T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không : Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 76)

clip_image001

Giai thoại làng văn (V)

Cao Bá Quát được gọi về kinh làm lại ở bộ Lễ và Viện Hàn Lâm. Suốt 5 năm trời đó ông bị đọc, bị nghe, bị thấy bao nhiêu bài văn thơ vịnh cái hoa con kiến, tả chuyện đi câu, đi ăn… những lời những ý rập khuôn, lải nhải nhạt nhẽo.

Ông kể vài thí dụ điển hình:”đầu làng tạm chia tay đã hát “chén rượu Dương Quan”, cạnh xóm sang chơi đã ngâm ngay “tiếng gà điếm cỏ” .(thôn đầu tiểu biệt, toại ca “bôi tửu Dương Quan”, lân xá tam kinh,tức phú “kê thanh mao điếm”.) Họ nắn nót từng chữ từng câu sao cho có vẻ xót xa biên tái, họ chải chuốt từng lời sao cho có vẻ khuê các trưởng giả. Làm được một bài thì hí hửng mời nhau ăn tiệc để khoe. Ai cũng tự cho mình là hay nhất, đến độ ganh ghét nhau, chửi ruả nhau, gièm pha nhau, thù oán nhau.

“ Khi vua Tự Đức sai đại thần Phan Văn Nhã dự thảo bài văn Ngọc Diệp; Văn Nhã thảo xong, làm tiệc mời các quan đến uống rượu, đưa bài Ngọc Diệp cho mọi người xem, cố ý khoe văn mình hay. Viên nội các Mỗ vốn sẵn có văn tài, xem xong nói:” Văn bác Phan các quan xem thế nào, tôi nghe cứng nhăng nhắc.” Nhân đương say rượu, hai bên gây chuyện cãi nhau. Viên nội các nói:”Văn như thế chó làm cũng được”. Vì thế thành ra ẩu đả.Việc đến tai vua, ông (chỉ Cao Bá Quát) được vời vào hỏi chuyện đã xảy ra. Ông khai: “ Không biết ý làm sao, bên này bảo chó, bên kia bảo chó, rồi đến đánh nhau, tôi sợ cắn tôi, tôi hoảng tôi chạy.

Bất tri ý hà

Lưỡng tương đấu khẩu

Bỉ viết cẩu

Thử viết cẩu

Bỉ thử giai cẩu

Dĩ chí đấu ẩu

Thần kiến thế nguy, thần tẩu

(Tường Vũ Anh Thy – Cao Bá Quát : Tim vẫn say…)

Giọng Sài Gòn II

Giọng người Sài Gòn không ngọt như mía lùi như một số người dân Tây Nam bộ ven vùng phù sa sông nước. Không nặng nề cục mịch như người miền Đông Nam bộ nóng cháy da chát thịt. Giọng người Sài Gòn cũng ngọt, nhưng cái ngọt thanh hơn.

Giọng người Sài Gòn không cao như người Hà Nội, không nặng như người miền Trung, mà cứ ngang ngang, sang sảng. Nghe biết liền với… “ổng, bả, ảnh, chỉ”, với mấy từ ở cuối câu…“nghen, hen, hén”.

(Người Sài Gòn – báo Sài Gòn nhỏ)

Tục ngữ Ta và Tầu

Con rô cũng tiếc, con riếc cũng muốn

Nhật phạ nhật đoản, dạ phạ du can

(Ngày sợ ngày ngắn, đêm lo cạn dầu)

(Nguyễn Lập Sơn – Dư Phát Linh)

Chữ và nghĩa: Vùng phụ cận

Thị Nghè: Vợ của một ông Nghè

Vườn ông Thượng (vườn Bờ-rô hay Tao Đàn): Hoa viên của Tổng Trấn Lê Văn Duyệt.

Cầu Hoa (cầu Bông): Tên từ vườn hoa riêng của Tổng Trấn Lê Văn Duyệt ở gần đấy.

(Hồ Đình Vũ – Nguồn gốc một số địa danh miền Nam)

Nhà sư với ông sư.

Năm 1980 tôi được xem mấy tấm tranh dân gian Oger. Thích quá. Mặc dù chả hiểu gì cả. Ngay tối hôm ấy, tôi bắt đầu mang Bách khoa thư bằng tranh ra đọc từ đầu… Theo lời giới thiệu thì chữ trong bộ tranh là chữ Hán, chữ Nôm. Mấy cụ Hán nôm giỏi thật. Chữ nào là Hán, chữ nào là nôm? Sao mình chả thấy khác nhau gì cả.

Tôi lật xem và để ý đến hai tấm ” Nhà sư ” và ” Nhà sư viết kinh “. Bốp! Như bị thầy tát vào má: Tên tấm tranh ” Nhà sư ” của tôi được viết bằng bốn con chữ. Lạ nhỉ, từ trước đến giờ tôi cứ tưởng là chữ Tàu, chữ Nôm mỗi chữ đọc một âm. Thế mà rõ ràng ở đây bốn chữ tên tranh lại được Viện từ điển bách khoa đọc là ” Nhà sư “, nghĩa là chỉ có hai âm thôi. Trước mắt tôi, ” Nhà sư ” có vấn đề! Láo nào. Biết gì mà nói leo. Học chữ thánh hiền kiểu này thì chỉ tổ toi cơm. Ấm ức, nhưng tôi vẫn bướng bỉnh, tiếp tục lần mò thêm vì ” viết bốn đọc hai “.

Tôi lại bị sửng sốt, ngạc nhiên thêm một lần nữa vì hai chữ ” nhà ” của ” Nhà sư ” và ” Nhà sư viết kinh ” viết khác nhau. Thảo nào người ta vẫn chê chữ nôm là nôm na, luộm thuộm. Hôm nay được mắt thấy trường hợp viết nhiều đọc ít, viết khác nhau nhưng lại đọc giống nhau. Rắc rối thật ! Thú thực là tôi bắt đầu bị hoang mang.

Tình cờ một người bạn khác cho mượn cuốn  Connaissance du Vietnam  của P. Huard và M. Durand. Cuối sách có một bảng chữ nôm đối chiếu với chữ quốc ngữ. Tôi tra tìm, so sánh mãi mới khám phá ra được cái sự thật bí hiểm kia. Tên tranh không phải là ” Nhà sư viết kinh ” mà là” Ông sư viết kinh ” Thì ra vậy, bu nó ơi. Bây giờ mới hiểu tại sao hai chữ “nhà” của Viện từ điển bách khoa viết khác nhau.

Tôi triết lí vụn. Có lẽ xưa người ta kính trọng người tu hành, gọi là ông sư. Ngày nay người ta bỏ tiếng ông và chỉ gọi là nhà sư thôi. Thời thế đổi thay. Mọi vật trên đời đều vô thường. Đúng là chữ ” nhà” của ” Nhà sư ” đã khai tâm chữ Nôm cho tôi. ” Nhà sư ” xứng đáng là thầy tôi.

(Nguyễn Dư – Chimviet.free.fr)

Nét đặc biệt trong tiếng Huế

Tiếng Huế không phải chỉ đơn giản tê mô răng rứa như vẫn xuất hiện trong thơ và văn xuôi như những nét chấm phá rất dễ thương để nói về người và xứ Huế; mà nhức đầu, phức tạp, nhiêu khê, đa dạng và phong phú hơn nhiều. Tùy địa phương của Huế, cách phát âm có chỗ nặng nơi nhẹ; lúc thanh tao khi khó hiểu.
Khóc lảy đảy, không biết ốt dột !

(Khóc ngon khóc lành, không biết xấu hổ!).
En dòm tui, tui dị òm !

(Anh ấy nhìn tôi, tôi thẹn quá !)

Chữ òm người Huế vẫn thường dùng để bổ túc cho cái phủ định của mình: Ngon không ? Dở òm !
O nớ răng mà không biết hổ ngươi !

(Cô đó sao mà không biết mắc cỡ !)

Hổ ngươi cũng là tên của cây trinh nữ, cây mắc cỡ. Cũng như xấu hổ, thẹn, mắc cỡ thì ốt dột, dị và hổ ngươi có nghĩa khác nhau tuy chút ít nhưng tinh tế, nhẹ nhàng.

(Nguồn ĐatViet.com)

Ca dao trái nghịch

Bởi tính nết của mấy bà mấy cô lắm khi trái nắng trở trời, thế nên ca dao có những câu ám chỉ sự nghịch lý ấy. Như: “Bao giờ cho chuối có cành – Cho sung có nụ, cho hành có hoa..v..v..”. Vì người ta vẫn gọi là quả sung thì chính là “hoa sung”, giống “ẩn hoa khỏa tử” nên lấy đâu ra “nụ sung”.

(Nguyễn Hữu Nhật – Tiếng Việt hay quá)

Chữ nghĩa trên mạng

Dưới đây là lời rao kết bạn đọc được trên internet:

Thanh niên 28 tuổi, người Nam bộ, độc thân, vui tính, khỏe mạnh, không rượu chè chích cháoc, hơi lãng mạn, có khả năng chăm sóc bản thân và người khác phái, ăn ngủ luôn luôn đúng giờ giấc, Muốn làm quen với bạn gái dịu hiền, đẹp, có lòng vị tha…

Ai mến xin thư về (kèm tem) Nguyễn Văn Hai, khu tù chung thân, phòng C, trại K, khám Chí Hòa.

Nghịch lý quan họ

Tiếng hát quan họ, là nghệ thuật của yêu thương quyến luyến xoắn quyện, chan chứa day dứt lên đến đỉnh điểm tuyệt vời của âm dương giao hòa, hình thái cực kỳ lẳng lơ, đa tình nhưng nghệ thuật hát ấy chứa một nghịch lý rất khó hiểu:

Trai gái hát với nhau thì đưa tình, trao duyên nồng nàn đằm thắm thế, nhưng lại phải tuyệt đối vâng theo lệ làng quan họ là không được vượt qua ranh giới giữa tiếng hát và tình chăn gối, nghĩa là chỉ được yêu nhau trong tiếng hát mà không được yêu nhau trong đời thường yêu nhau đi đến hôn nhân, hoặc dân làng phát hiện ra những trò trên bộc trong dâu thì lập tức bị khai trừ ra khỏi phường, hội…

Cùng một phường, hội không được lấy nhau đã đành, có nơi còn nghiêm ngặt hơn là ngay cùng một làng cũng không được lấy nhau. Có thể lấy người ở làng khác, và nếu thế, vợ hát một nơi, chồng ca một nẻo, mà đã hát thì phải diễn ra sắc thái, phong vị lẳng lơ, quyến luyến, đa tình, đằm thắm hơn cả đêm tân hôn, mà lại cấm kỵ không được tỏ ý ghen tuông nữa kia. Hễ ghen mà sinh sự cũng bị khai trừ.

Ây thế, quan họ nó rắc rối về mặt tình cảm như vậy

(Hoàng Cầm – Tác phẩm – văn xuôi)

Kính nhi viễn chi

Chữ “nhi” có nghĩa là “nhưng”. Câu này có nghĩa kính trọng người nào đó, “nhưng” nên giữ một khoảng cách. Hiểu rộng là không nên thân mật quá đáng.

(Duy Lý – báo Tự Do)

Những nhà văn nữ miền Nam

Tôi (Trùng Dương Nguyễn thị Thái) tò mò tìm tên các bạn gái viết văn của mình hồi ấy thì thấy Nguyễn thị Thụy Vũ được khoác cho cái nhãn “nhà văn nữ giầu tình dục”, Túy Hồng “nữ văn sĩ giầu tính nhục cảm”, Nguyễn thị Hoàng “nhà văn trẻ của tình lụy”, Thu Vân (?) “nhà văn dùng tính dục để giải quyết vấn đề”.

Và cá nhân tôi, Trùng Dương “nhà văn hiện thực buông xả” (chữ nghiêng là của tôi, vì tôi không hiểu chữ “xả” đi với “buông” có nghĩa gì).

(Nguyễn Công Khanh – Lịch sử báo chí Sài Gòn)

Góp nhặt sỏi đá

Có người hỏi Đức Dalai Lama:
“Điều gì làm Ngài ngạc nhiên nhất ở nhân loại?”
Ngài trả lời:
” Con người … bởi vì con người phung phí sức khỏe để tích tiền của, rồi lại bỏ tiền ra để tìm mua lại sức khỏe.
Và vì quá lo nghĩ cho tương lai, con người quên mất hiện tại, đến nỗi không sống với hiện tại lẫn tương lai.
Con người sống như thể sẽ không bao giờ chết … Nhưng rồi sẽ chết như chưa từng sống bao giờ.”

Chén tạc chén thù

Chén tạc chén thù – Tạc: mời. Thù: trả.

Chén rượu mời, chén rượu trả để đáp lễ trong tiệc rượu. Truyện Kiều có câu “Vợ chồng chén tạc chén thù – Bắt nàng đứng trực trì hồ hai nơi”.

Ta có câu “chén chú chén anh”.

Ngộ Không

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2015

Bài Mới Nhất
Search