T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Huyền Chiêu: ĐIỀU KỲ DỊ CỦA TÂM HỒN

clip_image001

– Ông ngoại là một phù thủy. Ổng có thể bước đi trên than hồng. Một lần cùng ông ra sông Dinh tắm, giặt, cậu thấy ông đưa tay “bắt quyết ” tóm được một con ma da đang bám theo một đám rong định quấn vào chân ông. Con ma da biến thành một con chó rái lặn mất !!! Nhiều lần bọn ma, quỷ bị ông bắt nhốt vào cái hồ lô kia.

Vừa nói cậu Sáu tôi vừa chỉ lên trái bầu khô treo trên xà nhà.

Tôi nhắm mắt lại không dám nhìn lên mái nhà. Một cảm giác rờn rợn làm tim tôi đập nhanh. Tôi là cháu của một ông phù thủy ư ? Chắc chắn lũ ma quỷ sẽ để ý đến tôi nhiều hơn những đứa trẻ khác !!!

Ông ngọai cũng là người giỏi nhạc. Hầu như ông có thể sử dụng được tất cả các loại đàn, sáo. Ông cũng diễn tuồng, vai ông Trương Bình Định hay vai ông Trương Sài Gòn ông đều diễn thật hay.

– Ông Trương là ông nào hả cậu ?
– Là ông Trương Phi chớ ông nào nữa. Ở Ninh Hòa ông ngoại là người được hâm mộ nhất. Khi ông ngoại diễn tuồng bi không ai khỏi rơi nước mắt. Khi ông kể chuyện hài mọi người cười lăn cười bò. Một lần có đám cúng ở ấp Đông Thành người ta dựng một sân khấu bằng tre để ông ngoại diễn tuồng. Đêm ấy dân làng nườm nượp kéo đến ấp Đông Thành để xem ông thầy Chín. Lũ trẻ nhỏ bu đen như kiến trên sân khấu. Một hồi trống thúc, ông thầy Chín từ trong sân khấu bước ra. Ông chưa nói câu nào chỉ mới xàng tới xàng lui mấy bước, mặt nghỉnh lên trời, tay vuốt chòm râu rậm nhưng chỉ vừa nhìn bộ dạng của ông mọi người đã ôm bụng cười ngặt nghẽo. Lũ trẻ nhỏ bám trên sân khấu cười rung đến nỗi sân khấu từ từ sụm xuống. Đám trẻ buông tay chạy mất nhanh như khỉ. Mọi người nháo nhào la hét. Buổi biểu diễn đành kết thúc sớm.

– Ông ngoại là kép hát ?

– Không, ông là thầy cúng. Ở đâu có đám cúng, ông ngoại và ban nhạc được mời đến để tế lễ. Ông ngoại có dịp đi đến tất cả các thôn làng xa xôi. Ở đó mọi người háo hức chờ ông thầy Chín đến để sau khi lễ tất được nghe ông thầy Chín kể chuyện. Các cậu, các dì là con ruột của ông ngoại mà cũng nghe chuyện của ông mê mệt. Một lần có Bà Hai ở Phú thứ đi chợ về vào nhà ông xin nước uống. Thấy ông đang kể chuyện, bà cũng ngồi lại nghe. Khi bà đứng dậy rổ cá đã ươn.. Bà Hai len lén trút mớ cá ươn vào bụi tre bên đường trước khi về đến nhà.

Ông ngoại rất thương các con nhưng không cho gọi bằng cha. Các cậu và các dì gọi ông ngoại bằng “anh” Tôi thật ngạc nhiên vì chi tiết này.

– Tại sao vậy cậu ?

– Ông ngọai muốn đánh lừa ma quỷ. Ông không muốn bọn chúng để ý đến các con của mình.

-Ông ngoại là người được mọi người yêu mến. Ông luôn đem niềm vui và tiếng cười đến cho mọi người. Trừ một người.

***

Năm ấy tôi không còn là một đứa trẻ. Một lần về thăm cậu, tôi được nhìn thấy người ấy.Bà là người vợ đầu của ông tôi.

Chiều hôm ấy, một bà lão bước vào khi tôi đang giúp cậu tôi cắm những bông điệp vàng vào chiếc lọ cổ để chuẩn bị đám giỗ ông tôi vào ngày mai .

Cậu tôi đon đả ra tận cổng nắm tay bà:
– Con chào mẹ.

Bà lão chống gậy,run run lần bước vào bên trong căn nhà. Mùi nhang trầm thơm lừng gian nhà cũ kỷ. Tôi nhìn thấy đôi môi khô héo của bà mấp máy. Bà đứng khá lâu trước bàn thờ ông. Sau khi thắp lên bàn thờ nắm nhang bà chậm chạp quay gót. Cậu tôi ân cần đưa bà ra tận ngõ.

Lần đầu tiên tôi nghe cậu tôi kể một câu chuyện về ông tôi mà không phải là chuyện vui.

***

Ông ngoại là con trai út trong một gia đình khá giả nên từ nhỏ ông đã được cho đi học chữ Nho tận Bình Định. Năm ông 20 tuổi các kỳ thi của triều Nguyễn đều bị bãi bỏ nên ông trở về Ninh Hòa để sống cùng mẹ. Bà cố vui mừng đón đứa con khi ra đi chỉ là một cậu bé nay đã là một chàng trai có học. Bà cố nói “gia đình ta nay được sum họp như vậy là phước lắm rồi. Nay con đã trưởng thành. Mẹ đã hỏi vợ cho con. Mấy mẫu ruộng cũng đủ cho các con sinh sống. Con hãy ở bên mẹ lúc tuổi già “.

Cô gái mà bà cố chọn cho ông ngoại là một cô gái ngoan hiền cùng xóm. Từ đó ông tôi sống cuộc dời bình thường theo như ước nguyện của bà cố.

Ông tôi là người có chữ nên ông thường được mời viết văn tế, điếu văn trong các cuộc tế lễ ở các đình, chùa, đám tang. Ông cũng có thể chữa bệnh bằng thuốc Nam và chữa bệnh tà nên được gọi là thầy phù thủy.

Mọi sự trở nên không bình thường khi bà cố thấy rằng đã ba năm rồi mà người vợ của ông tôi vẫn không sinh con.

Một hôm bà cố kêu cô con dâu vào buồng trong nhỏ nhẹ hỏi han và bà kinh ngạc khi cô con dâu thú thật rằng cô vẫn còn là con gái.
“Mỗi tối ông ấy đi đánh cờ, đi đàn hát với bạn bè tới khuya rồi về ngủ trên bộ ván ngoài chái !!!”

Bà cố để ý thấy con trai vẫn vui vẻ, dịu dàng với vợ nên chưa hết hy vọng. Một hôm bà cố xếp đặt để cô con dâu ra nằm ngủ ở “ bộ ván ngoài chái”.

Đêm hôm đó, ông tôi về nhà và phát hiện có người đã chiếm chỗ ngủ của mình. Không biết ông có biết người đó là ai hay không mà ông đã cố ý lấn cho người ấy rơi bịch xuống đất.!!!

Đến nước này thì bà cố đành an ủi cô con dâu rồi tặng cho cô hết tất cả các nữ trang và cho phép cô về lấy chồng khác.

***

Bà ấy có buồn không cậu?
– Có. Bà ấy buồn lắm. Bà ấy rất yêu ông ngọai.

Sau đó ít lâu có người đàn ông khác cưới bà. Họ sống rất hạnh phúc. Mỗi khi con cái đau ốm bà lại đưa chúng đến cho ông ngoại chữa bệnh. Ông ngoại thương bọn trẻ như con của mình.

Chưa đến 50 ông tôi đã qua đời nên tôi không được nhìn thấy ông. Thuở nhỏ tôi cứ mơ ước phải chi mình được nhìn thấy, được sống bên người ông có quá nhiều điều lạ lùng.

Huyền Chiêu

 

 

©T.Vấn 2014

Bài Mới Nhất
Search