

 

Sư nói sư phải vãi nói vãi hay, thôi thì hãy trở về với truyện trống đồng ngàn năm mây bay của riêng tôi. Bạn với tôi đang trên đường đi Phủ Quảng, hãy tạm ngừng chân ở bến đò An Định bên bờ sông Mã, thảnh thơi làm một bát chè vối rồi hãy qua đò, về một vùng hoang vắng đìu hiu với gíó nồm gió hanh vào năm 1943 để gặp gỡ ông O.Jané. Ông cũng đang “điền dã” một cái mộ cổ và ông cho biết: “Những cảnh trí và hình người khắc trên trống đồng khiến tôi mường tượng đến những trống đồng mà người Mường hiện nay còn sử dụng trong tang lễ. Họ treo trống đồng trên xác gia chủ trong thời gian quàn, có khi khá lâu và đánh lên trong bữa cỗ cúng ngưòi qua đời“. Trong Archéological Research in Indochina do Havard University Press ấn hành, ông lững lờ viết:

Theo tôi dân Đông Sơn không phải là tổ tiên của người An Nam hiện nay.

 

Ủa, bạn lại óc ách nhìn tôi nữa? Thì như tôi đã thưa với bạn từ trước, với cái trống đồng, bạn với tôi như thầy bói mù sờ voi, bạn sờ cái đầu, tôi mó cái đuôi.…Với cái đuôi, bạn hãy cùng tôi lang thang về một cõi vô cùng của một thời hồng hoang tiền…tiền đại cổ sử:

“…Cách đây hơn mười tỷ năm, vào một lúc chưa có thời gian, chưa có không gian, một năng lượng vô cùng tận đã phát nổ, đã khai sinh ra vũ trụ, tạo ra bầu khí quyển thành vật chất, đất đá, thực vật và con người cùng ý nghiã của cuộc tồn sinh, trong đó thời gian đã nhập vào không gian, con người đã hoà nhập vào vũ trụ, không có hữu hạn, mà cũng chẳng có trường cửu. Đó cũng chính là thời điểm của Big Bang 1.

Lấy cái mốc thời gian là năm 1975, 5.000 năm sau, vào một ngày mưa gió vần vũ…Có một tảng thiên thạch cực cực lớn lao xuống địa cầu và…thuở trời đất nổi cơn gió bụi…, ánh sáng không tới được mặt đất, cả địa cầu chìm đắm trong mùa đông đen tối, để trở về thời kỳ hồng hoang của thời điểm Big Bang 2. Không có sự sống, thực vật và sinh vật cùng con người bị tuyệt chủng vì đói lạnh. Sau cơn thiên tai kinh hoàng và khủng khiếp đó, có độc nhất con vi trùng đơn bào của rong biển còn sót lại, có một tế bào gồm hàng triệu phân triệu DNA ra đời. Đánh dấu sự sống đầu tiên trên mặt điạ cầu, trời lại sáng, cây cỏ lại tốt tươi, gần 5.000 năm sau nữa, con người tiền sử homo sapiens đầu tiên xuất hiện và sống chui rúc trong hang động, vách núi như những người tiền cổ sử, ăn lông ở lỗ với nền văn minh đồ đá.

Không phải đợi đến hai triệu năm sau như thời điểm Big Bang 1, với chỉ số sọ 82.13, họ đã đuổi kịp nền văn minh đồ đồng trong một khoảng thời gian rất ngắn. Vì bản năng sống còn, họ tụ lại ở miền Viễn Tây phì nhiêu từ thuở sơ khai ngay sát bán đảo Ycatan của Mễ Tây Cơ. Họ không phải là sắc dân thuần chủng mà bị lai giống, mặc dù thuộc giống da vàng tóc đen nhưng bị chủng da trắng mắt xanh đồng hóa nên được gọi là chủng Americoid. Và họ trở về với cội nguồn của chính họ, qua tân khảo cổ học và tân sinh vật học, họ chối bỏ thuyết Darwin, họ chấp nhận tổ tiên của họ là con rồng cháu tiên, khởi thủy lập quốc ở Cổ Loa Thành xa xôi bên kia Thái Bình Dương.

10.000 năm trước thời điểm Big Bang 2, năm 1975 vì cơn đại hồng thủy nên họ đã di dân qua đây và chọn nơi này làm đất tạm dung. Cũng giống như vào đời Lý nào đó, tiên đế họ là hoàng tử Lý Long Tường, cùng 600 tùy tùng từ bến Đinh Hải vượt biển đông và cập bến Cao Ly vào năm Bính Tuất 1226. Vì qua các nhà hải dương học, các lục địa còn dính liền với nhau, người ta có thể lội bộ từ đảo Hải Nam đến Nam Dương. Nhưng mấy nghìn năm sau, khí hậu trái đất nóng lên, các khối băng giá ở nam, bắc cực tan ra nước làm cho mặt biển dâng cao hơn lên một vài trăm thước. Và đất tổ của họ ngập chìm xuống Thái Bình Dương.

clip_image012

Đền thờ Lý Long Tường ở Đại Hàn

Để có một ngày, họ theo chân các nhà khảo cổ tới bãi biển gần Ycatan xưa kia, họ khai quật và khám phá ra một cổ vật rất nhất cổ nhì quái, không phải một mà cả chục nghìn cái:

” Đó là một cái chậu đồ gốm, không có hoa văn, bằng đất sét sa thạch, mầu gạch nung, cao 12 inch, mặt trên hình tròn đường kính cũng 12 inch, và đặc biệt là ở dưới, có 4 cái lỗ đều nhau chung quanh thành chậu, đáy là một cái đĩa chũng đã hoen ố và lạc tinh như mầu da chu, đường kính 9 inch. Dùng C12 định tuổi niên đại thì khoảng đâu đó trên dưới 11.975 năm”.

 

Từ thời tiền, tiền cổ đại, tổ tiên họ ở tận đồng bằng châu thổ sông Hồng, ở đấy có ruộng lạc, ruộng đó tuỳ theo thủy triều lên xuống nên còn được gọi là ruộng nước, dân khai khẩn ở đó còn được gọi là dân Lạc. Bằng vào với những dữ kiện tiên thiên vừa mới mầy mò được, họ khẳng định là: “Cái chậu này dùng để trồng cây”.

Chậu hình “thang” ngược, biểu tượng cho chữ “thiên”. Cái đĩa chũng dưới đáy chậu, biểu tượng cho chữ “địa”. Và bốn cái lỗ, tượng trưng cho mùa màng với “xuân, hạ, thu, đông”. Một số nhà làm văn hóa khác còn khẳng định, vì mặt chậu tròn, hình tượng cho bánh dầy, tức trời. Bốn lỗ vuông hình tượng cho bánh trưng, tức đất: Nên cái cổ vật này đã có từ đời vua Hùng Vương thứ 18, thuộc về Việt tộc tự nghìn xưa với nền “Văn Minh Cổ Lạc Việt”.

Họ đưa vào bảo tàng viện, xem như đồ quốc bảo của dân tộc với nghìn năm mây bay…”.

***

Còn rất nhiều sử kiện tồn nghi cần phải cẩn án, nên bài tạp bút này không có đúc kết.

Lực bất tòng tâm, người viết chỉ là con bò nhai lại những gì của những người đi trước. Viết cũng muốn có người đọc, nhưng bụng bảo dạ rằng múa may gì cũng phải viễn kiến những sở kiến của bạn đọc, vô chi bất mộ là thất lễ. Thế nên người viết tự nằm lòng: Trong cõi nhân gian này, biết bao bậc thức giả cao minh thượng thông thiên văn, hạ thức địa lý, trung trí nhân sự, hiện họ đang ẩn mình trong rừng sâu hang thẳm với mũ ni che tai đấy thôi. Vì họ có những kiến giải, những cái nhìn khác biệt. Hay nói khác đi, thiên bất đáo địa bất chí cách mấy trộm nghĩ răng học thói thầy Trang Tử, người viết nào có khác gì con ếch ngồi dưới đáy giếng làm sao biết chuyện trăng sao trên trời. Con bướm không sống qua một mùa đông, làm sao biết hết được chuyện tuyết rơi. Vì vậy qua những trang giấy bèo bọt đây, nếu người viết còn non kém hay có những sơ sót này kia, xin bạn đọc niệm tình miễn thứ cho.

Thêm nữa, với cái trống đồng ở đâu mà ra, từ đâu mà đến. Người viết mạo muội nghĩ rằng ở một góc độ nào đó, bài viết không thể thẩm định như đúng hay sai, nói cho ngay, tất cả chỉ là những cảm nhận nhất thời của người viết. Nương bóng cửa Thiền thì: “Biên giới của chủ quan hay khách quan không bằng một sợi tóc”, hoặc giả như “Đúng hay sai, một vài điều, mặc dù là sai, nhưng lại có thể đúng ở một thời điểm khác, nhiều khi cả…trăm năm sau”.

Để rồi đèo bòng lược sử cội nguồn của tộc Việt, người viết đưa bạn đọc về một thời hồng hoang của cổ sử, cùng dẫn chứng này nọ với trích dẫn và tham khảo. Chẳng hẳn là tận tín thư bất như vô thư, mà từ đông sang tây, sử sách ở đâu cũng có những khiếm khuyết và uẩn khúc của riêng nó. Để lại thêm một lần vay mượn chữ nghĩa của một sử gia: “Sự thật của lịch sử là gì? Sự thật của lịch sử là một quả cầu tròn, mỗi người chỉ nhìn được một phiá…”.

Tất cả người viết chỉ muốn trang trải có bấy nhiêu. Thưa bạn đọc.

clip_image004[1]

Trúc gia trang

Phí Ngọc Hùng

Phụ chú:

Bài viết được góp nhặt qua những tác giả: Thái văn Kiểm, Nguyễn Khắc Ngữ, Trần Gia Phụng, Nguyễn Lý Tưởng, Bình Nguyên Lộc, Hòang Xuân Trường, Nga Sơn, Vĩnh Như, Võ Hương An, Đỗ văn Khang, Trần Quốc Vượng, Tạ Ngọc Liễn, Mặc Giao và Hoàng Dung.

© T.Vấn 2011

Bài Mới Nhất
Search