T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không : Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 58)

clip_image001

Tiếng Việt dễ mà lại khó

Em thấy sự khác nhau giữa các miền về phương ngữ, giọng nói, v.v… nói lên sự phong phú và là niềm tự hào về tiếng Việt. Chính vì cái diversity đó mà em rất yêu tiếng Việt. Sự thật mà nói thì mình thấy tiếng Việt giữa các vùng khác nhau không khó nghe như nhiều người nghĩ. Nếu chúng ta chịu khó thì không những chúng ta học hỏi được rất nhiều từ địa phương mà còn là văn hoá ở địa phương đó.

Người Nghệ Tĩnh nói: Anh em ta như đọi nác đầy.
Người Huế bảo : Đi chắc em cũng được.
Người Đà Nẵng: Bấn ngần đồn chấu gà.
Người Phú Yên: Chu cha me chay nẫu gì mà đông dữ mấy ông.
Người Ninh Hoà: En ăn xơi hông.

Nếu tất cả toàn thể người Việt Nam cùng nói giọng Hà Nội, cùng có cách phát âm trong bài hát giống như các cô ca sĩ hải ngoại thì chắc là em buồn lắm. Nếu mỗi khi em gặp một người nào vùng nào thì mình cố nhớ giọng nói đó.
Nước Việt Nam chỉ bằng 75% diện tích California, nhưng đi 50-70 chục cây số thì giọng nói lại khác, thức ăn cũng khác. Không chắc gì chúng ta giữ được những cái như vậy. Em sợ một ngày nào đó tô phở Bắc giống hệt tô phở Sài Gòn, còn bánh tráng đập dập Hội An thì không tìm đâu ra.

Xin lỗi là đi lạc chủ đề nhưng em nghe nhiều người than phiền về tiếng Việt mà ít khen lắm. Phải hôn?

(Trau giồi tiếng Việt – ĐatViet.com)

Khách sáo

Mở quyển tự điển Việt Nam của hai tác giả Nguyễn Tài Đức và Nguyễn Tài Tình tra khảo chữ “khách sáo”, lời giải thích là:

Người sinh truởng hay có máu mủ liên hệ trực thuộc ở miền Bắc.

(Nguyễn Tài Ngọc – Bắc kỳ)

Giai thoại làng văn

Nguyên Ngọc là người không biết mềm mỏng trong giao tiếp, rất cứng. Anh rất ghét Nguyễn Đình Thi, cho là thằng giả dối. Trong hội nghị, hễ Thi phát biểu, anh bỏ ra ngoài.

Anh rất khinh Huy Cận. Anh cho con người nhân cách bẩn như thế viết hay sao được. Người ta nói, thơ Huy Cận trước kia hay đấy chứ! Anh nói dứt khoát: “không hay!”.

Anh rất ghét bọn chấp hành Hội nhà văn từ khoá năm, khoá sáu và tờ Văn nghệ của Hữu Thỉnh. Văn nghệ đưa đến, anh vất ngay vào sọt rác. Hội cấp tiền bồi dưỡng sáng tác cho anh, anh từ chối. Nhà anh ở khu tập thể quân đội số 8 – Lý Nam Đế. Từ cổng đi vào gặp rất nhiều nhà văn quen thuộc. Anh đi một mạch thẳng, chẳng trò chuyện với ai, khinh tuốt. Tất nhiên Tố Hữu rất ghét Nguyên Ngọc. Tố Hữu từng nói với Tô Hoài: “Nguyên Ngọc cứ để nó làm bí thư đảng đoàn thì nó sẽ làm vua”. Nguyên Ngọc thì bướng. Tố Hữu thì hách, tất nhiên rất ghét nhau.

Hiện nay Nguyên Ngọc đang giúp Quảng Nam xây dựng một trường Đại học dân lập ở Hội An. Tôi hỏi anh, xây dựng trường theo kiểu gì? Anh nói vắn tắt: “Theo kiểu Mỹ”

Nguyên Ngọc trước sau vẫn là một con người lãng mạn.

(Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh)

Tiếng Việt trong sáng

Người Việt trong nước gọi “búa sua” tổ quốc là “nhà nước”, chính phủ là “nhà nước”.

Hết “nhà nước“ ta đến nhà nước nhà nước I Rắc, nhà nước I Răn, nhà nước Ả Rập, nhà nước Cu Ba..v..v..

Lý do họ “trăn trở” và “bức xúc” không dùng từ “Quốc gia” vì “kỵ húy” với…nhà nước Ta.

Nhất chi mai

Điển tích Nhất chi mai được trích từ tập Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn nói về đời tư của Hồ Qúy Ly. Chuyện là lúc còn trai trẻ Hồ Qúy Ly đi buôn bằng đường thủy, trên thuyền đọc truyện “Quảng Hàn Cung Lý Nhất Chi Mai”, giống như chuyện trên cung trăng có chú cuội với cây đa.

Sau làm quan nhỏ trong triều, ngày nọ vua Trần nghỉ ở điện Thanh Thử, nhân đó vua ra câu đối cho các quan: “Thanh Thử điện tiền thiên thụ quế”, nghĩa là trước địên Thanh Thử có cả ngàn cây quế. Hồ qúy Ly nhớ lại chuyện cũ liền đối ngay: “Quảng Hàn cung lý Nhất Chi Mai”.

Vua nghe xong giật mình hỏi sao họ Hồ lại biết chuyện vua đang sửa sọan dựng cung Quảng Hàn cho công chúa Nhất Chi Mai. Hồ Qúy Ly cứ tình thực mà trả lời, vua Trần cho là số trời nên gả công chúa cho, sau họ Hồ sóan ngôi nhà Trần.

Làng văn hóa, ấp văn hóa

Theo giáo sư Trần Quốc Vượng (Hà Nội) cho biết thế nào là làng văn hóa, ấp văn hóa. Thật phi lý khi làng này được công nhận là làng văn hóa, còn làng kia thì lại không. Văn hóa là những giá trị vật chất và phi vật chất đã tồn tại từ bao đời nay, có thứ văn hóa từ xưa tới nay vẫn phù hợp với lối sống đương đại, có thứ văn hóa đã phải khuất lấp hoặc biến thể trước dòng chảy ào ạt của thời gian. Ngày xưa văn hóa “trai năm thê bảy thiếp”, ngày nay văn hóa “một vợ một chồng”, ấy là nếp sống văn minh theo thời đại, không thể gọi ngày xưa là không văn hóa được.

(Trần Quốc Vượng – Văn hóa Việt Nam, tìm tòi và suy ngẫm)

Văn học lưu vong

Tạp chí đầu tiên của những người tị nạn ở Hoa Kỳ là tờ Hồn Việt của Nguyễn Hoàng Đoan, ra mắt vào tháng 9-1975 ngay trong trại tị nạn Pendleton.

Kế tiếp là Văn (Mai Thảo & Nguyễn Xuân Hoàng), Quê Hương, Nhân Chứng và Tay Phải (Du Tử Lê 1976), Trắng Đen (Việt Định Phương 1976), Phục Quốc (Trọng Minh 1976), Tin Văn (Đông Duy 1976), Đất Việt và Việt Nam Hải Ngoại (Tô Văn & Đinh Thạch Bích 1977), Bút Lửa (Lê Tất Điều 1978), Người Việt và Thế Kỷ 21 (Đỗ Ngọc Yến 1978), Đồng Nai (Dương Hữu Chương & Nguyễn Thượng Hiệp), Diễn Đàn Chủ Nhật (Đinh Lưu Nhã), Văn Hóa (Lý Kiến Trúc), Việt Nam Tự Do (Duy Sinh), Văn Học (Nguyễn Mộng Giác), Đất Mới (Thanh Nam), Khởi Hành (Viên Linh), Văn Học Nghệ Thuật (Võ Phiến), Hợp Lưu (Khánh Trường), Văn Nghệ Tiền Phong (Thanh Thương Hoàng), Sài Gòn Nhỏ và Tân Văn (Hoàng Dược Thảo), ViệtTide (Vũ Quang Ninh), Việt Báo (Trần Dạ Từ & Nhã Ca).

Bồ liễu

Cây liễu, cành mềm rủ xuống, lá rụng sớm hơn hết các loại cây.

Đồng thời chỉ thể chất yếu ớt của phái nữ.

Phiếu mai chi dám tình trăng gió

Bồ liễu thôi đành phận mỏng manh

(Nguyễn Thạch Giang – Văn học tập giải)

Văn bài

Một bài văn hay không phải chỉ hay ở câu. Hay, phải hay toàn bài.

Bài hay có thể cứu được những câu dở, nhưng câu hay lại không cứu nổi bài dở. Bởi vậy cách tạo câu, tuy quan trọng, nhưng không quan trọng bằng cách lập ý, tức cấu trúc (bố cục) chung của cả bài.

Lập ý giống như “bày trận”. Mỗi câu, mỗi ý và mỗi chi tiết được phải được sắp xếp làm sao để chúng có thể hỗ trợ cho nhau, hô ứng với nhau, tăng cường sức mạnh cho nhau, cuối cùng, đạt được mục tiêu tối hậu:

Để lại một ấn tượng thật sâu trong lòng người đọc.

Trận đánh kết thúc ở câu/đoạn/ý cuối cùng. Theo tôi, người không biết kết thúc một bài văn cũng giống như một người chơi cờ mà không biết cách…chiếu tướng.

(Nguyễn Hưng Quốc – Kinh nghiệm viết văn)

Dủ học dủ ngu II

Nghe cái câu dủ học dủ ngu, nghĩa là càng học càng thấy ngu dễ mấy ai tin được. Càng học thì phải càng khôn ra, cũng như gừng, quế, “dũ lão dũ tân”, càng già càng cay, mới phải cho chớ. Cho đến khi lăn lộn ngoài đời, tôi mới biết rằng có rất nhiều điều mà học đường không hề dạỵ Nói đầu xa, chỉ những câu ca dao, những câu hát ru em huê tình, tưởng rằng đã hiểu cháo chan, ai dè biết ra, không hiểu 1 cái gì hết, như:
Trách ai ăn giấy bỏ bìa
Khi thương, thương vội, khi lìa, lìa xa
Câu này thì tôi có thắc mắc, giấy thì làm sao mà ăn? “Ăn giấy bỏ bìa” là làm sao? Tại sao hạng người “ăn giấy bỏ bìa” khi thương lại thương vội, khi lìa lại 1 mạch lìa luôn theo kiểu “hạ thủ bất lưu tình” ?Tôi đem những thắc mắc này hỏi nhiều người, kể cả những ông thầy dậy Việt Văn, nhưng không có ai trả lời nghe xuôi tai được. Cho mãi tới sau khi đổi đời, “gỉa dại qua ải” (mà chút xíu nữa thành dại thiệt), về ở rẫy, tôi mới được nghe giải thích thỏa đáng câu hát này.
Người dạy tôi là bà Ba Thời. Bà này, cạo đầu, ăn chay trường, tu tại gia, không ăn trầu, nhưng hút thuốc phun khói còn hơn là đầu máy xe lửa. Bà có biệt tài chữa bệnh bằng phương pháp cắt lể rất mát taỵ Nhiều người, trong đó có tôi, nhờ bà chữa trị mà lành bịnh được. Đặc biệt bà có 3 con dao để lể, 1 cái bằng vàng, 1 cái bằng bạc, 1 cái bằng đồng, cái nào cũng chỉ lớn bằng cây móc tai. Tùy theo con bịnh nặng nhẹ mà bà dùng con dao nào để lể. Bà, người nẩm thấp, hơi nới về chiều ngang, mấy ngón tay mũm mĩm no tròn như nải chuối cau, nhưng cắt lể cho bịnh nhơn, bà làm coi bộ gọn gàng nhặm lẹ khéo léo lắm.

Tôi khoái nhất là cái màn được bà se se mấy sợi tóc, rồi giựt nghe…cóc cóc.

(Nguyễn Ðức Lập – Góp nhặt trong điện thư)

Minh tinh

Bài thơ khóc cụ Phan Thanh Giản, cụ Nguyễn Đình Chiểu có câu:

“Minh tinh chín chữ lòng son tạc – Trời đất từ đây mặc gió thân”.

Minh tinh – Minh: khắc vào. Tinh: mảnh gỗ, vải hay giấy.

Minh tên là tên học, chức tước người quá cố khắc vào gỗ hay viết vào giấy, vải đi trước quan tài (còn gọi là “triệu”)

Minh tinh là sao sáng, tiếng Việt bây giờ là…người đẹp (sao siêu).

Tiếng Việt

Như ta đã thấy, nhiều dân-tộc trên thế-giới phải vay mượn ngôn-ngữ của nước khác để làm ngôn-ngữ cho dân-tộc mình. Trong khi đó Tiếng Việt ta có một gía-trị độc-đáo là ngôn-ngữ chung cho cả một dân-tộc, thứ tiếng thống-nhất có 80 triệu người nói thuần- túy Tiếng Việt như là ngôn-ngữ chính. Điều hãnh-diện nữa là Tiếng Việt được các nhà ngôn-ngữ-học xếp vào một trong 40 ngôn-ngữ có nhiều đặc thù nhất trên thế-giới.

Ưu-điểm khác là Tiếng Việt được viết theo vần ABC, không kém gì các thứ chữ tân- tiến hiện nay. Ta lại đặc-biệt sáng-chế ra năm dấu Sắc, Huyền, Hỏi, Ngã, Nặng để viết được tất cả Tiếng Việt theo âm-điệu trầm bổng của một ngôn-ngữ đơn-âm. Không những phong-phú mà Tiếng Việt còn có âm-điệu uyển-chuyển nên thơ văn dễ phát-triển, nói lên được tất cả những cảnh vật muôn hình vạn trạng…

(Lê Thương – Tiếng Việt hồn Việt)

Hỏi

Xin hỏi “Ăn cơm hớt”…nghĩa là gì? Thưa bạn đọc.

Ngộ Không

 

 

©T.Vấn 2014

Bài Mới Nhất
Search