T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Hoài Nam: NHỮNG CA KHÚC NGOẠI QUỐC LỜI VIỆT(30)-IF YOU GO AWAY (Ne Me Quitte Pas – Người Yêu Nếu Ra đi) – Jacques Brel & Rod McKuen

clip_image002

Tiếp tục giới thiệu những ca khúc được ưa chuộng trong nền nhạc phổ thông quốc tế, kỳ này chúng tôi viết về bản If You Go Away, trước năm 1975, được nhạc sĩ Phạm Duy đặt lời Việt với tựa Người Yêu Nếu Ra Đi.

If You Go Away được xem là một trong những tình khúc bất hủ của hậu bán thế kỷ thứ 20, và riêng với những người yêu thích nhạc jazz, đây là một ca khúc, nhạc khúc điển hình nhất của nhạc jazz hiện đại (modern jazz), nghĩa là dễ nghe, dễ cảm.

Phụ lục (1): If You Go Away – Giovanni Marradi (piano)

01-IfYouGoAway-GiovanniMarradi

Cho tới nay, If You Go Away đã được hàng trăm danh ca quốc tế thuộc đủ mọi thế hệ thu đĩa, nhưng không phải bất cứ thính giả nào, nhất là giới trẻ, cũng biết If You Go Away nguyên là một ca khúc của Pháp có tựa đề Ne Me Quitte Pas (Xin Đừng Bỏ Anh).

Ne Me Quitte Pas là một giai thoại về một tác giả đầy huyền thoại: nhà viết ca khúc kiêm ca sĩ Pháp gốc Bỉ Jacques Brel.

Trước khi viết về tác phẩm, xin được viết về tác giả.

clip_image003

Jacques Brel (1929-1978) không chỉ là một nhà viết ca khúc kiêm ca sĩ, mà còn là diễn viên kịch nghệ, diễn viên điện ảnh, nhà viết kịch bản sân khấu và kịch bản phim, kiêm đạo diễn tài ba bậc nhất của Pháp. Jacques Brel đã thủ vai chính trong 10 cuốn phim, và đạo diễn hai phim, trong đó có Le Far West, được xướng danh tranh giải Cành Cọ Vàng (Palme d’Or) tại Đại hội Điện ảnh Quốc tế Cannes (Pháp) năm 1973. Bên cạnh đó, do chịu ảnh hưởng của bà mẹ, Jacques Brel còn là một nhà hảo tâm trong lĩnh vực từ thiện, nhân đạo. Tuy nhiên trong phạm vi bài này, chúng tôi chỉ chú trọng với sự nghiệp sáng tác và ca hát của Jacques Brel.

Cũng cần viết thêm, trước năm 1975, giới thưởng ngoạn ở Hòn Ngọc Viễn Đông không biết nhiều về các ca khúc của Jacques Brel là vì với những người đã quen nghe Tino Rossi, Yves Montand, Charles Anavour, những ca khúc này hơi mới lạ, trong khi lại khá “cao” đối với giới trẻ yêu nhạc Pháp tại miền Nam lúc bấy giờ. Đồng thời, cũng vì cách hát “vũ bão” (violent) của Jacques Brel, không phải ai cũng có thể thưởng thức.

Cho tới nay, Jacques Brel vẫn được xem là ca nhạc sĩ lớn nhất xuất thân từ Vương quốc Bỉ, và là một trong những ca sĩ hát tiếng Pháp có số đĩa bán nhiều nhất (25 triệu), và qua mặt cả đệ nhất nữ danh ca Pháp Édith Piaf về số đĩa hát bán ra sau khi đã qua đời – trung bình 200.000 đĩa mỗi năm.

* * *

Jacques Brel, tên đầy đủ là Jacques Romain Georges Brel, ra chào đời tại Brussels, thủ đô Vương quốc Bỉ, trong một gia đình Công giáo trung lưu bảo thủ, nói tiếng Pháp (phần lớn người Bỉ nói tiếng Pháp, trừ những người ở vùng Flanders nói tiếng Flemish, vốn là tiếng Hòa-lan được địa phương hóa). Cùng với anh trai, Jacques Brel được cho theo học trường đạo nổi tiếng, nhưng không hiểu vì biếng học hay tư chất kém thông minh, Jacques Brel bị mô tả là một trong học sinh dốt nhất, dốt về rất cả mọi môn, trừ thơ văn và kịch nghệ; cậu là một trong những học sinh đã đứng ra thành lập Saint-Louis College Drama Club.

Năm 15 tuổi, Jacques Brel bắt đầu chơi guitar, và qua năm sau khởi sự sáng tác kịch bản cho nhóm kịch của mình. Nhưng bằng đó thứ cũng không đủ giữ Jacques Brel ở lại ghế nhà trường. Năm 1947, vào tuổi 18, Jacques Brel bỏ học, tới làm việc tại xưởng sản xuất thùng các-tông của ông bố – dĩ nhiên là làm việc trong văn phòng.

Để quên đi những nhàm chán trong công việc hàng ngày, Jacques Brel gia nhập La Franche Cordée, một tổ chức nhân đạo của giới trẻ Công giáo. Năm 1949, Jacques Brel trở thành người lãnh đạo La Franche Cordée và đã dựng nhiều vở kịch để tổ chức trình diễn gây quỹ, trong đó có vở Le Petit Prince của Saint Exupéry.

clip_image005

Jacques BrelThérèse Michielsen

Thời gian hoạt động trong La Franche Cordée, Jacques Brel gặp gỡ Thérèse Michielsen – thường được gọi một cách thân mật là “Miche”. Tháng 6, 1950, hai người kết hôn, và cuối năm sau, bé gái Chantal ra chào đời.

Qua năm 1952, Jacques Brel bắt đầu sáng tác ca khúc và tự mình trình bày trong các buổi xum họp mang tính cách gia đình, cũng như tại các quán nhạc (cabaret) ở Brussels. Trong khi cả gia đình và hầu hết bạn bè không ai “enjoy” được những ca khúc với lời hát cay đắng và phong cách trình diễn “đau khổ, quằn quại” của Jacques Brel, thì ông Jacques Cannetti, Giám đốc nghệ thuật của hãng đĩa Philips Records, sau khi tình cờ được nghe Jacques Brel trình diễn trong quán nhạc La Rose Noire ở Brussels vào đầu năm 1953, đã ký hợp đồng thu đĩa và mời chàng sang Kinh thành Ánh sáng.

Bấp chấp sự phản đối của gia đình, sau khi Miche sanh cô con gái thứ hai, France, vào tháng 7, tới mùa thu năm ấy, Jacques Brel đưa vợ con sang Paris. Thời gian đầu, Jacques Brel kiếm sống bằng nghề dạy đàn guitar và đàn hát trong các quán nhạc.

Đầu năm 1954, Jacques Brel tham gia cuộc thi viết ca khúc Grand Prix de la Chanson với kết quả thật thảm hại: đứng hạng 27 trong số 28 tác giả dự thi. Nhưng ở đời mấy ai học được chữ ngờ, Juliette Gréco, nữ minh tinh kiêm ca sĩ nổi tiếng bậc nhất của Pháp thời bấy giờ, lại chọn một ca khúc của Jacques Brel, bản Le Diable, đưa vào chương trình trình diễn của mình tại đại hí viện Olympia, và sau đó thu đĩa. Nhờ vậy tên tuổi của Jacques Brel mới được giới thưởng ngoạn biết tới. Tháng 7 năm đó, Jacques Brel được trình diễn tại Olympia, và tới cuối năm, hãng đĩa Philips Records cho phát hành album đầu tay của chàng – Jacques Brel et ses Chansons. Đường danh vọng của chàng ca nhạc sĩ bắt đầu từ đây.

Từ đó cho tới năm 1958, Jacques Brel thu thêm hai album nữa, và liên tục đi lưu diễn trên toàn quốc Pháp, cũng như ở Gia-nã-đại và Nam Phi.

Đầu năm 1962, Jacques Brel bỏ hãng đĩa Philips Records để ký hợp đồng với hãng đĩa Barckay Records, và 10 năm tiếp theo đó là thời gian thành công rực rỡ nhất trong sự nghiệp của Jacques Brel, về sáng tác cũng như ca hát.

Về sáng tác, Jacques Brel được xưng tụng là bậc thầy của ca khúc hiện đại Pháp (master of modern “chanson”), và tuy thường chỉ hát bằng tiếng Pháp và Flemish, ông đã tạo một ảnh hưởng lớn nơi các ca nhạc sĩ ở các xứ nói tiếng Anh, như David Bowie, Marc Almond (Anh quốc), Alex Harvey (Tô-cách-lan), Leonard Cohen (Gia-nã-đại), Rod McKuen (Mỹ)…

Tại Hoa Kỳ, những ca khúc của Jacques Brel được Rod McKuen đặt lời Anh, đã được nhiều ca sĩ hàng đầu thu đĩa, như Ray Charles, Judy Collins, John Denver, ban Kingston Trio, Nina Simone, Frank Sinatra, Andy Williams…

clip_image007

Rod McKuen chính là chàng ca nhạc sĩ tài hoa kiêm thi sĩ đã viết lời Anh If You go Away cho ca khúc Ne Me Quitte Pas của Jacques Brel mà chúng tôi sẽ đề cập tới ở phần sau. Một ca khúc khác của Jacques Brel được Rod McKuen đặt lời Anh cũng đã trở nên nổi tiếng quốc tế là bản Le Moribond (Seasons in the Sun), trước năm 1975 đã được nhạc sĩ Phạm Duy đặt lời Việt dưới tựa Những Mùa Nắng Đẹp.

Bên cạnh những sáng tác của riêng mình, Jacques Brel còn “phóng tác” những nhạc khúc cổ điển, những ca khúc truyền thống quốc tế và đặt lời Pháp. Một trong những ca khúc ấy chính là bản Amtersdam, với giai điệu lấy từ ca khúc truyền thống Lady Green Sleeves của Anh quốc mà chúng tôi mới giới thiệu trong một kỳ trước.

Lời hát của Amsterdam được xem như một tuyệt tác của Jacques Brel, gần như một bài thơ với nội dung buồn thảm, tả cảnh những thủy thủ xa nhà lên bờ giải khuây ở hải cảng Amtersdam.

Jacques Brel không bao giờ thu đĩa bản Amtersdam bởi ông cho rằng bốn bức tường của phòng thu âm không đủ tạo cảm hứng cho ông hát, cho nên ông chỉ hát trong các buổi trình diễn sống (live), và lần nào cũng khiến khán giả phải rơi lệ. Lời hát của Amsterdam đã được dịch, hoặc phóng tác qua nhiều ngôn ngữ khác nhau, trong đó có ít nhất hai phiên bản tiếng Anh, một của Rod McKuen, một của David Bowie.

Video:

Amsterdam – Jacques Brel (English Subtitles).avi – YouTube

Thời gian từ đầu năm 1964 tới giữa năm 1966, Jacques Brel liên tục trình diễn ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Hoa Kỳ, Anh Quốc và tới tận các đảo Madagascar, Réunion, Mauritius ở Ấn-độ dương. Tuy nhiên tới tháng 8, 1966, cảm thấy sức khỏe không còn cho phép, Jacques Brel quyết định từ giã ánh đèn màu. Nhưng cũng không phải là một việc dễ dàng: theo yêu cầu của người ái mộ, ông đã phải trình diễn “lần cuối cùng” suốt ba tuần liền ở đại hí viện Olympia ở Paris, rồi trở về cố hương trình diễn tại hí viện Palais des Beaux-Arts ở Brussels.

Cuối tháng 11, 1966, Jacques Brel sang Luân-đôn trình diễn tại Royal Albert Hall để từ giã khán giả Anh, và sau cùng, vào đầu tháng 12, trở lại Hoa Kỳ trình diễn tại Carnegie Hall ở Nữu Ước.

Trở về Pháp, mặc dù vẫn tiếp tục sáng tác và thu đĩa, Jacques Brel bắt đầu chú trọng tới bộ môn điện ảnh, và dành nhiều thời gian cho hai thú tiêu khiển: lái máy bay nhỏ và dong thuyền buồm tới các hải đảo xa xôi.

Ngày 9 tháng 10 năm 1978, sau 4 năm bị ung thư phổi, Jacques Brel qua đời tại một bệnh viện ở Paris, hưởng 49 tuổi. Thi hài ông được đưa về an táng trong nghĩa trang Calvary Cemetery trên đảo Hiva Oa thuộc quần đảo Marquesas (Les Marquises), French Polynesia, ở nam Thái Bình Dương, nơi mà ông đã sống những tháng ngày cuối đời bên cạnh người tình trẻ là nữ diễn viên Maddly Bamy.

Cách mộ ông vài bước là mộ của họa sĩ kiêm điêu khắc gia Pháp lừng danh Paul Gaugin (1848-1903), người đã từng chung sống và có con với một phụ nữ địa phương trước khi qua đời tại hòn đảo này vào tuổi 54 – nghe nói là vì “overdose” bạch phiến.

* * *

clip_image008

Jacques Brel Maddly Bamy

Nhân nhắc tới “người tình trẻ Maddly Bamy”, thiết tưởng cũng nên có đôi hàng về cuộc đời ái tình của Jacques Brel, mà hệ lụy của một trong những mối tình ấy đã khiến ông cảm tác tình khúc bất hủ Ne Me Quitte Pas.

Ngược dòng thời gian, năm 1950, vào tuổi 21, Jacques Brel kết hôn với Miche (Thérèse Michielsen), cô bạn gái trong tổ chức thiện nguyện Công giáo La Franche Cordée, và cuộc hôn nhân ấy, ít nhất cũng là trên giấy tờ, bền cho tới khi ông về bên kia thế giới.

Kể cả khi Jacques Brel đã cặp kè hoặc chung sống với người khác, Miche vẫn là “Bà Jacques Brel”. Năm 1962, khi đứng ra thành lập hãng đĩa của riêng mình – Éditions Musicales Pouchenel – Jacques Brel đã để Miche làm giám đốc. Đầu năm 1973, biết mình không còn sống được bao lâu nữa, Jacques Brel làm di chúc để lại toàn bộ tài sản cho vợ.

Nhưng trong khi trọn “nghĩa” vợ chồng, Jacques Brel lại có lắm “tình” riêng. Jacques Brel không điển trai như Alain Delon, nhưng chàng có sức thu hút đặc biệt, trước ống kính máy quay phim, trên sân khấu ca nhạc cũng như ở đời thường.

Tháng 2, 1958, khi đã nổi tiếng, vì phải đi lưu diễn quanh năm, Jacques Brel quyết định đưa Miche và hai bé gái Chantal, France về Bỉ sống với gia đình. Lúc ấy, Miche đang mang thai, và tới tháng 8 cho ra chào đời cô con gái thứ ba, Isabelle.

Jacques Brel ở lại Paris, chàng mướn một căn phòng nhỏ gần quảng trường Place de Clichy, nơi hiếm họa chàng mới trở về đặt lưng, bởi mỗi khi không phải đi lưu diễn, Jacques Brel thường “đóng đô” tại apartement của cô nhân tình Suzanne Gabriello ở khu nghệ sĩ Montmartre.

clip_image009

Suzanne Gabriello (1932-1992)

Suzanne Gabriello (1932-1992), biệt hiệu “Zizou”, là một nữ diễn viên kiêm ca sĩ Pháp, con gái của nam diễn viên André Gabriello.

Năm 1953, khi Jacques Brel mới chân ướt chân ráo tới Paris, Suzanne Gabriello đã đường đường là một người giới thiệu chương trình (MC) tại đại hí viện Olympia, và qua năm 1954 đã tận tình lăng-xê Jacques Brel khi chàng được xuất hiện lần đầu tiên trên sân khấu hí viện này. Năm 1955, hai người bắt đầu cặp kè thân mật và chia tay nhau năm 1959. (Chúng tôi sẽ trở lại với đoạn kết chuyện tình Jacques – Suzanne ở một phần sau)

Hai năm sau khi chia tay Suzanne Gabriello, Jacques Brel bắt đầu cuộc tình với Sylvie Rivet – cuộc tình mà tác giả Olivier Todd, người viết tiểu sử Jacques Brel, đã gọi là “cuộc hôn nhân thứ hai” (deuxième mariage) mặc dù Jacques Brel và Miche chưa bao giờ ly dị.

Viết một cách chính xác, Jacques Brel đã từng đề nghị ly dị, nhưng Miche dứt khoái từ chối. Miche nói với chồng:

“Người ta yêu nhiều người là chuyện thường. Anh đang sống với Sylvie, được ngày nào biết ngày ấy thôi. Nhưng anh và em, chúng ta là của nhau suốt đời.”

Sylvie Rivet, kém Jacques Brel ba tuổi, nguyên là đại diện báo chí của hãng đĩa Philips Records, xinh đẹp, đằm thắm, tóc nâu, mắt xanh ve (green). Từ năm 1961 tới năm 1970, hai người sống với nhau trong một biệt thự thơ mộng ở Roquebrune Cap-Martin nhìn ra sóng nước Địa Trung Hải. Chính trong thời gian này, Jacques Brel đã sáng tác nhiều ca khúc để đời của mình, như Amsterdam, Mathilde, Jacky, Les Bonbons, v.v…

Sylvie Rivet sống suốt đời không chồng không con, qua đời năm 2002.

Sau khi Sylvie Rivet chia tay Jacques Brel vào năm 1970, bóng hồng thay thế không phải ai xa lạ mà chính là Marianne, một người bạn của Sylvie Rivet. Marianne (các tài liệu không ghi họ của bà) là một phụ nữ yêu chuộng thể thao, tự do và tự lập, sống với con trai nhỏ ở một vùng ngoại ô xa Paris, cho nên hai người rất ít khi gặp gỡ. Nhưng chính vì ít nên càng sôi nổi!

Qua năm 1972, trong thời gian thủ một vai chính trong cuốn phim “hài kịch anh chị” L’aventure c’est l’aventure, Jacques Brel gặp gỡ nữ vũ công kiêm diễn viên trẻ Maddly Bamy, kém chàng 14 tuổi.

Maddly Bamy ra chào đời tại đảo Guadeloupe (thuộc Pháp) ở vùng biển Caribbean, mang hai dòng máu Pháp – Phi châu. Cùng gia đình sang Paris từ lúc 10 tuổi, Maddly Bamy bắt đầu xuất hiện trên màn bạc và màn ảnh truyền hình từ năm 20 tuổi, đồng thời trở thành một vũ công trong ban vũ Les Claudettes của Claude Francois (người đã đặt lời cho bản Donna Donna)

[Les Claudettes được ghi nhận là ban vũ phụ diễn “hiện đại” đầu tiên của Pháp, với trang phục tươi mát, vũ điệu sống động, để tạo thêm sức thu hút cho ca sĩ chính]

Vai trò nổi tiếng nhất của Maddly Bamy trên màn bạc là vai Madly trong cuốn phim có cùng tựa sản xuất năm 1969, bên cạnh hai tên tuổi lớn của điện ảnh Pháp là Alain Delon và Mireille Darc.

Thế là cùng một lúc (năm 1972-1973), Jacques Brel có tới ba người đàn bà: một người vợ không chung sống và hai người tình part-time!

Đầu năm 1973, cảm thấy mình đã quá yếu, Jacques Brel làm di chúc để lại toàn bộ tài sản cho vợ, rồi thu đĩa hát cuối cùng (L’enfance – Tuổi ấu thơ) để lấy tiền tặng cho quỹ trẻ em tàn tật, đồng thời đóng cuốn phim chót trong số 10 cuốn phim của ông. Mùa hè năm ấy, cùng với ba cô con gái và năm người bạn thân, Jacques Brel tham gia chuyến thực tập hải hành kéo dài 2 tháng ở Đại Tây Dương trên tàu huấn luyện Le Korrig.

Trở về, Jacques Brel mua chiếc Askoy II, một thuyền buồm dài 19 mét, trọng tải 42 tấn, và rủ Marianne theo mình trong chuyến vòng quanh thế giới dự trù kéo dài 3 năm. Nhưng giữa người tình và đứa con trai nhỏ, Marianne đã quyết định chọn con. Jacques Brel bèn rủ Maddly Bamy, và cô đã từ bỏ tất cả để theo ông.

Tháng 7, 1974, Jacques Brel, cô con gái thứ hai (France) và Maddly Bamy cùng rời bến.

Tới tháng 10, trong thời gian cập đảo Canary Islands, ngoài khơi Morocco, khi đi khám bác sĩ, Jacques Brel được cho biết ông bị ung thư ở lá phổi bên trái. Tháng 11, Jacques Brel được đưa khẩn cấp về Brussels để giải phẫu ung thư; tại đây các bác sĩ cho biết ung thư của ông đã lan rộng. Biết mình giờ của mình sắp điểm, Jacques Brel ra một thông báo xin được chết trong an bình, và chết trong cô đơn.

Nhưng Maddly Bamy đã quyết định ở lại bên ông cho tới giờ phút cuối.

Trở lại trên chiếc Askoy II, Jacques Brel vượt Đại Tây Dương, dong buồm quanh vùng đảo West Indies cho tới tháng 7, 1975, rồi băng qua kinh đào Panama, sang Thái Bình Dương.

Sau 2 tháng du hành qua các vùng đảo thơ mộng, tới tháng 11 năm đó, Jacques Brel và Maddly Bamy quyết định thả neo, sống trên chiếc Askoy II ngoài khơi đảo Hiva Oa, quần đảo Marquesas, thuộc French Polynesia ở nam Thái Bình Dương.

Tháng 6 năm 1976, Jacques Brel quyết định bán chiếc thuyền buồm rồi cùng Maddly Bamy mướn một căn nhà nhỏ ở thị trấn biển Atuona, trên đảo Hiva Oa. Qua tháng 7, Jacques Brel tái đăng ký bằng lái máy bay của mình rồi mua một chiếc phi cơ nhỏ 2 động cơ, đặt tên là Jojo (biệt hiệu của một người bạn đã khuất).

Ngoài những chuyến bay tới đảo Tahiti cùng với Maddly Bamy, chiếc Jojo còn được Jacques Brel sử dụng trong việc tiếp tế thuốc men, thực phẩm cho thổ dân ở những đảo nhỏ trong vùng.

Năm 1977, Jacques Brel cùng Maddly Bamy âm thầm trở về Paris để thu đĩa những ca khúc ông viết ở đảo Hiva Oa thành một album lấy tựa Les Marquises. Tuy âm thầm, nhưng do truyền miệng, hàng triệu người ái mộ cũng biết và đặt mua trước. Ngày 17, tháng 11, 1977, khi album Les Marquises được tưng bừng phát hành trên toàn quốc Pháp, Jacques Brel và Maddly Bamy đã ngồi trên phi cơ, lặng lẽ bay về đảo Hiva Oa.

Tới giữa năm 1978, tình hình sức khỏe của Jacques Brel trở nên tồi tệ. Ông được đưa về Pháp, nhưng với ung thư đã ở vào thời kỳ cuối, các bác sĩ bó tay. Sau gần bốn tháng an dưỡng tại miền Nam nước Pháp, Jacques Brel được đưa về Paris và trút hơi thở cuối cùng trong bệnh viện ngày 9 tháng 10, 1978.

Như đã viết ở phần đầu, thi hài ông được đưa về an táng trong nghĩa trang Calvary Cemetery trên đảo Hiva Oa. Có điều hơi khác thường nhưng không khiến ai ngạc nhiên, là trên bia mộ bằng đá tạc chân dung Jacques Brel, người ta đã không quên tạc cả chân dung Maddly Bamy đang âu yếm tựa cằm lên vai ông.

Từ đó, mộ phần của Jacques Brel, cùng với mộ phần của họa sĩ kiêm điêu khắc gia Paul Gaugin, đã trở thành nơi hành hương của người ái mộ. Căn nhà ven biển nơi Jacques Brel và Maddly Bamy đã sống, cùng với chiếc phi cơ Jojo được trưng bày phía trước, đã trở thành di sản được bảo vệ.

Sau khi Jacques Brel qua đời, quan hệ giữa gia đình người quá cố – bà vợ Miche, 3 cô con gái Chantal, France, Isabelle – với Maddly Bamy được mô tả là rất tốt đẹp. Cũng từ đó, Maddly Bamy thu mình vào bóng tối, tìm quên qua việc viết sách – 10 cuốn, tính cho tới nay.

* * *

Tới đây, chúng tôi xin đi vào đề tài chính: ca khúc Ne Me Quitte Pas, tức đoạn kết cay đắng của cuộc tình Jacques Brel – Suzanne Gabriello.

Trở lại thời gian đầu năm 1958, sau khi Jacques Brel đưa vợ con trở về Bỉ sống với gia đình, chàng chung sống không chính thức với Suzanne “Zizou” Gabriello tại apartement của nàng; ít lâu sau, nàng… có thai.

Là một tên tuổi nổi tiếng trong làng ca nhạc Pháp, “Zizou” không chấp nhận việc có một đứa con không cha, nên yêu cầu Jacques Brel phải công khai nhìn nhận mình là “tác giả”. Jacques Brel từ chối cho nên Suzanne đã phải phá thai, và… đá chàng ra khỏi cửa!

Jacques Brel ân hận, hối tiếc, nhưng đã quá muộn. Một ngày nọ, ngồi trong quán rượu Au Rêve (Mộng Mơ) dưới chân đồi Montmartre, nơi mà chàng có thể nhìn thấy apartement của Suzanne trên con dốc đối diện, Jacques Brel viết bản Ne Me Quitte Pas.

Nội dung của Ne Me Quitte Pas (Xin Đừng bỏ Anh) là những lời khẩn khoản, van xin nguời yêu đừng bỏ ra đi, và hứa hẹn những gì đẹp đẽ nhất – đẹp tới mức xưa nay chưa hề có, và mai hậu cũng sẽ chẳng có bao giờ. Thế nhưng, như đoạn kết của ca khúc cho biết, người yêu vẫn nhất quyết ra đi.

Cho dù Ne Me Quitte Pas đã được liệt vào hàng “love song classic” (tình khúc để đời), nhưng trong cuộc phỏng vấn sau cùng, Jacques Brel vẫn không nhìn nhận đây là một “tình khúc” mà chỉ xem đó như một ca khúc viết về sự đểu giả và hèn nhát của đàn ông.

Về phần Suzanne “Zizou” Gabriello, về sau lập gia đình với đạo diễn kịch nghệ Guy Lauzin, được một con gái, và qua đời vì ung thư vào tuổi 60, năm 1992.

Ít lâu trước khi qua đời, khi được phỏng vấn, bà đã khiêm nhượng không nhận “vinh dự” mình là đối tượng trong ca khúc Ne Me Quitte Pas, và nói rằng ca khúc này được Jacques Brel viết cho nữ giới một cách chung chung.

Thế nhưng với hậu thế, tình khúc để đời Ne Me Quitte Pas được Jacques Brel viết riêng cho Suzanne “Zizou” Gabriello là một khẳng định, bởi hầu như lần nào hát bản này, Jacques Brel cũng khóc!

Ne Me Quitte Pas được Jacques Brel trình bày lần đầu tiên và thu đĩa vào tháng 9, 1959.

Phụ lục (2): Ne Me Quitte Pas Jacques Brel

02-Ne me quitte pas – Jacques Brel

Video:

Jacques Brel-Ne me quitte pas (Eng. Subtitles) – YouTube

Trong số các nghệ sĩ nổi tiếng quốc tế hát bản Ne Me Quitte Pas, đầu tiên phải kể tới nữ minh tinh điện ảnh kiêm ca sĩ cabaret gốc Đức Marlene Dietrich, thu đĩa năm 1964; sau đó là đệ nhất nữ danh ca Pháp Édith Piaf, và có lần bà đã cùng tác giả song ca bản này.

Video:

Édith Piaf – Ne me quitte pas – YouTube

Năm 1965, sau khi nữ danh ca Mỹ Nina Simone thu đĩa Ne Me Quitte Pas, ca khúc này đã được ca nhạc sĩ kiêm thi sĩ Mỹ Rod McKuen dịch sang lời Anh với tựa If You Go Away, được nữ ca sĩ Mỹ Damita Jo thu đĩa, đứng hạng 10 trong bảng xếp hạng toàn quốc.

clip_image011

If You Go Away

If you go away on the summer day
Then you might as well take the sun away
All the birds that flew in the summer sky

When our love was new and our hearts were high
When the day was young and the night was long
And the moon stood still for the night birds song

If you go away, if you go away
If you go away, if you go away

But if you stay, Ill make you a day
Like no day has been, or will be again
Well sail the sun, well ride on the rain

Well talk to the trees, worship the wind
Then if you go, Ill understand
Leave me just enough love to fill up my hand

If you go away, if you go away
If you go away, if you go away

If you go away, as I know you must
Therell be nothing left in the world to trust
Just an empty room, full of empty space

Like the empty look I see on your face
Id have been the shadow of your dog
If I thought it might have kept me by your side

If you go away, if you go away
If you go away, please, dont go away

So sánh giữa lời hát tiếng Pháp và tiếng Anh, trước hết xét về ý nghĩa, trong khi Ne Me Quitte Pas cho biết người yêu đã, hoặc đang bỏ ra đi, thì trong If You Go Away, đây chỉ là những lo âu trong trí tưởng của một người đang sống trong hạnh phúc yêu đương:

If you go away… thì những gì bi thảm nhất sẽ xảy ra cho cuộc tình mình, nhưng If you stay… thì những gì đẹp nhất sẽ đến với đôi ta.

Còn xét về giá trị văn chương, nghệ thuật, lời hát của If You Go Away hay hơn lời hát của Ne Me Quitte Pas cũng là một điều dễ hiểu: tác giả Rod McKuen là một thi sĩ!

Phụ lục (3): If You Go Away – Damita Jo

03-If You Go Away-Damita Jo 1961

Trong năm 1967, đã có nhiều ca sĩ nổi tiếng quốc tế khác thu đĩa If You Go Away, như nữ ca sĩ dân ca Mỹ Brenda Lee, nữ danh ca Anh Shirley Bassey, nam ca sĩ Mỹ Jack Jones, ban hợp ca Úc The Seekers, nữ danh ca gốc Anh Dusty Springfield, người nổi tiếng quốc tế trước đó với bản You Don’t Have to Say You love Me (Không cần nói anh yêu).

Đặc biệt, Dusty Springfield đã hát cả lời tiếng Anh lẫn lời tiếng Pháp, một việc mà về sau đã trở nên khá phổ biến.

Phụ lục (4): If You Go Away – Celine Dion

04-NeMeQuittePas-CelineDion_

Năm 1968, If You Go Away đã được nam ca sĩ dân ca Mỹ Glenn Campbell thu đĩa, đồng thời Brenda Lee cũng thu đĩa lần thứ hai tại Nashville, thủ đô dân ca Hoa Kỳ. Nhưng nổi bật trong khoảng thời gian này phải là If You Go Away qua giọng hát và phong cách trình bày của nam ca sĩ Anh Tom Jones.

Phụ lục (5): If You Go Away – Tom Jones

05 – if you go away tom jones

Nếu tính mức độ phổ biến sau khi được đặt lời tiếng Anh, có lẽ Ne Me Quitte Pas (If You Go Away) chỉ đứng sau Les Feuilles Mortes (Autumn Leaves), ca khúc nổi tiếng nhất của Pháp mà chúng tôi đã giới thiệu trước đây.

Hàng trăm ca sĩ nổi tiếng thuộc ba thế hệ nối tiếp khắp nơi trên thế giới đã thu đĩa Ne Me Quitte Pas (If You Go Away); chưa kể các dàn nhạc, các danh cầm piano, guitar, các tay saxophone…

Tại Hoa Kỳ, từ đầu thập niên 1970 tới nay, có Ray Charles, Franks Sinatra của thế hệ trước, tiếp theo là những “baby boomers” như Barbra Streisand, Neil Diamond, John Denver, rồi tới những thần tượng trẻ Alison Moyet, Belinda Carlise, Madonna, Cyndi Lauper, và cả ban nhạc rock Nirvana, với tiếng hát của Kurt Cobain (ít lâu trước khi anh tự tử bằng cách bắn vào đầu do ảnh hưởng của ma túy).

Chỉ tính riêng If You Go Away do Cyndi Lauper hát vào cuối thập niên 1980, đã bán được trên 4 triệu đĩa.

Tại những miền đất khác, có Shirley Bassey, David Bowie, Sting của Anh, Terry Jacks, Céline Dion của Gia-nã-đại, Julio Iglesias của Tây-ban-nha, Maysa Matarazzo của Ba-tây, Violetta Villas của Ba-lan, Dahlia Lavi của Do-thái…

If You Go Away cũng được hai nữ danh ca nhạc jazz Helen Merrill của Anh và Patricia Kass của Đức thu đĩa, và đạt thành công rực rỡ.

Video:

Patricia Kaas – If You Go Away.wmv – YouTube

If You Go Away được nhạc sĩ Phạm Duy đặt lời Việt với tựa “Người yêu nếu ra đi” vào khoảng năm 1973, thời kỳ “Việt hóa” nhạc trẻ tại miền Nam VN. Nếu chúng tôi nhớ không lầm, Cathy Huệ là người đầu tiên thu băng ca khúc này trong băng nhạc “Tình Ca Nhạc Trẻ”.

Sau năm 1975, “Người yêu nếu ra đi” đã trở thành một trong những ca khúc ngoại quốc lời Việt được các ca sĩ có trình độ, ở hải ngoại cũng như trong nước, ưa chuộng nhất. Trong số đó có Ngọc Lan, Tuấn Ngọc, Lâm Nhật Tiến, Nguyên Khang, Trần hái Hòa, Quang Minh, Bảo Thy…

Người Yêu Nếu Ra Đi

Người yêu nếu ra đi, một hôm nắng lên cao
Xin hãy mang đi theo, cả mây trắng trong veo
Lời chim hót mang đi, cùng tia nắng xôn xao
Ngày ta mới yêu nhau, tình ta mới dâng cao
Ngày sao thấy đi mau, và đêm vắng đêm sâu
Trăng sáng như nâng niu, loài chim hót đêm thâu
Người yêu nếu ra đi
Người yêu nếu chia lìa
Người yêu nếu ra đi
Người mà không đi, người tình tôi còn đó
Sẽ thấy tôi còn đây, yêu nhau như ngày qua
Cùng vừng dương lên, cùng làn mây lả lướt
Nói với lá cây tôi, đêm như xưa đầy vơi
Chìm vào làn môi, nụ cười không từ chối
Nói với mắt môi ai, duyên tình mãi không phai
Người mà xa vắng, tôi sẽ khóc thầm
Làn nước mắt tuôn tràn, cuộc tình đã tan
Người yêu nếu chia lìa
Người yêu nếu chia lìa
Người yêu nếu chia lìa
Người yêu chớ ra đi…

Người yêu nếu ra đi, người yêu sẽ ra đi
Xin trái đất lang thang, đừng quay nữa nghe không
Để có lẽ thương tâm, người yêu sẽ quay chân
Người có biết con tim, rồi tim sẽ êm êm
Ngừng nghe tiếng trăm năm, người yêu đã xa xăm
Tôi chết êm trong đêm, chờ nghe tiếng yêu vang
Người yêu nếu ra đi
Người yêu nếu chia lìa
Người yêu nếu ra đi…

Phụ lục (6): Người yêu nếu ra đi – Ngọc Lan

06-NguoiYeuNeuRaDi-NgocLan

Phụ lục (7): Người yêu nếu ra đi – Tuấn Ngọc

07-nguoi yeu neu ra di – tuan ngoc

Phụ lục (8): Người yêu nếu ra đi – Quang Minh

08-nguoi yeu neu ra di -quang minh

Phụ lục (9): If You Go Away – (saxophone)

09-IfYouGoAway-HoaTauSaxo

Hoài Nam

 

PHỤ LỤC:

Phụ lục (1): If You Go Away – Giovanni Marradi (piano)

Phụ lục (1): If You Go Away – Giovanni Marradi (piano)

Phụ lục (2): Ne Me Quitte Pas Jacques Brel

Phụ lục (2): Ne Me Quitte Pas Jacques Brel

Phụ lục (3): If You Go Away – Damita Jo

Phụ lục (3): If You Go Away – Damita Jo

Phụ lục (4): If You Go Away – Celine Dion

Phụ lục (4): If You Go Away – Celine Dion

Phụ lục (5): If You Go Away – Tom Jones

Phụ lục (5): If You Go Away – Tom Jones

Phụ lục (6): Người yêu nếu ra đi – Ngọc Lan

Phụ lục (6): Người yêu nếu ra đi – Ngọc Lan

Phụ lục (7): Người yêu nếu ra đi – Tuấn Ngọc

Phụ lục (7): Người yêu nếu ra đi – Tuấn Ngọc

Phụ lục (8): Người yêu nếu ra đi – Quang Minh

Phụ lục (8): Người yêu nếu ra đi – Quang Minh

Phụ lục (9): If You Go Away (saxophone)

Phụ lục (9): If You Go Away (saxophone)

 

 

(c)T.Vấn 2014

Bài Mới Nhất
Search