T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngân Bình : TA VẪN LẠC NHAU

clip_image002

Hình Cắm Hoa – Trương T Vinh

Mỗi năm, cứ vào cuối tháng chín tôi lại nhận được một lẵng hoa màu trắng do Thái Anh gửi đến. Có thể là một chia sẻ. Mà cũng có thể là một trách móc. Điều đó tôi không thể khẳng định một cách chắc chắn. Bởi tâm hồn Thái Anh là những thay đổi bất chợt. Khoan dung, độ lượng đó, rồi lại khắt khe, hẹp hòi đó. Tỉ như những dòng chữ Thái Anh đã để lại cho tôi trong một ngày mùa thu buồn hiu hắt “Em cũng không hiểu được mình. Có đôi lúc em nghĩ đến mối tình xưa của anh bằng một cõi lòng thật thanh thản, ví như mình vừa đọc xong một câu chuyện buồn để nghe lòng còn vương vấn chút ngậm ngùi. Nhưng có lúc nó lại trĩu nặng trong trái tim em khiến em chỉ muốn vươn vai, hất tung cái gánh nặng nghìn cân đó …”

Thái Anh và tôi không nói một lời chia tay, nhưng những ngày tháng cận kề bên nhau đã thuộc về quá khứ. Dẫu sao thì sự ra đi đó đã để lại cho tôi một niềm ray rứt đến xót xa.

***

Ngày đó …

Tôi quen Cúc Huyền trong những ngày đầu tiên bước chân vào trường Luật, ngôi trường nổi tiếng với “buổi chiều uyên ương hẹn hò đây đó, uống ly chanh đường, uống môi em ngọt …”. Mỗi buổi sáng tôi thường bắt gặp người con gái có đôi mắt to đen láy, dáng gầy mong manh trong chiếc áo dài trắng muốt, với mái tóc buông dài đến nửa lưng, đứng rụt rè nơi cửa lớp. Thuở ấy, trường Luật vẫn còn là ngôi trường bé nhỏ so với số lượng sinh viên quá đông đảo, nếu đến trễ khó lòng tìm được một chỗ ngồi. Thế là máu “ga lăng” chợt nổi dậy, tôi đứng lên nhường chỗ cho Cúc Huyền. Và từ đó, mỗi sáng tôi đến trường thật sớm để dành lấy hai chỗ ngồi -một cho tôi và một cho Cúc Huyền. Những buổi ăn trưa bên chiếc bàn con của xe bò bía dưới tàng cây cổ thụ phiá trước cổng trường, những buổi chiều tan học cùng nhau thả hồn theo dòng nhạc trữ tình trong quán kem nho nhỏ nằm bên hông công trường Chiến sĩ đã đưa tôi và Cúc Huyền bước vào tình yêu một cách thật êm ái và hồn nhiên.

Rồi chinh chiến lan tràn, tôi giã từ Cúc Huyền khi chưa hoàn tất chương trình đại học để dấn thân vào cuộc chiến. Buổi chiều cuối cùng trong café Hân với tiếng hát ngọt ngào của Thái Thanh “trả lại em yêu khung trời đại học, con đường Duy Tân cây dài bóng mát” tôi đã lau từng giọt nước mắt của Cúc Huyền mà nghe lòng bâng khuâng khó tả.

Khoảng cách vời vợi không ngăn trở được tình yêu của chúng tôi. Những lá thư Cúc Huyền gửi cho tôi hàng ngày là một sưởi ấm vô biên cho người đang dấn thân trong lằn tên, mũi đạn. Đêm đêm, nghe những dòng nhạc của Trần Thiện Thanh trên làn sóng phát thanh “Đơn xin cưới một tờ đơn xin cưới, anh thảo rồi sao lại xé anh ơi … Bởi anh không muốn người yêu anh nhỏ bé, một sớm nào thành góa phụ ngây thơ …” mà tôi ngậm ngùi thương cho cuộc tình mình lao đao trong thời chinh chiến.

Rồi cuộc chiến chấm dứt trong nỗi đau xé lòng của những người trai đang cầm súng gìn giữ quê hương. Tôi bước chân vào trại cải tạo, bỏ lại sau lưng một cuộc tình đẹp như huyền thoại và người yêu bé bỏng thủy chung. Cúc Huyền vẫn một lòng chờ đợi, nàng không quản ngại vất vả nhọc nhằn, lặn lội thăm tôi ở khắp các trại tù. Dù tương lai của tôi chỉ làm một điểm nhỏ nhoi trong vùng ánh sáng hắt hiu ở cuối đường hầm, nhưng Cúc Huyền vẫn vẽ vời hình ảnh ngôi nhà hạnh phúc -ngôi nhà tranh nghèo nàn bé nhỏ, có hoa vàng trải lối quanh sân. Cúc Huyền đã cho tôi một tình yêu nồng nàn và niềm hy vọng đủ giúp tôi vượt qua nỗi buồn thân phận. Ngày tôi trở về, Cúc Huyền đón tôi bằng nụ cười rạng rỡ giữa hai dòng nước mắt nhạt nhòa. Chúng tôi tưởng chừng như niềm hạnh phúc sẽ triền miên, bất tận.

Nhưng niềm vui chưa dứt thì một buổi tối Cúc Huyền đến tìm tôi và cho biết, theo sự sắp xếp của mẹ, nàng phải ra đi để trốn chạy một cuộc hôn nhân do ông bố sắp đặt, để gả nàng cho một cán bộ cao cấp, nơi ông làm việc hầu đổi lấy một chức vụ. Mẹ Cúc Huyền chống đối quyết liệt nên bà đã âm thầm lo cho Cúc Huyền vượt biên. Chúng tôi nhìn nhau trong nước mắt. Cúc Huyền hứa, khi đến được bến bờ tự do, nàng sẽ cố gắng đi làm để gửi tiền về cho tôi tìm đường vượt thoát, rồi chúng tôi sẽ vĩnh viễn bên nhau trong cuộc sống ngập tràn hạnh phúc. Dù chỉ một lời hứa, nhưng với tôi, món nợ ân tình đó mãi mãi đè nặng trong lòng.

Tôi ở lại nôn nóng chờ tin Cúc Huyền. Nhưng rồi Cúc huyền đã mãi mãi không đến được nơi nàng muốn đến. Tin tức đưa về từ những người còn sống sót, chiếc tàu Cúc Huyền gặp cướp biển. Số phận nghiệt ngã đã đổ lên đầu những người phụ nữ vô tội, sau đó chiếc thuyền bị đục lỗ cho nước tràn vào và chìm đắm giữa đại dương mênh mông. Nguồn tin như một chấn động vỡ nát trái tim tôi. Tôi suy sụp hoàn toàn. Với tâm trí bất thường, tôi sống mà như chết, không còn lo sợ, không còn gìn giữ an nguy cho chính mình, nên uống rượu, đập phá và chửi bới chế độ thẳng thừng không kiêng nể một ai. Mẹ tôi hoảng sợ, bà cầu cứu ông chú bên Mỹ và tôi đã lên tàu trong một đêm trời tối đen như mực.

Đến đảo, tôi không ngớt tìm kiếm, dò hỏi về chiếc tàu đã ra khơi vào tháng 9 năm 1980. Nhưng không một ai biết tin tức. Chiều chiều, tôi chạy dọc theo bờ biển, mải mê tìm kiếm hình bóng Cúc Huyền một cách tuyệt vọng. Những người chung quanh gọi tôi là thằng khùng. Không khùng sao được, khi có một buổi chiều trời mưa tầm tả, tôi chạy ra biển, lội thật xa, rồi leo lên mỏm đá gào tên Cúc Huyền trong cơn mê loạn. Lần đó tôi ngã bệnh nặng và được bạn bè đưa đến bệnh xá.

Ở đó, tôi đã gặp Thái Anh. Thái Anh xuất hiện ở cửa phòng khám bệnh, tay cầm mảnh giấy gọi tên tôi. Đôi mắt tôi chết sững và bước về phía Thái Anh bằng những bước chân mộng du. Chắc chắn không phải Cúc Huyền. Nhưng tại sao lại có người giống Cúc Huyền đến như thế. Nhất là đôi mắt. Đôi mắt đen nhánh có cái nhìn làm xao xuyến lòng người.

Sau buổi khám bệnh, tôi biết Thái Anh ở cùng barrack với tôi. Nàng ở cuối dãy, tôi đầu dãy. Thái Anh làm việc mỗi ngày trong bệnh viện, cuối tuần lại làm cho chương trình phát thanh ở phòng thông tin, nên chúng tôi chưa có dịp gặp nhau. Tuy vậy, Thái Anh cho biết, cô có nghe những người chung quanh bàn tán về tôi -một gã thanh niên si tình đến điên dại.

Một chiều, tôi ngồi bó gối trên bãi biển nhìn ráng chiều đỏ ối phía bên kia bờ biển, nơi đó thấp thoáng có đôi mắt u buồn, ràn rụa nước mắt của Cúc Huyền và bàn tay với cao, cầu cứu trong tuyệt vọng. Tôi thảng thốt đứng lên, vừa dợm chân chạy thì chạm phải Thái Anh đang bước tới. Nụ cười dịu dàng của Thái Anh với giọng nói vỗ về “ngồi xuống đi anh” kéo tôi ra khỏi trạng thái nửa tỉnh, nửa mê. Tôi ngồi xuống và trong cơn xúc động, tôi đã kể cho Thái Anh nghe về mối tình dang dở của tôi và Cúc Huyền. Những giọt mắt lăn dài trên khuôn mặt dịu hiền, bàn tay Thái Anh đặt nhẹ lên tay tôi như lời an ủi, cảm thông.

Thế rồi, chúng tôi gặp nhau thường xuyên hơn. Tình cảm của Thái Anh dành cho tôi tràn trề trong ánh mắt, nhưng lòng tôi vẫn tràn ngập hình bóng Cúc Huyền. Sự tan vỡ đột ngột xảy đến giữa lúc tình yêu đang nồng nàn, mãnh liệt đã để lại trái tim tôi một vết thương khó lành. Làm sao quên được khi Cúc Huyền rời khỏi tôi bằng một chuyến đi đầy nước mắt. Số phận bất hạnh của nàng như những sợi tơ trong suốt nhưng lại buộc chặt lấy cuộc đời tôi.

Chẳng bao lâu, Thái Anh lên đường định cư trong khi tôi còn phải ở lại đảo vì lý do sức khỏe. Suốt thời gian đó tôi nhận tiền bạc và thư từ thường xuyên do Thái Anh gửi đến. Lại thêm một món nợ ân tình mà tôi phải vương mang.

***

Khi quyết định kết hôn với Thái Anh là tôi quyết định sẽ chôn vùi kỷ niệm đau buồn của mối tình đầu. Và quyết định ấy đã đến bằng tấm lòng rất chân thật của tôi. Tôi thật sự muốn quên tất cả, nhưng lạ quá, Cúc Huyền vẫn hiện diện trong từng giấc mơ của tôi. Có khi tôi mơ thấy tôi và Cúc Huyền đan tay nhau đi dưới những hàng lá me che kín cả khung trời. Có khi thì Cúc Huyền nhìn tôi bằng ánh đẫm lệ, như thầm trách tôi sao vội quên nàng. Bao giờ tôi cũng giật mình thức giấc bằng cái lay nhẹ của Thái Anh mà bên tai vẫn nghe văng vẳng tiếng tôi gọi tên Cúc Huyền. Nỗi ám ảnh đã che mất tháng ngày hạnh phúc của chúng tôi. Thái Anh chịu đựng với hy vọng tôi sẽ dần dần quên đi cái quá khứ đau buồn ấy. Nhưng tôi vẫn không quên, dù rằng tôi không muốn nhớ. Cúc Huyền vẫn nằm đó, trong một góc rất khuất của trái tim tôi. Tuy âm thầm mà rất mãnh liệt.

Cuối cùng, Thái Anh chọn giải pháp ra đi sau năm năm “em cam tâm làm thứ trái độn trong tình cảm của anh” như lời thư của Thái Anh để lại. Trên danh nghĩa, chúng tôi vẫn còn là vợ chồng, nhưng cuộc sống thực tế đã là một tách rời khó hàn gắn. Ngày Thái Anh rời xa Dallas, tôi biết mình sẽ phải đối diện với tháng ngày trống vắng và niềm ray rứt khôn nguôi. Khoa, người bạn thân đã có thời gian sống chung với chúng tôi ở trại tỵ nạn trách móc tôi quá yếu đuối, tiêu cực. Khoa nói:

-Chính ông không muốn vượt qua bức tường quá khứ. Nhưng như thế để làm gì? Ông đã tự làm khổ mình và khổ cả người yêu ông. Đó là một sự bất công đối với Thái Anh. Ông nên suy nghĩ lại. Phải gạt bỏ chuyện cũ, làm lại từ đầu và tìm mọi cách đền bù cho Thái Anh. Ông phải nói câu xin lỗi và hứa với Thái Anh điều đó.

Khoa vỗ vai tôi với ánh mắt vỗ về:

-Hạnh phúc hay đau khổ là do cách suy nghĩ và cách sống của mình thôi ông ạ!

Tôi biết mình đã phạm một lỗi lầm quá lớn -dù không cố ý- là đã làm tổn thương một tình cảm rất đáng trân quý. Nhưng tôi không đủ tự tin để hứa với Thái Anh điều nàng ước muốn. Tôi chỉ mong chờ thời gian sẽ mang những đám mây u ám ra khỏi tâm hồn tôi. Lúc ấy, tôi sẽ nói với Thái Anh điều tôi nên nói. Và cứ như thế mà tôi đợi chờ. Chờ một cách vô tâm, để đến một ngày… Thái Anh thật sự bước ra khỏi cuộc đời tôi bằng tờ giấy ly hôn chính thức.

***

Mười mấy năm trôi qua, tôi vẫn sống lặng lẽ trong căn nhà hiu quạnh để… chờ đợi. Bức ảnh cưới của tôi và Thái Anh vẫn còn nằm im trên chiếc tủ kê ở góc phòng. Lọ hoa vải màu tim tím do chính tay Thái Anh cắm vẫn còn nằm trên bàn viết, dù bụi thời gian đã làm nhạt phai màu sắc cũ. Với tôi, tất cả những gì Thái Anh để lại đều là kỷ niệm đáng yêu. Thì ra, cuộc đời tôi chỉ là một sự đuổi bắt và nuối tiếc trùng trùng. Tôi đã tự vất bỏ cái hạnh phúc đáng lẽ thuộc về tôi, để có những lần thức giấc nửa khuya, một mình thì thầm gọi, em ơi! sao ta vẫn lạc nhau?

Ngân Bình

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2014

Bài Mới Nhất
Search