T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Nguyễn Lệ Uyên: PAP

clip_image001

El Buen Doctor, Tranh Pop Art về chính trị (PAP) của Alberto Casado

 

Sau cái vụ nằm mơ thấy mình đùa giỡn với Diêm Vương, thì nửa đêm hôm đó hắn tự biến mất. Mụ tiến sĩ bác sĩ gà ấp và em gái mọi y tá y công phượng hoàng không còn thấy tăm dạng hắn đâu nữa! Cả hai nháo nhào bới tung khắp chốn, từ gầm giường chí đến cầu tiêu nhà tắm, tủ đứng tủ con các thứ… nhưng hắn chỉ để lại cái bóng của hắn trên vách tường thẳng đứng bằng ảo giác chập chờn, hoang mang của hai người.

Mụ tiến sĩ lật cả tấm ga giường, xốc tung lên, như thể hắn chỉ là tờ giấy mỏng. Khuôn mặt mụ tái ngắt như kẻ chết nước, mồ hôi rớt giọt giọt. Sàn gạch bông ướt dầm dề. Cô em gái mọi đứng chết trân một góc phòng, không hiểu nổi đôi mắt trong veo trẻ thơ hồn nhiên biến đi đằng nào. Cô thở dài não nuột trong nỗi thương xót bấn loạn. Nước mắt cô tự dưng chảy xuống, không thể hiểu đó là những giọt nước mắt cảm thương hắn, một con người khốn khổ đọa đày hay cho thân phận mỏng manh của mình trước gió giông bão tố chắc chắn sẽ đổ ập xuống đời cô.

Mụ gà ấp ngồi phịch xuống chiếc giường hắn nằm, vò đầu bức tóc.

Cô gái mọi khép nép sợ hãi ngó chết vào những sợi tóc sùi sụt.

Mụ lôi tờ giấy ngoáy những hàng chữ rượt đuổi hơ hãi và gọi cô gái mọi mang ra khỏi cửa. Mụ lắc đầu, tim bóp thắt vừa nhảy bần bật.

Cả khu nhà cao tầng kín bưng sôi ùng ục như đang trong cơn động đất mạnh. Bầy ong từ các cửa chính tỏa ra. Đám người và đám chó nghiệp vụ cùng bay ra. Mọi ngóc ngách lùm bụi đều bị lật tung lên suốt đêm ngày đến nỗi cái khối đỏ lòm trên trời cao cũng mỏi mệt chìm dần xuống, thấp hơn mặt đất như trốn chạy.

Vậy mà hắn vẫn biệt vô âm tín, không một vết tích nào để lại trong ngôi nhà cao tầng kín bưng này.

Mọi người ngơ ngác nhìn nhau và không hiểu hắn biến mất bằng cách nào?

Phần hắn, hắn chưa hề chạy trốn, chưa hề thoát ra bên ngoài khu tường cao cổng kín. Hắn thề có đầu gối làm chứng. Hắn luôn bị đồn thổi, luôn trong tình trạng bị bắt cóc.

Và rồi, lần này hắn đã bị bắt cóc công khai không bởi một con người có hình hài mà là một luồng khí rỗng nhấc bổng hắn lên, hình như lúc mặt trời đang há họng thở và mặt trăng và những vì sao đang lúng liếng tình tự đong đưa. Hắn nhớ lại, không phải đang giữa khuya hay đêm tối trời mịt mùng mưa gió hay trưa trời gắt gỏng, nó công khai giữa thanh thiên nhật nguyệt trời trăng và đang cháy ngùn ngụt, lửa cháy lằn ngang lằn dọc, tung tóe khắp lỗ thủng bao la vô tận vô cùng, phun trào dầm dề pháo hoa.

Không thể nhận biết kẻ chủ mưu. Có thể là con mụ trùm sò tú ông, có thể là thằng cha tú bà, anh hùng cái bang cai trị một xứ sở mênh mông vô pháp vô cương. Kẻ đó không có nhân dạng, hình hài; có lúc là một cái bóng cụt đầu, đen toàn thân, to lớn bao trùm khắp chốn; đôi khi là là một cục thải nhỏ xíu, tanh lợm khiến ai ai cũng phải bịt mũi tránh xa. Nhưng dù cố công gắng sức thì cái lực hút quái quỷ nhà mồ tha ma túm lại, như lực nam châm, khiến nhân gian xác xơ tiêu điều hồn phách.

Lần này hắn bị tống vào với đám ăn mày khắp nơi tụ hội về. Trên cổ đeo lủng lẳng chiếc thẻ bài nhựa tái chế, ghi nguệch ngoạc mấy chữ nhân thân.

Hắn trộn lẫn vào đám người đó.

Và đầu tiên:

Ông cụt giò, tóc dài chấm lưng quần, râu ria như người tiền sử, cất lên giọng phều phào:

“Cha mẹ cháu bị chôn sống dưới đìa cá sau một trận lôi đình phun trào uất hận của đồng hương cố quận, bởi tội tom góp gốc rạ chất đống tạo giang sơn riêng. Còn chân phải bay đi chỉ vì bị niềm kiêu hãnh mê hoặc, lao tới phía rỗng không để thiết lập một thế giới đồng đại đồng đẳng, giải thoát niềm hạnh phúc êm ấm những người lương thiện bắt quay trở lại sự man rợ bán khai… cạp trúng”.

Người thứ hai là chị buôn thúng bán bưng, áo quần không che kín nổi thân thể tong teo:

“Em tích góp bằng mồ hôi, nước mắt, đôi khi phải trả giá bằng cú lừa lên xuống giá cả từ mấy chú khách trú Chợ Lớn. Dù nắng dù mưa, em vẫn cắm mặt xuống đường nhặt nhạnh từng mớ ve chai lông vịt; vậy mà cuối cùng đã bị thu tất, từ thúng mủng, chai lọ đến đôi nừng suốt đời tòn teng trên đôi vai nổi u nần, đẩy cả bầy chồng con ra đường liếm bụi. Em bị kết tội hút máu người, vô lương”.

Người thứ ba là một chị chưa già mà cũng không còn quá trẻ; chị kể bằng mắt và tay chân:

“Sau khi cha mẹ chị bị mang ra bãi đất trống “bùm” một phát, hồn phách lìa khỏi xác còn rung lên mấy cái, lấy tâm thế trước khi lìa trần, bởi các cơ co giật; do tội cấu kết với kẻ thù chống lại giáo hội vô pháp vô cương. Từ đó chị bị đẩy vào động mãi dâm cấp cao phục vụ cho giáo trưởng, giáo phó và các giáo các thứ, sau khi phải làm thân Chiêu Quân cống nạp đại sứ Hồ quốc làm dập tan trinh tiết xứ sở. Khi chỉ còn một cái xác cà tong cà teo, ruồi muỗi không màng bu đậu, chị bị liệng ra ống cống để phục vụ cho nhân dân bằng tem phiếu in trên chính những mảnh giấy ghẻ lở từ thịt da tróc ra”.

Người thứ tư là ông thầy tu dựng thuyết bá xàm xằng bậy, chống lại giáo hội vô vô ra ra ra, gọi tắt là giáo hội Vô Ra.

Thầy phều phào:

“T…a…aa… bị thẻo chóp lưỡi, khâu miệng thả về, kịp làm lễ thánh tẩy cho đám ăn mày trước khi thành đám ăn xin. Đẩu tóc ta bị cạo nhẵn thín, trán thích chữ vạn lộn ngược có bốn lưỡi dao nhọn chỉa ra bốn hướng…”

Nhìn trang phục của ông thầy tu có vẻ được khoát lên phong cách ảo quang của trường phái hội họa Op Art mang đầy cá tính nghệ thuật tập thể, chói chang các sắc màu đen trắng, nâu vàng đỏ các thứ. Điều này, được thầy thổ lộ thêm: “Trên đường hành đạo, đôi khi ta giật thót thót gan ruột, nhưng rồi ta vẫn cứ chăm lo phận sự chăn dắt tín đồ, toát lên hơi thở sặc sụa mùi vị giáo hội Vô Ra”.

Nghe tới đó, hắn nhíu mũi, bởi chẳng hiểu vô ra là sao.

Hắn lẩn qua hàng bên kia và nhìn thấy người thứ năm. Đó là một trí thức duy nhất, cả đời lưng không bị vẹo, gối không bị cong, từ chối tròng đôi kính trắng lên mắt, theo như lời xì xào của đám đông. Mặc dù giáo hội đã vận dụng đến tối đa các tiêu chuẩn dành cho các chức sắc cấp cao, như đường từ nước Củ Khoai, bơ sữa từ Bá Lợi Á, thịt trứng từ giấy bồi, rác thải ở Tung Weing… để nhử ông trí thức vào vòng kim cô, biến thành một thứ bông hoa trang trí ở văn phòng giáo phường giáo hội, nhưng ông nhất mực không chịu mang đôi kính cận lên mắt, không chịu giơ tay khỏi đầu. Hậu quả: Bị đày biệt xứ khổ sai mang gông tận tít mù mù đâu đó để hú hí với anh Tô Vũ đàn đúm chăn dê vừa uống rượu vừa gãi háng cho dái lăn tăn chơi.

Một thế kỷ sau, khi đã già sọm, ông trí thức mới được đặc xá và quẳng vào đám bụi đời ăn xin…

Ông già trí thức kể:

“Cái đám lãnh đạo tinh thần và thể xác ấy, đã lượm ta từ một sự vụ bắt cóc hỏa tốc và trên đường bôn tẩu vội vội vàng vàng đã làm rớt dọc đường, đoạn nào không hay. Phường ăn mày cái bang bầm dập thấy ta mặt mũi lấm lem lọ nồi bùn đất rất giống với tín hữu giáo phường cái bang, bèn mang về kỳ cọ bằng bịch ny lông trong thùng rác, xịt dầu thơm, trang điểm lại dung nhan để xứng với tầm cao thời đại cái bang.

Giáo hội phỏng vấn chớp nhoáng về nhân thân. Ta cung khai rất mực thật thà. Sau khi đưa vào máy sấy và máy nội soi thấy toàn sự thật ghẻ chóc từ lời khai, giáo hội bèn tổ chức lễ tấn phong ta làm sử gia ghi chép biên niên cho giáo hội”.

Nghe nói mấy chữ “ghi chép”, hắn cúi gập người trước ông trí thức chỉ có da bọc xương:

-Thưa thầy, con xin được theo thầy.

-Để chi?

-Dạ, hầu hạ thầy.

Ông trí thức chẳng gật mà cũng không lắc, ngó hắn từ đầu tới chân rồi thủng thẳng bước đi, như chưa từng gặp hắn, nghe hắn nói gì.

Thầy đi trước. Hắn theo sau. Hết ngày này qua tháng khác.

Thầy cảm động, vỗ đầu hắn nói:

-Được, nhưng đừng có trách ta.

Ngày đầu tiên thử việc thử thách, hắn được chỉ định làm công cán ủy viên cùng chị dạng háng công du khắp các hang cùng ngõ hẻm. Chị đi trước, hắn lẽo đẽo bám theo sau, bước theo kiểu con theo mẹ.

Tấm thân chị như cán cờ đứt gió, cứ thẳng đuột.

Chị rủ rê hắn ra công viên nước, đoạn nối dài từ tổng dinh thự giáo hội chạy ngoằn nghèo trên con đập chia đôi ao nước, thẳng qua cây cầu tám tầng thiên niên kỷ xây bằng sắn mì bo bo trộn với lúa mì tiểu mạch. Trên đường du công, hắn thấy rõ những ngôi chùa chen vai với đền miếu; cây anh đào thích cánh với cây chó đẻ, cây anh túc; quán bar choàng vai quán ca hát ôm; nhà hàng thịt chó ngất ngưởng quá đầu quán cơm chay… Các thầy ngồi bên này, thò cẳng nhón miếng dồi trường dấu dưới vạt áo, ê a ta bà ha vân vân các thứ.

Chị đi trước như anh lính chì. Hắn theo sau, tay trái cầm viết, tay phải cầm tấm bìa các tông lớn gần bằng manh chiếu trước cửa đền rồng lộn rắn bay. Không nghe chị mở miệng nói câu nào, nhưng hắn biết thân phận, công việc của sử quan là ghi chép sau khi cái sự thấy và sự nghe lọt vào tròng mắt và màn nhĩ dội lên đầu, trào ra ngón tay, nên ra sức vừa đi vừa ghi ghi chép chép liền tay. Công việc có vẻ hợp với hắn, nên chị cũng không nghe lời phàn nàn nào phát ra từ miệng hắn.

Tới một ngôi đền nằm chìa ra phía ao, có cây cối um tùm bóng tối, chị xề đít ngồi lên đầu con kỳ lân đẽo từ khối đá Ngũ đại sơn. Con kỳ lân đá rên lên ra cái giọng của kẻ thèm khát lâu năm chưa được kề cận với giống cái, mặc dù không đồng loại. Chị cũng rung lên nây nẩy. Hắn bèn ghi tạm rằng “một sự giao thoa văn hóa hòa hợp giữa đá và người tựa hồ như sự phối tình giữa hai sinh vật thời đồ đá cũ”. Hắn chưa kịp gạch đít câu ghi chép mang tính hoài nghi thì con kỳ lân đá sụm xuống, sụm xuống từ từ, chỉ còn là một khối vật nhọn chổng lên trời. Hắn há hốc nhìn hiện tượng kỳ lạ xảy ra thật nhanh chóng và đầy bất ngờ. Hắn chỉ kịp mô tả hiện tượng mà không làm sao tìm lời giải cho bản chất của nó. Hắn quên phéng chị, không biết đã tan thành nước hay chạy trốn cơn khoái dục nơi nào, thẫn thờ dắt cây bút vào vành tai, cuộn tờ ghi chép sử biên niên giáo hội kẹp nách, thờ thẫn nhìn ra mặt ao nước đen thui dờn dợn mây mẩy sóng nẩy lên.

Một bà lão lưng còng gần chấm đất bưng rổ bắp nấu mời hắn mua. Hắn lắc đầu.

Một em bé ốm o lam lũ bưng hộp đậu phộng rang mời hắn mua. Hắn buồn bã quay mặt ra hướng khác.

Một thanh niên ập tới, chìa gói ny lông bột trắng. Hắn lại lắc lắc sợ hãi.

Một cô gái thắng xe tay ga, chống chân trên nền gạch ngôi đền gần sát chỗ cột đá chổng ngược, chậm rãi lại gần. Cô lịch sự chào hắn, hỏi hắn:

-Em có thể ngồi trên nền đất ngôi đền để ngắm đất ngắm trời chút xíu anh nhỉ? Em xả stress cho đỡ căng đầu. Em học cái chương kinh tế chính trị… không hiểu gì gì cả mà ngày mai thi rồi.

-Đất trời là của chung, cô muốn ngồi đâu tùy thích.

-Cảm ơn, nghe anh nói có vẻ giống nhà thơ hay triết gia thuở hồng hoang.

-Không dám, ta không phải triết gia văn gia phong gia phong tục gì ráo. Ta là ta mà chưa biết từ nơi đâu ta bước ra và ngồi đây, không biết để làm gì.

-Ôi, anh đúng là triết gia đang tra vấn sự hiện hữu của anh. Mà cũng có vẻ như anh đang tâm trạng, tâm trạng buồn bởi nhiều nguyên cớ không lần ra?

-Ta chưa bao giờ cật vấn điều này, cũng như tra khảo chính bản thân ta, không thắc mắc hoài nghi mắc mớ lòng thòng chi ráo.

-Nhiều khi em cũng tự hỏi, ngồi ở giảng đường để làm gì, thành kỹ sư bác sĩ để làm gì. Cái đầu em nó căng cứng.

-Làm sao ta biết sự làm gì của cô.

-Anh này, hay ta ra bãi đáp kia vui vẻ chút xíu?

-Bãi đáp là dành cho máy bay các thứ, ô tô các loại. Ta đây và cô đâu phải máy bay, ô tô.

-Thì chúng ta thử làm máy bay và ô tô một chuyến coi thử sao. Anh làm anh phi công già lái máy bay trong em, trên em nhào lộn! Chúng ta cùng bay. Anh ngất ngây trong em.

-Ta chưa học lái bao giờ. Ta không biết.

-Em dạy cho, dễ lắm mà, dễ hơn cái chương kinh tế chính trị… của em.

-Ta không học. Từ nhỏ ta đã bị mù rồi.

-Không, anh làm được mà.

-Ta được không làm!

-Địt mẹ, bố tiên sư nhà mi. Chỉ phí thời gian – Cô gái phun phèo phèo, nhổ nước bọt và vén váy đứng lên, trút cơn giận dữ lên nắm vặn tay ga.

Lằn khói xanh tức tưởi phụt ra sau đít xe. Cột đá chổng ngược trước đền nhìn thấy, toét miệng ngân nga:

Cõi trần là cuộc phong vân

Là con chim nhỏ chết trần dưới khe

Soi đời kèo cột rui mè

Soi người là thấy dế trùn hiển nhiên.

Hắn dáo dác ngác ngơ tìm cái bóng chị dạng háng, nhưng thật là bóng tăm chim cá, tìm hoài không ra!

Trời chưa sáng hẳn, hắn lò dò bật dậy đứng dưới tán lá, rung cho những giọt sương thấm ướt người. Hắn tắm. Hơi nước bốc lên ngui ngút. Hắn ngụp lặn thỏa thuê trong tán lá bám đầy những hột sương, giũ sạch bụi bám hôm qua ở ngôi đền xảy ra cố sự bầy hầy ghi chép biên niên lịch sử cho giáo hội lần đầu thử thách.

Mọi sự tắm táp kết thúc, hắn bước ra. Ngọn cỏ bên đường rung rinh chào hắn. Tàu lá cọ xòe to toe toét ngoác miệng rất vệ sinh, khen hắn sạch sẽ chút chút. Mặt trời vẫn thản nhiên há họng thật to.

Hôm nay hắn lại lẽo đẽo theo sau ngài trí thức khả kính, từ chối tròng kính cận thị lên hai mắt. Ngài đi đứng cứ như toán vệ binh đổi phiên trước dinh Tổng Thống. Không hiểu ngài đi đến đâu, làm gì mà ngài đi hoài không dừng bước, từ sáng tới trưa, từ trưa tới chiều. Lúc mặt trời sắp tắt lửa và sắp rớt sau dãy núi, hắn tự nổi cơn tam bành với hắn, chân nọ xọ chân kia; cán bút tán lốc cốc trên đầu, tấm giấy cuộn tròn cựa quậy, cố chùi khỏi tay. Vậy nhưng hắn không một lời nào thất lễ với ngài trí thức khả kính. Ngài đi và hắn đi. Cả hai cứ đi.

Tiếng động nhỏ nhẹ làm ngài trí thức quay lui. Hắn tức tốc ngó nghiêng, giả bộ như đang quan sát mọi sự vật, hiện tượng đang đứng trơ vơ ở bên ngoài hắn để truy tìm bản chất về sự hiện hữu của chúng.

Ngài trí thức:

-Ngươi đừng có giả vờ. Ta biết.

-Ta cũng biết, thưa ngài – Hắn đáp lại.

-Ngươi biết cái chi?

-Một cuộc đi dạo không hẹn trước, chỉ là ngẫu nhĩ ngẫu nhiên nên cứ đi thả cửa, tới đâu thì tới. Đó là cuộc dạo chơi tình cảm đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc ngàn năm thánh vật Diêu Bông Tấm Cám.

Ngài trí thức cười. Lần đầu tiên trong ngày hắn mới thấy ngài cười, nhưng là nụ cười méo mó khổ đau, bấn loạn.

-Ngươi cũng bắt đầu nhìn thấy và nhận ra vấn đề nghiêm trọng.

-Ta thấy, ta nhận ra và nghiêm trọng? – Hắn hỏi ngược.

-Đúng.

-Ta đâu nhận…

Ngài trí thức đưa tay ngăn lại:

-Chớ biện hộ về sự thông tuệ mù mờ. Cái ngươi đang nhận ra là chúng ta sẽ đi về đâu, đến đâu và bao giờ sờ mó được cái đích.

-Ta chẳng hiểu. Sờ mó cái gì trong cõi mông lung?

-Ngươi giả vờ ngây thơ. Thật ra thì tất cả mọi người đều hiểu, kể cả giáo hội giáo phường. Có điều rằng thì là cái sĩ diện ngàn đời lưu cửu lưu tôn của toàn thư đã làm cho mọi người phải giữ một thái độ im lặng. Im lặng để giữ danh phận. Thái độ quân tử tàu đó đã trói buộc con người chớ vượt quá giới hạn, chớ làm thay đổi cục diện. Nó xấu hay tốt thì các ngài trong giáo hội chụp giữ; tốt thì tung hê liền tay, còn như xấu xa thì lơn tơn tẩy rửa và đánh bóng và tạo ra trường phái Pop Art Politique…

Từ sau lưng ngài trí thức không mang kính cận, hắn nhảy tọt tới phía trước, đi thụt lui tay chi chép, vừa hỏi:

-Art politique là sự chuyển hóa luân hồi hay một chuyên đề giật gân gì vậy? – Hỏi và tay mở banh cuộn giấy, tay kia sẵn sàng ghi chép câu trả lời.

-Ngươi có bao giờ nhìn thấy trường phái hội họa Pop Art chưa?

-Có thấy đôi lần, đôi nơi nhưng chả thấy cái con mẹ mari sến gì, thưa ngài – Hắn đáp gọn trơn.

-Nó là sự đánh lừa trâng tráo con mắt và trí não kẻ khác bằng những nét cong queo mê hoặc marketing, bởi hình thù đồ sộ bóng nhẫy trơn tru, lật đổ và thay thế bằng toàn thể các màu sắc sở hữu qua cặp mắt con người khi nhìn thấy. Còn Pop Art Politique thì dùng màu sắc chủ yếu là màu lửa đỏ, loại tông màu nóng nhất. Nó cũng có những hình khối rồng rắn cong queo để ẩn giấu bản chất tận sâu bên trong không dễ gì khám phá ra đối với những kẻ mông muội a dua. Nó có sức thu hút ma quái bởi các tia chớp như những phát súng lục, thần công khiến mọi người sợ hãi, còn kẻ sáng tạo ra nó thì thích thú vỗ tay về mức độ thành công. Bản chất của Pop Art Politique dựa trên nghệ thuật làm xiếc ma thuật, dối trá, lừa gạt, tô vẽ bằng đủ loại các sắc màu, nó còn vượt xa khỏi ranh giới hạn hẹp của loại hiện thực ma thuật mà phương Tây gọi là magical réalism. Nó đánh lừa tất cả và trói buộc tất cả. Nó là một nhà tù khổng lồ mà PAP (viết tắt của pop art politique) gọi là thiên đường các thứ, một loại nô lệ toàn thể toàn phần mà PAP hãnh diện tuyên bố tất cả các loại tập thể các thứ làm chủ!

-Ô là, xin hỏi ngài, nó có giống với Hip Hop hay Pi Pop gì đó không? – Hắn lại nhảy tọt chui vào họng ngài trí thức từ chối mang kính cận.

-Ngươi khá thông minh. Tương tự như vậy nhưng thêm vào chất bột đỏ, không phải trắng đâu đó nghe, để làm ngây ngất các cặp đôi và họ lao vào lửa điên cuồng nhảy múa, quên cả bản thân, quên cả xóm giềng, đồng loại và cả cha mẹ anh em ruột thịt. Những ai không cùng một giuộc với họ, tức thị là những kẻ bị đặt ra ngoài cuộc chơi, đích thị là kẻ phá đám, thậm chí là kẻ thù. Và tới đó thì chỉ cần trùm khăn kín mặt, kín cằm giơ tay xỉa xói vài câu và a lê hấp kẻ đó lăn quay trong chiếc hộp gỗ diêm nhốt dế… Hip Hop hay Pi Pop đều nhảy múa loi choi nhái ếch khi đụng phải nước sôi. Còn PAP cũng loi choi múa may xỉa xói như làm xiếc mê dụ du dương rất mực đám đông vậy đó.

-Thưa ngài khả kính rất mực chi là, tại sao ngài không ở trong giáo phường của giáo hội PAP đó, mà bột đỏ là thứ chi chi vậy?

-Bột đỏ hóa trắng và ngược lại, đó loại chất mà cả thế giới truy nã, nó là loại bột được nhào nặn chế tác từ những bộ óc trí trá, lừa lẹo, gian dối, lưu manh thượng đẳng cô hồn ma quỷ toàn tập toàn thư đó.

Chẳng giấu chi ngươi, thời còn trẻ ta cũng rất ham mê, đam mê cái hiện thực ma quái đó tức cái chất bột trắng trắng đỏ đỏ quỷ quyệt, ranh ma. Ta bước tới, thảm đỏ trải ra cuốn ta vào thế giới PAP, ta nhảy múa lộn sòng lộn vòng vòng mấy phen mới tá hỏa. Nó kinh thiên động địa dầm dề nước mắt. Bước vô thì dễ mà bước ra không được, bị dính cứng như keo dán chuột. Hoài nghi là sự cớ bất khả tư nghị đối với họ nên chi ta bị câu thúc câu lưu ra rìa cuộc lữ lê thê không biết đi về đâu của họ. Đúng, ta cũng đã từng có trái tim nóng bỏng lăn xả, nhưng rồi sau đó cái đầu ta đã nhận biết nhận ra. Nhận biết nhưng ta không biết phải làm sao. Vậy là ta đành keep silence. Và, tim ta nguội dần, đầu ta teo dần.

-Chẳng lẽ ngài không nhận ra cái màn hoang tưởng hoang vu trong ngài khi vừa mới tiếp cận tiếp xúc hay sao?

-Nếu được vậy thì ta đâu có ra nông nỗi tàn phai xơ xác điêu tàn đẫm lệ này!

-Đâu chỉ mình ngài?

-Đúng, không riêng mình ta. Bởi vậy mới nói nghệ thuật của thế giới PAP rất chi là hỗn xược láo toét đĩ xược các thứ.

Nghe ngài trí thức không kính rên rỉ, hắn tức tốc cúi gập cong người, cười sặc sụa một trận càn khôn, cười đến chảy máu mồm máu mũi luồn tận hậu môn chảy ra. Hắn cười đến gần tắt hơi, bể bụng.

Ngài trí thức lưng thẳng sững sờ nhìn hắn hồi lâu và bất ngờ sụp xuống vái lạy hắn. Ngài liên tưởng tới tiếng cười của Gheorghiu và vái lạy liên tu kỳ trận.

Hắn đón nhận giọng cười nức nở đến đìu hiu tan nát, nẫu cả ruột gan.

Hắn bật khóc.

Ngài trí thức thấy hắn khóc cũng lao vào bật khóc theo vừa lạy kiểu tế thần.

Chưa có dấu hiệu nào khả dĩ chứng tỏ, hắn đã làm tròn chức năng của một sử quan trong giáo hội khi phải lang thang nhìn, nghe… và ghi chép. Tuy vậy, hắn rất khoái được lang thang cùng khắp, từ phố phường chật chội đến những hẻm núi quạnh hiu, nằm ngửa trên bãi có ngắm nhìn đàn chim bay trên cao, phồng mũi hít mùi phân bò, mùi cỏ dập, mùi bùn non… các thứ. Hắn tha hồ ghi chép, theo đúng nghĩa của việc ghi chép, đến nỗi nhiều lần giáo hội phải nhắc nhở về sự trung thực quá mức cần thiết phải trung thực trong các vấn đề nhạy cảm nhất.

Đó là lần thứ hai hắn tiếp tục theo sau lẽo đẽo vô chừng với ngài trí thức. Ngài đi trước. Hắn đi sau chừng tám bước, dòm ngó quan sát nghe ngóng và mất hút ngài lúc nào chẳng hay. Hắn hơ hải ngơ ngác soi tìm dấu chân ngài, nhưng hoài công. Không một vết tích nào để lại trên mặt đường bụi đất. Tất cả đều phẳng phiu. Hắn tất tả lộn ngược, lạc vào trận đồ bát quái, âm u đèn đóm tối thui. Những con người xuôi ngược lướt qua vai hắn. Hắn cũng lướt qua từng khuôn mặt xa lạ thoắt hiện thoắt biến. Dễ có đến thế kỷ hoài phí và mỏi mệt, hắn bèn kê đít lên tảng đá dưới hàng cau vua, nước mắt ràn rụa vì sự lạc mất lơ đễnh lơ là phút chốc.

Hắn nghe tiếng thút thít thổn thức sầu não sau lưng. Bản năng hoang dã đường phố nổi lên kin kít trong người. Hắn bật đứng lên, bước tới trước tiếng u sầu, tay vẫn giữ chặt cán bút và tờ giấy, nhỏ nhẹ ra chiều quan tâm:

-Nàng có nỗi khổ chi mà thổn thức đến cỏ cây cũng chảy nước mắt?

-Ông là ai? – Nàng hỏi, không ngước lên.

-Ta là sử quan.

-Sử quan? – Nàng tỏ vẻ ngạc nhiên đến cực độ.

-Chính thị.

-Vậy sử quan thì ông làm gì? – Nàng thổn thức.

-Ghi chép tất cả mọi sự, từ con người đến ma quỷ, súc vật, chim muông, cây trái, ăn ngủ ca hát nhảy nhót, trình tấu trình diễn, bán buôn, lừa đảo cùng các sự kiện, hiện tượng… vân vân các thứ.

-Vậy ông có thể ghi điều này vào sử để lưu truyền hậu thế?

Hắn do dự:

-Thử kể ta nghe.

-Em bị lừa tình.

-Ô là là… thời buổi nào mà chẳng có chuyện lừa tình. Tổ tiên ta chẳng phải bị lừa lắn bận đó sao, thằng cha Trọng Thủy khách trú ấy, ví dụ rành rành chứng cớ?

-Nhưng…

-Khỏi, nàng cứ trút tất nguồn cơn ra, chuyện lừa ấy.

-Thì em trắng trong ngà ngọc xinh đẹp, chỉ ngặt cái nghèo…

-Thì ta đây cũng nghèo mà lại rất chi là giàu có đấy nhé.

-Em bị lừa thiệt mà!

-Ta đau đầu ba chuyện lộn xộn lừa, lòng vòng vòng vo lừa lắm nghe. Ta còn bận đi tìm ông thầy của ta.

-Chớ, hợm chút. Thì thằng cha tổng giáo hội đít mốc đó, mụ vợ chết chưa qua trăm ngày, nó đi kinh lý tới ấp em gọi là thăm giáo dân cho biết sự tình. Trưởng giáo ấp sức toàn dân già trẻ gái trai nam phụ lão ấu đứng dọc hai bên đường, từ đầu dãy cầu cá tra tới tận bãi sình, tay cầm cán cờ đuôi nheo vẫy vẫy. Thằng cha đi kinh lý đi chữ bát như dân Mông Cổ, có mái tóc láng trơn đến nỗi ruồi bu trợt té gãy chân dập cánh, ngó thấy em hai mắt híp lại. Sau bữa kinh lý, nó sai thị vệ bắt cóc em về phủ đường, đặt lên ghế thứ hậu… rồi nó lấy mất cái tiết trinh của em.

-Chỉ vậy thì có gì đáng để ghi chép?

-Có chớ sao không? Chỉ ba ngày sau, đám hoàng tử công chúa của nó làm đơn gửi các báo mạng kiện tùm lum làm em mất mặt. Sau ngày đó, mỗi khi nó lôi em lên giường, là thấy mụ chánh hậu chết toi hiện về, cởi truồng chàng hảng gầm nghiến nhìn em xua đuổi, rồi tố cáo em và lão làm chuyện hoang dâm, loạn luân, bầy hầy nhớp nhúa trước chánh điện; lại bị giáo hội kiểm điểm sao đó lão a lê hấp cho em chầu rìa. Em giờ đã tan nát đời hoa. Em mất trinh rồi, làm sao lấy được chồng hả ông?

-Nàng vớ phải thằng cha có dòng máu mèo mả gà đồng từ tía nó, cố tổ cố tông nhà nó rồi thì ráng mà chịu. Còn cái việc lấy tấm chồng, ta nghe đâu tụi củ sâm, thắt bím đang lùng sục khắp xứ này. Chỉ việc vô thẩm mỹ viện nào đó vá cái trinh tiết lại.

-Em đâu có tiền!

-Ghi nợ.

-Nhưng mà gì gì thì ông phải chép chuyện cha đít mốc lừa tình để hậu sanh biết mà biêu giếu tam đại ba đời nhà nó, tránh xa ra.

-Được, được ta ghi nháp đây – Nói và hắn co giò chạy thục mạng.

(trích Nhật ký thằng điên)

Nguyễn Lệ Uyên

 

 

 

©T.Vấn 2015

Bài Mới Nhất
Search