T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Cái chết của con thiên nga (*)

1.

clip_image002

Đại học Yale là một trong những trường nổi tiếng nhất khu vực miền Đông Bắc Hoa Kỳ, tọa lạc ở thành phố New Haven, tiểu bang Connecticut. Trong tờ tạp chí số tháng 2 năm 2009 của phân khoa Y khoa trực thuộc Yale, có bài viết nói về vấn đề tội phạm và an ninh của cư dân sinh sống trong thành phố này. Tác giả là một cô gái Mỹ gốc Việt 24 tuổi Annie Lê, sinh viên đang theo đuổi cả hai học vị Tiến sĩ khoa Dược Lý và Bác sĩ Y khoa. Kết luận bài viết, Annie Lê tin rằng “Cũng như mọi đô thị khác, New Haven có sự nguy hiểm riêng của nó. Tuy nhiên, với một chút cảnh giác khi ở trên đường phố, người ta có thể tránh khỏi trở thành một nạn nhân”.

Một ngày của thượng tuần tháng 9 năm 2009, tác giả của bài báo đã trở thành một nạn nhân. Như sự mỉa mai của số phận, cô gái thông minh xuất chúng và cũng xinh đẹp không kém đã bị một đồng lọai của mình chứng tỏ rằng, dù có thông minh nhanh trí cách mấy, dù có cảnh giác cách mấy cô cũng không thóat khỏi cái ác xảy đến cho mình.

Ngày 8 tháng 9 năm 2009, Annie Lê đã mất tích một cách kỳ bí khi bước chân vào phòng thí nghiệm của trường Yale, nơi cô làm công việc nghiên cứu, thực nghiệm trên thú vật để tìm ra những hóa chất cần thiết cho việc điều trị bệnh ung thư, tiểu đường và bệnh teo cơ.

Bất kể những nỗ lực tìm kiếm thực hiện bởi hàng trăm chuyên viên hình sự, mãi đến ngày chủ nhật 13 tháng 9 năm 2009, người ta mới tìm thấy Annie Lê – đã chết – trong cùng tòa nhà mà 5 ngày trước đó cô bước vào làm việc. Xác cô được giấu trong một khỏang rỗng của bức tường, vốn là nơi người ta chạy những ống nước và dây điện. Hôm chủ nhật đó cũng là ngày, lẽ ra, cô bước lên xe hoa về nhà chồng, trong một tiệc cưới được dự trù tổ chức tại một địa điểm ngòai trời ở Long Island.

Annie Lê chết vì ngạt thở. Có thể cô bị tên sát nhân dùng sức chặn các đường hô hấp trên mũi, miệng hoặc cổ.

4 ngày sau, với những dữ kiện và chứng cớ thu nhặt được từ xác Annie Lê và từ hiện trường, cùng với kết quả thử nghiệm DNA (Deoxirybonucleic Acid – phân tử cơ bản của tế bào di truyền), cơ quan công lực đã bắt giữ kẻ tình nghi là thủ phạm, một cán sự (technician) cùng làm việc chung phòng thí nghiệm với Annie. Đó là một thanh niên 24 tuổi, mặt mũi trông bình thường, đẹp trai và có vẻ hiền lành.

Động cơ khiến kẻ tình nghi sát nhân đã ra tay giết chết Annie Lê: Chưa được biết. Cho đến khi kẻ sát nhân thực sự lên tiếng, mọi lý lẽ đều chỉ là giả thuyết.

Anh ta si tình, tuyệt vọng vì tình yêu không được đáp lại? Anh ta ganh tị vì sự thông minh xuất chúng của cô gái, mới 24 tuổi đã sắp sửa trở thành nhà nghiên cứu với học vị tiến sĩ, còn anh ta chỉ là gã thanh niên với bằng 2 năm cán sự , làm công việc chùi rửa các vật dụng thí nghiệm cho cô?

Nhưng có một điều chắc chắn là sự sáng tạo tuyệt hảo của Thượng Đế, sinh vật con người có tên Annie Lê, đã bị tiêu hủy. Nỗi đau mất mát của những người thân, tuy lớn lao và không thể an ủi hay đền bù, nhưng còn một sự mất mát khác lớn lao hơn, đó là những thành tựu khoa học có thể cứu sống một phần nhân lọai, kết quả của những nghiên cứu thực nghiệm từ một trong những bộ óc nhiều hứa hẹn xuất chúng của nhân lọai, nay đã bị mất đi tiềm năng trở thành thực tại. Tài năng ấy, đã bị một hành động ngu xuẩn, độc ác của số phận tiêu hủy đi, mà không biết rằng mình vừa làm phí hòai đi một tài sản có khả năng trở thành vô gía của nhân lọai.

Như lời của viên hiệu trưởng trường trung học Union Mine HS ở Placerville, California, nơi Annie Lê theo học và tốt nghiệp với danh hiệu Thủ Khoa (Valedictorian) 6 năm trước – Tony Deville – ấm ức nhận định về cái chết của cô “Qủa là sự uổng phí thật khủng khiếp một tiềm năng. Ai là người có thể biết được liệu cô gái nhỏ nhắn này còn có thể làm được những việc lớn lao như thế nào, với cái bản lĩnh đó, với cái khát vọng đó . . . “.

Xuất thân từ một gia đình di dân Việt Nam, thừa hưởng đức tính cần cù của gia đình, và khát vọng được vươn lên như bao nhiêu sinh viên Việt Nam khác, Annie đã khiến thầy cô và chúng bạn ngưỡng mộ, cảm phục vừa về những thành tựu học vấn, vừa về bản tính thân thiện, chan hòa. Được chính bạn bè cùng lớp bầu là người “có khả năng trở thành một Einstein thứ hai“, được chính các vị thầy dậy đánh giá là một “trong những học sinh giỏi nhất đã theo học tại trường này “, cô gái nhỏ nhắn xinh đẹp Annie lại luôn tỏ ra khiêm tốn. Dù vậy, vị đứng đầu phân ngành Bệnh Lý học của một trung tâm nghiên cứu y khoa ở Placerville, CA, tiến sĩ Gary Martin, vẫn phải thú nhận rằng, Annie Lê là người học trò xuất sắc nhất mà ông được biết, và rằng “ông cảm thấy khó khăn khi chính mình chỉ huy một nhân viên – Annie Lê – thông minh, giỏi giang hơn”. Trong suốt thời gian Annie theo học ở Yale, Tiến sĩ Martin vẫn giữ mối liên lạc thường xuyên với cô, vì ông tin rằng, con người này rồi ra sẽ trở thành một niềm hãnh diện cho những ai đã từng được biết đến cô.

2.

Chúng ta đang sống trong một thế giới bất tòan, một thế giới đủ kiến thức và kinh nghiệm để biết rằng bạo lực, sát nhân không giải quyết được bất cứ vấn đề lớn nhỏ của nó, nhưng vẫn không bao giờ thiếu những kẻ mắc bệnh vĩ cuồng muốn thử nghiệm vai trò Thượng Đế. Vì thế, cùng một lúc, chúng ta chứng kiến sự hiện hữu của bao điều tốt đẹp, sự ra đời của những tạo phẩm thật đáng yêu, đáng ngưỡng mộ của nhân lọai, bên cạnh đó, vẫn thấp thóang ẩn hiện bóng dáng của sự xấu xa, của điều ác mang khuôn mặt người, đôi khi, khuôn mặt người gỉa trang ấy còn đẹp đẽ hơn cả mặt con người thật.

Cô gái 24 tuổi đang sắp sửa bước vào đời với những chuẩn bị tuyệt hảo cho cả đời sống riêng lẫn sự nghiệp. Con đường trước mặt thênh thang rộng mở.

Nhưng Thượng Đế luôn luôn có sự lựa chọn của riêng mình, nhất là đối với con người tưởng chừng như được số phận ưu đãi. Và đó là lúc con người nhận thấy sự mong manh của thân phận làm người.

Cái chết của Annie Lê là một cái chết đã được báo trước, bởi chính những tinh anh từ con người cô phát tiết ra quá sớm, những tinh anh mà ngay cả Thượng đế có lúc phải ganh tị, huống hồ con người.

Liệu người ta sẽ giải thích như thế nào về cái chết có tên là “sự lãng phí tiềm năng nhân lọai lớn nhất ” khi cùng lúc người ta nhỏ lệ cho một đời người con gái bị giết chết ngay trong ngày cưới, và cũng là lúc người ta khóc cho những thành tựu nhân lọai sẽ được thụ hưởng nếu như không có “cái chết phí phạm” như thế này?

Viên viện trưởng trường đại học Yale nơi Annie Lê đang theo đuổi danh vị tiến sị Dược lý học đã phải dùng đến mệnh đề “phía u tối của linh hồn con người ” để nói về hành động sát nhân của hung thủ.

clip_image003

Khuôn mặt mang hình dạng quỷ sứ của kẻ tình nghi sát nhân được tìm thấy trên trang mạng Facebook

Qua một phát biểu rất ngắn gọn, người ta không hiểu ông viện trưởng muốn ám chỉ điều gì khi nói đến “phần u tối của linh hồn”: độc ác, tham lam, ganh tị, tư tưởng chiếm đọat?**

Điều đáng sợ hãi là “phần u tối của con người ” hiện hữu ở bất cứ chỗ nào có bóng dáng con người. Sợ hãi hơn nữa là người ta không biết khi nào thì phần u tối ấy bước ra chiếm lĩnh thế giới ánh sáng. Chúng ta sẽ phải tìm cách an ủi mình khi chiêm ngưỡng những điều đẹp đẽ chung quanh với cảm giác của kẻ nhìn bông hoa rực rỡ đang phơi mình chờ cơn gió nghiệt ngã vùi dập bất cứ lúc nào.

Như vậy là con thiên nga đã chết , để lại trần gian nỗi đau đớn của những người thân. Và cả lòng tiếc nuối vô hạn của đồng lọai, những kẻ hằng khao khát sự ngự trị của cái đẹp, sự lên ngôi của những tài năng mang sự sống và điều tốt lành đến với trần gian nay, thay vì khuôn mặt đỏ màu máu của quỷ dữ.

T.Vấn

Tháng 9-2009

_____________________________________________________

*Đó là một cụm từ đẹp, cổ điển và được dùng phổ biến. Xuất xứ là điển tích trong vở Balet nổi tiếng của Tchaikovsky. Theo đó, cụm từ thường dùng để bày tỏ một sự tiếc nuối về một mất mát oan uổng của một cái gì đó thật đẹp, thật trong sáng mà lẽ ra phải bất tử để người ta trầm trồ, thán phục. Nhất là trong bối cảnh những cái xấu xí vẫn tồn tại nhơn nhơn (Theo mạng điện tử Bờ-Nốc Bình Dân).

** Khi cái chết của Annie Lê được phát giác, qua một ghi chép nhỏ trên trang Web của tôi, tôi nhận được từ một độc gỉa, cũng là một người bạn trẻ tôi quen biết, những ghi nhận thật “buồn thảm” như sau:

Cái chết của Annie Lê đã làm tôi ray rứt mãi. Chuyện đã xong. Một tương lai đầy hứa hẹn đã vụt tắt. Một bản tính nóng nẩy khác thường, đang chờ ngày phán xử (mặc dù mức phán xử của lương tâm nhân lọai đã rõ ràng dành cho nạn nhân chết uổng những đóa hoa tuyệt vời và ý nghĩa nhất). Một nỗi đau không rời về cái chết tức tưởi của người con yêu dấu. Một tiếc nuối, thương cảm, từ những người cùng một mầu da, một quá khứ – trong đó có Tôi, có Anh, có những người dân đã từng sống trong một quốc gia nhược tiểu – đối với một kiếp sống quá đỗi phù du: Annie Lê.

Phải, tôi đã nghĩ, ở cái góc độ một người Việt Nam lưu vong lứa tuổi 50, 60 nhìn về hình ảnh Annie Lê như một giấc mơ mà bất cứ ai thuộc thế hệ chúng tôi cũng một lần ấp ủ, một lần mơ ước, cho con em mình, cho thế hệ thứ hai lớn lên từ thuở ấu thơ trên đất Mỹ. Mong đợi, hãnh diện, kỳ vọng cho một giấc mơ mà chính cả cuộc đời đầy máu, mồ hôi, nước mắt của chúng tôi đã không thể có được.

Bởi chiến tranh, hận thù và các khoảng cách chính trị nghiệt ngã của quê hương tôi triền miên đau khổ.

Và rồi thình lình, giấc mơ tương lai tuyệt vời đó đã bị xiết . . ., xiết đến khi không còn hơi thở nữa.

Một cuộc đời đầy hứa hẹn đã chấm dứt. Một dấu chấm hết. Tại sao thế ?

Người ta đang đi đến một kết luận rất mới và khá hấp dẫn cho các nhà xã hội học tiếp tục ưu tư thêm: bạo hành tại nơi làm việc. Một vấn nạn của xã hội, đang phát sinh, đang hiện hữu và rất đáng quan tâm. Nhưng câu hỏi vẫn cứ ở mãi trong trí tôi: Có thật đây chỉ là một sự bạo hành xẩy ra với một ý nghĩa đơn thuần của xô xát và chết chóc?

Với tôi, có lẽ vẫn còn thêm một nguyên nhân nào đó, nằm phía sau sự kiện và bên kia bóng tối của tội ác. Bởi nạn nhân là một người da màu, phát xuất từ một nước châu Á nghèo nàn, lạc hậu, và rách nát vì các cuộc chiến tương tàn trong quá khứ.

Tôi muốn nghĩ đến cụm từ “Kỳ thị, Ghét bỏ, Khinh rẻ . . . ” về Annie Lê và cái chết oan khiên. Thú thật, tôi không biết mình đã đúng hay sai?

Nhưng bản thân tôi đã kinh nghiệm gần như thế.

Những cặp mắt khó chịu của những láng-giềng-khác-văn-hóa, những lạnh lùng vô cớ của các người cùng sở mà khác ngôn ngữ mẹ đẻ với tôi, những hằn học, gắt gỏng không báo trước và vô lý đã thường xẩy ra từ những kẻ cao ngạo trước một “Tôi “-người lính cũ bại trận, sống kiếp tầm gửi sau chiến tranh, chỉ ước mơ được cơ hội xây dựng lại cuộc đời mình sau bao thăng trầm, ruồng bỏ, lọai trừ, đố kỵ, bấp bênh và vô định ở chính ngay trên quê hương mình.

Nhưng tôi đã may mắn nhanh chóng thoát khỏi được các nghịch cảnh buồn tủi, đầy nước mắt đó.

Phải chăng, đó là bởi chúng tôi, một thế hệ đã đi qua biết bao giông bão của cuộc đời, nhưng nhờ đuợc trui rèn trong “Huấn nhục” của một quân trường, “Chịu đựng” trong bao nhiêu năm tháng tù đầy và đức “Khiêm nhu” trong văn hóa của đất tổ.

Annie Lê thì khác. Tuổi trẻ, học thức, tự do, thẳng thắn và độc lập là những đức tính quý báu mà thế hệ Việt Nam thứ hai đã hấp thụ.

Nhưng dưới một góc nhìn cực đoan nào đó, cô gái ấy vẫn là một người thuộc một dân tộc nhược tiểu, hèn mọn như hình dáng nhỏ bé của cô. Và đáng bị tiễu trừ. (Hùynh Sang) “.

©T.Vấn 2009

Bài Mới Nhất
Search