T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Đỗ Xuân Tê : Mụ Chó

clip_image001

Tranh : Trần Thanh Châu

Không biết người ta gọi người đàn bà này là Mụ Chó từ hồi nào. Chỉ biết từ khi chuyển về sống ở cư xá tôi, thì biệt danh này đã phổ biến khá rộng rãi. Từ trẻ con hàng xóm đến các ông già bà cả, kể cả các cụ cao niên vốn nghiêm túc trong lời ăn tiếng nói cũng đều gọi mụ như vậy, tất nhiên cũng chỉ gọi sau lưng với nhau chứ nếu mụ nghe được thì chuyện lại khác và tất nhiên người thua cuộc không thể nào địch lại với cái miệng có gang có thép của mụ.

Cư xá này cũng có vài đặc điểm hay hay, lại khá nổi tiếng thời chế độ cũ, tôi nhớ có lần một tác giả đã viết,

Nổi tiếng vì là khu chung cư thí điểm đầu tiên cho kế hoạch thiết kế đô thị của thành phố vừa qui tụ cư dân đa phần là thành phần có máu mặt. Lúc đầu nó chỉ dành cho các viên chức cảnh sát, sau có thêm mấy ông bên quân đội. Dần dần có giá vì nơi đây vừa an ninh vừa không bao giờ cảnh sát làm phiền. Các ông chủ người Hoa mơí phất bên Chợ lớn, các vị có con em trốn quân dịch, các ông lớn có vợ bé, các nghệ sĩ có bồ nhí, kể cả ca sĩ Khánh Ly khi có chồng cũng một thơì là cư dân ở đây. Ấy vậy mà cũng có mấy tay nằm vùng, trong đó có một ký giả sau thành Phó tổng biên tập SGGP.

Cư xá gồm 5 tầng, xây theo lối căn hộ nào cũng có ban công nhìn xuống phố. Căn của Mụ Chó nằm ngay chỗ giao lưu của mỗi tầng nên ai lên lầu 3, ai xuống tầng trệt đều phải đi ngang nhà Mụ, mà chỉ vài tháng sau khi dọn về đây Mụ đã nhanh chóng khai trương một tiệm chạp phô nhỏ chuyên bán những đồ cần dùng, cần ăn mà các bà nội trợ ngại xuống phố, trẻ con thì lại càng tiện vì Mụ có óc giỏi tiếp thị bán toàn đồ chúng thích vừa để ăn vừa để chơi bất kể giờ giấc.

Chuyện buôn bán hình như Mụ làm cho vui, nên giá cả phải chăng, hay chiều lòng khách, tuy vóc dáng mụ hơi gầy nhưng khuôn mặt tỏ lộ có một thời son phấn, giọng nói người Hà nội di cư, đối xử thì bất thường khi vui thì vồn vã đon đả lúc bực mình thì chẳng nể ai, dù người đó có là quan trên quan dưới thời chế độ cũ hay công an khu phố sau này.

Đặc biệt nhà Mụ có con chó con thật dễ thương, không biết giống chó gì nhưng sự khôn ngoan và hiếu khách cùng hết lòng chiều chủ thì phải nói là hiếm thấy trong cư xá. Nó yêu Mụ ngược lại mụ cũng cưng nó nghe chừng còn hơn cả đứa con gái duy nhất của Mụ. Con bé trạc tuổi teen khá xinh, ngoan, đi học về còn phải phụ mẹ trông hàng, bị sai vặt những việc không bao giờ dứt. Con bé này chẳng chơi với ai trừ mấy đứa con tôi, hay để lộ chuyện trong nhà và đôi khi ăn cắp hàng của mẹ dúi cho thằng út tôi mấy lọai kẹo bánh ăn liền.

Có người tưởng chắc Mụ thích chó nên người ta kêu mụ là Mụ Chó, chưa hẳn. Tất nhiên mụ cũng có tên, tên riêng cha mẹ đặt cho chứ không phải tên chồng vì không có bóng đàn ông nào trong nhà, đứa con gái thì ai cũng biết tên Nga còn bà mẹ thì dù thân cách mấy cũng chẳng ai dám hỏi, có hỏi mụ cũng chẳng nói, gặp hôm cúp điện mụ còn hỏi lại biết tên để điều tra hả, cuối cùng người ta cứ gọi là Mụ Chó. Nhưng khi đối diện thì theo thói quen của người Việt mình lấy tên con làm tên mẹ cho tiện và mặc nhiên bà là bà Nga, vừa lịch sự vừa được lòng nếu muốn mua được món hàng vừa hạp vừa hời, vừa được nghe những tin sốt dẻo của nhà này nhà nọ, toàn là tiêu cực có khi cả chuyện mụ bịa thêm cho ly kỳ hấp dẫn.

Coi vậy chứ Mụ cũng có tính đồng bóng khi vui khi buồn, có lúc dễ thương nhất là giọng nói tôi ngờ rằng hồi còn trẻ mỗi khi Mụ mở miệng sai bảo nhiều anh đàn ông không nỡ từ chối. Ngay tôi dù ngại tiếp xúc nhưng muốn đẹp lòng Mụ đôi khi cũng ghé qua để ba điều bốn chuyện tiện thể xem có khai thác được gì cái quá khứ hai mặt của người đàn bà này.

Tạm suy diễn về Mụ như vậy cho đơn giản, chứ lần hồi về sau qua cái lối ‘ném đá dấu tay’ của Mụ từ thời chế độ cũ sang chế độ mới nhiều cư dân cũng phải ‘ngậm bồ hòn’ nuốt hận cho qua. Chuyện bắt đầu cũng chỉ vì trong nhà mụ có một cái máy đánh chữ, ít người biết trừ nhà tôi vì con bé nó khoe với con tôi. Dĩ nhiên bản thân cái máy chẳng có gì quan trọng, chuyện đáng nói là người xử dụng nó hay làm chuyện tào lao, thiện ý thì ít (hoặc không có) mà ác ý thì nhiều. Về sau mới biết mụ có thói chưa hẳn là ghen ăn tức ở nhưng thích ‘đi tố’ người khác bằng các thư từ và đơn nặc danh, tình tiết trong đơn có lần mụ gói nhầm vào miếng cá khô, nếu ai tình cờ đọc sẽ thấy chuyện như có thật tỷ như ông này mang lính về nhà làm chuyện cá nhân, bà kia buôn bán móc ngoặc chợ đen chợ đỏ, thằng con ông X trốn quân dịch, mụ B chứa gái, sau giải phóng thì ông T. khai gian cấp bậc, bà Y. còn rất nhiều vàng, cô Năm chủ ghe vượt biên ăn chặn bà con, thậm chí cả chuyện công an khu vực ‘dê’ các bà vợ Ngụy chồng đi cải tạo, nhà kia có hai hộ khẩu, lầu B có người cư trú bất hợp pháp, nhân viên ăn cắp gạo tổ bán chợ đen v.v…, dĩ nhiên thật hư chưa rõ nhưng chữ nghĩa nội dung trong đơn không thua gì kẻ có học. Cũng chẳng ai dám ngờ mụ là tác giả, nhưng dần dà về sau kẻ bị tố bị công an cảnh sát điều tra người ta nghiệm ra mới biết chỉ có mụ mới làm chuyện này, chứ ai dại gì thời của khôn người khó làm chuyện ruồi bu mang thù chuốc oán.

Cái máy chữ của Pháp dù đã mòn theo năm tháng lại được việc, giúp mụ mang tính chuyên nghiệp của người đi tố, các đơn từ gửi đi như một loại văn thư dù nặc danh nhưng các cơ quan hữu trách không thể bỏ qua mà không xem xét, nó trở thành vật bất ly thân mụ quyết giữ dù sau 30/4, chẳng nhà nào dám chứa. Nói vậy để biết Mụ cũng có bản lãnh dám làm dám chịu, cứ thích là làm, không ưa là tố, chẳng cần biết hậu quả xảy đến cho nạn nhân dù là hàng xóm bạn hàng sát vách.

Nói cho ngay tôi với Mụ tuy cùng cư xá, nhưng tình ‘giao lưu’ cũng chỉ vỏn vẹn vài năm. Mụ đã ở từ hồi cư xá mới xây, còn tôi chỉ là cư dân sau khi có hiệp định ngưng bắn, sang lại được của một ông cảnh sát quận đang ở tù vì ăn hối lộ.

Cứ nói về Mụ thì chẳng bao giờ dứt, nhưng chịu khó tìm hiểu đôi chút đời tư của Mụ sẽ giải mã được vài khúc mắc. Tình cờ qua một người đàn ông tôi quen, quá khứ của mụ phần nào tỏ lộ, vốn nhạy cảm mụ biết tôi hiểu sơ phần đời của mụ, ngẫm lại có thể vì thế mụ không ưa tôi.

Quay lại thời Hà nội vẫn còn vang bóng như nhà văn Nguyễn Tuân mô tả, có một người phụ nữ tên Hương gốc gác ở đâu không biết nhưng ra Hà nội được ông chú họ cho đi học thư ký đánh máy. Biết chút tiếng Pháp, có nhan sắc, dáng thon cao, không khó khăn gì cô được vào làm thư ký cho một hãng buôn chủ nhân người Pháp. Nghe nói lương tiền cũng khá, ít sài cho bản thân chủ yếu gom góp gửi về nuôi mẹ và hai em ở một miền quê mạn trung du. Sau cô ra ở riêng thuê một căn gác nhỏ ở phố Hàng Bồ cùng với một chị bạn, cũng có một tình yêu tuy kín đáo nhưng khá sôi nổi với một công chức còn trẻ bậc trung, nhưng chẳng đi đến đâu vì gia đình cậu ta đã có mối manh theo lối gả hứa thời ấy.

Thất vọng Hương quay sang sống độc thân, chăm lo công việc văn phòng và rất được lòng chủ. Một hôm cũng trời vào thu, mùa thu là mùa của cư dân Hà nội, không khí se lạnh làm Hà thành thêm thơ mộng, cuối giờ làm việc, ông chủ yêu cầu cô ở lại có chút việc gấp cần đánh máy không thể để qua đêm. Cô ái ngại nhưng chiều lòng chủ cô chịu ở lại. Và chuyện gì xảy ra buổi tối hôm đó do rượu tây làm cô không còn nhớ và cũng chẳng cần nhớ, chỉ biết cô đã mất đi sự trinh tiết của người con gái, ít tháng sau cô trở thành người tình hờ của ông chủ, cuộc sống có thay đổi, không hiểu sao cô lại chấp nhận một phần cũng vì món tiền thưởng khá rộng rãi cô hay dùng để gửi về quê dành được mua căn nhà cho mẹ cho em.

Chuyện đời khó đoán, ít năm sau do ảnh hưởng chiến tranh hãng làm ăn vỡ nợ, ông chủ về Pháp, cô mất việc quay sang làm một nghề chẳng ai ngờ con gái nhà lành dám lai vãng, nghề vũ nữ. Đổi tên là Trâm, Trâm ca-ve khá nổi đối với dân chơi, ông bạn vong niên của tôi biết cô từ thuở này và tình cờ khi lên thăm tôi trên cư xá ông mới sực nhớ ra cô, dù nhan sắc có tàn phai nhưng nét xuân sắc ẩn chứa dưới ánh đèn màu của người vũ nữ năm xưa vẫn làm cho nhiều khách lịch lãm khó quên. Nhảy giỏi, chiều khách, lịch thiệp, nếu cần cho làm tình với giá cao, nhưng ai tinh ý sẽ thấy người vũ nữ này hình như có ác cảm ngầm với đàn ông, chuyện riêng tư chẳng ai muốn tìm hiểu chỉ biết vui là chính vì lúc này Hà nội và các tỉnh vùng châu thổ đang có nguy cơ chiến tranh du kích tràn về.

Hiệp định ngừng bắn, đất nước chia đôi, cô Hương ngày nào đưa mẹ vào Nam, hai thằng em nghe nói đi theo kháng chiến khi Việt Minh về đất Thái Nguyên. Nhà cửa tậu được sau này bị mất vì cải cách ruộng đất. Ông chú có công cưu mang cô khi ra Hà nội nghe nói đi cải tạo ít năm rồi bị đi kinh tế mới mạn Yên Bái. Cô vào Nam mang theo một hành trang mới với lý lịch tuổi thanh xuân bỏ lại đằng sau, dấu biệt tông tích của mình dù chẳng có gì là xấu, tất nhiên cô lại dùng cái tên theo giấy khai sinh, cho trùng với cái tên mẹ cô thường gọi, người con gái tên Hương.

Vào Sài gòn đất lành chim đậu, ông Diệm không cho mở vũ trường, lại sợ mẹ biết được thêm tai tiếng, cô quay lại làm thư ký đánh máy cho một văn phòng luật, linh tinh thế nào ông luật sư để lại cho cô một đứa con, chính là bé Nga bây giờ. Cha đứa bé không chịu nhận là con của mình, ngờ vực vì cô đã mất trinh nên có thể có nhiều quan hệ với người khác, cô chẳng cần tranh cãi, chẳng thèm nhận chu cấp, đẻ xong mang nó về cho mẹ cô nuôi, nhưng mối thâm thù đàn ông cả tây lẫn ta làm tâm tính cô càng ngày càng thêm ác độc. Khi tuổi đời trên bốn mươi, cô nghỉ việc, văn phòng trả lương hậu hỷ, còn cho cô cái máy đánh chữ cô đang xử dụng, cô chịu mang theo như kỷ vật cho một phần đời làm ăn lương thiện nhưng nhiều chuyện trái ngang khiến cuối đời lại làm điều thất đức.

Quay lại chuyện cư xá, trước 75 cô còn bán buôn khấm khá, sau 75 bị cấm cản cô quay sang hưu non. Vì không còn chuyện để làm nên càng rảnh để xía vô chuyện thiên hạ khiến hàng xóm ghét bỏ, cư dân không ưa và bị gọi là Mụ Chó, chết tên cho đến khi qua đời. Có một nghịch lý là ông bà hay nói ai ưa làm ác chết khó nhắm mắt, hoặc bệnh tật đớn đau, nhưng với Mụ thì lại được ân sủng chỉ qua một đêm ra đi thanh thản dù tuổi thọ chưa dài nhưng đám ma của cô Hương ngày nào được cư dân tham dự tiễn đưa đông nhất, hiếm thấy ở cư xá trong đó có nhiều khuôn mặt đáng kính đáng thương. Có người ác miệng thì nói họ mừng vì Mụ đi như vậy cho thanh thỏa, chứ Mụ còn lưu luyến đường trần thì nhiều kẻ cũng khó sống, nên một lần đưa tiễn, thiên thu yên bình cho cả kẻ đi lẫn người ở lại. Riêng tôi do về trễ, chứ nếu được ra tù sớm tôi cũng là kẻ tiễn Mụ vì thật sự trong lòng thương mụ nhiều hơn giận, một phần do tình cảm bé Nga cũng rất mến gia đình và các con tôi.

Bẵng đi nhiều năm do ở tù xa nên chuyện nhà cũng chẳng được rõ, có một lần vợ tôi ra thăm nuôi đầu năm ’80, bà khoe xin được giấy phép là nhờ…Mụ Chó. Hỏi ra mới biết mấy năm qua mụ làm tổ trưởng dân phố, vùa là tai mắt của công an phường, nhờ mụ không dính líu đến chế độ cũ, có hai em một là liệt sĩ chống Pháp, một là thượng úy phục viên, lại lúc nào cũng khoe là bạn với ‘anh K.P.’ (viên ký giả nằm vùng cùng cư xá tôi cũng quen).

Tò mò tôi có hỏi chuyện được biết vào năm ’79, sắp có chiến tranh Việt-Trung, phụ nữ thành đoàn tổ chức cho các phụ nữ thi đua ‘vót chông’, lấy tre làm bẫy giết giặc bá quyền. Vợ tôi vốn giỏi thủ công vót được cái chông ‘đẹp’ nhất góp phần cho Tổ của Mụ được chấm đầu giải trong khu phố (thực sự nhiều tổ viên không biết làm ban đêm nhờ vợ tôi vót dùm, bù lại cho tiền con tôi ăn quà), chị em tổ viên lại chịu tập tành đi diễu hành đủ mặt cầm chông hô khẩu hiệu hiên ngang bên sân vận động gần nhà. Đang lúc vui vì công điểm của Tổ, vợ tôi xin Mụ Chó giới thiệu công an Phường cho giấy đi thăm (lúc này rất khó khăn vì ai muốn đi dùng toàn giấy giả của đám con buôn). Nghe xong, lòng không cám ơn miệng lại thốt ra ‘bố khỉ’, khiến vợ tôi ngạc nhiên, ‘anh nói gì thế?’ Tôi lấp liếm quay sang chuyện khác. Lần thăm nuôi này tuy là lần đầu nhưng cũng là lần cuối, vợ tôi còn dành dụm cho đám nhỏ vượt biên, tiền mất tật mang, khi được ra tù tôi vẫn gặp đủ cả mẹ lẫn con trên căn hộ cũ.

Tôi trở về cư xá, sau một thập niên nhiều chuyện đổi thay, chuyện nhà, chuyện đời, chuyện xã hội, chuyện tình người. Lúc này mụ Chó đã chết, mà chết là hết chuyện, tôi chỉ hỏi thêm bé Nga chồng con ra sao. Vợ tôi cho biết sau ngày mẹ nó mất nó đi hoang, sau lấy thằng thợ hồ đẻ được đứa trai. Chồng không nuôi nổi, nó tự lo thân, cuộc sống khó khăn thân không nuôi nổi nó tự ‘bán thân’ và thành gái chơi vừa có tiền chợ vừa thỏa mãn tình dục. Thậm chí lắm bữa ế khách, nó nói, cô biết không, con phải ‘cho không’ mấy thằng dân phòng, chẳng hề mắc cỡ. Chuyện hết muốn nghe, vốn còn ngây thơ, tôi chỉ hỏi, sao em không giúp lời khuyên nó, vợ tôi nói sau 75 mỗi nhà một cảnh chẳng ai khuyên được ai, dù cha hay mẹ, dù thầy hay cô.

Một hôm bước xuống cầu thang tôi đối mặt với con gái của Mụ, đang dắt đứa con trai khoảng 5, 6 tuổi, hai mẹ con chắc đi đâu về. Mặc chiếc áo bà ba màu đọt chuối, chiếc quần soa đen bình thường như các cô gái độ tuổi 30, nhưng vóc dáng đẫy đà với bộ ngực nảy nở, cứ xem ngoại hình với khuôn mặt lễ phép chẳng ai bảo cô đang làm nghề gái điếm nghiệp dư. Cô lên tiếng trước,

Chào chú Tê, từ ngày đi cải tạo về sao chú cứ né cháu hoài vậy?

– Chào mẹ con cô Nga. Chú đâu có né, thật sự cũng ngại gặp mọi người từ khi đi tù về.

– Chắc cô cũng nói nhiều về cháu, cũng chỉ vì hoàn cảnh thôi chú ơi. Cũng thích các chú, nhưng nể cô cháu không dám.

Tôi giả bộ làm lơ, móc túi cho thằng bé chút tiền mua quà.

Cám ơn ông đi con… Cháu đi nghe, khi nào cần chú cứ kêu cháu… Free cho chú đấy.

Tôi thấy nóng ran toàn thân, không ngờ con bé ngây thơ ngày nào dám nói với mình những điều sống sượng. Tự nhiên thấy thương thằng nhỏ, xã hội mới sao lại có chuyện này, đưa đẩy mẹ con nó vào con đường mà cả bà nó ngày xưa cũng không thể ngờ có ngày con mình lại làm cái việc mà có lần bà tố lầm nhà người hàng xóm chứa điếm.

Bước nhanh xuống phố, thành phố đã lên đèn, tôi muốn xóa khuôn mặt của mụ Chó, cố giữ lại hình ảnh của cô Hương, cô thư ký đánh máy với phần đời lương thiện nhưng số phận bị cuốn hút dường như không gỡ ra được qua biến thiên thời cuộc của một đất nước, đất nước trong đó có tôi, đất nước một thời chia đôi, đất nước mồ côi.

Viết xong tại quân Cam 20.7.2014

Đỗ Xuân Tê

 

 

©T.Vấn 2014

Bài Mới Nhất
Search