T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không : Đảo chìm (*) niên biên ký truyện

clip_image002

Biển Tím – Tranh : Mai Tâm

Về đến sân bay Nội Bài trong một ngày cận Tết, cụ giáo lẫn đẫn nhòm phố xá đông người qua. Qua một con đường, va vào mắt cụ là mấy bò vàng đang chụm đầu vào nhau. Ắt hẳn là họ “điều nghiên” đám người dân Thái Bình đòi đất cắm dùi sắp biểu tình đâu đây. Cụ nhăn nhúm trong đầu ắt là phải hỏi chú em họ của cụ cho ra nhẽ mới hả dạ. Cho đến ngày về, nói dối phải tội chứ, chứ mỗi lần nom nhòm mấy khuôn mặt bò vàng hơi bị “phản cảm”, cụ cảm thấy sợ thiêu cháy dái. Nhưng ấy là chuyện sau.

Chuyện bây giờ với còn ai trồng khoai đất này, cụ và chú em đều là dân Thái Bình.

Về chú em họ ư! Ừ thì lần mò về giữa năm 54, trong khi cả nhà đang lóng chóng chuyện “ri cư”, thầy bu thằng em dẫn nó từ Thái Lọ lên…tị nạn ở nhà cụ. Loanh quanh mấy tháng đánh bi, đánh đáo, thế mà thân nhau ra phết. Cụ rong ruổi đi, chú em lớ ngớ ở lại. Chuyến về thăm quê dạo nọ, cụ đảo qua gặp…người anh em xã hội chủ nghĩa này, mới ớ chú ta là phó biên tập tờ Nhân Dân. Ra dáng nhà giáo dầy chữ, cụ vén môi hỏi bỡn: “Chú làm gì mà…cây đa cây đề quá thế?”. Thằng em cười lủng lẳng: “Báu gì thưa bác, phó…thì nào có khác gì tủ lạnh chạy đầy đường”. Rồi “đột biến” thằng em đốc chứng hưu non, ngày ngày vật lộn với chữ nghĩa. Cụ gặng hỏi cớ sự gì lạ nhẩy, chú em hâm hâm rằng: “Khó nói lắm bác, để ít nữa em sẽ…kinh qua nhiều hơn”.

Nghe thấy…kinh khiếp. Lu bu rồi hai anh em cũng phớt đời quên tuốt.

Lần này vừa mở cửa chú em ôm lấy cụ…hữu nghị thắm thiết, trà đàm một chập, chú em nó nháo nhác xin kiếu vì đến giờ phải đi gặp người anh em…Ngỡ nó là dân cửu vạn quơ cào “tút” thuốc lá để chiêu đãi cụ. Còn chuyện sơn hà nửa gánh giang sơn một chèo, bộ nó cho chó gặm xương chăng? Đang lầng quầng, nó đưa một xấp giấy và nói, ngồi nhà, cụ cứ chịu khó ngốn hết mớ chữ này là nó về ngay. Hai anh em sẽ nón lá áo tơi ra quán chợ, trơ vơ trên bến nước sông đầy, sầu nghiêng mái quán mưa tong tả..

Xấp giấy dầy tới mười bốn trang có hơn! Dầy khiếp! Chữ nghĩa chú em gì mà nhiều quá thể, mà chuyện khỉ ho cò gáy gì đây chả biết nữa? Vừa mới chong mắt qua mấy hàng chữ nhún nhín, cụ chớ phở ra ngay vì cái thằng viết lách gì cứ như niên biên ký sự mà cụ thì chúa ghét với niên đại, niên kỷ. Chả nhẽ ngồi không búng ghét đuổi ruồi, thế nên cụ đành bấm bụng tụng như…tụng kinh và đợi chú em về để chén rượu men lành, lạnh ngón tay, ôn lại những ngày mưa gió cũ.

 

***

Giời ạ…Ngay trang đầu: Chú em cụ đã…động não động tình thế này đây:

“…Năm 1958, ông Đồng là thủ tướng lâu đời nhất thế giới, ông ngồi lỳ ở chức vụ đến nỗi ông Giầu (Trần Văn Giầu) người ít làm mất lòng ai cũng phải mai mỉa: Cái đít nó biết nhớ cái ghế. Chuyện là ông đã công nhận chủ quyền Trung Quốc trên quần đảo Hòang Sa, Trường Sa bằng vào văn kiện ngày 14 tháng 9:…sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc…

Rõ ra văn bản trên thì cụ biết từ đời tám hóanh nào rồi. Nói cho ngay, hồi ấy cụ đọc mà chẳng…tiếp thu cho mấy với 12 hải lý ven biển có là bao, trong khi Hòang Sa, Trường Sa nằm xa tít mù khơi. Cớ sự gì cái nhà ông thủ tướng gửi cái công hàm thừa thãi đến ngớ ngẩn ấy. Nhưng qua mấy hàng dưới cụ mới ăn vẹt ở mòn được thêm:

Theo công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển năm 1978, vùng xung quanh 12 hải lý là thuộc chủ quyên của nước đó, kể cả tài nguyên dưới đáy biển hay vùng trời phía trên. Cũng trong 12 hải lý này, có một hòn đảo, lại tích lũy thêm 12 hải lý nữa. Nếu trong vòng chủ quyền có một mỏm đá hay một mảng san hô nhô lên khỏi mặt biển, dù nhỏ đến đâu thì cũng có độc quyền khai thác tài nguyên một vùng biển 200 hải lý quanh đó.

Nhờ bài viết của chú em, cụ mới bòn mót thêm ra rằng sau 24 năm. Tức là từ năm 1954 có những chan tương đổ mẻ của các quốc gia liên đới: Như năm 1978, khi không nước Brunei nhận vơ sở hữu 2 mỏm đá bé tẻo teo ở cực nam Trường Sa là thuộc thềm lục địa của họ. Hai mỏm đá này chỉ…nhú lên khi thủy triều…xuống. Nay cụ mới thông hanh, những…hòn đá nối tiếp nhau trồi lên khỏi mặt biển trong vùng Hòang Sa cách Hải Nam 67 hải lý và Đà Nẵng 63 hải lý thì đúng là mỡ để trước miệng mèo. Vì thế Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trước Liên Hiệp Quốc 24 năm ắt hẳn là có “sự cố”.

Cụ giáo lật trang kế tụng tiếp với…biến cố:

10 giờ sáng ngày 19-1-1974 hải quân của chính phủ miền Nam khai hỏa vì Trung Quôc mang tầu chiến tới chiếm Hòang Sa. Về phía ta, ông đại tá trợ lý trưởng phái đòan quân sự bốn bên đang họp với họ trong Camp Davis ở Tân Sơn Nhất. Ông tiếp cận được là Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm đảo này với tổn thất của Ngụy quyền miền Nam có 58 thủy binh hy sinh, với đầy đủ chi tiết danh tính, danh hiệu như sau:

Hộ tống hạm Nhật Tảo HQ10 bị trúng đạn và chìm, Hạm trưởng Thiếu tá Ngụy Văn Thà ở lại chết theo tàu với 24 thủy binh hy sinh và 26 mất tích. Khu trục hạm Trần Khánh Dư của Trung tá Vũ Hữu San bị hư hại, 2 thủy binh hy sinh. Tuần dương hạm Trần Bình Trọng của Trung tá Phạm Trọng Quỳnh bị hư hại nhẹ, 2 người nhái hy sinh. Tuần dương hạm Lý Thường Kiệt bị trúng đạn, 15 thủy binh được coi là mất tích.

Là bộ đội chính quy, ông đại tá bị kích động nên điện bản tin về cho bạn ông trong Bộ ngọai giao tham khảo có nên chính thức lên tiếng hổ trợ tinh thần chính phủ miền Nam hay không? Ông được trả lời: “Các anh lớn đang hội ý. Anh đừng đột xuất tự biên tự diễn. Đợi…”. Mươi ngày sau ông nhận mật điện khác của bộ chính trị, lời lẽ khác hẳn: “Đồng chí có ngu thì cũng ngu vừa phải thôi còn để cho người khác ngu với chứ”.

Trong Nhật Ký Trần Quỳnh, cựu tùy viên của ông Duẩn (tổng bí thư) kể lại:

“…Ngay sau khi Trung quốc chiếm Hòang Sa, Thủ tướng Phạm văn Đồng dẫn một phái đòan sang Trung quốc xin viện trợ gồm có Nguyễn Duy Trinh và tôi. Phái đòan đi nhờ một máy bay của họ. Trung Quốc đã dàn xếp để tờ Nhân Dân Nhật Báo ngày hôm đó đăng bài ca tụng chiến thắng Hòang Sa của họ và cố ý để tờ báo này trên máy bay cho phái đòan ta đọc. Hôm sau gần đến giờ hai bên gặp nhau, Chu Ân Lai thông báo cho phái đòan ta biết là ông ta hõan cuộc tiếp kiến một giờ đồng hồ và khuyến cáo phái đòan ta trong khi chờ đợi nên xem truyền hình…Trong một giờ để phái đòan ta ngồi chờ đó, truyền hình Trung Quốc chiếu cảnh một cô gái ngâm thơ ca tụng chiến thắng Hòang Sa của họ. Chương trình đặc biệt này được thực hiện không phải để cho gần một tỷ khán gỉa Trung Quốc mà chỉ để dành riêng cho gần chục người của phái đòan ta. Nhất là cho Thủ tướng Phạm văn Đồng xem. Dù vậy, trong buổi họp chính thức với Trung Quốc chiều hôm đó, phái đòan ta không một ai dám đả động đến vấn đề này…”.

Ngừng lại một chút cụ đờ ra vì với ông Phạm Văn Đồng này cũng ấm ớ lắm chứ chẳng chơi. Thảng như năm 54 ký hiệp định chia đôi đất nước ở Vĩ tuyến 17 tại sông Bến Hải. Sau này, ông thư ký trong đoàn đàm phán Hiệp định Genève tiết lộ: “Về sau Phạm Văn Đồng thừa nhận, khi Chu Ân Lai nói sông Bến Hải sẽ được lấy làm giới tuyến. Ông Phạm Văn Đồng không biết là Việt Nam có con sông ấy”.

Cụ hong hanh nhớ ra ông đại tá trong Camp Davis ở Tân Sơn Nhất bị mắng là đồng chí có ngu thì cũng ngu vừa phải thôi…thì cũng…tốt thôi vì ông ta đâu có hay rằng:

Ngày 4-4-72, khi quân đội miền Bắc tấn công Quảng Trị, người Mỹ cần áp lực từ Bắc Kinh với Hà Nội. Kissinger đã phái Winston Lord tới New York gặp Hoàng Hoa, đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc để trao một “bức điện miệng” nhắn Chu Ân Lai: Hải quân Mỹ sẽ được lệnh ở lại tại khoảng cách mười hai dặm kể từ quần đảo Hoàng Sa.

 

Cứ theo cụ vơ bèo vạt tép thì cũng từ năm 1973, ông Lê Duẩn kể với bà vợ Nguyễn Thị Nga, khi đang giỗ giấc ngủ trưa và ông gối đầu lên đùi bà để bà nhổ tóc bạc:

“Khi Nixon thương lượng với Trung Quốc, nó đưa điều kiện nếu Trung Quốc để cho Mỹ ném bom B52 ra miền Bắc thì Mỹ sẽ nhường hòn đảo Hoàng Sa cho Trung Quốc.

Trước kia Trung Quốc có hứa với mình nếu Mỹ đánh miền Bắc thì Trung Quốc sẽ can thiệp. Nhưng sau chuyến đi của Nixon, Trung Quốc tuyên bố: Mi không đụng đến ta, ta không đụng đến mi. Tiếp đến, Mỹ cho máy bay B52, F111A bắn phá liên tục 12 ngày ở Hà Nội, Hải Phòng và đê điều miền Bắc. Sau đó, Chu Ân Lai gặp anh (Lê Duẩn) ở Hồ Tây. Ông ta đi dưới bậc thang lên đưa tay, anh không bắt. Anh nói: “Các đồng chí đã bán đứng chúng tôi. Các đồng chí đã lấy xương máu chúng tôi để trả gía Mỹ. Chúng tôi biết nhưng chúng tôi không sợ, chúng tôi sẽ đánh đến cùng”.

Khi tiễn đưa Chu Ân Lai, thay vì ra tận chân cầu thang máy bay, Lê Duẩn đã dừng lại ở ngay cửa nhà ga sân bay Gia Lâm. Các quan chức VN tất nhiên cũng phải đứng lại. Phái đòan Trung Quốc và Chu Ân Lai gần như lủi thủi bước lên máy bay đi về. Sau chuyến đi này, Trung Quốc bắt đầu “kiếm chuyện” trên vùng biên giới và mặt biển.

 

***

Ủa! Kiếm chuyện gì nữa đây? Thế là cái đầu cụ giáo được thể cứ rối inh cả lên:

Năm 75, sau cuộc chiến thắng miền Nam, về đối ngọai đã bộc lộ nhiều rạn nứt trong khối Cộng Sản vì Khrushchev chủ trương xét lại. Tháng 9 ông Duẩn và ông Nghị (Lê Thành Nghị) lại sang Trung Quốc “xin” viện trợ. Trung Quốc sau khi kết thân được với Mỹ nên coi Nga Xô là kẻ thù số 1. Buổi tiếp tân Đặng Tiểu Bình khuyến cáo ông Duẩn nên đứng hẳn về phía họ. Trong phần đáp từ ông Duẩn đi giây bằng cách cám ơn cả hai nước đã giúp VN chống Mỹ. Kết quả là Đặng Tiểu Bình hủy bỏ cuộc liên hoan. Chỉ tội nghiệp cho ông Nghị, trước đó ít lâu đã bị Mao Trạch Đông cóc cáy: Tên ăn mày, lúc nào cũng ngửa bát đòi đòi xin thêm.

20-12-1976 ông Duẩn chính thức thay ông Hồ, từ bí thư thứ nhất cải danh là “tổng” bí thư, quyền hạn như “tổng thống” phía tư bản và nghiêng về phía Nga Xô. Năm 1977, ông Duẩn trở lại Trung Quốc một lần nữa và…xuống giọng với Hoa Quốc Phong: Chúng tôi như những đứa em nhỏ, luôn luôn sát cánh bên những người anh. Cuộc đàm phán mặc dù để nối lại bang giao và xin viện trợ, nhưng Trung Quốc chỉ muốn nói đến vùng biển Trường Sa, VN muốn thêm vào Hòang Sa. Hai bên thỏa thuận bằng cách không nhắc tới một phân giới đặc biệt nào, mỗi bên tùy tiện suy diễn theo cách riêng của mình. Chung cuộc vẫn chẳng đạt được kết quả gì, giống như kỳ trước lại về tay không.

Đến đây, cụ nổi trôi với Hòang Sa bị chiếm vì người Mỹ lúc ấy đã rút ra, với chiến thuật tầm ăn dâu trước sau cũng đến Trường Sa như họ khơi ra ở trên. Nhưng vì sao phải đợi đến năm 1988?. Cụ lan man đọc tiếp thì hóa ra cớ sự gì cũng có đầu có đũa:

1-11-1978 ông Duẩn, ông Đồng dẫn đầu phái đòan chính phủ sang Mạc Tư Khoa để cùng ký bản hiệp ước hợp tác và hữu nghị. Theo đó hai nước liên minh với nhau về kinh tế và quân sự. Điều 6 của hiệp ước này là nếu một trong hai nuớc bị tấn công, nước kia sẽ dùng biện pháp quân sự thích nghi để đối phó. VN cho Nga Xô sử dụng hải cảng Cam Ranh để đối đầu với Hạm đội 7 của Mỹ. Ngay cả có thể dùng Đà Nẵng làm đầu cầu quân sự mong kềm chế Trung Quốc tòan vùng nam Thái Bình Dương. Nga Xô mang vào Cam Ranh 25 chiến hạm kể cả tầu ngầm cùng 16 oanh tạc cơ Badger, một phi đội Mig 23 và phi cơ quan sát tầm xa. Về nước ông Duẩn làm hai việc cần kíp là dựng tượng Lê Nin hòanh tráng cao cả chục thước và sửa đổi hiến pháp với trang đầu ghi: “Trung Quốc là kẻ thù lâu đời và nguy hiểm nhất”. Trước kia ông Duẩn khúm núm làm đàn em họ Hoa không được thì chuyến này, cũng qua Nhật Ký Trần Quỳnh: Nhờ cúi đầu rạp xuống chào Brezhnew 2 lần, nên được viện trợ gần 2 tỷ rúp.

Năm 1982 Brezhev chết, đánh dấu sự suy sụp tòan diện kinh tế theo cùng hai lãnh tụ kế tiếp qúa già và bệnh tật. Người kế vị là Gorbachev phát động cởi mở với Mỹ, Trung Quốc và tái cấu trúc kinh tế. Nhân lúc Nga Xô đang lúng túng, Trung Quốc bắt đầu lấn áp với mộng bá quyền, họ đánh chiếm núi Faka, rồi tới Núi Đất mà họ gọi là núi Lão Sơn là của họ. Từ năm 1982 tới 1985, Mỹ sửa sọan rút ra khỏi căn cứ quân sự ở Phi Luật Tân, đồng thời phối hợp giữa kinh tế và quân sự, ngòai lý do dầu hỏa, Trung Quốc tiến hành kế họach lâu dài trên mặt biển được gọi là Viễn dương phòng vệ (Jinyang Funwu) do Tư lệnh hải quân Lưu Hòa Thanh (Liu Huaquin) thiết lập. Trong đó giai đọan thứ nhất chiếm Trường Sa lập tuyến vòng đai ngăn chặn Mỹ từ Đại Hàn xuống Phi Luật Tân, Đài Loan. Giai đọan thứ hai sẽ nới rộng tới Nhật Bản và Úc.

Giời ạ! Tới tao đoạn này, chú em ăn mắm ngắm về sau như thế này đây:

Năm 1986 ông Duẩn bị bệnh nặng, ông Thọ (Lê Đức Thọ) là bạn thân. Họ thân đến độ ông Duẩn cùng ông Thọ trong chuyến công tác từ Đồng Tháp Mười xuống Cần Thơ thấy bà Nguyễn Thụy Nga trẻ đẹp, mặc dù bà đang có người yêu, Lê Duẩn cũng đang có vợ là bà Lê Thị Sương. Lê Duẩn nhờ Lê Đức Thọ làm “ông mai”, ông Thọ nói với bà Nga: “Anh Ba muốn hỏi chị làm vợ”. Từ đấy bà Nga là vợ hai ông Duẩn.

Ông Thọ tới bệnh viện đòi ông Duẩn viết “chúc thư” để chức tổng bí thư cho ông ta nhưng ông Duẩn không chịu. Ông Thọ tìm chỗ dựa nên tìm ông Linh (Nguyễn Văn Linh) nói: “Kỳ đại hội này tôi sẽ sắp xếp để cho đồng chí làm tổng bí thư”. Theo cuốn Làm người đã khó, làm người xã hội chủ nghĩa còn khó ơn của Đòan Duy Thành tiết lộ thì sau khi ông Duẩn chết, các con ông Duẩn biết ông Thọ nham hiểm và sợ sẽ bị thanh tóan nên phải bỏ trốn. Việc ông Duẩn không cất nhắc ông Thọ, cũng theo ông Thành, có thể chỉ vì chuyện bà Hồ Thị Nghĩa là bác sĩ. Bà vừa là người tình của ông Duẩn, cũng vừa là người chăm lo ông Duẩn ở bệnh viện. Ông Thọ tới đây thăm ông Duẩn lắm bận tìm cớ…“đụng chạm thân mật” với bà Nghĩa nên từ đó mới thành chuyện. Chuyện là theo bà Lê Thị Muội, con gái ông Lê Duẩn, sau này cứ thấy ông Lê Đức Thọ đến thăm bố bà ở biệt thự số 7 Hồ Tây là ông Lê Duẩn lại “phẩy tay đuổi đi”.

Ông Lê Duẩn qua đời, người kế nhiệm là Trường Chinh do ông Duẩn chỉ định. Sau đấy Trường Chinh bị ông Thọ ép từ chức và đưa ông Linh lên làm tổng bí thư.

***

Nhòm xuống mấy hàng dưới chả thấy gì? Cụ giáo mặt thuỗn ra: Ủa! Có một chuyện sao chú em không đưa vào đây? Thôi thì để lát nữa vê, cụ sẽ kể cho chú em nghe.

Chuyện lúc đầu người Lê Duẩn chọn là Tố Hữu, nhưng ông thi sĩ kiêm kinh tế gia vì vụ “in tiền” để tránh lạm phát ở miền Nam thất bại mà mất chức. Cùng mất chức với Tố Hữu có tướng Võ Nguyên Giáp. Thêm chuyện nữa là trong lúc ông Thọ đang lo chuẩn bị nhân sự cho Đại hội bầu tổng bí thư. Tướng Lê Trọng Tấn là cánh tay mặt của tướng Giáp, người lẽ ra sẽ giữ chức Tổng trưởng quốc phòng sau đại hội này. Sau buổi họp, tướng Tấn đến thẳng nhà ông Thọ số 6 Nguyễn Cảnh Chân để bàn bạc thêm.

Chả hiểu bàn bạc vặt vãnh gì mà về đến nhà, bỗng nhiên tướng Tấn gục xuống bàn. Bạn bè tướng lãnh chạy tới, trong đó có tướng Giáp. Một ông tướng rất gần gũi với ông Thọ, hỏi: “Tấn ơi, đứa nào hại mày?”. Tướng Tấn được đưa vào bệnh viện thì mất.

Sau đến lượt tướng Hoàng Văn Thái, lịch sử phi chính thống xếp những cái chết này là “nghi án”. Vì khi tướng Tấn mất, ông Thọ là người phụ trách Ban bảo vệ sứ khỏe trung ương. Cơ quan quyết định tới từng viên thuốc cho các nhà lãnh đạo.

Chả hiểu nghĩ sao cụ không dậu đổ bìm leo nữa, vì chuyện óc eo trên thể nào chú em chả hay biết nên được xem như không…có. Và cụ lại lót đót theo niên biên ký sự…

Ông Nguyễn Văn Linh bay qua Nga Xô nhận chỉ thị: “Không đổi mới thì chết” của Gorbachev là bắt tay với tư bản và hòa hõan với Trung Quốc. Tháng 7-1987 ông Linh ra nghị quyết số 2 gồm hai đề mục: Mục 1 rút câu Trung Quốc là kẻ thù ra khỏi trang đầu của hiến pháp. Mục 2 là sau vụ núi Faka và Núi Đất, tránh đụng chạm với quân đội Trung Quốc ở vùng biên giới và ở ngòai biển Đông.

Ấy vậy mà nghị quyết chưa khô mực, cứ theo chú em thao tác thì:

Ngày 14-2-1988, Trung Quốc đưa 2 hạm đội với 4 tàu chiến tới Trường Sa. Ngày 15-4-1988, tàu HQ 505, HQ 604, HQ 605, và HQ 701 của ta tới đảo chìm Đá Lớn, Cô Lin, Len Đao và Gạc Ma. Sáng 14-3-1988 tiến đến gần đảo Gác Ma.

Sáng hôm ấy, một tổ 3 người trên tàu HQ 605 được lệnh Trung tá Trần Hữu Thông cử lên đảo Gạc Ma bảo vệ quốc kỳ. Hải quân Trung Quốc thả 3 thuyền nhôm và 40 quân đổ bộ lên đảo. Trước đó không ai nghĩ Trung Quốc sẽ bắn.

Trung Quốc bắn chết Thiếu úy Nguyễn Văn Phương và chiến sĩ Nguyễn Văn Tư, đâm trọng thương Hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh. Từ chiến hạm của mình, Trung Quốc bắn pháo 100mm làm chìm tàu HQ 604, Đại úy thuyền trưởng Nguyễn Phi Trứ và nhiều sĩ quan, chiến sĩ đã hy sinh. Thuyền trưởng Vũ Huy Lễ HQ 505 cho ủi bãi lên đảo Cô Lin nhưng bị bắn chìm. Cùng ngày tàu HQ 605 cũng bị tàu Trung Quốc bắn ở đảo Len Đao.

Thủy thủ đoàn bơi về đảo Sinh Tồn. Các chiến sĩ hải quân chỉ được trang bị súng AK, nhưng khi lên đảo họ cất súng vào kho vì trước đó không ai nghĩ Trung Quốc sẽ bắn. Trung Quốc đã bắn như vãi đạn vào những người lính đang đứng giữa đảo, trong tay không một tấc sắt.

Hải quân chịu tổn thất: 3 tàu bị cháy, 64 sĩ quan, chiến sĩ hy sinh, 11 người bị thương. Nhưng chủ quyền tại các đảo Cô Lin và Len Đao đã đuợc bảo vệ. Trung Quốc chiếm đảo Gạc Ma. Riêng tàu HQ 701 không bị thiệt hại vì đã được lệnh lao thẳng cắm đầu vào đảo chìm Đá Lớn, lấy cả con tàu làm bia chủ quyền.

Đến nước nôi này, cụ giáo phát hiện ra đoạn viết đầy ấn tượng của chú em:

Không quân VN cũng có tham dự, có viên trung úy nằm vùng Nguyễn Thành Trung nay là đại tá. Trong khi ấy cùng 2 Mig của Trung Quốc đang bay thị uy trên trời, vì không đủ xăng, máy bay cả hai bên chỉ ở lại hai, ba phút rồi bay về. Vậy mà không một phản ứng quốc tế nào, kể cả Nga Xô với điều 6 của bản thỏa ước liên minh quân sự với VN.

Từ nhóm đảo này, Trung Quốc dần dần chiếm thêm những hòn đảo nhỏ khác. Để từ đó có thêm những vùng EEZ 200 hải lý chung quanh để thăm dò dầu hỏa…

Thêm nữa: Trong trận Hoàng Sa, Phó Đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại cho hay Đệ Thất Hạm đội của người Mỹ ở gần đấy nhưng án binh bất động, ngay cả không cứu vớt 15 hải quân VN bị đắm tàu của tuần dương hạm Lý Thường Kiệt.

***

Nhà chú em nóng như luộc, ngồi buồn sưng cả đít. Vậy mà mắt cụ cứ dính vào chữ vì làm như chú em chòn lỏn chuyện này sọ qua chuyện kia với niên biên ký sự…

Sau năm 1964 Trung Quốc đánh chiếm núi Faka, Núi Đất là để thăm dò, để sửa soạn những trận chiến sau này. Cuối năm 1977, trong một lần ông Duẩn thăm Cần Giờ bằnh tàu quân sự, được hỏi về tình hình biên giới Việt Miên, ông trả lời các nhà báo: “Chúng tôi đau đầu lắm, ngủ không được vì chúng ta đánh Miên, Trung Quốc đánh ta thôi”. Ngày 29-1-1979, Đặng Tiểu Bình đến Washington thông báo với Tổng thống Carter “mức độ giới hạn” của cuộc tấn công. Trong cuộc họp riêng giữa hai người, Carter cho họ Đặng hay là cuộc tấn công không ảnh hưởng đến bang giao của hai nước. Ngày 17-2-1979, Trung Quốc nổ súng trên toàn vùng biên giới, đánh chiếm từ Lai Châu, Phong Thổ, Đồng Đăng, Lạng Sơn cho tới địa đầu Móng Cái.

Tiếp, chú em tháo động những diễn biến với niên đại, niên kỷ…

Đặng Tiểu Bình vừa mới chỉ được phục hồi chức vụ phó thủ tướng là đã sửa soạn đánh chiếm Hoàng Sa. Tháng 1-1974 Hoàng Sa bị đánh. Tháng 9-1975, ông Duẩn qua Bắc Kinh xin viện trợ trong cái tâm trạng ngoảnh mặt sang Tề e Sở giận, quay đầu sang Sở sợ Tề ghen. Tuy nhiên ông cũng đã yêu cầu Đặng Tiểu Bình đàm phán vấn đề Hoàng Sa, nhưng đã bị Đặng Tiểu Bình từ chối. Đồng thời vì ông Duẩn không chịu ký thông cáo chung “chống bá quyền Moscow” nên Trung Quốc từ chối viện trợ.

Năm1975, miền Nam đã mất Hoàng Sa, ở trong nước ông Hoàng Tùng là trưởng ban Tư tưởng – Văn hóa đă giải thích rằng: “Các đồng chí Trung Quốc giữ hộ ta đấy thôi, sau này sẽ trả cho ta. Tinh thần quốc tế vô sản ấy mà. Lo gì”.

Ngày 19-1-1974, tướng Võ Nguyên Giáp nghe tin miền Nam mất Hoàng Sa khi ông đang chữa bệnh ở Bắc Kinh. Ngày 9-4-1975 khi nghe tin quân đội miền Nam rút khỏi các đảo ở Trường Sa. Ông trực tiếp ra chỉ thị cho tướng Lê Trọng Tấn:

“Kịp thời đánh chiếm lại các đảo vùng Nam Hải (Hoàng Sa). Đặc biệt là đảo Nam Sa (Trường Sa). Việc này chuẩn vị gấp và bí mật, chỉ để cán bộ có trách nhiệm biết”.

Và nhắc thêm: “Chỉ đánh các đảo quân Ngụy miền Nam đã chiếm đóng trước kia. Tránh đụng tới các đảo ở Hoàng Sa đang ở trong tay Trung Quốc”. Ngày 11-4-1975, Hải quân miền Bắc đã giải phóng Trường Sa.

Đầu óc cụ rỗng rễnh thế nào ấy, bỗng dưng gặp lại hai chữ Trường Sa, cụ ngẫn ngẫn qua một bài viết của một anh lính thú gác đảo trên biển ở trong nước:

“…Trước khi đến xứ Đảo Chìm, tôi muốn mời bạn đọc ghé qua một hòn đảo nổi. Lính Đảo Chìm gọi là Thủ đô Trường Sa. Thủ đô Trường Sa là một hòn đảo rất bé. Nó chỉ là một vũng cát lờ phờ, to chừng cái nong phơi thóc, vừa đủ chỗ để dựng một cái lều bạt dã chiến. Tư lệnh Hải quân Giáp Văn Cương cũng đã đến đây, đã ngủ một đêm trên hòn đảo này trong một chuyến đi tuần biển. Chiều ấy, ngồi bên Tư lệnh trên mặt cát nóng bỏng như rang, mặc dù mặt trời đã lặn xuống biển từ lâu rồi, anh lính trẻ quê xứ

Nghệ coi Tư lệnh như một người đồng đội thân thiết. Anh lắc lắc đầu gối Tư lệnh:
– Bố thấy Vương quốc của chúng con thế nào?
Tư lệnh đưa mắt nhìn suốt rẻo cát trống trơn, rồi lại nhìn cái lều bạt dã chiến cứ hộc lên trong gió tựa hồ một con ngựa bất kham, đang lồng lộn như muốn rứt tung mấy sợi xích sắt căng ghì xuống đảo mà phóng đi cùng bầy gió hoang dã.
– Đẹp! Nhưng khổ nỗi đây lại là Tổ quốc, là đất đai hương hoả của ông cha, thì dù chỉ có đá sỏi gió cát thế này, ta cũng phải canh giữ, một tấc không đi, một ly không rời, dẫu có phải đổi bằng xương máu…
– Vâng, con hiểu! Con hiểu, bố ạ!

Và sáng sớm hôm sau, khi Tư lệnh đánh xuồng trở lại đảo thì thấy anh chàng xứ Nghệ đang cởi trần, sì sụp lặn ngụp cùng với chiếc xẻng. Nhưng anh không xúc cát đổ xuống biển, mà lấy cán xẻng khẽ bẩy từng tảng đá chìm sâu dưới mấy mét nước, rồi lụi cụi khuân lên, đắp quanh chân đảo, giữ cho cát khỏi bay.
– Mày làm cái gì thế mày?
– Dạ, báo cáo bố, con mở mang bờ cõi ạ!

Anh lính cười khục khục, gương mặt nhấp nhoá nước.

– Mà, mà, đúng ra, đúng ra con chỉ “buông neo” cho Tổ quốc khỏi bị trôi đi thôi!…”

***

Và cụ lại quắn đầu với Trường Sa còn đang rối rắm như cuộn chỉ rối của chú em:

25-4-1988, chính phủ miền Bắc đã dựa vào văn kiện của chính phủ miền Nam trước kia qua Ngọai trưởng Trần văn Đỗ công bố chủ quyền đất nước tại Hội Nghị Hòa Bình Thế Giới ở San Francisco từ năm 1951. Trong kháng thư chính phủ VN ghi rõ:

Sau hội nghị, năm 1956 chính quyền Sài Gòn đã tiếp quản Hòang Sa, Trường Sa khi Pháp rút khỏi Đông Dương. Quần đảo Trường Sa có hơn 200 đảo, cồn đất, mỏm đá, san hô, chính quyền miền Nam đã tiếp quản được hơn 30 đảo lớn nhất. Sắc luật hành chánh của chính phủ miền Nam đã đặt Hòang Sa trực thuộc tỉnh Quảng Nam và Trường Sa thuộc tỉnh Phước Tuy và cho binh lính hải quân cũng như truyền tin đóng ở đấy….

 

Quan hệ giữa Mỹ-Nga mỗi ngày một thắm thiết nên Trung Quốc thấy cần phải dễ dãi hơn với VN hơn. Ngay trong ngày quốc khánh 2-9-1990 VN, họ mời ông Linh, ông Mười (thủ tướng Đỗ Mười) sang họp bí mật gấp chuyện thỏa hiệp giữa hai nước kèm theo lời khuyến cáo: Các đồng chí đến đây không nươc nào biết. Chúng tôi cảnh giác các đồng chí vấn đề này….Đặng Tiểu Bình cho mời cả ông Giáp và “cố vấn tối cao” của chính phủ là ông Đồng nữa. Nhưng không có ông Nguyễn Cơ Thạch, người mà Trung Quốc đã đặt ra rìa trong các cuộc tiếp xúc song phương. Tới Bắc Kinh, đồng đẳng với ông Giáp là Bộ trưởng quốc phòng Diệp Kiếm Anh đã không ra sân bay đón. Ông Giáp ngỏ ý muốn gặp Dương Đắc Chí, người chỉ huy trận chiến biên giới Việt-Hoa năm 1979 như một thiện chí hòa giải. Nhưng Dương Đắc Chí từ chối một cách khinh miệt, công khai nói là mồ của binh sĩ chết ở biên giới chưa xanh cỏ, ông ta không thể gặp được những người phản bội. Tướng Giáp gần như đã bị làm nhục trong suốt chuyến đi này.

Người bị mất mặt nhất là ông Đồng, ông tỏ tình hữu nghị “ôm hôn thắm thiết” Phó Thủ tướng Trung Quốc Lý Tiên Niệm, mấy phút sau Lý Tiên Niệm chính thức cáo buộc Hà Nội “lật lọng với Công hàm 1958”. Cũng chẳng giấu giếm, Đặng Tiểu Bình lánh mặt không muốn gặp ông Đồng, cũng không thèm gửi lời giải thích hay chào mừng, ngay cả bằng điện thọai. Lý do từ “bài học” dành cho VN năm 79 không thành công như ý muốn nên họ Đặng vẫn cay đắng, không nhiệt tình ủng hộ việc kết thân với VN. Hơn nữa với cuộc chiến ở biên giới ấy, VN còn chế diễu vóc dáng của Đặng Tiểu Bình bằng câu nói trong những buổi học tập nội bộ: Chính trị Trung Quốc không cao hơn Đặng Tiểu Bình.

Trước khi đi ông “cố vấn tối cao” đồng tình với ông Linh với sự nhượng bộ tối đa. Cả phái đòan hùng hậu chỉ được thứ trưởng ngoại giao tiếp. Nhưng buổi họp ông Đồng chưa kịp lên tiếng thì đã bị họ chỉ trích rằng năm 1958, ông Đồng đã công nhận chủ quyền của họ trên quần đảo đó sao nay lại tiếp quản mấy hòn đảo…”nhỏ” ở Trường Sa?

Ông Đồng trả lời gượng gạo và kết cuộc chẳng đạt được gì khả quan. Về lại bộ chính trị, ông Linh và ông Đồng cãi nhau và ông Linh đổ lỗi cho ông Đồng chính là người ký văn kiện 1958 chấp nhận biên giới lãnh hải của Trung Quốc, ông Đồng bào chữa: Lúc đó thời chiến tranh nên tôi phải nói thế. Và thú nhận là: Mình hớ và dại.

 

Cụ thầm nhủ rằng chuyện…chính trị chính em gì mà cứ như phường tuồng ấy?

Vì “Các đồng chí đến đây không nước nào biết”. Ấy vậy mà khi phái đòan về, còn đang ngồi trên máy bay thì “Chính trị Trung Quốc không cao hơn Đặng Tiểu Bình” đã tung tin phái đòan sang cầu cạnh. Cụ lắc đầu chịu chết hiểu không ra?

Rồi bỗng dưng không đâu cụ hòa niệm đến Lê Chiêu Thống sang Tàu cầu viện. Vua Tàu bắt vua Ta đợi từ giờ ngọ đến giờ dậu. Mồ cha không khóc lại khóc cái ổ mối, cụ…hòai cảm ông Giáp, ông Đồng…ngồi đồng có được họ chiêu đãi cao lương mỹ vị như Tổng thống Nít-Xân chăng? Hay là bị bỏ đói như vua Lê mình thì cũng rõ khổ.

Trong cõi mụ mị, cụ ngậm ngùi nhai văn nhá chữ của chú em tiếp:

Năm ông Mười lên làm tổng bí thư, 15-2-1992 Trung Quốc công bố luật hàng hải của họ bao gồm gần hết biển Đông và đe dọa: Sẽ dùng quân sự để ngăn chặn những vi phạm chủ quyền của Trung Quốc. Cùng với lời công bố, cũng như để dằn mặt, họ cho quân chiếm đảo Ba Đầu trong quần đảo Trường Sa.

Tiếp đến, họ chính thức mạnh mẽ cảnh cáo VN: Không nên làm điều gì gây phương hại cho tình hữu nghị mới tái lập. Ba tháng sau ông Mười sang gặp Giang Trạch Dân tại tòa Nhân Dân Đại Sảnh ở Bắc Kinh. Cũng ngay thời gian đó, lại ngay ở phòng bên cạnh, họ đang ký kết với hãng thầu Crestone của Mỹ khai thác dầu hỏa trong vùng đảo Tu Chính, nơi hai nước đang tranh chấp. Ông Mười không có phản ứng nào về việc này. Trái lại vì “Nhìn nét mặt anh Hai Trung Quốc”, vì “Mặt trời ở xa, Trung Quốc ở gần” nên vẫn thành khẩn cám ơn họ về…những giúp đỡ quý báu trước kia.

27-5-1992, Trung Quốc cắm mốc chủ quyền đảo Đa Lạc trong quần đảo Trường Sa thuộc nước họ. Mặc dù đảo Đa Lạc chỉ là một trong những đảo chìm (*), nhưng hành động lấn át của Trung Quốc gây cuộc tranh luận gắt gao trong bộ ngọai giao, ông Mười lập luận: Vì Trung Quốc cũng là nước xã hội chủ nghĩa, chúng ta cần phải liên kết với họ, nên bỏ qua những xích mích nhỏ nhặt. Ông Cầm (Bộ trưởng ngọai giao Nguyễn Mạnh Cầm) phản đối: Chúng ta nỗ lực duy trì quan hệ với Trung Quốc. Nhưng đồng thời cũng phải bảo vệ chủ quyền và tòan vẹn của lãnh thổ.

***

Lẫn đẫn Đa Lạc là đảo chìm, cụ lại quay quả với bút ký của anh lính thú xứ Nghệ gác đảo trên biển ở trong nước:

– Cậu lính trẻ vỗ vai tôi, nói nhỏ:
– Tới đảo rồi. Anh chuẩn bị vào đảo nhé!
Tôi cuộn vội võng bạt. Rồi thì ớ ra, cứ ngỡ mình nghe nhầm. Tôi đưa mắt lục lọi bốn phía trời, vẫn chẳng thấy gì hết ngoài một đại dương nước đen ngầu, chảy vật vã dưới

vòm mây hoang vu, khô héo. Đảo đâu?
– Kia kìa. Nó đấy! Chính cu cậu đấy!
Cậu lính nói khào khào, rồi vung tay, chỉ lên… lưng chừng giời, ở đó, một đàn chim bay loạn xạ. Dưới bầy chim, biển đen sẫm ánh lên một dải nước xanh rợn như màu lá mạ.

Trên quầng xanh rờn rợn ấy, xập xoè một lều bạt. Cái lều hoang sơ, ngơ ngẩn như lều vịt. Mái lều trũng xuống vì phân chim. Những vệt phân lâu ngày trắng xoá. Đảo đấy! Nó là cái dải nước xanh phơn phớt nằm dưới chân lều bạt. Thế mà trong sách địa lý, người ta lại định nghĩa: Đảo là một khoảng đất nhô lên giữa biển khơi, bốn xung quanh là sóng gió, mây nước. Bịa! Toàn là bịa! Làm gì có chuyện hoang đường như thế, hãy nhìn một sự thật đang lồng lộng hiện ra ở phía trước mặt kia kìa: Đảo chìm.

Lợn đầu cau cuối thì cũng phải quay về xấp giấy của chú em nhuôm nhuôm như thể như thế này đây:

Năm !997, ông Phiêu (Lê Khả Phiêu) thay ông Mười, lại thêm một lần bị Trung Quốc vỗ mặt…Họ đem dàn khoan nổi Kantan cùng hai tầu thăm dò 206 và 208 kéo tới Trường Sa và thành lập trung tâm du lịch trên đảo Đông Hưng ở Hòang Sa. VN phản đối bằng miệng nhưng vô hiệu. Thế nhưng cuộc thương thuyết về biên giới và mặt biển đã được ông Phiêu sọan thảo từ lúc nhậm chức, và không tham khảo với bộ ngọai giao.

Đầu tháng 12-1999 thỏa ươc này thành hình, Bộ trưởng ngọai giao Nguyễn Mạnh Cầm đành miễn cưỡng ký kết tại Hà Nội. Cho đến nay, chính phủ VN không dám công bố công khai, quốc hội mang tiếng là đã thông qua thỏa ước đó, nhưng hầu hết chẳng ai được biết nội dung thỏa ước ấy, ngay cả bản đồ biên giới hai nước vẫn còn che giấu.

Thỏa ước được hòan tất nhờ những nhượng bộ của ông Phiêu, Vì ông hứa với Gianh Trạch Dân sẽ giải quyết vấn đề biên giới trước năm 2000 và mặt biển vào năm 2001. Về biên giới bao gồm 314 cột mốc thì có 142 cột lấn sâu vào lãnh thổ VN.

Còn mặt biển tính theo đường ranh giới Brevié cũ của hiệp ước Pháp-Hoa năm 1887 thì ở vịnh Bắc Việt mất đi hơn 10 ngàn cây số

Lợn rọ chó thui gì chẳng biết nữa, chú em khuềnh khoàng cho biết thêm:

Liền ngay sau đó ông Trần Khuê bị bắt vì phổ biến điện thư trên mạng gửi Giang Trạch Dân để phản đối thỏa ước này. Tiếp là Luật sư Lê Chí Quang với bài tham luận Cảnh giác Trung Quốc và tiết lộ chi tiết việc nhường đất và biển. Rồi đến Nguyễn Vũ Bình bị gán tội gián điệp với bài viết Suy nghĩ về thỏa ước Việt-Trung. Riêng Bùi Minh Quốc lặn lội tới tận ải Nam Quan xem có đúng là cột mốc có bị rời 100 thước hay không thì hóa ra không phải vậy mà thực sự bị rời xuống tới 500 thước. Và cũng bị bắt luôn.

Đại tá Lê Minh Nghĩa, Chủ tịch ủy ban biên giới của VN, phụ trách đàm phán với Trung Quốc tiết lộ: Sau thế chiến thứ II, Trung Quốc luôn luôn muốn bành trướng lãnh thổ của họ. Họ từng bước thực thi chiến lược lấn đất của họ, trừ khi có cuộc đề kháng của ta. Ông trưng ra thác Bản Giốc hòan tòan thuộc VN, theo sách Địa chí Cao Bằng mà nhà xuất bản Chính Trị Quốc Gia năm 2000 ghi rõ thuộc Đàm Thúy, huyện Trùng Khánh. Nhưng đã bị Trung Quốc sát nhập vào đất họ từ năm 1979. Trình về trung ương, ông Phiêu phủi tay: Chuyện cũ rồi. Mà những gì bộ chính trị đúc kết đúng là đúng.

Ông Phiêu có ba cái nhất là lệ thuộc vào Trung Quốc nhất. Nhượng đất đai và mặt biển cho Trung Quốc nhiều nhất. Tổng bí thư cũng ngắn nhất, chỉ có hơn 3 năm. Ông Phiêu bị mang ra bộ chính trị kiểm điểm và bị hạ bệ vì ngòai chuyện cất chức cố vấn của ông Mười, ông Anh. Lại còn đặt máy điện thọai nghe lén 2 ông này. Nhân báo Tiền Phong, tháng 2-2991, cục A25 của công an chuyên ngành báo chí bắt được gián điệp cho Trung Quốc là Phạm Văn Dũng và hai nữ đồng bọn. Ngay sau đó ông Mười cho phổ biến bản báo cáo ông Phiêu có tình nhân là Đặng Diệu Hà, nay đang giao lưu với cô em tên Đặng thị Thu Hà và bạn cô này Vũ thị Dung. Cả hai nữ đồng bọn vừa bị bắt vì hoạt động cho…”ngọai quốc”. Xong chuyện, ông Mười xoa tay: Nó đá tao, tao đá nó.

 

***

Nhiệm kỳ ông Mạnh (Nông Đức Mạnh) làm tổng bí thư, ông Dũng (Nguyễn Tấn Dũng) làm thủ tướng, như thông lệ giống mấy lần trước ông Mạnh qua thăm Trung Quốc để nhận khuyến cáo và cũng để họ mượn dịp biểu dương thực tế.

Và ông Mạnh gọi đó là “Một chuyến đi lịch sử”.

Chuyện lịch sử là sau khi phê chuẩn hiệp ước phân định vịnh Bắc Bộ Việt ngày 15-4-2004. Ngày 19 tháng 11, Trung Quốc biểu dương thực tế bằng cách dùng tầu Nam Hải lại kéo dàn khoan nổi Kantan 3 đến vùng biển tranh chấp. Tệ hơn nữa, khi ông Dũng đang tham luận với Võ Đại Vỹ về biên giới biển trong hai ngày 27 và 28 tháng 12 cùng năm, họ loan báo trên đài phát thanh bắt giữ 9 tầu đánh cá và 80 ngư phủ VN. Hai tuần sau, đài BBC loan tin trong đêm 9-1-2005, tầu tuần họ bắn chết 8 ngư phủ. Báo Thanh Niên và Tuổi Trẻ tường thuật là: “Tầu lạ mang cờ nước ngòai”. Ngày 3-7-2007, ông Dũng họp với Ôn Gia Bảo về vành đai bờ biển dọc theo vịnh Bắc Việt, một tầu đánh cá VN bị hải quân Trung Quốc bắn chết một ngư dân và làm bị thương nhiều người khác. Họp xong, chính phủ VN ra thông cáo: Nhất trí nghiêm chỉnh nhận thức chung, xử lý thỏa đáng trên biển, gìn giữ ổn định biển Đông ở cấp cao hai nước.

Cụ nhăn mặt với những…quan chức cầm đầu cả nước gì mà “nhất trí” ít học, thiếu cơ sở văn hóa với “xử lý”, “cấp cao” như vậy, thi chú em đã bới bèo tìm bọ tiếp:

Những người chủ trương nhượng bộ để cầu hòa, mong giữ vững chế độ và quyền lực của phe nhóm và ngay cả quyền lợi của chính họ là ông Linh, ông Anh, ông Mười và ông Phiêu. Hai nước chính thức quan hệ ngọai giao khi ông Mười và ông Kiệt sang Trung Quốc vào tháng 11-1991. Theo thời gian, với kinh tế dính liền với quân sự, Trung Quốc đã thay đổi vì dân số tăng gia, họ nhìn biển Đông như một nguồn dầu hỏa khổng lồ mà theo họ gọi là “Vùng không gian sinh tồn mới”. Vì vậy mỗi lần có tranh chấp, phái đòan VN lại bối rối khi Trung Quốc…thu hồi đất cũ là Hòang Sa năm 1974, chính phủ VN không có một lời phản đối. Vì đất cũ này, họ đưa ra luận cứ rất vu vơ là họ khám phá ra từ đời…nhà Hán, người Hoa đến Hòang Sa từ đời…nhà Tùy.

Sau khi họ đánh Trường Sa vào năm 1988, Bộ ngọai giao khuyến nghị chính phủ Mặc dù Trung Quốc là nước xã hội chủ nghĩa nhưng họ chỉ nghĩ đến quyền lợi của họ. Nhờ tiếp thu rộng rãi với nước ngòai tân tiến, cũng ngay sau năm 1988, ông Bộ trưởng ngọai giao Nguyễn Cơ Thạch đã đề xuất với Bộ chính trị chính sách ngọai giao mới là “phá thế bao vây” với lời lẽ: Chúng ta chẳng thể giữ mãi suy nghĩ của 40 năm trước, là chỉ có phe xã hội chủ nghĩa mới quyết định sự phát triển của lòai người. Mà chúng ta không nên phủ nhận thành tựu của phe tư bản trong 200 năm vừa qua.

Do một số nhà ngọai giao tiết lộ vì bất mãn với Bộ chính trị “lúc nào cũng phải nhìn theo nét mặt của anh hai Trung Quốc”, trong văn kiện đáp lại qua cuộc tranh chấp vừa rồi, ông Thạch công nhận có lá thư của ông Đồng nhưng lập luận: Trong bối cảnh lịch sử cuộc chiến đấu và ngăn chặn Mỹ sử dụng hai quần đảo trên biển Đông. Lời tuyên bố của nhà lãnh đạo chúng tôi với qúy quốc trước kia là cần thiết. Điều đó không liên quan gì đến nền tảng pháp lý và lịch sử về chủ quyền của VN trên hai quần đảo Trường Sa và Hòang Sa. Và đưa ra luận chứng của Odgaard: Việc khám phá ra một hòn đảo thật ra không có nghĩa là có chủ quyền ở đảo đó. Trung Hoa không có một họat động hành chánh, quân sự hay bất cứ điều gì khác trên vùng đảo Trường Sa trước năm 1988.

 

Để trả lời đất cũ của họ từ đời nhà Hán, nhà Tùy, phát ngôn viên bộ ngọai giao đưa ra chứng tích cùng cổ vật qua báo Sài Gòn Giải Phóng. Báo này đăng một bài biên khảo của Hà Văn Tấn, Viện trưởng Viện Khảo Cổ viết là đã đào được những di tích di chỉ đồ sứ của VN từ thế kỷ 13 ở các đảo Nam Nết, Song Từ Tây, Sơn Ca, Sinh Tồn Lớn, Pha Vinh, An Bang để chứng minh chủ quyền lâu đời của VN trong vùng Trường Sa. Trung Quốc phản đối thì trống đánh xuôi kèn thổi ngược, lấn lướt qua Bộ ngọai giao, Bộ chính trị đổ lỗi là: Chỉ là tin tức của báo địa phương.

 

Trắng mắt như con tinh, cụ nhìn trang giấy kế tiếp của chú em lòi tói ra…tin tức địa phương: Đại sứ Trung Hoa tại Hà Nội là Trương Đức Duy, vốn là thông dịch, rất thạo tiếng Việt. Ông lục lọi Sách giáo khoa địa lý lớp 9 phổ thông của Bộ giáo dục VN viết:

“…Từ những hòn đảo, quần đảo Nam Sa, Tây Sa, đến đảo Hải Nam, đảo Đài Loan, cụm đảo Bành Hổ, cụm đảo Chu Sơn là một hình cánh cung tạo nên bức Vạn lý trường thành Trung Quốc…”.

Từ Sách giáo khoa địa lý lớp 9, Mẫn Lực, tác giả Mười năm chiến tranh Trung Việt ở trang 138 viết: “Những bản đồ trong sách giáo khoa đều in rõ những hòn đảo Tây Sa, Nam Sa đề là lãnh thổ của Trung Quốc”. Trang 55 viết: “Từ năm 1958, Thủ tướng Việt Nam Phạm Văn Đồng đã thông báo cho Thủ tướng Châu Ân Lai rõ ràng xác nhận hai quần đảo Tây Sa, Nam Sa thuộc Trung Quốc”.

Chẳng phải đợi đến mười năm chiến tranh Trung Việt. Từ năm 1977, ở miền Nam có nguồn tin cho rằng ông Phạm Văn Đồng chỉ là người thừa hành chứ không phải là tác giả Công hàm 14-9-1958. Vì trước khi ký công hàn này, ông Phạm Văn Đồng có bàn bạc với ông Hồ Chí Minh và vấn đề còn được đưa ra bàn ở “cấp cao nhất” nữa.

 

***

Đọc đến đoạn “…Bùi Minh Quốc lặn lội tới tận ải Nam Quan xem có đúng là cột mốc có bị rời 100 thước hay không thì…thì cũng bị bắt luôn.…” mà chú em vẫn chưa về. Đến giờ ra phi trường vào Nam, cụ xách xấp giấy leo lên “xe con” đọc tiếp. Nghĩ đến vào Nam, thể nào cụ cũng ghé con đường gần chân cầu Thị Nghè có tên: ”Hoàng Sa” để chụp một tấm ảnh. Nhưng nghĩ chó dại từng mùa người dại quanh năm nên cụ lại bỏ ý định ấy đi, vì nhà thơ Lý Đợi cũng chỉ vì chụp “tấm bảng tên đường” ấy mà bị nhúm.

Trên đường ra sân bay Nội Bài, hai bên phố vắng bóng người, cụ chỉ thấy nhăm bò vàng đang chúi đầu vào nhau đọc báo về Hoàng Sa Trường Sa. Hóa ra không phải những người dân Thái Bình biểu tình đòi đất căm dùi. Thấy mặt mũi họ hơi bị căng thấy rõ, nhìn đã thấy “hoàn cảnh”, bụng dạ cụ nhói lên một cái như bị thốn hay là chú em bị túm tó rồi cũng nên. Tên nhà thơ Lý Đợi như một gợi nhớ, cụ hong hanh nhơ tới một bài thơ của ai đó có cái tựa đề: “Vì biểu tình phản kháng Tầu chiếm đất của Ta mà bị bỏ tù”. Cùng thi tứ, ông nhà thơ này giải luận ra rằng nếu cứ như vua Quang Trung, Lê Lợi có sống dậy cùng dân chống Tàu xâm lăng thì cũng bị bắt chứ họ chẳng kiêng nể một ai.

Bỗng khi không nom nhòm thấy mấy bò vàng là cụ sợ như bò thấy nhà táng. Chợt u u minh minh tới hai cụ vua Lê Lợi, Quang Trung đang cỡi voi đi qua nhà tù Hỏa Lò và hướng về quãng trường Ba Đinh để cùng dân đi biểu tình chống Tàu xâm lăng.

Thế là cụ len lén giấu biến tập Đảo chìm biên niên ký truyện vào cái túi xách tay.

Phi Ngọc Hùng

(hoàn tất năm 2008

hiệu đính năm 2013)

 

 

Nguồn:

Sau bức màn đỏ – Hoàng Dung

Bên thắng cuộc – Huy Đức

Đảo chìm – Trần Đăng Khoa

 

 

 

 

©T.Vấn 2015

***

Phụ đính:

– Đời nhà Nguyên thế kỷ 13, ông Châu Đạt Quang với 30 năm ngược xuôi trên biển cả và để lại tập Chiêm Thành phong thổ ký, cẩm nang hải hành cho những người đi sau. Nhưng Chiêm Thành phong thổ ký không thấy ghi hai quần đảo trên đường đi biển.

Năm 2006, một nhà biên khảo ở Hà Nội tìm thấy một tấm đồ thị có tên là Việt Nam địa dư đồ lưu trữ ở Anh Quốc, do Xa Khâu Từ Diên Húc đời Thanh sọan vào thời Gia Long. Tấm bản đồ này được vẽ theo lối hiện đại, phía bắc ở trên, phía nam ở dưới, bên phải là phía đông, bên trái là phía tây. Bản đồ có những chi tiết ghi tất cả các tỉnh của nước ta vào thời Nguyễn lúc bấy giờ như Cao Bằng, Tuyên Quang, Sơn Tây, Quảng Yên, Nam Định, Thanh Hóa, Phú Xuân, Quang Ngãi, Biên Hòa, Gia Định…

Trong bản đồ có ghi: Việt Nam quốc tòan đồ thuật lược, hiểu theo nghĩa là ghi chú tóm tắt và đánh dấu đất đai của ta thời ấy: Như “Nguyễn Quang Trung phụ tử cư” là thổ ngơi của cha con Nguyễn Quang Trung. Tới “Thử Việt vương Nguyễn Phúc Ánh diệt chi tọa độ thử” là Vua Nguyễn Phúc Ánh diệt họ rồi lấy đó làm kinh đô. Đặc biệt, tác giả bản đồ đã vẽ một vòng tròn ở tỉnh Phú Xuân, tô đậm và viết “VN quốc kiến đô” (chỗ đóng đô của VN).

Theo bản đồ, các đường biên giới phía bắc phân định Trung Quốc với VN gần giống với hiện đại. Riêng bờ biển không giống lắm. Trên vùng biển có hàng chữ rất quan trọng, phía đông nam của biển đề “Tiểu Trường Sa hải khẩu”, phía dưới lại đề “Đại Trường Sa hải khẩu”. Rõ ràng, lúc bấy giờ nhà Thanh coi như đã công nhận vùng biển đảo Hoàng Sa là của VN, vì theo một số nhà bản đồ học cổ, tiểu Trường Sa là chỉ Hoàng Sa, còn đại Trường Sa chỉ quần đảo Trường Sa hiện nay.

– Thêm nữa, năm 2012, một người Hà Nội ở Hoa Kỳ tìm ra Trung Hoa bưu chính dư đồ. Tổng cục Bưu chính thuộc Bộ Giao thông của Trung Hoa Dân Quốc xuất bản lần đầu năm 1919 ở Nam Kinh bằng 3 thứ tiếng Trung – Anh – Pháp. Và tái bản năm 1939. Nhưng trong đó hoàn toàn không có địa danh nào ghi chữ “Xisha” và “Nansha” (tức Tây Sa/Hoàng Sa và Nam Sa/Trường Sa) thuộc chủ quyền của Trung Hoa.

clip_image004

Đời nhà Minh thế kỷ 14 và 15 với “Con đường gốm sứ và tơ lụa trên biến” qua 7 chuyến đi về của Trịnh Hòa (1371-1435) tới tận đông Châu Phi và Mecca. Trên đường đi, đoàn thương thuyền của Trịnh Hòa tìm ra Cù lao Chàm. Ngày nay ở bãi Hương ở Cù lao Chàm có miếu cổ tên Thái Giám thờ thái giám Trịnh Hòa vẫn còn đấy.

Qua hải hành ký với 7 chuyến hải hành và hải đồ “Địa Trung Hải phương Đông” của Ba Tư đều không thấy ghi chú Hoàng Sa, Trường Sa, ngoài Cù lao Chàm.

– Năm 1650-1653, thời Lê Thần Tông và Trịnh Tráng, sách Thiên nam tứ chí đồ thư, gồm 4 quyển do Ðổ Bá, tên tự là Ðạo Phủ soạn và cho biết: “Vua Lê Chúa Trịnh mỗi năm vào cuối mùa đông, đưa 18 chiếc thuyền đến đảo gom nhặt súng đạn của tàu đắm trôi dạt vào nhặt được phần nhiều là vàng bạc, tiền tệ. Chỗ bãi cát ấy cũng có đồi mồi”.

– Vào thời Hậu Lê trùng với đời nhà Thanh, năm Cảnh Hưng thứ 36, Lê Quý Đôn được cử làm Tổng Tài Quốc Tử Quán, coi việc tục biên quốc sử và địa dư. Cùng với Nguyễn Hòan, ông sọan tập Lê Triều thông sử, Kiến văn tiểu lục, v..v..và nhất là Phủ biên tạp lục khi ông được cử làm Hiệp trấn tham tán quân cơ ở phủ Thuận Hóa (1776). Trong sách biên chép khá tường tận về xứ Đàng Trong (nhất là xứ Thuận Hóa và xứ Quảng Nam) ở thế kỷ 18 về lịch sử, văn hóa thuộc chế độ các vương triều Lý, Trần, Lê.

Phủ biên tạp lục có thể được xem là sách địa dư chí, hay bút ký chép lẫn lộn những điều thấy nghe, từ một cõi biên thùy đến thành quách, núi sông, đường xá, v…v…

Theo Lê Qúy Đôn thì vào năm 1772 đời Lý Anh Tông, nước ta có quyển địa lý đầu tiên là Nam Bắc phiên giới địa đồ. Đời Lê, thời Hồng Đức thứ 21 có Thiên hạ bản đồ. Đầu thế kỷ 17, nhà Hậu Lê đính kèm vào thêm bản đồ cuộc nam chinh bằng đường biển của Trịnh Sâm qua Thuận Quảng. Nhà chúa có vẽ thêm đảo (Trường Sa) này vào chuyến hải hành. Nhưng rất tiếc tấm chiến đồ nay bị thất lạc.

Tiểu Trường Sa được nhắc đến qua cuộc nam chinh bằng đường biển, qua chiến đồ của Chúa Trịnh Sâm.

– Đến thời Nguyễn với Đại Nam nhất thống chí toàn đồ được biên soạn hoàn bị hơn. Hoàng Sa và Trường Sa là hai quần đảo mà các Chúa Nguyễn đã đưa người ra khai thác hải sản. Sách Đại Nam nhất thống chí toàn đồ có ghi tên hai quần đảo vào thời Gia Long và Minh Mạng.

Gia Long, năm 1816 chính thức thiết lập chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo trên. Đại Nam nhất thống toàn đồ, bản đồ vẽ năm 1838 của nhà Nguyễn đã đặt tên hai quần đảo là Hoàng Sa và Vạn Lý Trường Sa.

Năm 1804, vừa lúc Gia Long lên ngôi, đặc sứ người Anh Sir Robert Macarthay thương thuyết với Gia Long để thuê Vạn Lý Trường Sa làm trạm ngừng chân trước khi đến Quảng Châu và các nước lân cận nhưng thất bại.

Triều Minh Mạng, Phan Huy Chú sọan Địa dư chí, theo lệnh vua đổi tên làng xã và dinh trấn. Vì vậy có giả thuyết cho rằng Tiểu Trường Sa được đổi tên vào thời Minh Mạng. Tuy nhiên, người sau tìm thấy trên đảo Hòang Sa có bia ký Minh Mạng năm thứ 40, nhưng không ai đề cập đến tên đảo. Năm 1841 Thiệu Trị lên ngôi, chỉ trong vòng một năm, hiệu đính Địa dư chí để hòan thành Đại Nam thống chi.

Nhưng trong Đại Nam thống chi cũng không thấy tên đảo Tiểu Trường Sa.

Thất bại với Gia Long, sau Sir John Crawfurd tiếp xúc với Minh Mạng về Cù lao Chàm nhưng cuối cùng cũng không thành. Đến khi chiến tranh nha phiến, qua hiệp ước Nam Kinh, người Anh thuê được Hồng Kông thay vì Cù lao Chàm hay Vạn Lý Trường Sa.

– Từ Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quí Ðôn viết năm 1776, mà Đại Nam nhất thống chí toàn đồĐịa dư chí của nhà Nguyễn về sau, phần lớn cũng dựa theo đó mà viết theo, như:

”Xã Yên Vĩnh, thuộc huyện Bình Sơn, phủ Quảng Nghĩa. Về hướng đông bắc, ngoài biển có nhiều đảo cát vàng (tức đảo Hoàng Sa), chiều dài ước chừng hơn ba mươi dặm, bằng phẳng và rộng lớn, nước trong veo nhìn suốt đáy. Ở bên các hòn đảo, có vô số tổ yến, còn các thứ chim thì kể đến hàng nghìn con, hễ thấy người chúng vẫn đậu quanh người, không hề tránh né. Kề bên bến, có rất nhiều hải vật lạ lùng. Có thứ ốc nhiều rằn mang tên là ốc tai voi, lớn như chiếc chiếu. Vỏ ốc ấy, nếu người ta vót đẽo, có thể làm thành bia, cũng như dùng vỏ ốc làm thành vôi để sơn quét nhà cửa”.

Tiếp theo là: “Ngày trước nhà Nguyễn có thiết lập đội thuyền đi biển gồm 70 suất, lấy người ở xã Yên Vĩnh bổ sung. Mỗi năm họ luân phiên nhau đi biển, lấy tháng giêng ra đi nhận lãnh chỉ thị làm sai dịch. Ðội này được cấp mỗi người sáu tháng lương. Họ chèo năm chiếc thuyền nhỏ ra ngoài biển cả ba ngày ba đêm mới đến đảo (tức đảo Hoàng Sa). Họ tha hồ lượm lặt, tự ý bắt chim, bắt cá làm đồ ăn. Họ lượm được những đồ vật như gươm, vàng bạc, đồ đồng, đồ sứ… Họ còn lượm nhặt những vỏ đồi mồi, những con hải sâm, những hạt ốc vân (ốc tai tượng) rất nhiều.

Ðến kỳ tháng tám, thì đội thuyền đi biển ấy mới trở về cửa Eo, rồi họ tới thành Phú Xuân trình nạp các vật đã lượm nhặt được. Người ta cân và định xong đẳng hạn các sản vật, rồi mới cho đội này bán riêng những con ốc vân, hải sâm, hải ba. Bấy giờ đội ấy nhận lãnh thưởng trở về nhà, những vật hạng lượm nhặt được ngoài biển có khi nhiều, có khi ít không nhất định, cũng có lần họ ra đi rồi trở về không”.

– Năm 1920, chính quyền Pháp là nhà nước bảo hộ Đông Dương, dựa vào biên bản phân giới mặt biển tính theo đường ranh giới Brevié cũ của hiệp ước Pháp-Hoa năm 1887. Chính quyền Pháp đã tuyên bố chủ quyền và hiện diện trên cả Hoàng Sa và Trường Sa. Năm 1946, quân đội Pháp đưa quân kiểm soát Hoàng Sa.

Cùng năm 1946, quân đội Tưởng Giới Thạch đổ bộ lên đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa và đảo Itu Aba thuộc Trường Sa. Năm 1950 họ rút quân về.

Năm 1951, Mao Trạch Đông mới đặt vấn đề “bảo lưu chủ quyền” của Trung Hoa về Nam Sa (Hoàng Sa), Tây Sa (Trường Sa) với Hồ Chí Minh.

Năm 1954, theo Hiệp định Genève, Hoàng Sa thuộc phía nam vĩ tuyến 17, đương nhiên thuộc về chính quyền miền Nam.

Nhưng đến tháng 4-1956, khi lực lượng Hải quân VNCH ra tiếp quản, hai đảo lớn nhất đã bị “quân giải phóng Trung Quốc” chiếm mất.

Trên thực tế, chính quyền VNCH vẫn liên tục điều hành 4 đảo chính: Pattle (Hoàng Sa), Robert (Cam Tuyền), Ducan (Quang Hòa Đông) và Drummond (Duy Mộng).

Từ năm 1956, việc tranh chấp hai đảo bị Trung Quốc chiếm đóng vẫn tiếp tục diễn ra giữa Việt Nam Cộng Hòa và Trung Quốc. Năm 1974, Hải quân VNCH phát hiện toán quân Trung Quốc trên hai đảo Ducan và Drummond.

Ngay sau đấy: Ngày 19-1-1974 hải quân của chính phủ miền Nam khai hỏa vì Trung Quôc mang tầu chiến tới chiếm Hòang Sa.

Bài Mới Nhất
Search