T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Đỗ xuân Tê : Nhân đọc một tản văn của Nguyễn Ngọc Tư

 

clip_image001

clip_image002clip_image002[1]Rượu đến độ hăng, cuộc nhậu cũng đủ lâu, hai nhà cùng xóm rủ rê đổi vợ chồng cho… mới, chung đụng cũ xèo hoài chán thấy mồ. Những người chứng kiến tưởng vì rượu nói chơi cho vui, nhưng sáng hôm sau hai bà vợ tỉnh bơ xách gói chuyển sang nhà của nhau sống với chiếu giường mới mẻ. Họ nói hết tháng ai lại về chỗ nấy, có sao đâu. Người kể chuyện nhẩm đếm bữa nay nữa là mười ba ngày họ đổi ngôi, chị nhớ vì buổi nhậu ấy ngay dịp đám giỗ má chồng mình.

Mấy câu chuyện kỳ khôi bạt mạng kiểu vậy vẫn thường lửng lơ trên những chuyến xe bus ngược xuôi liên huyện. Chỉ mấy bà già là còn kêu quỷ thần ơi, vợ chồng với nhau đâu phải cái áo. Nỗi mệt đường dài bay biến, thay vào đó là hoang mang, tự hỏi những gì xảy ra dưới gầm trời này ta biết được bao nhiêu, những giá trị đạo đức đang sấp ngửa đến độ nào. Hồi đầu tôi thường phản ứng bằng ý nghĩ thiên hạ đồn thổi chơi thôi, chắc gì thiệt. Giờ thì ngờ ngợ, biết đâu đó. Miền Tây chẳng gì là không thể.

Trên đây là một trích đoạn mở đầu một tản văn tựa đề, ‘Miền Tây không có gì lạ’ của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, một cây viết nữ miền đồng bằng sông Cửu nhưng gót chân đậm chất phèn mùi nước lợ của đất mũi Cà-mâu. Mà tôi biết chắc qua những tác phẩm đặc sắc, vừa thể hiện bằng truyện dài, truyện ngắn, qua tản văn, thơ ca trên giấy in trên mạng, ‘cô Tư’ sẽ có một chỗ đứng như cây bút nữ hàng đầu trong mảng văn học Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn đất nước chuyển mình giữa hai thế kỷ.

Mở đầu bằng một tác phẩm dưới dạng truyện vừa khá ầm ỹ một thời với cái tên, ‘Cánh Đồng Bất Tận’ , cô gái chuyên lo phục dịch chuyện trà nước cho các thành viên ban tuyên giáo của tỉnh ủy Cà-mâu (mà Nguyên Ngọc một lần là khách mời về thăm đất Mũi đã chứng kiến), Nguyễn Ngọc Tư đã nhanh chóng thoát thân với sức mạnh thần kỳ lan tỏa từ một cây viết nữ khiến thanh niên thanh nữ độc giả bốn phương rủ rê tìm đọc tác phẩm của cô. Nói vậy chứ tác phẩm đầu tay cũng gây nhiều tranh cãi, thấy sao viết vậy diễn biến của xã hội một thời làm ‘nóng mặt’ các phe lâm chiến đến nỗi tỉnh ủy phải đem nhà văn ra kiểm điểm suýt nữa không nhờ cái phao cứu nguy của Hội Nhà Văn qua gỉai thưởng tác phẩm hay nhất trong năm thì tài năng của cô Tư sẽ thui chột và đi dần vào quên lãng .

Chính tôi một độc giả hải ngoại cũng có lần rát mặt vì lối tả chân của cô gái đất Năm Căn, định bỏ ngang không đọc tiếp vì có chỗ nói xấu ‘phe Ngụy’, nhưng về sau tiếc tiền đọc tiếp cũng phải vuốt mặt nhìn nhận tác phẩm dự báo một tài năng mới với văn phong bút pháp chẳng cóp cọp ai mà theo năm tháng đã được khẳng định nhà văn nữ tự phát sánh ngang với các cao thủ thường ngồi chiếu trên trong làng văn đất Việt. Cánh đồng bất tận được chuyển thể thành phim Việt, được dịch sang tiếng Hàn, được thêm nhiều giải thưởng văn học, phim ảnh vừa trong nước vừa cộng đồng châu Á.

Không say men ‘chiến thắng’ cô Tư vẫn viết đều cho báo nhà báo tỉnh, với đủ thể loại, có tác phẩm mới, độc giả mới, giải thưởng mới, được bạn văn nhìn nhận tuy có phần ghen tị, thậm chí qua lần đại hội nhà văn Việt nam cách đây 4 năm, họ định bầu cô vào ban chấp hành trung ương cho có nếp có tẻ, kẻ bắc người nam. Nhưng quen uống nước phèn, không quen không khí đất Hà-nội, trong giờ giải lao trước khi bầu bán cô đã vận động thành công các thành viên ‘xin đừng bỏ phiếu cho em’.

Có dịp tôi sẽ viết nhiều về nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, nay trở lại tản văn mà tôi hay theo dõi trên website Sầu Riêng, với cái logo khá ngộ nghĩnh khi nhà văn tự trào bằng giới thiệu bản thân, ‘đen, buồn và hơi khùng’. Rất tiếc bận lo cơm áo, cô không viết thường xuyên nhưng chiều lòng đọc giả cô vẫn giữ trang nhà như địa chỉ giao lưu.

Tôi thích viết tạp ghi, thể loại này hơi khó viết, nhưng được cái may là các chủ biên hay đón nhận. Chính vậy mà tôi phục cô Tư khi viết thể loại này mà đất dụng võ của tản văn không đâu bằng các trang văn thơ trên mạng. Cô Tư coi vậy ‘khi viết dzậy mà không phải dzậy’, đã qua rồi năm tháng phục vụ nước non ở cái góc ban tuyên giáo, cô sổ lồng nhưng biết tự chế ‘riêng tư vừa đủ’, tôi nhớ có lần cô viết đừng coi thường đám dân oan khi bóng gió nhắc nhở giới cầm quyền chính thế hệ này đã ‘một thời làm nên những cuộc cách mạng long trời lở đất’. Còn cô trước sau vẫn bám lấy đất Mũi, không chịu dời nhà lên chốn phồn hoa dù người ta mời mọc, cũng một phần cô không quen mặc váy, son phấn móng tay, đứng trên sàn nhảy, mà hình như nếu nhấc cô ra khỏi môi trường sông nước, cô sẽ không còn hứng thú để viết. Hương rừng Cà-mâu, miền Tây bây giờ ngày ấy vẫn là đất dụng võ trong nghiệp văn của Nguyễn Ngọc Tư.

Tất nhiên chuyện kể thường là hư cấu dù là lời đồn thổi cũng chẳng mấy ai tin. Thế nhưng những câu chuyện trên xe đò liên huyện tôi vẫn tin là có thật. Miền Tây chẳng có gì là lạ và không thể. Chuyện những người di dân mở đất năm xưa thường vô cùng phóng khoáng, đổi vợ thay chồng trong một tháng đôi tuần xem ra nếu có… cũng chẳng sao. Xét cho cùng có khi còn hay hơn là chuyện tình vụng trộm, ông ăn chả bà ăn nem, dần dà hạnh phúc gia đình có cơ tan vỡ, nhất là chuyện sinh con đẻ cái, ‘khi có người hỏi con bé giống ba hay mẹ, chị vợ bốc khói bởi cái cười khét lẹt trên môi anh chồng “giống ai thì vợ tôi mới là người biết chắc” (truyện ngắn Sổ lồng của NNT)

Kẻ viết bài này nhớ lại một giai thoại cách đây hơn bốn mươi năm. Là một sĩ quan trẻ được quân đội cử đi tu nghiệp tại Mỹ, trong một chuyến đi thực tập tại cơ sở truyền thông miền Đông Bắc, tôi được người sĩ quan hướng dẫn vui chuyện kể cho một giai thoại mà nghe rồi tôi vẫn chẳng bao giờ kể lại, sợ kể ra rồi người ta bảo mình ‘ăn nói linh tinh’.

Biết tôi ăn cơm ở CLB sĩ quan, ông ta hỏi tôi có biết hội những người ‘đổi vợ cuối tuần’ của trường mình không. Tôi nói tôi không biết vì chỉ ăn trong tuần do miễn phí, còn cuối tuần tôi xuống cafeteria. Hội này có chừng vài chục cặp, (tất nhiên là sĩ quan), bắt buộc phải có vợ có chồng, có hạnh kiểm tốt, chưa có con càng tốt hoặc nếu có đứa nhỏ phải dưới 5 tuổi có phòng riêng. Cứ cuối tuần sau buổi khiêu vũ, tự dàn xếp với nhau hai cặp một đổi vợ cho nhau, sau một đêm ai về nhà nấy. Nội qui không thành văn nhưng về nhà cấm không bàn tán chuyện ân ái, có thể trao đổi nhiều lần nhưng tránh chuyện khắng khít nên sắp xếp luân phiên.

Nghe xong tôi tá hỏa, không ngờ ở Mỹ có chuyện lạ, dù chỉ trong phạm vi một đơn vị lính. Biết ý tôi ông trấn an, ấy vậy mà chưa xảy ra vụ việc nào đáng nói trong quan hệ hạnh phúc gia đình. Tôi quay sang hỏi còn ông thì sao, ‘tao mới cưới vợ hơn một năm, chuyện trao đổi chưa cần thiết, tao yêu vợ tao bị chúng kêu ích kỷ.’ Câu chuyện ngừng ở đây. Ông dặn nghe vậy biết vậy, về nước đừng phổ biến, ông có phần trách nhiệm vì vi phạm chuyện riêng tư.

Đọc xong tản văn của Nguyễn Ngọc Tư, cứ cho là có thật, lại liên hệ chuyện mấy chục năm trước, quả là trên gầm trời này, dù miền Tây hay đất Mỹ, chẳng có gì là lạ, nếu để qua một bên những giá trị đạo đức đang hồi sấp ngửa.

Đỗ Xuân Tê

©T.Vấn 2014

 

Phụ Lục :

Miền tây không có gì lạ

Nguyễn Ngọc Tư

(Nguồn : Sầu Riêng)

Rượu đến độ hăng, cuộc nhậu cũng đủ lâu, hai nhà cùng xóm rủ rê đổi vợ chồng cho… mới, chung đụng cũ xèo hoài chán thấy mồ. Những người chứng kiến tưởng vì rượu nói chơi cho vui, nhưng sáng hôm sau hai bà vợ tỉnh bơ xách gói chuyển sang nhà của nhau sống với chiếu giường mới mẻ. Họ nói hết tháng ai lại về chỗ nấy, có sao đâu. Người kể chuyện nhẩm đếm bữa nay nữa là mười ba ngày họ đổi ngôi, chị nhớ vì buổi nhậu ấy ngay dịp đám giỗ má chồng mình.

Mấy câu chuyện kỳ khôi bạt mạng kiểu vậy vẫn thường lửng lơ trên những chuyến xe bus ngược xuôi liên huyện. Chỉ mấy bà già là còn kêu quỷ thần ơi, vợ chồng với nhau đâu phải cái áo. Nỗi mệt đường dài bay biến, thay vào đó là hoang mang, tự hỏi những gì xảy ra dưới gầm trời này ta biết được bao nhiêu, những giá trị đạo đức đang sấp ngửa đến độ nào. Hồi đầu tôi thường phản ứng bằng ý nghĩ thiên hạ đồn thổi chơi thôi, chắc gì thiệt. Giờ thì ngờ ngợ, biết đâu đó. Miền Tây chẳng gì là không thể. Người ta vẫn kể chuyện năm ông nhậu xỉn kích nhau bơi qua sông, hai trong số ấy mãi mãi không lên bờ nữa. Chuyện thằng nhỏ đi ở đợ, bị chủ hành hạ bằng những nhục hình thời trung cổ. Chuyện hồn cô Ba xác chú Chín chữa ung thư bằng vuốt ve. Chuyện cả một ấp xóm mấy chục nóc gia nhưng người học cao nhất chỉ đến nửa chừng lớp Bốn. Chuyện lúa rớt giá cả vùng rủ nhau trồng mía, mùa sau mía chẳng ai mua họ chất thành đống đốt cho khói lên trời. Chuyện những cô gái lấy chồng ngay sau cuộc gặp chú rễ một ngày, gọi tên nhau còn trật lất. Có sao đâu, dân miền tây chịu chơi mà. Ai quan tâm lằn ranh của chịu chơi và liều mạng.

Bạn có lần dỗ dành, nói viễn tây nước Mỹ, miền tây nước Pháp cũng là xứ chịu chơi đó chớ, “Mà dân miền tây cá gô gột gẹt của em có máu lưu xứ giang hồ trong người, sẵn sàng bỏ xứ sở đất đai, đền đài để ra đi tìm đất mới, may mà biển kìm chân chứ không thì chẳng biết họ dừng lại ở đâu”. Ờ, chắc nhờ chịu chơi nên mới có miền đồng bằng trù phú bây giờ, cú đốt tiền nịnh gái của công tử Bạc Liêu mới đi vào kinh điển, dân sông nước mới từ bỏ cái Koler tịch tang cải tiến máy xe chạy võ lãi xé gió lở bờ. Cái hiếu khách, phóng khoáng cũng từ chịu chơi. Ghé một nhà bất kỳ, cuộc nhậu lập tức bày ra, sau ba ly rượu xình xang ta sẽ biết có bao nhiêu lúa trong bồ, thêm ba ly nữa biết có bao nhiêu vàng dưới đáy tủ. Phơ bày, dù mới gặp lần đầu. Và vì chịu chơi nên đi đâu tôi cũng nghe giọng con gái xứ mình. Cả cái day dứt của tôi hồi mười năm trước khi nghe tiếng tiếp viên trong quán tối, giờ cũng phai màu. Có gì lạ đâu, nổi trôi bất tận.

Dường như không gì khiến người xứ này day dứt lâu. Mấy cô dâu Việt bỏ mạng bởi bạo hành ở xứ người chẳng ngăn nổi tụi con gái ùn ùn xếp hàng chờ đàn ông ngoại quốc săm soi coi mắt. Những cái chết chẳng gây xáo động là bao, ngoài cái tặc lưỡi ơ hờ, “chậc, sống chết có số hết, đâu phải cô dâu nào cũng giống cô dâu nào. Có sao đâu”. Viết báo cứ phân vân không biết gọi sao cho chính xác, vô cảm hay bất chấp, hết mình hay sống không có gì để mất. Nói là “bán mua” cứ sợ quá lời, khi người con gái mà ta mỉa mai là món hàng lại háo hức, rạng rỡ như thể đã lấy đúng người mình yêu.

Mỗi lần nhìn những con người lem luốc, quê mùa lơ ngơ trên bến xe miền Tây, rõ ràng là chỗ ấy đất bằng gió bụi nhưng như nhìn thấy họ đi cầu khỉ. Chênh vênh chới với trên thân cây nhỏ giữa dòng. Tâm thế qua cầu khỉ là cứ đi đã, đến bờ bên kia được hay không, có rơi xuống sông không, tính sau. Như những đứa nhỏ phải bỏ học vì không có tiền đi đò, chẳng ai nghĩ đó là một cú đóng sập cửa của mặt trời chi cho ghê gớm. Không học nữa thì đi mót lúa, cắm câu. Có sao đâu. Xứ này ưa nói “mút mùa lệ thủy”, “quăng nguyên con”, “chơi tới sáng” nên cũng có những cụm từ tự an ủi lúc thương đau : “có sao đâu”, “nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ”.

Dân gian miền Tây ít hoặc không xài “thảng thốt”. Kể cả một bữa ta nghe tin thằng bạn dưới quê đang nằm viện ở Sài Gòn, vì biến chứng sau vụ tự bơm silicon vào cúc cu cho hoành tráng. Mắc cười, nhưng không kinh ngạc. Ta nhớ thằng đó hồi nhỏ cũng hụt chết một lần vì nuốt trộng con cóc sống, chỉ để chứng tỏ anh hùng. Nhưng đêm nằm ngẫm nghĩ, cái dửng dưng kiểu này, là bởi ta vô cảm hay do miền tây vốn chẳng có chuyện lạ nào.

Bài Mới Nhất
Search