T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Đỗ Xuân Tê : Chuyện cuối năm: Nelson Mandela có bao giờ là người cộng sản?

clip_image002

Nhân đọc một bài thơ của Bắc Phong

Khi còn là một sinh viên Luật ở tuổi 23, Mandela đã gia nhập tổ chức Nghị Hội Quốc Gia Nam Phi/ ANC (African Nation Congress), một tổ chức của người da đen tại Nam Phi nhằm chống lại nạn phân biệt chủng tộc (apartheid) được áp đặt từ nhiều thập niên trước nhằm tước đoạt hết quyền căn bản làm người của những người da đen, da màu nói chung, trong bối cảnh của một đất nước vốn chỉ có trên 10% dân số là người da trắng nhưng lại sở hữu trên 90% đất đai và nguồn lợi quốc gia.

Dù là một luật sư thành đạt có văn phòng đầu tiên của người da đen tại thủ đô Johannesburg, Mandela quyết định dấn thân cho phong trào đấu tranh bằng giải pháp hòa bình nhằm đạt tới những cải cách sâu rộng từng bước đi tới việc xóa bỏ chế độ apartheid tại xứ sở ông. Dựa vào sức mạnh của tuổi trẻ, ông cùng những người đồng chí hướng lập riêng một bộ phận lấy tên Đoàn Thanh Niên ANC hoạt động khá hữu hiệu và có tiếng vang nhất định. Chánh quyền apartheid đã phản ứng quyết liệt và đè bẹp phong trào bằng các cuộc đàn áp đẫm máu.

Người thanh niên hiểu rằng đường lối hòa bình không dẫn đến thành công và rằng không còn con đường nào khác hơn là phải đấu tranh bằng vũ lực. Lúc này đã ở tuổi 43, ông đóng cửa văn phòng, tìm cách liên minh với vài tổ chức đấu tranh trong đó có Đảng Cộng sản Nam Phi, trớ trêu là đảng viên của đảng này đa phần là người da trắng, bản chất và phương thức đấu tranh của họ là bạo lực, điều mà Mandela đang hướng tới. Hai bên liên mính lập thành tổ chức quân sự lấy tên Umkhonto we Sizwe (gọi tắt là M.K./Ngọn giáo của dân tộc Phi), dù có đổi tên nhưng chủ chốt vẫn là ANC do chính Mandela thống lãnh quyền chỉ huy. Đây là bưóc chuyển đổi quan trọng của phong trào đấu tranh và cuộc đời dấn thân của Mandela.

Ngay năm sau (1962), ông cải trang làm một tài xế vượt biên giới, sau đó đi khắp châu Phi, kể cả một số nước của châu Âu để quảng bá và tranh thủ sự ủng hộ công cuộc đấu tranh đòi bình đẳng cho đồng bào ông, đặc biệt các nước thuộc thế giới thứ ba đang có cao trào nổi lên dành lại nền độc lập từ chủ nghĩa thực dân. Bản thân ông đã được huấn luyện một khóa về chiến tranh du kích, và ông nhìn nhận có khâm phục Fidel Castro và Che Guevara như là các khuôn mặt bậc thầy trong phương thức đấu tranh phá hoại, nhất là sau khi Fidel thành công ở Cuba. Nhưng bản thân Mandela không hề mặn mà với đấu tranh ý thức hệ, không chủ trương chiến tranh giải phóng dưới hình thức du kích sợ chuyển thành nội chiến, quyết tâm lấy bạo lực làm phương tiện để đạt được cứu cánh làm người da trắng phải thay đổi chính sách.

Chưa đầy nửa năm, ông được tổ chức gọi về nước. Chánh quyền Nam Phi sợ uy thế của ông, liền bắt giữ ông và tuyên án 5 năm tù giam. Vừa ở tù ít lâu, trùng hợp với nhiều vụ phá hoại ngay tại thủ đô, chánh quyền lại đưa ông cùng10 đồng chí ra tòa về tội âm mưu lật đổ chế độ. Tòa kết án chung thân, chính Madela tự bào chữa và kết thúc phiên tòa bằng một diễn từ qua ngôn ngữ của luật gia kéo dài 4 tiếng đồng hồ, trong đó ông nhìn nhận xử dụng bạo lực. Đáng chú ý có lời biện minh, tạm dịch:

“Tôi không phủ nhận là tôi chủ trương phá hoại. Tôi theo đuổi nó không phải với tinh thần vô trách nhiệm hoặc vì yêu thích bạo lực. Tôi hoạch định nó như là môt hệ quả tất yếu của sự lượng giá bình tĩnh và sáng suốt nằm trong khuôn khổ của một bối cảnh chính trị đang dâng trào bột phát sau những tháng năm dân tộc tôi bị bóc lột, hành hạ, và áp bức bởi người da trắng.” (trích biên bản Tòa, April 20,1964)

Sau phiên tòa đầy kịch tính với bản án định sẵn, người ta đã đưa ông đến một nhà tù khét tiếng và an ninh nghiêm nhặt tại một hòn đảo ngoài khơi cách Cape Town 7 miles. Ông ở trong một xà-lim đúng 19 năm trong tổng số 27 năm trước khi được tự do. Cũng năm này ANC và đảng Cộng sản Nam phi bị đặt ra ngoài vòng pháp luật.

Dù ở trong tù, ông vẫn là linh hồn của phong trào đấu tranh, dù bị cách ly ông vẫn có những chỉ đạo liên hệ đến tổ chức. Đáng chú ý chỉ hai năm sau, vụ ám sát gây nên cái chết của cha đẻ cũng là công trình sư của chủ nghĩa apartheid là thủ tướng Verwoerd đã diễn ra ngay tại Johannesburg.

Trong suốt 27 năm, nhiều lần chánh quyền đã ‘xuống nước’ khi tuyên bố sẵn sàng trả tự do cho ông với điều kiện ông phải cam kết từ bỏ bạo lực. Ông giữ vững lập trường, ngay cả khi chế độ do áp lực của cả trong lẫn ngoài nước, cùng hệ quả cấm vận khiến kinh tế kiệt quệ, giới lãnh đạo apartheid đã từng bước đi đến thương thảo với ông hầu tìm ra phương cách cải tổ, ông chỉ đồng ý khi hai bên cùng tin cậy lẫn nhau và giao hẹn một khi không tìm được giải pháp khả thi trong tinh thần tương nhượng, ông và các đồng chí của ông sẽ quay về con đường bạo lực.

Năm1990 ông ra khỏi tù, trực tiếp thương thảo với tổng thống Nam phi de Klerk dọn đường cho việc bãi bỏ chế độ apartheid và thiết lập các cuộc bầu cử tự do đa sắc dân. Quá trình làm việc diễn tiến tốt đẹp, cả hai chính khách được trao giải Nobel Hòa Bình năm 1993. Một năm sau, Mandela và đảng ANC dẫn đầu số phiếu trong cuộc phổ thông đầu phiếu, Mandela trở thành Tổng thống da đen đầu tiên của một đất nước mà 30 năm trước những người da trắng đã bắt giữ và bỏ tù ông. Việc chuyển quyền diễn ra trong tinh thần hòa hợp hoà giải dân tộc, đáng khâm phục là de Klerk chịu làm phụ tá cho Mandela mở đầu cho một chương mới trong tiến trình dân chủ tự do và bình quyền tại Nam Phi.

Người ta cũng chú ý và nhắc nhiều đến thái độ của Mandela trong quá trình thương thuyết với de Klerk. Họ tin cậy và tôn trọng lẫn nhau khi một bên hứa sẽ tiến hành nghiêm chỉnh quá trình chuyển đổi, một bên lại đi xa hơn khi biết chắc ở thế thượng phong, bản thân Mandela quan tâm đến phương thức làm sao có thể bảo vệ an toàn cho người da trắng (thiểu số) để khỏi bị ‘trả thù’ một khi người da đen (đa số) có dịp nắm quyền. Đây cũng là bài học cho những nhà chính trị có lương tri khi giải quyết hậu quả của những cuộc tranh chấp chính trị, quân sự, ý thức hệ…(tránh sự trả thù dã man kiểu Lê Duẩn ở Việt nam hay tắm máu kiểu Pôn Pốt ở Kampuchia sau 75).

Nay thì Nelson Mandela đã đi vào lịch sử, dù chính ông đã khiêm tốn, tôi chẳng có gì để lịch sử nói nhiều về tôi, mà tôi chỉ muốn được nhớ đến như một phần của lịch sử tích tụ lại. Obama thì đi xa hơn, Mandela không còn là của chúng ta, ông đã là người thuộc về các thế đại. Đối với người da đen, Mandela trước sau vẫn là Tata (Bố thân thương) theo ngôn ngữ của bộ lạc. Đối với cộng đồng dân tộc, dù trắng hay đen, Mandela trở thành ‘Cha già Dân tộc’ (Father of the Nation) được ngưỡng vọng từ đáy lòng của nhân dân Nam Phi. Cũng cần ghi nhận Mandela đã được trao tặng ít nhất 250 loại huân chương, huy chương, giải thưởng cao quí của cộng đồng quốc tế, trong đó có Huân chương Lenin của Liên Xô và Huân chương Tự Do của Tổng thống Mỹ.

Có một điều khi độc giả đọc trên Google thì dòng tiểu sử của Mandela có ghi một thời ông là người Cộng sản, thậm chí là một cộng sản gộc của đảng Cộng sản Nam Phi (ủy viên trung ương) và bài báo mới nhất (Dec 8, 2013) trên tờ New York Times tựa đề ‘Nelson Mandela – A Communist’ của một ký giả Mỹ đã từng ái mộ và có nhiều cuộc tiếp xúc vói ông. Thực hư thì cũng khó nói.

Chỉ biết sau ngày ông nằm xuống, người ta có tranh cãi về điều này. Tranh cãi vì lúc sinh thời, Mandela chưa bao giớ tuyên bố mình là một người Cộng sản. Ông nhìn nhận có ảnh hưởng chủ nghĩa Mác như đa số các lãnh tụ ở Á, Phi khi đứng lên tranh đấu cho nền độc lập từ chủ nghĩa thưc dân (Gandhi, Nehru, Nasser…), riêng ông liên minh với các ‘đồng chí’ Cộng sản chỉ mang tính chiến thuật khi cùng nhau đứng về phía chính nghỉa cho một mục tiêu chung. Trong khi đảng Cộng sản Nam Phi, thậm chí có cả ANC đồng xác nhận Mandela có thời bí mật theo đảng và mau mắn chia buồn về cái chết của người ‘cựu đồng chí kiệt xuất’ của họ.

Bài báo của NYT thì cho rằng dù Mandela có là Cộng sản thì cũng chẳng làm nhẹ thể quá trình đấu tranh và thân thế sự nghiệp của ông và dẫn độc giả hiểu ngầm chuyện này là bình thường và chẳng đáng để tranh cãi.

Xét cho cùng, Mandela dù nhân thân có là cộng sản thì cũng chỉ là liên minh chính trị tạm thời cho một giai đoạn đấu tranh quyết liệt, nhưng trái tim của Tata thì hoàn toàn ‘không cộng sản’. Mandela không hề có tâm địa trả thù, ra tù sau gần 30 năm vẫn an nhiên tự tại, bỏ lại sau lưng niềm cay đắng, nắm bắt cơ hội dẫn đến hòa giải hòa hợp dân tộc. Mandela không theo đuổi quyền lực, sau một nhiệm kỳ tự nguyện rút lui dù biết rằng nếu tái ứng cử ông vẫn thắng. Mandela không xuất thân thợ thuyền, có học, trọng luật, biết thương thảo, biết thương cảm, biết linh động, không hề cao ngạo khi ở thế thượng phong, và trên hết dấn thân vào con đường đấu tranh hoàn tòan thúc đẩy bởi động cơ trong sáng mưu tìm cho sự bình quyền, tự do và hạnh phúc cho dân tộc Nam Phi và không làm tay sai cho một ý thức hệ nào khác.

ĐỖ XUÂN TÊ

Cali, tháng 12, 2013

 

 

©T.Vấn 2013

Bài Mới Nhất
Search