T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phương Chi HV: Malala Yousafzai, cô gái Pakistan 17 tuổi nhận giải thưởng Nobel về Hòa Bình năm 2014

clip_image002

Ngày 10 tháng 10 năm 2014, một cô gái  Pakistan, Malala Yousafzai, đã trở thành người nhận giải Nobel về Hòa Bình trẻ nhất thế giới, trong tổng số 103 cá nhân và 22 tổ chức được xét trao giải của lịch sử giải Nobel về Hòa Bình, tính cho đến năm 2014. Malala Yousafzai , cùng với Kailash Satyarthi, một kỹ sư người Ấn Độ, chia nhau phần thưởng cao quý này, vì những đóng góp quan trọng của họ trong việc xiển dương quyền được thụ hưởng sự giáo dục của mọi thành phần trẻ trong xã hội và cuộc tranh đấu bảo vệ trẻ em thóat khỏi sự bóc lột sức lao động.

Cái tên Malala Yousafzai , thực ra, không xa lạ với cộng đồng những người trẻ trên thế giới. Ở tuổi 17, tuổi còn đang ngồi trên ghế nhà trường trung học, nhưng số phận đã đưa cô từ vai trò là một nạn nhân của sự sát hại vô nhân tính để trở thành một điển hình của sự can đảm của tuổi trẻ quyết tâm phấn đấu cho niềm tin mãnh liệt : chỉ có giáo dục mới đem lại cho con người , không phân biệt giới tính, sức mạnh để đẩy lùi bạo lực, bất công, áp bức và nghèo khổ.

Cùng với thế giới, chúng ta chúc mừng vinh dự cao quý mà cô gái trẻ Malala vừa nhận được. Và cùng với thế giới, với Malala, chúng ta chào đón sự lên ngôi của cái Thiện giữa sự nhố nhăng của muôn vàn cái Ác.

Bài viết về cô gái trẻ Malala Yousafzai dưới đây của Phương Chi HV sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn sức mạnh của cái Thiện, và hiểu rõ hơn tại sao một cô gái mới 17 tuổi lại được Ủy Ban chấm giải Nobel đầy uy tín của Thụy Điển  chọn cô là người nhận giải thuởng về Hòa Bình năm 2014. (TV&BH)

 

Malaila Yousafzai sinh ngày 12 tháng 7 năm 1997 tại tỉnh Swat ở Pakistan. Thung lũng Swat của Pakistan, nơi Malala lớn lên từng là một vùng đất nông nghiệp trù phú, nhiều khoáng sản và những đồng cỏ xanh ngút ngàn, có những hồ nước màu ngọc thạch quyến rũ.

Thung lũng Swat được các dãy núi tuyết trắng xoá bao quanh như một vầng hào quang tỏa sáng.

Đây cũng là khu nghỉ mát trượt tuyết duy nhất của đất nước Pakistan.

Nữ hoàng Elizabeth đệ nhị đã có lần đến thăm Swat vào thập niên 1960.

Vào năm 2003, phiến quân hồi giáo Taliban chiếm đóng Swat bằng vũ lực, áp đặt luật Hồi giáo nghiêm ngặt –tức Sharia – như cấm ngặt âm nhạc, đàn ông bị buộc phải để râu, các em gái bị cấm không được đi học.

*

Chế độ Taliban tàn bạo coi rẻ mạng người nhất là phụ nữ từng được thế giới biết đến qua nhiều năm cai trị đất nước A Phú Hãn.

Khi Aghanistan còn nằm trong tay chế độ Taliban, phụ nữ tuyệt đối không được phép làm việc và đi học.

Cảnh sát tôn giáo của Taliban tuần tiễu thường trực trên đường phố, thẳng tay đánh đập trừng trị những phụ nữ nào bị bắt gặp đi một mình, không có nam thân nhân, chồng hay con trai đi kèm; những người bị buộc tội không ăn mặc “đúng phép” , như váy ngắn trên mắt cá, không đội khen che mặt – burka- hoặc ngay cả những ai dám cười nói lớn tiếng nơi công cộng.

Hơn thế, dưới thời Taliban phụ nữ Afghanistan không được phép đi giầy gây tiếng động,móng tay phải cắt ngắn, tuyệt đối cấm đánh móng tay.

Hiện nay, phiến quân Taliban ở A Phú Hãn tuy không ở vào thế cầm quyền và đã kém mạnh hơn xưa rất nhiều, nhưng họ vẫn còn hoạt động và có ảnh hưởng mạnh tại vùng phía Bắc và Tây Pakistan dọc theo biên giới Afghanistan.

*

Thành phố Mingora,  thuộc tỉnh Swat của Pakistan, từng là tuyến đầu trong trận chiến chống lại phe Taliban quá khích.

Hồi năm 2007, Taliban chiếm được quyền kiểm soát ở Swat, đến mùa Hè năm 2009 thì bị quân đội Pakistan tấn công và đẩy lui.

Trong khi nắm quyền tại Swat, Taliban đóng cửa và phá hủy hết tất cả các trường học dành cho con gái, gây ra muôn vàn đổ nát; và áp dụng luật Hồi giáo –tức Sharia – theo cách giải thích cuồng tín của riêng họ.

Trong thời gian này, Malala thường lên tiếng phản đối và đòi quyền được đi học cho các em gái trong vùng Swat, nơi em sinh sống.

Malala đã trở thành mục tiêu của phiến quân Taliban Pakistan vì trong ba năm liền, cô bé đã lên tiếng cổ võ cho các trẻ em gái được quyền đi học.

Khi phiến quân Taliban chiếm đóng Swat, lúc đó Malala mới 11 tuổi. Để phản đối những gì xả̉y ra tại đất nước mình, Malala bắt đầu viết nhật ký kể lại những kinh nghiệm của mình, viết một trang blog bằng tiếng Urdu trên trang mạng của đài BBC.

Cô kể chuyện mặc quần áo thường, không phải đồng phục, để không ai biết rằng cô đi học, và viết về việc cô và các bạn gái khác “đã dấu sách dưới khăn choàng đầu như thế nào để không bị khám phá “.

Thế nhưng sau khi Taliban cưỡng bách đóng cửa trường của cô, Malala không còn lựa chọn nào khác hơn là phải ở nhà và phải bỏ học.

*

Trong một bài trên blog, cô viết:

“Năm ngôi trường nữa đã bị phá hủy, và có 1 trường ở gần nhà tôi. Tôi thật ngạc nhiên, vì những trường này đã đóng cửa rồi, thế tại sao họ còn cần phải phá hủy?”

Vài tuần sau đó, cô viết

“Tôi buồn rầu nhìn bộ đồng phục và cặp sách . Tôi thấy đau khổ vì các anh tôi có thể đi học trong khi tôi lại bị buộc phải ở nhà.”

Sau đây là một vài đoạn trích trong quyển Nhật ký của em được đăng trên trang mạng của đài Á châu tự do RFA :

Thứ tư ngày 14 tháng 1: KHÔNG ĐI HỌC LẠI

Tôi đang trong tâm trạng buồn bã khi đi học bởi vì kỳ nghỉ mùa đông bắt đầu từ ngày mai. Thầy Hiệu trưởng công bố kỳ nghỉ, nhưng lại không nói gì đến ngày nào nhà trường sẽ mở cửa trở lại. Đây là lần đầu tiên xảy ra chuyện này

Thứ Năm 15 tháng 1: ĐÊM ĐẦY HỎA LỰC CỦA ĐẠN PHÁO

Đêm lấp đầy bằng tiếng đại bác ầm ĩ và tôi thức giấc đến ba lần. Nhưng kể từ khi không còn đến trường học nữa, tôi dậy muộn hơn sau 10 giờ sáng. Sau đó, bạn tôi đến và chúng tôi thảo luận về bài tập ở trường cho mang về nhà làm.

Taliban đã nhiều lần nhắm mục tiêu tấn công là các trường học ở Swat.

Hôm nay là ngày 15 tháng 1, ngày cuối cùng trước khi sắc lệnh của Taliban có hiệu lực, tôi và bạn tôi vẫn trao đổi về bài tập ở nhà, nếu như không có gì khác thường xảy ra.

*

Vào ngày 9 tháng 10 năm ngoái 2012, Malala và hai em gái khác là Kainat Riaz, và Shazia Ramzan đã bị một tay súng Taliban ám sát khi đang ngồi trên xe bus từ trường về nhà. Malala bị bắn vào đầu và cổ.Hai em gái khác bị thương nhưng không nguy hiểm đến tính mạng.Riêng Malala bị bất tỉnh trong tình trạng hôn mê nhiều ngày.

Ngày 15 tháng 10, em được đưa sang ANh quốc điều trị thêm. Một nhóm 50 giáo sĩ Hồi giáo ở Pakistan đã ban hành một sắc lệnh lên án và chống lại những kẻ đã chủ mưu và thi hành vụ ám sát em.

Tuy nhiên nhóm phiến quân Taliban tại Pakistan vẫn khẳng định ý muốn của họ là ‘giết bằng được Malala và cha em, là ông Ziauddin.

Một phát ngôn viên của phiến quân Taliban cho biết họ coi cuộc vận động về quyền giáo dục cho trẻ gái của Malala là chuyện “thô tục” và buộc tội cô đã “tuyên truyền” cho văn hóa Tây phương.

Taliban còn hăm dọa, nếu cô thoát chết, họ sẽ tiếp tục truy lùng và tìm giết cô thêm lần nữa.

Mặc cho những lời hăm dọa ấy, chẳng những Malala không hề lùi bước, mà ngược lại, cô lại càng kiên quyết và dũng cảm bước xa hơn trong nỗ lực đòi hỏi cho nữ giới ở Pakistan phải có quyền được đi học.

*

Sau khi bị Taliban bắn trọng thương và được chữa lành, Malala bắt đầu các chuyến diễn thuyết kêu gọi cộng đồng thế giới ủng hộ quyền được đi học của các em gái tại Pakistan.

Malala trở thành thần tượng của giới trẻ thế giới. Lòng can đảm của em không những được giới trẻ ngưỡng mộ, mà ngay cả các nguyên thủ quốc gia như tổng thống Barack Obama và các nhà lãnh đạo ngân hàng thế giới, các trường đại học tại Hoa kỳ đều nể phục lòng can đảm và ý chí sắt đá của em.

Trong chuyến viếng thăm tòa Bạch Ốc vào năm 2013, Malala đã nói với tổng thống Barack Obama rằng, giáo dục đem lại ảnh hưởng tốt đẹp hơn cho con người, cho xã hội hơn là những vụ tấn công bằng vũ lực giết hại thường dân vô tội.

Cũng như trong cuộc phỏng vấn trên chương trình The Daily Show của John Stewart nổi tiếng tại Mỹ vào năm ngoái, khi được hỏi là nếu đối diện với phiến quân Taliban, Malala sẽ nói gì với họ?

Malala cho biết cô sẽ nói vào thẳng mặt những người đã từng bắn vào đầu mình rằng :

“ Các ông có thể bắn tôi, nhưng trước hết phải nghe tôi nói. Tôi chỉ muốn các con trai và con gái của các ông được đi học đàng hoàng. Bây giờ tôi đã nói xong rồi đó, mấy ông muốn làm gì tôi thì làm đi”.

Cũng trong buổi nói chuyện này, khi John Stewart hỏi do đâu mà cô lại nảy ý định muốn quảng bá vấn đề giáo dục, Malala trả lời rằng giáo dục là sức mạnh, và vì là sức mạnh nên Taliban rất sợ để phụ nữ Pakistan được đến trường, vì khi phụ nữ được giáo dục thì họ có sức mạnh, và dĩ nhiên Taliban rất sợ điều đó.

Khi nói chuyện với ký giả Christian Amapour của đài truyền hình CNN, Malala đã nói về quân Taliban như sau :

“ Họ có thể bắn vào thân thể tôi, nhưng họ không thể nào bắn chết những ước mơ của tôi”.

Trong một buổi nói chuyện tại trụ sở ngân hàng thế giới, Malala cũng từng phát biểu những câu như sau:

“Nếu một kẻ khủng bố có thể thuyết phục một ai đó trở thành một kẻ nổ bom tự sát để giết những thường dân vô tội, thì chúng ta cũng có thể làm cho những kẻ đó thay đổi ý kiến về vấn đề giáo dục, chúng ta sẽ nói cho những kẻ đó biết ,giáo dục là con đường duy nhất dẫn đến hòa bình và nhân bản.

Tôi là con gái và tôi biết rằng con gái có thể thay đổi cả thế giới”.

Cũng như khi nói với giới cha mẹ về việc nuôi dạy con gái, Malala nói:

“Cha mẹ không cần phải làm điều gì đặc biệt cho con gái mình, thế nhưng đừng chặt mất đôi cánh của họ, hãy để con gái quý vị bay đi, họ cũng phải có quyền y như con trai của quý vị, hãy cho con gái quý vị cơ hội được làm người “.

Và khi được chủ tịch ngân hàng thế giới Jim Yong Kim hỏi tại sao cô muốn trở thành một chính trị gia, Malala trả lời rằng :

Một bác sĩ chỉ có thể cứu một người nào đó bị bắn trọng thương.

Nếu cháu trở thành một nhà chính trị, cháu có thể giúp thế hệ mai sau không ai bị bắn chết cả”.

 

*

Giáo dục , như Malala nói, là sức mạnh. Sức mạnh ấy có thể giúp chúng ta đẩy lui bạo lực, bất công và nghèo khổ.

Malala từng xác nhận cô còn phải nỗ lực nhiều hơn nữa mới mong có thể đẩy lui sự bất công và tình trạng kỳ thị giới tính vẫn còn đầy rẫy trong xã hội Pakistan.

Theo thống kê của bộ giáo dục Pakistan cho thấy thì cả nước chỉ có 26% trẻ em gái biết đọc và biết viết, trong khi tỷ lệ phụ nữ biết đọc viết ở Pakistan chỉ vào 12% mà thôi.

Tình trạng thất học của các em gái tại những vùng quê xa xôi hẻo lánh lại càng tệ hại hơn nữa.

Do trở ngại về xã hội và văn hóa, một số em gái sinh sống tại các bộ lạc thuộc miền Bắc Pakistan bị cấm không được đến trường với lý do viện dẫn là tôn giáo.

Nhiều người tự hỏi một cô bé 15 tuổi, là tuổi vẫn còn được coi là ăn chưa no lo chưa tới, tại sao lại có những lời lẽ rất mực thông minh và vô cùng cứng rắn gửi đến những kẻ từng ra tay sát hại em?

Từ đâu em có được sự hiểu biết về tầm quan trọng của giáo dục như thế ?Đó có phải là do em có được một người cha luôn khuyến khích con mình đọc sách từ thuở còn ấu thơ, và phải chăng ý thức nhận biết được sự bất công đã nẩy mầm trong đầu Malala từ những ngày mới lên 9, 10 tuổi ?

*

Cô bé này đã đọc những gì và học được gì từ những điều em đọc được? Chúng ta hãy nghe một đoạn em tâm sự trong bài diễn văn đọc tại trụ sở LHQ vào ngày 12 tháng 7 năm 2013 như sau:

“Thưa quý vị, tôi không chống bất cứ ai. Tôi cũng không đến đây để nói về sự trả thù cá nhân chống lại Taliban hay bất cứ nhóm khủng bố nào khác. Tôi chỉ đến đây để lên tiếng cho quyền được học hành của mọi trẻ em. Tôi muốn sự học hành cho cả con cái của tất cả các phần tử cực đoan, đặc biệt là Taliban.

Tôi thậm chí không ghét bỏ Taliban, kẻ đã bắn tôi. Thậm chí nếu có một khẩu súng trong tay và nếu người đó đang đứng trước mặt tôi, tôi vẫn không bắn anh ta.

Đây là lòng từ bi mà tôi đã học được từ Muhammad, vị tiên tri của lòng thương xót, từ Chúa Giêsu Kitô và từ Đức Phật.

Đây là di sản của sự thay đổi mà tôi kế thừa từ Martin Luther King, Nelson Mandela và Muhammad Ali Jinnah.

Đây là triết lý bất bạo động mà tôi học được từ Gandhi, Bacha Khan và Mẹ Teresa.

Và đây là sự tha thứ mà tôi đã học được từ cha mẹ tôi.

Đây là những gì lương tâm tôi nói cho tôi, bình an và yêu thương tất cả mọi người.

Thật đúng khi có ai đó đã từng nói, “Cây bút sắc hơn lưỡi kiếm.”Những kẻ cực đoan sợ sách vở và bút mực.Sức mạnh của sự học làm họ sợ.Họ sợ phụ nữ.Sức mạnh của tiếng nói phụ nữ làm họ sợ. Và đó là lý do tại sao họ đã giết 14 sinh viên y khoa vô tội trong vụ tấn công gần đây tại Quetta. Và đó là lý do tại sao họ đã giết những nữ giáo viên và nhân viên trị bại liệt tại Khyber Pukhtoon Khwa và FATA. Đó là lý do tại sao họ đánh bom nổ tung trường học mỗi ngày. Vì họ đã và đang sợ sự thay đổi, sợ sự bình đẳng mà chúng ta sẽ đưa vào xã hội.”

Nhưng câu nói khó quên nhất Malala từng phát biểu khi nói về tầm quan trọng của giáo dục là:

“Một trẻ em, một giáo viên, một cây bút và một cuốn sách… chỉ cần từng ấy để có thể thay đổi thế giới.”

PhuongChiHV

Melbourne

 

 

 

©T.Vấn 2014

Bài Mới Nhất
Search