T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Khuất Đẩu: NHỮNG TRÁI TIM TRÊN CAO NGUYÊN

clip_image002

Có hai người từ bên kia đại dương mang trái tim không ngủ yên về Việt Nam, là họa sĩ Đinh Cường và nhà thơ Lữ Quỳnh.

Không ngủ yên vì “những cơn mưa mùa đông”, vì “sinh nhật của một người không còn trẻ”.

Và vì những hàng cây dịu dàng như mọc lên từ trong mơ. Vì nhà thờ con gà với tháp chuông cùng cây thánh giá.

Một người nữa, chủ nhân hờ hững của điền trang Thân Trọng bé xíu nằm dưới một con dốc sâu thăm thẳm. Người vẽ những bức tranh dữ dội tưởng chừng vẽ bằng những nhát rìu của người thượng khi đẽo tượng nhà mồ.

Họ gặp nhau một ngày không xa sau cơn bão Haiyan.

Gặp nhau để nhớ đến một người đã vĩnh viễn ngủ yên là Trịnh Công Sơn.

Và cũng để nhớ chính họ, một thời đã yêu, đã viết, đã vẽ giữa những đồi núi nghiêng nghiêng đợi chờ. Một thời trước 75, khi họ là những chàng trai mang trong người dòng máu Huế, có kẻ tự cho mình là chàng nho sinh ngồi suy tư dưới gốc cây tùng, có kẻ như muốn bay lên như trong tranh của Chagall giữa những tháp chuông và hàng cây mộng mị…

Một thời, có người xách nải chuối mới mua đứng chờ bạn ngoài cửa, có người đẩy xe nôi bên cạnh vợ trên con đường đẹp nhất phố núi với những ngôi biệt thự ngói đỏ tường vàng.

Một thời, đi ngang qua nhà tu kín Domaine de Marie cảm thấy “đời bớt vui” vì những người con gái đẹp nguyện hiến đời mình để phụng sự Chúa!

Một thời, mới đó mà đã mù xa tít mù.

Giờ, họ không phải chống gậy tuy đang ở tuổi chống gậy, tìm đến nhau không chỉ để uống một chén rượu mùa đông. Họ ngồi rất lâu ở cà phê Tùng, nơi có treo một bức tranh ám đầy khói thuốc mà tác giả muốn có “một chút gì để nhớ” đã phải bỏ ra cả ngàn đô để mua lại. Họ đi loanh quanh lên đồi xuống lũng dù đời đã mỏi mệt, để rồi về đốt lửa bên căn nhà tềnh toàng trên cao nguyên mà chủ nhân tự trào là đẹp nhất Đà Lạt.

Dĩ nhiên, họ đã từng khóc cười theo mệnh nước nổi trôi. Đã tưởng chừng lạc mất nhau trong cơn ly tán. Nhưng giờ là lúc không phải ngồi ca cẩm vì một thiên đường mù. Giờ là lúc về thu xếp lại.

Vạt nắng trên lưng đèo. Phiến mây trên đỉnh Lang Biang. Chiếc xe thổ mộ. Bờ cỏ trên đồi Cù. Con đường im vắng sau lưng dinh thự của vị hoàng đế cuối cùng. Và màu nước hồ sau cơn mưa như mắt em vừa thức dậy.

Đến với họ còn có một ông hoàng không bao giờ lên ngôi cửu ngũ từ Huế vào*, một nhà sư không còn chùa từ Sài Gòn lên, một anh nhà quê cầm bút và một chị fan của sến già nam *Trúc Phương cùng những người bạn lạc loài từ thưở Gió Mai…

Bên đống lửa, trong cái lạnh hiu hiu, tay chân họ tuy không còn  nhanh nhạy như những hướng đạo sinh, nhưng tâm hồn họ vẫn nhảy múa bập bùng theo ngọn lửa. Rồi ai đó cất lên một giọng ca thô mộc. Và nhiều tiếng hát theo. Dù đêm ấy là sinh nhật của một người, nhưng họ không hát Happy birthday, mà hát Chanson d’ Orphé, Come back to Sorrento…

Họ giống như ông già trong truyện của William Saroyan, người nào cũng có một trái tim bỏ lại trên cao nguyên. Và giờ họ bồi hồi khôn xiết khi tìm lại được. Một trái tim hoang dại thưở ấy không rướm máu. Một trái tim kêu leng keng như tiếng chuông nhà thờ reo vui. Giờ, đục hơn, trầm hơn, nhưng vẫn là tiếng chuông. Dù Thiên Mụ hay Hàn Sơn thì vẫn là tiếng chuông từ bi an lạc.

Khuất Đẩu

01/12/2013

*Bửu Ý, dịch giả Một thoáng nàng của Holderlin

*Lớp trẻ Sài Gòn gọi các nhạc sĩ ca sĩ trước 75 là sến già nam và sến già nữ!

 

 

©T.Vấn 2013

Bài Mới Nhất
Search