T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Người Bến Nghé (đxt) : Nếu tôi là Khánh Ly

clip_image001

Viết về Khánh Ly như mưa xứ Huế cả ngày không dứt cả tháng chưa xong, vì người ca sĩ vừa tròn bảy bó đã đi vào huyền thoại, huyền thoại về tên tuổi, liêu trai trong tiếng hát, nhưng rất tài tình trong chuyện làm ăn.

Dù có những lời tuyên bố trái chiều ở hải ngoại về chuyện ‘bao giờ trở lại’ để có dịp thăm lại phòng trà Khánh Ly mà một thời cô chắt chiu đầu tư trước ngày di tản, tôi biết chắc những ngày cuối đời cô sẽ tìm về và về trong tư thế ‘hiên ngang’ của một kẻ được phép được mời, chứ không phải một lần cô tưởng như bài ca chính cô đã hát,

Mai nếu như ta về,
đời phiêu lãng thân ê chề
Còn ai thắp lên ngọn đèn.. chờ khuya

(Niệm Khúc Hoa Vàng/ Hà Thúc Sinh)

Cho nên nhân Khánh Ly về nước, và vài chuyện lùm sùm quanh mấy buổi trình diễn ở Hà nội mùa hè năm nay, người Bến Nghé xin có đôi dòng tản mạn vì yêu tiếng hát của cô trên nửa phần thế kỷ và vì có cách xử sự khác ‘nếu tôi là khánh Ly’.

Thật sự không phải năm nay Khánh Ly mới về, mà mấy năm trước nghe nói nàng có về nhưng với tính cách riêng tư, có ra Hà nội, có vào Sài gòn, có ghé Đà lạt, thăm lại những địa danh ghi nhiều dấu ấn vừa cho tuổi thơ, tuổi nghề và tuổi đời làm ăn kéo dài đúng ba thập niên. Tôi chắc là cô cũng ghé mộ người tình họ Trịnh, kêu là anh cũng được, nhưng trong một cuộc phỏng vấn ở Canada khi được hỏi quan hệ với TCS phải nói như thế nào mới là chính xác, Khánh Ly người ca sĩ hay ăn nói ỡm ờ, óai oăm hỏi lại nếu hai kẻ nam nữ thân nhau để tay lên đùi nhau thì có phải là tình bạn nữa không.

Ấy vậy mà lần này, giới tổ chức ca nhạc cho chương trình độc diễn của Khánh Ly nhân 60 năm về lại Hà nội và 40 năm trở lại quê hương đã tưng bừng quảng bá cho cô bằng những bài báo và hình ảnh trên các phương tiện truyền thông vừa in vừa mạng, lề trái cũng như lề phải, bích chương cũng như nhà đài, nhà nhà người người no tin về ngày trở về của người ca sĩ diva linh đình chỉ kém nhạc sĩ quá cố Phạm Duy, người nghệ sĩ lão thành đi xa hơn cô là trở về và vĩnh viễn chọn nơi này làm quê hương để định cư…lần thứ hai.

Phương pháp tiếp thị cho chương trình dẫn đến hiện tượng ‘cháy vé’ cho đêm đầu khai trương tại thành phố ‘Lăng Bác’, một hội trường quốc gia với sức chứa bốn ngàn chỗ, với giá vé bốc khói từ $50 đến trên $100 đô-la, thì phải nói số doanh thu tính bằng tiền là một lợi nhuận đáng kể cho ngôi sao chuyên hát nhạc Trịnh sau khi trừ chi phí cho các khoản phải chi kể cả bản quyền ca khúc và tập quán lót tay cho nơi cấp phép.

Dù ở hải ngoại, người viết cũng theo dõi sít sao hiện tượng ca nhạc độc đáo này từ lúc thai nghén và chuẩn bị dư luận cho sự trở về, tuy có tiền lệ qua các chương trình ‘một lần cũng nổi xong rồi là quên’ như Hương Lan, Chế Linh, Lệ Thu, Ý Lan…nhưng lần này người trình diễn là Khánh Ly, mà tên tuổi và sự nghiệp không những dính liền với dòng nhạc Việt trong nước cũng như hải ngoại, qua giọng hát xuyên thế kỷ, siêu thời gian và chất giọng chỉ tiệp với Diễm Xưa và trăm ca khúc của thiên tài họ Trịnh phải nhìn nhận ngoài ‘cô Mai’ không ai thể hiện trọn vẹn và ấn tưọng bằng dù cho là Hồng Nhung, Mỹ Tâm của thế hệ sau hay Thái Thanh, Lệ Thu của thế hệ trước.

Nói như vậy để thấy thiên hạ và giới hâm mộ nhạc Trịnh tò mò và mong mỏi được nghe tiếng hát của chính Khánh Ly dù tuổi đời của cô có cao, dù chất giọng của cô có giảm qua biến thiên của thời gian, nhưng đã là thần tượng thì một lần hạnh ngộ còn hơn ngàn thu ân hận, cho nên ngày về là đúng lúc, có chậm còn hơn không, nên chi bảy mươi chưa phải đã già nếu ai có dịp so sánh và nghe lại âm hưởng và âm lượng các ca khúc của ‘Cô Mai’ qua thương hiệu KL dù cho có bằng tuổi mẹ ‘cô Bống’ mà Hồng Nhung luôn gọi bằng ‘u’ (theo lối xưng mẹ kiểu Bắc), hay nói theo bình dân dù cho có là ‘bà già giết giặc’ như mấy đứa cháu tôi vừa yêu vừa gọi các ca sĩ về chiều khi xem băng Thúy Nga.

Quay lại buổi ra mắt lần đầu tại Hà nội, dư luận người xem và bình luận của giới phê bình âm nhạc dù khắt khe đến mấy thảy đều công nhận chất lượng trình diễn, qui mô tổ chức, đáng ‘đồng tiền bát gạo’. Như được cất cánh, thêm sức qua sự trân trọng cổ vũ của giới hâm mộ, đa dạng trong độ tuổì, cởi mở trong tư duy (chỉ tiếc là giá vé quá cao kẻ nghèo khó lai vãng), bù lại Khánh Ly đã làm hết sức mình, rút ruột nhả tơ thể hiện vừa xuất sắc, đầy bản lãnh, qua những ca khúc ‘da vàng’ bất hủ của Trịnh Công Sơn, tất nhiên có pha lẫn một số ca khúc của vài nhạc sĩ khác cho đa dạng, chưa kể những ‘phụbản, phụlục’ ngoài chương trình làm thỏa mãn khá trọn vẹn cảm xúc trong một đêm trở về, giao lưu giữa người nghe người hát trong bối cảnh ngàn năm một thuở vượt cả sự mong đợi của cả đôi bên.

Người viết mừng cho Khánh Ly đã thành công như dự kiến cho cả hai mặt nghệ thuật và tài chánh, nhưng tạm để qua khía cạnh cảm xúc và mục đích nghệ thuật của chuyến đi, thì vai trò và sự tính toán của KL cùng người chồng cuối cùng của cô, nhà báo NHĐ, trong thương vụ trình diễn này không phải chỉ giao khoán cho ban tổ chức, mà những kinh nghiệm của người bầu show và kinh doanh băng đĩa qua nhiều năm tháng tại hải ngoại đã giúp cho chương trình Khánh Ly trở về mỹ mãn khả quan.

Rất tiếc mong ước của Khánh Ly cũng chưa hẳn hòan toàn trọn vẹn, khán giả và những người một thời yêu tiếng hát của cô qua dòng nhạc họ Trịnh đa phần là những cư dân và hậu duệ sinh sống tại thành phố mà nhiều người thân ‘từ thành phố này họ đã ra đi’, chính họ cũng khắc khoải ‘bao năm ước mong tiếng hát (KL) trở về’, nhưng đáng tiếc là nhà cầm quyền trước sau vẫn chưa cho phép, chẳng phải chỉ ác cảm với mình Khánh Ly, mà các ca sĩ hải ngoài đều chung số phận khiến Chê Linh thất vọng phải vào bệnh viện vì lên cơn tim.

Nếu tôi là Khánh Ly, gặp chuyện khó xử này, chưa chắc tôi đã về, cô hát cho ai nếu không phải cho những người coi cô ‘em ra đi nơi này vẫn thế’, bao thân thương, bao kỷ niệm, nơi cô đã thành danh như một giọng ca của ‘nữ hoàng chân đất’, nơi đã làm cô vui với tiếng hát của phong trào du ca, nơi đóng dấu ấn chất giọng mượt mà liêu trai cho các ca khúc cô hát và kỹ xảo kinh doanh phòng trà do chính cô làm chủ, nơi cô đã lấy chồng sinh con đẻ cái, nơi đã gặp gỡ người yêu lý tưởng-người hùng hỏa tuyến, nơi giao lưu bạn bè bất kể giới làm văn học nghệ thuật hay phục vụ trong ngoài quân đội, chị em đồng nghiệp nghệ sĩ kẻ mất người còn, và trên hết những Fan một thời giờ này tóc đã muối tiêu nhưng vẫn hà hơi cho con em họ luôn nhớ và nhận Khánh Ly như là thần tượng mãi mãi thân yêu, tất nhiên không thể không nhắc đến giới hâm mộ tiềm ẩn của thành phố năng động này đặc biệt giới trẻ sinh sau cuộc chiến đa phần đã chia tay với dòng nhạc đỏ, quay sang nhạc trữ tình hóa thân theo cuộc sống trong đó nhạc TCS giữ vị trí áp đảo trong cao trào thẩm nhạc và kinh doanh của giới show biz.

Nói gì thì nói, đồng tiền đi liền khúc ruột, cảm xúc vẫn theo hai mặt của đồng tiền. Nói về lợi nhuận thu được có bao giờ người ca sĩ năm xưa trích một phần để làm từ thiện, giúp kẻ mồ côi giúp người tàn tật, hay để ủng hộ cho quĩ Thương phế binh của cả hai bên, hoặc giúp quĩ ‘vì nghĩa tình Hoàng Sa’ như HĐ quyên góp. Tất nhiên có người sẽ trách, cái gì ra cái đó, kinh doanh là kinh doanh, dù kinh doanh âm nhạc, từ thiện và chính trị nên để qua một bên. Nếu tôi là Khánh Ly, tôi sẽ làm chuyện này dưới hình thức này hay hình thức khác, vừa được tiếng không phải là người vì tiền vừa được kể là người có tâm, nhân lần đầu của ngày trở về, trích một phần lợi nhuận cũng chẳng làm cô nghèo đi, mà tôi biết chắc KL không phải là người không rộng rãi trong chốn riêng tư.

Cũng vì thành công về lợi nhuận người ta tính ngay đến một đêm trình diễn ‘Khánh Ly II’ tại Hà nội, cùng một địa điểm và giá vé vào cửa như lần trước, nhưng lần này gặp chuyện lùm sùm, chưa hẳn vì ghen ăn tức ở, nhưng cái cớ là chuyện…bản quyền ca khúc.

Nếu tôi là Khánh Ly, tôi sẽ không đồng thuận tổ chức lần thứ hai ngoài dự kiến, tiếng hát trở về, như cô thường nói, quê hương là chính, khán giả là tình, một lần hạnh ngộ, thỏa tình nhớ nhau. Lợi nhuận để qua một bên, hoặc để dành cho…dịp khác, chứ miệng nói nghe ân tình, nhưng lòng lại lình xình qua chuyện kinh doanh phần nào có nghịch lý.

Rồi chuyện lùm sùm có thật, xảy ra ngay trước giờ trình diễn gây trở ngại cho ban tổ chức, tôi được đọc vài bài trên internet, dư luận có trái chiều, người chê kiểu ghen ăn, người cho là phải đạo, thậm chí lôi cả gia đình họ Trịnh vào chuyện tác quyền, tôi chú ý một trong số các phản hồi của độc giả, Phải chia chớ, ôm cả sao. Not fair. Chuyện hết muốn viết tiếp, tiếc cho lần về của Khánh Ly không coi ngày coi tháng, không lường trước chuyện cạnh tranh trong chốn kinh doanh khi tập quán của một nếp văn hóa ghen ăn không chỉ phổ cập trong giới doanh thương thuần túy.

Trở lại Phạm Duy đình đám như vậy, nhưng vì con gà hơn nhau tiếng gáy, sau các buổi trình diễn thành công tại Hà nội cũng cùng phương thức tổ chức như KL, ông đã bị nhóm nhạc sĩ ba người của Hội âm nhạc VN do PhạmTuyên đầu tầu đã phê bình đả kích không thương tiếc một kẻ đi theo kháng chiến lại đào tỵ đi theo tay sai đế quốc rồi đế quốc nay trở về được tiếp đón huyênh hoang chốn cố đô ngàn năm Thăng Long.

Nếu tôi là Khánh Ly tôi sẽ ngẫm lại điều này và thận trọng hơn khi quyết định trở về, về một nơi mà chuyện mình làm, không thể chủ động như chuyện mình nghĩ, và các ‘sự cố’ xảy ra trong buổi trình diễn thứ hai có vị chua của một ly kem lẽ ra phải làm mát giọng giới thưởng lãm đã từng yêu tiếng hát khánh Ly trong một đêm hè oi bức của Hà nội đang chờ cơn bão nhiệt đới.

Người Bến Nghé (đxt)

 

 

 

 

©T.Vấn 2014

 

 

Phụ Lục :

Những nguyên nhân khiến show Khánh Ly ế vé

(Nguồn: VNExpress)

Giá vé quá cao, việc lựa chọn thời điểm tổ chức thiếu hợp lý… được cho là những lý do chính khiến đêm nhạc “Khánh Ly in Hà Nội” vắng khách.

Liveshow “Khánh Ly in Hà Nội” – diễn ra tối 2/8 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội – vắng vẻ hơn nhiều so với kỳ vọng. Ban tổ chức cho biết, họ phát hành hơn 3.500 vé nhưng đến trước đêm nhạc một ngày, lượng vé tiêu thụ được chỉ khoảng 30%, trong đó có một phần là vé tặng. Dù đã hoãn show 30 phút so với dự kiến, khán phòng hơn 3.800 chỗ ngồi vẫn chỉ có non nửa số ghế được lấp đầy. Hình ảnh này trái ngược với không khí đông đúc, chen lấn trong đêm nhạc của Khánh Ly diễn ra cũng tại Hà Nội hồi tháng 5.

Nếu xét chất lượng đêm diễn, live concert của Khánh Ly vào 2/8 được tổ chức với quy mô không thua kém lần đầu tiên. Thậm chí, thành phần nghệ sĩ khách mời, nội dung kịch bản chương trình còn được đánh giá là đa dạng, thu hút hơn. Bản thân Khánh Ly vẫn đủ nội lực để dẫn dắt cảm xúc khán giả qua những tình khúc cũng như sự hoài niệm của bà. Nhưng đêm diễn vẫn thất bại về mặt doanh thu.

Quang cảnh ngoài sảnh Trung tâm hội nghị quốc gia ở đêm diễn lần hai của Khánh Ly thưa vắng hơn so với lân một.

Quang cảnh ngoài sảnh Trung tâm hội nghị quốc gia ở đêm diễn lần hai của Khánh Ly thưa vắng hơn so với lần một.

Có nhiều nguyên nhân, nhưng quan trọng nhất là sự thiếu hợp lý trong việc lựa chọn địa điểm và thời gian tổ chức. Cả hai lần trở về Việt Nam, Khánh Ly đều hát ở Hà Nội. Người nghe nhạc Việt Nam đã phải chờ đợi gần 40 năm để nghe Khánh Ly hát trên quê nhà. Nên tất cả sự háo hức, mong đợi đã được họ ồ ạt mang đến đêm nhạc đầu tiên. Đêm nhạc thứ hai của Khánh Ly không còn có được sự háo hức, mong chờ này. Hơn nữa, nó lại diễn ra chỉ 3 tháng sau đó – một khoảng thời gian không đủ dài để kéo khán giả trở lại lần thứ hai với Khánh Ly. Ban tổ chức cho biết, khi quyết định bắt tay vào thực hiện show lần hai của nữ danh ca tại Hà Nội, họ đã lường hết trước những điều có thể xảy ra, kể cả chuyện khán giả không đông.

Chị Xuân Lan, một khán giả Hà Nội từng chi 8 triệu đồng để sở hữu cặp vé xem “Khánh Ly in Hà Nội” vào tháng 5 cho biết: “Việc được gặp lại Khánh Ly sau hàng chục năm sẽ có giá trị hơn so với sau vài tháng”. Nữ khán giả này vẫn mua vé để xem show lần hai của Khánh Ly nhưng với lý do: “Tôi tới chương trình đầu tiên để nghe cô hát và thấy rất xúc động. Còn lần thứ hai, tôi mua vé để thưởng thức giọng hát của Lệ Thu là chính. Nếu không có Lệ Thu, có nhiều khả năng tôi cũng không mua vé”.

Một nguyên nhân nữa, theo Ban tổ chức, là đêm diễn lần này không được quảng bá tốt như lần thứ nhất. Sau cuộc họp sơ kết 6 tháng đầu năm, Sở Văn hóa Thể thao Du lịch Hà Nội một lần nữa siết chặt hơn quy định về việc treo phướn, băng rôn nhằm chấn chỉnh tình trạng “loạn” quảng cáo, gây mất mỹ quan đô thị. “Điều này khiến cho nhiều người không nắm được thông tin về sô. Chỉ khi báo chí phản ánh thông tin sau đêm diễn mới có nhiều người gọi điện về cho biết là họ rất tiếc khi không biết để đến xem”, ông Cao Trung Hiếu – đại diện ban tổ chức chia sẻ.

Bản thân Khánh Ly cũng không muốn quảng bá hình ảnh của bà chỉ để nhằm thương mại hóa sô diễn. Những hoạt động nổi bật nhất mà Khánh Ly muốn được nhắc đến cũng chỉ xoay quanh việc bà đi viếng mộ Trịnh Công Sơn, hoặc tham gia từ thiện…

"Khánh Ly in Hà Nội" vào ngày 2/8.

Nữ danh ca trong đêm nhạc vào 2/8.

Lý do thứ ba không kém phần quan trọng là giá vé. Những show diễn tại Hà Nội gần đây có giá vé cao nhất vào khoảng 4-5 triệu đồng/cặp, trong khi giá vé cao nhất show “Khánh Ly in Hà Nội” là từ 7-8 triệu đồng/cặp – ngang ngửa lần tổ chức đầu tiên. Đây là số tiền không nhỏ với công chúng nói chung, đặc biệt là với những ai từng chi tiền để thưởng thức đêm nhạc trước đó của Khánh Ly. Một nhà tổ chức cho biết: “Với giá vé như vậy trong đầu tháng 8, thời điểm nhiều show được tổ chức tại Hà Nội, khán giả có nhiều lựa chọn hơn thay vì bỏ ra một số tiền quá lớn để đi xem lại show của Khánh Ly”.

Dù vậy, Ban tổ chức chia sẻ, không vì tình trạng vắng khán giả ở Hà Nội mà êkíp thực hiện nản lòng trong việc tiếp tục những chương trình của Khánh Ly. “Sẽ còn những sô Khánh Ly ở các địa phương khác. Ngay cả nếu nữ danh ca còn cảm xúc và muốn quay trở lại Hà Nội hát thì ban tổ chức luôn tạo điều kiện thuận lợi để cô thỏa tâm nguyện. Chúng tôi làm công việc này trước hết vì nguyện vọng được hát trên quê hương của Khánh Ly”, ông Cao Trung Hiếu khẳng định.

Dù không đông như lần đầu, khán giả vẫn dành cho nữ danh ca nhiều tình cảm yêu quý.

Dù không đông như lần đầu, khán giả vẫn dành cho nữ danh ca nhiều tình cảm yêu quý. Ảnh: Quang Thành.

Trong một lần trò chuyện với VnExpress, Khánh Ly hé lộ bà mong được về hát tại TP HCM hoặc Đà Lạt. Nhưng với một nghệ sĩ biểu diễn, hoạt động của họ còn tùy theo sự thu xếp và chiến lược kinh doanh của nhà sản xuất, đơn vị tổ chức chương trình.

Thất Sơn Đức Trí

Bài Mới Nhất
Search