T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Giang Kiều: Bàn chân giao chỉ

clip_image001

(Ảnh – Courtesy of nguoihieuco.blogspot.com )

Ngày xưa Giao chỉ ( 交趾 hoặc 交阯) là tên một vùng đất nằm ở châu thổ sông Hồng. Đây không chỉ là nơi nổi tiếng về lúa thóc mà còn được khắp nơi biết đến nhờ chuyện học hành thi cử, các bậc văn hay chữ tốt trong thiên hạ đều từ vùng đất ấy mà ra cả. Nghe nói vì sống trên mảnh đất linh thiêng giàu chữ nghĩa đó nên để cho chữ nghĩa được vuông, hai ngón chân cái của dân bản địa đã đành phải mọc giao vào nhau (!). Chuyện to lớn có liên quan tới cả một nền học thuyết biện chứng ngược : thượng tầng kiến trúc ấn định hình thức cho hạ tầng cơ sở này đúng sai thế nào thì không rõ, nhưng riêng chuyện vì có chân cẳng khác thường như vậy nên thiên hạ gọi họ là dân Giao Chỉ thì lại là một chuyện có thật và đã được nhiều sách xưa ghi chép :

“Giao Chỉ là người Nam di, ngón chân cái toạc ra, khi đứng thẳng hai bàn chân thì hai ngón cái giao vào nhau, cho nên gọi là Giao Chỉ ” (Đỗ Hựu trong bộ Thông điển)

Bàn chân giao chỉ như mô tả ấy cho tới ngày nay có lẽ đã bị tuyệt chủng, có đỏ mắt tìm cũng chẳng thấy. Riêng thằng tôi đây may mắn thay lại được tận mục sở thị một lần trong đời rồi.

Thuở ấy tôi mới lên sáu. Một ngày nọ đang lúc còn ngồi nhâm nhi mấy lát khoai deo ( củ lang luộc xắt lát phơi khô ) trước sân nhà, một thằng bạn tới rủ đi xem chuyện lạ. Cùng nhau chạy lại nhà bà Phẩm thì thấy dân làng đã xúm đen xúm đỏ quanh một phụ nữ trạc bốn mươi, dáng người tầm thước. Đầy vẻ mệt mỏi, bà ta ngồi ngay trên chiếc chỏng tre kê đầu hàng hiên. Y phục bà thật đơn giản, phần trên bận một chiếc áo the trắng và phía dưới vấn một cái mấn ( váy) đen, đầu chít khăn mỏ quạ. Bà có một khuôn mặt đẹp điển hình của người xứ bắc cùng với một đôi mắt lá răm dưới hai hàng mi cong dài rất đẹp nhưng không hiểu sao khi nhìn vào đôi mắt ấy người ta lại cảm nhận được một nổi buồn vời vợi. Biết chúng tôi là dân công giáo di cư nên bà tìm tới để hỏi thăm tin về một cái làng đạo nào đó ở tận Cao Bằng. Mọi chuyện thăm hỏi sau đó ra sao chẳng rõ, chỉ biết lũ con nít chúng tôi đứa nào đứa nấy đều chăm chăm nhìn vào đôi bàn chân trần đang thò ra dưới cái mấn kia .

Đôi bàn chân ấy đúng là lạ thật ! Hai ngón chân cái thay vì mọc thẳng ra như tám ngón kia thì lại xỉa ngang khiến hai cái móng tả hữu hai bên châu mặt nhìn nhau, chả khác nào chúng đang muốn xông vào đánh lộn ( Cứ kiểu chân thế này mà muốn mang giày Đát giày Nike là phải đặt hàng tận hãng rồi.)

Mấy người lớn thầm thì : Người Giao Chỉ đó ! Lũ con nít nghe thế cứ tưởng Giao Chỉ là một sắc dân man di mọi rợ tới từ miền Tây Vực, Thổ Phồn xa xôi nào đó , chứ nào biết rằng Giao Chỉ chính là dòng giống tổ tiên xa xưa của mình.

Từ lần gặp gỡ đó tới nay đã hơn nữa thế kỷ và cho dẫu đi đâu cũng có ý tìm nhưng rất tiếc là tôi vẫn chưa một lần gặp lại đôi bàn chân giao chỉ quý giá như thế một lần nào nữa !

Tận trong đáy sâu tâm hồn tôi, một khát vọng vẫn luôn âm ỉ cháy, đó là tôi ước mong sao cho dù cả cái thế giới này có tiến hóa tới đâu, cái nhân loại này có thay đổi cỡ nào nữa, thì ước gì dân Giao Chỉ chúng ta vẫn mãi mãi giữ được bản sắc của mình. Chẳng những là bản sắc về văn hóa, ngôn ngữ, ẩm thực mà cả bản sắc về cơ thể.

Ước gì hai ngón chân tả hữu của chúng ta cứ mãi mãi châu mặt nhìn nhau như chân người phụ nữ kia, để dù có phiêu dạt tới nơi nào trên trái đất thì phe ta cũng có thể nhận ngay ra phe mình, và người nước ngoài cũng dễ dàng nhận biết Giao Chỉ chúng ta nghĩa là làm sao. Nếu được thế thì khi ấy anh em ta tha hồ ngẩng cao đầu mà tự hào, mà hãnh diện.

Đem mơ ước này tâm sự với lũ bạn thì không hiểu sao tất cả bọn nó đều bảo tôi là đồ khùng. Chúng nói dân mình tạo ra chưa đủ “sự lạ” khiến cho tụi Nhật Hàn Thái Mỹ kia phải treo bảng chỉ mặt đặt tên hay sao mà giờ còn thò ra thêm cái ước mơ thò chân thò móng ấy nữa !

Ôi ! Thế này thì đúng là hỏng thật rồi ! Rặt một cái lũ mất gốc. Bọn này chỉ được mỗi cái tự ti là giỏi. Trong những cái đầu chứa toàn là bã đậu kia, chắc chả có một chút ý thức gì về giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc ! Với những lớp người như thế thì chúng ta còn có thể chờ mong điều tốt đẹp gì cho tiền đồ dân tộc nữa !

Giang Kiều

 

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2014

Bài Mới Nhất
Search