T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không : Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 82)

clip_image001

Chữ nghĩa làng văn

Truyện dài Việt Nam đã xuất hiện trước thời gian có hình thức truyện dài hiện đại khá lâu, dưới dạng truyện thơ Nôm như Trê Cóc, Phan Trần, Hoa Tiên, Nhị Ðộ Mai, Ðoạn Trường Tân Thanh… Có thể nói dân tộc Việt Nam đã thấm nhuần không khí truyện dài từ lâu. Ta không có truyền thống truyện dài viết bằng chữ Hán.

Cuốn ‘Hoàng Lê Nhất Thống Chí’ của nhóm Ngô Gia văn phái viết theo lối Tam Quốc Chí là một cuốn truyện dài lịch sử khá đặc biệt trong văn chương Việt, nhưng tiếc thay một con én lạc loài không tạo được mùa xuân.
Dầu sao truyện dài Việt Nam cũng phát sinh từ truyện dài Nôm và ít ra cũng từ thế kỷ XIV. Nhờ đó khi chữ quốc ngữ bắt đầu ổn định trong Nam, Nguyễn Trọng Quản có ‘Truyện Thầy Lazaro Phiền’ 1887 đặt bước chân đầu tiên vào lãnh vực truyện dài mới và thập niên thứ nhì của thế kỷ này, truyện dài ‘Chăng Cà Mum‘ 1910 của Nguyễn Chánh Sắt, ‘Hoàng Tố Anh hàm oan‘ 1910 của Trần Chánh Chiếu, ‘Phan Yên ngoại sử‘ 1910 của Phan Duy Toản, ‘Người Quay Tơ ‘ sau đó góp phần xây dựng những bước tiến vững chãi cho nền văn học Việt Nam.

(Nguyễn Văn Sâm – Vài suy nghĩ về truyện ngắn)

Dấu không đơn giản

Bà con có ai biết chức năng của dấu phẩy?

Xin trả lời nếu viết :
Con rưồi đậu, mâm xôi đậu
Kiến bò, điã thịt bò

hay :
Con rưồi đậu mâm xôi đậu
Kiến bò điã thịt bò
Hai câu có 2 ý khác nhau…hì hì

(Nguồn ĐatViet.com)

Giai thoại làng văn

Thập niên 1930-1940, trên diễn đàn văn học đất Bắc, có hai khuynh hướng báo chí đối lập nhau: một bên là Tự Lực văn đoàn với Phong Hoá, Ngày Nay và một bên là những tờ báo chống lại Tự Lực văn đoàn, như Tiểu thuyết thứ bẩy, Hữu Ích, Phổ Thông bán nguyệt san thuộc nhà xuất bản Tân Dân của Vũ Ðình Long, với các nhà văn như Nguyễn Công Hoan, Lê Văn Trương, Lan Khai, Tchya Ðái Ðức Tuấn, Trương Tửu…

Sự đối lập nghề nghiệp này tạo ra những cuộc bút chiến nẩy lửa hoặc những cách phê bình độc địa nhau trên mặt báo. Ngày nay đọc lại những bài tranh luận này, chúng ta thấy nổi bật khía cạnh hiềm tị cạnh tranh nghề nghiệp nhiều là hơn đối lập tư tưởng.

Chỉ riêng trường hợp đối chất giữa Khái Hưng-Nhất Linh và Vũ Trọng Phụng là có nguyên do sâu xa hơn, đó là sự đối lập tư tưởng và phong cách văn học giữa Khái Hưng-Nhất Linh và Vũ Trọng Phụng.

Sự bất đồng xẩy ra trên một số nét rõ ràng: Khái Hưng chê Vũ trọng Phụng chỉ nhìn thấy cái xấu trong con người và Nhất Linh chê vũ Trọng Phụng dâm ô. Vũ Trọng Phụng phản bác rằng mình chỉ nói lên sự thực. Thái độ này rất dễ hiểu, bởi Vũ Trọng Phụng đi ra ngoài hệ tư tưởng chính thống của  văn học đương thời.

Thập niên 30-40, trên văn đàn Việt Nam, có hai hệ tư tưởng nòng cốt: thứ nhất, đề cao cái đẹp, văn hay, phong cách lãng mạn, trong văn chương Tự lực văn đoàn, văn chương Nguyễn Tuân và Thơ Mới. Thứ nhì, vạch trần sự xấu xa của xã hội cũ trong các tác phẩm Tự Lực văn đoàn, vạch trần sự bóc lột của giai cấp giầu có, phía các nhà văn hiện thực như Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyên Hồng và các nhà viết phóng sự như Tam Lang, Nguyễn Ðình Lạp, Hoàng Ðạo…

Tại sao gọi là “Chệc”

Theo Lê Ngọc Trụ trong Tầm nguyên tự điển: Khởi nguyên là “chệc” từ tiếng Tiều gọi chữ “thúc” là em trai của cha tức “chú”. Người bình dân gọi là “chú chệc” (thím xẩm).

Vì chữ “chệc” khó phát âm nên nhiều người đọc chệch ra “chệt”.

(Phụ chú: “Chệc”: người Tiều. “Các chú”: người Quảng Đông.)

(Lê Văn Lân – Đặc san Phù Sa Sông Cửu)

Gái – ghế và ghệ

Giai đoạn 1963-1975, chiến tranh leo thang nên tình hình chung trong đó có thi ca phát triển rất chậm. Ngồi trong quán cáphê, ngồi trong rạp cinê, ngồi trong quán ăn và vấn đề thi ca thì tùy đối tượng, hết sức chọn lọc nếu không thấy cần thiết thì thôi? Tuyệt đối không có mang xổ thi ca ra mà làm cái gì? Rất là vô duyên.

Nhưng ngay lúc đó thì danh từ Gái được mau lẹ chuyển thành con Ghế, con Ghế thì cũng vẫn là con Gái , chưa có chồng và có con, nhưng có chỗ khác nhau là ngày xưa đi chơi với Gái thì thường là đi nhiều

Nhưng bây giờ đi chơi với Ghế thì cái sự đi lại rất ít (mà chỉ thường xuyên là ngồi).

Sau năm 1975, thời kỳ này là thời kỳ qúa độ, và mối tương quan ghế và gái vẫn như cũ chưa tiến thêm đuơc? Qua đây dần dần nghe thêm tiếng con Ghệ.

Con Ghệ thì cũng là con Ghế và con gái (y như nhau) nhưng con Ghệ nó tượng thanh và tượng hình hơn con gái và con ghế nhiều, con Ghệ lấy hình ảnh của con Cua, con Cà Ra, con Ghẹ ngoài bãi gành bãi biển, con ghẹ bò ngang, hình ảnh dẫn đến một cái giường, sự nằm để nghỉ ngơi nhiều hơn là…ngồi là…đi.

(Chu Vương Miện)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Cha ông xưa đúc kết được kinh nghiệm sống và truyền khẩu cho đời con cháu mai sau qua ca dao và thành ngữ…Nay con cháu mai sau đời sau chế tác “lung tung, trống kèn” những thành ngữ, danh ngôn cho riêng họ :

• Gần mực thì… bia, gần đèn thì… hút.

• Không mày đố thầy dạy ai.

• Bầu ơi thương lấy bí cùng, mai sau có lúc… nấu chung một nồi.

• Ai bảo chăn trâu là khổ, tôi chăn nàng còn khổ hơn  trâu.

• Khi có con mèo đen đi qua trước mặt bạn thì điều đó có nghĩa là nó đang đi đâu đó.

Mầu sắc…sống động

Trong “Trên đỉnh non Tản”, Nguyễn Tuân viết: “Ðêm đen rầm rồi đen ngòm rồi đen kịt.” Có phải đen rầm là như thể có lá màn đen vừa kéo kín hẳn, đen ngòm là ấn tượng đang nhìn vào một cái hang sâu, còn đen kịt là khi cái hang ấy đã đầy ngập…màu đen?

Trong “môi cô gái đỏ mọng”, “mặt đứa bé đỏ phính”, “chiếc nhọt đỏ tấy”, “người đàn bà trắng phốp”, “hạt thóc vàng mẩy”, “bờ ruộng xanh um”, “rừng tràm xanh mịt”, “nền trời xanh thẳm”, “trời xanh lồng lộng” v.v., rõ ràng đỏ, trắng, vàng, xanh đều xuất phát từ những ấn tượng “nổi”.

Màu sống động ba chiều không tả những mảng màu phẳng, mà tả những hố màu, những khối màu, những không gian màu. Ngoài màu, ta còn thấy bề sâu, chiều cao, độ dày, độ cong v.v.

(Thu Tứ – Tìm tòi và suy nghĩ)

Tục ngữ Tầu

Nhân lão tâm phất lão

(Người già tâm có già đâu)

(Nguyễn Lập Sơn – Dư Phát Linh)

Châu Ô

Tại vùng Bình Trị Thiên vốn là đất Châu Ô thuộc Chiêm Thành ngày xưa, vẫn còn câu ca dao nói về vùng đất và dân tình này như sau:

Ba Đồn là đất Châu Ô

Một đoàn vợ lính trảy vô thăm chồng

Gặp trộ mưa giông

Đàng trơn gánh nặng

Mặt trời đã lặn

Đèo Ngang chưa trèo

Khớp hòn đá cheo leo

Gặp o gánh

Chộ trú chăn tâu

Ba Đồn quan lính ở đâu?

Trong bài ca dao trên ta thâ ta thấy nhữ cổ ngữ của người Mường như “trảy” là chạy, “ló” là lúa, “chộ” là thấy, “tâu” là trâu..v..v..

Đồng thời bài ca dao có một chút nào âm hưởng với đèo Ngang của bà Huyện Thanh Quan và bài dân ca Trấn thủ lưu đồn ở Lạng Sơn miền Bắc.

(Thái Văn Kiểm – Ô Lâu tình sử)

Hồ Xuân Hương tân biên bản mục

Để hiểu quá trình dân gian hóa thơ được gọi là của bà Hồ Xuân Hương, hày tìm hiểu bài Chơi đu của Lê Thánh Tông:

Bốn cột lang nha khéo trồng

đánh cái, ả còn ngong

Vái thổ địa, khom khom cật

Khấn hoàng thiên, ngửa ngửa lòng

Lang nha: đầu làng – Đánh cái: chơi đu – Ngong: là ngóng.

Bài thơ rất gợi hình luc cái đu đánh xuống, người cúi xuống…vái đất. Khi cái đu hất lên, người ngửa ra…khấn trời.

Hai câu thơ tài tình của vua Lê bị “Hồ Xuân Hương hóa” với:

Trai cong gối hạc, khom khom cật

Gái uốn lưng ong, ngửa ngửa lòng

(Trần Nhuận Minh – Tạp chí Tân Văn)

Di xú vạn niên

Di xú vạn niên – Lưu lại, để lại tiếng xấu nghìn đời sau.

Tiếng Việt ta gọi là….“lưu xú vạn niên”.

Thơ tình

Trong Văn học miền Nam, Võ Phiến viết miền Nam ít thơ tình, rất ít. Theo tôi (là một người làm thơ): Trước thế kỷ thứ 19, đa số dân chúng Việt nam thường mượn ca dao – tục ngữ để quan hệ với nhau trong những buổi đồng áng như cày cấy, gặt hái và tát nước giã gạo vào ban đêm. Nên câu hò tiếng hát dân gian như hò vè, hát ví, hát đúm, hát quan họ….để trao đổi tình cảm. Văn chương bình dân giản dị dễ nghe, dễ thuộc, nên văn chương truyền khẩu dễ phát triển văn học dân gian. Trong khi các cô thiếu nữ đang cấy lúa thấy nam nhi đi qua đường thì hát ghẹo như vầy:

Hỡi anh đi đường cái quan – Dừng chân đứng lại em than đôi lời” hoặc là trai tán gái “Hôm qua tát nước đầu đình – Bỏ quên cái nón trên cành hoa sen”

Sang giai đoạn 1963, chiến tranh leo thang nên tinh hình chung trong đó thơ tình phát triển rất chậm. Đến năm 1972 chiến tranh tiến đến cái độ khốc liệt, thì quan hệ nam nữ lúc đó hình như vắng mặt hẳn cái anh thơ tình. Ấy là chưa kể đời sống mỗi lúc một vất vả, cuộc sống hết sức là bận rộn trong cuộc mưu sinh.

Thành ra ai ở không, thì sáng tác thi ca? Để cho chính mình đọc mà thôi? Không có người thứ hai? Cái anh không làm thơ được thì mơ ước làm thơ, còn cái anh làm thơ không ai cấm thì cũng không có ai có thì giờ mà ngồi đọc.

(Chu Vương Miện)

Ngộ Không

(sưu khảo)

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2015

Bài Mới Nhất
Search