T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Khuất Đẩu: NHỮNG VÒNG TRÒN XIẾC – Xiếc của mẹ(3)

clip_image002

Những Vòng Đời – Tranh : Mai Tâm

 

Xiếc của mẹ (3)

Con đường đất mà người bộ hành xa lạ đang đặt những bước chân bồi hồi, giống như một con trăn dài bất tận, nó lặng lẽ trườn mình qua những thôn xóm với những cau, những chuối, những rặng tre, những mái nhà… tưởng chừng là giống nhau nhưng có ở quê ra mới biết mỗi làng mỗi khác. Chẳng những khác về mức độ giàu nghèo, về phong tục tập quán, mà còn khác về cái mùi vị rất riêng của từng làng. Không phải mùi hoa bưởi hoa cau trong những đêm trăng, cũng không phải mùi trầm nhang trong những ngày tết, mà có khi là mùi bột chua chua của những lò bánh tráng, mùi hèm nồng nồng của các lò rượu, mùi đậu chín thơm béo của các lò ép dầu…

Làng, ông không còn nhớ tên, nhưng nhớ nó nằm cạnh một con sông mà hàng tre chạy theo ven bờ lúc nào cũng rì rào lá rụng. Thời gian bạc bẽo gần như đã xóa mờ đi tất cả chút ký ức mơ hồ của ông, ngoại trừ cái mùi mật đường của những lò cốm trong làng, một mùi đậm và gắt như mùi của những xóm vạn làm nước mắm, nhưng ngọt ngào và thơm tho hơn.

Khi nghe cái mùi không thể nào quên ấy, ông tin là đã về tới làng của mình.

Ông bước vào một hàng quán thấp đến nỗi phải cúi gần như sát đất mới chui vào được. Bà chủ quán, mà tuổi già và cái sự nghèo cũng giống như mái tranh mục nát, đang ngồi cời lửa bên cạnh ba ông táo bằng đất cùng đội trên đầu một cái om lọ nghẹ đen xỉn. Không cần hỏi cũng biết khách cần gì, nên bà liền đặt một chiếc bát sành trên cái chõng tre, với lấy cái gáo múc nước lạnh trong vò đổ vào chừng nửa bát, rồi dùng một cái kẹp bằng tre nhấc cái om đang sôi rót xuống long tong một thứ nước màu cánh gián. Bọt sủi lên tràn vun miệng bát, thơm mùi lá khô gọi là chè, vừa đủ chát để làm miệng bớt đắng và vừa đủ ấm để trôi qua cổ họng.

Thay vì, như những khách đường xa, bưng bát nước lên thổi bớt bọt rồi nín thở uống cạn một hơi, khà một tiếng, lại chìa bát ra cho bà rót thêm bát nữa thế mới đã khát, thì ông cứ ngồi nhìn những bọt trắng chậm rãi tan đi như bọt xà phòng. Có điều gì đó gần như niềm xúc động, vì đây là lần đầu tiên ông uống một bát nước chè, mà lại là bát nước chè mộc mạc của nơi chôn nhau cắt rốn.

“Uống đi kẻo nguội, mất ngon”, bà chủ quán giục.

“Ờ, bà cho xin thêm miếng cốm”.

“Cốm bắp hay cốm gạo?”

“Cốm gì cũng được”.

“Cốm bắp nghe, còn răng ăn cốm bắp ngon hơn”

Ông nhìn bà, hơi bất ngờ vì lời khuyên thật thà của một người mà hai hàm răng chỉ còn trơ hai cái lợi. Thực ra ông cũng chẳng còn đủ răng, nhưng nghe lời bà ông cũng cố mà nhai và cũng là lần đầu tiên ông thấy còn răng ăn cốm bắp ngon hơn, vì ngoài mùi vị ngọt thơm ông còn nghe thấy tiếng kêu rào rạo của những hạt bắp vỡ ra dưới những chiếc răng còn khỏe mạnh.

Ông ăn hết miếng cốm, uống cạn bát nước, định lân la hỏi thăm bà về người mẹ mà ông chỉ còn nhớ loáng thoáng hai hàm răng đen bóng sáng lên mỗi khi cười. Đúng lúc ấy, bà lão hỏi: “ngó bộ, chú không phải người quanh đây?” Ông định buột miệng: “tui là người của làng này mà”, nhưng cứ nghe cái giọng lúc nào cũng nẩy tưng tưng như những đồng bạc cắc rơi trên mặt đá khác hẳn với cái giọng bè bè ngang ngang của mình, ông nói: “ờ, không phải, tui ở nơi khác tới”.

“Thăm bà con hử?”

“Ờ, thăm bà con”, ông đáp lửng lơ.

Ông định nói “tui đi tìm mẹ”, nhưng chẳng biết mẹ tên gì, cao thấp ra sao, cùng lắm là phải biết vợ của ai, làm ông gì bà gì, chứ nói khơi khơi thì đố ai mà biết được, nên ông chỉ ngồi im nhìn bà lão, tự hỏi không chừng đây là mẹ của mình chăng? Ờ, biết đâu đấy, ông nghĩ, mẹ mình chắc cùng lứa tuổi với bà và ước chi bà là mẹ của mình, ông sẽ quỳ xuống bên cạnh, nắm lấy bàn tay nhăn nheo của bà mà nói, “con đây mà mẹ!”

Cũng có thể nãy giờ bà ngờ ngợ sao đó, cố đem cái hình ảnh của đứa bé đã mờ đi quá nhiều vì năm tháng ra so với người đàn ông đang ngồi trước mặt, rồi chợt mếu máo hỏi: “có phải chú là…là con của tui phải hôn?!”. Nhưng chẳng có dấu hiệu nào báo trước một cuộc đoàn tụ đầy nước mắt, bà chỉ lặng lẽ cầm lấy bát úp lên chỗ cũ, tắt bớt lửa trong bếp, rồi lấy cái cối giã trầu ra ngồi ngoáy như thường lệ. Ông đành đứng dậy trả tiền, ra khỏi quán, tiếp tục bước đi.

Lúc này đang vào giữa ngọ, trời nắng chang chang, cái bóng của ông như một bãi hắc ín xê dịch giữa hai bước chân. Vào giờ này mà đi như thế, ông giống như một lão thợ hoạn, chỉ khác là không có tiếng rao heo thiến hôn? mà cái tiếng “thiến” lúc nào nghe cũng lạnh và sắc như con dao.

Giờ là lúc những nong bắp phơi trước mọi nhà đang nóng rực lên, chờ được đổ vào những chiếc chảo rang. Bắp nóng gặp cát nóng liền đồng loạt nổ bung, cho ra một thứ gọi theo tiếng nhà nghề là “nổ”, trắng và thơm như bông bưởi. Ông nhận ra mình đã từng nghe tiếng nổ rào rào ấy, từng hít thở cái mùi thơm của nắng, của gió, của đất và cả mùi mồ hôi của mẹ trong những năm đầu đời. Nhưng người đàn bà nào trong làng này là mẹ của tôi? Và, trong số những mái tranh nghèo này, mái tranh nào là mái nhà của mình? Những câu hỏi bật lên một cách vô vọng khiến mắt ông như mờ đi.

Cuối cùng người khách lạ cũng tìm ra được ngôi nhà của mẹ mình, phải nói là nơi đã từng là nhà của mẹ thì đúng hơn vì chỉ còn trơ lại cái nền nhà với cỏ vàng hiu hắt. Khi ông bảo mình là đứa bé năm xưa theo mẹ ra chợ rồi đi lạc thì có một người già như bà lão đổi nước, nói: “vậy hả?, hồi đó trong làng xao xác dữ, té ra chú mầy là thằng Quạ đó sao?”, ông gật đầu và mơ hồ nhớ lại cái tiếng mẹ kêu “Quạ ơi, Quạ ơi, về nhà ăn cơm” vang lên văng vẳng, mà tiếng “ơi” bao giờ cũng ngân dài tha thiết.

“Chao ơi! bà ấy chết lên chết xuống! Ai cũng nói chắc là nó bị bắt bỏ vào bình để ngâm rượu, nghe nói thế sao mà không chết ruột chết gan!”.

“Rồi sau đó mẹ tôi ra sao?”, ông hỏi thêm.

“Thì bả lặn lội đi tìm chớ sao. Ban đầu là hỏi ông Sáu chèo đò, ổng bảo là có chở nó cùng với vợ chồng thằng cha hát xiệc. Sau đó bả đi coi thầy, thầy nói đại nó chưa chết đâu, bả cũng mừng”

Dừng lại bập bập điếu thuốc vấn bằng lá chuối khô, ông già nói tiếp: “Rồi bả bỏ cái chỗ này mà đi, chắc là đi tìm chú mầy chớ đi đâu, nhưng tận trong cái xứ Cà Mâu xa xôi, chắc gì tìm được! Còn chú mầy sao mãi bây giờ mới về? Muộn quá rồi!”.

Ừ muộn quá rồi! Từ khi đặt bước chân ở đầu làng, ông lờ mờ cảm thấy cái ngày trở về của mình đã quá muộn. Ông đứng nhìn những tàu lá chuối gió thổi te tua, nhìn lên nền trời bàng bạc, cố hình dung cái dáng hớt hơ hớt hãi của mẹ mình bương bả đi tìm con, thấy búi tóc mẹ sổ ra, thấy chiếc nón không đội trên đầu mà cầm trên tay, thấy đôi bàn chân không giày dép, hai gót chân nứt nẻ bám đầy bụi…

“Mà bả không bỏ đi lúc đó, ít năm sau cũng phải bỏ đi thôi”, ông già lại trầm ngâm tiếp tục câu chuyện của xóm làng trong đó có chuyện của chính mình, “làng bị thả bom cháy sạch trơn không còn cái nhà nào, bà vợ tui, tội nghiệp cũng bị chết thảm!”. Có dịp nhắc lại chuyện cũ, mắt ông đỏ hoe nhưng cũng chẳng còn giọt nước mắt nào để làm cho nó dịu bớt.

Ông đứng lên, “thôi tui về, chú mầy chắc còn ở lại lâu, bữa nào ghé lại tui chơi.”.

“Dạ, cụ về, cảm ơn cụ đã cho cháu biết ít nhiều về mẹ cháu.”

”ờ”, ông vẫn còn nấn ná, “bà ấy cũng tội nghiệp lắm, hết khổ vì chồng lại khổ vì con!”

Thế ra mình cũng có một người cha làm khổ mẹ như mình! Mình thì ham chơi mà đi lạc còn cha mình thì sao? Ông nghĩ rồi sẽ hỏi lần ông cụ, lâu nay ông chỉ nghĩ tới mẹ, mà quên mất mình hãy còn một người cha cũng cần phải nghĩ đến.

Ông tính mình sẽ mua tranh tre, cất một ngôi nhà nhỏ. Không gì quý hơn là có một mái nhà ngay tại nơi chốn mình đã sinh ra. Chính trên mảnh đất già cỗi này, cha mình đã cầm lấy cuốc ra góc vườn, đào lỗ đặt một cái nồi đất trong đó có đựng nhau của mình. Nó tuy không còn dính với khúc ruột, nhưng nó chưa chịu lìa xa, chưa chịu mất hẳn, nó hãy còn đâu đó và nối với mình bằng một dây rốn dài, nên chi, khi ông già nói “đây là vườn nhà của chú mầy”, thì tự dưng lòng ông nôn nao, tưởng chừng như mỗi cọng cỏ, mỗi lá cây đều có chút gì hơi hướng của ông.

Những ngày sau, khi phát cỏ dọn vườn ông bắt gặp một cái chảo gang đã bị vỡ, chảo rất to dùng để thắng mật trộn bắp, một cái nồi đất cũ để nấu cơm có con cóc làm hang ngồi trong đó, một con dao đã rỉ sét, mấy cái chén sành sứt mẻ. Ông cẩn thận lau chùi để qua một bên, hơi buồn khi nghĩ rằng đây là gia tài của mẹ. Rồi ông lại nhặt được một con dao găm, mấy hạt nút bằng đồng có hình mỏ neo, một khung ảnh lồng kiếng ố mờ, ông tin chắc là của cha mình xúc động đến muốn khóc, nhưng khi mở ra chỉ thấy lẫn lộn một thứ bột xam xám như tro chứ chẳng có hình ảnh nào cả.

Có mấy người bảo là bà con nghe ông về tới thăm, rồi giúp ông làm nhà. Một người là cậu họ, một người là em bạn dì, chẳng có ai là người bên nội. Hóa ra đây là quê ngoại, mảnh đất này là của ông bà ngoại cắt cho con gái, mẹ ông đã ở đây sau khi không sống được với chồng.

“Sao vậy?”, ông hỏi.

“Thì ghen chớ sao! Cha mầy đi lính Tây, hết giặc đem theo về một con đầm lai, ở sao nổi!”.

“Dạ cháu biết có nhiều người hai ba vợ mà vẫn ở chung”.

“Ở thì cũng được, nhưng phải hầu hạ nó như đầy tớ, chịu sao nổi!”

“Bà đầm ấy chắc đẹp?”

“Ờ, cũng đẹp và nó nghĩ rằng mình đẹp nên nó bắt ai cũng phải hầu hạ nó, kể cả chồng, cha mẹ chồng chứ không riêng gì mẹ mầy”.

“Thế, ông già của cháu giờ ở đâu?”

“Ở trong mả chớ còn ở đâu nữa. Hồi đó mà, dính tới Tây và Nhựt là bị giết!”

Người cậu họ ngần ngừ một lúc rồi thở dài, nói:

“Ông già mầy chắc cũng còn thương mẹ mầy, nên xác nằm trong bao bố rồi mà hồn vẫn cứ lẩn quẩn. Sáng hôm đó đứng giặt đồ dưới sông, mẹ mầy thấy một cái bao tấp vào chân không chịu trôi đi. Bớ làng bớ xóm kéo lên, mới tá hỏa thấy cha mầy nằm trong đó!”

Những trang sách của đời ông cứ dần dần được mở ra, cho dù qua lớp bụi thời gian, nó như vẫn còn mới nguyên, ở đó mẹ ông, cha ông đã để lại những thứ mà không ai muốn, là những tai ương, những đắng chát làm của để dành!

Ngôi nhà chừng 10 ngày đã làm xong, một cái nhà tranh vách đất. Bữa cúng mừng nhà mới còn có thêm ông cụ hôm nào. Cụ khen: “giỏi đấy, mới về mấy bữa mà đấ cất được nhà. À, có ông Bảy Quế đây, hèn nào cất nhà chẳng mau”. Ông Bảy Quế té ra là tên của cậu họ, giờ ông mới biết.

Ông rót rượu vào chén của mọi người, trịnh trọng: “xin mời cụ, mời cậu, mời chú em, xin cảm ơn đã thương mà hết lòng giúp đỡ”. Ông cạn chén, mắt rưng rưng. Đây là chén rượu mà ông tưởng chừng như đựng đầy nước mắt. Phải chi là chén cơm của mẹ thì ngon biết chừng nào!

Ông cụ cũng cạn chén nói: “Qua cũng mừng cho chú mầy, bị mẹ mìn bắt cóc mà nay vẫn tìm về được quê cha đất tổ là giỏi. Chớ mầy trôi nổi những đâu, vợ con thế nào rồi, mà nay về có một mình vậy?”

“Dạ!”, ông đáp lời, “chuyện của cháu dài lắm, thì cứ biết cháu còn sống ngồi đây với cụ, với cậu và chú em này là quý lắm rồi, chuyện gì nữa thì để nói sau”.

Ông Bảy Quế cũng nói thêm; “chắc là chuyện không vui, tôi cũng có hỏi nhưng cháu nó không nói, thôi uống đi anh Chín”.

Ông cụ thứ chín cạn thêm chén nữa, ngồi trầm ngâm không ăn, ông nói:

“Xứ này là xứ của Hời, ông bà mình nói, Hời nó đi để của lại nhiều lắm. Bao nhiêu là vàng bạc, châu báu, vua quan lấy hết đem về bắc. Còn lại cái đất này, toàn rừng thiêng nước độc, thì dành riêng cho những kẻ tội đồ, những người bị án chém mà chưa chém. Họ bị đưa vào đây nếu không chết vì bị dân Hời giết thì cũng chết vì lao dịch. Muốn sống họ cũng phải giết người”.

Ngừng một lúc, ông cụ lại thở dài:

“Tổ tiên ông bà mình đấy, sống như thế bảo sao con cháu không buồn!”

Tan bữa rượu, ai cũng bảo ông ráng kiếm một người đàn bà, đẻ vài đứa con để nối dõi. Ông cũng ậm ừ vậy vậy.

Cái buổi trưa hôm đó đã quét ngang qua đời ông như một cơn gió lớn. Chẳng những nhổ bật hết mọi gốc rễ mà còn ném ông vào cái dòng đời xa lạ, với những thác những ghềnh, khác hẳn cái ao làng bé nhỏ và tĩnh lặng này.

Giờ đây cái chợ quê nghèo nàn đã không còn, chẳng có gì làm chứng cho cuộc chia ly ngoài cái bến đò mà ông lái đã chết từ lâu. Trên khúc sông đó, nay vắt vẻo một cây cầu, nơi bọn trẻ ngày nào cũng chạy ùa ra nhảy tòm xuống tắm.

Ông về tới làng đã gần tròn năm. Cây trái trong vườn cũng đã lên xanh. Đã ra vẻ một gia đình, nhưng chỉ có mỗi mình ông ra vào thui thủi.

Ông hãy còn một người mẹ, thật khó mà tin rằng bà vẫn còn sống đâu đó trên cái đất nước nhiều đạn bom và bất trắc này, nhưng ông vẫn cứ thấp thỏm chờ.

Một buổi chiều nắng đẹp, ông đang ngồi nhìn những đám mây trắng trên trời, bỗng có một người da đen đi vào sân. Đó là một người đàn bà chừng hơn 40 tuổi, da đen nhưng không đen lắm, dáng người vừa phải thon gọn chứ không to bè.

“Xin cho hỏi, đây có phải nhà bà Lữ không?”

“Ờ, à…phải, nhà của bà ấy” ông lúng túng “nhưng bà ấy không có ở đây”

“Tôi biết rồi, bà ấy ở Mỹ!”

“Ở Mỹ?”, ông hỏi lại như chưa tin vào tai mình.

“Vâng, ở Mỹ. Và ông là Quạ?”

“Ờ, vâng..vâng” ông bối rối. “nhưng mà cô là ai?”

“Tôi là con bà ấy!”

“Ơ! Và cha cô là…?” Ông nghĩ rất nhanh: sao lại như thế hở Trời, sao mẹ tôi đi lấy Mỹ mà lại là Mỹ đen!

“Vâng, cha tôi là người Mỹ, nhưng không phải là giặc Mỹ! Ông ấy là một bác sĩ tình nguyện đến chữa bệnh sốt rét ở Cà Mâu. Ổng gặp một người đàn bà đi tìm con lưu lạc xuống tận dưới đó. Hai người lấy nhau ra sao tôi không biết, chỉ biết khi sinh tôi ra được một tuổi thì ổng bị giết. Việt cộng bảo là CIA!”

Ông thở dài, định nói “cô cũng chẳng khác gì tôi, cả hai có cha cùng bị Vixi giết” nhưng kịp dừng lại.

“Chúng tôi qua Mỹ theo diện con lai. Được 29 năm thì mẹ tôi mất.”

Ngừng một lúc, nhìn ông, nhìn căn nhà, bà nói tiếp.

“Chắc ông cũng mới về làng?”

“Ờ, mới về”. Ông áy náy về cảnh nhà cửa trống trơn.

“Mẹ nói, dễ tìm ra làng mình lắm, cứ nghe mùi cốm là tới đúng làng An Đông. Có phải là An Đông không?”

“Phải!” Ông sực nhớ ra mình cũng mới biết tên làng.

“Mẹ nhớ anh khóc miết. Gần chết thì khóc nhớ làng”.

Bà ngừng nói, đặt vào tay người anh không cùng cha một chiếc hộp nhỏ.

“Đây là tro của mẹ!”

Gần như choáng váng, ông không thể ngờ là mẹ lại trở về tìm con trong chiếc hộp này. Ông ngập ngừng muốn mở ra xem nhưng lại thôi. Ông chỉ nhẹ nhàng ghì sát vào ngực, thầm kêu lên nho nhỏ: “Mẹ ơi, con đây mẹ!”

Sau một lúc yên lặng, người em nói:

“Mẹ dặn, nếu không gặp được anh thì rải tro xuống sông”

“Rải xuống sông à?” ông vẫn chưa hết bàng hoàng.

“Vâng, nhưng gặp được anh thì…“

“Thì sao?” ông lo lắng hỏi.

“Thì vùi đâu đó trong vườn”

“Sao không đặt trong mộ?”

“Mẹ muốn như vậy”

Ông muốn đắp cho mẹ một ngôi mộ nhỏ, dựng bia, để rồi có những lúc buồn đến ngồi bên mẹ. Nhưng mẹ đã muốn không còn ai biết đến mình nữa, thì đành vậy. Ông nói:

“Ờ, tôi, à anh sẽ làm theo ý mẹ”.

Ông lấy cái nồi đất đã nhặt được hôm dọn vườn, đặt vào lòng nó chiếc hộp tro. Ngó ra vườn, thấy không có chỗ nào sạch và đẹp như khoảng sân trước nhà, ông liền đào ở đó một cái lỗ vừa đủ đặt cái nồi vào. Lấp xong đất, mỗi người cắm ba nén nhang.

Trong khi mùi nhang hòa cùng mùi cốm thơm đến nghẹn ngào, họ chìm trong yên lặng. Hai người ngồi lại rất lâu, ngồi mãi cho đến khi nắng tắt hẳn trên sân.

Bên ngoài có một chiếc xe đang chờ sẵn. Người em đứng lên chìa tay ra, ông hiểu ý nắm lấy.

“Thôi chào anh, em đi!”

Ông cũng nói: “Đi mạnh giỏi!”

Còn lại một mình ông cố hình dung ra mẹ, nhưng chỉ thấy những hạt bụi cuốn sau xe bị gió thổi tung lên cùng với rác trên đường, cuộn tròn như đang làm xiếc.

(Hết)

tháng 12, 2015

Khuất Đẩu

 Xiếc của người (1)   Xiếc của con (2)

 

 

 

©T.Vấn 2016

Bài Mới Nhất
Search