T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Nguyễn Lệ Uyên: BUỔI TỐI TRÊN CỒN CÁT

clip_image002

Lối cũ – Tranh : Mai Tâm

 

1. Buổi tối

-A lô, anh ăn tối chưa?

-Cảm ơn em. Rồi. Mọi chuyện đều ổn. Còn em?

-Dạ, cũng vừa xong bữa. Mà… không phải với mì tôm nữa đó chứ?

-Hẳn nhiên. Chiều nay anh tự nấu món canh chua cá lóc, sườn ram và rau muống xào tỏi theo cách vào bếp trên Google.

-Ồ, vậy thì ngon quá.

-Rất ngon, nhưng chỉ một nửa, nửa kia là dở, thậm dở.

-Anh nói sao?

-Một nửa ngon và một nửa dở.

-Em hiểu rồi. Anh đang thiếu sự chia sẻ. Nhớ ai đó đã nói “yêu một tác phẩm nghệ thuật ta muốn chia cái đẹp ấy cho nhiều người…”. Nấu nướng cũng là nghệ thuật mà anh. Chị Diệu nói chừng nào về?

-Còn mệnh đề thứ hai sao em không nói hết? “Còn khi yêu một người ta chỉ muốn giữ người đó cho riêng mình”.

-Thôi đi. Em hỏi chị Diệu chừng nào về?

-Anh đâu rõ, khoảng trên dưới một tháng nữa, là anh đoán vậy, không hỏi. Cứ để bà ấy thoải mái. Hỏi chỉ tổ làm bồn chồn.

-Nhưng gì đi nữa, trong lúc chị đi vắng thì anh cũng phải cố gắng ăn uống tử tế, đừng có suốt tuần mì tôm với cơm hộp với bia rượu. Em chỉ nhắc chừng vậy, anh biết phải làm gì mà, phải không? Bữa lên nhà, em liếc thấy trong giỏ rác toàn vỏ mì, trong khi đồ ăn trong tủ thì chất đầy. Tự dưng em cảm thấy buồn buồn. Đàn ông các anh mười người thì có đến mười một người y như nhau khi vợ đi vắng dài ngày: Trường kỳ kháng chiến với mì tôm, lại ôm bia rượu làm bằng hữu chi giao nữa. Chẳng bổ béo gì mà thêm bệnh.

-Anh biết, đâu phải con nít. Anh chưa bỏ bữa ngày nào. Cuối tuần còn được vợ chồng cô em đánh xe lên tận nơi, chở xuống bồi dưỡng như ông hoàng ấy chứ. Em đừng lo lắng vẩn vơ, mệt trí. Anh nghĩ, em để đầu óc thanh thản sẽ tốt hơn ba cái vụ ăn uống quăn queo này.

-Xem ra anh thừa thông minh, nhưng rất kém hiểu biết về y học phổ thông trong vấn đề dinh dưỡng!

-Phải, cái gì cũng biết hết thì đi giành với thiên hạ làm thiên tài sao. Anh thấy thời đại bây giờ chẳng cần phải biết một thứ gì, hiểu một tí gì nhưng khi được đặt lên ghế thì mọi chuyện đều trơn tru.

-Lại xiên xẹo.

-Thôi, đừng có lo lắng vớ vẩn nữa, được không?

-Không. Không lo cho ai cả, nhưng vẫn phải dòm chừng.

-Là em nói ra đó nhé, không tin thì chạy xe lên kiểm tra ngay coi anh nói có đúng không?

-Đừng giỡn anh, tới vào giờ này để thiên hạ xé xác em sao?

-Anh không xé em thì ai dám vào xé cơ chứ?

-Đừng đùa dai, mà bạn anh tới chơi nhà hay sao nghe nói chuyện như bắp nổ vậy?

-Mấy người ngồi trên truyền hình nói chuyện gì đó, anh không rõ, đâu có nghe họ nói gì!

-Thôi, anh xem TV đi, em đi tắm đây.

-Bonne nuit!

-Au revoir!

Màn hình điện thoại sáng lên màu mây trắng, trôi bềnh bồng vài giây rồi tắt ngấm. Anh bỏ máy xuống bàn, ngẩn ngơ về cuộc nói chuyện vừa chấm dứt, có vẻ như một màn kịch ngắn đang tới hồi cao trào thì bị sự cố mất điện. Và, rồi trong đầu anh lập tức vòng vèo tưởng tượng dài ngắn: Bắt đầu là cô em mở nụ cười đắc thắng, đủng đỉnh bước vào phòng tắm, cửa khóa trái, tiếng nước chảy ào ào, mát mẻ. Anh tự cười với bản mặt hụt trân của mình. Đúng rồi, nước sẽ xoa mềm và xối trôi tất cả, anh tự nhủ thầm khi quay ra, bỏ mặc kệ đám người bé xíu đang lao xao trên màn hình, vác ghế ra sân ngồi nhìn vườn cây nhập nhoạng trong ánh điện, cao thấp, vung vẩy cành lá theo cơn gió nhẹ mỗi khi tràn tới. Bóng tối và ánh sáng trộn lẫn khiến những lùm bụi như những hình nhân đang chạy nhảy lẫn cẫn, duỗi dài trên mặt đất.

Điện thoại lại reo. Chùng chình một lúc mới đứng dậy, bước lên bậc cấp, bụng dạ hoang mang. Anh không mong Phương đã tắm xong và lại nhớ tới chuyện mì tôm, bia rượu để tra gạn lần cuối trước khi ngồi vào bàn trang điểm.

Đúng. Không phải cô em mà là Diệu.

-Anh nghe đây.

-Anh ăn tối chưa?

-Xong tám hoánh rồi. Em khỏe không? Chuyến đi vui vẻ chứ?

-Rất vui và rất khỏe. Chuyến đi thú vị lắm, về em kể cho nghe. Ủa đang nhậu hay sao mà em nghe tiếng ồn?

-Khổ. Một đám trên TV xí xô xí xào gì đó. Nhậu nhẹt gì đâu.

-Anh dùng hết thực phẩm trong tủ chưa? Để em gọi Nhi nó mua mang về.

-Cũng sắp hết, đừng gọi. Để coi thích món gì anh bảo nó mua. Có những món anh không biết phải nấu thế nào. Mà đoàn của em lên chùa gì đó trên núi Tà Cú chưa?

-Chưa anh. Đang ở khách sạn. Mấy bà bạn đang dạo phố, dòm coi sông Cà Ty có đẹp như trong thơ anh Hoài Khanh không. Em định bụng qua thắp nhang cho anh Tư Đình.

-Phải đấy. Gọi xe sang thắp cho anh ấy cây nhang. Dẫu gì cũng chỗ bạn bè thân thiết một thời.

– Dạ, em đi ngay. Mà này, đoàn sẽ đi miền Tây khoảng một tuần. Lượt về Sài Gòn, em ghé nhà các con chơi với chúng chừng nửa tháng, sau đó ra Vũng Tàu với con Trang bạn em. Anh biết nó mà, Trang dạy Vạn Vật ở Đồng Sơn đấy. Dễ chừng gần hai chục năm không gặp nhau. Chắc cũng mất một tuần nữa nó mới thả ra, rồi quay về Mỹ Tho thăm nhà, coi phụ với mấy anh làm mộ cho ba má. Hồi sáng Út Hiền kêu chị Năm phải lên nhà nó chơi một tháng, chị em ruột thịt gì mà ba bốn năm trời không thấy mặt nhau… Anh thấy đó, không đi thì thôi, hễ bước chân ra khỏi nhà thì chỗ này ới, chỗ kia gọi, sao bỏ được, anh!

-Ừ, em cứ thoái mái đi. Nhưng đừng có kiểu: “Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt. Nghe tiếng cơm sôi chợt nhớ nhà” đó nghe. Anh nhắc lại, cứ rong chơi thoải mái, đừng bận tâm về anh.

-Nhưng em lo.

-Lo với lắng, anh đâu phải trẻ con để trông chừng vấp ngã.

-Anh sẽ vấp cái khác. Mà mấy tuần nay Phương có lên không. Em gửi anh cho nó nhắc chừng chuyện sinh hoạt đó.

-Cảm ơn bà vợ tốt bụng. Anh đi tắm đây.

Anh tự động tắt máy. Quanh đi quẩn lại cũng ngần ấy chuyện. Đúng là đàn bà – anh lẩm bẩm và ngồi phịch xuống ghế đẩu và chợt nhớ đến mấy câu thơ của Sơn khùng: Đàn bà người nào cũng như người nấy/ Nên dặn lòng thôi hãy cố quên Em/ Nhưng đàn bà đâu phải người nào cũng như người nấy/ Nên suốt đời cứ nhớ nhớ quên quên. Diệu đã đi hết một quãng đường dài sướng khổ với anh. Rồi bây giờ lại Phương. Hai người hai thế hệ. Nhưng xem ra họ rất giống nhau. Bởi cả hai đều là đàn bà!

Ngó qua phía hòn non bộ, anh giật thót người khi thấy đôi đũa gác ngang miệng tô còn nằm trơ khấc trên thành bể khiến anh suýt nẩy bật lên kiểu điện giật, vì chứng cứ nói dối ngọt lừ vừa rồi vẫn đang phơi ì ra đấy, trần truồng. Xét về mối quan hệ thì giữa tô mì đã sạch nhẵn, thêm đôi đũa gác ngang vẻ thỏa mãn, đắc chí một cách đáng ghét… là hiện thực chua lòm so với canh chua cá lóc, sườn ram, rau xào do những bày đặt từ ngóc ngách sâu hoắm của sự tưởng tượng “phong phú”… Giữa chúng, hình như không họ hàng thân thích gì với nhau trong đời sống, chí ít là trước và sau khi có cú điện thoại tra vấn của cô em, nhưng rồi cái không tồn tại vẫn thắng cái đang “ngồi” thù lù ở thành bể kia, mà từ một khoảng cách xa, không có sự kiểm chứng thì nó giống như tên tội phạm đã thoát khỏi lưới luật pháp. Nó lại còn ngang nhiên có mặt trong lời thoại như sự che giấu cho tội phạm một cách quang minh. Cuộc nói dối trơn chùi đã làm cho Phương và ngay đến Diệu cũng tin rằng anh là người rất thật thà, ngay thẳng.

2. Trên cồn cát

Quán Romance nằm cuối con đường dẫn từ đầu thành phố xuống giáp biển, trên một cồn cát cao, dân địa phương vẫn quen gọi quán Cồn Cát thay cho Romance. Phía trước mặt là một rừng dương xanh ngút, chắn những đụn cát cao chỉ chực có cơ hội là sóng biển xô bổ vào.

Anh và Diệu và Phương thích ngồi ở cái quán này, không phải thức ăn rẻ và ngon gì cho cam. Đơn giản là quán có những phòng ăn nhỏ vừa cho sáu người trên tầng ba. Mọi người vừa ăn vừa có thể nhìn ra màu biển xanh mênh mông ở dưới kia. Diệu chỉ thỉnh thoảng tham gia. Nhưng với Phương thì thường hơn. Bởi cô em cũng tâm trạng, cũng thích ngắm biển xanh và yên lặng lắng nghe tiếng lá dương reo vi vu hòa với sóng đập lao xao lên kè đá.

Tôi đề nghị:

-Tối nay mình đi ăn ở Cồn Cát, em nhé. 7 giờ được không?

-Sớm một chút, 6 giờ đi.

-D`accord! Em sửa soạn, anh tới trước. Nhớ mặc áo màu lá cây. Anh thích.

-Còn nhiều chiếc đẹp hơn.

-Anh thích chiếc này, chiếc lai cua màu lá cây ấy. Nó để lộ vẻ thanh thoát của em từ viền cổ, từ cánh tay trần. Nó sang trọng một cách dân dã như thể em đang ngồi quay tơ vậy. Cánh tay trắng muốt, chiếc cổ trắng muốt, những búp tay thon nổi lên giữa cuộn tơ vàng óng và, chiếc áo xanh làm nền. Nếu em biến chiếc áo ấy như một chiếc yếm thì em sẽ đẹp gấp bội trong mắt anh.

-Khéo tưởng tượng… Bày vẽ.

Quán thưa khách. Còn nhiều dãy bàn trống. Khi dượm chân bước lên cầu thang, chủ quán từ bếp lên chào và nói bữa nay có món cua lột. Tôi nói vâng cua lột. Ba người ăn chứ, chủ quán hỏi. Không, hai. Nhưng để người ta tới đã, coi có thích không. Chủ quán gục gật chiếc mũ trắng trên đầu cùng với câu nói, chúc vui vẻ, ngon miệng. Tôi nói cảm ơn và giơ tay vẫy vẫy.

Căn phòng chúng tôi thích ngồi, may chưa có người. Tôi mở toang các cửa lớn nhỏ. Phụ bàn giúp bật đèn và mở quạt rồi quay sang đặt quyển thực đơn dày cộp lên bàn. Chú đi một mình, phụ bàn hỏi. Không, hai, tôi trả lời, cháu chờ chút xíu nhé, chú sẽ gọi khi bạn đến. Cô bé dạ và quay ra.

Gió từ biển thổi vào, mát rười rợi. Tôi đứng lên tắt quạt và nhìn ra phía biển bắt đầu thẫm lại. Sóng vỗ rì rào và lá dương reo. Có vẻ như Phương có lý khi đưa ra nhận xét, rằng ngồi ở căn phòng này giống như ngồi trên ô riêng, ở nhà hát lớn, dành cho các quý ông quý bà nghe hòa nhạc giao hưởng. Cô nàng thêm, có những lúc em nghe như đó là bản giao hưởng số 5 cung Đô thứ Định Mệnh, đôi khi lại là khúc số 7 cung La trưởng Niềm vui hay các khúc Sonata. Em cảm ơn ông Beethoven thiên tài. Tôi hỏi, có khi nào em nghe giống như khúc Appasionata không? Nàng cười, để lộ chiếc răng khểnh cao ngạo giữa hai hàm răng trắng đều.

Phương bước vào. Nàng đúng là cô Tấm đã tìm thấy chiếc giày. Tôi đứng lên ôm nàng trong giây lát thay lời chào. Phương áp chặt. Cơ hồ như tôi nghe các thớ thịt, mạch máu, chân lông đều nhổm lên chực chảy ra ngoài.

Phương đẩy tôi ra và ngồi xuống, đẩy lọ hoa hồng ra đầu bàn.

-Mình ăn gì, em? – Tôi nói và đẩy quyển thực đơn về phía nàng – Ông chủ kêu có ghẹ, cua lột gì đó, quảng cáo rất ngon.

Phương xoáy vào mắt tôi.

-Anh quên hôm nay là ngày gì rồi sao. Rằm tháng bảy, lễ Vu Lan.

-A, xin lỗi – Tôi kêu lên – Vậy thì rau củ quả cho nó chay tịnh. Nhưng em phải cho anh một ly rượu. Vang Đà Lạt thôi. Đúng một ly.

-Được, một ly thôi nghe.

Khi cô bé phụ bàn bước ra, tôi cầm tay nàng nói bữa nay em đẹp quá. Nàng ngó cành hồng vàng nói, nịnh. Thiệt mà, tôi nói khẽ..

Chúng tôi nhẩn nha ngồi ăn, nói những chuyện không ăn nhập vào đâu, bởi ai cũng chăm chăm về hướng biển, như thể nơi đó đang lưu giữ những riêng tư của mỗi người. Thực tế lúc này. biển sẫm đen. Những cột đèn dọc bãi cát không đủ sáng để nhìn rõ mép nước và bờ cát. Tít tận ngoài xa những ánh đèn câu, giăng kín một khoảng không gian rộng. Hình như mọi chiếc thuyền đều đứng nguyên tại chỗ. Ánh đèn đứng nguyên tại chỗ.

-Em có bao giờ ngồi thuyền ra biển chưa?

-Chưa, em sợ say sóng.

-Em chỉ yêu mỗi dư âm của sóng biển, phải không?

-Cứ mỗi lần ngồi đây, nghe tiếng sóng, tiếng lá dương reo trong khoảng nhập nhoạng sáng tối là em nghĩ ngay đến những khúc giao hưởng cổ điển dành cho dương cầm. Ước gì giũ bỏ hết mọi phiền lụy trần gian và đến một nơi nào đó thật khuất vắng, thanh tịnh…

-Ước mơ bao giờ cũng đẹp và thực tế thì xù xì. Ta chỉ nên tận hưởng mỗi khi có dịp…

-Dạ, thực tế xù xì… – Nàng nói với nụ cười thật buồn bã, với đôi mắt u uẩn xa xăm khiến tôi nhớ ngay mấy câu của Bùi Giáng:

Em có nụ cười buồn buồn môi mọng

Em có làn mi khép lá cây rung

Em có đôi mắt như sầu xanh soi bóng

Hồ gương ơi! Sao sóng lạc vô chừng.

Tiếng lá dương, tiếng sóng trộn lẫn mơ hồ vọng lại. Chúng tôi yên lặng tiếp tục nhìn ra biển. Những quầng sáng nổi bật lên giữa màu đen thẫm. Tất cả đều đứng nguyên, không chuyển động. Đột ngột Phương quay sang tôi.

-Anh biết không, em yêu chị Diệu vô cùng, bởi chị đối xử với em như ruột thịt. Khi nào em bằng tuổi chị ấy, chắc chắn em sẽ đi theo con đường chị đang đi. Em thấy chị thanh thản, cởi bỏ. Ước chi lúc này em được phần mười của chị.

Tôi loay hoay, lúng túng không biết phải trả lời sao. Nhưng thực tế, chí ít là trong khoảng thời gian dài, cả ba chúng tôi đã gắn chặt vào nhau như kiếp tiền định. Những khi chúng tôi ngồi chung bàn ở căn phòng này, hình như ai cũng đọc được những ý nghĩ của người kia, bởi chúng tôi đều có những bất hạnh riêng. Cả ba đều hiểu nhau và cùng chia sẻ… Tận đáy lòng họ cũng run rẩy leng keng niềm hy vọng, lục cục nỗi thất vọng ê hề của số phận…

Trong ánh mắt của Diệu khi nhìn tôi và Phương, nàng như muốn nói: Anh đau khổ và mệt mỏi quá nhiều bởi những kỳ vọng dành cho thằng út đã sụp đổ, cộng với xã hội bên ngoài làm anh ray rức, tuyệt vọng. Em là vợ, nhưng không giúp được gì cho anh, bởi cả em và anh cùng bất lực, cùng đau đớn đến tột cùng về một niềm tin duy nhất bị đổ vỡ. Em biết ơn anh đã hiểu em, cho em đến với kinh pháp và đã được gội rửa. Còn anh, cả đời bi lụy vì chữ nghĩa, anh bay bổng với những giấc mơ đẹp, rồi bị xô đẩy, rơi đùng xuống đáy vực. Và rồi Phương là chiếc phao, là chiếc thang dây đã kéo anh lên khỏi vũng tối. Em cảm ơn Phương đã thay em làm được điều em không thể, dù cố gắng biết bao. Em tin anh. Đừng làm gì cho Phương buồn, bởi em nó cũng đang mang nỗi đau không kém cựa gì ai…

Phương thì, anh và chị Diệu đã xoa dịu vết nứt trong em như bàn tay êm ái của một bà mẹ yêu thương con hết mực, đồng cảm và chia sẻ cùng em, vực em đứng lên…

Còn tôi khi nhìn vào đáy mắt hai người, những người phụ nữ bao dung, mở lòng… tôi nghĩ nếu có kiếp khác, tôi cũng sẽ đi cùng trời cuối đất để tìm cho ra Diệu, và trái tim tôi sẽ vẫn dành một ngăn lớn cho Phương dẫu biết rằng “tôi không còn trẻ để cầm tay em nữa…”.

-Thôi về anh. Em về coi chừng mấy nhóc học bài.

Tôi đứng lên. Chúng tôi cùng nhìn về phía biển một lúc rồi hôn nhau. Nụ hôn mang theo mùi rau củ quả trong bữa ăn. Nó ngọt ngào và chay tịnh đến vô cùng vô tận.

Nguyễn Lệ Uyên

(tháng 8/2015)

 

 

 

 

©T.Vấn 2015

Bài Mới Nhất
Search