T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Trần Trung Đạo: Cứu giúp nạn nhân bão Haiyan, một cơ hội để đền ơn đất nước Phi

(Nguồn : http://www.trantrungdao.com)

Bataan là thành phố chính của đảo Luzon, Philippines, dân số khoảng trên 600 ngàn người. Lịch sử của thành phố chỉ hai biến cố được thế giới biết đến nhiều, một lần trong đệ nhị thế chiến và lần thứ hai trong làn sóng người tỵ nạn Cộng Sản vùng Đông Nam Á. Trong chiến tranh, trận phòng thủ Bataan là trận đánh cuối cùng trước khi liên quân Mỹ-Phi rút lui và trong làn sóng tỵ nạn, Bataan là nơi dừng chân của 300 ngàn người tỵ nạn, nhiều nhất đến từ Việt Nam. Ngoài ra, đảo Palawan với Làng Việt Nam nhiều huyền thoại cũng là nơi dừng chân của nhiều chục ngàn người Việt.

Đất nước chúng ta đang trải qua thời đen tối. Một thời, từ những cửa biển Đà Nẵng, Sài Gòn, Vũng Tàu, Cam Ranh, Nha Trang sau cơn bão lửa Cộng Sản 1975, hàng triệu người Việt Nam đã phải bỏ lại sau lưng những gì trân quý nhất để ra đi tìm tự do trên những chiếc thuyền gỗ nhỏ. Vùng biển Đông mênh mông trở thành một nấm mồ nước sâu thăm thẳm. Nơi đó, mẹ lạc cha, vợ xa chồng, anh mất em. Nơi đó, tiếng niệm Phật, lời cầu kinh cũng chẳng còn ai nghe thấy. Nơi đó, chỉ còn lại những thân thể trần truồng, máu me nhầy nhụa, chỉ có tiếng rên của những con chim nhỏ Việt Nam bất hạnh trước bầy điêu tặc. Nơi đó, chỉ có đói khát và lo âu, chỉ có những đứa bé hấp hối trong bàn tay thương yêu nhưng tuyệt vọng của mẹ.

Trong giờ phút đó, nếu không có chiếc ghe đánh cá người Phi dừng lại, không có Cap Anamur đang chờ ngoài vùng biển Philippines, không có tàu hải quân Phi từ vịnh Manila, hải quân Mỹ từ Subic Bay ra can thiệp, số phận của hàng trăm ngàn người Việt lênh đênh trên đường tìm tự do sẽ trôi dạt về đâu. Năm tháng trôi qua nhưng những địa danh Palawan, Bataan, Subic Bay sẽ không bao giờ phai mờ trong ký ức của những người Việt sống sót trên đường tìm tự do.

Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc, mỗi thuyền tỵ nạn trong hải trình từ Việt Nam vào vịnh Thái Lan đã bị hải tặc tấn công trung bình 3.2 lần. Cao Ủy Liên Hiệp Quốc ghi nhận 881 vụ hãm hiếp. Đồng bào đến các trại Phi là những người may mắn. Trong khi bãi san hô Koh Kra trở thành vết đen trong lòng nhân ái của dân tộc Thái, chúng ta có thể không nghe một tình trạng hải tặc cướp bóc hay hãm hiếp do các tàu đánh cá người Phi gây ra. Và khi hầu hết các trại tỵ nạn Đông Nam Á đã trở thành lịch sử, mãi cho đến năm 2012 vẫn còn dấu chân người Việt Nam tỵ nạn ở Phi. Đất nước bao dung này đã đối xử với chúng ta như một người chị, một người em ruột thịt không khác gì truyền thống chị ngã em nâng của văn hóa Việt. Ngoài ra, trước hiểm họa bành trướng của Trung Cộng, hai dân tộc Việt Nam và Philippines, trong tương lai chắn chắn sẽ kề vai, sát cánh nhau để bảo vệ chủ quyền của hai đất nước, bảo vệ quyền tự do hàng hải trên biển Đông và sẽ chứng tỏ cho bá quyền Trung Cộng biết một nước nghèo không có nghĩa là một nước nhược tiểu và một nước nhỏ không có nghĩa là một nước chỉ biết cúi đầu.

Như một con người tỵ nạn đã từng sống trong các trại tỵ nạn Philippines, như một người Việt Nam tỵ nạn dù không ở các trại Phi và như một người Việt Nam có lòng nhân ái, chúng ta mắc nợ đất nước Philippines một nón nợ vô cùng to lớn. Nhiều trong số chúng ta vẫn mong có cơ hội để đền đáp, có dịp để tỏ bày lòng biết ơn đến người dân Phi, những người đã đến với chúng ta trong giờ phút khó khăn nhất, hay nói như nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng, họ là tin vui giữa giờ tuyệt vọng của một đời người Việt Nam tỵ nạn.

Hôm nay, như chúng ta đều biết, theo ước lượng của các cơ quan thiện nguyện quốc tế nhiều chục ngàn người dân Phi tại các đảo miền trung Philippines đã chết do cơn bão Haiyan gây ra. Chỉ riêng đảo Leyte Island đã có 10 ngàn người chết. Theo ước lượng của cơ quan National Disaster Risk Reduction and Management Council (NDRRMC) thuộc chính phủ Phi, khoảng 9.5 triệu người bị ảnh hưởng và hiện có 630 ngàn người đang lâm cảnh màn trời chiếu đất. Với sức gió 175 dặm một giờ số thiệt hại nhân mạng và tài sản cuối cùng sẽ còn cao hơn ước tính rất nhiều.

Trong điêu tàn đổ nát do siêu bão Haiyan gây ra những hạt giống tình thương đang được gieo trồng. Hàng trăm tổ chức từ thiện khắp thế giới đang đổ về Philippines không chỉ với thuốc men, áo quần, thực phẩm mà cả nhân lực để góp phần hàn gắn vết thương. Đối với người Việt chúng ta đây là một cơ hội để trả ơn. Một cơ hội để chính phủ Philippines biết dù hôm nay đang sống trong tự do no ấm chúng ta vẫn không quên những mái lá đơn sơ ở trại tỵ nạn, cơ hội để góp phần xoa dịu nỗi khó khăn của hàng triệu nạn nhân cơn bão Haiyan và ngoài ra cũng là cơ hội để giúp chính chúng ta vơi đi mặc cảm quên ơn vốn từ lâu đè nặng trong lòng.

Trần Trung Đạo

 

Trịnh Hội : Haiyan – Manila, Philippines

clip_image001

Từ : Blog / Trịnh Hội

Xe cộ và tử thi nằm giữa đống đổ nát sau bão Haiyan trong thành phố Tacloban, tỉnh Leyte, miền trung Philippines.

Ba ngày trước, đêm thứ sáu, ngày 8 tháng 11, tôi và Tuấn y như hẹn đã đến tham dự một buổi tiệc ngay trung tâm thủ đô Manila, Philippines. Trời đã đổ mưa từ trưa nhưng không nặng hạt cho lắm. Tài xế cho biết một số đường phố đã bị ngập lụt, nhưng trên đường đến nơi dự tiệc thật sự tôi thấy nó cũng không tồi tệ cho lắm. Có lẽ một phần vì cơn bão Haiyan được cho là mạnh nhất lịch sử được dự báo sẽ đổ bộ vào miền Trung của Philippines, cách xa Manila gần 600 cây số.
Nhưng đến nơi, vừa ra khỏi xe, tôi đã thấy có điều không ổn. Gió giật mạnh đến độ những hạt mưa bị tạt xéo đi tưởng chừng như nó bay ngang mình chứ không phải là từ trên xuống. Vừa đi, vừa chạy trốn mưa, tôi bảo Tuấn: chắc là bão vô rồi đó.
Nhưng rồi bước vào buổi tiệc trong một khu trung tâm thương mại sầm uất và cả ngày thứ bảy hôm sau ngồi họp trong khách sạn cùng với nhiều cơ quan, giới chức khác nhau, kể cả Bộ trưởng Bộ Giao thông và Bộ trưởng Bộ Nội vụ, cả nhóm chúng tôi vẫn nghĩ là cơn bão đã qua và chắc đã không gây nhiều thiệt hại đáng kể. Nhìn ra ngoài, tuy bầu trời trông vẫn còn khá ảm đạm và nóng hơn nhiều so với tháng 11, nhưng mọi việc đã trở lại bình thường. Thủ đô Manila vẫn nhộp nhịp, ồn ào và kẹt xe vào giờ cao điểm.
Riêng tôi vì phải thức sớm hôm trước nên hôm qua, chủ nhật tôi ngủ dậy muộn. Đến 9 giờ sáng tôi mới lò mò, mở laptop xem tin tức trên mạng. Và những gì tôi thấy và đọc được làm tôi sững sờ.
Cả thành phố Tacloban hầu như bị san bằng. Xác người nằm hàng hàng, lớp lớp. Những chiếc tàu hàng sắt lớn bị sóng biển dâng cao đánh vào đất liền nằm chơ vơ trên đường phố. Và hàng ngàn, hàng vạn ngôi nhà bị quét sạch.
Xem một đoạn video ngắn trên CNN quay lại cảnh nước biển tràn vào khách sạn, lên đến lầu một. Nghe lời than khóc của một người cha mất con vì gió mạnh đến độ nó đã kéo bé ra khỏi tay ông. Thật sự đến lúc đó tôi mới cảm nhận được sự tàn khốc của cơn bão Haiyan mà không một ai ở đây có thể lường trước được. Kể cả những người có quyền uy nhất ở đất nước này.
Có thể nói vài giờ sau đó tôi chỉ biết ngồi ôm máy để xem và đọc tất cả những tin tức liên quan đến cơn bão thế kỷ Haiyan. Cho đến hôm nay, hơn ba ngày sau khi cơn bão Haiyan đổ bộ vào Philippines, chính Tổng thống Aquino cũng không thể xác nhận được có bao nhiêu người bị thiệt mạng và sự thiệt hại tổng cộng lên đến dường nào.
Theo ước lượng mới nhất của tổ chức quốc tế Red Cross, số người thiệt mạng có thể lên đến 10,000 người. Tuy nhiên không một ai hoặc tổ chức nào có thể kiểm chứng  vì cho đến nay, vẫn còn rất nhiều làng, xã ở Leyte, Samar đã bị hoàn toàn tiêu huỷ và không liên lạc được.
Không điện. Không nước. Không thực phẩm. Không một mái che.
Xác người trên đường. Trên cầu. Trên cây. Trên nước. Đó là những gì chủ tịch của Philippine Red Cross, ông Richard Gordon, vừa chính mắt trông thấy ở Tacloban hôm nay.
Cả một vùng miền Trung Philippines đã bị tàn phá. Hàng trăm, hàng ngàn đảo lớn nhỏ với biết bao sinh linh giờ sẽ ra sao?
Đã đến lúc tôi cần phải hành động. Vì thứ nhất, đây là đất nước đã mang đến cho tôi nhiều kỷ niệm nhất, là nơi tôi đã trưởng thành. Từ 16 năm trước.
Thứ hai, đất nước Philippines là nơi đã cưu mang, bảo bọc gần 500,000 người tỵ nạn từ Đông Dương trong đó phần lớn đến từ Việt Nam, chuyển tiếp ở hai trại tỵ nạn Bataan và Palawan trong suốt gần 3 thập niên. Từ cuối thập niên 1970 cho đến cuối thập niên 1990.
Và có gần 3,000 thuyền nhân Việt Nam cuối cùng đã không bị cưỡng bức hồi hương về Việt Nam, được ở lại tạm trú cho đến lúc họ được các nước Úc, Mỹ, Na Uy và Canada nhận định cư chỉ cách đây vài năm về trước.
Vì vậy chúng ta, trong đó có tôi, nợ họ một ân tình vô giá. Vì họ đã dang tay ra giúp đở chúng ta khi chúng ta cần họ nhất.
Bắt đầu từ  hôm qua cho đến hết chủ nhật 17 tháng 11 sắp tới, tổ chức thiện nguyện VOICE và tôi, cùng các anh em tỵ nạn trước đây ở Philippines sẽ tổ chức gây quỹ cho các nạn nhân của cơn bão Haiyan. Toàn bộ số tiền đóng góp sẽ được VOICE và các anh chị em thiện nguyện viên đang làm việc tại Philippines trực tiếp chuyển đến cứu giúp các nạn nhân cùng với các tổ chức phi chính phủ địa phương.
Nếu muốn dùng credit card và đóng góp online, xin nhấn vào link này:
https://onevietnam.org/donate/voice
Nếu ở Mỹ, xin gửi check về cho VOICE, địa chỉ: 245 E Pepper Drive, Long Beach, CA 90807.
Nếu ở Úc, Canada hay ở những nơi khác, xin vui lòng vào trang mạng Facebook của tôi ở đây:
https://www.facebook.com/hoitrinh
Tôi sẽ cập nhật tin tức mỗi ngày và cho các bạn biết nên liên lạc với ai để đóng góp. Thành thật cảm ơn tất cả các bạn.
Manila, đêm 11 tháng 11 năm 2013 –

Trịnh Hội

Bài Mới Nhất
Search